Nghị luận văn học đoạn trích Chí khí anh hùng

Văn mẫu lớp 10: Nghị luận văn học đoạn trích Chí khí anh hùng gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

1. Nghị luận văn học đoạn trích Chí khí anh hùng mẫu 1

Trong đời Kiều có nhiều cuộc chia tay, chia tay đột ngột với Kim Trọng khi mối tình đầu chớm hé; chia tay Thúc Sinh trong tâm trạng cô đơn, đầy dự cảm không lành. Trong đoạn trích này tác giả tái hiện cảnh Kiều chia tay Từ Hải để chàng ra đi thực hiện nghiệp lớn. Nhưng tại sao người soạn sách lại đặt tên cho đoạn trích này là “Chí khí anh hùng” mà không phải “Từ Hải chia tay Thuý Kiều”? Đó là vì đoạn trích này không tập trung khắc hoạ cảnh chia tay mà muốn khắc hoạ Từ Hải ở vẻ đẹp, tầm vóc và quyết tâm đạt đến khát vọng.

Vị trí đoạn trích từ câu 2213 tới 2230. Đoạn trích này là sáng tạo riêng của Nguyễn Du so với cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Trong “Kim Vân Kiều truyện” không có cảnh tiễn biệt của hai người và những nhớ mong, chờ đợi của Thuý Kiều sau đó.

“Chí”: mục đích cao cần hướng tới.

“Khí”: nghị lực để đạt tới mục đích.

“Chí khí anh hùng” là: lí tưởng, mục đích cao và nghị lực lớn của người anh hùng.

“Nửa năm hương lửa đương nồng

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.”

Sống với Kiều được nửa năm, cuộc sống đang lúc đằm thắm, nồng nàn nhất thì Từ Hải muốn ra đi thực hiện nghiệp lớn. Tâm trí Từ Hải luôn suy nghĩ về những việc lớn lao. Vì thế, việc “động lòng bốn phương” là hợp lí. Từ “bốn phương” chỉ công việc và chí lớn của người nam nhi thời xưa. “Động lòng” nhấn mạnh việc Từ Hải nung nấu những ý chí lớn lao. ý chí đó đã có sẵn trong con người chàng, nó chỉ tạm lui đi trong thời gian sống cùng Kiều, giờ là lúc chàng thể hiện. Từ “thoắt” diễn tả sự mau chóng trong việc thay đổi tâm trạng, dáng vẻ của Từ Hải. ở đây, Nguyễn Du đã gọi Từ Hải là “trượng phu”. Đó là cách nói vô cùng trân trọng với các vị anh hùng. Nó dựng lên dáng vẻ bệ vệ, oai nghiêm, đĩnh đạc của một vị tướng võ.

“Trông vời trời bể mênh mang

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.”

Câu thơ miêu tả hành động nhìn ra xa, đồng thời khắc hoạ dáng vẻ phóng khoáng của Từ Hải. Nguyễn Du đã xây dựng hình ảnh Từ Hải song song, sánh ngang với hình ảnh trời đất. Nhắc đến Từ Hải là thấy hình ảnh cao rộng của trời đất, vũ trụ. Những từ láy, từ biểu cảm chỉ độ rộng, độ cao càng khắc hoạ rõ hơn tư thế của Từ Hải. Cái nhìn của chàng không phải là trông hay nhìn bình thường mà là “trông vời” - cái nhìn ẩn chứa sự sáng suốt và suy nghĩ phi thường.

Từ Hải một mình ra đi thực hiện ý nguyện của mình. Việc xây dựng Từ Hải độc lập một mình không làm chân dung chàng đơn độc mà càng cho thấy sự dũng mãnh của chàng. Hành động được miêu tả đầy sự dứt khoát, nhanh nhẹn. Đã nghĩ là làm, Từ Hải không bao giờ chần chừ, do dự, suy tính lâu. “Thoắt đã động lòng bốn phương” là “lên đường thẳng rong” ngay.

“Quyết lời dứt áo ra đi,

Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.”

Tác giả để Từ Hải “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.” rồi mới để Kiều nói xin đi theo nói lên việc chàng ra đi là quyết định chắc chắn, không thể lay chuyển nổi. Thuý Kiều muốn theo Từ Hải, nhưng với chàng đã làm là dứt khoát. Dặn dò xong Kiều, Từ Hải ra đi ngay. Từ “quyết” và “dứt” cùng xuất hiện trong một câu thơ cho thấy sự quyết đoán của Từ.

