Những tác động xã hội của thương mại
Những tác động xã hội của thương mại được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Kinh tế thương mại đại cương để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Những tác động xã hội của thương mại
Thuật ngữ “tác động xã hội” ở đây được hiểu là những tác động của thương mại trên các mặt văn hóa, chính trị, luật pháp và xã hội.
1. Thương mại và các vấn đề văn hóa
Thương mại và văn hóa có mối quan hệ rất mật thiết. Một mặt các yếu tố văn hóa chi phối các hoạt động thương mại của mọi cá thể, địa phương và từng quốc gia. Tuy nhiên sự phát triển thương mại cũng có tác động ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa của từng cá thể, cộng đồng và mỗi quốc gia ở những mức độ rất khác nhau. Sự phát triển các mối quan hệ trao đổi mua bán hàng hóa và các dịch vụ trong thương mại không chỉ đơn thuần là sự trao đổi các yếu tố vật chất thông thường mà nó còn hàm chứa trong đó và đi liền với nó là những yếu tố và các quan hệ mang tính văn hóa.
Các yếu tố văn hóa chứa đựng trong bản thân các hàng hóa và các dịch vụ cụ thể, các thông tin quảng cáo, hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại cũng như trong các hoạt động giao dịch thương mại của con người... Các yếu tố này sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán, phong cách, lối sống, đạo đức, niềm tin, hệ thống các giá trị... của mỗi cá thể, cộng đồng và các quốc gia.
Ngày nay quá trình hội nhập thương mại quốc tế đang diễn ra hết sức mạnh mẽ thì phạm vi ảnh hưởng và cường độ tác động của thương mại tới văn hóa cũng gia tăng rất nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu.
Sự giao thoa của các nền văn hóa, sự mong muốn bổ sung các yếu tố “tốt” của nền văn hóa khác loại bỏ các yếu tố “xấu” thông qua ảnh hưởng của thương mại làm cho văn hóa nhân loại trở nên phong phú và đa dạng hơn. Tuy nhiên không phải tất cả các tác động này đều “bổ ích” và mang tính tích cực. Thương mại cũng mang lại nhiều yếu tố “ngoại lai’ thậm chí “độc hại”, những tác động này không loại trừ bất kỳ ai và bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, ảnh hưởng sâu sắc và đáng chú ý nhất về văn hóa của thương mại là đối với các nước đang phát triển và các dân tộc lạc hậu.
2. Thương mại và các vấn đề luật pháp
Các hoạt động thương mại bao giờ cũng diễn ra trong môi trường luật pháp và thể chế nhất định. Luật pháp và thương mại có mối quan hệ rất chặt chẽ. Luật pháp gồm luật thành văn và luật bất thành văn. Luật thành văn là các đạo luật do nhà nước ban hành, các đạo luật này nằm trong các ấn bản luật thành văn. Luật bất thành văn được tạo ra bởi các phong tục tập quán của con người. Chúng chi phối các hoạt động thương mại trong nước và cả ở phạm vi buôn bán quốc tế. Một mặt thương mại chịu sự chi phối của luật pháp và các luật lệ do xã hội quy định. Tuy nhiên thương mại cũng có tác động mạnh mẽ trở lại tới luật pháp. Luật pháp là một khung các nguyên tắc và luật lệ do xã hội quy định để điều tiết các hành vi và các thành viên của nó trong đó có các hoạt động buôn bán, thương mại. Các hoạt động kinh tế, hoạt động thương mại không ngừng vận động và phát triển vì thế luật pháp cũng phải không ngừng phát triển và hoàn thiện như là kết quả của những thay đổi các chuẩn mực và các giá trị của xã hội.
Tác động của thương mại tới luật pháp có thể nhận thấy rất rõ trong quá trình hội nhập kinh tế và thương mại quốc tế. Sự phát triển của các mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia, quan hệ thương mại giữa các quốc gia trong từng khu vực kinh tế và ở phạm vi toàn cầu đang hình thành nên 1 hệ thống đa dạng những định chế, những luật lệ thương mại mới ở phạm vi toàn cầu, khu vực cũng như đối với các quốc gia để điều chỉnh những mối quan hệ thương mại ngày càng đa dạng và phức tạp và không ngừng biến đổi trong nền kinh tế thị trường của xã hội hiện đại.
Tác động thương mại tới luật pháp cũng thấy rất rõ đối với quốc gia như Việt nam từ 1986 đến nay khi mà Việt nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế thương mại với thế giới và khu vực.
3. Thương mại và các vấn đề chính trị
Thương mại và chính trị cũng có mối liên hệ rất chặt chẽ. Đặc trưng nổi bật về chính trị thể hiện ở định hướng chính trị mà mỗi chế độ chính trị nhằm đạt tới. Sự ổn định chính trị là điều kiện hết sức quan trọng trong sự phát triển thương mại, nó tạo ra môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, đảm bảo an toàn về đầu tư, về quyền sở hữu các tài sản... Đó là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thương mại phát triển.
Ngược lại sự thịnh vượng thương mại là yếu tố quan trọng đưa lại sự thịnh vượng kinh tế cho các quốc gia, các khu vực kinh tế. Do vậy, đây là yếu tố tác động quan trọng đến sự ổn định chính trị. Vì suy cho đến cùng kinh tế quyết định chính trị. Hội nhập kinh tế thương mại quốc tế là quá trình mở rộng giao lưu kinh tế giữa nhiều quốc gia với các chế độ chính trị khác nhau. Chính thương mại như một nhân tố quan trọng tác động liên kết lợi ích của các quốc gia. Nhờ vậy mà mang lại những lợi ích to lớn cho sự chung sống hòa bình giữa các quốc gia có thể chế chính trị khác nhau thậm chí đối lập (ASEAN là một ví dụ điển hình).
Thương mại là nhân tố tạo nên sự ổn định chính trị thế giới và khu vực. Tuy nhiên thương mại mà bản chất của nó là vì lợi nhuận luôn đi cùng với cạnh tranh khốc liệt, đó là những cuộc cạnh tranh không khoan nhượng giữa các quốc gia nên cũng là nguyên nhân trực tiếp hoặc sâu xa của nhiều mâu thuẫn và xung đột chính trị.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Những tác động xã hội của thương mại về sự phát triển thương mại cũng có tác động ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa của từng cá thể, cộng đồng và mỗi quốc gia ở những mức độ rất khác nhau...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn bài Những tác động xã hội của thương mại. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.