Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Pháp luật doanh nghiệp

Chúng tôi xin giới thiệu bài Pháp luật doanh nghiệp được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Khái quát về pháp luật doanh nghiệp và các loại hình doanh nghiệp

1.1. Khái quát về pháp luật doanh nghiệp

Pháp luật doanh nghiệp bao gồm hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, mà xương sống là Luật Doanh nghiệp năm 2014 (LDN năm 2014) với vai trò là đạo luật cơ bản nhất quy định chung về các công ty và doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù (như ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm...) thì còn chịu sự điều chỉnh bởi các đạo luật chuyên ngành khác, chẳng hạn như: Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Dầu khí, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Luật sư, Luật Công chứng... về nguyên tắc, trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định của LDN năm 2014 và các luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lí, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng theo quy định của Luật đó (Điều 3 LDN năm 2014). Bên cạnh đó, pháp luật doanh nghiệp còn bao gồm các văn bản dưới luật, hướng dẫn thi hành các đạo luật nói trên.

1.2. Khái quát về các loại hình doanh nghiệp

Khái niệm doanh nghiệp

Khi tiến hành hoạt động kinh doanh, các nhà đầu tư phải lựa chọn mô hình kinh doanh mà pháp luật đã quy định để làm thủ tục đăng kí doanh nghiệp. Sau khi đăng kí doanh nghiệp thì có thể tiến hành hoạt động kinh doanh theo quy định. Nhà đầu tư có thể lựa chọn mô hình hộ kinh doanh hay một loại hình doanh nghiệp để tiến hành hoạt động kinh doanh. Hộ kinh doanh là những cơ sở kinh doanh có quy mô nhỏ, nhưng rất phổ biến ở nước ta hiện nay. Các hộ kinh doanh hiện nay được đăng kí thành lập theo Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Mô hình hộ kinh doanh rất phổ biến tại các chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh dọc các tuyến đường phố với tên gọi khá đa dạng, chẳng hạn như: Shop Thời trang Thu Thảo; Café Chiều Tím; Quán ăn Thu Béo; Cơ sở Đồ gỗ Minh Tiến, Cửa hàng Vật liệu xây dựng Hòa Phát...

Khi thành lập doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thể lựa chọn một trong nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau.

Ví dụ: Ông A, ông B, ông C và bà D muốn cùng nhau thành lập một doanh nghiệp để kinh doanh quần áo thời trang thì 4 nhà đầu tư này có thể cùng nhau lựa chọn mô hình công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty hợp doanh để đăng kí doanh nghiệp và tiến hành hoạt động kinh doanh.

Có một số cách định nghĩa về doanh nghiệp dưới góc độ kinh tế, quản trị, pháp luật... Theo khoản 7, Điều 4 LDN năm 2014 thì doanh nghiệp là “tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng kí thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”. Khác hoàn toàn với các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước hay các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp là chủ thể tiến hành các hoạt động kinh tế với mục đích kinh doanh. Doanh nghiệp có trụ sở giao dịch với địa chỉ cụ thể đăng kí với cơ quan đăng kí kinh doanh, có tài sản để tiến hành hoạt động kinh doanh được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư và do tự huy động hay tạo ra được trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Ví dụ: Công ty cổ phần Mai Linh Đông Đô có trụ sở tại thành phố Hà Nội, có tài sản hình thành từ vốn điều lệ do các cổ đông của công ty đóng góp. Công ty Cổ phần Mai Linh Đông Đô là một doanh nghiệp, khác hoàn toàn với các tổ chức sau đây không phải là doanh nghiệp: UBND tỉnh Bình Dương (là cơ quan nhà nước), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hóa (là tổ chức chính trị - xã hội), Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (là đơn vị sự nghiệp), Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội (là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các luật sư).

Tất cả các doanh nghiệp đều có tên do nhà đầu tư lựa chọn theo luật định và đăng kí với cơ quan đăng kí kinh doanh. Tên doanh nghiệp phải viết được bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái F, J, z, w, chữ số và kí hiệu, phát âm được và bao gồm hai thành tổ loại hình doanh nghiệp và tên riêng của doanh nghiệp.

Ví dụ: Công ty Cổ phần Mai Linh Đông Đô thì cụm từ “Công ty Cổ phần” là loại hình doanh nghiệp; “Mai Linh Đông Đô” là tên riêng, trong tên riêng đã thể hiện đây là một công ty thành viên của Tập đoàn Mai Linh có công ty mẹ đặt trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh.

Các loại hình doanh nghiệp

Theo quy định của LDN năm 2014 thì các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam gồm có: (i) Công ty trách nhiệm hữu hạn (gồm hai loại là: công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên); (ii) Công ty cổ phần; (iii) Công ty hợp danh; (iv) Doanh nghiệp tư nhân. Lưu ý rằng, có một số doanh nghiệp không có tên gọi bắt đầu bằng chữ “công ty” hay “doanh nghiệp tư nhân”, nhưng vẫn mang bản chất của một loại hình doanh nghiệp và là một doanh nghiệp.

