Một số vấn đề lý luận chung về tiền lương trong doanh nghiệp
VnDoc xin giới thiệu bài Một số vấn đề lý luận chung về tiền lương trong doanh nghiệp được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Một số vấn đề lý luận chung về tiền lương trong doanh nghiệp
1. Bản chất của tiền lương
Trước đây, người ta coi tiền lương như là một bộ phận của thu nhập quốc dân biểu hiện dưới hình thái tiền tệ được nhà nước phân phối có kế hoạch cho người lao động phù hợp với số lượng, chất lượng lao động của mỗi người đã cống hiến cho xã hội. Về bản chất, tiền lương không được xem là giá cả sức lao động, nó là một khái niệm thuộc phạm trù phân phối.
Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương là biểu hiện bằng tiền của giá cả sức lao động, nó là giá trị của sức lao động mà người sử dụng lao động phải trả cho người cung ứng sức lao động. Giá này được hình thành thông qua quan hệ cung cầu trên thị trường sức lao động trong khuôn khổ của pháp luật hiện hành. Về bản chất, tiền lương được xem là giá cả của hàng hóa sức lao động, nó là một yếu tố thuộc về phạm trù chi phí.
Ngoài ra đôi khi người ta còn sử dụng khái niệm tiền công, đó là một biểu hiện khác của tiền lương. Nó là số tiền thỏa thuận cho việc mua bán sức lao động trong các hợp đồng thuê lao động có thời hạn. Trong nhiều trường hợp, tiền công còn được hiểu là số tiền được trả cho một đơn vị thời gian lao động hoặc theo một khối lượng công việc được thực hiện thông qua sự thỏa thuận của người mua và người bán trên thị trường tự do.
2. Ý nghĩa của tiền lương trong doanh nghiệp
Đối với chủ doanh nghiệp: Tiền lương là một yếu tố quan trọng của chi phí sản xuất, mục đích sản xuất kinh doanh của chủ doanh nghiệp là để thu lợi nhuận tối đa, muốn vậy người sử dụng lao động cần phải cực tiểu hóa chi phí tiền lương. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng vì tiền lương ngoài bản chất là chi phí nó càn là phương tiện để tạo ra giá trị mới. Với một mức chi phí tiền lương thấp các doanh nghiệp sẽ không huy động được sức lao động cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp, điều này dẫn đến việc giảm quy mô hoạt động của doanh nghiệp đồng thời làm giảm lợi nhuận. Mặt khác với mức tiền lương thấp, người lao động sẽ không có động lực làm việc mạnh mẽ nên năng suất lao động thấp làm cho tỷ lệ chi phí tiền lương trong sản phẩm tăng lên kéo theo tỷ suất lợi nhuận giảm.
Với một mức lương cao, doanh nghiệp sẽ có khả năng lôi kéo thêm lao động giỏi để mở rộng sản xuất, tăng quy mô hoạt động làm tăng quy mô lợi nhuận. Việc mức lương cao sẽ có tác dụng tích cực trong việc tạo ra động lực làm việc mạnh mẽ cho người lao động nhờ đó mà nâng cao năng suất, cải thiện tỷ suất lợi nhuận. Tuy nhiên việc trả lương cao có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc gia tăng quy mô chi phí, đặc biệt là trường hợp tốc độ tăng tiền lương nhanh hơn tốc độ tăng của năng suất lao động.
Tóm lại, đối với chủ doanh nghiệp tiền lương vừa là yếu tố chi phí cần được kiểm soát song tiền lương cũng lại vừa là phương tiện kinh doanh nên cần được mở rộng, để giải quyết mâu thuẫn này doanh nghiệp cần phải xây dựng một chính sách tiền lương đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.
Đối với người lao động: Tiền lương chính là sự bù đắp những hao phí lao động mà họ đã bỏ ra, đó là nguồn thu nhập của họ, ở khía cạnh này họ mong muốn được trả lương cao. Tiền lương thỏa đáng sẽ kích thích nhiệt tình lao động của nhân viên nhờ đó mà tạo điều kiện tăng năng suất, chất lượng dẫn đến tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và qua đó gián tiếp làm tăng phúc lợi cho người lao động.
Tiền lương thấp sẽ làm kiệt quệ sức lao động của nhân viên, làm hạn chế nhiệt tình lao động của họ, điều này dẫn đến tình trạng công nhân bỏ việc làm, đình công hoặc làm việc uể oải năng suất thấp kết quả là lợi nhuận doanh nghiệp giảm, thua lỗ.
