Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Pháp luật thương mại

Pháp luật thương mại được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Các vấn đề chung về luật thương mại

1.1. Thương nhân và hoạt động thương mại

Thương nhân

Thương nhân theo nghĩa gốc là người làm nghề buôn bán. Làm nghề buôn bán vốn đồng nghĩa với làm nghề thương mại. Nhưng làm nghề thương mại ngày nay được hiểu rộng hơn, bao gồm làm tất cả các nghề nhằm mục đích sinh lợi. Vì vậy, thương nhân cũng được hiểu rộng hơn, bao gồm tất cả những người làm các nghề như vậy. “Người” ở đây không chỉ là cá nhân, mà còn bao gồm các loại tổ chức kinh tế.

Do đó, pháp luật thương mại Việt Nam quy định:

Cụ thể, ở Việt Nam có các hình thức thương nhân sau đây: (i) Hộ kinh doanh; (ii) Doanh nghiệp tư nhân; (iii) Công ty TNHH một thành viên; (iv) Công ty TNHH từ 02 - 50 thành viên; (v) Công ty cổ phần; (vi) Công ty hợp danh; (vii) Hợp tác xã; (viii) Liên hiệp hợp tác xã.

Nhưng ở Việt Nam, cũng có một số ngành nghề mặc dù sinh lợi cho xã hội, nhưng không được xem là nghề thương mại, vì vậy cá nhân hay tổ chức làm các nghề đó không được coi là thương nhân.

Ví dụ: Nghề bác sĩ, nghề dược sĩ, nghề luật sư, nghề công chứng, nghề thừa phát lại... Người làm các nghề này không đăng kí kinh doanh tại cơ quan đăng kí kinh doanh, mà đăng kí hoạt động tại cơ quan quản lí nhà nước chuyên ngành như Sở Y tế, Sở Tư pháp...

Ngày nay, giao lưu thương mại giữa các quốc gia được mở rộng, các rào cản thương mại được dỡ bỏ dần. Thương nhân nước ngoài cũng đến Việt Nam để buôn bán, kinh doanh. Khi buôn bán, kinh doanh ở Việt Nam họ cũng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nhưng để bảo hộ thương nhân Việt Nam, pháp luật Việt Nam vẫn duy trì một số hạn chế đối với thương nhân nước ngoài. Các hạn chế như vậy đều phải phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam, như cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Thương nhân nước ngoài có thể đến Việt Nam để mua bán với thương nhân Việt Nam, để thuận tiện cho việc đó, họ có thể lập văn phòng đại diện ở Việt Nam. Họ cũng có thể bỏ vốn đầu tư ở Việt Nam, bằng cách lập chi nhánh ở Việt Nam, hợp tác với thương nhân Việt Nam để lập nên doanh nghiệp liên doanh, hay bỏ vốn lập nên doanh nghiệp hoàn toàn thuộc sở hữu của họ. Ngoài ra, họ còn có thể hoạt động thương mại tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nữa.

Hoạt động thương mại

Hoạt động thương mại là khái niệm chỉ hoạt động của thương nhân nhằm thực hành các nghề thương mại của họ. Có thể kể đến các hoạt động thương mại chính như: (i) Mua bán hàng hóa; (ii) Cung ứng dịch vụ; (iii) Đầu tư; (iv) Xúc tiến thương mại. Ngoài ra, các hoạt động khác của thương nhân mà nhằm mục đích sinh lợi thì đều được xem là hoạt động thương mại (xem Điều 3 LTM năm 2005). Hoạt động nhằm mục đích sinh lợi không chỉ là các hoạt động nhằm tìm kiếm lợi nhuận, mà bao gồm cả các hoạt động cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích.

