Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích những câu ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa

VnDoc xin giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Phân tích những câu ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa, với nội dung tài liệu đã được VnDoc cập nhật một cách chi tiết sẽ giúp các bạn học sinh học tập tốt hơn môn Ngữ văn 10. Mời thầy cô cùng các bạn học sinh than khảo.

Học tốt Ngữ văn lớp 10: Phân tích những câu ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa

1. Dàn ý Phân tích những câu ca dao than thân, yêu thương thương tình nghĩa

I. Mở bài

Khái niệm ca dao: Ca dao là những bài hát dân gian. Khái niệm này đặt ca dao vào đúng môi trường diễn xướng, nghĩa là khi ấy, lời thơ và làn điệu của ca dao gắn bó chặt chẽ với nhau. Nhưng nếu ta tách khỏi điệu hát thì ca dao là thơ và vì vậy ca dao còn có nghĩa là một thể thơ dân gian.

Khi sưu tầm, các nhà nghiên cứu thường chỉ ghi chép phần lời thơ. Cũng vậy, khi học chúng ta cũng chỉ chú ý nhiều đến phần văn tự.

II. Thân bài

Đặc điểm của ca dao: Ca dao phản ánh tâm tư, tình cảm, thế giới tâm hồn của người lao động. Nó thường được biểu hiện thành: những câu hát than thân, những câu hát yêu thương tình nghĩa, những tiếng cười trào lộng, châm biếm...

III. Kết bài

Ca dao là sáng tác tập thể, vì vậy nó kết tinh nghệ thuật ngôn từ của nhân dân. Nó có những đặc trưng riêng về thể thơ, kết cấu... (ví dụ lối so sánh ví von, sự lặp đi lặp lại các hình ảnh giàu tính nghệ thuật, lối diễn đạt theo kiểu công thức...).

2. Phân tích những câu ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa mẫu 1

Trong kho tàng ca dao truyền thống của ta, bộ phận nói về chủ đề than thân của người phụ nữ chiếm một tỉ lệ rất lớn và trong đó, đáng chú ý nhất là loại bài ngắn (hai câu lục bát hoặc bốn câu). Đó là một trong những mảng ca dao hay nhất, giàu ý nghĩa xã hội và cũng giàu chất ca dao nhất. Chúng thường được mớ đầu bằng những mô típ truyền thống quen thuộc: "Em như..." hoặc "Thân em...". Đọc qua hoặc nghe qua thì thấy chúng có dáng dấp bề ngoài hao hao giống nhau, nhưng đi sâu vào từng bài cụ thể thì sẽ thấy mỗi câu, mỗi bài đều có những nét riêng không lặp lại về nội dung cũng như về nghệ thuật:

"Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?"

Đây là niềm băn khoăn của cô con gái mới lớn, bước vào tuổi lấy chồng. Hình ảnh tấm lụa đào lộng lẫy tượng trưng cho nhan sắc và tuổi xuân phơi phới của người con gái đến tuổi dậy thì, chứng tỏ người con gái ý thức được rất rõ giá trị của mình. Nhưng đây không phải là tấm lụa đào cất trong rương, vắt trong nhà mà đem bán giữa chợ: phất phơ giữa chợ. Cô gái thấy mình đến tuổi gả bán. Trong điều kiện chưa có hôn nhân tự do, mà do mai mối đưa đường, người con gái cảm thấy như là đang ở giữa chợ. "Biết vào tay ai" là một băn khoăn, không phải sợ ế, sợ rẻ, mà chỉ sợ người chủ tương lai của đời mình sẽ thế nào. Đó cũng là câu hỏi của mọi cô gái đến tuổi lấy chồng, một băn khoăn rất thật, rất người.

"Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen

Không tin bóc vỏ mà xem

Ăn rồi mới biết rằng em ngọt bùi".

Người con gái trong bài này lại có tâm trạng lo lắng khác. Cô tự biết phẩm chất của mình thơm thảo, ngọt ngào, nhưng hình như cô có bề ngoài không lấy làm hấp dẫn cho lắm, cô phải tự giới thiệu, chào mời và hứa hẹn về phẩm chất của mình.

"Trèo lên cây khế nửa ngày

Ai làm chua xót lòng này khế ơi!

Mặt trăng sánh với mặt trời,

Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng

Mình ơi có nhớ ta chăng?

Ta như sao vượt chờ trăng giữa trời".

Người con gái trong bài này đã có người yêu, hai người đã khá tương xứng, đẹp đôi như mặt trăng sánh với mặt trời, sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng. Nhưng anh chàng hình như có gì trục trặc, giống như thay lòng đổi dạ. Nhưng người con gái thì kiên định chờ đợi một lòng.

Ca dao than thân, tình nghĩa là bách khoa thư về hàng nghìn, hàng vạn tâm trạng, số phận con người. Bài Khăn thương nhớ ai nói nỗi lòng tương tư nhớ thương bạn tình qua hình ảnh chiếc khăn, ngọn đèn, con mắt đã làm xúc động bao người. Hoài Thanh có lần nói, nếu chì hai câu sau: Mắt thương nhớ ai mà mắt không yên thì ta đã thấy hay rồi, nhưng là loại hay có thể hiểu được. Còn như hai câu đầu thì hay đến mức mơ hồ không hiểu được, không rõ hẳn là nói gì mà vẫn thấy hay. Tôi xem là một trong những câu ca dao hay nhất Việt Nam. Ca dao tương tư rất nhiều và cũng rất đa dạng. Chữ thương, chữ nhớ nói đi nói lại mãi vẫn cứ là mới và không lặp lại. Đây là bài ca dao rất độc đáo, nội dung và nghệ thuật của nó không trùng với bất kì bài ca dao nào khác. Ở đây hai từ thương, nhớ được dùng liền nhau, gắn với từ ai tạo thành một cụm từ điệp và điệp đến năm lần mà mỗi lần nghe đều thấy hay, không biết chán. Bởi vì cụm từ "thương nhớ ai" được gắn với một chủ thể riêng. Các chủ thể Khăn, đèn, mắt tuy khác nhau nhưng đều là một, cáu hỏi thay đổi những câu trả lời thì vẫn giữ nguyên. Khi người ta yêu, mọi vật xung quanh như đều cùng yêu thương và thổn thức cả. Cái hay của bài này là ở đó. Thương, nhớ đều có nghĩa là yêu, nhưng nhớ là yêu mà xa cách, mà xa cách thì lo lắng không yên là rất dễ hiểu: Đêm qua em những lo phiền, lo vì một nỗi chưa yên mọi bề.

"Ước gì sông rộng một gang

Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi".

Sinh ra trong một nước có nhiều sông ngòi, kênh rạch, hoàn cảnh tự nhiên cũng tác động đến tư duy con người. Nhưng cái ước vọng sông rộng một gang tay thì thật là chưa đâu có. Bởi độ rộng con sông phải tương xứng với vật liệu xây đắp cái cầu là cái dải yếm. Trong ca dao đã có cầu tre, cầu ván, cầu xây, có cầu cành hồng, cầu mồng tơi, cầu sợi chỉ... nhưng độc đáo nhất bài này là cầu dải yếm. Khi thiết kế ra chiếc cầu dải yếm, cô gái kiến trúc sư Việt Nam hẳn đang độ tuổi mười tám, đôi mươi, tình yêu vừa chớm, sức tưởng tượng dồi dào. Chiếc cầu này chỉ tồn tại trong tưởng tượng, trong ước vọng thầm kín giữa chàng và em, chỉ bắc riêng cho chàng sang chứ không cho mọi người, không phải là cầu công cộng. Đó là chiếc cầu tình yêu. Tình yêu luôn luôn đầy sáng kiến và sáng tạo, nó đẻ ra cái cầu kì diệu.

"Muối ba năm muối vẫn còn mặn

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

Đôi ta nghĩa nặng tình dày

Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu nghìn ngày mới xa".

Trong ca dao Việt Nam thường nói tới gừng cay, muối mặn khi nói về tình nghĩa. Muối không chỉ là khoáng chất thiết yếu của sự sống mà còn là thứ gia vị quý giá của thức ăn, có muối mới được đậm đà. Muối biểu tượng cho sự mặn mà, tình nghĩa. Người Nga đón khách quý thì đem bánh mì và muối ra mời khách nếm, coi như người trong một nhà. Gừng là biểu tượng của mọi sự cay đắng của cuộc đời. Gừng cay muối mặn tượng trưng cho cuộc đời cay đắng, ngọt bùi có nhau. Hai câu đầu bài ca dao nêu ra hai câu khởi hứng, vừa ẩn dụ, khẳng định vị mặn và vị cay vẫn có sức bền những ba năm, chín tháng. Cũng ví như "Đôi ta nghĩa nặng tình dày, Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu nghìn ngày mới xa". Ba vạn sáu nghìn ngày tức là trăm năm, cũng tức là suốt đời, "bách niên giai lão". Nói ba vạn sáu nghìn ngày không đơn giản chỉ vì cho hiệp vần, mà còn có ý nói tình đôi ta không phải tính năm, mà tính từng ngày, chúng ta yêu nhau từng ngày, có tính từng ngày thì mới ro được tình của ta. Nói mới xa mà thực là không xa hay nói cách khác chỉ đến chết mới cách xa.

Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa của Việt Nam thật phong phú, đa dạng. Chỉ tìm hiểu sơ sơ có sáu bài mà ta đã thấy biết bao tâm trạng của con người, biết bao khát vọng, lí tưởng, còn thấy được cái đẹp của biết bao hình ảnh, từ ngữ tài tình mà người bình dân đã sáng tạo ra. Đó là mảng ca dao chẳng những nuôi dưỡng cho ta những tình cảm đẹp đẽ, sâu sắc, đậm đà tính chất dân tộc, mà còn là cả một kho tàng nghệ thuật ngôn từ độc đáo đến bất ngờ, đủ cho ta yêu mến, khâm phục, kích thích ta sáng tạo.

3. Phân tích những câu ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa mẫu 2

Trong kho tàng văn học dân gian đồ sộ của Việt Nam ta bên cạnh những câu truyện cổ tích nhiệm màu, những truyền thuyết xa xăm thì ca dao là một trong những thể loại chiếm số lượng nhiều nhất, đồng thời cũng có phạm vi đề tài rộng lớn. Không chỉ bộc lộ tấm lòng, tâm hồn của người lao động về tình cảm gia đình, quê hương, đất nước, tình cảm lứa đôi mà các thể loại ca dao trữ tình, có vần có nhịp gần như những câu hát còn nói lên những đắng cay, xót xa của con người dưới chế độ cũ, đồng thời cũng có một số câu là lời ca hóm hình, tươi vui đầy lạc quan về cuộc đời, dẫu còn nhiều khó khăn vất vả. Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa là một trong những thể loại chiếm số lượng lớn, bộc lộ vô cùng rõ nét đời sống tinh thần của người Việt xa xưa, đặc biệt là của người phụ nữ.

Có thể nói rằng ca dao than thân là thể loại văn học dân gian đặc biệt được đặc cách dành riêng cho người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, mà ở đó họ được tự do thể hiện cảm xúc, thể hiện những xót xa, đớn đau trong cuộc đời, và cả những nỗi niềm khao khát hạnh phúc mà không phải e ngại, dè chừng. Thông qua ca dao than thân người ta biết được nhiều tiếng nói, nhiều số phận, nhiều cuộc đời, và cả những nỗi bất công mà kiếp đàn bà phải gánh chịu. Ca dao đã trở thành một cánh cửa để người phụ nữ giải phóng tâm hồn mình, bởi tính dễ làm, dễ nhớ, dễ thuộc, không cần học vấn uyên thâm như Hồ Xuân Hương người ta vẫn có thể thốt ra những câu ca dao thật hay, thật ý nghĩa với những hình ảnh giản dị, mang đậm phong thái dân gian. Ví như câu hát dưới đây:

“Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ được ví với hình ảnh “tấm lụa đào”, đó là một hình ảnh rất hay và vô cùng sâu sắc, nó khá tương tự với cái cách mà Hồ Xuân Hương ví người phụ nữ với “bánh trôi nước”. Tấm lụa đào là một vật phẩm đẹp đẽ quý giá, mềm mại, lụa đào là biểu trưng cho sự xuân sắc, kiều diễm của người con gái. Thế nhưng đọc câu ca dao người ta lại bỗng thấy xót xa, đau đớn khi số phận của người phụ nữ lại được ví như một tấm lụa, một loại hàng hóa, dẫu có đẹp đẽ trân quý, nhưng cuối cùng cũng chỉ là một món hàng mặc sức cho người ta lựa chọn, ngã giá không hơn. Thân phận đàn bà khi ấy rất đúng với câu “phất phơ giữa chợ, biết vào tay ai”, bởi họ nào được phép lựa chọn hạnh phúc cuộc đời mình, cũng lạc lõng bơ vơ giống hệt cái bánh trôi của bà chúa thơ Nôm “bảy nổi ba chìm với nước non”, phải chấp nhận “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”, phải phụ thuộc vào lễ giáo xã hội cũ, với tư tưởng trọng nam khinh nữ sâu sắc. Như vậy từ câu ca dao trên có thể nhận ra rằng người phụ nữ xưa đã có ý thức rất rõ về vẻ đẹp cả về tâm hồn lẫn ngoại hình của mình, thế nhưng đắng cay thay xã hội phong kiến bất công đã chèn ép, không cho họ được tự do, phóng khoáng, khiến cuộc đời của biết bao nhiêu kiếp hồng nhan phải chịu cảnh tủi nhục, ngẫm mà không khỏi xót thương, cảm thán.

“Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen

Ai ơi nếm thử mà xem

Nếm ra mới biết là em ngọt bùi”

Đây cũng là một câu ca dao than thân, nhưng nó mang những ý nghĩa kín đáo hơn nhiều, vẫn biết ông bà ta thường có câu “cái nết đánh chết cái đẹp”, thế nhưng cuộc đời nào phải ai cũng nghĩ như vậy. Dưới chế độ phong kiến hà khắc, kẻ có nhan sắc cũng chưa chắc có được một cuộc đời sung sướng, vậy thì những người phụ nữ bất hạnh kém đi vài phần tư sắc lại càng trở nên thiệt thòi hơn cả. Thế nhưng họ không chịu chấp nhận số phận ấy, họ ý thức được giá trị bản thân, vẫn khao khát được yêu thương một cách sâu sắc, khi tự ví mình là “củ ấu gai”, tuy vỏ ngoài thì đen đúa xấu xí, thế nhưng bên trong lại “ngọt bùi”, trắng trẻo. Hình ảnh ấy chính là lời ẩn dụ sâu sắc của người phụ nữ về vẻ đẹp tâm hồn đáng quý bên trong cái vỏ ngoài có phần khiếm khuyết, không được bắt mắt của mình. Câu ca dao thể hiện những nỗ lực trong việc tìm kiếm hạnh phúc, đề cao vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ xưa bên cạnh nhan sắc mỹ miều. Đồng thời người ta cũng có thể cảm nhận được ở đây phảng phất có sự hờn trách, tủi hổ về thân phận đàn bà, về người phụ nữ thiếu đi chút phần tư sắc trong xã hội cũ.

“Trèo lên cây khế nửa ngày,

Ai làm chua xót lòng này khế ơi!

Mặt trăng sánh với mặt trời

Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.

Mình ơi! Có nhớ ta chăng?

Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời”

Khác với hai bài ca dao trên thì ở bài này người ta lại dễ dàng nhận ra bóng hình của một chàng trai mang nỗi niềm tương tư sâu sắc với người con gái mình yêu. Hình ảnh “trèo lên cây khế nửa ngày” là một hình ảnh khá độc đáo và khác lạ, chính cái khác lạ, vô lý ấy đã đem đến cho chúng ta những lý giải chính xác về tâm hồn của chàng trai, yêu đến mức ngẩn ngơ thần hồn. Nỗi lòng không biết tỏ cùng ai đành chỉ biết tâm sự cùng cây khế “ai làm chua xót lòng này khế ơi”. Người ta cứ ngỡ anh chàng ngớ ngẩn này đang hỏi tại sao khế chua, nhưng thực tế là anh đang tự xót xa cho bản thân mình, đang bộc lộ cái niềm xót xa, chua chát của mình khi đối mặt với tình yêu. Vậy đó là một tình yêu như thế nào mà khiến chàng trai có vẻ vật vã, xót xa đến vậy? Trả lời rằng đó là một tình yêu ứng với hình tượng “mặt trời” và “mặt trăng”, ứng với “sao hôm” và “sao mai”, vốn đều là những hình ảnh tượng trưng cho sự xa cách, trắc trở, không thể đến với nhau. Yêu đương mà không được gặp nhau, không được gần nhau, cứ mãi xa cách, mãi chỉ nhớ vì nhau trong vô vọng thì có lẽ chính là sự giày vò kinh khủng nhất, không cách gì nguôi ngoai được. Thế nhưng chàng trai cũng chẳng từ bỏ, vẫn cố gắng tựa như vì sao Vượt, cố đợi chờ trăng lên, thế nhưng trái ngang sao, dẫu sao đã vò võ chờ ở đỉnh trời mà trăng kia mới đủng đỉnh chậm rãi mọc lên, không khỏi khiến lòng người xót xa. Trước sự ngăn cách, chia phôi, trước muôn ngàn khó khăn, nhưng có lẽ đắng cay nhất vẫn là sự thờ ơ của người con gái ấy chàng trai đã không cầm lòng được mà phải thốt lên “Mình ơi, có nhớ ta không?” để bộc lộ tình cảm, để bộc lộ những đắng cay mà bản thân phải chịu đựng, đồng thời cũng trông chờ đáp án của người trong mộng.

“Khăn thương nhớ ai,

Khăn rơi xuống đất.

Khăn thương nhớ ai,

Khăn vắt lên vai.

Khăn thương nhớ ai,

Khăn chùi nước mắt.

Đèn thương nhớ ai,

Mà đèn không tắt.

Mắt thương nhớ ai,

Mắt ngủ không yên.

Đêm qua em những lo phiền,

Lo vì một nỗi không yên một bề…”

Cũng tương tự như bài ca dao trên, đây cũng là bài thể hiện nỗi nhớ sâu sắc trong tình yêu, nhưng là tình yêu của người con gái với tình nhân. Thương nhớ đến mức thẫn thờ “đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm” như lời Nguyễn Khoa Điềm viết, rồi nhớ thương đến mức nước mắt đã đẫm khăn tay, chong đèn chờ sáng, thao thức không yên. Có lẽ đó chính là nỗi lo lắng, không yên điển hình của mỗi người phụ nữ trong xã hội phong kiến, yêu thương ai đó thật lòng, nhưng biết dạ họ ra sao, cũng là nỗi sợ vụt mất tình yêu, vụt mất hạnh phúc, đâm ra cứ quanh quẩn bên cái lo sợ được mất thành ra nhiều cớ sự.