Ví dụ: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank) được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng. Hai ngân hàng này đều là doanh nghiệp, mang bản chất và được thành lập, tổ chức dưới hình thức của công ty cổ phần mặc dù tên gọi không có cụm từ “công ty cổ phần” như các công ty cổ phần thông thường khác.

Cần lưu ý rằng, hiện nay “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” không còn được pháp luật ghi nhận là một hình thức pháp lí của doanh nghiệp. Trước đây, theo quy định của LDN năm 2005 thì tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (hay còn được gọi là doanh nghiệp FDI - viết tắt từ cụm từ Foreign Direct Investment) được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều phải đăng kí lại hay chuyển đổi thành loại hình công ty theo quy định của LDN năm 2005.

Vì thế, nhiều công tỵ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện nay có thể có cụm từ “liên doanh” hay cụm từ tiếng nước ngoài trong tên gọi, nhưng đều thuộc loại hình công ty TNHH. Chẳng hạn, Công ty Honda Việt Nam (chuyên sản xuất xe gắn máy và ô tô mang nhãn hiệu Honda), Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV), Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng, Công ty TNHH Liên doanh Phát triển nhà Deawon Hoàn Cầu, Công ty Liên doanh Norfolk Hatexco đều là những doanh nghiệp được thành lập, hoạt động dưới hình thức công ty TNHH.

Quyền và nghĩa vụ của các loại doanh nghiệp nói chung được quy định tại LDN năm 2014 (Điều 7, 8, 9...) và các đạo luật chuyên ngành khác. Các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù sẽ có thêm các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Ngoài ra, đối với mỗi loại hình doanh nghiệp, còn có các quyền và nghĩa vụ riêng, đặc thù.

2. Những vấn đề pháp lí cơ bản về các loại hình doanh nghiệp

2.1. Doanh nghiệp tư nhân

Khái niệm và đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân

DNTN là loại hình doanh nghiệp khá phổ biến trong nền kinh tế nước ta, được quy định tại Chương VII của LDN năm 2014. DNTN là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp; DNTN không được phát hành bất kì loại chứng khoán nào. Các DNTN đều có tên gọi bắt đầu bằng cụm từ “Doanh nghiệp tư nhân” và có thể được viết tắt là “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN”.

Ví dụ: Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Sao Sáng; DNTN Khách sạn - Nhà hàng Việt Hoàng.

Các DNTN đều có các đặc điểm cơ bản sau đây:

Thứ nhất, DNTN do một cá nhân làm chủ sở hữu, đăng kí thành lập, được gọi là chủ DNTN. Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc trường hợp bị cấm thì có thể trở thành chủ DNTN, song mỗi người chỉ có quyền thành lập, làm chủ một DNTN trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Ví dụ: Ông Vinh đã đăng kí thành lập DNTN May mặc Vinh Quang ở Cần Thơ rồi thì không có quyền thành lập thêm một DNTN nào khác ở bất cứ tỉnh, thành phố nào trong cả nước. Nhưng DNTN May mặc Vinh Quang vẫn có quyền lập chi nhánh ở các địa phương khác.

Thứ hai, chủ DNTN phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động, mọi khoản nợ, nghĩa vụ của DNTN, hay còn gọi là chịu trách nhiệm vô hạn. Đây là một điểm khác nhau quan trọng giữa chủ DNTN với các thành viên của công ty TNHH và cổ đông của công ty cổ phần. Khi DNTN bị mất khả năng thanh toán thì chủ DNTN phải thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản của mình mặc dù không đưa vào hoạt động kinh doanh của DNTN.

Ví dụ: Ông Quang có 10 tỉ đồng, tháng 02/2009, ông Quang đăng kí thành lập DNTN Thương mại Quang Xuân với số vốn đầu tư là 2 tỉ đồng. Từ khi thành lập, DNTN Quang Xuân bị thua lỗ liên tục, mất toàn bộ số vốn đầu tư 2 tỉ đồng và còn nợ 3 tỉ đồng mà doanh nghiệp không có khả năng thanh toán. Trong trường hợp này, ông Quang phải sử dụng các nguồn tiền, tài sản khác của cá nhân mặc dù đã không đưa vào hoạt động kinh doanh của DNTN Thương mại Quang Xuân để thanh toán hết số nợ 3 tỉ đồng mà doanh nghiệp này không thanh toán được.

Thứ ba, DNTN là một tổ chức kinh tế, có con dấu, nhưng không có tư cách pháp nhân. Theo quy định hiện hành thì DNTN không có tài sản độc lập với chủ doanh nghiệp, DNTN không tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của chính mình... Vì thế, DNTN không được thừa nhận là một tổ chức có tư cách pháp nhân như công tỵ TNHH hay công ty cổ phần.

Thứ tư, DNTN không có quyền phát hành bất kì loại chứng khoán nào (chẳng hạn cổ phiếu, trái phiếu). Tuy nhiên, chủ DNTN có quyền bán hay cho thuê DNTN của mình theo thủ tục do pháp luật quy định. Khi bán DNTN thì chủ doanh nghiệp không còn là chủ sở hữu của doanh nghiệp nữa, nhưng khi cho thuê DNTN thì chủ doanh nghiệp vẫn chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu DNTN. Quyền và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và người thuê đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được quy định trong hợp đồng cho thuê DNTN. DNTN cũng có thể được chuyển đổi thành công ty TNHH theo quyết định của chủ DNTN nếu đáp ứng đủ các điều kiện pháp luật quy định (Điều 199 LDN năm 2014).

Ví dụ: DNTN Thương mại Hoa Mai có thể được chuyển đổi thành Công ty TNHH Thương mại Hoa Mai theo thủ tục do pháp luật quy định.

Cơ cấu tổ chức quản lí doanh nghiệp tư nhân

LDN năm 2014 không quy định mô hình quản trị bắt buộc cho DNTN như đối với công ty TNHH và công ty cổ phần. Chủ DNTN có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ DNTN có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lí, điều hành hoạt động kinh doanh, nếu thuê người khác làm Giám đốc/Tổng giám đốc quản lí doanh nghiệp thì chủ DNTN phải đăng kí với cơ quan đăng kí kinh doanh và vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chủ DNTN là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến DNTN.

Ví dụ: DNTN Quang Vinh do ông Bình làm chủ sở hữu. Theo pháp luật thì DNTN Quang Vinh không có hội đồng quản trị, không có hội đồng thành viên, không có ban kiểm soát như các loại hình công ty. Để quản lí doanh nghiệp, ông Bình thuê ông Hào làm Giám đốc DNTN Quang Vinh để điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của doanh nghiệp, nhưng ông Bình vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

2.2. Công ty trách nhiệm hữu hạn

Công ty TNHH được quy định tại Chương III của LDN năm 2014. Công ty TNHH gồm có hai loại: công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty TNHH một thành viên. LDN năm 2014 không có một mục riêng để quy định các vấn để chung về công ty TNHH mà lại quy định hai mục riêng về từng mô hình công ty TNHH nói trên.

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Khái niệm công ty TNHH hai thành viên trở lên

Theo LDN năm 2014 (Điều 47) thì công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; có không vượt quá 50 thành viên công ty là tổ chức hoặc cá nhân; các thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty; phần vốn góp của thành viên có thể được chuyển nhượng theo quy định của pháp luật; công ty không được quyền phát hành cổ phán. Công ty TNHH hai thành viên trở lên là loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất trong nền kinh tế nước ta hiện nay, tên gọi của các doanh nghiệp này đều có cụm từ “công ty TNHH” và tên riêng.

Ví dụ: Công ty TNHH Xây dựng Thành Công, Công ty TNHH Thương mại Túi Thành...

Công ty TNHH hai thành viên trở lên có những đặc điểm cơ bản sau đây:

Thứ nhất, công ty TNHH hai thành viên trở lên là một tổ chức kinh tế độc lập, là một loại hình doanh nghiệp, một loại hình công ty.

Thứ hai, công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, đặc điểm này giống với công ty cổ phần nhưng khác với DNTN. Công ty có tài sản độc lập với các thành viên công ty và công ty tự chịu trách nhiệm bằng chính tài sản đó, công ty có quyền nhân danh chính mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập, công ty có thể là nguyên đơn hoặc bị đơn trước Tòa án.

Ví dụ: Bà Hoa và ông Vinh cùng nhau thành lập Công ty TNHH Bình Minh. Công ty này là một pháp nhân, có tài sản hoàn toàn độc lập với bà Hoa và ông Vinh; nếu công ty mắc nợ tiền thì công ty phải trả nợ bằng tài sản của công ty, ông Vinh và bà Hoa không có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ của công ty bằng tài sản của cá nhân mình. Nếu các chủ nợ muốn đòi nợ công ty thì phải khởi kiện Công ty TNHH Bình Minh ra Tòa án chứ không có quyền kiện ông Vinh và bà Hoa để đòi nợ công ty.

Thứ ba, công ty phải có ít nhất là 2 và tối đa là 50 thành viên (pháp nhân hay cá nhân góp vốn vào vốn điều lệ của công ty), cùng góp vốn và được hưởng lợi nhuận, chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp. Các thành viên công ty chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty (hay còn gọi là trách nhiệm hữu hạn).

Ví dụ: Bà Hoa đã góp 3 tỉ đồng và ông Vinh đã góp 7 tỉ đồng để thành lập Công ty TNHH Bình Minh. Như vậy, công ty này có vốn điều lệ 10 tỉ đồng. Bà Hoa và ông Vinh sẽ được hưởng lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp của mình, có nghĩa là, bà Hoa sẽ được hưởng 30% và ông Vinh được hưởng 70% lợi nhuận sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định. Ví dụ năm 2015, lợi nhuận còn lại của công ty dùng để chia cho các thành viên là 2 tỉ đồng thì bà Hoa được chia 600 triệu đồng và ông Vinh được 1,4 tỉ đồng.

Thứ tư, công ty THNH hai thành viên trở lên không có quyền phát hành cổ phần để huy động vốn từ công chúng. Tuy nhiên, công ty có thể phát hành trái phiếu để huy động vốn nếu đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định.

Cơ cấu tổ chức quản lí của công ty TNHH hai thành viên trở lên Theo quy định của LDN năm 2014 (Điều 55) thì cơ cấu tổ chức quản lí của công ty có: (1) Hội đồng thành viên (HĐTV), (2) Chủ tịch HĐTV, (3) Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc (GĐ/TGĐ). Nếu công ty TNHH hai thành viên trở lên có từ 11 thành viên trở lên thì bắt buộc phải có ban kiểm soát; nhưng nếu chỉ có từ 2 đến 10 thành viên thì không phải thành lập ban kiểm soát nhưng vẫn có thể tự quyết định thành lập.

Ví dụ: Công ty TNHH Sao Khuê có 5 thành viên góp vốn là ông A, ông B, ông c, bà D và bà E. Cơ cấu tổ chức quản lí của công ty này gồm có: HĐTV công ty gồm 5 thành viên (A, B, c, D, E); Chủ tịch HĐTV là ông A; Giám đốc công ty là bà D. Công ty không có ban kiểm soát. Ngoài ra, công ty còn có Kế toán trưởng, có thể có một hoặc nhiều Phó Giám đốc và các phòng chức năng.

HĐTV gồm tất các các thành viên của công ty, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty. HĐTV quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền theo các hình thức:

Biểu quyết tại cuộc họp, (ii) Lấy ý kiến các thành viên công ty bằng văn bản, hoặc (iii) Hình thức khác do điều lệ công ty quy định. Chủ tịch HĐTV triệu tập họp HĐTV, cuộc họp định kì do điều lệ công ty quy định, nhưng ít nhất mỗi năm phải họp một lần. Cuộc họp của HĐTV là hợp lệ nếu có số thành viên tham dự đại diện cho ít nhất 65% vốn điều lệ của công ty (tỉ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định), nếu không đảm bảo điều kiện này thì phải được triệu tập lại lần thứ hai, lần thứ ba theo quy định. Quyền và nghĩa vụ của HĐTV được quy định tại khoản 2, Điều 56 LDN năm 2014 và điều lệ công ty.

Ví dụ: HĐTV có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của công ty như: giải thể công ty, chuyển đổi công ty; quyết định việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất công ty; sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; quyết định cơ cấu tổ chức quản lí của công ty; bầu, bổ nhiệm Chủ tịch HĐTV, GĐ/TGĐ, Kế toán trưởng...

Tỉ lệ biểu quyết thông qua các nghị quyết của HĐTV phụ thuộc vào hình thức biểu quyết và vấn đề được biểu quyết, có thể cần đại diện cho ít nhất 65% hay 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành (hay tỉ lộ khác do điều lệ công ty quy định).

Chủ tịch HĐTV do HĐTV bầu, là người đứng đầu HĐTV. Chủ tịch HĐTV có thể kiêm GĐ/TGĐ công ty. Công ty TNHH có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật, vì vậy Chủ tịch HĐTV cũng có thể là người đại diện theo pháp luật của công ty. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lí và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

GĐ/TGĐ là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty và chịu trách nhiệm trước HĐTV. Quyền hạn của GĐ/TGĐ được quy định cụ thể tại khoản 2, Điều 64 LDN năm 2014 và điều lệ công ty, HĐLĐ kí với công ty.

Không phải tất cả các công ty TNHH có hai thành viên trở lên đều có Ban kiểm soát. Công ty TNHH có từ 11 thành viên trở lên mới phải thành lập thêm Ban kiểm soát. Vì LDN năm 2014 không có quy định cho nên các vấn đề liên quan đến Ban kiểm soát phải được quy định cụ thể trong điều lệ công ty.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Khái niệm và đặc điểm

Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, không có quyền phát hành cổ phần, do một tổ chức hay một cá nhân làm chủ sở hữu và chủ sở hữu chỉ phải chịu trách nhiệm về mọi khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Công ty TNHH một thành viên có các đặc điểm pháp lí cơ bản sau đây:

Thứ nhất, công ty chỉ có một thành viên duy nhất, có thể là pháp nhân hoặc cá nhân (gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty. Một cá nhân chỉ có quyền làm chủ sở hữu một DNTN, nhưng có thể sở hữu nhiều công ty TNHH một thành viên. Theo LDN năm 2014 thì doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, cho nên xét về bản chất thì các doanh nghiệp nhà nước đều là các công ty TNHH một thành viên. Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước, kể cả các công ty mẹ của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước đang hoạt động dưới hình thức và mang bản chất của công ty TNHH một thành viên. Ví dụ như: công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). LDN năm 2014 dành riêng Chương IV để quy định riêng về doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Công ty có tài sản độc lập và là chủ thể pháp luật độc lập với chính bản thân chủ sở hữu của nó.

Ví dụ: Ông Hoàn có 10 tỉ đồng, tháng 10/2011 ông bỏ ra 3 tỉ đồng đổ thành lập Công ty TNHH một thành viên Hoàn Cầu thì tư cách chủ thể pháp luật của Công ty TNHH Hoàn Cầu độc lập với tư cách cá nhân ông Hoàn và tài sản của Công ty Hoàn Cầu cũng hoàn toàn độc lập với tài sản của cá nhân ông Hoàn. Nếu Công ty TNHH một thành viên Hoàn Cầu mắc nợ tiền cá nhân, tổ chức nào thì cá nhân, tổ chức đó phải khởi kiện đòi nợ Công ty TNHH một thành viên Hoàn Cầu mà không có quyền khởi kiện ông Hoàn để đòi nợ công ty.

Thứ ba, trách nhiệm của chủ sở hữu công ty đối với các khoản nợ của công ty là hữu hạn trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

Ví dụ: Trong trường hợp Công ty TNHH một thành viên Hoàn Cầu bị thua lỗ rồi phá sản, thì ông Hoàn không phải lấy tiền của cá nhân để thanh toán các khoản nợ của công ty, như vậy trường hợp này ông Hoàn chỉ mất 3 tỉ đồng đã đầu tư vào vốn điều lệ công ty. Các chủ nợ không có quyền đòi ông Hoàn phải thanh toán số nợ mà Công ty Hoàn Cầu còn thiếu do bị phá sản.

Thứ tư, công ty TNHH một thành viên không được phát hành cổ phần để huy động vốn, đặc điểm này giống với công ty TNHH hai thành viên trở lên. Tuy nhiên, công ty có thể huy động vốn kinh doanh bằng các hình thức khác phù hợp quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức quản lí của công ty TNHH một thành viên LDN năm 2014 quy định hai mô hình tổ chức quản lí khác nhau đối với công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu và do cá nhân làm chủ sở hữu. Mô hình tổ chức quản lí công ty TNHH một thành viên do một tổ chức làm chủ sở hữu được quy định phức tạp hơn so với công ty thuộc sở hữu của một cá nhân. Hơn nữa, cơ cấu tổ chức quản lí công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu lại có hai mô hình:

Mô hình 1: Cơ cấu tổ chức quản lí của công ty gồm: chủ tịch công ty, GĐ/TGĐ và Kiểm soát viên. Chủ tịch công ty do chủ sở hữu bổ nhiệm, có quyền nhân danh chủ sở hữu tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty trừ quyền và nghĩa vụ của GĐ/TGĐ. GĐ/TGĐ là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại khoản 2, Điều 81 LDN năm 2014.

Mô hình 2: Cơ cấu tổ chức quản lí của công ty gồm: HĐTV, GĐ/TGĐ và Kiểm soát viên. HĐTV gồm từ 03 đến 07 thành viên do chủ sở hữu bổ nhiệm, có quyền nhân danh chủ sở hữu tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty trừ quyền và nghĩa vụ của GĐ/TGĐ. Chủ tịch HĐTV do chủ sở hữu bổ nhiệm hoặc HĐTV bầu. GĐ/TGĐ là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty và có các quyền, nghĩa vụ được quy định tại khoản 2, Điều 81, LDN năm 2014. Trong cả hai mô hình, kiểm soát viên đều có các quyền, nghĩa vụ được quy định tại khoản 2, Điều 82 LDN năm 2014. Nếu so sánh hai mô hình tổ chức quản lí công ty TNHH một thành viên do một tổ chức làm chủ sở hữu thì có thể thấy mô hình 2 phức tạp hơn so với mô hình 1. Mô hình 2 thích hợp cho các công ty có quy mô lớn.

Ví dụ: Nhiều công ty TNHH một thành viên có quy mô lớn do nhà nước làm chủ sở hữu đều tổ chức quản lí theo mô hình 2 tức là có HĐTV, có Chủ tịch HĐTV, TGĐ và các Kiểm soát viên.

Cơ cấu tổ chức quản lí công ty TNHH một thành viên do một cá nhân làm chủ sở hữu được LDN năm 2014 quy định khá gọn và đơn giản; gồm có: chủ tịch công ty và GĐ/TGĐ. chủ tịch công ty có thể kiêm nhiệm hay thuê người khác làm GĐ/TGĐ công ty. Như vậy, cơ cấu tổ chức quản lí của loại công ty TNHH này không có HĐTV, không có các Kiểm soát viên.

2.3. Công ty cổ phần

Khái niệm và đặc điểm của công ty cổ phần

Chương V của LDN năm 2014 quy định cụ thể VC loại hình công ty cổ phần. Theo đó, CTCP là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; có vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; cổ đông là tổ chức hoặc cá nhân với số lượng tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa; công ty được phép phát hành cổ phần để huy động vốn theo quy định của pháp luật. Tôn của các công ty cổ phần đều phải bắt đầu bằng cụm từ “công ty cổ phần” hay “CTCP” để mọi người có thể nhận biết. CTCP có các đặc điểm cơ bản sau đây:

Thứ nhất, CTCP có tư cách pháp nhân kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp. Tài sản của công ty độc lập, tách bạch hoàn toàn với tài sản của các cổ đông. Đặc điểm này của CTCP cũng giống như của công ty TNHH đã trình bày ở mục 2 trên đây.

Thứ hai, vốn điều lệ của CTCP được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Cổ phần gồm có cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi; công ty bắt buộc phải có cổ phần phổ thông và có thể có cổ phần ưu đãi. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ một số ngoại lệ. Cổ phần ưu đãi gồm nhiều loại, chẳng hạn như cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại...

Ví dụ: Công ty Cổ phần Xây dựng Thành Mai có vốn điều lệ là 50 tỉ đồng, được chia thành 5 triệu phần bằng nhau gọi là cổ phần. Như vậy, mỗi cổ phần có giá trị (hay mệnh giá) là 10.000 đồng. Trong 5 triệu cổ phần, có 4,5 triệu cổ phần phổ thông và 500 nghìn cổ phần ưu đãi biểu quyết.

Thứ ba, cổ đông của CTCP là pháp nhân hoặc cá nhân sở hữu cổ phần của công ty với số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa. Vì thế, CTCP có thể có hàng ngàn, hàng vạn, thậm chí hàng triệu cổ đông cổ quốc tịch khác nhau. Mỗi cổ đông có thể sở hữu nhiều cổ phần, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Lợi nhuận (cổ tức) mà cổ đông được hưởng sẽ phụ thuộc vào loại cổ phần và số lượng cổ phần mà họ sở hữu.

Thứ tư, CTCP được phát hành chứng khoán, chẳng hạn như cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn theo quy định của pháp luật. Đây là đặc điểm đặc trưng của CTCP, cho thấy khả năng phát triển về quy mô vượt trội hơn tất cả các loại hình doanh nghiệp khác.

Trong các CTCP có công ty đại chúng. Theo Luật Chứng khoán thì công ty đại chúng là CTCP thuộc một trong ba trường hợp sau đảy: (i) CTCP đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; (ii) CTCP có cổ phiếu được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm Giao dịch chứng khoán; (iii) CTCP có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp) và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỉ đóng Việt Nam trở lên.

Hiện nay, nhiều CTCP có quy mô lớn đang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Ví dụ, cuối tháng 10/2016, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) có trên 1,451 tỉ cổ phiếu niêm yết (với vốn điều lệ trên 14.514 tỉ đồng); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có trên 3,597 tỉ cổ phiếu lưu hành (với vốn Điều lệ trên gần 36.000 tỉ đồng).

Cơ cấu tổ chức quản lí công ty cổ phần

Trong các loại hình doanh nghiệp hiện nay, CTCP là loại hình doanh nghiệp có cấu trúc quản trị nội bộ phức tạp nhất. Theo LDN năm 2014, cơ cấu tổ chức quản lí của CTCP có thể theo một trong hai mô hình:

Mô hình 1: Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), HĐQT, Ban kiểm soát và GĐ/TGĐ; nếu CTCP có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát.

Mô hình 2: ĐHĐCĐ, HĐQT và GĐ/TGĐ; trong trường hợp này ít nhất 20% số thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lí điều hành công ty. Trong cả hai mô hình, CTCP có quyền quyết định việc có một hay nhiều người đại diện theo pháp luật. Nếu có nhiều người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch HĐQT và GĐ/TGĐ đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

ĐHĐCĐ: gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của CTCP, có các quyền và nhiệm vụ được quy định tại Điều 135 LDN năm 2014 và Điều lệ công ty. Nhìn chung, ĐHĐCĐ quyết định những vấn đề quan trọng nhất của công ty.

Ví dụ: ĐHĐCĐ quyết định các vấn để như: Thông qua định hướng phát triển của công ty; Việc tổ chức lại, giải thể công ty; Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT, kiểm soát viên; Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu điều lộ không quy định một tỉ lệ hay một giá trị khác...

ĐHĐCĐ họp thường niên trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính hoặc họp bất thường. Cuộc họp ĐHĐCĐ phải có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (nếu không đủ điều kiện trên thì được triệu tập họp lần thứ hai, lần thứ ba theo quy định). ĐHĐCĐ thông qua các nghị quyết thuộc thẩm quyền bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. Tuỳ từng trường hợp, quyết định của ĐHĐCĐ phải được số cổ đông đại diện ít nhất 65% hoặc 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận...

HĐQT gồm từ 03 đến 11 thành viên, là cơ quan quản lí công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ. HĐQT có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại khoản 2, Điều 149 LDN năm 2014.

Ví dụ: HĐQT quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hàng năm của công ty; Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ; Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, kí hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với GĐ/TGĐ và người quản lí quan trọng khác; Giám sát, chỉ đạo GĐ/TGĐ trong điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; Quyết định cơ cấu tổ chức, quy chế quản lí nội bộ công ty, quyết định thành lập công ty con, lập chi nhánh, văn phòng đại diện và việc góp vốn, mua cổ phán của doanh nghiệp khác...

Trừ trường hợp điều lệ có quy định tỉ lộ khác cao hơn, nghị quyết của HĐQT được thông qua nếu được đa số thành viên dự họp chấp thuận; nếu số phiếu ngang nhau thì quyết định thuộc về phía có ý kiến của chủ tịch HĐQT.

Chủ tịch HĐQT là người đứng đầu HĐQT do HĐQT bầu, có các quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 3, Điều 152 LDN năm 2014.

GĐ/TGĐ: do HĐQT bổ nhiệm, là người người điều hành hoạt động hằng ngày của công ty, chịu sự giám sát của HĐQT; chịu trách nhiệm trước HĐQT và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao. Quyền, nghĩa vụ của GĐ/TGĐ được quy định tại khoản 3, Điều 157 LDN năm 2014 và Điều lệ công ty.

Ví dụ: GĐ/TGĐ có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không cần phải có quyết định của HĐQT; Tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐQT; Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lí trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của HĐQT...

Ban kiểm soát: là cơ quan giám sát công việc quản lí của HĐQT và điều hành công ty của GĐ/TGĐ và thẩm định các loại báo cáo của công ty theo quy định. Ban kiểm soát gồm 03 đến 05 thành viên do ĐHĐCĐ bầu. Ban kiểm soát có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 165, 166 LDN năm 2014 và Điều lệ công ty.

2.4. Công ty hợp danh

Khái niệm và đặc điểm của công ty hợp danh

Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, không được phát hành chứng khoán, có ít nhất hai thành viên hợp danh và có thể có thành viên góp vốn, các thành viên hợp danh phải là cá nhân và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty, thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi sổ vốn đã góp vào công ty. So với các loại hình doanh nghiệp khác thì mô hình công ty hợp danh rất ít được các nhà đầu tư lựa chọn, cho nên rất hiếm gặp trong thực tế.

Công ty hợp danh có các đặc điểm cơ bản sau đây:

Thứ nhất, công ty có thể có hai loại thành viên; nhưng bắt buộc phải có ít nhất hai thành viên hợp danh, và có thể có thành viên góp vốn. Hai loại thành viên này có quyền và nghĩa vụ khác nhau. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, có quyền trực tiếp quản lí, điều hành công ty; nhưng các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ của công ty. Thành viên góp vốn có thể là pháp nhân hay cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

Thứ hai, công ty hợp danh là một loại hình doanh nghiệp, một tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty hợp danh vượt ra khỏi phạm vi tài sản của nó và có thể được thanh toán bằng tài sản của các thành viên hợp danh.

Thứ ba, công ty hợp danh không được phát hành bất kì loại chứng khoán nào. Đặc điểm này giống DNTN nhưng khác với công ty TNHH và CTCP như đã trình bày ở các phần trên.

Cơ cấu tổ chức quản lí công ty hợp danh

LDN năm 2014 quy định một cơ cấu tổ chức quản lí cho công ty hợp danh gồm HĐTV, Chủ tịch HĐTV, GĐ/TGĐ... HĐTV (gồm tất cả các thành viên) là cơ quan có quyền quyết định tất cả các công việc kinh doanh của công ty. Các thành viên hợp danh có quyền đại diện theo pháp luật của công ty và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty.

2.5. Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã

Theo pháp luật hiện hành thì hợp tác xã (HTX) là một loại tổ chức kinh tế, nhưng không phải là một loại hình doanh nghiệp. Theo Luật Hợp tác xã năm 2012 thì HTX là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lí HTX. Khác với công ty, HTX có thể có thành viên là cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân.

Liên hiệp HTX là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 HTX tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của HTX thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lí liên hiệp HTX.

Cơ cấu tổ chức quản lí của HTX, liên hiệp HTX gồm: (i) Đại hội thành viên,

Hội đồng quản trị, (iii) GĐ/TGĐ và (iv) Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên.

3. Thành lập doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp và chấm dứt doanh nghiệp

3.1. Thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty

Tất cả cá nhân, pháp nhân không phân biệt quốc tịch, nếu không thuộc trường hợp bị cấm theo khoản 2, Điều 18 LDN năm 2014, có quyền thành lập DNTN, công ty TNHH, CTCP, công ty hợp danh. Người thành lập doanh nghiệp phải lập hồ sơ đăng kí doanh nghiệp với các loại giấy tờ được quy định cụ thể tại Chương 11 LDN năm 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP và Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhìn chung, hồ sơ đăng kí thành lập doanh nghiệp khá đơn giản, với các biểu mẫu rõ ràng.

Ví dụ: (i) Hồ sơ đăng kí doanh nghiệp đối với DNTN gồm giấy đề nghị đăng kí doanh nghiệp (theo mẫu); bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ DNTN; (ii) Hồ sơ đăng kí doanh nghiệp đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên gồm: giấy đề nghị đăng kí doanh nghiệp (theo mẫu); Điều lệ công ty; danh sách thành viên công ty (theo mẫu); bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân đối với thành viên sáng lập là cá nhân; bản sao hợp lệ quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền và quyết định ủy quyền tương ứng đối với thành viên sáng lập là pháp nhân; Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Hồ sơ được nộp cho Phòng Đăng kí kinh doanh (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Phòng Đăng kí kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định. Sau đó, doanh nghiệp sẽ phải đăng công bố công khai việc thành lập và bắt đầu hoạt động kinh doanh theo quy định. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, nội dung và số lượng con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện. Doanh nghiệp có thể có nhiều con dấu với hình thức và nội dung như nhau.

3.2. Tổ chức lại doanh nghiệp

Theo quy định của LDN năm 2014 thì tổ chức lại doanh nghiệp là chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc chuyển đổi doanh nghiệp. Chương IX của LDN năm 2014 có quy định cụ thể về 5 hình thức tổ chức lại doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chương IX LDN năm 2014 không quy định việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập DNTN; không quy định việc được chia, tách và chuyển đổi công ty hợp danh.

Chia công ty: là việc công ty TNHH, CTCP chia các cổ đông, thành viên và tài sản công ty để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới; công ty bị chia chấm dứt tồn tại sau khi các công ty mới được cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp.

Tách công ty: là việc chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty TNHH, CTCP hiện có để thành lập một hoặc một số công ty mới mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.

Hợp nhất công ty: là việc hai hoặc một số công ty chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty hợp nhất, đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.

Sáp nhập công ty: là việc một hoặc một số công ty cùng loại chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sát nhập, đông thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sát nhập.

Chuyển đổi doanh nghiệp: là thay đổi hình thức pháp lí, thay đổi loại hình doanh nghiệp. Công ty TNHH có thể được chuyển đổi thành CTCP hoặc ngược lại. Công ty TNHH một thành viên có thể được chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc CTCP; công ty TNHH hai thành viên chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên; DNTN có thể chuyển đổi thành công ty TNHH.

Ví dụ: Công ty TNHH Hoa Mai có thể: (i) chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của mình để tách lập thêm một công ty TNHH mới; (ii) Bị chia thành hai công ty TNHH có tên mới; (iii) Hợp nhất với Công ty TNHH Minh Ban để thành Công ty TNHH Minh Hoa; (iv) Bị sáp nhập vào Công ty TNHH Minh Ban và chấm dứt sự tồn tại; (v) Có thể được chuyển đổi thành CTCP.

3.3. Chấm dứt doanh nghiệp

DNTN và công ty có thể chấm dứt hoạt động kinh doanh và sự tồn tại khi giải thể hoặc bị Tòa án tuyên bố phá sản. Giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp theo thủ tục quy định khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. DNTN và công ty bị giải thể trong các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 201 LDN năm 2014. Việc giải thể các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được thành lập và hoạt động theo quy định của các luật chuyên ngành (như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại...) sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Khi giải thể theo LDN năm 2014 thì phải thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp; tổ chức thanh lí tài sản, thanh lí hợp đồng và sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp thì nộp hồ sơ đề nghị giải thể doanh nghiệp đến cơ quan đăng kí kinh doanh. Điều 205 LDN năm 2014 quy định cụ thể các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể...

Theo quy định của Luật Phá sản năm 2014, DNTN, công ty, hợp tác xã bị coi là mất khả năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. DNTN, công ty, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có thể bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Tổ chức, cá nhân theo luật định có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DNTN, công ty, HTX bị lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Sau khi bị Tòa án mở thủ tục phá sản, DNTN, công ty, HTX có thể được phục hồi hoạt động kinh doanh (khi đáp ứng những điều kiện và theo thủ tục trình tự nhất định) hoặc bị tuyến bố phá sản và thanh lí tài sản để thanh toán các khoản nợ và các nghĩa vụ về tài sản theo quy định của pháp luật.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Pháp luật doanh nghiệp về thành lập doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp và chấm dứt doanh nghiệp, những vấn đề pháp lí cơ bản về các loại hình doanh nghiệp, khái quát về pháp luật doanh nghiệp và các loại hình doanh nghiệp...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Pháp luật doanh nghiệp. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm