Top 7 Quy trình dạy một số phân môn trong môn Tiếng Việt

Quy trình dạy một số phân môn trong môn Tiếng Việt gồm 07 Quy trình dạy học các phân môn Tiếng Việt Tiểu học. Đây là tài liệu vô cùng hữu ích dành cho thầy cô bậc Tiểu học tham khảo, mời các thầy cô cùng tham khảo nội dung chi tiết dưới đây:

Quy trình dạy tiết Học vần lớp 1

Mỗi bài Học vần ở lớp 1 được thực hiện 2 tiết.

Tiết 1

1. Kiểm tra bài cũ: Học sinh đọc từ trên bảng con (do giáo viên chuẩn bị trước), đọc câu ứng dụng, viết bảng.

2. Bài mới: Giới thiệu 2 vần mới.(Ghi 2 vần sẽ học lên bảng)

- Giới thiệu vần thứ nhất:

+ Ghi vần, phân tích cấu tạo của vần, đánh vần, đọc trơn.

+ Hình thành tiếng: Chú ý GV ghi tiếng từ trái sang phải, không ghi vần trước.

Đọc tiếng, phân tích tiếng, đánh vần, đọc trơn.

+ Cài vần, tiếng.

+ Cung cấp từ mới: Quan sát tranh hoặc mẫu vật, nêu nội dung tranh (Bức tranh vẽ gì?), giới thiệu từ, đọc từ, tìm tiếng có vần vừa học.

+ Đọc lại vần, tiếng, từ (Đọc xuôi, ngược)

- Giới thiệu vần thứ hai (Tiến hành như vần thứ nhất)

- Đọc 2 vần, tiếng, từ.

- So sánh 2 vần vừa học:

- Viết bảng con: GV hướng dẫn, viết mẫu, học sinh viết.

- Nghỉ giữa tiết- GV ghi từ ứng dụng.

- Đọc từ ứng dụng: Tìm tiếng có vần vừa học, đánh vần, đọc trơn, giải nghĩa một số từ bằng tranh hoặc mẫu vật, hành động...

Tiết 2:

- Đọc bài trên bảng hoặc ở SGK .

- Đọc câu ứng dụng: Tranh, nêu nội dung tranh, giới thiệu câu ứng dụng (viết sẵn bảng phụ). Học sinh đọc nhẩm, tìm tiếng có vần vừa học, đọc cả câu. (Từ tiết 68 trở đi, học sinh có thể đọc ở sách giáo khoa. Nhưng nếu học sinh còn chậm thì ghi bảng để phân tích tiếng khó.)

- Viết vở (GV hướng dẫn).

- Nghỉ giữa tiết

- Luyện nói: Tranh luyện nói, đọc chủ đề luyện nói, GV hương dẫn học sinh nói.

3. Củng cố: Đọc toàn bài.

Lưu ý: Thực hiện theo Chuẩn kiến thức kĩ năng: Yêu cầu cần đạt đối với HS khà giỏi: Nhận biết nghĩa một số từ ngữ thông dụng qua tranh minh họa, luyện nói 4-5 câu xoay quanh chủ đề học tập qua các bức tranh trong SGK.(Đây là yêu cầu chung cho tất cả các bài học vần.)

Quy trình dạy tiết Tập đọc lớp 1

Tiết Tập đọc lớp 1

Từ tuần 25, lớp 1 có 3 bài Tập đọc. Trọng tâm của tiết dạy là đọc trơn từng chữ của cả bài. Từ tuần 27, hướng dẫn HS bước đầu biết ngắt nghỉ chỗ có dấu câu.

GV chuẩn bị sẵn bài tập đọc trên bảng

Bài cũ: Đọc bài đã học, trả lời câu hỏi.

Dạy bài mới:

2.1/ Giới thiệu bài (Có thể dùng tranh, hoặc đặt câu hỏi nên vấn đề)

2.2/Luyện đọc:

+ GV đọc : Lần 1: Đọc và chỉ từng chữ. Lần 2: Không chỉ từng chữ. Nêu nội dung bài đọc. (Có thể HD HS nêu cuối tiết học)

+ Đọc tiếng khó: Gạch dưới tiếng cần luyện, phân tích tiếng, GV đọc mẫu tiếng, từ, HS đọc cá nhân và đồng thanh. (Đọc tiếng, từ kết hợp giải nghĩa một số từ.)

+ Đọc nối tiếp câu.

+ Đọc nối tiếp đoạn. Từ tuàn 27, HD HS bước đầu biết ngắt nghỉ chỗ có dấu câu.

+ Đọc cả bài.

+ Đọc đồng thanh.

2.3/ Hướng dẫn làm bài tập 1-2 SGK

(HD học sinh nêu ý chính của bài.)

Học sinh khá giỏi tìm được tiếng, nói được câu có tiếng chứa vần cần ôn trong bài.

Với bài 2 tiết:

Tiết 1: Hướng dẫn HS luyện đọc và làm bài tập 1,2

Tiết 2: Luyện đọc, tìm hiểu bài và luyện nói.

a) Tổ chức cho HS luyện đọc cá nhân, nhóm, thi đọc.

b) Trả lời câu hỏi SGK.

c) Tập nói theo chủ điểm.

Quy trình dạy tiết Tập đọc - Kể chuyện lớp 3

Tập đọc- Kể chuyện là phân môn có vị trí quan trọng trong giáo dục tiểu học. Tập đọc góp phần rèn luyện các kĩ năng đọc (đọc thành tiếng, đọc thầm, đọc hiểu) cho học sinh. Nó giúp học sinh nắm bắt ý chính của đoạn, tập nhận xét về một số hình ảnh, nhân vật, chi tiết trong bài Tập đọc. Kể chuyện góp phần rèn luyện các kĩ năng nghe, nói của học sinh, rèn luyện các thao tác tư duy. Cả hai phân môn cùng có chung mục tiêu là phát triển lời nói và bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, nhân cách cho học sinh.

Khi dạy bài Tập đọc- Kể chuyện, chúng ta cần lưu mấy điểm sau:

a) Phân bố thời gian sao cho hợp lý. Nếu không quan tâm đến vấn đề phân bố thời gian, chúng ta sẽ thực hiện tùy tiện, dẫn đến tình trạng dạy tập đọc lấn hết thời gian dạy kể chuyện hoặc ngược lại, làm cho mục tiêu rèn kĩ năng của bài học không đảm bảo.

b) Khi dạy tập đọc trước, chúng ta cần giúp học sinh hiểu kĩ câu chuyện (đọc hiểu) để phục vụ tốt cho phần tập kể của các em. Mục tiêu kể chuyện của tuần 4 và tuần 22 có yêu cầu “Bước đầu biết cùng các bạn dựng lại từng đoạn câu chuyện theo lối phân vai” nên phần tập đọc cần chú ý rèn kĩ năng đọc phân vai giúp các em có điểm tựa đề rèn kĩ năng kể phân vai.

Quy trình và phân bố thời gian cho 2 tiết Tập đọc- Kể chuyện như sau:

Tiết 1: 35-40 phút

1/ Kiểm tra bài cũ: Có thể đọc bài tập đọc trước hoặc kể một đoạn trong câu chuyện đã học tuần trước.

2/ Dạy bài mới.

2.1/Giới thiệu bài.

2.2 /Luyện đọc: 18-20 phút

+ Giáo viên đọc diễn cảm toàn bài, nêu yêu cầu đọc toàn bài.

+ Đọc nối tiếp câu- rèn đọc từ khó

+ Đọc nối tiếp đoạn- rèn đọc câu dài, câu khó- giải nghĩa từ khó trong sách giáo khoa.

+ Đọc từng đoạn trong nhóm.

+ Đọc đồng thanh một đoạn hoặc cả bài (Đối với những bài thơ hoặc văn xuôi có giá trị nghệ thuật cao)

2.3 Hướng dẫn tìm hiểu bài: 12-15 phút

GV hướng dẫn học sinh đọc thành tiếng hoặc đọc thầm, đọc lướt để tìm hiểu nội dung của đoạn qua việc trả lời câu hỏi trong SGK.

Giáo viên nêu nội dung chính của bài.

Tiết 2 (35-40 phút)

2.4/ Luyện đọc lại (12-15 phút)

Giáo viên đọc diễn cảm từng đoạn hoặc cả bài. Nên đọc mẫu đoạn văn hội thoại, nhằm định hướng cách đọc cho học sinh.

- Giáo viên lưu ý học sinh về giọng điệu chung của đoạn hoặc bài, những câu cần chú ý. Đối với lớp 3, đọc diễn cảm chưa phải là yêu cầu bắt buộc nên tùy tình hình của lớp mà GV nêu yêu cầu cho phù hợp.

- Hướng dẫn đọc phân vai (Với bài tuần 4 và tuần 22)

- Thi đọc (cá nhân hoặc nhóm).

2.5/ Dạy kể chuyện (22-24 phút)

- Giúp học sinh nắm vững những yêu cầu của bài tập kể chuyện trong SGK. Những trường hợp cần thiết, GV có thể mời 1 hoặc 2 em làm mãu một phần của bài tập.

- Tổ chức học sinh thực hiện các yêu cầu của bài tập bằng nhiều hình thức thích hợp như:

+ Kể chuyện trong nhóm.

+ Kể chuyện trước lớp.

+ Thi kể chuyện tiếp sức.

+ Phân vai dựng lại câu chuyện.

Củng cố dặn dò:

Giáo viên nêu câu hỏi tìm hiểu, củng cố nội dung bài học.(GV không nên hỏi lại nội dung câu chuyện vì đã nêu ở phần tìm hiểu bài)

VD: Trong câu chuyện, em thích nhân vật nào? Vì sao?

Quy trình dạy tập viết lớp 2

Mục tiêu chung của tiết Tập viết lớp 2:

Viết chữ rõ ràng, liền mạch và tương đối đều nét; Học sinh khá giỏi viết đúng và đủ các dòng (tập viết ở lớp) trên trang vở Tập viết 2.

Chuẩn bị:

- GV: Chữ mẫu (Chữ hoa, từ, câu ứng dụng), kẻ sẵn khung chữ, các dòng kẻ để viết mẫu.

QUY TRÌNH TIẾT DẠY

A. Kiểm tra bài cũ:

- Viết chữ đã viết bài trước (bảng lớp, bảng con)- GV củng cố các nét, độ cao của con chữ.

- Nhắc lại cụm từ đã viết ứng dụng và viết lại chữ ứng dụng có chữ cái viết hoa.GV củng cố các nét, độ cao của con chữ và cách nối các nét trong chữ.

B. Dạy bài mới:

1/ Giới thiệu bài học: GV nêu chữ, từ, câu ứng dụng của bài viết; ghi tên bài lên bảng lớp. Học sinh đọc lại nội dung bài tập viết. (Giáo viên có thể giải nghĩa từ, câu ứng dụng trong phần này hoặc giải nghĩa khi bắt đầu viết từ, câu ứng dụng.)

2/ Hướng dẫn viết chữ cái viết hoa:

2.1/ Hướng dẫn HS quan sát và nhận xét chữ cái viết hoa .

a/ Phân tích chữ cái:

- GV gắn chữ mẫu lên bảng,

- Giới thiệu khung chữ và đặt câu hỏi HD nhận xét về cấu tạo của chữ mẫu.

GV gợi ý, đặt câu hỏi và thông qua chữ mẫu trên bảng, học sinh nhận biết để phân tích hình dáng, cấu tạo của chữ cần dạy. Có thể gợi ý cho học sinh: Chữ..... viết hoa cao mấy li, rộng mấy ô? Chữ... gồm mấy nét, đó là những nét gì? Các nét chữ đó như thế nào? Sự liên kết phối hợp giữa các nét ra sao? Điểm đặt bút, điểm dừng bút ở vị trí nào trên dòng kẻ?

GV dùng thước nhỏ chỉ dẫn cách viết trên chữ mẫu.

(Quan sát mẫu chữ, HS sẽ phát hiện được sự giống nhau và khác nhau giữa chữ đang học và chữ đã học, từ đó khắc sâu biểu tượng về chữ đang học. Nếu chữ đã học, có thể yêu cầu học sinh phân tích ngay.)

b/ Giáo viên viết mẫu:

Giáo viên giảng giải, minh họa cách viết như cách đưa ngòi bút thế nào, thứ tự viết nét ra sao. Cần chú ý phân tích các nét phụ.

Giáo viên viết mẫu phải viết chậm, đúng quy tắc, học sinh thấy được tay giáo viên đưa từng nét. Đối với chữ viết khó, GV cần phối hợp giảng giải về cách viết, có thể phân tích và viết mẫu trích đoạn nét chữ đó ra bảng phụ.

2.2/ Học sinh viết bảng:

+ Hướng dấn HS viết bóng

+ Học sinh luyện viết trên bảng lớp và bảng con theo từng chữ mà giáo viên yêu cầu (HS viết 2-3 lượt, không xóa)

+ Nhận xét nét chữ của HS: HS quan sát chữ mẫu, GV nêu câu hỏi để HS nhận xét chữ của mình, của bạn và tham gia sửa các nét viết sai. Khi sửa, GV không viết đè lên chữ của học sinh mà viết bên cạnh.

2.3/ Hướng dẫn viết câu ứng dụng:

a/ Giới thiệu từ, câu ứng dụng: Gọi 1-2 HS đọc từ hoặc câu ứng dụng. Giáo viên giải nghĩa hoặc gợi ý cho HS trả lời nghĩa của từ, câu ứng dụng.

b/ Hướng dẫn HS quan sát, nhận xét cách viết câu ứng dụng .

- GV chỉ dòng chữ trên bảng, gợi ý HS nhận biết độ cao các chữ cái, cách đặt dấu thanh, cách nối các chữ cái, khoảng cách giữa các tiếng trong từ, câu.

- Giáo viên viết mẫu trên dòng kẻ.(cở vừa, cở nhỏ). Lưu ý các nét phụ và dấu thanh (khi viết từ)

c/ Hướng dẫn học sinh viết tiếng có chữ viết hoa vào bảng con. (Viết 1-2 lượt, không xóa bảng). Sau mỗi lượt, GV nhận xét, uốn nắn.

2.4/ Hướng dẫn viết vào vở Tập viết:

- GV nêu yêu cầu viết: Viết từng dòng một.

- GV theo dõi, giúp đỡ HS yếu.

2.5/ Chấm, chữa bài: GV chấm một số bài tại lớp, nhận xét để cả lớp rút kinh nghiệm.

2.6/ Củng có, dặn dò:

Dặn HS tập viết phần luyện thêm ở vở Tập viết.

Quy trình dạy tiết chính tả

Lưu ý: Mục tiêu chung của tiết Chính tả sai không quá 5 lỗi trong bài. Tùy theo từng bài mà có mục tiêu cụ thể. Phần bài tập cần ghi rõ bài nào, không ghi “bài 2 hoặc 3, a hoặc b, hoặc do GV lựa chọn”.

Chuần bị của giáo viên: Có thể bảng phụ ghi bài viết (dùng để HD HS dò và chữa bài), bảng phụ ghi bài tập.

A/ Kiểm tra bài cũ: Viết lại một số từ HS viết sai bài trước.

B/ Dạy bài mới:

Giới thiệu bài: Nêu tên bài viết và bài tập cần làm.

Bài mới:

2.1/ HD HS chuẩn bị viết chính tả.

- Giáo viên hoặc học sinh đọc .

- HD HS nêu nội dung bài viết.

- Hướng dẫn HS nhận xét:

+ Nhận xét hiện tượng chính tả đoạn văn, thơ. (Nếu bài văn thơ có cách trình bày đặc biệt thì nhận xét khi bắt đầu viết bài).

+ Luyện viết chữ khó: HS tự tìm những chữ có thể viết sai, viết ra giấy nháp. Một số em đọc từ có thể sai, giáo viên chốt lại, HD cả lớp cùng viết các từ cần luyện (GV đọc cả câu, rút từ để luyện viết).

2.2/ Viết chính tả:

- GV đọc toàn bài.

- GV đọc cho HS viết: đọc cụm từ hoặc câu. (đọc 3 lần: nghe, viết, dò lại).

- GV đọc lại để HS dò bài.

2.3/ Chữa và chấm bài: (có 3 cách).

+ GV gắn bảng phụ ghi sẵn bài viết, GV đọc chậm từng câu, HS dò theo, GV lưu ý những chữ có thể sai. (Hoặc hs mở sách, nhìn sách để tự phát hiện lỗi; HS đổi vở, nhìn sách để phát hiện lỗi).

+ GV chấm một số bài; nhận xét chung.

2.4/ Bài tập:

Nếu bài tập điền âm, vần hoặc thanh thì GV đọc đầy đủ văn bản rồi HD HS làm. Sau khi làm xong cần gọi HS đọc lại. GV giúp HS hiểu nghĩa 1 số từ.

Củng cố dặn dò.

Luyện từ và câu

A. Kiểm tra bài cũ: Nêu ngắn gọn những điều đã học ở tiết trước hoặc kiểm tra các bài tập ở nhà.

B. Dạy bài mới:

1. Giới thiệu bài.

2. Hướng dẫn làm bài tập: GV tổ chức cho HS thực hiện trình tự từng bài tập trong SGK:

- Đọc và xác định yêu cầu của bài tập.

- HS giải một phần bài tập làm mẫu.

- HS làm bài tập theo hướng dẫn của GV.

3. Tổ chức trao đổi, nhận xét kết quả. Rút ra những điểm ghi nhớ về kiến thức.

4. Củng cố - dặn dò: Chốt lại những kiến thức và kĩ năng cần nắm vững ở bài luyện tập. Yêu cầu thực hành luyện tập ở nhà.

- Nhận xét tiết học.

Tập làm văn

A. Kiểm tra bài cũ. Học sinh làm lại bài ở tiết trước hoặc nhắc lại nội dung cần ghi nhớ về kiến thức, kĩ năng ở tiết trước.

B. Dạy bài mới:

1. Giới thiệu bài

2. Hướng dẫn học sinh thực hiện lần lượt các bài tập:

- Giúp học sinh nắm vững yêu cầu bài tập (bằng câu hỏi, bằng lời giải thích).

- Giúp học sinh làm mẫu một phần bài tập.

- Học sinh làm bài tập

- Tổ chức trao đổi, nhận xét kết quả, rút ra những điểm ghi nhớ về tri thức.

3. Củng cố, dặn dò: Chốt lại nội dung kiến thức và kĩ năng đã học, nêu yêu cầu hoạt động tiếp nối.

Ngoài Top 7 Quy trình dạy một số phân môn trong môn Tiếng Việt, các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm đề thi học kì 2 lớp 1 các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh theo thông tư 22 qua chuyên mục đề thi học kì 2 của chúng tôi. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu thêm tới các bạn học sinh tài liệu về Học vần lớp 1Giải bài tập Toán lớp 1 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải cùng các chuyên mục lớp 1 khác quan trọng như: Toán lớp 1, Tiếng Việt lớp 1, Tiếng Anh lớp 1, Đề kiểm tra cuối tuần Toán 1, Đề kiểm tra cuối tuần Tiếng Việt 1, Bài tập cuối tuần lớp 1, Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 1,....

Đánh giá bài viết
1 1.959
Sắp xếp theo

Mẹo dạy học hay

Xem thêm