“Ước gì sông rộng một gang

Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi”

Cũng nói về tình yêu, nhưng ở câu ca dao này nỗi nhớ nó được thể hiện một cách bạo dạn, phóng khoáng và tình tứ hơn so với hai bài ca trên rất nhiều. Cái tình yêu ở đây, nỗi nhớ ở đây nó mãnh liệt đến mức người con gái có những suy nghĩ hết sức hoang đường, bởi có dòng sông nào chỉ rộng tày gang, lại có dải yếm nào bắc thành cầu được. Cuối cùng có thể tóm gọn lại cả ba bài ca dao tôi vừa phân tích nó đều thể hiện niềm khao khát mãnh liệt được ở bên người mình yêu, được gần gũi, là khát khao hạnh phúc lứa đôi rất chân thực được bộc lộ qua những hình ảnh bình dị, thân thuộc, qua lối nói có phần bông đùa hóm hỉnh. Mà ở đó ta thấy được nhiều cung bậc cảm xúc của tình yêu, có xót xa cay đắng, có lo lắng, ưu phiền, có nồng nàn, mãnh liệt, và bao trùm lên tất cả ấy là nỗi nhớ đặc trưng của tình yêu, thể hiện đời sống nội tâm vô cùng phong phú của ông cha ta trong xã hội cũ.

“Muối năm muối đang còn mặn

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

Đôi ta nghĩa nặng tình dày

Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”

Đây là một câu hát rất đặc biệt về tình cảm gia đình, tình cảm vợ chồng sắt son, chung thủy, thông qua hai hình ảnh kinh điển là gừng cay, muối mặn. Vị cay của gừng chính là biểu tượng của những đắng cay trong cuộc đời mà con người ta đã cùng nhau vượt qua trong bao nhiêu năm tháng, còn vị mặn của muối có thể lý giải một cách đơn giản đó có là tình cảm mặn nồng giữa hai vợ chồng được xây dựng từ những năm tháng tân hôn, hoặc cũng có thể là vị mặn của giọt mồ hôi qua những ngày chung lưng đấu cật, phấn đấu vì gia đình. Ngoài ra gừng và muối còn là hai loại gia vị không thể thiếu và rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt gia đình, gừng mang vị cay, tính ấm, góp phần làm tình cảm gia đình thêm ấm cúng, muối vị mặn tính hàn có tác dụng trung hòa, làm bữa cơm thêm phần đậm đà, ngon ngọt. Hay đôi khi ta có thể ví gừng là tượng trưng cho người chồng, muối là người vợ, sự phối hợp của cả hai là nên một gia đình hạnh phúc đầm ấm. Tóm lại dù là cách hiểu nào, hai hình ảnh gừng và muối đều là tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng sâu sắc, thủy chung, thiết tha, nồng đượm, khẳng định bằng câu kết “Đôi ta nghĩa nặng tình dày/Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”. Người ta tinh ý có thể phát hiện ra rằng “ba vạn sáu ngàn ngày” chính là khoảng thời gian một trăm năm, mà theo quan niệm của người xưa chính là một kiếp người, như vậy có thể hiểu rằng tình cảm vợ chồng ở đây gắn bó sâu nặng, mà chỉ có cái chết mới có thể chia lìa.

Tổng kết lại những câu hát than thân, yêu thương tình nghĩa đã bộc lộ rõ nét những vẻ đẹp, những nét đặc sắc trong đời sống tâm hồn, tình cảm của ông cha ta từ ngàn xưa, bên cạnh lũy tre làng, con trâu, giếng nước, gốc đa, sân đình. Với cách sử dụng câu từ độc đáo, thể thơ lục bát của dân tộc, cùng với những hình ảnh ẩn dụ gần gũi thân thuộc, nhưng không kém phần sâu sắc, đã mang cho thể loại này những nét độc đáo cả về nội dung lẫn hình thức, đặc biệt là sự dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người.

-------------------------------------------------------

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu: Phân tích bài ca dao: Thân em như củ ấu gai... ngọt bùi, VnDoc.com mời các bạn học sinh tham khảo đề thi học kì 1 lớp 10, Lịch sử lớp 10, Địa lý lớp 10 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải. Qua bộ tài liệu các bạn học sinh sẽ học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10. Mời các bạn học sinh tham khảo.

Đánh giá bài viết
1 1.956
Sắp xếp theo

    Ngữ văn 10

    Xem thêm