Phân tích tác phẩm Tư duy hệ thống - Nguồn sức sống mới của đổi mới tư duy (Trích Một góc nhìn của tri thức) của Phan Đình Diệu
Văn mẫu lớp 12: Phân tích tác phẩm Tư duy hệ thống - Nguồn sức sống mới của đổi mới tư duy (Trích Một góc nhìn của tri thức) của Phan Đình Diệu dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Phân tích tác phẩm Tư duy hệ thống - Nguồn sức sống mới của đổi mới tư duy của Phan Đình Diệu
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng phong trào Đổi mới (1986) đến nay, trong đời sống xã hội cũng như trong các sinh hoạt học thuật, người ta rất hay nói đến cụm từ đổi mới tư duy. Thế nào là đổi mới tư duy? Tại sao phải đổi mới tư duy? Tư duy cũ cần đổi mới là tư duy gì? Và tư duy mới mà ta phải hướng đến có tên gọi ra sao, có những ưu điểm lớn nào? Đó là những câu hỏi hệ trọng cần phải được giải đáp nhằm làm rõ bản chất, sự thiết yếu cùng những đòi hỏi của cái gọi là đổi mới tư duy đó. Với sự nhạy cảm cao của một nhà khoa học và nhà hoạt động chính trị - xã hội, Phan Đình Diệu đã viết bài Tư duy hệ thống, - nguồn sức sống mới của đổi mới tư duy dường như để làm sáng tỏ các vấn đề này. Bài viết thực chất là bản rút gọn (do chính tác giả thực hiện) của tiểu luận Tư duy hệ thống và đổi mới tư duy, in trong cuốn Một góc nhìn của trí thức.
Nhìn tổng thể, đây là bài viết có tầm bao quát rộng, súc tích, giàu thông tin, giàu tính gợi mở và tràn đầy cảm hứng xây dựng, vun đắp cho một tương lai sáng sủa của khoa học và xã hội. Như nhan đề cho thấy, bài viết có chủ đề khẳng định ưu thế của tư duy hệ thống trong việc tạo ra động lực mới cho công cuộc đổi mới tư duy hiện nay.
Phần đầu của bài viết mang tính chất đặt vấn đề, gián tiếp nêu lên tính bức thiết của đổi mới tư duy và hướng lựa chọn nhằm vào tư duy hệ thống. Không thể không đối mới tư duy một khi thời đại giục giã, mà sự giục giã đó của thời đại lại xuất phát từ những bước tiến khổng lồ của loài người trong các thế kỉ qua, đặc biệt là thế kỷ XX, trên mọi lĩnh vực, từ khoa học tới kinh tế, xã hội. Dĩ nhiên, không phải ai khác ngoài chính con người đã tạo nên những thành tựu to lớn mà ta đã thấy. Nhưng đến lượt chúng, những thành tựu kia lại đặt con người trước nhiều thách thức mới, đòi hỏi con người phải tìm ra phương cách duy trì thế chủ động trong việc thúc đẩy cuộc sống không ngừng đi lên. Tư duy, trước hết là tư duy! Tư duy đúng sẽ hướng dẫn hành động đúng. Điều kiện sống mới, những kiến thức mới về vũ trụ, thiên nhiên và con người yêu cầu ta phải có một tư duy mới. Từ tất cả những điều trên, tư duy hệ thống hình thành và phát triển, như một sự đáp ứng có tính tất yếu. Sự hình thành và phát triển của nó vừa là sản phẩm hay là kết quả của một trình độ nhận thức, trình độ sống, lại vừa là đòi hỏi phía trước của trình độ sống, trình độ nhận thức ấy. Như vậy, theo nhận thức của tác giả, việc đổi mới tư duy và việc xây dựng tư duy hệ thống là hai mặt của một vấn đề bức thiết hiện nay.
Trong phần 2 của bài viết, tác giả tập trung làm rõ "nội dung" của tư duy hệ thống, thông qua việc minh định mấy khái niệm then chốt: cái toàn thể, thành phần riêng lẻ (hay đơn vị cấu thành), tương tác hữu cơ, thuộc tính hợp trội. Theo tác giả, đặc điểm nổi bật nhất của tư duy hệ thống là "nhìn nhận vũ trụ như một toàn thể thống nhất không thể tách rời, trong đó tất cả các đơn vị cấu thành và các hiện tượng cơ bản sinh ra từ chúng đều tác động qua lại với nhau, chúng không thể được hiểu như những đơn vị độc lập mà là những phần liên thuộc hữu cơ với nhau của cái toàn thể". Để cho người đọc lĩnh hội đúng về khái niệm toàn thể, tác giả đã đối lập nó với khái niệm tổng gộp. Tổng gộp chỉ là kết quả của con số cộng đơn giản, nhỏ hơn toàn thể, hiểu theo nghĩa là không có những thuộc tính hợp trội như toàn thể. Tác giả viết: "Cho nên người ta nói: hai cái một riêng lẻ đứng cạnh nhau chưa phải là cái hai, cái toàn thể bao giờ cũng lớn hơn tổng gộp của các thành phần". Theo tinh thần của lời giải thích đó, có thể hiểu sự tồn tại của tổng gộp mang tính chất cụ thể, hoặc cụ thể tương đối, còn sự tồn tại của toàn thể thì luôn trừu tượng. Chính vì toàn thể có hình thức "tồn tại" như thế nên muốn nắm bắt nó, ta phải "sử dụng" tư duy hệ thống.
Để giúp độc giả thấy rõ sự cần thiết phải có của kiểu tư duy hệ thống trong việc nắm bắt những phẩm chất hợp trội của toàn thể, tác giả đưa ra hai ví dụ:
- "độc lập, thống nhất,... là những thuộc tính hợp trội của một đất nước trong toàn thể, chứ không thể là của một bộ phận nào trong đất nước đó";
- "dân chủ, bình đẳng,... là thuộc tính của một xã hội, chứ không phải là thuộc tính của từng con người riêng lẻ trong xã hội đó".
Tiếp ý tác giả, ta có thể nêu những ví dụ khác, gần gũi hơn với "môi trường" văn chương, chẳng hạn: muốn tìm hiểu giọng điệu của một bài thơ trữ tình, ta không thể chỉ dựa riêng vào một yếu tố cấu thành nào đó, mà phải thấy giọng điệu là cái toát ra từ toàn thể tác phẩm; nghiên cứu cái nhìn nghệ thuật của một nhà văn, việc cần làm là phải chỉ ra được tính hệ thống của các thao tác xử lý ngôn từ mà nhà văn đã sử dụng cùng những động cơ ngầm ẩn chi phối nó, v.v.
Nhằm phân tích sâu hơn lý do cần đưa tư duy hệ thống lên vị trí chủ đạo trong khoa học và trong đời sống hiện nay, ở phần 3 của bài viết, Phan Đình Diệu đã chỉ ra một cách thuyết phục những giới hạn của tư duy cơ giới. Tác giả đã khái quát lên những nét tiêu biểu sau của tư duy cơ giới: quan niệm tự nhiên như một bộ máy mà ta có thể nhận thức được bằng phương pháp khoa học, bằng phép suy luận diễn dịch; xét đoán sự vật, đối tượng trong các quan hệ nhân quả tất định; thường quy các quan hệ trong thực tế về các dạng đơn giản, có thể biểu diễn được bằng các phương trình tuyến tính với một số ít đại lượng; gắn liền với quan điểm phân tích, xem rằng để hiểu toàn thể thì phải hiểu chi tiết từng thành phần;... về vận mệnh lịch sử của tư duy cơ giới, tác giả tóm lược:
- Bắt nguồn từ nền văn minh Hy Lạp cổ đại và được phát triển mạnh mẽ từ thế kỉ XVII.
- Từng chiếm vị trí gần như tuyệt đối trong nhiều thế kỉ trước khi có tư duy hệ thống.
- Các phương pháp mà tư duy cơ giới sử dụng đã giúp khoa học và công nghệ đạt được nhiều thành tựu to lớn.
- Sang thế kỉ XX, khoa học gắn liền với tư duy cơ giới tỏ ra bất lực trong việc chiếm lĩnh, lý giải nhiều đối tượng phức tạp trong thực tế như cấu trúc vật chất ở dưới mức nguyên tử, sự hình thành và phát triển của vũ trụ, sự trồi sụt thất thường của các thị trường tài chính... hoặc trong việc trả lời các câu hỏi như vũ trụ từ đâu ra, sự sống từ đâu đến, con người với trí tuệ, tâm linh xuất phát từ đâu,...
- Tư duy cơ giới dường như đã đến giai đoạn "cáo chung" từ vài ba thập niên gần đây.
Tác giả đã có một cái nhìn hết sức biện chứng về cái gọi là sự "cáo chung" của tư duy cơ giới. Theo ông, nói tư duy cơ giới "cáo chung" không có nghĩa là cho rằng nó đã chết hay đã bị đào thải, vứt bỏ. "Cáo chung" ở đây là mất vị thế độc tôn, vị thế thống trị toàn diện, để trở về với khu vực thích hợp của mình trong lãnh địa khoa học rộng lớn. Tác giả có chủ kiến rất rõ ràng: "tư duy mới là cần thiết, và đòi hỏi từ bỏ là từ bỏ cái địa vị độc tôn duy nhất của tư duy cơ giới chứ không phải gạt bỏ hoàn toàn khả năng sử dụng cách tư duy đó trong những phạm vi mà nó còn được chứng tỏ là thích hợp và cần thiết". Trong tiểu luận Tư duy hệ thống và đổi mới tư duy đã nêu trên (có thể xem nó là bản gốc, bản đầy đủ của bài viết này), chính tác giả đã trình bày cụ thể như sau: "Tư duy hệ thống sẽ càng sắc bén thêm, sâu sắc thêm, nếu khoa học hệ thống được phát triển mạnh mẽ, cung cấp thêm nhiều căn cứ xác đáng. Mà khoa học hệ thống, thì dù có được phát triển trong cách nhìn hệ thống, có sử dụng nhiều loại mô hình khác nhau không nhất thiết là toán học, có vận dụng kết hợp các tính toán định lượng với các lập luận định tính,... cũng vẫn phải dùng các mô hình quy giản, các phương pháp phân tích và các lập luận logic nhị nguyên, dựa vào các "quy luật" tất định, ngay cả khi nghiên cứu cái bất định cũng thực chất là nghiên cứu các quy luật tất định về các hiện tượng bất định đó. Chỉ có điều là khi vận dụng các khái niệm, mô hình và phương pháp đó, ta phải luôn nhớ rằng đó chỉ là những sản phẩm giản lược của nhận thức, những cái xấp xỉ, gần đúng của thực tế, có thể là thích hợp cho việc nhận thức một số đối tượng và quá trình tương đối đơn giản nào đó, ở một số thành phần và về một số mặt nhất định, khó có thể giúp ta nhận thức được thực tế trong cái toàn thể phức tạp của nó".
Điều thú vị là những phân tích của tác giả ở phần 3 bài viết đã giúp người đọc hiểu rõ hơn về hiện tượng các cụm từ như "máy móc", "hiểu máy móc", "tư duy máy móc",... được dùng phổ biến trong đời sống, khi người ta tỏ ý không thoả mãn với một hành động hoặc một lập luận nào đó chịu sự chi phối của lối tư duy cứng nhắc. Rõ ràng, bằng cảm tính, nhiều người đã nhận ra những hạn chế của kiểu tư duy cơ giới, dù họ có thể không nói được một cách tường minh tư duy cơ giới là gì.
Tư duy khoa học, tư duy hệ thống rất cần đến sự tưởng tượng và mơ mộng, bởi như tác giả đã nói ở phần 4 của bài viết, đối tượng chính của khoa học hệ thống là các hệ thống phức tạp trong thiên nhiên và cuộc sống, mà muốn hiểu các hệ thống đó, chí dựa vào các sự kiện thực chứng, các thao tác phân tích lý trí thì chưa đủ. Rất cần phải huy động thêm những tri thức mà ta thu nhận được bằng trực cảm, kinh nghiệm. Có khi, bằng trực cảm, bằng sự mơ mộng và tưởng tượng, ta có thể thấu nhập được bản chất của sự vật, hiện tượng, trong khi sự phân tích lý trí phải dừng bước ở cửa ngoài. Như vậy, tư duy hệ thống không loại trừ trực cảm, tưởng tượng và mơ mộng, thậm chí còn thâu nạp chúng, biến chúng thành những yếu tố cấu trúc vô cùng quan trọng của mình.
Giữa tri thức và tưởng tượng có mối quan hệ chặt chẽ, chúng bổ sung cho nhau, nâng cao năng lực của nhau. Tác giả viết: "càng nhiều tri thức thì càng có thêm trí tưởng tượng, và ngược lại, càng giàu tưởng tượng thơ mộng thì sẽ nảy sinh nhiều ý tưởng bất ngờ cho sáng tạo khoa học". Có thể dẫn ra thật nhiều ví dụ để minh hoạ cho luận điểm này: Định luật Ác-si-mét được khám phá cùng với giây phút lóe sáng của liên tưởng khi nhà bác học Ác-si-mét (Archimedes) đang nằm trong bồn tắm, thấy nước nâng mình lên; cũng bằng liên tưởng, I. Niu-tơn (I. Newton) phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn khi bất chợt bị một quả táo trên cây rụng xuống trúng đầu; s. Moóc-xơ (S. Morse), cha đẻ của máy điện báo và bộ mã Moóc-xơ tìm ra phương pháp gửi tín hiệu đường dài từ những liên tưởng xuất thần lúc chứng kiến cảnh đổi ngựa ở một trạm bưu điện;... Về vấn đề đang bàn, nhà bác học A. Anhxtanh (A. Einstein) cũng đã từng viết: "Cảm xúc đẹp nhất và sâu xa nhất của con người là cảm xúc trước sự huyền bí. Chính cảm xúc này đã khiến cho khoa học chân chính nảy nở. Những ai không còn có những cảm xúc đó, không còn biết ngạc nhiên mà chỉ biết ngẩn người ra vì sợ hãi thì sống cũng như chết. Cảm thấy điều huyền bí mà con người chưa thể giải thích nổi là vì khả năng ít ỏi đáng buồn của chúng ta mới chỉ làm lộ được một phần nhỏ bé và thấp kém của cái quy luật cao siêu và lộng lẫy của tự nhiên...".
Chúng ta đang bước vào công cuộc đổi mới tư duy nhằm đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống hiện đại, của thời đại, của sự phát triển đất nước. Tư duy hệ thống với sự hình dung vũ trụ là một toàn thể thống nhất không thể tách rời, là hệ hình tư duy sẽ giúp chúng ta có được một thế nhìn, cách nhìn mới về thế giới và theo đó là một phương cách hành động mới mà chúng ta đang cần phải có. Đó là lý do chính để ta khẳng định tư duy hệ thống là chất men, là nguồn lực thúc đẩy công cuộc đổi mới tư duy đạt được kết quả mong muốn. Tư duy hệ thống rất cần cho việc tìm hiểu, khám phá văn học, bởi văn học cũng là một hiện tượng sáng tạo chứa đầy sự bí ẩn, phong phú như chính cuộc đời. Nếu không có tư duy hệ thống, ta sẽ khó mà lý giải được cái hay, cái đẹp của các hiện tượng văn học (nền văn học, trào lưu văn học, tác giả văn học, tác phẩm văn học,...) một cách thấu đáo và rất dễ dừng lại ở những phát hiện rời rạc, lẻ tẻ, không có thật nhiều ý nghĩa.
Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Phân tích tác phẩm Tư duy hệ thống - Nguồn sức sống mới của đổi mới tư duy (Trích Một góc nhìn của tri thức) của Phan Đình Diệu. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số bài soạn bài Ngữ văn 12 và soạn Ngữ văn lớp 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12.