Pháp luật dân sự (Những chế định cụ thể của pháp luật dân sự)
Pháp luật dân sự (Những chế định cụ thể của pháp luật dân sự) được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Pháp luật dân sự (Những chế định cụ thể của pháp luật dân sự)
1. Quyền đối với tài sản
Pháp luật dân sự không chỉ dừng ở việc xác định những gì là tài sản mà còn có quy định về các quyền đối với tài sản, trong đó có nhiều quy định liên quan đến quyền sở hữu đối với tài sản, quyền khác đối với tài sản như quyền đối với bất động sản liền kề, quyền bề mặt và quyền hưởng dụng. Trong phần này, pháp luật dân sự đưa ra các căn cứ xác lập quyền đối với tài sản. Thực ra, có trường hợp quyền sở hữu đối với tài sản được xác lập trên cơ sở ý chí của các chủ thể.
Ví dụ: A thoả thuận bán tài sản cho B là trường hợp B xác lập quyền sở hữu đối với tài sản thông qua ý chí của A và B.
Cũng có trường hợp quyền sở hữu được xác lập đối với một tài sản trên cơ sở quy định của pháp luật. Chẳng hạn, sau khi mua tài sản của A, B chết mà không để lại di chúc thì tài sản của B được chuyển cho những người thừa kế của B. Trong trường hợp này, người thừa kế của B có quyền sở hữu đối với tài sản do B để lại và điều này là theo quy định của pháp luật về thừa kế. Bên cạnh việc quy định căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, pháp luật còn có quy định về căn cứ chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản như do chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác; chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình; tài sản bị tiêu hủy; tài sản bị xử lí để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu; tài sản bị trưng mua; tài sản bị tịch thu...
Khi một người có quyền sở hữu đối với tài sản thì pháp luật dân sự ghi nhận cho họ những quyền năng của chủ sở hữu. Theo pháp luật dân sự Việt Nam, chủ sở hữu tài sản có 3 quyền năng đối với tài sản là: quyền chiếm hữu (quyền nắm giữ, chi phối tài sản); quyền sử dụng (quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản) và quyền định đoạt (quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó). Ba quyền năng trên thuộc chủ sở hữu tài sản và thông thường do chủ sở hữu thực hiện. Trong một số trường hợp, các quyền năng trên của chủ sở hữu có thể do người khác thực hiện.
Ví dụ: Sau khi mua tài sản của A, B cho C mượn thì quyền sử dụng tài sản không phải do chủ sở hữu thực hiện mà do người khác (người mượn là C) thực hiện.
Trong đời sống dân sự, không hiếm trường hợp quyền sở hữu tài sản của một chủ thể không được vẹn toàn vì bị người khác xâm phạm. Nhằm bảo vệ quyền sở hữu tài sản của các chủ thể, pháp luật dân sự đưa ra các biện pháp như đòi tài sản nếu tài sản đang bị người khác chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, đòi bồi thường thiệt hại nếu tài sản bị người khác làm hư hỏng, hủy hoại hay yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm. Chẳng hạn, sau khi mua tài sản của A, B bị C lấy cắp thì pháp luật dân sự cho phép B tự đòi hay yêu cầu cơ quan nhà nước can thiệp để đòi lại tài sản từ C. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chủ sở hữu không thể đòi được tài sản của mình do người khác đang chiếm hữu.
Ví dụ: Chủ sở hữu không thể đòi được tài sản là bất động sản nếu người thứ ba ngay tình có được tài sản thông qua bán đấu giá hay giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.
Ví dụ: Ổng Ngọc và bà Dung được hưởng di sản do cha mẹ để lại là căn nhà ba gian trên diện tích đất 120,8m2. Năm 2000, một bản án phúc thẩm đã giao di sản này cho ông Ngọc sở hữu tài sản trên nhưng sau đó bản án này bị hủy. Tuy nhiên, ông Ngọc đã bán tài sản trên cho bà Liên, vợ chồng bà Thủy. Trong trường hợp này, bà Dung không thể đòi tài sản trên từ bà Liên, vợ chồng bà Thủy (những người này vẫn được sở hữu tài sản trên cơ sở hợp đồng đã kí với ông Ngọc). Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao đã theo hướng này khi xét rằng “ông Ngọc bán nhà đất trên cơ sở bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật vì bản án đã giao cho ông được quyền sở hữu nhà đất tranh chấp, nên theo Điều 138 BLDS năm 2005 thì giao dịch mua bán nhà đất giữa ông Ngọc với bà Liên, vợ chồng bà Thủy là ngay tình, cần được xem xét công nhận” (Quyết định số 03/2011/DS- GĐT ngày 23/02/2011 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).
