Sông núi nước Nam - Nội dung, Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm

Bài thơ: Sông núi nước Nam - Nội dung bài thơ, Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm được VnDoc sưu tầm và đăng tải nhằm giới thiệu Nội dung tác phẩm, Hoàn cảnh sáng tác nằm trong chương trình giảng dạy môn Ngữ văn lớp 7. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Để giao lưu và dễ dàng chia sẻ các tài liệu học tập hay lớp 7, mời các bạn tham gia nhóm facebook Tài liệu học tập lớp 7.

Nội dung Bài thơ: Sông núi nước Nam

- Phiên âm:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

- Dich nghĩa:

Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Giới phận đó đã được định rõ ràng ở sách trời.
Cớ sao kẻ thù lại dám đến xâm phạm,
Chúng mày nhất định sẽ nhìn thấy việc chuốc lấy bại vong.

- Dịch thơ:

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc giữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

(Theo Lê Thước - Nam Trân dịch)

Đôi nét về tác giả bài thơ Sông núi nước Nam

  • Cho đến nay vẫn chưa xác định được chính xác tác giả bài thơ Sông núi nước Nam là ai.
  • Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tài liệu thì người ta cho rằng Lý Thường Kiệt là tác giả của bài thơ này.

Đôi nét về tác phẩm Sông núi nước Nam

Sông núi nước Nam

1. Hoàn cảnh ra đời bài thơ Sông núi nước Nam

Bài thơ chưa rõ tác giả là ai và có nhiều lời kể về sự ra đời của bài thơ, trong đó truyền thuyết được nhiều người tin tưởng nhất kể như sau: Năm 1077, quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược nước ta. Vua Lí Nhân Tông sai Lí Thường Kiệt đem quân chặn giặc ở phòng tuyến sông Như Nguyệt, bỗng một đêm, quân sĩ nghe từ trong đền thờ hai anh em Trương Hống và Trương Hát có tiếng ngâm bài thơ này.

2. Thể loại bài thơ Sông núi nước Nam

- Thơ trung đại Việt Nam:

  • Là những tác phẩm thơ ra đời vào thời kì trung đại
  • Thường được viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm
  • Gồm nhiều thể thơ như: thơ đường luật (thất ngôn bát cú đường luật, thất ngôn tứ tuyệt đường luật, ngũ ngôn tứ tuyệt đường luật...), song thất lục bát...

→ Bài thơ Nam quốc sơn hà thuộc thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đường luật

→ Đặc điểm thể thơ:

+ Bài thơ có tất cả 4 câu thơ (dòng thơ), mỗi câu thơ có 7 chữ.

+ Gieo vần:

  • Cách 1: Gieo vần vào tiếng cuối các câu 1 - 2 - 4 (tiếng cuối câu 3 bắt buộc thanh trắc) - bài thơ Nam quốc sơn hà gieo vần theo cách này
  • Cách 2: Gieo vần chéo vào tiếng cuối các câu 1 - 3 (tiếng cuối các câu 2 - 4 phải là thanh trắc) hay các câu 2 - 4 (tiếng cuối các câu 1 - 3 phải là thanh trắc)
  • Cách 3: Gieo vần ôm tiếng cuối câu 1 vần với tiếng cuối câu 4, tiếng cuối câu 2 vần với tiếng cuối câu 3.

3. Ngôn ngữ bài thơ Sông núi nước Nam

Bài thơ được viết bằng chữ Hán

4. Phương thức biểu đạt bài hơ Sông núi nước Nam

  • PTBĐ tự sự kết hợp miêu tả, biểu cảm và nghị luận
  • PTBĐ chính là biểu cảm

5. Bố cục bài thơ Sông núi nước Nam

STTGiới hạnNội dung
Phần 12 câu thơ đầu
  • Lời khẳng định chủ quyền của đất nước
Phần 22 câu thơ cuối
  • Quyết tâm bảo vệ chủ quyền, độc lập của dân tộc

6. Giá trị nội dung bài thơ Sông núi nước Nam

Sông núi nước Nam là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc, khẳng định chủ quyền về lãnh thổ của đất nước và nêu cao ý chí bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù xâm lược.

7. Giá trị nghệ thuật bài thơ Sông núi nước Nam

  • Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn, súc tích
  • Ngôn ngữ dõng dạc, giọng thơ mạnh mẽ, đanh thép, hùng hồn

Dàn ý phân tích tác phẩm Nam quốc sơn hà

Nam quốc sơn hà

1. Mở bài

  • Giới thiệu khái quát về bài thơ “Sông núi nước Nam” (hoàn cảnh ra đời, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,…)

2. Thân bài

a. Hai câu thơ đầu: Lời khẳng định chủ quyền của đất nước

Phiên âmDịch thơ

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư"

"Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở"

- Nam đế: hoàng đế nước Nam – thể hiện sự ngang hàng, tương xứng với vua của Trung Quốc (vua được dùng để đại diện cho cả dân tộc, quốc gia, vì thế câu thơ còn khẳng định nước Nam là nơi để người dân nước Nam sinh sống)

→ Khẳng định sự tự tôn, lòng tự hào dân tốc - nước ta là một quốc gia có độc lập, chủ quyền ngang hàng với Trung Quốc, không hề thua kém gì.

- Thiên thư: sách trời - giới phận lãnh thổ của người Nam được quy định ở sách trời

→ Điều này trở thành chân lý không thể chối cãi và không bất cứ ai có thể thay đổi được điều đó (đối với người xưa thì yếu tố tâm linh - trời định là một điều thiêng liêng)

→ Vì lẽ đó, lãnh thổ nước Nam phải là của người Nam - bất khả xâm phạm

⇒ Khẳng định niềm tin, sự tự hào, ý chí tuyệt đối về chủ quyền dân tộc, tinh thần tự lập, tự chủ, tự cường của dân tộc.

b. Hai câu thơ cuối: Sự quyết tâm bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của dân tộc

Phiên âmDịch thơ

"Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"

"Giặc giữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ"

- "Nghịch lỗ" nghĩa là quân mọi rợ làm trái lại với ý trời - chỉ kẻ dám đem quân sang xâm lược nước ta, ở đây chính là quân Tống.

→ Hành động của quân Tống là phi nghĩa, không thể chấp nhận, là vi phạm lại ý trời  → Vì thế chúng nhất định phải chuốc lấy bại vong.

- Câu thơ cuối là một lời khẳng định và cảnh cáo về số phận của những kẻ làm việc sai trái, nhưng đồng thời còn thể hiện sự tự tin vào sức mạnh của dân tộc ta, thể hiện niềm tin vào chiến thắng tất yếu của phe chính nghĩa.

3. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ:

  • Nội dung: khẳng định chủ quyền của dân tộc và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ
  • Nghệ thuật: thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, giọng thơ hùng hồn, đanh thép,..
  • Cảm nhận về bài thơ: Bài thơ khẳng định đanh thép, cảm xúc mãnh liệt, tinh thần sắt đá, ý chí quyết tâm không gì lay chuyển, khuất phục nổi. Cảm xúc và ý chí ấy không được bộc lộ trực tiếp mà kín đáo qua hình tượng và ngôn ngữ.

Cảm nghĩ về bài thơ Sông núi nước Nam

Chúng ta ai cũng biết đến Bản tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, được đọc trên quảng trường Ba Đình rộng lớn. Tuy nhiên, trước đó, cũng đã có xuất hiện một số văn bản khác có nội dung tuyên thệ độc lập chủ quyền của đất nước ta. Trong đó, Nam quốc sơn hà được cho là văn bản đầu tiên.

Bài thơ được cho là do Lý Thường Kiệt sáng tác trong trận chiến chống quân Tống. Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn, súc tích, bài thơ đã khẳng định chủ quyền của đất nước ta, và sự quyết tâm tiêu diệt mọi kẻ thù để bảo vệ nền độc lập.

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư"

Tác giả đã gọi vua nước ta là “Nam đế” - một danh xưng ngang hàng với người đứng đầu nước Tống. Nhà vua đã đại diện cho cả dân tộc chúng ta, rằng ở nước Nam này đã có người dân sinh sống bao đời nay, phát triển mạnh mẽ dưới sự cai trị của triều đình. Bởi vậy, nước Nam chúng ta có chủ quyền, có nền văn minh không chút gì thua kém Trung Hoa cả. Điều đó đã được viết sẵn ở trong sách trời từ xưa rồi. Theo văn hóa trung đại lúc bấy giờ, “thiên” là một khái niệm vĩ đại và tuyệt đối, được người người kính ngưỡng, tôn thờ. Thế nên, sách trời đã định nước Nam là của người Nam, thì chẳng kẻ nào có quyền phủ nhận cả.

Ấy vậy mà, vẫn có những kẻ độc ác, thiếu hiểu biết, dám đem quân sang làm loạn, hòng phá bỏ đi những gì vốn được định sẵn ấy. Thật ngu dốt, tham lam thay.

"Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"

Hành động “xâm phạm” ấy chắc chắn sẽ không được ông trời ủng hộ, bị muôn người phỉ báng. Há làm sao có thể thành công được. Trận chiến này, chưa bắt đầu đã biết trước được chiến thắng sẽ thuộc về ai. Bởi phàm những kẻ dám trái ý trời sẽ không bao giờ nhận được kết cục tốt. Thất bại ê chề và nhục nhã chính là thứ mà lũ giặc độc ác nhận được.

Với giọng thơ đanh thép, hào hùng, mạnh mẽ và quyết liệt, tác giả đã khẳng định được chủ quyền của đất nước ta - điều chẳng kẻ nào có thể thay đổi được. Không những thế, ông còn thể hiện được sự quyết tâm mạnh mẽ của những chiến sĩ, quyết quên mình để bảo vệ độc lập cho dân tộc. Tinh thần yêu nước ấy, từ xưa đến nay vẫn luôn cuồn cuộn như thế.

---------------------------------------------------------------------

Như vậy là chúng tôi đã giới thiệu cho các bạn bài Bài thơ: Sông núi nước Nam - Nội dung bài thơ, Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm. Mời các bạn tham khảo thêm đề thi học kì 2 lớp 7 từ tất cả các trường THCS trên toàn quốc của tất cả các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh. Hy vọng rằng tài liệu lớp 7 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới.

Tài liệu tham khảo:

Đánh giá bài viết
61 71.450
Sắp xếp theo

    Lý thuyết Ngữ văn 7 KNTT

    Xem thêm