Pháp luật tố tụng dân sự (Các thủ tục tố tụng)
Pháp luật tố tụng dân sự (Các thủ tục tố tụng) được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Pháp luật tố tụng dân sự (Các thủ tục tố tụng)
1. Thủ tục sơ thẩm vụ việc dân sự
1.1. Thủ tục sơ thẩm vụ án
Thủ tục sơ thẩm vụ án dân sự bắt đầu từ khi Tòa án thụ lí đơn khởi kiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Nếu người khởi kiện không được miễn nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm thì Tòa án thụ lí khi đương sự xuất trình biên lai đóng tiền tạm ứng án phí sơ thẩm. Nếu người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm thì Tòa án thụ lí khi họ nộp đơn và nộp đầy đủ các giấy tờ kèm theo đơn khởi kiện.
Sau khi thụ lí, Tòa án tiến hành chuẩn bị xét xử sơ thẩm (đối với các tranh chấp dân sự hay hôn nhân và gia đình, thời hạn quy định là 04 tháng; đối với các tranh chấp kinh doanh, thương mại và lao động, thời hạn quy định là 02 tháng). Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải giữa các bên tranh chấp (trừ trường hợp vụ tranh chấp bị cấm hòa giải theo quy định tại Điều 206, 207 BLTTDS 2015). Nếu hòa giải thành thì không phải đưa vụ án ra xét xử, nếu hòa giải không thành thì sẽ mở phiên tòa sơ thẩm để xét xử.
Khi mở phiên tòa sơ thẩm, các hoạt động tố tụng tại phiên tòa sẽ được thực hiện bởi Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân, trường hợp vụ án phức tạp sẽ được thực hiện bởi một hội đồng gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân. Phiên tòa được mở công khai (trừ trường hợp xử kín vì liên quan đến bí mật nhà nước hoặc vụ án xử công khai sẽ có ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mĩ tục hoặc xử kín theo yêu cầu chính đáng của đương sự). Phiên tòa sơ thẩm sẽ được tiến hành qua các thủ tục cụ thể: Bắt đầu phiên tòa; Hỏi tại phiên tòa; Tranh luận tại phiên tòa; Nghị án; Tuyên án. Kết quả của phiên tòa sơ thẩm được tuyên bằng một bản án và đương sự có quyền kháng cáo, Viện Kiểm sát có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm.
1.2. Thủ tục sơ thẩm việc dân sự
Thủ tục sơ thẩm việc dân sự bắt đầu từ khi Tòa án thụ lí đơn yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Nếu người gửi đơn yêu cầu không được miễn nộp tiền tạm ứng lệ phí sơ thẩm thì Tòa án thụ lí khi đương sự xuất trình biên lai đóng tiền tạm ứng lệ phí sơ thẩm. Nếu người gửi đơn yêu cầu được miễn nộp tiền tạm ứng lệ phí sơ thẩm thì Tòa án thụ lí khi họ nộp đơn và nộp đầy đủ các giấy tờ kèm theo đơn yêu cầu.
Sau khi thụ lí, Tòa án tiến hành thủ tục chuẩn bị xét đơn yêu cầu theo quy định đối với từng việc dân sự cụ thể. Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án không áp dụng thủ tục hòa giải. Tòa án tiến hành mở phiên họp sơ thẩm do một hoặc ba Thẩm phán thực hiện nhằm giải quyết yêu cầu trong đơn của đương sự. Kết quả phiên họp sơ thẩm được tuyên bằng quyết định. Các đương sự có quyền kháng cáo và Viện Kiểm sát có quyền kháng nghị quyết định sơ thẩm việc dân sự để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét lại. Tuy nhiên, đối với quyết định thuận tình li hôn và quyết định thay đổi việc nuôi con sau khi li hôn thì không được kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực thi hành ngay sau khi Tòa án sơ thẩm ra quyết định.
2. Thủ tục phúc thẩm vụ việc dân sự
2.1. Thủ tục phúc thẩm vụ án dân sự
Thủ tục phúc thẩm vụ án được thực hiện do có kháng cáo hoặc kháng nghị theo quy định của pháp luật. Đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện có quyền làm đơn kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc dược niêm yết. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định. Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Nếu kháng cáo quá hạn luật định thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Hội đồng có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lí do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định. Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định cho người kháng cáo quá hạn và Toà án cấp sơ thẩm; nếu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm. Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện Kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa sơ thẩm thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện Kiểm sát cùng cấp nhận được bản án. Thời hạn kháng nghị của Viện Kiểm sát cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 7 ngày, của Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày Viện Kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.
Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án tiến hành chuẩn bị xét xử phúc thẩm trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày thụ lí vụ án. Khi kết thúc thời hạn này sẽ tổ chức Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán, tiến hành mở phiên tòa phúc thẩm để xét xử lại các nội dung Tòa án sơ thẩm đã xét xử mà bị kháng cáo, kháng nghị, nhằm mục đích thực hiện quyền thông qua hai cấp xét xử của đương sự và sửa chữa các sai lầm vi phạm của Tòa án sơ thẩm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong vụ án.
Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án, sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Những phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị cấp phúc thẩm không có quyền xét xử lại cho dù phần đó cấp sơ thẩm xử không đúng quy định của pháp luật.
Ví dụ: Ông A kí hợp đồng cho ông B thuê nhà, khi hết hạn hợp đồng ông B không trả nhà cho ông A và còn thiếu ông A số tiến thuê nhà là 30.000.000 đồng, ông A khởi kiện tại Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu Tòa án buộc ông B trả nhà và trả 30.000.000 đồng tiền thuê nhà còn thiếu. Tòa án cấp sơ thẩm thụ lí vụ án và giải quyết yêu cầu của ông A. Trong bản án sơ thẩm, Tòa án tuyên ông B không có nghĩa vụ trả nhà cho ông A và buộc ông B trả ông A 20.000.000 đồng tiền thuê nhà. Sau khi nhận được bản án sơ thẩm, ông B không kháng cáo, Viện Kiểm sát nhân dân không kháng nghị, chỉ có ông A kháng cáo yêu cầu Tòa án buộc ông B phải trả nhà. Trong trường hợp này, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xét xử lại nội dung ông B có phải trả nhà cho ông A hay không vì đây là nội dung bị kháng cáo, còn vấn đề tiền thuê nhà Tòa án cấp phúc thẩm không được xét xử lại vì không có trong yêu cầu kháng cáo của ông A.
Khi xem xét quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng phúc thẩm có quyền: Giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; Sửa quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm đổ tiếp tục giải quyết vụ án; Huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án; Đình chỉ xét xử phúc thẩm. Kết quả của phiên tòa phúc thẩm được thể hiện bằng bản án phúc thẩm. Bản án có hiệu lực thi hành ngay.
2.2. Thủ tục phúc thẩm việc dân sự
Thủ tục phúc thẩm việc dân sự được thực hiện do có kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật. Tòa án cấp trên trực tiếp tiến hành mở phiên họp phúc thẩm để xem xét yêu cầu của người kháng cáo, kháng nghị. Khi phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án cáp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng phúc thẩm không phải mở phiên tòa, không phải triệu tập các đương sự, trừ trường hợp cần phải nghe ý kiến của họ trước khi ra quyết định. Kiểm sát viên Viện Kiểm sát cùng cấp tham gia phiên họp phúc thẩm quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Khi xem xét quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng phúc thẩm có quyền: Giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; Sửa quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án.
Kết quả phiên họp phúc thẩm thể hiện bằng một quyết định. Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự có hiệu lực thi hành ngay.
3. Thủ tục tố tụng đặc biệt
Thủ tục tố tụng đặc biệt trong pháp luật tố tụng dân sự chỉ áp dụng để xem xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhằm sửa chữa sai lầm, vi phạm của Tòa án cấp dưới để bảo đảm tính hợp pháp và tính có căn cứ cho các bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự. Trong tố tụng dân sự, có ba thủ tục tố tụng đặc biệt như sau:
3.1. Thủ tục giám đốc thẩm
Giám đốc thẩm là việc Tòa án cấp trên xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Các vi phạm đó có thể là không áp dụng đúng các quy định của pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hoặc không áp dụng đúng pháp luật điều chỉnh quan hệ tranh chấp giữa các đương sự khi giải quyết quyền lợi, nghĩa vụ cho các bên tranh chấp.