2. Nghĩa vụ
Trong đời sống dân sự, các chủ thể có sự ràng buộc lẫn nhau. Có những sự ràng buộc chỉ mang tính chất đạo lí như học trò phải lễ phép với thầy cô. Sự ràng buộc này chỉ mang tính chất đạo lí nên nếu người học trò không lễ phép với thầy cô như không chào thầy cô khi gặp thầy cô ngoài nhà trường thì pháp luật không can thiệp, không có chế tài. Trong đời sống dân sự còn những ràng buộc mang tính pháp lí như khi A gây thiệt hại cho B thì A phải bồi thường cho B. Lúc này quan hệ giữa A và B là một sự ràng buộc pháp lí và sự ràng buộc này được gọi là “nghĩa vụ” (được quy định từ Điều 274 và tiếp theo của BLDS). Trong mối quan hệ nghĩa vụ này, nếu người có nghĩa vụ không thực hiện (không tuân thủ sự ràng buộc) thì phải gánh chịu một số hệ quả pháp lí nhất định. Chẳng hạn, nếu A không thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho B thì pháp luật sẽ can thiệp để buộc A phải bồi thường cho B như kê biên và bán tài sản của A để bồi thường cho B.
Nghĩa vụ (sự ràng buộc pháp lí giữa các chủ thể) được hình thành từ nhiều căn cứ khác nhau theo quy định tại Điều 275 BLDS. Trong đời sống, nghĩa vụ thường được hình thành từ hợp đồng hay từ việc gây thiệt hại phải bồi thường (sẽ được dịp phân tích trong phần sau). Ngoài ra, nghĩa vụ còn phát sinh từ các căn cứ khác như hành vi pháp lí đơn phương, thực hiện công việc không có ủy quyền, chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Chẳng hạn, A bán cho B tài sản với giá trị là 100 triệu đồng nhưng khi thanh toán cho A thì B lại giao nhầm cho A 101 triệu đồng. Trong trường hợp này, A đã được lợi về tài sản (1 triệu đồng) không có căn cứ pháp luật nên A có nghĩa vụ hoàn trả khoản tiền 1 triệu đồng cho B. Ở đây, nghĩa vụ dân sự hoàn trả 1 triệu đóng phát sinh từ việc A đã được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật.
Khi nghĩa vụ được hình thành một cách hợp pháp thì người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng địa điểm, thời điểm, chất lượng, khối lượng... với tinh thần hợp tác cao. Thông thường, chính người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ vì lợi ích của người có quyền. Tuy nhiên, pháp luật dân sự cho phép người có nghĩa vụ ủy quyền cho người thứ ba thực hiện nghĩa vụ thay cho mình. Trong trường hợp này, người có nghĩa vụ vẫn còn trách nhiệm nếu như người thứ ba không thực hiện đúng nghĩa vụ.
Ví dụ: A phải giao tài sản cho B và không trực tiếp giao tài sản cho B mà ủy quyền cho C để C giao tài sản cho B nên, khi C không giao tài sản cho B thì A vẫn phải chịu trách nhiệm về việc giao tài sản.
Trong đời sống dân sự thường xảy ra hoàn cảnh bên có nghĩa vụ không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ nên phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Trách nhiệm dân sự này có thể là bên có nghĩa vụ bị buộc tiếp tục thực hiện đúng nghĩa vụ.
Ví dụ: Khi A phải giao tài sản cho B nhưng lại không giao tài sản cho B thì pháp luật dân sự có quy định buộc A phải tiếp tục giao tài sản cho B. Trách nhiệm dân sự còn có thể là trách nhiệm bồi thường thiệt hại (về vật chất hay tinh thẩn) như khi A phải giao tài sản cho B nhưng đã làm mất tài sản thì A phải bồi thường thiệt hại cho B. Khi nghĩa vụ bị vi phạm là nghĩa vụ thanh toán một khoản tiền thì trách nhiệm dân sự còn là trách nhiệm trả lãi chậm trả.
Khi xem xét trách nhiệm dân sự, chúng ta còn phải xem xét tới nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm. Nếu việc vi phạm nghĩa vụ dân sự là do sự kiện bất khả kháng thì người có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm trừ trường hợp các bên thỏa thuận khác.
Ví dụ: Người vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy bị gió lốc bất ngờ làm chìm tàu, đồng thời làm hư hỏng hàng hóa thì không phải chịu trách nhiệm đối với số hàng hóa bị hư hỏng vì việc hàng hóa bị hư hỏng là do sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, người vận chuyển và chủ hàng hóa có thể thỏa thuận khác như người vận chuyển nhận chịu một nửa thiệt hại cho chủ hàng. Trong trường hợp nghĩa vụ không được thực hiện là do lỗi của bên có quyền thì người có nghĩa vụ cũng không phải chịu trách nhiệm dân sự và, nếu người có quyền có một phần lỗi, thì không được bồi thường đối với phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của mình trên cơ sở Điều 363 BLDS theo đó “Trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình”.
Ví dụ: Khoảng 18 giờ ngày 02/6/2006, ông Hưng cùng bạn chạy xe Wave Alpha vào quán cơm 950 Hậu Giang; chủ quán nói để xe đó và hứa giữ xe. Sau 05 phút thì phát hiện xe bị mất và ông Hưng yêu cầu chủ quán là ông Tuyền bồi thường trị giá xe 10.000.000 đồng. Khi xét xử, Tòa án đã xét rằng “ông Tuyền cũng có trách nhiệm khi phát hiện và nghi ngờ xe bị người lạ tới lấy xe và hỏi lớn xe của ai nhưng ông Hưng không ra nhìn nhận, như vậy ông Hưng cũng có một phần lỗi nên Tòa án sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu nguyên đơn buộc ông Tuyền bồi thường 60% theo yêu cầu nguyên đơn là có cơ sở”. Từ dó, Tòa án đã “buộc ông Tuyền và bà Xuyến (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) phải bồi thường cho ông Hưng 6.000.000 đồng ngay khi án có hiệu lực pháp luật” (Bản án số 1090/2006/DS-PT ngày 30/10/2006 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh).
3. Đảm bảo thực hiện nghĩa vụ
Việc xác lập và thực hiện nghĩa vụ trước hết là dựa vào sự tự giác của các bên, nhưng trong thực tế, không phải nghĩa vụ nào cũng được thực hiện đầy đủ. Chính vì vậy, những biện pháp nhằm bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ là cần thiết. Phần lớn các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định trong BLDS năm 2015 là các biện pháp mang tính chất tài sản như: thế chấp, cầm cố, đặt cọc, kí cược, kí quỹ. Việc sử dụng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể được tiến hành bằng cách bên có tài sản giao tài sản cho người khác. Đó là trường hợp của “cầm cố”, theo đó bên cầm cố “giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia. Tương tự như vậy đối với đặt cọc, theo đó “một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác”. Cũng tương tự đối với kí cược, theo đó “bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác”. Kí quỹ cũng có việc giao tài sản nhưng giao cho một ngân hàng. Cách thức sử dụng tài sản như trên để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự có ưu điểm là bảo vệ tốt bên có quyền. Ở đây, nêu bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, bên có quyền đã có sẵn một tài sản để phục vụ cho nghĩa vụ chưa được thực hiện.
Bên cạnh đó, pháp luật ghi nhận khả năng sử dụng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên bảo đảm không cần giao tài sản cho người khác. Đó là trường hợp của thế chấp tài sản, theo đó “một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp”. Đối với bên có quyền, cách thức này có những bất lợi: tài sản vẫn thuộc sở hữu và nằm trong sự quản lí của bên có nghĩa vụ nên nó có thể bị chuyển giao cho chủ thể khác hay bị giảm sút giá trị. Chính vì thế mà pháp luật quy định bên thế chấp có nghĩa vụ “không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp” và “áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị”. Với cách thức này, thực tế còn cho thấy có trường hợp bên có nghĩa vụ dùng tài sản đã thế chấp làm phương tiện phạm tội và thực tiễn đã theo hướng không tịch thu tài sản mà theo hướng bán tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ và nếu tiền bán còn dư thì sung quỹ nhà nước.
Ví dụ: Bà Phượng là chủ sở hữu 3 tàu cá và thế chấp 3 tàu này để vay tiền 2 ngân hàng. Tháng 3/2007, bà Phượng và người khác đã sử dụng 3 chiếc tàu đánh cá để thực hiện hành vi phạm tội và bị bắt. Tại Quyết định số 30/2010/HS-GĐT ngày 01/11/2010, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét rằng “Tòa án cấp sơ thẩm quyết định “giao cho ngân hàng và cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng đại diện gia đình bị cáo Phượng tiến hành thanh lí trước hạn 3 hợp đồng tín dụng (có thế chấp 3 tàu đánh cá) bán cá lấy tiền thu hồi nợ cho ngân hàng (cả vốn và lãi)” là có căn cứ phù hợp với quy định của Thông tư trên (Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP ngày 24/10/1998) và phù hợp với Điều 355, Điều 336 và Điều 338 Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, việc Tòa án cấp sơ thẩm quyết định: “Số tiền còn lại (nếu có) giao cho cơ quan thi hành án tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quản lí để đảm bảo thi hành án” là không đúng với quy định tại Điều 41 Bộ luật Hình sự, mà số tiền này phải được tịch thu sung vào quỹ nhà nước”.
Để tạo điều kiện cho các bên có thể giao kết hợp đồng mà vẫn bảo đảm được quyền lợi cho người có quyền ngay cả trong những trường hợp người có nghĩa vụ không có tài sản để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ, pháp luật cho phép người thứ ba đứng ra cam kết với người có quyền về việc thực hiện thay nghĩa vụ của người có nghĩa vụ. Đó là trường hợp bảo lãnh. Bên cạnh bảo lãnh, pháp luật dân sự còn ghi nhận khả năng dùng “tín chấp” để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Đây là việc tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở bằng uy tín của mình bảo đảm cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ.
Trong phần bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, pháp luật hiện hành còn có quy định về đăng kí giao dịch bảo đảm. Mục đích của đăng kí giao dịch bảo đảm là công khai giao dịch bảo đảm với những người không là chủ thể của quan hệ bảo đảm (những người trong quan hệ bảo đảm đã biết giao dịch bảo đảm nên không cần thủ tục để công khai giao dịch này đối với họ) đồng thời qua đó xác lập hiệu lực đối kháng bằng việc ghi nhận quyền truy đòi tài sản và thứ tự ưu tiên thanh toán khi tài sản bảo đảm được xử lí để thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có giao dịch bảo đảm được đăng kí, có giao dịch bảo đảm không được đăng kí thì giao dịch bảo đảm có đăng kí được ưu tiên thanh toán. Ở đây, nghĩa vụ có giao dịch bảo đảm đã được đăng kí được ưu tiên thanh toán và sau khi thanh toán xong nghĩa vụ liên quan đến giao dịch bảo đảm được đăng kí, phần còn lại mới được dùng để thanh toán cho nghĩa vụ trong giao dịch bảo đảm không được đăng kí.
4. Hợp đồng
Trong đời sống dân sự, hợp đồng đóng vai trò quan trọng và BLDS hiện hành dành nhiều quy định về chủ đế này tại Điều 385 và tiếp theo. Đây “là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Để có hợp đồng thì phải có thỏa thuận (thống nhất ý chí) giữa ít nhất hai chủ thể nhưng bản thân sự thỏa thuận giữa các bên chưa đủ để hình thành hợp đồng.
Ví dụ: Hai sinh viên trao đổi và thống nhất cùng nhau học bài vào chiều thứ bảy thì đã có sự thỏa thuận nhưng thỏa thuận này không hình thành hợp đồng. Để hợp đồng thực sự tồn tại, thỏa thuận giữa các bên phải liên quan đến việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự như trường hợp A thoả thuận bán cho B một tài sản.
Trong ví dụ vừa nêu, A và B đã thỏa thuận xác lập nghĩa vụ dân sự với nhau như nghĩa vụ trả tiền, nghĩa vụ giao tài sản nên thỏa thuận giữa các bên là một hợp đồng dân sự.
Về trình tự, hợp đồng được hình thành trên cơ sở lời đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. So với pháp luật một số nước thì pháp luật Việt Nam có đặc trưng riêng về đề nghị giao kết cũng như chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Cụ thể, đề nghị giao kết hợp đồng trong pháp luật dân sự Việt Nam được thể hiện “đối với bên đã được xác định cụ thể” như gửi qua địa chỉ email, fax, nơi cư trú, trụ sở... hay tới công chúng. Về chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, nếu pháp luật một số nước chỉ yêu cầu chấp nhận “nội dung chủ yếu” thì pháp luật Việt Nam yêu cầu bên được đề nghị phải “chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị”. Chẳng hạn, A đề nghị bán cho B một tài sản với giá 100 triệu đồng và B trả lời chấp nhận với giá 95 triệu đồng thì B chưa được coi là đã chấp nhận giao kết hợp đồng nên chưa hình thành hợp đồng.
Để làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự hợp đồng cần đáp ứng các điều kiện có hiệu lực. Vì hợp đồng là một giao dịch dân sự nên hợp đồng phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực đối với giao dịch dân sự đã trình bày ở trên. Khi hợp đồng không đáp ứng điều kiện có hiệu lực thì vô hiệu. Những trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu và hệ quả của hợp đồng vô hiệu cũng được áp dụng cho hợp đồng. Ngoài ra, trong phần hợp đồng, pháp luật dân sự còn quy định những trường hợp vô hiệu khác và một số hệ quả chưa được quy định trong phần giao dịch dân sự như trường hợp hợp đồng vô hiệu do đối tượng không thể thực hiện được được quy định tại khoản 1, Điều 408 BLDS.
Khi hợp đồng được giao kết hợp pháp thì các bên phải thực hiện và việc thực hiện hợp đồng phải tuân theo một số nguyên tắc. Cụ thể, các bên phải “thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thỏa thuận khác’ đồng thời phải "thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau”. Khi thực hiện hợp đồng, các bên “không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. Trong quá trình thực hiện, các bên có thể thỏa thuận sửa đổi hợp đồng và giải quyết hậu quả của việc sửa đổi và trong trường hợp hợp đồng được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực, đăng kí hoặc cho phép thì việc sửa đổi hợp đồng cũng phải tuân theo hình thức đó.
Thực tế cho thấy, không hiếm trường hợp hợp đồng không được thực hiện đúng và pháp luật đưa ra các biện pháp để xử lí. Ngoài việc bên vi phạm hợp đồng phải chịu trách nhiệm dân sự như đã phân tích trong phần nghĩa vụ dân sự, bên vi phạm còn có thể phải gánh chịu những hệ quả pháp lí khác theo thỏa thuận hay theo luật định. Chẳng hạn, bên vi phạm có thể bị phạt vi phạm hợp đồng nếu các bên thỏa thuận “bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bên có quyền còn có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng hay hủy bỏ hợp đồng để nhận lại những gì đã giao cho bên kia.
Ngoài cách quy định chung về hợp đồng nêu trên, pháp luật dân sự còn có các quy định điều chỉnh những hợp đồng cụ thể khác (Điều 430 và tiếp theo) như hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng trao đổi tài sản, hợp đồng tặng cho tài sản, hợp đồng vay tài sản (bốn hợp đồng này có điểm chung là có giao tài sản chuyển quyền sở hữu); hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng mượn tài sản (trong hai hợp đồng này có việc giao tài sản nhưng không chuyển quyền sở hữu mà chỉ chuyên quyền sử dụng); hợp đồng dịch vụ, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng gia công, hợp đồng gửi giữ tài sản (đối tượng chính của các hợp đồng này thường là làm một công việc nhất định)...
5. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Thực tế cho thấy, thiệt hại thường xảy ra và vấn đề bồi thường thiệt hại được đặt ra. Pháp luật dân sự đã có một hệ thống các quy định về chủ đề này trong BLDS (Điều 584 và tiếp theo) và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nhìn một cách tổng thể, thiệt hại có thể phát sinh từ hành vi của con người hoặc từ một tài sản nhất định. Đối với thiệt hại do hành vi của con người gây ra, về nguyên tắc trách nhiệm bồi thường phát sinh khi người gây thiệt hại có hành vi trái pháp luật, thiệt hại thực sự tồn tại, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại và lỗi của người gây thiệt hại. Đối với thiệt hại do tài sản gây ra, pháp luật dân sự Việt Nam có nguyên tắc chung tại Điều 584 BLDS năm 2015 và các quy định về một số trường hợp điển hình như thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, do súc vật gây ra, do nhà cửa hay công trình xây dựng gây ra, do cây cối gây ra.
Đối với thiệt hại do con người gây ra, trách nhiệm bồi thường về nguyên tắc thuộc người gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, để bảo vệ người bị thiệt hại, pháp luật dân sự còn có quy định theo hướng người phải chịu trách nhiệm bồi thường là người không gây ra thiệt hại. Thứ nhất, nếu thiệt hại do con chưa thành niên chưa đủ 15 tuổi gây ra thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại và khi tài sản của cha mẹ không đủ mà con có tài sản thì lấy tài sản của con để bồi thường. Ngược lại, nếu thiệt hại do con đủ 15 tuổi nhưng chưa đủ tuổi thành niên gây ra thì con phải bồi thường và khi tài sản của con không đủ thì lấy tài sản của cha mẹ để bồi thường. Thứ hai, pháp nhân phải chịu trách nhiệm bồi thường do người của pháp nhân gây ra. Tương tự như vậy đối với người sử dụng người làm công hay người dạy nghề trong trường hợp thiệt hại do người làm công hay người học nghề gây ra. Cũng tương tự như vậy đối với cơ quan THTT trong trường hợp thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tố tụng gây ra...
Đối với thiệt hại do tài sản gây ra, trách nhiệm bồi thường thông thường thuộc chủ sở hữu. Tuy nhiên, nếu tài sản đã được giao cho người khác quản lí (sử dụng) thì người được giao tài sản phải bồi thường như trường hợp thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, do nhà cửa hay công trình xây dựng khác gây ra.
Về mặt lí thuyết, chúng ta phân biệt rõ trường hợp thiệt hại do con người gây ra với trường hợp thiệt hại do tài sản gây ra nhưng trong thực tế việc phân định này đôi khi không được vận dụng triệt để.
Ví dụ: Để bảo vệ người bị thiệt hại trên cơ sở các quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, thực tiễn xét xử đã theo hướng áp dụng các quy định này cho trường hợp thiệt hại do hành vi của con người gây ra với phương tiện là nguồn nguy hiểm cao độ như phương tiện giao thông vận tải cơ giới.
Ví dụ: Tiến (không có giấy phép lái xe) thấy xe môtô của bố mẹ để ở sân nhà, chìa khóa vẫn cắm tại ổ điện của xe, nên Tiến đã lấy xe đi. Trên đường Tiến đi làm về thì gặp xe môtô đi cùng chiều và vì Tiến vượt ẩu nên xe môtô do Tiến điều khiển đã lao sang trái đường và đâm vào bà Hiển làm bà Hiển chết. Ở đây, thiệt hại không phải do tự nguồn nguy hiểm cao độ (xe môtô) gây ra mà là do hành vi của Tiến và trong Quyết định số 16/2008/HS-GĐT ngày 26/6/2008, Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao đã xét rằng "Tiến (không có giấy phép lái xe) đã có hành vi chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật xe môtô phân khối lớn của bố mẹ bị cáo (là bà Thảo và ông Tích) gây tai nạn làm chết người. Bà Thảo và ông Tích là chủ phương tiện, nhưng đã có lỗi trong việc không tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ xe để Tiến chiếm hữu, sử dụng xe môtô trái pháp luật gây hậu quả làm chết người. Theo hướng dẫn tại mục 2, phần III Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì: nếu chủ sở hữu có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật) thì phải liên đới cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; chủ sở hữu và người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ được thỏa thuận về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường. Tòa án cấp sơ thẩm xác định Tiến, ông Tích và bà Thảo phải liên đới bồi thường thiệt hại cho gia đình của người bị hại là đúng’.
Về thiệt hại được bồi thường, pháp luật của chúng ta không chỉ ghi nhận bồi thường thiệt hại về vật chất mà còn ghi nhận cả bồi thường tổn thất về tinh thần trong trường hợp sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, mồ mả hay thi thể bị xâm phạm. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý hay không có lỗi mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Ví dụ: Sau khi Tòa án ấn định mức tiền cấp dưỡng mà người gây thiệt hại phải thanh toán cho người bị thiệt hại và mức tiền này không còn phù hợp với sự biến động của giá cả, hoàn cảnh của người bị thiệt hại thì người bị thiệt hại có thể yêu cầu Tòa án tăng khoản tiền cấp dưỡng để phù hợp với thực tế mới.
Ngoài ra, BLDS còn quy định khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra và bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình (Điều 585).
6. Thừa kế di sản
Con người sinh ra và chết. Đó là quy luật tự nhiên. Khi một cá nhân chết và để lại tài sản thì việc chuyển dịch tài sản này cho chủ thể khác được đặt ra và đây chính là vấn đề thừa kế di sản, một nội dung quan trọng của pháp luật dân sự (ở Việt Nam được quy định tại Điều 609 và tiếp theo của BLDS). Thực ra, vấn đề thừa kế chỉ được đặt ra đối với trường hợp cá nhân chết để lại di sản (nên các quy định về thừa kế không được áp dụng trong trường hợp pháp nhân, hộ gia đình hay tổ hợp tác chấm dứt) và chỉ những chủ thể tồn tại ở thời điểm người để lại di sản chết mới có thể được hưởng di sản (nên người chết trước người để lại di sản sẽ không được hưởng thừa kế).
Việc chuyển dịch tài sản từ người chết sang chủ thể khác có thể do chính người có tài sản định đoạt thông qua di chúc. Trong trường hợp này, người được hưởng di sản theo di chúc có thể là bất kì ai mà người để lại di sản muốn. Đó có thể là cá nhân, pháp nhân, tổ chức... Nhìn chung, việc định đoạt di sản thông qua di chúc được quy định rất chặt chẽ để bảo vệ người có tài sản, người thân của họ cũng như người liên quan. Cụ thể, di chúc phải do chính người có tài sản lập (không thể ủy quyền cho người khác) trong tình trạng minh mẫn, sáng suốt và phải tuân thủ các quy định về hình thức rất nghiêm ngặt (có trường hợp phải lập di chúc trước công chứng viên hay người có thẩm quyền chứng thực và phải có người làm chứng). Khi định đoạt tài sản thông qua di chúc, người có tài sản còn phải để lại một số tài sản cho người thân của mình là vợ chồng, cha mẹ, con chưa thành niên hay con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động.
Khi người để lại di sản không có di chúc hợp pháp thì di sản của họ được chuyển dịch sang người khác theo quy định của pháp luật (thừa kế theo pháp luật).
Trong trường hợp này, ai được hưởng di sản và trong trường hợp nào được hưởng di sản cũng như được hưởng di sản như thế nào (bằng hiện vật hay bằng giá trị) sẽ do pháp luật quy định. Trong khuôn khổ này, người được hưởng di sản là người có quan hệ mật thiết với người để lại di sản như có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân hay quan hệ nuôi dưỡng và được pháp luật xếp vào một trong ba hàng thừa kế (hàng thừa kế thứ nhất, hàng thừa kế thứ hai và hàng thừa kế thứ ba). Những người được xếp vào hàng thừa kế thứ nhất có quan hệ mật thiết nhất với người để lại di sản như vợ chồng được pháp luật ghi nhận, cha mẹ (đỏ và nuôi) và con (đẻ, nuôi) và được ưu tiên hơn những người thuộc hàng thừa kế còn lại (những người của hàng thừa kế tiếp theo chỉ được hưởng di sản nếu không có người của hàng thừa kế trước). Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau.
Dù là thừa kế theo di chúc hay thừa kế theo pháp luật, cần lưu ý một số điểm sau: Thứ nhất, cần phải xác định di sản của người chốt. Đó là những tài sản của người chết có tại thời điểm người đó chốt. Do đó, những tài sản mà người chết đã định đoạt trước khi chết (như tặng cho, chuyển nhượng cho người khác) không là di sản nên sẽ không được chia cho những người thừa kế. Thứ hai, phải xác định được người để lại di sản còn có nghĩa vụ về tài sản nào với chủ thể khác như tiền vay chưa trả, tiền bồi thường thiệt hại chưa thanh toán cho người khác... Đồng thời cũng phải xác định được chi phí liên quan đến thừa kế như chi phí mai táng người để lại di sản, chi phí quản lí di sản. Trước khi chia di sản thì phải thanh toán các khoản vừa nêu (nếu chia di sản rồi mới thấy các khoản trên thì những người thừa kế phải thanh toán tương ứng với phần mà mình đã nhận). Thứ ba, phải xác định được ai là người được hưởng di sản theo di chúc hay theo pháp luật (về việc xác định người được hưởng thừa kế theo pháp luật, xem ví dụ dưới đây). Sau khi biết di sản còn lại để chia và người được hưởng di sản, phải chia đều cho những người thừa kế nếu di chúc không có cách phân chia khác.
Ví dụ: Trong Quyết định số 289/2009/DS-GĐT ngày 16/7/2009, Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao đã xét rằng "ông Cấu chung sống với bà Điệu từ năm 1947 có con chung là chị Dung, đồng thời chung sống với bà Tư từ năm 1960 có con chung là chị Lệ. Do đó, theo hướng dẫn tại mục 4 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh thừa kế thì cả hai người vợ của ông Cấu là bà Điệu, bà Tư đều là hàng thừa kế thứ nhất của ông Cấu. Hai người con của ông Cấu là chị Dung, chị Lệ cũng là người thừa kế hàng thứ nhất của ông Cấu. Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm xác định bà Tư, bà Điệu, chị Dung, chị Lệ đều là hàng thừa kế thứ nhất của ông Cấu là có căn cứ. Bà Ê chung sống với ông Cấu từ năm 1979 và có 4 con chung là chị Nưng, chị Nun, anh Luân và anh Vinh. Vì vậy, 4 người con chung của ông Cấu và bà Ê là người thừa kế hàng thứ nhất của ông Cấu. Bà Ê chung sống với ông Cấu từ năm 1979 (sau khi có Luật HN & GĐ năm 1959).
Vì vậy, quan hệ của ông Cấu với bà Ê không được công nhận là vợ chồng. Tòa án các cấp xác định bà Ê là vợ của ông Cấu và thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Cấu để chia thừa kế là không đúng”. Bên cạnh đó, Tòa dân sự còn xét rằng "khi chung sống với ông Cấu, bà Ê có 2 người con riêng là anh Toàn và chị Hai. Vì vậy, cần xác minh nếu 2 người con riêng của bà Ê chưa trưởng thành và ông Cấu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng hai người con này thì họ cũng là người thừa kế hàng thứ nhất của ông Cấu”. Cuối cùng, khi xét xử lại, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định anh Toàn và chị Hai cũng là người thừa kế hàng thứ nhất của ông Cấu.
7. Vấn đề khác
Ngoài các chủ đề trên, pháp luật dân sự còn quy định vấn đề hôn nhân và gia đình (một bộ phận khá quan trọng của pháp luật dân sự). BLDS hiện hành có khá nhiều quy định về hôn nhân và gia đình như: Quyền kết hôn; Quyền bình đẳng của vợ chồng; Quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình; Quyền li hôn; Quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con hay Quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi cũng như quy định về tài sản chung của vợ chồng. Bên cạnh các quy định trong BLDS như đã nêu trên, Quốc hội đã ban hành một đạo luật riêng về hôn nhân và gia đình (Luật HN&GĐ năm 2014) và các quy định trong Luật này thường xuyên được vận dụng bên cạnh các quy định của BLDS như quy định về trách nhiệm chung (liên đới) đối với giao dịch dân sự do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình.
Ví dụ: Theo Quyết định số 169/2012/DS-GĐT ngày 29/3/2012 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao, “về khoản nợ bà Bình 3.000.000 đồng, bà Bình khai: cuối năm 2006 bà vay của ngân hàng 10.000.000 đồng thông qua Hội Phụ nữ xã và cho chị Thuỷ vay lại 3.000.000 đồng vào ngày 01/01/2007, hàng tháng chị Thuỷ vẫn trả lãi cho khoản vay này. Bà Thanh, tổ trưởng tổ vay vốn của Hội Phụ nữ xã cũng xác nhận: hàng tháng khi bà đến thu tiền lãi của bà Bình thì bà Bình đều gọi chị Thủy sang để trả phần lãi suất đối với khoản vay 3.000.000 đồng. Mặc dù anh Thành cho rằng anh không biết gì về việc vay nợ này, nhưng anh thừa nhận trong gia đình chị Thủy là người quản lí kinh tế, chị Thủy buôn bán lời lãi như thế nào anh cũng không rõ. Chị Thủy cho rằng, chị vay các khoản nợ này là để buôn bán, chi phí ăn học cho các con. Do đó có cơ sở xác định khoản nợ mà chị Thủy vay của bà Bình là khoản nợ chung của vợ chồng anh Thành, chị Thủy”.
Trong pháp luật dân sự còn có các quy định về Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Quốc hội cũng đã ban hành Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Chuyển giao công nghệ và trong các luật này có một số quy định đặc thù như quy định tại Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ về bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (chi phí thuê luật sư được coi là một loại thiệt hại được bồi thường): “Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất cho mình thì có quyền yêu cầu Tòa án quyết định mức bồi thường” và "chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lí để thuê luật sư”.
-----------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Pháp luật dân sự (Những chế định cụ thể của pháp luật dân sự) về những chế định cụ thể của pháp luật dân sự, đặc điểm, hình thức của pháp luật dân sự..
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Pháp luật dân sự (Những chế định cụ thể của pháp luật dân sự). Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.