Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận xã hội về câu nói: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về câu nói: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 12 hay dành cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết môn Ngữ văn 12 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

1. Dàn ý Nghị luận về câu nói: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

1/ Mở bài

– Mỗi người phải có nghề để tự nuôi sống bản thân. Đối với nghề mà đã chọn thì phải như thế nào?

– Dẫn câu nói.

2/ Thân bài

a) Giải thích

– Nghệ là nghề. Nghệ tinh là tinh thông nghề ấy. Như vậy mỗi người phải thông thạo một nghề. Và khi đã tinh thông nghề nghiệp đó rồi thì bản thân người đó sẽ được sung sướng, giá trị người đó sẽ được để cao (thân vinh).

– Người ta không chỉ cần tinh thông nghề nghiệp mà còn phải yêu nghề, yêu quí công việc của mình. Có như thế mới giỏi mới phát huy được năng lực của bản thân.

– Khẳng định ý kiến trên là đúng

– Là người, khi ra đời ai cũng phải có nghề để kiếm sống, để tự lo cho bản thân, cho gia đình. "Nghề" bao trùm cả nghề lao động chân tay và nghề lao động trí óc. Nhưng cũng có một mục đích chung là phải "tính thông” nghề nghiệp ấy. Bởi có tinh thông thì ta mới làm việc có năng suất cao, hiệu quả tốt lợi nhuận lớn. Từ đó mọi người mới cảm phục, kính yêu và ta có được sống sung sướng. Muốn được như vậy ta phải biết quý trọng, yêu nghề, trau dồi học hỏi để nghề ấy càng tinh xảo hơn (người thợ chuyên sửa máy móc, nghề dạy học, thợ may…).

b) Mở rộng vấn đề

Trong thực tế, nhiều người chuyên tâm chuyên chú, không lựa chọn nghề mình yêu thích, phù hợp với năng lực và sở trường của minh mà chạy mốt, chọn nghề theo ngẫu hứng. Điều này vô cùng tai hại.

– Ngoài tinh thông một nghề, phải học thêm một vài nghề khác vì thời đại nay kinh tế phát triển, khoa học kĩ thuật tiến bộ rất nhanh, phải biết thêm nghề để có thể chuyển hướng nghề nghiệp, không bị bế tắc.

Tinh thông nghề nghiệp không phải chỉ để lo cho bản thân mà còn để phục vụ cho tập thể, cho đất nước. Ta phải biết kết hợp giữa lợi ích cá nhân với lợi ích chung thì lợi ích, sự sung sướng của cá nhân mới bền vững.

Cần có sự định hướng nghề nghiệp ngay từ bây giờ qua việc xem xét năng lực bản thân, tham khảo ý kiến cha mẹ, thầy cô, những người có kinh nghiệm. Cần phê phán những người có được "nghệ tinh" thường hay kiêu căng, phụ, khoác lác.

3/ Kết bài

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" nhắc nhở chúng ta khi đã chọn một nghề mình thì phải rèn luyện nghề ấy cho được tinh thông và phải biết quý yêu nghề ấy. "Yêu nghề” thì ta mới hi sinh và có trách nhiệm với nghề nghiệp. Đó là một phẩm chất của con người mới hôm nay.

2. Nghị luận về câu nói: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh mẫu 1

Lâu nay dân gian vẫn có câu: “Làm Thầy nuôi vợ, làm Thợ nuôi thân”, nhưng trong cuộc sống hiện tại câu nói đó có lẽ không còn phù hợp.

Ngày nay do nhu cầu phát triển của Kinh tế xã hội, sự thăng tiến của công nghệ vai trò của con người trong guồng máy sản xuất từ người cán bộ, kỹ thuật viên đến người công nhân dần được thu hẹp khoảng cách vì trong một dây chuyền sản xuất với hàm lượng chất xám cao để có sản phẩm tốt thì bất cứ một sơ suất nhỏ trong một công đoạn nào đều có thể cho ra sản phẩm lỗi. Mặt khác, khi xã hội phát triển thì điều kiện làm việc và thu nhập thực tế sẽ phụ thuộc rất ít vào vị trí làm việc của từng con người cụ thể.

Từ tư tưởng coi trọng địa vị xã hội và bằng cấp của người Việt Nam nói riêng và người Á đông nói chung, do cơ chế tuyển dụng cứng nhắc và phần nào cơ cấu lương vẫn mang tính bao cấp và phụ thuộc vào vị trí chứ không phụ thuộc vào năng lực làm việc, lâu nay mọi người đều có ý nghĩ phải cho con đi học đại học bằng mọi giá để sau này kiếm một vị trí làm tốt để có thu nhập cao và có thể thăng tiến.

Rất ít người trong chúng ta hiểu được rằng khả năng phát triển cũng như năng lực làm việc phụ thuộc nhiều vào khả năng tư duy và năng khiếu .Một khía cạnh khác cũng cần nhắc tới là điều kiện tài chính để con em chúng ta theo học ngành, hệ và môi trường đào tạo cho phù hợp.

Để phù hợp với sự phát triển chung của thời đại, hiện nay nền giáo dục của chúng ta cũng đang tiếp cận theo hướng mở (học theo tín chỉ, mô đun, gián đoạn.. và các hình thức đào tạo tại chức, liên thông.. ) tạo điều kiện cho người học có nhiều cơ hội với việc học tập để trau dồi và nâng cao kiến thức hơn.

Từ thực tế xã hội chúng ta thấy có rất nhiều người thành đạt trong xã hội mà con đường đến vinh quang của họ xuất phát từ những người thợ, những người lao động trực tiếp vấn đề chung ở họ là xác định đúng hoàn cảnh, điều kiện và khả năng của mình. Họ là những người có lòng đam mê, yêu nghề mình đã chọn, không nản chí biết chớp thời cơ, tận dụng cơ hội dù là nhỏ nhất. Hàng năm chúng ta vẫn tôn vinh họ là những doanh nhân tài năng, những nghệ nhân và người viết bài này từng biết,từng gặp một số người cảm thấy cuộc sống của họ đầy hạnh phúc và viên mãn.

Các bạn trẻ hãy tự xác định được năng lực, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để chọn cho mình một con đường phù hợp vì nó có có tính quyết định đến tương lai và cuộc sống của các bạn sau này. Mong rằng đừng chọn nhầm phải đôi giày quá khổ hoặc khoác lên mình chiếc áo quá rộng . Nghề nào cũng cao quý miễn là chúng ta có tâm huyết, nghị lực để làm việc và cống hiến nghiêm túc, phía trước chân trời rộng mở là biển rộng bao la hãy chủ động với nhiệt huyết của tuổi trẻ thành công sẽ không ngoảnh mặt và từ chối bất cứ ai.

3. Nghị luận về câu nói: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh mẫu 2

Mười hai năm đèn sách, sắp ra trường, ai mà chẳng mong chọn được một nghề nghiệp cho cuộc đời minh như ông cha ta vẫn thường nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Nhưng chọn ngành nghề như thế nào? Hãy nghe lời khuyên của nhà khoa học Pa-xtơ: ‘'Không phải nghề nghiệp làm danh giá cho con người, mà chính con người làm danh giá cho nghề nghiệp”. Đúng như vậy. Nghề nghiệp chỉ là công việc của mỗi con người trong xã hội, còn danh giá là giá trị của con người đó đối với xã hội. Cho nên bản thân nghề nghiệp không thể làm nên danh giá cho con người. Không thể nói người thầy giáo danh giá hơn người thầy thuốc hay người công nhân danh giá hơn người nông dân... bởi nghề nào trong xã hội cũng đều cao quý, đều cần thiết. Nhưng ngược lại, “chính con người làm danh giá cho nghề nghiệp” - đây mới là nghề nghiệp của mình thì lúc ấy xã hội mới thấy được giá trị của nó và nghề ấy mới có danh giá. Thử hỏi, nếu những người thầy giáo không hết lòng vì thế hệ trẻ của đất nước thì làm sao được nhân dân tôn vinh là “kĩ sư của tâm hồn”; những người thầy thuốc không yêu thương cứu chữa người bệnh thì cũng không thể được vinh danh là “lương y như từ mầu?” Giá trị của nghề dạy học và nghề chữa bệnh chỉ được tạo nên từ chính những người thầy giáo và những người thầy thuốc là như vậy. Và những nghề khác cũng như thế. Vì vậy, yếu tố quyết định ở đây là con người chứ không phải nghề nghiệp.

Trên ý nghĩa đó, câu nói của Pa-xtơ gợi cho ta điều gì trong việc chọn ngành nghề khi sắp ra trường? Trước hết, nếu "nghề nghiệp không làm danh giá cho con người” thì có cần phải chạy theo các nghề “thời thượng” trong xã hội, chẳng hạn như kinh tế, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, y dược, bách khoa..? Một sự “chạy theo” như thế có hợp lí không? Đối với các bạn yêu thích và có năng lực về các ngành nghề đó thì không sao, nhưng đối với các bạn chỉ “chạy theo” vì cảm tính, vì phong trào thi cần suy nghĩ lại, bởi tiêu chí quan trọng nhất để chọn ngành nghề là phù hợp với bản thân mình chứ không phải chọn ngành nghề để có “danh giá!” Danh giá ở đây là danh giá cho chính minh, nhưng bản thân “nghề nghiệp không làm danh giá cho con người” thì một sự “chạy theo” như thế chỉ là ảo tưởng, làm sao có danh giá thực được? Vả lại, nếu ai cũng chạy theo những ngành nghề đó, thì những ngành nghề khác sẽ thế nào? Ở đây còn có vấn đề nhu cầu của đất nước, yêu cầu của sự nghiệp cách mạng nữa. Chúng ta sống trong cộng đồng dân tộc chứ đâu phải chỉ sống riêng một mình, vì vậy cũng phải có trách nhiệm với dân tộc trong việc chọn ngành nghề. Sau nữa, muốn “con người làm danh giá cho nghề nghiệp” như Pa-xtơ nói, thì phải chọn ngành nghề như thế nào để tự bản thân mình có thể làm cho nghề nghiệp ấy trở nên danh giá? Câu trả lời thật rõ ràng và tất yếu: cần phải chọn ngành nghề phù hợp với bản thân mình (sở thích, đam mê, năng lực...) thì mới có thể phát huy hết nhiệt tình và năng lực để làm cho nghề đó trở nên tốt dẹp, có danh giá, được xã hội thừa nhận, tôn vinh. Và một khi đã góp phần làm cho nghề nghiệp có danh giá thì cũng tức là góp phần làm cho đất nước giàu mạnh, đem lại lợi ích cho xã hội, cho dân tộc. Chữ “danh giá” trong câu nói của Pa-xtơ cần được hiểu theo nghĩa rộng như vậy. Cho nên nếu chọn nghề không phù hợp với bản thân mình, thì khó phát huy năng lực, dễ sinh chán nản, mặc cảm tự ti, vừa không “làm danh giá cho nghề nghiệp” lại chẳng đóng góp được bao nhiêu cho đất nước. Thực tiễn cuộc sống không hiếm những trường hợp chọn nghề chạy theo hư danh như thế và đã để lại những bài học đau xót, thâm thía cho lớp trẻ chúng ta khi bước vào đời.

Chọn ngành nghề là nguyện vọng và quyền lợi riêng của mỗi người. Nhưng cần chọn sao cho phù hợp với bản thân mình đồng thời kết hợp với nhu cầu của đất nước để có thể phát huy khả năng của mình, làm danh giá cho nghề nghiệp và phục vụ cho dân tộc. Trong việc này, cần luôn nhớ rằng danh giá là do chính con người tạo ra cho mình và làm nên danh giá cho nghề nghiệp mà mình đã chọn. Mọi sự chạy theo hư danh, không chú ý đến thực chất trong việc chọn ngành nghề đều đem lại những hậu quả không tốt, có khi gây hại đến cả cuộc đời.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về câu nói: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 12 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 và biết cách soạn bài lớp 12 và các Tác giả - Tác phẩm Ngữ Văn 12 trong sách Văn tập 1 và tập 2, mời các bạn tham khảo.

Đánh giá bài viết
1 1.001
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm