Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận xã hội về môn Lịch sử

Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về môn Lịch sử gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

1. Dàn ý chi tiết Nghị luận xã hội về môn Lịch sử

1. Mở Bài

- Có một thực trạng rất đáng buồn rằng, xã hội càng văn minh hiện đại thì dường như con người ta lại có xu hướng quên đi quá khứ, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh dường như các em có xu hướng bài xích môn Lịch sử,.

- Sự thực đau lòng ấy, ngày càng diễn tiến một cách trầm trọng và phổ biến ở toàn thể các em học sinh, khiến chúng ta không khỏi trăn trở suy nghĩ.

2. Thân Bài

* Lịch sử là gì?

- Lịch sử là một môn học thiên về lý thuyết, không yêu cầu con người ta phải nghiên cứu và tư quá nhiều, đó là một tập hợp những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ.

* Ý nghĩa:

- Gợi mở, bồi đắp lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, lòng biets ơn với thê sheej cha ông.

- Rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá được đổi bằng xương máu của cha ông.

- Ý thức được hơn rằng việc bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi một cá nhân...

* Thực trạng:

- Học sinh cảm thấy môn Lịch Sử nhàm chán, bài xích việc học môn này

- Xuất hiện những điểm không, điểm dưới trung bình trong các bài thi Lịch Sử

- Các em học sinh lớp 12, đốt sách, xé đề cương Lịch Sử rải như tuyết giữa sân trường khi nghe tin không phải thi tốt nghiệp môn này.

- Những nhầm lẫn tai hại về cách sự kiện nhân vật lịch sử, các mốc thời gian quan trọng diễn ra phổ biến.

* Nguyên nhân:

- Cách truyền dạy của các giáo viên còn khô khan, cứng nhắc hời hợt, chưa tạo được cảm hứng cho các em học sinh.

- Sách đã cũ, có quá nhiều các mốc sự kiện cần phải nhớ, lời văn khô khan, nhàm chán.

- Quan niệm đây là môn học phụ, không chú trọng đầu tư thời gian tiết học.

- Lối học thi đối phó của giáo viên và học sinh còn quá phổ biến tại các trường.

- Sự yếu kém trong khai thác văn hóa lịch sử của đất nước ta.

- Còn bản thân các em học sinh thì chưa đủ nhận thức để nhìn ra tầm quan trọng của môn Lịch Sử, còn quá định hướng một cách thực dụng về nghề nghiệp sau này.

* Bài học:

- Chúng ta cần phải có những biện pháp giáo dục, tuyên truyền để thay đổi nhận thức của các em học sinh về tầm quan trọng của môn Lịch Sử.

- Thầy cô cần đặt tâm huyết của mình vào môn dạy, cố gắng sáng tạo thêm những phương pháp học tập mới.

- Bản thân mỗi em học sinh cần thay đổi nhận thức về môn Lịch Sử

- Lên tiếng phê phán những hành động thiếu tôn trọng Lịch Sử.

3. Kết Bài

- Lịch Sử là môn học dạy cho chúng ta những bài học quý giá, đó là những kinh nghiệm quý báu của cha ông.

- Người tôn trọng Lịch Sử chính là người có lòng yêu nước và lòng tự tôn dân tộc.

2. Nghị luận xã hội về môn Lịch sử mẫu 1

Bác Hồ từng nói “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Quả đúng như vậy lịch sử có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi người, mỗi thế hệ. Tuy nhiên có một thực tế đang buồn về môn Lịch sử trong các trường học. Cả học sinh và thầy cô giáo đều coi nhẹ bộ môn phụ này, và việc lơ là môn Lịch sử. Đây là điều đáng buồn của giáo dục Việt Nam ngày nay.

Lịch sử là môn học tái hiện lại lịch sử của Việt Nam và cả lịch sử thế giới để học sinh có thể nắm rõ ràng và khái quát nhất cội nguồn dân tộc, quá trình hình thành và phát triển của đất nước, sự hi sinh kiên cường bất khuất, mồ hôi và nước mắt của cha ông ta trong những cuộc kháng chiến. Lịch sử sẽ giúp cho các em học sinh hiểu rõ hơn về những gì mình đang được hưởng thụ bây giờ là do đâu, vì đâu mà có. Không phải tự nhiên, không phải vô tình, đó là cả một quá trình cố gắng không ngừng nghỉ. Đáng nhẽ ra lịch sử phải được học sinh hăng say tìm hiểu, vì mỗi sự kiện lịch sử đều rất thu hút. Nhưng ngược lại, học sinh thờ ơ với môn học này. Trong các kỳ thi Lịch sử khiến các em cảm thấy khó nhằn, không nuốt nổi. Là vì sao?

Trong cơ chế giáo dục, Lịch sử chưa bao giờ được xem là một môn chính như Toán, Văn, Anh. Thậm chí nó còn không bằng những môn như Hóa, Vật lý… Đáng buồn các em xem nhẹ những bài học trong sách giáo khoa, không hứng thú với nó khiến cho việc các em ngày càng hiểu lơ mơ lịch sử Việt Nam.

Môn lịch sử trong các trường học giống như “cái bóng” dật dờ, không được coi trọng, hoặc khi nhắc đến thì các em bảo “đó là môn lý thuyết, có gì kiểm tra thì làm phao, học làm gì cho mệt người”. Thật là đáng buồn khi chính các em không hiểu được gốc gác của mình, của đất nước thì mai sau các em sẽ xây dựng đất nước từ đâu, xây dựng như thế nào? Môn học Lịch sử đúc rút rất nhiều bài học kinh nghiệm xương máu quý báu. Nếu không học thì có lẽ chúng ta sẽ dẫm phải vết xe đổ của quá khứ mà không biết. Đơn giản chúng ta không chịu học và tìm tòi lịch sử.

Nghị luận môn lịch sử

Hơn hết các bậc phụ huynh hiện nay luôn có xu hướng ép buộc và định hướng cho con mình theo học khối A, B, D, còn khối C thì mọi người chỉ chặc lưỡi rằng sau này khó xin việc, học làm gì, toàn nói suông. Chính tư tưởng và áp lực đó là một phần khiến cho bộ môn lịch sử càng ngày càng bị xem nhẹ, thậm chí coi thường.

Lịch sử là một bộ môn lý thuyết, không ai phủ định điều này nhưng chúng ta có biết khi nắm vững lịch sử sẽ có ích lợi gì hay không. Chúng ta sẽ tự hào về quốc gia mình đang sống, sẽ có kiến thức khi người khác hỏi về quá khứ, sẽ hiểu và trân trọng những gì cha ông ta đã gây dựng và hơn hết sẽ có ý thức để trở thành một người công dân tốt hơn. Đây là điều mà không phải ai cũng có thể nhận ra, vì họ đã không xem môn lịch sử là môn học chính.

Bởi vì không coi trọng nên trong các kì thi tốt nghiệp những năm qua, môn Lịch sử luôn là môn gây cản trở, gây khó khăn cho các em. Thậm chí con điểm 0 ở bộ môn này xuất hiện ngày càng nhiều, vì đơn giản các em không chịu học.

Có một điều đáng buồn hơn nữa, rất nhiều bạn thích tìm hiểu lịch sử của các nước khác như Trung Quốc, Hi Lạp, còn lịch sử Việt Nam thì không. Điều này thực sự bất công đối với kiến thức lịch sử nước nhà.

Tại các trường học, phương pháp dạy môn lịch sử còn chưa có tính sáng tạo, theo kiểu rập khuôn, giáo viên đọc và học sinh chép. Lịch sử là môn học thú vị khi cách dạy của giáo viên có sức hút. Các thầy cô giáo có thể tổ chức những giờ học ngoại khóa để các em học sinh đến các di tích lịch sử tìm hiểu nguồn gốc, hiệu quả sẽ rất tốt. Thầy cô giáo phải là những người yêu lịch sử, có cái nhìn mới mẻ về môn Lịch sử để truyền tải các em có chọn lọc, tinh túy nhất.

Bởi vậy Lịch sử đối với cả giáo viên và học sinh cần được nâng cao và đổi mới hơn nữa để tất cả chúng ta cùng có ý thức coi trọng Lịch sử. Để xứng đáng là một người công dân tốt và có ích cho xã hội. Để không phải xấu hổ khi lịch sử nước nhà mà không biết một điều gì.

3. Nghị luận xã hội về môn Lịch sử mẫu 2

Victor Huygo từng nói: “Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai lên quá khứ.” Lịch sử của một đất nước tái hiện toàn bộ chặng đường phát triển gian nan cũng đầy huy hoàng của cả dân tộc. Và môn lịch sử chính là phương tiện cho việc tìm hiểu lịch sử dân tộc của thế hệ sau đối với quá khứ của chính đất nước mình. Quan trọng là vậy nhưng liệu trong thực tế, môn lịch sử có được đối xử xứng tầm?

Từ cấp tiểu học cho tới bậc đại học, môn Lịch sử không bao giờ thiếu trong chương trình học. Đây là môn học mang lại tri thức cũng như tái hiện lại toàn bộ đất nước từ thời khai thiên lập địa cho tới ngày đất nước toàn vẹn, hai miền thống nhất cùng xây dựng xã hội chủ nghĩa. Không những đề cập tới riêng lịch sử đất nước, môn học này còn đem đến những kiến thức tổng quan về lịch sử thế giới như những trận chiến tranh thế giới cam go hay nguồn gốc hình thành nên chủ nghĩa tư bản. Từ những thông tin bên ngoài đất nước, học sinh có cái nhìn bao quát và toàn diện, xâu chuỗi được các vấn đề liên quan đến hoàn cảnh thế giới tác động tới lịch sử đất nước. Môn Lịch sử giúp cho các thế hệ con em sau này hiểu và biết được, để được nền hòa bình như ngày nay, dân tộc ta đã phải oằn mình lên chống đỡ bao nhiêu cuộc chiến tàn khốc, từ đó thêm yêu và trân trọng nền hòa binh như ngày nay.

Về mặt lý thuyết, môn Lịch sử là môn học lí thú, được học sinh quan tâm và yêu mến, chủ động tìm hiểu. Nhưng trên thực tế, đây lại là môn học khiến đại đa số học sinh lẫn sinh viên ngao ngán và chán học. Sự thờ ơ của học sinh đối với Lịch sử đang ở mức báo động. Hồ Chủ Tịch từng nói: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Vậy nhưng hầu hết học sinh, sinh viên có hiểu biết rất mơ hồ về lịch sử của chính đất nước mình. Đau đớn hơn, nhiều người có thể đọc vanh vách từng triều đại của Trung Quốc nhưng lại không thể nhớ được chiến thắng đế quốc Nguyên-Mông hung hãn của dân tộc ta diễn ra trong thời nào. Trong một phóng sự ngắn gần đây, khi một số em học sinh được hỏi về Quang Trung đã không ngần ngại khi khẳng định Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em, hoặc Hai Bà Trưng gồm Bà Trưng và Bà Triệu. Điều này phản ánh sự hời hợt trong việc học môn Lịch sử ngay cả khi các em vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Có một luật bất thành văn trong các nhà trường: Lịch sử là môn phụ, học để hoàn thiện chương trình học; còn môn chính cần dành nhiều thời gian và công sức là Toán, Lí, Hóa, Văn và Anh. Cũng chính vì vậy, thời lượng cho môn học cũng bị rút ngắn đi và tỷ lệ học sinh yêu thích hay dành thời gian nhất định để nghiên cứu môn học ngày càng giảm. Dù là phân môn chính thức nhưng từ việc học cho tới kiểm tra kiến thức lịch sử vẫn còn rất hình thức. Trông bên ngoài thì có vẻ môn Lịch sử được quan tâm nhưng thực chất như nào thì ai cũng tự hiểu với nhau.

Biểu hiện dễ nhận thấy nhất cũng như đã được ghi nhận về tình trạng học môn Lịch sử chính là kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016 vừa qua. Theo thông tin thống kế tỷ lệ đăng ký môn thi của học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội mà báo Vnexpress đã đăng tải, “có 51.290 thí sinh đăng ký hai môn Ngữ Văn, Toán; 50.310 thí sinh chọn thi môn Ngoại ngữ; 26.270 em thi Vật lý; 19.830 em đăng ký môn Hoá; 15.720 em thi Địa lý; 6.050 thí sinh chọn môn Sinh; Lịch sử chỉ 4.410 em đăng ký thi. Trước đó, nhiều lãnh đạo trường Trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội cũng cho biết, qua khảo sát học sinh đăng ký môn thi trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2016, có rất ít em lựa chọn môn Lịch sử. Ở Trung học phổ thông Ứng Hoà A có 9 học sinh, Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa) có khoảng 70 em, Trung học phổ thông Ba Vì có 60 trong số 520 học sinh…” Kết quả khảo sát này đã gióng lên hồi chuông báo động đến các ban ngành trong lĩnh vực giáo dục cũng như toàn hệ thống giáo dục của nước ta.

Nhiều nghiên cứu, tọa đàm được thực hiện nhằm cải thiện tình trạng này nhưng đều không có kết quả khả quan. Các cấp, các ban ngành và các nhà sử học cứ tổ chức tọa đàm, còn học sinh thì cứ vẫn thờ ơ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học sinh chán học sử. Đầu tiên cần khẳng định, trang sử của dân tộc ta hào hùng và bi tráng không thua kém gì lịch sử nước bạn. Nhưng có một thực tế, những gì được dạy cho học sinh chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Lịch sử có rất nhiều vấn đề về chính trị, xã hội cũng như trong hàng ngàn hàng vạn trận đánh, dân tộc ta không thể 100% thắng trận. Bởi nếu chỉ có thắng trận như trong sách Lịch sử thì sao lại có những hiện thực đau đớn mà văn học phản ánh. Ta chỉ chú tâm vào việc thay đổi phương pháp dạy và học nhưng lại không hề xem lại nội dung phản ánh trên trang sách Lịch sử. Bác Hồ có nói: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân tộc ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn bè ta. Đồng thời viết để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết về cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn, nêu cái hay, cái tốt thì có chừng mực, chớ có phóng đại. Có thế nào, nói thế ấy.” Áp dụng vào việc biên soạn nội dung của môn Lịch sử, liệu chúng ta đã có cái nhìn thẳng thắn và sòng phẳng với lịch sử khi tô lên lịch sử một màu hồng của những chiến thắng? Đọc sách lịch sử từ Sách giáo khoa Lịch sử 6, 7… cho tới cuốn Lịch sử Việt Nam đại cương đang được giảng dạy trong các trường đại học, có trang nào viết về dân ta chết bao nhiêu người trong chiến dịch này hay ta từng thất bại trong chiến dịch kia? Bản thân lịch sử vốn đã hay, đã cuốn hút, và bản chất của nó là những điều đã xảy ra, là bài học để hiện tại soi chiếu vào quá khứ. Thay vì đổi mới đủ thứ, cái cần thiết chính là đổi mới nội dung trong trang sách Lịch sử.

Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận lối mòn trong giảng dạy môn học này ở trong các trường học. Học sinh chủ yếu chỉ được tiếp xúc với tranh ảnh, slide trình chiếu hay nghe thụ động. Tại sao không thay những tiết học nhàm chán trên lớp về cách mạng tháng Tám bằng một buổi đi thực tế tại bảo tàng Hồ Chí Minh - nơi lưu giữ những tư liệu, tài liệu sống động hơn rất nhiều? Lối học thụ động cũng là nguyên nhân gây nên sự chán chường trong học Sử đối với học sinh, sinh viên. Tiết học nào cũng ngồi nghe cô giảng sẽ không thể hứng thú bằng việc để người học tự nghiên cứu ở nhà, sau đó lên lớp tiến hành thuyết trình, thảo luận cũng như phản biện các quan điểm khác nhau của từng nhóm.

Quan niệm chỉ tập trung vào môn thi chuyển cấp, thi đại học, những môn khác không cần quan tâm cũng nên xóa bỏ. Mỗi môn học mang đến một kiến thức riêng, đặc thù, giúp cho hệ thống tri thức của mỗi người được toàn diện. Vậy nên số tiết học môn Lịch sử trong phân phối chương trình cần có sự phân chia đồng đều với các môn khác để giáo viên có thể có thêm những hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh, tăng hứng thú giảng dạy cũng như học tập.

Bản thân em cũng như các bạn khác đang là học sinh trên ghế nhà trường tự nhận thấy mình chưa hoàn toàn tập trung và có cách nhìn nhận đúng đắn về môn học. Em tự thấy mình cần siêng năng và chủ động hơn trong việc tìm hiểu lịch sử đất nước. Đó không chỉ là nhiệm vụ của học sinh mà còn là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của một công dân đối với đất nước, đối với sự hy sinh của cha ông. Học thật tốt môn lịch sử cũng chính là sự thể hiện niềm tự hào dân tộc, trân trọng cống hiến của người đi trước và có được những bài học cho việc xây dựng đất nước trong tương lai.

4. Nghị luận xã hội về môn Lịch sử mẫu 3

Kì thi THPT Quốc gia năm 2015, nhiều điểm thi trên cả nước “nghỉ sớm” vì không có thí sinh dự thi môn lịch sử. Có điểm thi, cả Hội đồng thi chỉ phục vụ một thí sinh. Đây là một biểu hiện của hiện trạng học sinh không thích học môn Lịch sử và hiểu biết hạn chế về lịch sử nước nhà như hiện nay.

Câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở về ý thức, trách nhiệm hiểu biết lịch sử của mỗi công dân từ đó khơi gợi vai trò ý nghĩa của lịch sử nói chung và bộ môn lịch sử nói riêng trong giáo dục. Lịch sử chính là điểm tựa của chúng ta, là nơi hội tụ, kết tinh những giá trị tinh thần vô giá của dân tộc, của các thế hệ cha ông. Lịch sử giúp cho chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng vào truyền thống anh hùng, bất khuất, mưu trí, sáng tạo của tổ tiên và hy vọng vào tiền đồ, tương lai tươi sáng của dân tộc. Nhưng hiện tượng trong kì thi THPT Quốc gia đã cho thấy tình trạng học sinh quay lưng với môn lịch sử, không thích học môn lịch sử từ đó gợi ra vấn đề đang ngày càng trở nên phổ biến hiện nay đó là sự hiểu biết hạn chế về lịch sử nước nhà của thế hệ trẻ.

Việc học sinh không thích học môn lịch sử và ít hiểu biết về truyền thống dựng nước, giữ nước vẻ vang của dân tộc là điều có thật và là một thực tế đau lòng cho nền giáo dục đất nước: Học sinh xé đề cương ôn thi môn lịch sử và rải trắng khắp trường khi nghe tin môn này không có trong danh sách các môn thi tốt nghiệp (năm 2013); Học sinh mừng rỡ khi lịch sử không còn là môn thi bắt buộc mà là môn thi tự chọn; ít học sinh đăng ký thi môn Lịch sử theo hình thức tự chọn (năm 2014). Hằng năm, kết quả điểm thi môn lịch sử (kể cả thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh đại học) thấp một cách bất thường. Năm 2015, kì thi THPT QG diễn ra nhiều điểm thi trên cả nước “nghỉ sớm” vì không có thí sinh dự thi môn lịch sử.

Có điểm thi, cả Hội đồng thi chỉ phục vụ một thí sinh. Ít người trả lời thông suốt những câu hỏi về lịch sử trong các kỳ thi trên truyền hình, kể cả những người được xem là học tốt, học giỏi; học sinh gần di tích lịch sử cũng không biết lịch sử di tích gần mình. Lúng túng khi được hỏi về các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử nổi bật được lấy tên đặt cho các đường, các phố trong nhiều đô thị, không biệt phân biệt triều đại, các vị vua. Chương trình Chuyển động 24h của VTV thực hiện phóng sự ngắn tại hai tuyến phố lịch sử Tây Sơn và Đặng Tiến Đông với câu hỏi rất đơn giản về vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Câu hỏi về mối quan hệ giữa hai cái tên Quang Trung - Nguyễn Huệ cho các em ở lứa tuổi học sinh. Các em đã khiến hầu hết người nghe phải bàng hoàng khi đưa ra câu trả lời Quang Trung - Nguyễn Huệ là hai bố con, hai anh em, bạn thân chiến đấu. Thậm chí, trong phóng sự, có một em học sinh còn chắc chắn như đinh đóng cột rằng “Quang Trung là nhà thơ, trường con chính là trường của ông ấy - trường Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính là ông Quang Trung”. Phóng sự ngắn trên một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động lỗ hổng lớn về kiến thức lịch sử của học sinh Việt Nam.

Có nhiều nguyên nhân đơn cử như: chương trình, sách giáo khoa lịch sử khô cứng, không hấp dẫn; nhiều mốc thời gian, sự kiện khó nhớ khó thuộc gây ra sự rối loạn cho học sinh; thầy, cô dạy không có phương pháp tích cực, hiệu quả và thiếu nhiệt tình, không truyền được niềm đam mê, sự hứng thú lịch sử cho học sinh. Phía các kênh tuyên truyền: nặng về cung cấp thông tin một chiều. Phía cá nhân học sinh: bị thu hút quá mạnh vào những trò giải trí hấp dẫn quanh mình, bị chi phối của quan niệm thực dụng về việc học và việc chọn nghề sau này, quá ít người đọc các sách, các tài liệu về lịch sử. Học sinh không lựa chọn thi lịch sử vì khi thi sử thì các em không có nhiều cơ hội đa dạng về ngành nghề. Tuy nhiên vẫn có học sinh không chọn lịch sử làm môn thi không có nghĩa là các em không hiểu biết về lịch sử.

Phải thay đổi nhận thức của các cấp quản lý giáo dục, thầy cô giáo đến cha mẹ học sinh và toàn xã hội về vai trò của môn lịch sử trong giáo dục con người nói chung, giáo dục nhân cách thế hệ trẻ nói riêng. Phải có sự thay đổi mang tính cách mạng về quan niệm, nhận thức đối với môn lịch sử ở cấp học phổ thông. Hiện nay các thầy cô giáo đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử để gây nên hứng thú, niềm tự hào dân tộc trong học sinh. Đề thi lịch sử cũng đã bắt đầu có sự đổi mới...Phải tích lũy kiến thức lịch sử một cách nghiêm túc hơn, tìm thấy hứng thú ở những câu chuyện nói về truyền thống hào hùng của cha ông. Phải nuôi dưỡng không ngừng lòng tự hào dân tộc.

Cần nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của môn lịch sử để từ đó ra sức tìm tòi, học tập, nghiên cứu về nhưng chiến công hiển hách của cha ông trong lịch sử. Lịch sử là điểm tựa của hiện tại và tương lai. Tất cả chúng ta cần phải hăng hái, tự giác học lịch sử nước nhà để có thể đón nhận được những thông tin, tiếp thu được những kinh nghiệm quí báu từ xa xưa. Phê phán những các nhân đi ngược lại lịch sử đất nước, đi ngược lại truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời nay của dân tộc

Hơn lúc nào hết trong bối cảnh hội nhập để giữ vững nền độc lập, chủ quyền của dân tộc, hiểu về lịch sử dân tộc là cần thiết:

“Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

5. Nghị luận xã hội về môn Lịch sử mẫu 4

Bác Hồ đã từng dạy:

“ Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.”

Lịch sử có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống giáo dục của bất kỳ quốc gia nào, không chỉ riêng Việt Nam. Tuy nhiên trong những năm gần đây, việc học và thi lịch sử luôn trong tình trạng báo động, là vấn đề mà ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm.

Mới đây nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố chính thức các môn thi tốt nghiệp THPT 2014 với 4 môn thi (2 bắt buộc và 2 tự chọn). Thí sinh thi 2 môn bắt buộc là Toán, Văn và 2 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử và Ngoại ngữ. Qua khảo sát ở một số trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội, cho chúng ta kết quả rất đáng quan ngại. Cụ thể: Trường THPT Lương Thế Vinh (0% chọn lịch sử); Trường THPT Cầu Giấy (1.7%); Trường THPT Hồ Tùng Mậu (chỉ có 1 em chọn lịch sử)… Và đây cũng là bức tranh chung u ám của nhiều trường trên toàn quốc.

Trong hệ thống giáo dục của bất cứ quốc gia nào, lịch sử luôn là môn học bắt buộc và có vai trò quan trọng hình thành nhân cách, tư tưởng và tinh thần của mỗi người. Học lịch sử là để học tinh thần yêu nước. Tuy nhiên, với vai trò vô cùng quan trọng như vậy tại sao học sinh ngày nay lại có thể “thờ ơ, lạnh nhạt” với môn học này, có thể xem xét ở một số góc độ sau.

Trong các trường trung học thì việc học sinh không “thiết tha” với các môn học xã hội đã diễn ra từ lâu. Nguyên nhân mà các môn học này rơi vào tình trạng này năm ngay ở bản chất của nó. Khoa học xã hội phát triển từ lâu đời, thành quả của nó không thể hiện hữu ngay lập tức mà nó cần quá trình dài để phát triển và chứng minh. Người ta không nhận thức được vai trò và ý nghĩa của các môn học này, do đó thường không chọn lựa nó trong chương trình học.

Dễ thấy một điều rằng học và thi các môn tự nhiên khả năng được điểm cao hơn các môn xã hội nói chung, lịch sử nói riêng. Ngoài ra thì các môn xã hội khi thi đại học ít có cơ hôi chọn trường, chọn ngành hơn. Do đó sẽ ít học sinh chọn môn học này. Việc định hướng giá trị trong xã hội (vật chất hay tinh thần) ảnh hưởng đến sự lựa chọn môn học của học sinh. Cùng với nó là sự lên ngôi của các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nghệ ở bậc đại học trong những năm qua góp phần làm hạ thấp vai trò của môn lịch sử nói riêng và các môn khoa học xã hội và nhân văn nói chung. Ngày càng ít học sinh có năng lực đam mê hoặc có mong muốn theo học môn lịch sử. Nội dung lịch sử hiện nay còn khô khan, khó tiếp thu. Nội dung của lịch sử thiếu sự cập nhật và thiếu thực tiễn khiến người học có tâm lý chán nản. Người học ngại học, không dám học, thường kết quả kiểm tra kém. Cần phải khẳng định rằng học lịch sử không để thỏa mãn kiến thức. Học môn học này cần tiếp nối các vấn đề, lối tư duy của lịch sử để phục vụ trong thời đại hiện nay.

Các bộ môn xã hội hiện nay vẫn thường giảng dạy với phương pháp cũ: “thầy đọc trò ghi, học thuộc lòng” khiến người học không hứng thú học. Cốt yếu là cái tinh thần của sự kiện lịch sử thì chưa truyền thụ được cho học sinh. Điều nghịch lý là bắt học sinh nhớ từng ngày tháng, thuộc lòng; mà đôi khi học sinh lại không cần biết sự kiện đó có ý nghĩa ra sao, tại sao lại xuất hiện? Dạy lịch sử không phải để nhớ sự kiện, biết sự kiện quan trọng là “tư duy lịch sử”. Ví như trong một hoàn cảnh lịch sử đó thì có ý nghĩa gì, dẫn đến sự kiện gì tiếp theo. Điều quan trọng hơn nữa là học lịch sử giải quyết các vấn đề trong tương lại (các bài học của lịch sử). Trong nhiều năm nay, môn lịch sử luôn bị coi là môn phụ, là môn thi của những người không học được khối A, B, D và là môn của những người học “thuộc lòng”. Trong chương trình học thì số tiết cũng ít hơn các môn học khác, dẫn đến tâm lý dạy và học đối phó, học nhồi nhét trước kỳ thi. Chúng ta xem xét một số nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, không ở đâu xa như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…Đó là những nền giáo dục biết coi trọng môn lịch sử thể hiện qua việc sản xuất và xuất khẩu được nhiều bộ phim lịch sử của nước mình. Có được điều đó xuất phát từ việc nhà nước, xã hội và nhà trường nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của giáo dục lịch sử dân tộc. Một quốc gia hùng mạnh không chỉ ở nền kinh tế phát triển, quân sự tiến tiến mà nó còn ở truyền thống của dân tộc đó (bề dày lịch sử). Đất nước ta đã có 4000 năm lịch sử, với một quá khứ hào hùng. Từ chiến thắng Bạch Đằng, Đống Đa, đến Điện Biên Phủ (Chống Pháp), rồi chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (Chống Mỹ)... Với một bề dày lịch sử như vậy, việc giáo dục những truyền thống, giá trị đẹp của dân tộc Việt đến thế hệ mai sau là nhiệm vụ rất quan trọng.

Có rất nhiều ý kiến nhằm đưa lịch sử vào trong lòng các thế hệ trẻ hiện nay: Đổi mới phương pháp dạy và học, thay đổi chương trình học, nâng cao nhận thức xã hội về lịch sử… Tuy nhiên, việc thực hiện và hiệu quả của nó vẫn là dấu hỏi lớn. Đây vẫn là bài toán khó cho ngành giáo dục hiên nay, cần có sự chung tay giúp sức của toàn xã hội. Không phải một sớm một chiều mà có lấy lại sự hứng thú của người học đối với môn lịch sử. Chúng ta vẫn phải chờ đợi lời giải đáp của ngành giáo dục của Việt Nam.

6. Nghị luận xã hội về môn Lịch sử mẫu 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Dân ta phải biết sử ta cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam", lời dạy của Bác quả thật rất đúng và vẫn lưu nguyên giá trị cho đến tận ngày hôm nay. Học lịch sử biết về lịch sử của dân tộc, để biết được những biến cố xảy ra trong quá khứ, để càng thêm tin, thêm yêu dải đất hình chữ S. Thế nhưng có một thực trạng rất đáng buồn rằng, xã hội càng văn minh hiện đại thì dường như con người ta lại có xu hướng quên đi quá khứ, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh dường như các em có xu hướng bài xích môn Lịch sử, cho rằng đây là môn học vô vị và không mang lại những lợi ích cụ thể. Sự thực đau lòng ấy, ngày càng diễn tiến một cách trầm trọng và phổ biến ở toàn thể các em học sinh, khiến chúng ta không khỏi trăn trở suy nghĩ về những giá trị trong cuộc sống hôm nay và khi xưa sao lại có sự cách biệt nhiều đến vậy.

Lịch sử là một môn học thiên về lý thuyết, không yêu cầu con người ta phải nghiên cứu và tư quá nhiều, đó là một tập hợp những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ, đó là những trang sử hào hùng của dân tộc suốt trong những năm tháng kiêu hùng dựng nước rồi lại giữ nước. Ở đó ta cũng thấy được, hiểu được những con người làm nên đất nước, hy sinh vì đất nước, chiến thắng có, mất mát đau thương và nước mắt cũng có. Tuy chỉ ngắn gọn tầm trăm trang sách, thì không đủ để diễn tả hết chi tiết những sự kiện trọng đại trong quá khứ, nhưng chúng phần nhiều có giá trị nhắc nhở mỗi con người chúng ta về những điều cơ bản của đất nước trong quá trình dựng nước và giữ nước suốt hơn 4000 năm.

Chúng ta biết rằng, con người từ khi sinh ra đã có lòng yêu hương đất nước, yêu quê cha đất tổ muôn đời, nơi đã từng chôn rau cắt rốn, dẫu có đi ngược về xuôi cũng chẳng thể nào dứt bỏ. Thế nhưng lòng biết ơn, lòng tự tôn dân tộc, lòng yêu nước hình thành từ bản năng và những tình cảm thông thường trong cuộc sống hằng ngày muốn được vững bền và phát triển hơn nữa thì nhất thiết chúng ta phải tìm hiểu cái gọi là lịch sử dân tộc. Phải tận mắt đọc và thấu hiểu những gian khó mất mát của cha ông, phải biết được ông cha ta đã hy sinh bao nhiêu xương máu vì Tổ quốc hôm nay, con người ta mới thấm thía, mới càng trân trọng hơn mảnh đất quê hương, mới ý thức được việc "Uống nước nhớ nguồn".

Học Lịch Sử, cũng khiến con người ta được mở mang tầm vóc trí tuệ, bởi những bài học được đổi bằng xương máu lúc nào cũng quý giá và sâu sắc hơn tất cả, ở đó chúng ta học được lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của cha ông. Cũng ý thức được hơn rằng việc bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi một cá nhân, là người Việt Nam phải yêu thương dân tộc mình, phải bảo vệ từng tấc đất quê hương, phải cư xử và hành động cẩn trọng, chớ để kẻ thù lợi dụng, ...

Lịch sử vốn là một môn học khá thú vị, nó giống như là một tập nhật ký dày, trong đó có vô vàn các câu chuyện, thế nhưng chẳng biết vì sao lại có nhiều bạn trẻ chán chường với nó đến vậy. Nhiều bạn học sinh chia sẻ, cứ đến giờ học Lịch Sử là bạn ý lại buồn ngủ, cuốn sách cả năm cũng không lật ra được mấy lần, thầy cô mà lỡ cho nghỉ tiết thì đúng là vui như mở hội, cảm thấy như trút được gánh nặng vậy. Có em còn thẳng thắn cho rằng, Lịch Sử có học hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy tới cuộc sống, tại sao lại cứ lôi quá khứ ra để mà mổ xẻ, phân tích, thật mệt mỏi và nhàm chán. Rồi thì những bài kiểm tra định kỳ, thậm chí là thi học kỳ đều có rất nhiều bạn được điểm dưới trung bình, tôi bất ngờ không lẽ môn Lịch Sử thực sự khó đến vậy sao? Đôi ba sự kiện lịch sử mà lại cũng làm khó được tầng tầng lớp lớp những học sinh vốn thông minh sáng dạ? Đó là những biểu hiện bình thường, chưa có gì đáng bàn nhiều, phải thấy cảnh các em học sinh lớp 12, đốt sách, xé đề cương Lịch Sử rải như tuyết giữa sân trường khi nghe tin không phải thi tốt nghiệp môn này người ta mới thấy được tầm nghiêm trọng của sự việc. Thi tốt nghiệp, chẳng em nào muốn chọn môn Lịch Sử, mà trường nào bắt buộc thi là y như rằng năm đó cơ số điểm không, với điểm liệt nhiều không xuể, đến nỗi nhà trường cũng thật sự sợ nếu cứ chọn môn Lịch Sử làm môn thi tốt nghiệp. Đó là trong nhà trường, ra xã hội nhiều lúc tôi phải bật cười vì trình độ hiểu biết lịch sử dân tộc của một số bạn trẻ, tôi từng đọc được một comment trên facebook nói rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em, rồi Bà Trưng với Bà Triệu là hai chị em, thậm chí còn nhầm cả tướng Trung Quốc thành tướng của Việt Nam,... Nhiều lúc hỏi bâng quơ ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là ngày nào, nhiều người còn lớ ngớ, ậm ừ mãi không trả lời được.

Suy đi ngẫm lại thì thực trạng học sinh kém Sử và chán Sử phần nhiều lỗi vẫn thuộc về người lớn, cách dạy khô khan cứng nhắc hời hợt, thậm chí là không nắm vững kiến thức khiến các em thấy chán nản, có những nhầm lẫn "xấu hổ" về Lịch Sử dân tộc. Chúng ta vẫn luôn nói rằng Lịch Sử là một môn học cần thiết với học sinh, thế nhưng trong thực tế cho thấy bản thân ngành giáo dục rõ ràng đã xem nhẹ bộ môn này, trước khi bị học sinh coi nhẹ, trong một tuần học đến mấy chục tiết nhưng Lịch Sử chỉ chiếm độ 1,5-2 tiết, có khi còn bị cắt bớt đi. Điều đó rõ ràng đã chỉ ra cho các em học sinh thấy, Lịch Sử là môn phụ! Sách giáo khoa Lịch Sử quá nặng về các mốc sự kiện, sách đã cũ, không được cải tiến, lời văn lời dẫn còn nghèo nàn, thực sự trông vào đã thấy buồn ngủ, nói chi là đọc cho hết. Ngoài ra lối học, lối dạy "ứng thi" lại càng khiến học sinh thêm chán nản, lên lớp giáo viên đọc cho học sinh chép kín cả quyển vở, cuối kỳ dặn học hết cả quyển vở ấy, rồi thi, những sự kiện lịch sử chẳng được truyền dạy một cách thật nghiêm túc, thì đối với các em học sinh nó cũng chẳng có ý nghĩa gì mấy mà thậm chí còn là gánh nặng học tập. Nhiều lúc ngẫm thấy có một điều dở khóc dở cười ấy là Việt Nam ta có bao nhiêu triều đại thì không biết nhưng của Trung Quốc lại thuộc làu làu, ấy cũng là một sự yếu kém trong khai thác văn hóa lịch sử của đất nước ta, những bộ phim dã sử, chính sử không được đầu tư bài bản, trên truyền hình thì lại xuất hiện nhan nhản những bộ phim cổ trang Trung, Hàn hấp dẫn thú vị, thu hút nhiều sự chú ý hơn cả. Còn bản thân các em học sinh thì chưa đủ nhận thức để nhìn ra tầm quan trọng của môn Lịch Sử, còn quá định hướng một cách thực dụng về nghề nghiệp sau này, ngành mình không thi Sử thì cớ chi phải học, đấy là cái lý lẽ của các em.

Nhận thấy được thực trạng đáng buồn ấy, chúng ta cần phải có những biện pháp giáo dục, tuyên truyền để thay đổi nhận thức của các em học sinh về tầm quan trọng của môn Lịch Sử. Thầy cô cần đặt tâm huyết của mình vào môn dạy, cố gắng sáng tạo thêm những phương pháp học tập mới thu hút sự quan tâm lắng nghe của các em, cha mẹ cũng cần quan tâm khuyến khích các em tìm hiểu về Lịch Sử dân tộc, dành tặng các em những cuốn sách Lịch Sử hữu ích, kể cho các em nghe những câu chuyện lịch sử thú vị. Bản thân mỗi em học sinh cần thay đổi nhận thức về môn Lịch Sử, phải đối xử và dành sự quan tâm đồng đều với tất cả các môn học, phải tự tìm được hứng thú và động lực trong học tập, bỏ đi cái thói quen bị động, chán nản thường thấy. Lên tiếng phê phán những hành động thiếu tôn trọng Lịch Sử và các bậc anh hùng dân tộc, cố tình quên lãng, bỏ bê những trang sử vẻ vang của dân tộc, không có lòng biết ơn, lòng yêu nước lòng tự tôn dân tộc.

Lịch Sử là môn học dạy cho chúng ta những bài học quý giá, đó là những kinh nghiệm quý báu của cha ông, dù thành công hay thất bại, Lịch Sử cũng đem lại cho chúng ta tầm hiểu biết về con người, về đất nước, để chúng ta càng yêu thêm Tổ quốc xinh đẹp này. Người tôn trọng Lịch Sử chính là người có lòng yêu nước và lòng tự tôn dân tộc, sống là con dân Việt Nam sao có thể không biết chút gì về lịch sử dân tộc, chao ôi nếu để bạn bè quốc tế biết được thì xấu hổ biết bao?

7. Nghị luận xã hội về môn Lịch sử mẫu 6

Lịch sử là môn học từ lâu đã được đưa vào chương trình giáo dục cho học sinh, nhằm dạy cho học sinh về cội nguồn dân tộc qua các cuộc đấu tranh hào hùng và phát triển của cha ông đi trước. của đất nước trong một thời đại đã qua. Nhưng thực tế học lịch sử hiện nay đang có rất nhiều vấn đề xảy ra.

Trong những năm gần đây, một vấn đề nổi lên liên quan đến môn học lịch sử là học sinh không thích học lịch sử, không hiểu biết về lịch sử dân tộc. Đây là vấn đề đáng suy ngẫm của mọi người.

Tình trạng này rất phổ biến. Học sinh thờ ơ với môn sử, dường như môn sử không còn được chú trọng học tập, dành thời gian cho việc học. Học sinh không còn hứng thú với lịch sử dân tộc, với lịch sử. Học sinh vui mừng khi tiết học lịch sử không còn, khi lịch sử không còn là môn học bắt buộc mà trở thành môn học tự chọn. Và khi trở thành môn học tự chọn, rất ít học sinh đăng ký dự thi. Có những phòng thi chỉ một thí sinh được đăng ký thi môn sử. Điểm thi môn Lịch sử theo thống kê của học sinh những năm gần đây rất thấp. Có nhiều chương trình, phóng sự được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng về vấn đề thanh niên với lịch sử dân tộc. Có thể thấy phần lớn học sinh ngày nay đã dần quên đi lịch sử dân tộc, không biết về những sự kiện, những danh tướng vĩ đại của lịch sử nước nhà. Nhiều bạn không biết Nguyễn Huệ là ai vậy biết gì về lịch sử dân tộc.

Nguyên nhân của tình trạng này là gì? Những lý do cho tình trạng này là đa yếu tố. Đầu tiên phải nói đến nguyên nhân từ phía nhà trường. Môn Lịch sử không phải là môn dễ, hơn nữa lại là môn có nhiều số liệu, nhiều sự kiện, khó nhớ, khô khan, không hấp dẫn nhu cầu tìm hiểu của học sinh, gây khó khăn cho việc học của học sinh. học, khó nhớ. Giáo viên chưa có sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy, còn rập khuôn máy móc nên chưa khơi dậy được hứng thú, tâm trạng cho người học. Học sinh học môn này cảm giác rất nặng nhưng không nhớ bài. Về phía học sinh, các em bị cuốn hút vào những môn học khác, những trò giải trí hấp dẫn khác mà sao nhãng môn lịch sử. Một điều quan trọng là học sinh bây giờ rất ít đọc sách, nhất là sách lịch sử. Vì vậy, họ thiếu rất nhiều kiến ​​thức về lịch sử. Hơn nữa, một nguyên nhân mà chúng ta có thể thấy rõ là nguyên nhân từ khâu tuyên truyền. Hiện nay các bộ phim về lịch sử Việt Nam còn quá ít và chưa phổ biến mà thay vào đó là các bộ phim cổ trang Trung Quốc được chiếu nhiều, thu hút một lượng lớn người xem. Vì vậy, nhiều người khi hỏi về lịch sử dân tộc thì không biết sự thật nào, nhưng nếu hỏi về lịch sử Trung Quốc thì họ biết rất rõ, vì qua những bộ phim lịch sử mà chúng ta được biết về lịch sử nước nhà. dần dần tiếp thu và biết thêm về lịch sử nước nhà. Đây là một bất cập trong thực trạng xã hội hiện nay.

Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt, chúng ta không thể đánh đồng tất cả. Ngày nay không phải là không có những người am hiểu lịch sử và yêu thích lịch sử dân tộc. Vì vậy, vẫn có học sinh giỏi môn sử. Trong suy nghĩ của học sinh luôn nghĩ đến việc chọn môn phù hợp với ngành nghề, với trường đại học mình chọn sau này, lịch sử là môn học rất kén học sinh nên không chọn. chọn lịch sử.

Trước tình hình đó, chúng ta cần có những biện pháp kịp thời để lịch sử dân tộc không bị lãng quên. Chúng ta cần đổi mới phương pháp dạy học để khơi dậy hứng thú, tâm trạng cho người học. Ngoài ra, cần thay đổi nhận thức của học sinh về lịch sử, để các em tìm hiểu lịch sử dân tộc đó với sự say mê, hứng thú và tự nguyện chứ không phải là một hình thức ép buộc. bạn học lại đi Lịch sử của dân tộc ta là cả một thời hào hùng và đáng tự hào, phải khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam. Chương trình dạy môn lịch sử cũng cần thay đổi, cần đưa những kiến ​​thức trọng tâm thiết thực vào, hạn chế những kiến ​​thức không cần thiết. Các trường cần tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm thực tế để các em tiếp cận với lịch sử để các em đạt hiệu quả học tập cao hơn, giúp các em nhớ kiến ​​thức lâu hơn chứ không dạy theo kiểu truyền thống. máy dập.

Mỗi chúng ta hôm nay, cần chung tay góp sức gìn giữ những trang sử của dân tộc. Hãy đánh thức lòng tự hào dân tộc qua những trang sử hào hùng. Là thế hệ trẻ, chúng ta càng phải có trách nhiệm hơn với lịch sử, bằng cách tiếp cận lịch sử một cách hiệu quả nhất và chia sẻ cách học lịch sử hiệu quả nhất với những người xung quanh.

8. Nghị luận xã hội về môn Lịch sử mẫu 7

Lịch sử là môn học mang lại nhiều tri thức và ích lợi. Đó chẳng những là môn học “ôn cố tri tân” mà còn giúp người học phát triển tư duy biện chứng.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn: Lịch sử không phải là môn học được coi là "thời thượng”. Thứ nhất đó không phải là những ”môn chính” như Văn, Toán hay Anh. Thứ hai, đó chỉ là môn học thi trong khối c - khối thi cũng không được các bạn học sinh lựa chọn nhiều. Hay nói một cách khác, trong thời đại phần lớn các bậc phụ huynh và các bạn học sinh đang hướng đến việc học một cách thực dụng: chỉ học tập trung vào những môn chính, những môn thi tốt nghiệp, những môn thi đại học thì môn Lịch sử - dù có nhiều ích lợi cũng mang một số phận hẩm hiu như nhiều môn học "phụ” khác: không được nhiều học sinh quan tâm yêu thích. Và thậm chí, có quan tâm yêu thích, nhiều người cũng không đủ dũng cảm để đi theo vì cơ hội mở ra cho môn học này quá ít ỏi.

Không chỉ vậy, phương pháp dạy và học môn Lịch sử còn nhiều hạn chế chưa gợi được hứng thú của học sinh đối với môn học. Tư liệu hình ảnh còn nghèo nàn, việc lên lớp của thầy cô còn thiếu sinh động do hạn chế về đồ dùng dạy học,... Vậy nên cần có sự đổi mới mạnh mẽ về phương pháp dạy - học bộ môn này?

9. Nghị luận xã hội về môn Lịch sử mẫu 8

Trong một xã hội hiện đại, lịch sử được xem là một trong những môn học quan trọng nhất để giáo dục và truyền dạy kiến thức văn hóa, truyền thống cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, sự thờ ơ của học sinh đối với môn học này đang trở thành một vấn đề xã hội đáng lo ngại.

Thật đáng tiếc khi hàng nghìn học sinh Trung học phổ thông ta đang chìm đắm vào thế giới của công nghệ, video game và trang mạng xã hội. Họ không quan tâm đến lịch sử, thậm chí là không biết gì về các sự kiện quan trọng đã xảy ra trong lịch sử đất nước mình và thế giới. Điều này làm cho việc giáo dục các học sinh về lịch sử trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thờ ơ này đó là cách giảng dạy lịch sử của các giáo viên. Nhiều giáo viên chỉ dạy kiến thức một cách lý thuyết mà không kết hợp thực tế, cốt cách, tâm lý các học viên để tạo được sự quan tâm đến bài học. Học sinh không thấy được sự quan trọng của kiến thức đó trong cuộc sống của mình, chúng ta cần phải đưa ra những bài học về lịch sử một cách thực tế hơn, kèm theo những câu chuyện, diễn biến, tình tiết thu hút hơn để các học sinh có sự động viên và yêu môn học lịch sử hơn.

Một vấn đề khác cần được xem xét đó là quan niệm của xã hội về lịch sử. Nhiều người vẫn cho rằng lịch sử chỉ đơn thuần là phần đối với những người yêu thích nghiên cứu hoặc là những cá nhân muốn tìm hiểu về những sự kiện đã từng xảy ra. Thế nhưng, lịch sử không chỉ là sự tường thuật những sự kiện trong quá khứ, mà còn là một cách suy ngẫm về bản sắc và tư tưởng của một nước, một dân tộc. Lịch sử là một tài nguyên vô giá để chúng ta hiểu hơn cảm xúc, tình cảm, ý chí của con người, đó là nền tảng đối với tinh thần và văn hoá của một dân tộc.

Cuối cùng, việc giáo dục học sinh về lịch sử là một trách nhiệm của toàn xã hội, không chỉ là của giáo viên và phụ huynh. Các đơn vị trường học nên tạo môi trường rèn luyện học sinh về ý thức về lịch sử, đồng thời là tạo điều kiện giúp học sinh tham gia các cuộc thi, văn nghệ, thể dục thể thao… để giải trí tâm hồn, giúp phát hiện những giá trị trong cuộc sống của họ, cũng như rèn luyện các kỹ năng khác.

Để kết luận, việc học sinh thờ ơ với lịch sử là một vấn đề đáng báo động, cần sự quan tâm của toàn xã hội. Bằng việc đưa ra những cải cách trong cách giảng dạy và các hoạt động giáo dục, lịch sử sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với học sinh và trở thành một bước ngoặt cải thiện sự rèn luyện kiến thức lịch sử của thế hệ trẻ trong tương lai.

------------------------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về môn Lịch sử. Bài viết cho chúng ta thấy được dàn ý và các bài văn mẫu nghị luận xã hội về môn Lịch sử. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập thật tốt nhé. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12.

Bài tiếp theo: Nghị luận xã hội về sự sẻ chia

Chia sẻ, đánh giá bài viết
22
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Học tốt Ngữ Văn lớp 12

    Xem thêm