Câu thơ cuối đoạn dựng lên hình ảnh phóng khoáng, kì vĩ về Từ Hải. Nguyễn Du đã so sánh Từ Hải với chim bằng để nhấn mạnh bản lĩnh phi thường của chàng. Cảnh chàng ra đi thực hiện sự nghiệp hùng tráng như cảnh chim bằng tung bay giữa gió mây.

Dáng vẻ, hành động của Từ Hải đầy phóng khoáng, kì vĩ, dứt khoát, nhanh nhẹn và oai nghiêm.

Từ Hải ra đi không lưu luyến, bịn rịn tình cảm như thường thấy ở mọi người. Dù yêu thương Thuý Kiều, coi nàng là “tâm phúc tương tri” song nàng quyết tâm ra đi một mình. Câu hỏi “Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?” khẳng định chàng là bậc nam nhi sự nghiệp và tình cảm rạch ròi.

Từ Hải có lí tưởng công danh lớn lao. Điều đó thể hiện qua lời hứa với Thuý Kiều. Những khát vọng của chàng đều phi thường. Đó là việc phải có được “Mười vạn tinh binh,/ Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp trời”. Từ đó để mọi người thấy được tài năng xuất chúng của Từ Hải: “Làm cho rõ mặt phi thường./ Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”. Từ “mặt phi thường” dùng rất trúng. Nó cho thấy sự tự tin, kiêu hãnh của Từ Hải. Đây không chỉ là lời của riêng Từ Hải mà ẩn dấu sau đó còn có cái nhìn trân trọng, tự hào của Nguyễn Du.

Từ Hải hẹn ước chắc nịnh. Chàng hẹn khi thành công sẽ cưới Thuý Kiều. Đó là khi nào? Chàng không nói vu vơ mà hẹn ước chắc chắn: “Đành lòng chờ đó ít lâu,/ Chầy chăng là một năm vội gì!”. Xác định rõ mục tiêu và thời gian phấn đấu, Từ Hải đã vẽ ra con đường đi cụ thể cho mình. Do vậy, những gì chàng nói đều chắc như đinh đóng cột.

Từ Hải là người có lí tưởng công danh lớn, rạch ròi giữa sự nghiệp và tình cảm, có cách phấn đấu cụ thể chứ không chung chung.

Với chí khí anh hùng, hoài bão lớn lao và niềm tin chắc chắn như vậy, Từ Hải đem đến cho cuộc đời Kiều không phải cái rung động chớm hé của buổi yêu đầu, không phải cuộc sống bình thường mà thức dậy ở Kiều những điều người khác không có được: đó là khát vọng về công bằng, chính nghĩa.

Từ Hải được miêu tả bằng những từ ngữ trang trọng: “trượng phu”, “mặt phi thường. Bên cạnh đó là những hình ảnh ước lệ mang tính vũ trụ: “động lòng bốn phương”, “Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp trời”, “Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”. Những từ ngữ, hình ảnh này nhằm nhấn mạnh chân dung tiêu biểu của một vị anh hùng đồng thời thể hiện cái nhìn trân trọng của Nguyễn Du với Từ Hải.

Tác giả chủ yếu miêu tả những hành động và lời nói của Từ Hải, ít đi sâu vào nội tâm.

Nguyễn Du đã sử dụng cách miêu tả lí tưởng hoá để nâng cao tầm vóc của Từ Hải.

Có giai thoại như sau: vua Tự Đức khi đọc đến đoạn Nguyễn Du viết về Từ Hải đã đòi phạt tác giả 300 roi. Tại sao lại vậy? Vì theo giai cấp phong kiến, Từ Hải chỉ là một tên giặc cỏ (VD: Cao Bá Quát, Nguyễn Huệ). Trong “Kim Vân Kiều truyện”, Từ Hải cũng được miêu tả là một tên có nét tướng cướp. Nhưng khi bước vào “Truyện Kiều”, con người dám chống lại triều đình ấy được miêu tả như một anh hùng. Nguyễn Du đã dùng những hình ảnh đẹp nhất để miêu tả Từ. Từ Hải là bóng dáng của những người anh hùng nông dân khởi nghĩa với bao phen thay đổi sơn hà.

Thái độ của tác giả với Từ Hải: yêu quý, cảm phục. Nguyễn Du đã dồn nén giấc mơ về tự do và công lí của mình trong con người Từ Hải.

Quan điểm về người anh hùng của tác giả: người anh hùng phải làm được những việc lớn lao, dám nghĩ dám làm, có dáng vẻ phóng khoáng, dứt khoát, oai nghiêm.

2. Nghị luận văn học đoạn trích Chí khí anh hùng mẫu 2

Người anh hùng Từ Hải và nàng Kiều tài sắc đang sống êm đềm bên nhau nhưng chàng muốn có sự nghiệp lớn.nên sau nửa năm đã quyết định từ biệt Kiều ra đi. 4 câu thơ đầu đã cho ta thấy rõ khát vọng lên đường của người anh hùng

Nửa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

Trông vời trời bể mênh mang,

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.

Nửa năm: thời gian TK – Từ Hải sống bên nhau

Trong đoạn mở đầu văn bản chí khí anh hùng là hình ảnh “hương lửa”. Đây là một hình ảnh ước lệ dùng để chỉ tình yêu => “Hương lửa đương nồng”: Tình yêu nồng nàn, say đắm của Thúy Kiều – Từ Hải. Thời điểm Từ Hải ra đi lập nên sự nghiệp lớn cũng chính là lúc cuộc sống lứa đôi với Thúy Kiều mới đang bắt đầu và vô cùng mặn nồng hạnh phúc.

“Trượng phu” (Đại trượng phu): Là từ chỉ người đàn ông có chí khí, bậc anh hùng => Nguyễn Du dùng cách nói này thể hiện thái độ trân trọng với các vị anh hùng. Nó dựng lên dáng vẻ bệ vệ, oai nghiêm, đĩnh đạc của một tướng võ.

“Thoắt” (Tính từ): Chỉ sự dứt khoát, mau lẹ, kiên quyết, nhanh chóng trong khoảnh khắc bất ngờ. Nói lên cách xử sự dứt khoát, khác thường của Từ Hải.

“Động lòng bốn phương” (cụm từ ước lệ): Chí chí khí anh hùng tung hoành thiên hạ. Đó cũng là lí tưởng anh hùng thời đại, không bị ràng buộc bởi vợ con, gia đình mà ở bốn phương trời, ở không gian rộng lớn, quyết mưu cầu sự nghiệp phi thường => Bối cảnh dẫn đến cuộc chia ly: Người anh hùng gặp người đẹp tri kỉ, đang say đắm trong hạnh phúc lứa đôi, chợt nghĩ đến chí lớn chưa thành, đã động lòng bốn phương, dứt áo ra đi theo tiếng gọi của ý chí.

Câu thơ miêu tả vẻ đẹp người anh hùng trong chí khí anh hùng đặc sắc nhất đó chính là

Trông vời trời bể mênh mang,

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.

“Thanh gươm yên ngựa”: Người anh hùng rong ruổi chinh chiến trên yên ngựa với thanh gươm. “Thẳng rong”: đi liền 1 mạch. => Với tư thế oai phong, hào hùng sánh ngang với trời đất, thể hiện sự kiên quyết, dứt khoát, ra đi hiên ngang, độc lập, không vướng bận. Với cách đặt nhân vật sánh ngang với không gian trời bể mênh mang, không gian vũ trụ rộng lớn => Cảm hứng vũ trụ, con người vũ trụ với kích thước phi thường, không gian bát ngát, nâng cao tầm vóc người anh hùng

Trước ý chí quyết tâm mưu cầu nghiệp lớn của Từ Hải, TK chấp nhận và ngỏ ý muốn theo Từ Hải. Từ Hải đã từ chối mong muốn của Kiều và thể hiện rõ lý tưởng anh hùng của mình

Nàng rằng: “Tâm phúc tương tri,

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

“Tâm phúc tương tri”: Coi Kiều là tri kỉ của mình, hiểu Từ Hải hơn ai hết, hơn hẳn người vợ bình thường – tầm thường.

“Nữ nhi thường tình”: khuyên Kiều vượt lên tình cảm thông thường để xứng làm vợ một anh hùng.

=> Từ chối mong muốn của Kiều và mong muốn Kiều là tri âm, tri kỉ xứng đáng nhất.

Bao giờ mười vạn tinh binh,

Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.

Làm cho rõ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Bằng nay bốn bể không nhà

Theo càng thêm bận biết là đi đâu?

Đành lòng chờ đó ít lâu,

Chầy chăng là một năm sau vội gì!”

Trong đoạn 2 bài thơ chí khí anh hùng lớp 10 người anh hùng nêu lên lý tưởng của mình:

“Mười vạn tinh binh”, “Tiếng chiêng dậy đất”, “Bóng tinh rợp đường” => Hình ảnh âm thanh hào hùng => Niềm tin sắt đá, sự quyết tâm, khát vọng lớn lao, cao cả về một sự nghiệp lẫy lừng

Mục đích ra đi: làm cho rõ mặt phi thường => chứng tỏ khả năng hơn người, bản lĩnh, ý chí phi phàm => Nguyễn Du đã thể hiện hình ảnh người anh hùng oai phong, bản lĩnh với lý tưởng cao cả, ý chí, hoài bão lớn lao.

Lời hứa: “Sẽ rước nàng nghi gia”. Một lời hứa sẽ cho Thúy Kiều một cuộc sống có danh phận, viên mãn bên người chồng thành công trong sự nghiệp => Từ Hải là người anh hùng có chí khí, thống nhất giữa khát vọng phi thường và tình cảm sâu nặng với người tri kỉ.

“Bốn bể không nhà”: Thực tế gian nan, vất vả của buổi đầu lập nghiệp.

Lời hẹn: “Một năm sau”: Khẳng định ý chí, bản lĩnh, sự tự tin.

=> Những câu sau không chỉ nói lên hoàn cảnh thực tại của người anh hùng đầy rẫy những khó khăn mà còn nói lên tính cách rất dứt khoát, chí khí nhưng cũng rất tâm lí, gần gũi của Từ Hải.

Hành động: “Quyết lời” + “Dứt áo ra đi” => Thái độ, cử chỉ, hành động dứt khoát, không hề do dự, không để tình cảm bịn rịn làm lung lạc và cản bước ý chí của người anh hùng.

Ẩn dụ: “Chim bằng”: Tượng trưng về người anh hùng có lí tưởng cao đẹp, hùng tráng, phi thường, mang tầm vóc vũ trụ. => Đem hình ảnh chim bằng để ẩn dụ cho tư thế ra đi của Từ Hải, Nguyễn Du muốn khẳng định Từ Hải chính là bậc anh hùng cái thế, có tầm vóc phi thường, sánh ngang với đất trời, vũ trụ.

Qua bài nghị luận văn học chí khí anh hùng Nguyễn Du đã thể hiện ước mơ về người anh hùng lí tưởng của mình. Người anh hùng ấy hiện lên với một bức chân dung kì vĩ, chí khí với bản lĩnh và tài năng phi thường, nhằm thực hiện giấc mơ công lí. Tác giả xây dựng nhân vật bằng những hình ảnh ước lệ, thông qua hành động, lời thoại trực tiếp, thể hiện sự tự tin, bản lĩnh nhân vật => Lý tưởng hóa nhân vật mang cảm hứng ngợi ca.

3. Nghị luận văn học đoạn trích Chí khí anh hùng mẫu 3

Nếu như đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” được Nguyễn Du dùng những từ ngữ nhẹ nhàng, thanh tao thoát tục để miêu ta vẻ đẹp mỹ miều của Thúy Kiều và Thúy Vân, thì ở đoạn trích “Chí khí anh hùng” ông lại dùng những ngữ điệu mạnh mẽ, hùng hồn thể hiện chí nam nhi, tư tưởng yêu nước vĩ đại để khắc họa nên hình ảnh chân thật nhất về nhân vật Từ Hải. 

Trong đoạn trích “ Chí khí anh hùng”, Từ Hải và Kiều đã sống chung với nhau được hơn nửa năm. Nhưng trong lòng Từ Hải lại luôn mong muốn có sự nghiệp lớn hơn với tư tưởng bốn phương của bậc trượng phu. Thế nên ở 4 câu thơ đầu trong đoạn trích đã thể hiện rõ khát vọng lên đường của Từ Hải:

Nửa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

Trông vời trời bể mênh mang,

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.

Tác giả đã dùng hình ảnh ước lệ “hương lửa” để chỉ tình yêu giữa nam nữ của Từ Hải và Kiều. Hơn nửa năm, Kiều và Từ Hải đã có khoảng thời gian hạnh phúc bên nhau.

Thế nhưng, trong lúc tình cảm “đương nồng” thì người anh hùng “trượng phu” như Từ Hải lại bỗng nhiên “động lòng bốn phương”. Nguyễn Du đã dùng từ “thoắt” để cho thấy sự thay đổi bất ngờ nảy sinh không định trước trong tư tưởng của Từ Hải.

Bởi chàng tưởng như sẽ có cuộc sống êm đềm, yên ấm ở nơi quê nhà cùng Thúy Kiều, nhưng chí khí anh hùng, muốn vẫy vùng bốn phương đã khiến chàng quyết chí cùng “Thanh gươm” và cưỡi trên” yên ngựa” để “lên đường” với khát vọng lớn của một bậc “trượng phu”.

Nguyễn Du đã miêu tả hình ảnh của Từ Hải bằng hai từ “trượng phu” để lột tả nét oai vệ của một người đàn ông có chí hướng lớn, không đóng khung tư tưởng trong một cuộc sống vợ chồng yên bình qua ngày, mà muốn đi nhiều nơi và làm việc trượng nghĩa cho nhân dân, cho nước nhà.

Nàng rằng: Phận gái chữ tòng

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi.

Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

Hiểu được tâm ý của Từ Hải, Thúy Kiều chẳng những ủng hộ mà còn muốn “ một lòng xin đi” cùng chàng. Bởi nàng không chỉ hiểu được lẽ phu thê “Phận gái chữ tòng”, mà còn có ý ngưỡng mộ và muốn theo Từ Hải để đồng hành cùng lý tưởng lớn của chàng.

Hai câu thơ :”Từ rằng:”Tâm phúc tương tri,/ Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?” đã cho thấy được tuy là phận nữ nhi bé nhỏ, nhưng từ khi sống chung với Từ Hải, Thúy Kiều từ bao giờ cũng đã “Tâm phúc tương tri”, hiểu chàng đang nghĩ gì muốn gì và có lẽ trong lòng Kiều từ lâu quyết đồng hành cùng Từ Hải đến chân trời góc bể, đồng hành cùng chí hướng và lý tưởng của chàng.

Do đó, Kiều đã tự nhận mình “Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”, nàng muốn thể hiện rõ với Từ Hải rằng nàng đã vượt ra khỏi thứ tình cảm cá nhân thông thường để xứng đáng làm vợ của một người anh hùng.

Bởi trong thời gian ấy, hình ảnh một người anh hùng được nâng lên đến tầm vũ trụ. Thế nên Từ Hải mới quyết từ bỏ cuộc sống vợ chồng viên mãn, bình lặng tìm đến khó khăn gian khổ với chí hướng lập công danh sự nghiệp, làm nên những điều phi thường, được người người ghi công, kính nể muôn đời.

Cũng như Hoài Thanh đã từng nhận xét về Từ Hải rằng chàng :” không phải là người của một nhà, một họ, một xóm, một làng mà là người của trời đất, của bốn phương”.

Bao giờ mười vạn tinh binh,

Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.

Làm cho rõ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Bằng nay bốn bể không nhà

Theo càng thêm bận biết là đi đâu?

Đành lòng chờ đó ít lâu,

Chầy chăng là một năm sau vội gì!”

Thế nhưng, Từ Hải đã từ chối mong muốn của Kiều vì sợ nàng phải chịu khổ cùng mình khi chàng “bốn bể không nhà” nếu quyết chí ra đi, gây dựng sự nghiệp cho bản thân.

Từ Hải tuy hiểu được nỗi lòng chung thủy của Kiều, nhưng chàng cũng hiểu được một điều, đã là bậc nam nhi đại trượng phu khi chưa lập được đại công thì sao có thể kéo thêm người vợ tào khang của mình cùng chịu khổ nơi năm châu bốn bể.

Vì vậy, Từ Hải đã khéo léo vẻ nên một cảnh tượng huy hoàng ngày chàng về với “ mười vạn tinh binh” cùng “Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường”, là khi ấy chàng đã vinh quy trở về quê nhà với chức tước, công danh hiển hách, thì lúc đó Từ Hải mới dám “rước” Kiều về “nghi gia”, cho nàng một danh phận, cho nàng một cuộc sống vinh hoa phú quý với một phu quân anh hùng được muôn dân kính nể.

Câu thơ “Làm cho rõ mặt phi thường” tuy ngắn nhưng cách dùng từ mạnh mẽ của Nguyễn Du đã thể hiện Từ Hải là một người đàn ông có chí khí ngút trời với ý thức bản thân phải làm nên những điều phi thường mà ít người làm được. Từ Hải luôn nung nấu lý tưởng sống trọn chí trai, thỏa chí “tang bồng” để đem hạnh phúc vẻ vang về cho người phụ nữ mà mình yêu thương nhất.

Quyết lời dứt áo ra đi

Gió đưa bằng tiện đến kỳ dặm khơi.

Hai câu thơ cuối đã thể hiện quyết tâm cao độ của Từ Hải. Tác giả đã sử dụng từ “Quyết lời” và “dứt áo” mang phong cách mạnh mẽ, dứt khoát, không chút do sự của bậc trượng phu trước khi ra đi.

Đặc biệt nhất là câu thơ cuối trong đoạn trích “Gió đưa bằng tiện đến kỳ dặm khơi” được Nguyễn Du miêu tả thật thú vị nhưng cũng thật vĩ đại. Ông ví von hình ảnh Từ Hải như cánh chim cưỡi gió bay ngoài biển khơi, đầy hoài bão, đầy khát vọng của tuổi trẻ, của chí trai anh hùng ngoài khơi xa rộng lớn không biết mệt mỏi, không ngại gió sương, gian khổ.

Bên cạnh đó, ý nghĩa sâu xa hơn mà Nguyễn Du đã mượn ý của Trang Tử chính là hình ảnh những cánh chim khi cất đôi cánh rộng bay giữa trời và như thói quen thường trực, chúng phải chao liệng trên bầu trời bao la kia như những đám mây đến chín vạn dặm mới nghỉ ngơi, chứ không như những loài chim chỉ biết quẩn quanh trên cành cây, tìm chút thức ăn sống qua ngày.

Ý ám chỉ Từ Hải là một nhân vật phi phàm, không chỉ có sắc vóc cao lớn, oai vệ hơn người, mà còn có tinh thần, tư tưởng hướng về núi sông, nước nhà, nơi quan trường đầy gian nguy nhưng oanh liệt.

Hai câu thơ cuối cũng đã thể hiện rõ cái nhìn của Nguyễn Du về một người anh hùng, một đấng trượng phu đúng nghĩa đương thời. Ông không tả Từ Hải muốn có quyền lực như những “phường danh lợi” tham ô, thất đức, mà ông đã vẽ lên hình ảnh nhân vật Từ Hải muốn cưỡi mây đạp gió tạo công lao cho đất nước, cho nhân dân, sống một đời có ý nghĩa, được người đời ghi công, tưởng nhớ đến ngàn sau.

Bên cạnh đó, sự ủng hộ và muốn đi theo của Thúy Kiều chính là tư tưởng mới của người phụ nữ để xứng đáng với người chồng là một người đàn ông với lý tưởng lớn, chí khí phi thường. Thế nhưng nàng vẫn được cốt cách của một người phụ nữ đức hạnh như phong tục tập quán xưa nay “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” phù hợp với luân thường đạo lý.

Nếu như hình ảnh Từ Hải được khắc họa với tầm vóc cao lớn lẫn về ngoại hình lẫn khao khát lập đại công, tạo dựng sự nghiệp vẻ vang của trang anh hùng. Song song đó, Nguyễn Du cũng đã vẽ nên hình tượng Thúy Kiều là một nữ nhân bạc mệnh nhưng vẫn giữ được cốt cách thanh cao, chung thủy của một người phụ nữ thục đức cùng tư tưởng lớn muốn thoát khỏi chuyện tình cảm tầm thường mà làm vợ của một đại trượng phu.

Bằng những từ ngữ miêu tả mạnh mẽ và thủ pháp ví von đầy thú vị nhưng có tính chất gợi hình đặc sắc. Những dòng thơ lục bát của Nguyễn Du đã khắc họa hình ảnh nhân vật Từ Hải thanh cao và oanh liệt của đấng nam nhi. Đó cũng là tư tưởng về một người anh hùng đúng nghĩa mà ông muốn truyền tải trong tác phẩm.

Đồng thời ông cũng muốn lên án xã hội nhiễu nhương, cùng “thói quan quyền” ngu dốt, u tối và tham lam lúc bấy giờ đã đẩy đất nước ngày càng đi đến bờ vực thẳm. Bên cạnh đó, Nguyễn Du cũng muốn thể hiện sự trân trọng đối với những người có khao khát phi thường, ước muốn về tự do công lý, được thỏa sức thực hiện ước mơ của bản thân. Cũng chính vì vậy mà Đại thi hài được người đời ca tụng là người có tầm nhìn xuyên không gian và thời gian quả thật không sai.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 10: Nghị luận văn học đoạn trích Chí khí anh hùng. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của đề thi rồi đúng không ạ? Bài viết được tổng hợp các bài văn mẫu về nghị luận văn học đoạn trích Chí khí anh hùng. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập thật tốt nhé. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 10 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 10.

Bài tiếp theo: Nghị luận văn học đoạn trích Trao duyên

Đánh giá bài viết
19 18.221
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 10

Xem thêm