Người lao động cũng không thể đòi hỏi tăng lương quá cao vì điều đó sẽ làm cho doanh nghiệp phải xem xét lại kế hoạch sử dụng lao động khi chi phí sử dụng lao động cao lên như cắt giảm quy mô sản xuất hoặc ngưng sản xuất, đầu tư chiều sâu để tăng năng suất lao động... tất cả điều này đều dẫn đến kết quả là giảm quy mô sử dụng lao động cũng có nghĩa là làm cho cơ hội có việc làm ổn định của người lao động bị mất đi.
Xét ở khía cạnh khác, tiền lương còn được xem là sự tôn trọng và thừa nhận, giá trị của lao động được đo lường thông qua tiền lương đồng thời nó cũng thể hiện sự công bằng thông qua mối quan hệ tiền lương giữa các cá nhân.
3. Nguyên tắc hình thành mức lương trong doanh nghiệp
Sức lao động là một yếu tố cơ bản của mọi quá trình sản xuất kinh doanh, nó là phương tiện để kết hợp các yếu tố khác nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ cung cấp ra thị trường qua đó mà doanh nghiệp thu được lợi nhuận.
Mục tiêu của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận, việc tối đa hóa này được xác định thông qua mức sản lượng tối ưu, từ đó mà doanh nghiệp xác định được số lượng lao động tối ưu cần thuê . Trong nền kinh tế thị trường, sức lao động là một thứ hàng hoá đặc biệt được mua bán trên thị trường sức lao động có sự kiểm soát của chính phủ. Các doanh nghiệp muốn đảm bảo đạt được các mục tiêu kinh doanh của mình cần phải huy động được đầy đủ sức lao động theo đúng yêu cầu của công việc.
Tuy nhiên muốn thuê mướn được lao động theo yêu cầu, các doanh nghiệp cần phải mua sức lao động trên thị trường với một mức giá nào đó, mức giá này chính là mức lương mà doanh nghiệp phải trả cho người cung cấp sức lao động. Thường thì mức giá này do thị trường quyết định thông qua quan hệ cung cầu, nhưng đứng ở góc độ doanh nghiệp, các nhà quản lý cần phải cân nhắc giá nào thì nên mua và giá nào thì không nên tiếp tục mua mà chấp nhận cắt giảm quy mô sản xuất để đảm bảo tối đa hoá lợi nhuận. Về nguyên tắc trong dài hạn mức lương doanh nghiệp trả cho người lao động không được lớn hơn doanh thu biên của người nhân viên thuê cuối cùng.
4. Quan điểm hiện đại về chế độ thù lao và đãi ngộ trong doanh nghiệp
Trong doanh nghiệp người ta không chỉ quan tâm đơn thuần đến lương bổng với tư cách là thù lao lao động mang tính chất tài chính, mà còn phải quan tâm đến những đãi ngộ khác phi tài chính. Sau gần một thế kỷ, các lý thuyết gia về quản trị mới khám phá ra rằng tại các nước công nghiệp, vật chất như lương bổng và tiền thưởng chi là một mặt của vấn đề. Tại nhiều nơi, đãi ngộ phi tài chính ngày càng quan trọng hơn. Đó chính là bản thân công việc, và môi trường làm việc. Bản thân công việc có hấp dẫn không, có thách đố đòi hỏi sức phấn đấu không, nhân viên có được giao trách nhiệm không, công nhân có cơ hội được cấp trên nhận biết thành tích của mình hay không, khi làm việc họ có cảm giác vui khi hoàn thành công việc hay không, và họ có cơ hội thăng tiến không.
Khung cảnh làm việc cũng là một yếu tố quan trọng trong xã hội hiện nay trên thế giới. Đó là các chính sách hợp tính, việc kiểm tra khéo léo, đồng nghiệp hợp ý, các biểu tượng địa vị phù hợp, các điều kiện làm việc thỏa mái, giờ làm việc uyển chuyển...
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Một số vấn đề lý luận chung về tiền lương trong doanh nghiệp về nguyên tắc hình thành mức lương trong doanh nghiệp, quan điểm hiện đại về chế độ thù lao và đãi ngộ trong doanh nghiệp, ý nghĩa của tiền lương trong doanh nghiệp....
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Một số vấn đề lý luận chung về tiền lương trong doanh nghiệp. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.