Ví dụ: Đó là các hoạt động nhằm tìm kiếm lợi nhuận như: mua sỉ để bán lẻ kiếm lời, vận chuyển hàng hóa để thu cước vận chuyển, bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện để bán cho các nhà chế tạo máy móc, quảng cáo một sản phẩm mới để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng... Bên cạnh đó, cũng có các hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích như: trồng cây xanh, dọn vệ sinh trên các đường phố của các công ty dịch vụ công ích của thành phố.

Hoạt động thương mại cũng không chỉ bao gồm các hoạt động trực tiếp theo đăng kí kinh doanh, mà còn bao gồm các hoạt động khác phục vụ, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả của các hoạt động theo đăng kí kinh doanh.

Ví dụ: Việc mua nguyên vật liệu để sản xuất, việc xây dựng nhà xưởng, hay mua sắm trang thiết bị, thuê xe đưa đón công nhân... cũng được xem là hoạt động thương mại.

1.2. Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại

Pháp luật thương mại đề ra các nguyên tắc mà khi tiến hành các hoạt động thương mại thương nhân đều phải tuân thủ, cụ thể như sau:

Nguyên tắc áp dụng pháp luật

Tất cả các hoạt động thương mại thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật Việt Nam. Trước hết, đó là LTM và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật này. Còn các hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì trước hết áp dụng quy định của luật khác đó. Nhưng nếu có các vấn đề pháp lí liên quan đến hoạt động thương mại mà không được quy định trong LTM và luật khác thì áp dụng quy định của BLDS về vấn đề pháp lí dó (khoản 1, Điều 1, Điều 4 LTM năm 2005).

Ví dụ: Hai thương nhân mua bán hàng hóa với nhau thì việc đó được điều chỉnh bởi LTM. Còn nếu một thương nhân mua lại một cao ốc trung tâm thương mại của một thương nhân khác để kinh doanh cho thuê thì việc này chịu sự điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản. Nhưng LTM và Luật Kinh doanh bất động sản đều không quy định về việc giao kết hợp đồng đối với các hợp đồng loại này, nên áp dụng quy định của BLDS về giao kết hợp đồng.

LTM cũng được áp dụng đối với hoạt động thương mại thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, khi các bên tham gia giao dịch thương mại thỏa thuận chọn áp dụng luật này hoặc luật nước ngoài, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng luật này (khoản 2, Điều 1 LTM năm 2005).

Ví dụ: Một thương nhân Việt Nam kí hợp đồng mua hạt điều với một thương nhân Campuchia tại Campuchia, giao hàng tại Campuchia. Nếu hai bên thỏa thuận áp dụng luật Việt Nam thì LTM Việt Nam được áp dụng đối với hợp đồng này.

Nhưng khi hoạt động thương mại, các thương nhân không chỉ giao dịch với nhau, mà trong nhiều trường hợp thương nhân còn giao dịch với bên không phải là thương nhân. Trong những trường hợp như vậy, giao dịch đó được coi là giao dịch dân sự và chịu sự điều chỉnh của BLDS. Nhưng nếu bên tham gia giao dịch không phải là thương nhân chọn áp dụng LTM thì LTM lại được áp dụng cho giao dịch đó (khoản 3, Điều 1 LTM năm 2005).

Ví dụ: Một trường đại học (không phải là thương nhân) kí hợp đồng với một công ty kinh doanh thiết bị tin học (là thương nhân) mua máy tính cá nhân để trang bị cho phòng học tin học. Đây là hợp đồng mua bán tài sản theo BLDS. Nhưng nếu trường đại học chọn áp dụng LTM thì hợp đồng này được coi là hợp đồng mua bán hàng hóa theo LTM và tuân theo quy định về mua bán hàng hoá của luật này.

Các nguyên tắc cơ bản khác

Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật (Điều 10 LTM năm 2005): Thương nhân thuộc thành phần kinh tế nào cũng được thực hiện các hoạt động thương mại với điều kiện như nhau, không phân biệt đối xử. Nhà nước chỉ duy trì độc quyền nhà nước đối với một số lĩnh vực nhằm đảm bảo an ninh, quốc phòng hay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội. Nhà nước cũng duy trì thương mại nhà nước trong hoạt động xuất, nhập khẩu một số mặt hàng thiết yếu đối với nền kinh tế hoặc nhằm đảm bảo an ninh văn hóa, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ví dụ: Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Nhà nước giao cho một số doanh nghiệp đặc quyền hoặc độc quyền xuất khẩu hoặc nhập khẩu một số mặt hàng như dầu thô, xăng, máy bay, phụ tùng máy bay và các phương tiện, thiết bị hàng không, băng đĩa hình, báo chí, thuốc lá, xì gà và các sản phẩm thuốc lá chế biến khác.

Nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận (Điều 11 LTM năm 2005): Các bên có quyền tự do thỏa thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mĩ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó. Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào. Nguyên tắc này thể hiện xuyên suốt LTM năm 2005. Theo đó, quy định cụ thể của luật chỉ được áp dụng nếu các bên không thỏa thuận hoặc không có thỏa thuận khác.

Ví dụ: Các quy định thể hiện nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận như:

“Trường hợp không có thỏa thuận cụ thể, bên bán có nghĩa vụ giao hàng và chứng từ liên quan theo quy định của luật này” (khoản 2, Điều 34 LTM năm 2005); "Bên bán phải chịu các chi phí về việc bảo hành, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” (khoản 2, Điều 49 LTM năm 2005).

Nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại được thiết lập giữa các bên (Điều 12 LTM năm 2015): Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, các bên được coi là mặc nhiên áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại đã được thiết lập giữa các bên đó mà các bên đã biết hoặc phải biết nhưng không được trái với quy định của pháp luật. Thói quen trong hoạt động thương mại là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng được hình thành và lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài giữa các bên, được các bên mặc nhiên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thương mại (khoản 3, Điều 3 LTM năm 2005).

Ví dụ: Thương nhân A thường xuyên bán hàng cho thương nhân B trong nhiều năm liền. Mỗi lần như vậy, A đều vận chuyển hàng đến nhà máy của B và giao hàng cho B tại đó. Như vậy, đã hình thành một thói quen thương mại giữa A và B, theo đó A giao hàng tại nhà máy của B. Nếu trong một lần mua bán hàng hóa nào đó mà A và B không thỏa thuận khác đi, thì mặc nhiên A phải giao hàng tại nhà máy của B.

Nguyên tắc áp dụng tập quán trong hoạt động thương mại (Điều 13 LTM năm 2005): Trường hợp pháp luật không có quy định, các bên không có thỏa thuận và không có thói quen đã được thiết lập giữa các bên thì áp dụng tập quán thương mại nhưng không được trái với những nguyên tắc quy định trong Luật này và trong BLDS. Tập quán thương mại là thói quen được thừa nhận rộng rãi trong hoạt động thương mại trên một vùng, miền hoặc một lĩnh vực thương mại, có nội dung rõ ràng được các bên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại (khoản 4, Điều 3 LTM năm 2005).

Ví dụ: Trong hoạt động môi giới thương mại đã hình thành tập quán. Theo đó, thương nhân môi giới được hưởng thù lao môi giới tính trên tỉ lệ phần trăm giá trị hợp đồng mà các bên được môi giới kí kết với nhau. Do LTM không quy định cách tính thù lao môi giới, nên nếu trong hợp đồng môi giới các bên không thỏa thuận về cách xác định mức thù lao môi giới, thì áp dụng tập quán tính thù lao môi giới theo tỉ lệ phần trăm giá trị hợp đồng được môi giới.

Nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng (Điều 14 LTM năm 2005): Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại có nghĩa vụ thông tin đầy đủ, trung thực cho người tiêu dùng về hàng hóa và dịch vụ mà mình kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đó. Thương nhân phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh.

Ví dụ: Để đảm bảo nguyên tắc này, pháp luật thương mại quy định hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (trừ một số ngoại lệ) phải ghi nhãn hàng hóa thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.

Nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lí của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại (Điều 15 LTM năm 2005): Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kĩ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lí tương đương văn bản. Như vậy, bên cạnh các phương thức giao dịch truyền thống, thương nhân có thể xác lập giao dịch thương mại và thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thông qua giao dịch điện tử.

Ví dụ: Thương nhân có thể thỏa thuận với nhau về việc giao kết hợp đồng bằng thư điện tử. Khi đó các trao đổi bằng thư điện tử giữa các bên về chào hàng, chấp nhận chào hàng có giá trị như các giao dịch bằng văn bản in trên giấy.

2. Các hoạt động thương mại chủ yếu

2.1. Hoạt động mua bán hàng hóa

Mua bán hàng hóa (MBHH) là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận (khoản 8, Điều 3 LTM năm 2005). Hàng hóa bao gồm (i) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; (ii) Những vật gắn liền với đất đai (khoản 2, Điều 3 LTM năm 2005). Như vậy, không phải mọi loại tài sản theo quy định của BLDS đều là hàng hóa theo LTM năm 2005.

Ví dụ: Giao dịch mua bán nhà xưởng (vật gắn liền với đất đai) giữa hai thương nhân là MBHH theo LTM. Nhưng giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai thương nhân lại không phải là MBHH, nên chỉ chịu sự điều chỉnh của Luật Đất đai và BLDS.

Khi mua bán hàng hóa, bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng chủng loại, chất lượng, số lượng, đóng gói, bao bì; đúng phương thức, thời hạn hoặc thời điểm, địa điểm và bảo hành hàng hóa theo thỏa thuận. Còn bên mua thì có nghĩa vụ nhận hàng, thanh toán tiền hàng theo thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận về một vấn đề nào đó thì áp dụng thói quen thương mại đã hình thành giữa các bên; nếu không có thỏa thuận mà cũng không có thói quen thương mại thì áp dụng quy định về vấn đề đó của LTM; nếu LTM cũng không quy định thì áp dụng tập quán thương mại.

MBHH có thể được thực hiện một cách trực tiếp giữa các bên mà không thông qua một thiết chế trung gian nào. Đây là phương thức mua bán truyền thống. Bên cạnh đó, MBHH còn có thể được thực hiện thông qua Sở giao dịch hàng hóa. Sở giao dịch hàng hóa là một thiết chế trung gian, có nhiệm vụ cung cấp các điều kiện vật chất - kĩ thuật cần thiết để giao dịch MBHH, điều hành hoạt động giao dịch cũng như niêm yết các mức giá cụ thể hình thành trên thị trường giao dịch tại từng thời điểm. Về nguyên tắc, mọi loại hàng hóa đều có thể được mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa, nhưng thông thường là nông, lâm, thủy sản, khoáng sản và các nguyên liệu sản xuất khác; mỗi Sở giao dịch hàng hóa được Bộ Công Thương cấp phép giao dịch mua bán một số loại hàng hóa nhất định. Các bên MBHH qua Sở giao dịch hàng hóa có thể sử dụng các công cụ giao dịch đặc thù, đó là hợp đồng kì hạn hay hợp đồng quyền chọn, để thực hiện việc MBHH.

Ví dụ: Thương nhân có nhu cầu mua, bán cà phê, cao su hay thép có thể mua hay bán các mặt hàng này thông qua Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (VNX) có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh. Việc mua qua Sở giao dịch hàng hóa có thể giúp thương nhân được giao hàng đúng thời hạn, đúng chất lượng, số lượng và với giá thị trường; việc bán hàng qua Sở giao dịch hàng hóa giúp bên bán được hàng theo giá thị trường, được thanh toán đúng hạn và đủ tiền.

2.2. Hoạt động cung ứng dịch vụ

Cung ứng dịch vụ (CƯDV) là hoạt động thương mại, theo đó một bên (bên CƯDV) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác (bên sử dụng dịch vụ) và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ thanh toán cho bên CƯDV và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận (khoản 9, Điều 3 LTM năm 2005).

Dịch vụ là việc thực hiện một công việc với tính chất nghề nghiệp theo yêu cầu của người khác để hưởng một khoản tiền công. Ngày nay, dịch vụ trở nên rất đa dạng. LTM năm 2005 quy định một số loại dịch vụ như cơ bản như: (i) Dịch vụ logistics; (ii) Dịch vụ quá cảnh hàng hóa; (iii) Dịch vụ giám định thương mại;

Dịch vụ đấu giá hàng hóa... Bên cạnh đó, LTM năm 2005 còn quy định một số hoạt động thương mại khác vừa có tính chất trung gian thương mại vừa có tính chất CƯDV như: (i) Đại diện cho thương nhân; (ii) Môi giới thương mại; (iii) Ủy thác MBHH; (iv) Đại lí thương mại.

Ví dụ: Các bên mua bán hàng hóa có thể thỏa thuận trước với nhau về việc yêu cầu Vinacontrol là thương nhân chuyên CƯDV giám định hàng hóa giám định phẩm chất, quy cách, tình trạng, số lượng, khối lượng, bao bì, kí mã hiệu khi tiến hành giao, nhận hàng hóa nhằm xác định được việc bên bán có hoàn thành nghĩa vụ giao hàng phù hợp với hợp đồng hay không. Kết quả giám định của Vinacontrol ràng buộc các bên, trừ phi một bên hoặc các bên không đồng ý với kết quả giám định và chứng minh được kết quả giám định của Vinacontrol là không khách quan, không trung thực hoặc sai về kĩ thuật, nghiệp vụ giám định. Vinacontrol được hưởng phí giám định cho công việc mà mình thực hiện.

Các quy định tại Chương III LTM (Điều 74 - 87) là các quy định chung về hoạt động CƯDV; bên cạnh đó còn có các quy định riêng cho từng loại dịch vụ khác nhau được quy định trong các chương khác của Luật này. Trường hợp các quy định về một hoạt động CƯDV cụ thể không quy định về một vấn đề pháp lí nào đó, thì áp dụng các quy định chung về CƯDV tại Chương III LTM về vấn đề pháp lí đó.

Còn có rất nhiều hoạt động CƯDV đặc thù được quy định trong các luật khác, trong trường hợp này các luật khác đó được áp dụng đối với các hoạt động CƯDV này.

Ví dụ: Dịch vụ bất động sản được quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản; dịch vụ bưu chính, viễn thông được quy định trong Luật Bưu chính, Luật Viễn thông; dịch vụ hàng không dân dụng được quy định trong Luật Hàng không dân dụng; dịch vụ vận tải hàng hải được quy định trong Bộ luật Hàng hải...

2.3. Hoạt động trung gian thương mại

Hoạt động trung gian thương mại là hoạt động của thương nhân để thực hiện các giao dịch thương mại cho một hoặc một số thương nhân được xác định, bao gồm hoạt động đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, ủy thác mua bán hàng hóa và đại lí thương mại (khoản 11, Điều 3 LTM năm 2005).

Trong đó, đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận ủy nhiệm (bên đại diện) của thương nhân khác (bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện (Điều 141 LTM năm 2005). Như vậy, phạm vi đại diện rất rộng, nhưng thông thường công việc đại diện chủ yếu là tìm kiếm khách hàng, đàm phán, soạn thảo hợp đồng để bên giao đại diện kí kết được hợp đồng với khách hàng. Thù lao đại diện thường được tính bằng tỉ lệ phần trăm giá trị hợp đồng mà bên giao đại diện kí kết được với khách hàng.

Còn môi giới thương mại là việc một thương nhân làm trung gian (thương nhân môi giới) cho bên được môi giới trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng MBHH, CƯDV với bên thứ ba và được hưởng thù lao môi giới từ bên được môi giới. Quyền hưởng thù lao môi giới của thương nhân môi giới chỉ phát sinh khi bên được môi giới đã kí được hợp đồng với bên thứ ba, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, bên được môi giới vẫn phải thanh toán các chi phí phát sinh hợp lí liên quan đến việc môi giới cho thương nhân môi giới, kể cả khi việc môi giới không thành công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Một hoạt động trung gian thương mại phổ biến khác là ủy thác MBHH. Ủy thác MBHH là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận ủy thác thực hiện việc MBHH với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thỏa thuận với bên ủy thác và được nhận thù lao ủy thác (Điều 155 LTM năm 2005). Khi thực hiện công việc được ủy thác, bên nhận ủy thác nhân danh chính mình nên phải tự chịu trách nhiệm với khách hàng. Thông thường, thù lao ủy thác được tính theo tỉ lệ phần trăm của giá trị hợp đồng MBHH.

Đại lí thương mại cũng là một hoạt động trung gian thương mại phổ biến. Theo đó, bên giao đại lí và bên đại lí thỏa thuận việc bên đại lí nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lí hoặc CƯDV của bên giao đại lí cho khách hàng để hưởng thù lao. Các bên có thể thỏa thuận các hình thức đại lí khác nhau như đại lí độc quyền, đại lí bao tiêu, tổng đại lí hay hình thức đại lí khác. Đại lí thương mại có thể giúp bên giao đại lí là nhà sản xuất hoặc là nhà buôn thiết lập được một mạng lưới tiêu thụ hoặc thu mua riêng, mà không cần tự bỏ vốn đầu tư, còn bên đại lí là thương nhân nước ngoài có thể sử dụng được sự hiểu biết của bên đại lí về thị trường trong nước. Bên đại lí được hưởng thù lao dưới dạng hoa hồng là tỉ lệ phần trăm doanh thu hoặc chênh lệch giữa giá bán, giá mua với khách hàng và giá giao cho đại lí.

2.4. Hoạt động thương mại chủ yếu khác

LTM năm 2005 còn quy định một số hoạt động thương mại khác như: (i) Gia công trong thương mại; (ii) Đấu giá hàng hóa; (iii) Đấu thầu hàng hóa, dịch vụ; (iv) Cho thuê hàng hóa; (v) Nhượng quyền thương mại.

Gia công trong thương mại: là việc một thương nhân (bên nhận gia công) sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của thương nhân khác (bên đặt gia công) để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao (Điều 178 LTM năm 2005).

Đấu giá hàng hóa: là việc thương nhân tự mình hoặc thương nhân tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thực hiện một thủ tục đấu giá công khai để chọn người mua trả giá cao nhất (Điều 185 LTM năm 2005).

Đấu thầu hàng hóa, dịch vụ: là việc một thương nhân mua hàng hóa, dịch vụ thông qua mời thầu (bên mời thầu) nhằm lựa chọn trong số các thương nhân tham gia đấu thầu (bên dự thầu) thương nhân đáp ứng tốt nhất các yêu cầu do mình đặt ra và được lựa chọn để kí kết và thực hiện hợp đồng (bên trúng thầu) (Điều 214 LTM năm 2005).

Cho thuê hàng hóa: là việc một thương nhân chuyển quyền chiếm hữu và sử dụng hàng hóa (bên cho thuê) cho bên khác (bên thuê) trong một thời hạn nhất định để nhận tiền cho thuê (Điều 269 LTM năm 2005). Như vậy, thương nhân cho thuê lấy việc cho thuê hàng hóa để kiếm lời. Còn thương nhân thuê thì có được hàng hóa phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình mà chỉ phải trả tiền thuê thay vì phải bỏ tiền ra mua.

Nhượng quyền thương mại: là một hoạt động thương mại khá mới mẻ, nhưng đã và đang phát triển nhanh chóng ở Việt Nam. Một thương nhân (bên nhượng quyền) khi đã xây dựng được một thương hiệu có uy tín có thể khai thác triệt để giá trị của thương hiệu đó bằng cách cho phép các thương nhân khác (bên nhận quyền) kinh doanh dưới thương hiệu của mình. Khi đó, bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc MBHH, CƯDV theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhân hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh. Với nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền có thể phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa, dịch vụ của mình một cách nhanh chóng và rộng khắp do các bên nhận nhượng quyền tự bỏ vốn và công sức ra đầu tư và trả các loại phí nhượng quyền cho bên nhượng quyền. Còn bên nhận quyền thì có được cơ hội kinh doanh với khả năng thành công cao nhờ vào uy tín của thương hiệu.

Ví dụ: Khi thương hiệu “Cà phê Trung Nguyên” trở nên nổi tiếng, Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên tiến hành nhượng quyền cho các thương nhân khác kinh doanh quán cà phê dưới thương hiệu này. Qua đó thương hiệu “Cà phê Trung Nguyên” càng trở nên nổi tiếng và chủ sở hữu thương hiệu càng thu được nhiều phí nhượng quyền cũng như tiền nhượng quyền tính theo tỉ lệ phần trăm doanh thu của quán, còn thương nhân nhận quyền có được cơ hội kinh doanh thành công nhờ vào uy tín của thương hiệu trong môi trường cạnh tranh rất gay gắt trong lĩnh vực này.

2.5. Hoạt động xúc tiến thương mại

Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và CƯDV, bao gồm: (i) Khuyến mại; (ii) Quảng cáo thương mại; (iii) Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ; (iv) Hội chợ, triển lãm thương mại (khoản 10, Điều 3 LTM năm 2005).

Khuyến mại: là hoạt động nhằm xúc tiến việc MBHH, CƯDV bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định. Thương nhân có thể thực hiện các hình thức khuyến mại khác nhau quy định tại Điều 92 LTM năm 2005. Các hình thức khuyến mại phải tuân thủ quy định về giá trị khuyến mại, thời gian khuyến mại, về thông tin tới khách hàng, cũng như thông báo hay đăng kí và báo cáo kết quả thực hiện với cơ quan quản lí nhà nước về thương mại.

Quảng cáo thương mại: là hoạt động giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của thương nhân (Điều 102 LTM năm 2005). Quảng cáo thương mại phải tuân thủ quy định của LTM và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như quy định của Luật Quảng cáo 2012. Trường hợp có sự khác nhau trong quy định của hai luật này về quảng cáo thương mại thì áp dụng quy định của Luật Quảng cáo 2012 theo nguyên tắc áp dụng quy định của luật ban hành sau.

Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ: là việc thương nhân dùng hàng hóa, dịch vụ và tài liệu về hàng hóa, dịch vụ để giới thiệu với khách hàng về hàng hóa, dịch vụ đó (Điều 117 LTM năm 2005).

Hội chợ, triển lãm thương mại: là việc trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ được thực hiện tập trung trong một thời gian và tại một địa điểm nhất định nhằm mục đích thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ (Điều 129 LTM năm 2005).

3. Chế tài trong thương mại

3.1. Khái quát

Chế tài trong thương mại là các biện pháp pháp lí mà LTM năm 2005 cho phép một bên hợp đồng áp dụng đối với bên kia của hợp đồng nhằm yêu cầu bên đó chịu trách nhiệm pháp lí cho hành vi vi phạm hợp đồng của mình. Tuy nhiên, bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm, nếu vi phạm đó xảy ra trong các trường hợp: (i) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận; (ii) Xảy ra sự kiện bất khả kháng; (iii) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; (iv) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng (khoản 1, Điều 294 LTM năm 2005). Để được miễn trách nhiệm, bên vi phạm hợp đồng phải chứng minh vi phạm xảy ra trong các trường hợp miễn trách nhiệm nêu trên (khoản 2, Điều 294 LTM năm 2005).

Ví dụ: Khi hết thời hạn giao hàng theo thỏa thuận hợp đồng mà bên bán không giao được hàng cho bên mua thì bên bán bị coi là vi phạm hợp đồng và phải chịu trách nhiệm. Nhưng bên bán được miễn trách nhiệm, nếu việc không giao được hàng đúng thời hạn là do lũ lụt bất ngờ cắt đứt tuyến đường vận chuyển hàng hóa duy nhất và điều này bên bán không lường trước được và không khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (xảy ra sự kiện bất khả kháng).

3.2. Các loại chế tài trong hoạt động thương mại

Trừ trường hợp miễn trách nhiệm, bên bị vi phạm hợp đồng có thể áp dụng các chế tài trong thương mại sau đây đối với bên vi phạm hợp đồng: (i) Buộc bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng (Điều 297, 299 LTM năm 2005); (ii) Yêu cầu bên vi phạm trả tiền phạt vi phạm nếu trong hợp đồng các bên có thỏa thuận về việc phạt vi phạm (Điều 300, 301 LTM năm 2005); (iii) Yêu cầu bên vi phạm bồi thường những thiệt hại thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm (Điều 302, 303 LTM năm 2005); (iv) Tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của mình (Điều 308, 309 LTM năm 2005); (v) Đình chỉ thực hiện hợp đồng (Điều 310, 311 LTM năm 2005); (vi) Huỷ một phần hoặc hủy toàn bộ hợp đồng (Điều 312, 314 LTM năm 2005). Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận các chế tài trong thương mại khác.

3.3. Thời hạn khiếu nại và thời hiệu khởi kiện

Khi một bên vi phạm hợp đồng mà bên bị vi phạm hợp đồng không khiếu nại trong thời hạn khiếu nại quy định tại Điều 318 LTM năm 2005 thì bên bị vi phạm mất quyền viện dẫn vi phạm hợp đồng của bên vi phạm. Trường hợp hết thời hạn khiếu nại mà bên bị vi phạm không khiếu nại thì Tòa án hoặc trọng tài sẽ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bên bị vi phạm do bên đó bị xem là đã chấp nhận vi phạm của bên vi phạm. Nhưng trong thời hạn khiếu nại, bên bị vi phạm có quyền khởi kiện bên vi phạm mà không cần phải khiếu nại trước.

Ví dụ: Bên bán giao hàng là thiết bị sản xuất. Khi đưa thiết bị vào vận hành sản xuất thì bên mua phát hiện thiết bị không đạt được công suất theo thỏa thuận hợp đồng. Trong trường hợp này, bên mua phải khiếu nại với bên bán trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày giao hàng; trong trường hợp hàng hóa có bảo hành thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày hết thời hạn bảo hành. Hết thời hạn này mà bên mua không khiếu nại thì coi như bên mua chấp nhận khiếm khuyết của hàng hóa; khi đó nếu bên mua khởi kiện bên bán yêu cầu trả lại hàng, lấy lại tiền hay giảm giá hay bồi thường thiệt hại thì đều không được Tòa án chấp nhận.

Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; riêng đối với tranh chấp về trách nhiệm đối với tổn thất hàng hóa phát sinh từ dịch vụ logistics có sự giao, nhận hàng hóa thì thời hiệu khởi kiện là 09 tháng kể từ giao hàng (Điều 319; điểm e, khoản 1, Điều 237 LTM năm 2005). Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà bên bị vi phạm hợp đồng được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp; nếu thời hạn đó kết thúc mà chưa khởi kiện thì mất quyền khởi kiện.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Pháp luật thương mại về các loại chế tài trong hoạt động thương mại, nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Pháp luật thương mại. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm