Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết: Trong tay đã sẵn đồng tiền, Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì, em hãy chứng minh điều trên

Văn mẫu: Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết: Trong tay đã sẵn đồng tiền, Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì, em hãy chứng minh điều trên được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 10 hay dành cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết môn Ngữ văn 10 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

1. Dàn ý chứng minh ý nghĩa hai câu thơ Trong tay đã sẵn đồng tiền, Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì

1. Mở bài

Truyện Kiều của Nguyễn Du gần hai trăm năm qua luôn luôn là tác phẩm có sức lôi cuốn người đọc. Thúy Kiều - nhân vật chính trong tác phẩm này - là một con người tài sắc tuyệt vời đã bị đày đọa trong chốn thanh lâu trở thành một món hàng cho bọn buôn người vùi dập kiếm lời. Vì sao như thế? Một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến bị kịch ấy chính là do đồng tiền. Vì vậy, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết:

Trong tay đã sẵn đồng tiền

Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì

2. Thân bài

a. Giải thích ý nghĩa hai câu thơ:

- Đồng tiền là tiền bạc nói chung.

- Trắng và đen: Hai màu tương phản nhau chỉ phải và trái.

- Hai câu thơ này phản ánh một sự thật trong xã hội thời Kiều: Đồng tiền có sức mạnh to lớn có thể làm đảo ngược được công lí: phải thành trái, trái thành phải.

b. Chứng minh bằng các dẫn chứng lấy từ “Truyện Kiều”

- Chính đồng tiền đã khiến bọn sai nha lộng hành đánh đập cha và em Thúy Kiều, phá nát cuộc sống yên lành của gia đình nàng.

"Một ngày lạ thói sai nha

Làm cho khốc hại, chẳng qua vì tiền"

- Cũng chính đồng tiền đã đẩy Kiều vào con đường bất hạnh, con người tài sắc tuyệt vời phải trở thành một món hàng không hơn không kém mặc cho thiên hạ bán mua.

- Muốn chuộc tội cha và em thì phải có tiền:

"Tính bài lót đó luồn đây

Có ba trăm lạng việc này mới xuôi"

- Để đạt được mục đích này, chỉ có cách duy nhất là con người tài hoa lương thiện phải biến thành món hàng giữa chợ mặc tình kẻ bán người mua vùi dập: Mối rằng:

“Đáng giá nghìn vàng

Dớp nhà nhờ lượng người thương dám nài

Cò kè bớt một thêm hai

Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm"

- Đủ thấy sức mạnh của đồng tiền đúng là vô cùng to lớn thừa sức “đổi trắng thay đen” cả cuộc đời Kiều. Từ giây phút này, cô gái có nhan sắc, có tài năng và có nhân cách đã bị đẩy vào con đường bất hạnh dập dồn sóng gió khổ đau.

- Chính đồng tiền cũng đã giày xéo tan nát cả những tình cảm thiêng liêng cao đẹp nhất của con người:

* Mối tình đầu tươi đẹp giữa đôi trai tài gái sắc phải tan vỡ:

- Để cho để thiếp bán mình chuộc cha.

- Trăm nghìn gửi lại tình quân Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi

* Con người sở khanh cũng vì tiền mà để cáng tráo trở:

Có ba mười lạng trao tay

Không dừng chi có chuyện này trò kia!

- Đồng tiền cũng đã biến Kiều từ một cô gái thanh lâu nhơ nhuốc trở nên “hoàn lương” trong khoảnh khắc: Rõ ràng của dẫn tay trao Hoàn lương một thiếp thân vào cửa công.

- Hồ Tôn Hiến, quan tổng đốc trọng thần cũng hiểu rõ sức mạnh cảu đồng tiền nên đã dùng cách định bắt Kiều để thắng được Tứ Hải, bậc anh hùng “Dọc ngang nào biết trên đâu có ai”.

Lại nghiêng một lễ với nàng

Hai tên thể nữ ngọc vàng nghìn cân.

3. Kết bài:

Trong xã hội phong kiến suy tàn, một muỗng nói chung và trong xã hội Truyện Kiều nói riêng, đồng tiền có sức mạnh vạn năng: “Tiền lưng đã có việc gì chẳng xong”. Ai cũng thừa nhận đồng tiền là một chủ đề xuyên suốt tác phẩm bất hủ này. Truyện Kiều là một tiếng nói phản kháng có giá trị tố cáo sâu sắc đối với hiện thực xã hội phong kiến thế kỉ XIX. Ngày nay ít nhiều sức mạnh của đồng tiền vẫn còn tàn dư rơi rớt trong các tệ nạn hối lộ, tham nhũng mà xã hội đang tích cực bài trừ. Chúng ta phải có trách nhiệm tích cực vào công cuộc bài trừ ấy.

2. Nguyễn Du viết: Trong tay đã sẵn đồng tiền, Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì, em hãy chứng minh điều trên

Nhắc đến "Truyện Kiều” người ta nhớ đến câu chuyện về nàng Thúy Kiều tài hoa mà bạc mệnh, tượng trưng cho số phận của người phụ nữ và những kiếp người tài hoa nói chung trong xã hội cũ. Không chỉ có vậy, đây còn là bản cáo trạng đanh thép lên án tất cả những thế lực chà đạp lên con người. Đằng sau bọn quan lại, sai nha, Nguyễn Du đã thể hiện quan niệm của mình về thế lực đồng tiền, một thế lực vô hình nhưng có sức mạnh chi phối rất lớn. Quan niệm ấy không chỉ ám ảnh chúng ta trong xã hội phong kiến xưa mà còn mang đến cho con người nhiều trăn trở về đồng tiền trong xã hội ngày nay.

Cố nhiên, yêu thương con người thì phải chống lại những thế lực chà đạp lên con người. Mang lại bất hạnh cho Thúy Kiều không phải một vài con người cá biệt nào mà là cả một xã hội, từ kẻ đại diện cho xã hội ấy như bọn quan lớn, quan bé, gia đình quan lại, đến bọn thừa hành như đám nha lại, rồi những kẻ sống bằng nghề buôn bán nhan sắc phụ nữ... Tất cả đều vì một chữ Tiền. Trong xã hội ấy, đồng tiền đã thực sự trở thành một tai họa đối với con người:

"Một ngày lạ thói sai nha

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền"

Đồng tiền chi phối việc xử kiện của quan lại. Đó là khi ông quan xử kiện tuyên bố: “Phải ba trăm lạng việc này mới xong"; Đồng tiền đã biến những nho sĩ như Mã Giám Sinh, Sở Khanh thành những tên ma cô dắt gái, đã biến Thúc Sinh thành một kẻ ăn chơi trác táng... Đồng tiền có thể mua bán trinh tiết thiêng liêng của người phụ nữ và Thúy Kiều trở thành một món hàng để mặc cả:

“Cò kè bớt một thêm hai

Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”.

Sống trong một xã hội như vậy, kẻ bất lương thì tha hồ lộng hành, còn người tốt, lương thiện thì không có chỗ để tồn tại. Thúy Kiều bị dày vò đủ đường, người duy nhất dám bênh vực nàng chỉ có Từ Hải nhưng cái xã hội ấy lại coi Từ Hải là giặc và giết chết chàng bằng âm mưu xấu xa.

Có thể nói, mặc dù là một tri thức Hán học nhưng Nguyễn Du đã có cái nhìn rất thực tế về sức mạnh của đồng tiền và tác hại của nó khi người ta (nhất là các quan lại, viên chức chính quyền) không giữ được cái tâm trong sáng, không kiềm chế được ham muốn ích kỉ, cá nhân. Trong một xã hội bất công, Nguyễn Du đau xót nhận ra rằng:

"Trong tay có sẵn đồng tiền

Dễ dàng đổi trắng thay đen khó gì"

Đồng tiền có một sức mạnh ghê gớm, tác yêu tác quái và có thể thay đổi tất cả số phận các nhân vật trong truyện Kiều, đặc biệt là Thúy Kiều là một minh chứng tiêu biểu. Sức mạnh “đổi trắng thay đen" của đồng tiền khiến cho thằng bán tơ có thể vu oan giá họa cho gia đình Vương Ông, đẩy vào cảnh chia lìa, tan tác, đẩy Thúy Kiều vào cuộc đời mười lăm năm lưu lạc “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần". Đồng tiền làm con người ta mất hết đạo lí, tình người, “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền". Là một người trải qua biết bao gió bụi cuộc đời, trong một xã hội đầy bất công, Nguyễn Du hiểu sâu sắc sự chi phối của đồng tiền đối với cuộc sống của con người. Tất nhiên, quan niệm ấy nghe có phần tiêu cực nhưng nó lại hoàn toàn phù hợp với những ngang trái trong xã hội lúc bấy giờ. Bản thân đồng tiền không có lỗi, nó chỉ là một phương tiện để con người trao đổi, mua bán, vấn đề là ở chỗ con người sử dụng đồng tiền như thế nào, vào mục đích gì. Và những gì mà Nguyễn Du nhìn thấy là như thế đấy...

trên tay cầm tiềnGần ba thế kỉ trôi qua, câu chuyện về đồng tiền của Nguyễn Du vẫn còn nguyên giá trị và đặt ra cho chúng ta những vấn đề trăn trở trong cuộc sống hiện đại, vẫn đóng vai trò như từ khi được sinh ra, đồng tiền là một phương tiện quan trọng trong lưu thông hàng hóa. Đồng tiền tham gia vào quá trình phát triển của xã hội và cũng là minh chứng cho sự phát triển ấy. Đồng tiền giúp cho con người sống tốt hơn, đủ đầy hơn. Đồng tiền tương thân tương ái dành cho đồng loại của mình, những người kém may mắn hơn sẽ là một liều thuốc tinh thần động viên rất lớn, đòi khi có thể cứu vớt được cả một số phận. Đồng tiền đóng góp vào các công trình phúc lợi sẽ mang đến một cộng đồng văn minh, phát triển. Đồng tiền đầu tư cho thế hệ tương lai sẽ mang đến những mùa quả ngọt và một tương lai tươi sáng... Đồng tiền là không thể thiếu trong cuộc sống con người và khi được sử dụng một cách đúng cách, đúng mục đích nó sẽ phát huy tối đa sức mạnh của mình, mang đến những kết quả có ý nghĩa. Nhưng cuộc sống không hề đơn giản, con người không chỉ dừng lại ở những mặt tốt, ở lòng nhân ái và thương yêu, trong họ còn biết bao những dục vọng, và khi con người mải mê chạy theo dục vọng, ấy là lúc mặt trái của đồng tiền - như những gì Nguyễn Du đã từng thấy - xuất hiện. Hơn nữa, trong xã hội hiện đại, mặt trái của đồng tiền còn có những biểu hiện phức tạp hơn rất nhiều. “Ông quan ba trăm lạng" giờ đây hiện hình trong những ông quan tham ô hối lộ, bòn rút tiền công quỹ, tiền mồ hôi, nước mắt của nhân dân, những ông quan dùng tiền để mua danh, bán tước,… vừa trắng trợn lại vừa vô cùng tinh vi. Vẫn còn những kẻ sẵn sàng làm mọi việc vì đồng tiền, không màng đến lương tâm, nhân tính như thằng bán tơ, bọn sai nha, Mã Giám Sinh, Tú Bà... Tất cả đang ngày càng làm cho công bằng trong xã hội bị đe dọa. Đồng tiền đang làm cho nhân tính của con người xuống cấp nghiêm trọng. Đó là đối với những kẻ quá coi trọng đồng tiền mà bất chấp tất cả. Nghịch lý là bên cạnh đó lại có những người không hề biết quý trọng đồng tiền. Mỗi đồng tiền chân chính đều được làm ra từ những nhọc nhằn, từ mồ hôi, nước mắt và thậm chí có cả máu, vậy mà vẫn còn biết bao kẻ vung tiền như rác, còn biết bao những cậu “công tử Bạc Liêu” dùng tiền dễ đun bếp, và biết bao cậu ấm cô chiêu đốt tiền trong những thú chơi vô bồ thậm chí là tai hại... Họ có thể là những đứa trẻ được nuông chiều từ nhỏ, muốn gì được nấy nên không thấy được giọt mồ hôi của người lao động thấm trong từng đồng tiền. Họ không phải làm ra và cũng không biết quý trọng nó. Cũng có những người hiểu được giá trị đồng tiền nhưng lại bị những ham muốn của bản thân thống trị mà đua đòi ăn chơi trác táng. Và kết cục vẫn là những đồng tiền bị sử dụng một cách vô nghĩa. Đồng tiền không được quý trọng thì cũng chỉ là một thứ phương tiện xấu mà thôi.

Đồng tiền chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được sử dụng đúng mục đích. Mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ cần nhận thức sâu sắc điều này. Là những học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, mỗi chúng ta vẫn sống dựa vào sự chăm sóc của bố mẹ. chưa có khả năng tự làm ra kinh tế nuôi sống bản thân, cần ý thức được công sức của cha mẹ làm ra đồng tiền để chăm lo cho mình mà có kế hoạch trong chi tiêu. Chi tiêu tiết kiệm phù hợp trong từng hoàn cảnh cụ thể sẽ chứng tỏ bạn là một người biết tính toán, có trách nhiệm với chính bản thân cũng như gia đình và xã hội. Biết quý trọng đồng tiền để sau này có thể tự hào về những đồng tiền chân chính do mình làm ra. Xã hội ngày càng phát triển mang theo biết bao cám dỗ vật chất. Tiền là cần thiết, tiền là phương tiện để trao đổi, mua bán nhưng tiền không mua được mọi thứ. Không thể dùng tiền để đánh đổi lấy tình yêu thương, lấy lòng nhân ái, lấy lòng tự trọng và danh dự của một con người... Bởi vậy, điều quan trọng là cần phải rèn luyện cho mình một đời sống tinh thần trong sáng, vượt qua cám dỗ để sống có ý nghĩa hơn, sống người hơn.

Từ cách đây gần ba thế kỉ, Nguyễn Du đã trăn trở về một vấn đề lớn mà đến ngày nay nó vẫn còn nguyên ý nghĩa. Tùy theo từng thời đại mà đồng tiền có những giá trị và sự biểu hiện giá trị khác nhau nhưng đều gặp nhau ở một điểm là nó phụ thuộc vào quan niệm và cách ứng xử của con người với đồng tiền. Mong rằng mỗi người trong chúng ta đều ý thức được điều đó để những đồng tiền làm ra trên Trái Đất này đều là những "đồng tiền sạch”, những đồng tiền ý nghĩa và chân chính.

3. Trong tay đã sẵn đồng tiền, Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì, em hãy chứng minh điều trên mẫu 2

Cuộc sống con người vốn dĩ được xây đắp nên từ rất nhiều phương tiện sống, và tiền bạc là một trong các phương tiện đó. Ca dao, tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu bàn về đồng tiền

– Đồng tiền đi liền khúc ruột.

Và đến Truyện Kiều (Nguyễn Du), giá trị, sức mạnh của đồng tiền trong xã hội phong kiến được phản ánh đậm nét.

Trong Truyện Kiều, đồng tiền được Nguyễn Du nhìn nhận như là một trong các lực lượng bạo tàn đang tâm chà đạp lên số mệnh con người. Thực ra, không phải Nguyễn Du không nhắc đến giá trị tốt của đồng tiền. Có tiền Kiều mới cứu được cha và sau này báo ân cho những người nàng mang ơn. Có tiền Thúc Sinh, Từ Hải mới chuộc được Kiều khỏi chốn lầu xanh nhơ nhớp. Nhưng rõ ràng, tác giả Truyện Kiều vẫn chủ yếu soi chiếu cái nhìn của mình vào sức mạnh tác quái ghê gớm của đồng tiền. Hơn một lần, sức mạnh ấy đã được hiện thực hoá trong lời thơ của ông:

– Trong tay sẵn có đồng tiền,

Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì.