Ví dụ: Ông A khởi kiện với ông B về quyền thừa kế căn nhà tại Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Sau khi thụ lí vụ án, Tòa án nhân dân Quận 1 không tiến hành hòa giải giữa các bên tranh chấp và tiến hành mở phiên tòa sơ thẩm xét xử. Trường hợp này, Tòa án đã không tuân thủ quy định của pháp luật là phải hòa giải trước khi mở phiên tòa sơ thẩm. Nếu bản án sơ thẩm của Tòa án Quận 1 không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và có hiệu lực thì có thể bị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.
Ví dụ 2: Anh A là con rể của ông B. Sau khi kết hôn với chị M (con gái ông B) anh A chung sống cùng gia đình ông B trong căn nhà thuộc sở hữu của ông B.
Do ông B chết không để lại di chúc nên anh A tranh chấp với các con của ông B về quyền thừa kế và đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết chia thừa kế. Tòa án thụ lí và áp dụng đúng quy định của pháp luật tố tụng. Bản án sơ thẩm tuyên anh A có quyền thừa kế và chia cho anh A một phần thừa kế trong căn nhà do ông B để lại. Nếu bản án này có hiệu lực pháp luật thì có thể bị kháng nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm vì Tòa án đã áp dụng sai quy định của pháp luật dân sự về lĩnh vực thừa kế. Bởi vì con rể không nằm trong hàng thừa kế thứ nhất nên không thể chia thừa kế cho anh A.
Giám đốc thẩm chỉ được áp dụng khi có kháng nghị của những cá nhân có thẩm quyền theo quy định như sau: chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cáp, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 03 năm tính từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp đương sự đã có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm trong năm đầu tiên của thời hạn kháng nghị và sau khi hết thời hạn kháng nghị quy định đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị; Hoặc trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó thì thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là 05 năm tính từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Hội đồng giám đốc thẩm xem xét lại phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị, đồng thời có quyền xem xét phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không bị kháng nghị hoặc không có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị, nếu phần quyết định đó xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người thứ ba không phải là đương sự trong vụ án.
Hội đồng giám đốc thẩm có các quyền sau đây: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Huỷ bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa; Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại; Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án; Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
3.2. Thủ tục tái thẩm
Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.
Thủ tục tái thẩm cũng chỉ được phép áp dụng khi có kháng nghị của các cá nhân có thẩm quyền tương tự như thủ tục giám đốc thẩm. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị.
Khác với thủ tục giám đốc thẩm là sửa chữa những sai lầm, vi phạm pháp luật do Tòa án gây ra trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, thủ tục tái thẩm sửa chữa sai lầm trong các bản án, quyết định đã có hiệu lực vì sự xuất hiện của một sự kiện có ý nghĩa là tình tiết mới. Sự kiện đó xuất hiện làm cho bản án quyết định của Tòa án đang đúng trở thành sai nên phải sửa lại cho phù hợp với quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các đương sự có liên quan.
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây: Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án; Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ; Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên có ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật; Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.
Hội đồng tái thẩm có các quyền sau đây: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do bộ luật này quy định; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án.
3.3. Thủ tục xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đương sự không biết được khi ra quyết định đó, nếu có yêu cầu của UBTV Quốc hội, kiến nghị của ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định đó. Trường hợp có yêu cầu của UBTV Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trường hợp có kiến nghị của ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát hiện vi phạm, tình tiết mới thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét kiến nghị, đề nghị đó.
Trường hợp nhất trí với kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giao chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định. Trường hợp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không nhất trí với kiến nghị, đề nghị thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lí do cho những chủ thể có yêu cầu.
4. Thủ tục rút gọn
4.1. Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn
Thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định của BLTTDS 2015, với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật.
4.2. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn
Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây: Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; Tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ dể giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lí tài sản.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới sau đây làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường: Phát sinh tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất do đó cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định; Cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá; Cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập; Phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp.
Trường hợp chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.
-----------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Pháp luật tố tụng dân sự (Các thủ tục tố tụng) về thủ tục tố tụng đặc biệt, thủ tục phúc thẩm vụ việc dân sự và thủ tục sơ thẩm vụ việc dân sự...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Pháp luật tố tụng dân sự (Các thủ tục tố tụng). Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.