Những câu hát về tình cảm gia đình - Nội dung, Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm

Những câu hát về tình cảm gia đình - Nội dung, Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm được VnDoc sưu tầm và đăng tải nhằm giới thiệu Nội dung tác phẩm, Hoàn cảnh sáng tác nằm trong chương trình giảng dạy môn Ngữ văn lớp 7. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây

 

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Để giao lưu và dễ dàng chia sẻ các tài liệu học tập hay lớp 7, mời các bạn tham gia nhóm facebook Tài liệu học tập lớp 7.

Nội dung Những câu hát về tình cảm gia đình

1. Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

...

2. Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

...

3. Ngó lên nuộc lạt mái nhà,
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu.
 Anh em nào phải người xa,
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.

...

4. Yêu nhau như thể tay chân,
Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.

1. Đôi nét về thể loại ca dao, dân ca

- Ca dao, dân ca là những khái niệm tương đương, chỉ các thể loại trữ tình dân gian, kết hợp lời và nhạc, dùng để diễn tả đời sống nội tâm của con người.

- Để phân biệt ca dao và dân ca, hiện nay, người ta đưa ra hai khái niệm như sau:

  • Dân ca là những sáng tác kết hợp lời và nhạc, tức là những câu hát dân gian trong diễn xướng
  • Ca dao là lời thơ của dân ca. Ca dao còn bao gồm cả những bài thơ dân gian mang phong cách nghệ thuật chung với lời thơ của dân ca. Khái niệm ca dao còn được dùng để chỉ một thể thơ dân gian – thể ca dao

2. Đôi nét về tác phẩm Những câu hát về tình cảm gia đình

a. Giá trị nội dung Những câu hát về tình cảm gia đình

  • Tình cảm gia đình là một trong những chủ đề tiêu biểu của ca dao, dân ca. Những câu hát thuộc chủ đề này thường là lời ru của mẹ, lời của cha mẹ, ông bà nói với con cháu, lời của con cháu nói về cha mẹ, ông bà. Những câu hát này thường dùng để bày tỏ tâm tình, nhắc nhở về công ơn sinh thành, về tình mẫu tử, tình cảm anh em ruột thịt.
  • Giáo dục con người về lòng biết ơn và tình cảm yêu thương trong gia đình

b. Giá trị nghệ thuật Những câu hát về tình cảm gia đình

  • Sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát
  • Sử dụng biện pháp so sánh, ẩn dụ, nghệ thuật đối,…
  • Giọng điệu ngọt ngào, tâm tình, thủ thỉ….

3. Dàn ý phân tích tác phẩm Những câu hát về tình cảm gia đình

a. Mở bài

  • Giới thiệu khái quát về thể loại ca dao, dân ca (khái niệm, đặc điểm nội dung và nghệ thuật,…)
  • Giới thiệu về chùm ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình (khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,…)

b. Thân bài

Bài 1:

Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

- Biện pháp so sánh: công cha – núi ngất trời, nghĩa mẹ - nước ở ngoài biển Đông

→ Dùng cái rộng lớn, mênh mông của thiên nhiên để gợi nên công lao to lớn, không gì sánh bằng của cha mẹ

- “Cù lao chín chữ”: hình ảnh ẩn dụ quen thuộc, nói lên lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ, đồng thời làm tăng thêm âm điệu tôn kính, nhắn nhủ, tâm tình của câu hát

⇒ Với việc sử dụng biện pháp so sánh, hình ảnh ẩn dụ bài ca dao đã ngợi ca công lao to lớn của cha mẹ. Đồng thời, qua đó, răn dạy con cháu phải luôn ghi nhớ và báo đáp công ơn to lớn ấy

(Tham khảo bài phân tích câu ca dao Công cha như núi thái sơn... tại đây)

Bài 2: 

Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

- Thời gian: chiều chiều – thời gian buổi chiều gợi cảm giác buồn, nhớ nhà và từ láy “chiều chiều” gợi cảm giác tuần hoàn, lặp đi lặp lại

- Không gian: ngõ sau – gợi sự vắng lặng, không gian rộng lớn, mênh mông, gợi sự cô đơn, buồn tẻ.

- Nỗi niềm của người con gái:

  • Trông về quê mẹ: một cái nhìn đăm đăm, đầy thương nhớ
  • Ruột đau chín chiều: nỗi cô đơn làm dâu xứ lạ, nhớ thương cha mẹ, tê tái, đau buồn không giúp đỡ được cha mẹ.

⇒ Không gian và thời gian gợi nên nỗi buồn, cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi của cô gái lấy chồng xa, đây cũng chính là số phận của người phụ nữ trong xã hội trọng nam khinh nữ.

(Tham khảo bài phân tích câu ca dao Chiều chiều ra đứng ngõ sau... tại đây)

Bài 3: 

Ngó lên nuộc lạt mái nhà,
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu.
Anh em nào phải người xa,
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.

- Ngó lên: hành động gợi sự trân trọng, tôn kính

- Hình ảnh “nuộc lạt mái nhà”: nhiều, gợi sự kết nối bền chặt, không tách rời của sự vật cũng như tình cảm huyết thống và công lao to lớn của ông bà trong việc xây dựng gia đình

- So sánh theo mức độ tăng tiến: bao nhiêu ... bấy nhiêu gợi nên nỗi nhớ trùng điệp, vô tận, không bao giờ nguôi, không bao giờ dứt

⇒ Câu ca dao nói lên một tình cảm cao đẹp, đáng trân trọng của con người Việt Nam: luôn hiếu thảo, biết ơn đối với đấng sinh thành

(Tham khảo bài phân tích câu ca dao Ngó lên nuộc lạt mái nhà... tại đây)

Bài 4

Yêu nhau như thể tay chân,
Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.

  • Sử dụng cặp từ “cùng chung” - “cùng thân”: khẳng định tình cảm anh em thân thương, mối quan hệ ruột thịt, sự gắn bó thân thiết
  • Nghệ thuật so sánh “anh em” – “chân tay”: cách ví von giàu hình tượng gợi sự liên tưởng về mối quan hệ mật thiết, biết nương tựa lẫn nhau trong cuộc sống

⇒ Bài ca dao nhắc nhở anh em trong cùng gia đình phải biết yêu thương lẫn nhau, nương tựa và cùng hỗ trợ lẫn nhau. Làm được điều đó sẽ khiến cha mẹ vui lòng

(Tham khảo bài phân tích câu ca dao Anh em như thể tay chân... tại đây)

c. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật

  • Nội dung: ca ngợi tình cảm gia đình, răn dạy mỗi người phải luôn ghi nhớ và báo đáp công ơn của cha mẹ
  • Nghệ thuật: thể thơ lục bát, lối nói ví von, so sánh, ẩn dụ, giọng điệu tâm tình, thủ thỉ,...

- Cảm nhận của bản thân: tình cảm gia đình, anh em ruột thịt luôn là tình cảm thiêng liên và quý giá nhất. Mỗi người chúng ta phải luôn ghi nhớ và giữ gìn tình cảm ấy.

Ca dao, dân ca về tình cảm gia đình

- Chim trời ai dễ đếm lông
Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày.

- Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chày mẹ thức đủ năm canh.

- Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền.

- Cá không ăn muối cá ươn
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.

- Công cha nặng lắm ai ơi,
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.

- Ơn dưỡng dục một đời con ghi tạc
Nghĩa sinh thành trọn kiếp mãi không quên.

- Trăng khuya trăng rụng xuống cầu,
Vì con cha mẹ dãi dầu nắng mưa.

- Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng,
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.

- Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ, ruột đau chín chiều.

- Con có cha như nhà có nóc
Con không cha như nòng nọc đứt đuôi.

- Con chẳng chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo.

- Nuôi con chẳng quản chi thân,
Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn.

- Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ,
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha.

- Lòng mẹ như bát nước đầy,
Mai này khôn lớn, ơn này tính sao.

- Con hơn cha là nhà có phúc.

- Anh em trên kính dưới nhường
Là nhà có phúc, mọi đường yên vui.

- Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.

- Anh em thuận hòa là nhà có phúc.

- Máu chảy, ruột mềm.

- Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau.

- Một giọt máu đào hơn ao nước lã.

- Anh em chém nhau đằng dọng, ai chém đằng lưỡi.

- Anh ngủ em thức, em chực anh nằm.

- Anh em như chông như mác.

- Anh em hiếu thảo thuận hiền
Chớ vị đồng tiền mà mất lòng nhau.

- Em khôn cũng là em chị, chị dại cũng là chị em.

- Anh em hạt máu sẻ đôi.

- Anh em nào phải người xa,
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.
Yêu nhau như thể tay chân,
Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.

- Bà ơi cháu quý bà thay
Quý bà về nỗi bà hay cho quà.

- Chim trời có tổ, người có tông​.

- Cây kia ăn quả ai trồng
Sông kia uống nước hỏi dòng từ đâu.​

- Ông ơi chớ vội đi xa
Để cho con cháu họp về chung vui.

- Bà tôi tóc bạc da nhăn
Nhưng tôi vẫn quý vẫn thương vô cùng.

---------------------------------------------------------------------------------

Như vậy là chúng tôi đã giới thiệu cho các bạn bài Những câu hát về tình cảm gia đình - Nội dung, Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm. Mời các bạn tham khảo thêm đề thi học kì 2 lớp 7 từ tất cả các trường THCS trên toàn quốc của tất cả các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh.

Hy vọng rằng tài liệu lớp 7 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới

Đánh giá bài viết
39 29.514
Sắp xếp theo

Lý thuyết Ngữ văn 7 KNTT

Xem thêm