Và trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, đồng tiền mang một thứ ma lực, có sức sai khiến con người thực thi bao nhiêu hành động tội lỗi: Quan lại vì tiền mà bất chấp công lí; sai nha vì tiền mà tra tấn cha con Vương Ông; Sở Khanh vì tiền mà táng tận lương tâm; Khuyển Ưng vì tiền mà làm những điêu đại ác. Cả một xã hội chạy theo tiền. Dưới sức mạnh của đồng tiền, tài hoa, nhan sắc, tình nghĩa, nhân phẩm, công lí đều không còn có nghĩa gì trước thế lực của đồng tiền (Hoài Thanh). Viết về đồng tiền, Nguyễn Du không bao giờ ngợi ca mà trái lại, nhà thơ luôn tỏ ra hằn học, khinh bỉ.

Phải thấy rằng sức mạnh của đồng tiền trong xã hội Truyện Kiều luôn bị chi phối bởi người sử dụng nó. Nếu đông tiền rơi vào tay người tốt, nó sẽ làm những công việc tốt và ngược lại, khi do những kẻ xấu xa, đê tiện sử dụng, nó trở thành thế lực có sức tác quái gớm ghê. Như vậy, quan niệm của Nguyễn Du về đồng tiền trong thời đại mình là quan niệm hết sức biện chứng, đúng đắn.

Thời đại Nguyễn Du cách thời đại của chúng ta hai trăm năm có lẻ. Cho đến ngày nay, đồng tiền vẫn là phương tiện vật chất góp phần mang lại hạnh phúc cho con người. Coi tiền bạc là một phương tiện nên nhiều người đã dùng đồng tiền của mình vào những mục đích chính đáng như học tập, làm giàu một cách chân chính cho bản thân, gia đình, xã hội, đi tham quan, du lịch, làm từ thiện… Tiền bạc giúp cho cuộc sống đủ đầy, ấm cúng và hơn hết, nó góp phần mang lại sự thoải mái trong đời sống tinh thần của con người. Nhưng không thể phủ nhận rằng không ít người lại coi trọng đồng tiền quá mức. Nhiều người đẩy giá trị của nó lên đến mức tối thượng, cho rằng nó quý giá hơn cả những giá trị tinh thần, tình cảm Vậy nên, nhiều người vì tiền đã vứt bỏ hạnh phúc gia đình, tình yêu, lòng hiếu nghĩa… vứt bỏ đạo lí làm người. Có người lại khát khao giàu có đến mức biến mình thành nô lệ của đồng tiền. Họ lăn xả để kiếm tiền và bất chấp mọi thủ đoạn xấu xa, tàn ác như buôn bán ma tuý, giết người cướp của, tham ô, nhận hối lộ… để có tiên. Tất nhiên, mỗi người có quan niệm khác nhau về giá trị, sức mạnh của tiền bạc. Nhưng những kẻ quá coi trọng tiền bạc, sẵn sàng bán mình cho tiền bạc là những kẻ đáng bị phê phán, lên án, đáng bị trừng phạt.

Tôi cho rằng cuộc sống con người phải có sự hài hoà giữa các giá trị vật chất và tỉnh thân. Thực tế, cả hai đều rất quan trọng. Không có tiền bạc chúng ta không thể sống đủ đầy, no ấm chứ chưa nói đến việc sẻ chia khó khăn với những người khác. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng chỉ nên coi đồng tiền là một phương tiện trong muôn vàn phương tiện vật chất khác giúp chúng ta tổn tại và sống tốt hơn. Hãy cố gắng kiếm tiền bằng chính sức lao động của chính mình nhưng đừng bao giờ nghĩ rằng phải sống để kiếm thật nhiều tiền. Có quan niệm đúng đắn về đồng tiền, chúng ta sẽ sử dụng nó một cách hợp lí.

-------------------------------------

Trên đây VnDoc tổng hợp các dạng bài văn mẫu Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết: Trong tay đã sẵn đồng tiền, Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì, em hãy chứng minh điều trên cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn nhé. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 10 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 và biết cách soạn bài lớp 10 và các tác giả - tác phẩm Ngữ văn 10 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tài liệu chương trình giáo dục phổ thông mới:

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 10

    Xem thêm