Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Vẻ đẹp ngôn từ, nghệ thuật trong truyện Kiều của Nguyễn Du thông qua một số đoạn trích đã học

Vẻ đẹp ngôn từ nghệ thuật trong truyện Kiều của Nguyễn Du thông qua một số đoạn trích đã học là tài liệu tham khảo phân tích hay về nghệ thuật trong truyện Kiều dành cho các bạn tìm hiểu khi nghiên cứu tác phẩm, ôn thi cuối học kì 2 cũng như chuẩn bị luyện thi đại học môn Ngữ văn, ôn thi THPT môn Ngữ văn

Phân tích vẻ đẹp ngôn từ nghệ thuật trong truyện Kiều

Xưa nay, nghiên cứu ngôn từ nghệ thuật trong Truyện Kiều, người ta thường hay chú ý trước hết đế những chỗ dùng từ chính xác, từ hay, tinh tế thường được gọi là lối dùng từ đắt của Nguyễn Du, cũng như cách dùng hư từ, khối lượng từ đồng nghĩa, từ có phong cách khẩu ngữ, từ mang phong vị ca dao, thành ngữ, tục ngữ ..

Ví như hai từ đầy đặn, nở nang trong câu thơ “Khuôn trăng đầy đặn/ Nét ngài nở nang” khi tác giả dùng để miêu tả Thuý Vân. Hai từ đó không chỉ đơn thuần là miêu tả khuôn mặt tròn trịa, đầy đặn như mặt trăng đêm rằm của nàng Vân, cũng như cả cái nét ngài minh bạch, rõ ràng, uốn cong thanh tú của nàng mà đó còn là sự đầy đặn, mỹ mãn của số phận, của cuộc đời nàng. Hai chữ thua, nhường trong câu thơ “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da” dùng để chỉ thiên nhiên và cũng chính là tạo hoá sẽ chịu thua mái tóc mây, dài, xanh mượt, màu da trắng như tuyết để nhường bước cho nàng đi trên con đường bằng phẳng, không hề có chông gai.

Hay như chữ thông minh trong câu “Thông minh vốn sẵn tính trời” dùng để nhấn mạnh trí tuệ thiên bẩm của nàng Kiều mà nhiều người cho rằng đó là một nhãn tự nhờ cách nhà thơ đưa từ này lên đầu câu, nó không chỉ nhằm khắc hoạ một tính cách mà là cả một nhân cách. Kiều đẹp sắc sảo, mặn mà - Một vẻ đẹp vừa rực rỡ, vừa hấp dẫn, rất có hồn. Nhưng Kiều chiếm được cảm tình nơi bạn đọc không phải vì cái vẻ sắc nước hương trời, cùng tài năng hiếm có cuả nàng, mà chủ yếu là phẩm cách tuyệt vời và một trí tuệ hơn người. Trong tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhiều lần viết về tài hoa và trí tuệ theo kiểu ấy. Chẳng hạn như câu “Anh minh phát tiết ra ngoài” … Điều đó cho thấy ánh sáng trí tuệ chính là yếu tố nổi bật trong tài hoa của Thuý Kiều.

Còn như từ não trong câu “Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”. Ở đây, Nguyễn Du đã sử dụng từ não rất chính xác. Nội hàm ý nghĩa của từ này diễn đạt nỗi buồn đã có sẵn tự trong lòng. Nó không chỉ đơn thuần là sầu, buồn, là những từ diễn đạt nỗi buồn trên sắc diện con người mà là não (não lòng, não nuột). Âm thanh của từ ngữ này dường như xoáy sâu vào tâm can người đọc. Bởi lẽ, khúc nhạc tiêu tao của thiên bạc mệnh ấy đã từng khiến cho biết bao người rung cảm, sầu não theo từng khúc nhạc não nề. Nó đã từng khiến cho Kim Trọng nao nao lòng người, Thúc Sinh phải tan nát lòng và cho cả trái tim vô tình, sắt đá của quan Tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến cũng phải cảm thương mà rơi châu nhỏ lệ. Cung đàn bạc mệnh của Kiều đã trở thành một hình tượng nghệ thuật thể hiện tâm hồn đa sầu, đa cảm và số phận bi thương của Kiều là vì thế. Cả câu “Não người cữ gió tuần mưa” thì từ não cũng được dùng với ý nghĩa như vậy.

Nhiều người cho rằng, Nguyễn Du sử dụng từ ngữ rất đắt. Đắt vì nhiều khi chỉ một chữ thôi đã có thể lột tả được bản chất bên trong của con người. Đó là trường hợp câu thơ “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” mà nhà thơ dùng để khắc hoạ nhân vật Mã Giám Sinh lúc đến hỏi Kiều về làm vợ. Một kẻ đã ngoài tứ tuần mà Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao thì thật nực cười và kỳ cục đến không thể chấp nhận được. Bởi nhẵn nhụi là từ ngữ người ta thường dùng để chỉ độ trơn, bóng, láng của đồ vật, chứ không phải dùng để chỉ tính chất trang nhã, lịch sự của con người. Còn từ bảnh bao thường dùng để khen trẻ em có quần áo đẹp lại dùng cho Mã Giám Sinh thì lại có ý chế giễu, mỉa mai. Một kẻ đã nhiều tuổi nhưng lại cố ý tô vẻ, tỉa tót thì lại trở nên kệch cỡm, giả tạo và có phần trai lơ, đàng điếm.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
5
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Lớp 12

    Xem thêm