Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Xã hội hóa cá nhân

Xã hội hóa cá nhân được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Khái niệm xã hội hóa

1.1 Khái niệm và bản chất con người

Con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, đặc biệt là các khoa học xã hội và trong đó có xã hội học. Xét cho cùng thì xã hội loài người được hình thành từ những con người đơn lẻ. Các cá nhân liên kết lại với nhau tạo thành nhóm, cộng đồng xã hội, quốc gia, dân tộc. Tuy vậy, quan niệm về con người vẫn có nhiều chiều cạnh khác nhau:

  • Con người thần bí.
  • Con người bản năng, sinh học.
  • Con người là cái máy biết suy.
  • Quan điểm khoa học: Con người vừa là một thực thể tự nhiên vừa là một thực thể xã hội.
  • Quan điểm của xã hội học: Con người (cá nhân) với tư cách là những cá thể riêng biệt, độc lập, độc lập, hiện hữu đang hoạt động trong một khoảng thời gian và không gian xác định với những điều kiện hoàn cảnh cụ thể.

Quan niệm về bản chất con người:

  • Như đã nói ở trên, con người là đối tượng nghiên cứu của nhiêu lĩnh vực, vì vậy bản chất con người cũng được nhìn nhận ở nhiều góc độ:
    • Quan niệm Nho giáo cổ xưa cho rằng: Nhân chi sơ tính bổn thiện (con người mới sinh ra có bản chất là tốt). Tôn giáo cho bản chất con người vừa thiện vừa ác và tôn giáo sẽ giúp con người khắc chế cái ác, phát huy cái thiện. Quan điểm tiền định: Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Quan điểm hoàn cảnh thì cho rằng: Ở bầu thì tròn ở ống thì dài. Quan điểm giáo dục vạn năng: Bản chất con người hoàn toàn do kết quả giáo dục, Watson nhà xã hội học Mỹ từng nói: “Hãy giao cho tôi những đứa trẻ khỏe mạnh bình thường và cho phép tôi nuôi nấng dạy dỗ chúng theo cách riêng của mình thì bạn muốn chúng trở thành kỹ sư, bác sĩ, tổng thống hay là gì đi nữa, tôi cũng có thể làm cho chúng trở thành như vậy được”.
    • Quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất con người: “Bản chất con người không phải là cái gì trừu tượng, bản chất con người là sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội” (K.Marx).
    • Xã hội học quan niệm con người là đơn vị cơ bản cấu thành xã hội, là đơn vị nhỏ nhất của hệ thống xã hội, là sinh vật có tư duy sáng tạo. Con người tồn tại trong nhiều mối quan hệ xã hội, bằng hoạt động của mình con người đã tham gia vào các mối quan hệ xã hội, chịu tác động và tác động trở lại làm thay đổi, củng cố hay phát triển các mối quan hệ xã hội đó.

1.2 Khái niệm xã hội hóa

Khái niệm xã hội hóa lúc mới ra đời được hiểu ở trong phạm vi hẹp và cụ thể hơn so với bây giờ. Nếu như hiện nay thuật ngữ xã hội hóa được dùng với nghĩa rộng hơn để diễn tả ở một số lĩnh vực trong cuộc sống, là những vấn đề mà trước đó chỉ có một bộ phận xã hội quan tâm nhưng giờ đây nó đã được cả xã hội quan tâm chia sẻ. Đó là quá trình xã hội hóa về các vấn đề xã hội như giáo dục, y tế hay truyền thông... thì lúc đầu xã hội hóa là hướng đến cá nhân, nghĩa là dùng để chỉ quá trình thay đổi từ chỉnh thể sinh vật có bản chất xã hội đến một chỉnh thể khác là con người xã hội. Đây được gọi là quá trình xã hội hóa cá nhân.

Khi nói đến xã hội hóa cá nhân, có rất nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng chúng ta tạm chia thành hai quan niệm như sau:

  • Thứ nhất: Nói đến tính chủ động của cá nhân trong quá trình tích lũy, thu nhận kinh nghiệm xã hội. Các cá nhân gần như bị đóng khung với các khuôn mẫu (hệ giá trị, chuẩn mực xã hội hoặc các vai trò) có sẵn mà không né tránh được. Nó gần giống như chúng ta buộc phải mặc quân phục khi tham gia vào lực lượng vũ trang, cá nhân không có quyền lựa chọn.
  • Thứ hai: Trái ngược với tính bị động ở trên thì quan niệm thứ hai hướng tới khẳng định tính chủ động của cá nhân trong quá trình xã hội hóa, nghĩa là cá nhân không chỉ tiếp nhận kinh nghiệm xã hội mà còn có tính tích cực tham gia và sáng tạo ra các kinh nghiệm xã hội.

Thật ra không nên nhìn nhận như là sự khác biệt mà cần khẳng định rằng: Xã hội hóa là quá trình mà cá nhân có bị động và chủ động. Như vậy, bị động hay chủ động đều nằm trong một quá trình mà chúng ta gọi là quá trình xã hội hóa.

Một nhà xã hội học người Nga tên là G.Andreeva đã định nghĩa: “Xã hội hóa là quá trình hai mặt. Một mặt, cá nhân tiếp nhận kinh nghiệm xã hội bằng cách thâm nhập vào môi trường, hệ thống các quan hệ xã hội. Mặt khác, cá nhân tái sản xuất một cách chủ động hệ thống các mối quan hệ xã hội thông qua chính việc họ tham gia vào các hoạt động và thâm nhập vào các mối quan hệ xã hội”.

Xã hội hóa là quá trình cá nhân gia nhập, hòa nhập vào xã hội nói chung và những nhóm xã hội cụ thể, ngược lại xã hội cùng tiếp nhận cá nhân đó như một thành viên của mình. Như Fitcher một nhà xã hội học Mỹ đã viết: “Xã hội hóa là một quá trình tương tác giữa người này với người khác, kết quả là một sự chấp nhận những khuôn mẫu hành động và thích nghi với những khuôn mẫu hành động đó”. Một định nghĩa khác của các nhà xã hội học thuộc trường đại học Tennessee: “Xã hội hóa là một quá trình học hỏi để cho một con người động vật trở thành một con người xã hội”.

Từ những dẫn luận trên chúng ta có khái niệm mang tính tổng hợp sau: Xã hội hóa là quá trình mà qua đó cá nhân học hỏi, lĩnh hội nền văn hóa của xã hội như các khuôn mẫu xã hội. Quá trình mà nhờ đó cá nhân đạt được những đặc trưng xã hội của bản thân, học được cách suy nghĩ và ứng xử phù hợp với vai trò xã hội của mình, qua đó nhằm giúp cá nhân có thể hòa nhập vào xã hội chung hay một nhóm xã hội cụ thể nào đó.

2. Diễn tiến và nguyên tắc của quá trình xã hội hóa

2.1 Diễn tiến của quá trình xã hội hóa

  • Về mặt thời gian, quá trình xã hội hóa được xem như bắt đầu từ khi sinh ra cho đến khi chấm dứt sự sống.
  • Về nội dung, quá trình xã hội hóa chính là quá trình mà mỗi cá nhân học đóng các vai trò xã hội và diễn xuất chúng.
  • Về không gian thì quá trình xã hội hóa diễn ra trong gia đình, rồi tới nhà trường và sau đó là ngoài xã hội.
  • Về lượng thì quá trình này diễn ra từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ ít tới nhiều.
  • Về chất thì quá trình xã hội hóa đi từ bắt chước nguyên xi đến bắt chước có học hỏi, có chọn lọc và sáng tạo.

2.2 Các nguyên tắc của quá trình xã hội hóa

  • Nếu một cá nhân bị khiếm khuyết về mặt sinh học thì cần phải trải qua một quá trình xã hội hóa đặc biệt.
  • Nếu cá nhân không tham gia vào giai đoạn đầu của quá trình xã hội hóa thì phải thực hiện lại.
  • Nếu cá nhân bị đứt đoạn quá trình xã hội hóa thì phải thực hiện chương trình tái xã hội hóa hay tái hòa nhập.
  • Quá trình xã hội hóa bước đầu là phải làm cho cá nhân có khả năng hòa nhập vào trong các nhóm xã cụ thể và sau đó có khả năng vào trong xã hội chung.

3. Các môi trường xã hội hóa cơ bản

Môi trường xã hội hóa đó chính là nơi mà cá nhân thu nhận kinh nghiệm cũng như tái tạo nó, là nơi làm nền tảng giúp cá nhân hoàn thiện nhân cách của mình. Trong rất nhiều môi trường xã hội hóa thì những môi trường sau đây được xem như là những môi trường cơ bản nhất.

3.1. Môi trường gia đình

Gia đình là bối cảnh xã hội đầu tiên và quan trọng nhất đối với quá trình xã hội hóa, hầu hết với mọi cá nhân, gia đình là một thế giới xã hội, trẻ sinh ra và gần như cả giai đoạn đầu là sinh hoạt trong gia đình. Ngay cả khi trẻ đã nhập học thì việc đáp ứng nhu cầu của trẻ hầu như cũng thuộc về gia đình.

Kinh nghiệm xã hội của cá nhân ngày càng tăng lên nhờ những tương tác ở bên trong gia đình, là nơi hình thành nền tảng nhân cách của con người, mặc cho sau này đời sống của cá nhân đó có thay đổi nhiều thì nhân cách đó thường vẫn có độ ổn định cao. Gia đình không chỉ là nơi cho cá nhân cái ăn, cái trú ngụ, tình yêu thương mà còn là nơi thực hiện quá trình truyền dẫn văn hóa qua các giá trị và chuẩn mực xã hội cho các thành viên mới. Đây là một tiểu văn hóa, tiểu văn hóa này được xây dựng trên nền văn hóa chung của xã hội, song nó lại có những đặc thù riêng của từng tiểu văn hóa và vì thế nó cũng tạo nên những đặc điểm nhân cách riêng biệt cho từng cá nhân hoặc các cá nhân.

Nhìn chung những gì trẻ nhận được ở gia đình đều không phải chỉ có sự chủ đích mà còn có cả sự vô tình, bởi số giá trị hay vai trò phải nhận thì còn có những thứ trẻ tự quan sát và tự lĩnh hội. Cho dù là vô tình hay cố tình thì phần lớn những gì trẻ suy nghĩ và đặt ra những câu hỏi với bản thân hoặc thế giới xung quanh đều do môi trường gia đình. Sự quan tâm của người thân trong gia đình bằng việc tiếp xúc của cơ thể của ngôn ngữ có lời hoặc không lời sẽ khuyến khích sự phát triển của trẻ về cả thể chất lẫn trí tuệ.

Thông qua gia đình trẻ sẽ có những hiểu biết về thế giới rộng lớn xung quanh, thế giới tự nhiên và cả thế giới loài người. Với tầm quan trọng như vậy, đòi hỏi gia đình hay nói chính xác hơn là mọi thành viên trong gia đình phải ý thức được vai trò của mình đối với con trẻ. Bởi ở một giai đoạn nhất định nào đó trẻ giống như một tờ giấy trắng, như một máy chụp hình, máy thu âm kỹ thuật số, nghĩa là chúng ta nói gì, làm gì thì nó sẽ làm thế ấy hay nói cách khác những gì chúng chụp được, thu được xung quanh chúng sẽ phát ra nguyên xi như vậy. Rõ ràng lúc này trẻ sẽ không biết đến đúng sai, cái gì nên làm hay không nên làm hoặc được và không được, cứ như thế khi thấy người xung quanh làm hay nói thì chúng sẽ làm theo. Dĩ nhiên đến lúc nào đó trẻ sẽ nhận thức được phần nào về vai trò và giá trị, các chuẩn mực hành động trong xã hội gia đình hay xã hội rộng lớn bên ngoài. Song những gì ở phía trước cùng đã tạo nên nếp gấp trong tiềm thức của chúng hoặc có nhiều thứ thành thói quen của một giai đoạn thì có thể được lặp lại trong đời sống ở một tình huống xã hội nào đó.

Tóm lại, xã hội hóa ở môi trường gia đình có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với mỗi cá nhân, nhất là từ khi sinh ra cho đến khi qua tuổi dậy thì một ít (khoảng tuổi 15, 16), là giai đoạn chuẩn bị cho đứa trẻ vào đời từ xã hội nhỏ gia đình bước ra xã hội rộng lớn xung quanh. Vì vậy, nền tảng văn hóa chung của gia đình tốt sẽ là nền tảng tốt cho trẻ trong suốt quá trình xã hội hóa về sau.

3.2 Môi trường giáo dục ở nhà trường

Nhà trường là nơi cung cấp cho cá nhân trước tiên đó là những kỹ năng cơ bản như đọc, viết và số học. Sau đó sẽ là kỹ năng chuyên môn hay là kỹ năng nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong xã hội kém văn minh vấn đề này lại hoàn toàn khác, vì trường học chưa xuất hiện hoặc nếu có xuất hiện thì vai trò của nhà trường chưa rõ ràng. Như vậy, gia đình vẫn là môi trường chủ yếu cho quá trình xã hội hóa ở trẻ.

Trong xã hội tiến bộ, xã hội hiện đại hơn và đòi hỏi các cá nhân phải có sự hiểu biết sâu rộng, cũng như các kỹ năng chuyên môn cao hơn thì rõ ràng gia đình không thể đáp ứng được tất cả các đòi hỏi đó và vì vậy vai trò của các tổ chức xã hội chính thức sẽ là chính yếu, trong đó đặc biệt là trường học. Như đã nói ở trên nhiệm vụ xã hội hóa chủ yếu của trường học là truyền đạt kiến thức và kỹ năng chuyên môn.

Môi trường xã hội hóa này sẽ được bắt đầu từ vườn trẻ, nhà mẫu giáo khoảng 3, 4 tuổi và thường sẽ kết thúc ở bậc trung học hoặc cao hơn.

Môi trường xã hóa ở trường học nên chia làm hai giai đoạn, dĩ nhiên giai đoạn chỉ mang tính ước lệ. Giai đoạn đầu là giai đoạn nhà trường có nhiệm vụ cung cấp tri thức nền, như việc định hướng lựa chọn hành vi xã hội, các khuôn mẫu, chuẩn mực xã hội, như vậy một phần ở giai đoạn này gần giống với vai trò của gia đình. Nghĩa là những kiến thức này sẽ là nền tảng nhằm phục vụ cho việc thực hiện các vai trò xã hội sau này cá nhân đóng. Giai đoạn sau trung học, về cơ bản đây là giai đoạn mà nhiệm vụ của nhà trường là cung cấp cho cá nhân những kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp, những kỹ năng mà gia đình không thể cung cấp được như bác sĩ, luật sư, kiến trúc sư... Nhờ vào đó, mà cá nhân có khả năng theo kịp và hòa nhập thành công vào trong xã hội. Nói tóm lại, nhiệm vụ của nhà trường được tiến hành có tính tổ chức cao, tính qui phạm, nghĩa là được trù liệu và theo một kế hoạch chặt chẽ về cả nội dung lẫn hình thức trong hệ thống giáo dục của một quốc gia, một khu vực.

3.3 Những nhóm bạn bè

Sau gia đình thì nhóm bạn bè đóng vai trò xã hội hóa hết sức quan trọng đối với cá nhân, nhất là giai đoạn vị thành niên và lứa tuổi dậy thì. Nhóm bạn bè thường là cùng hàng xóm (nhất là trong xã hội kém văn minh), về sau có nhóm cùng học và nhóm hoạt động trong xã hội.

Nhóm bạn bè có sự khác biệt với gia đình và nhà trường ở chỗ là các thành viên trong nhóm thường có chỗ đứng trong thang bậc xã hội như nhau, nghĩa là giữa họ có quan hệ tương tác tương đối bình đẳng. Đặc biệt các cá nhân khi tham gia vào nhóm sẽ thực hiện nhiều hoạt động không có sự giám sát của gia đình và nhà trường, khi thoát khỏi sự áp đặt của bố mẹ và sự ràng buộc của nhà trường, nhờ vào đó các cá nhân có được sự độc lập đáng kể, như vậy sẽ tạo điều kiện cho cá nhân có được kinh nghiệm mà ngay ở trong gia đình và nhà trường không thể có được.

Một hình dung ban đầu về nhóm chúng ta dễ nhận thấy nhất đó là đảm nhận chức năng giải trí, song trong hoạt động thực tế thì nhóm bạn bè không chỉ dừng lại ở chức năng đó. Từ đây sẽ tạo ra một mô hình ứng xử riêng hay nói cách khác đó là một tiểu văn hóa với các giá trị, chuẩn mực khác so với gia đình và nhà trường hoặc văn hóa của người lớn. Điều này được thể hiện qua phong cách ăn mặc, kiểu tóc, xe cộ, sở thích âm nhạc... vì thế, cá nhân tìm cách tuân thủ các qui chuẩn của nhóm, nhằm đảm bảo rằng anh ta được chấp nhận hay ủng hộ.

Rõ ràng cá nhân luôn cố gắng thực hiện đúng những gì mà nhóm đã qui định chứ không phải anh ta cố gắng để nhóm theo các giá trị mà anh ta đặt ra (trừ những trường hợp đặc biệt). Điều này lý giải vì sao bố mẹ chúng ta luôn thể hiện sự quan tâm bằng cách cố gắng tìm hiểu xem bạn của chúng ta là ai? Mong muốn của họ là chúng ta có nhóm bạn chí ít cũng có cùng nền tảng giáo dục, với hy vọng con cái có sự phát triển tốt hơn, hoàn thiện hơn, điều này được thể hiện trong câu tục ngữ “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” mà cha ông ta đã đúc kết qua trải nghiệm của cuộc sống.

3.4 Truyền thông đại chúng

Nếu như trong xã hội kém phát triển, khi mà hệ thống truyền thông (kỹ thuật và công nghệ) chưa xuất hiện hoặc chưa phát triển thì trong các tác nhân của quá trình xã hội hóa sẽ không có truyền thông đại chúng. Tuy nhiên trong xã hội hiện đại, khi mà hệ thống truyền thông phát triển mạnh mẽ, với qui mô rộng lớn thì truyền thông đại chúng có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình xã hội hóa.

Truyền thông đại chúng là những thiết chế sử dụng những phát kiến kỹ thuật ngày càng tinh vi để phục vụ cho sự giao lưu tư tưởng, những mục đích thông tin, giải trí và thuyết phục tới đông đảo khán thính giả. Và những phát kiến kỹ thuật hiện nay đó là truyền hình, truyền thanh, báo chí và internet.

Hệ thống truyền thông đưa đến cho con người một lượng lớn thuộc đủ loại thông tin mà gia đình hay trường học không thể cung cấp được, do đó có tác động đến thái độ, hành vi của các cá nhân. Trong đó phải kể đến truyền hình, khi xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1938 ở Mỹ và sau đó không lâu nó nhanh chóng trở thành một phần trong cuộc sống của người Mỹ, đến những năm 70 của thế kỷ XX số lượng gia đình xem truyền hình đạt 98%. Cục thống kê của Mỹ năm 1987 đưa ra con số khá ấn tượng về thời lượng xem truyền hình trong các gia đình là 7 giờ đồng hồ mỗi ngày.

Ngày hôm nay không riêng gì người Mỹ mà nhiều quốc gia trên thế giới, việc tìm và nhận thông tin là nhu cầu tất yếu. Vì vậy, thông tin hay phương tiện thông tin đã, đang và sẽ trở thành một thứ hàng hóa đặc biệt, chính truyền thông đã cung cấp cho các cá nhân những định hướng và các quan điểm đối với các vấn đề trong cuộc sống, giúp con người mở rộng tầm nhìn, tăng tầm nhận thức, thỏa mãn các nhu cầu thẩm mỹ, giải trí và hơn hết cả là nhờ vào đó mà nhân loại chúng ta ngày càng xích lại gần nhau hơn (văn minh và quan hệ đa phương).

Bên cạnh những tác nhân đã nêu ở trên thì trong xã hội hiện đại chúng ta còn bắt gặp nhiều yếu tố khác ít nhiều cũng có tác động đến quá trình xã hội hóa của cá nhân như dư luận xã hội, các tổ chức tôn giáo, cơ quan nơi chúng ta tham gia lao động sản xuất hoặc các câu lạc bộ bóng đá, bơi lội và có thể có ở mọi nơi.

Tóm lại, khi nói đến môi trường xã hội hóa, chúng ta không nên nghĩ nó như một công việc được phân công, nghĩa là việc gia đình thì gia đình lo, việc nhà trường lo... nếu cho rằng như vậy thì sẽ là sai lầm lớn đối với tiến trình xã hội hóa, vì không có sự quan tâm đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội thì quá trình xã hội sẽ khó có thể đạt được kết quả như mong muốn.

Chúng ta hãy đọc bức thư sau, bức thư được xem là của Abraham Lincoln (1809 - 1865), Tổng thống Hoa Kỳ (1861 - 1865) gửi cho thầy hiệu trưởng nơi con trai mình theo học, được viết cách đây trên dưới 150 năm và đây là bài học sâu sắc về triết lý giáo dục, mà chúng ta cần noi theo.

Xin thầy hãy dạy cho con tôi!

(Trích thư của tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng nơi con trai ông theo học)

... Con tôi phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có một con người chính trực, cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm. Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cứ mỗi một kẻ thù ta gặp ở nơi này thì ở nơi khác ta lại thấy một người bạn.

Bài học này sẽ mất rất nhiều thời gian, tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng một đồng đô la kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quí giá hơn nhiều so với năm đô la ta nhặt được trên hè phố...

Xin dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cháu đừng bao giờ đố kỵ. Dạy cháu biết được rằng, những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ bị đánh bại nhất...

Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách... nhưng cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống, đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.

Ở trường xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi trượt còn vinh dự hơn gian lận trong kỳ thi. Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến của bản thân, dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn là sai lầm.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hòa nhã và cứng rắn với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người chỉ biết chạy theo thời thế.

Xin hãy dạy cho cháu biết phải lắng nghe mọi người, nhưng cũng xin thầy hãy dạy cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý để cháu chỉ đón nhận những gì tươi đẹp...

Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã.... Xin hãy dạy cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết cách chế giễu những kẻ hèn hạ, che dấu những người khốn khổ, mở cho những kẻ cùng quẫn lối thoát cuộc đời và cẩn trọng trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.

Xin hãy dạy cho cháu rằng bán cơ bắp và trí tuệ cho những người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình.

Xin hãy dạy cho cháu ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông đang gào thét... và đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng.

Xin hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve chiều chuộng bởi chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên được những thanh sắt cứng rắn. Hãy giúp cháu có can đảm biểu lộ sự thiếu kiên nhẫn và có đủ kiên nhẫn để biểu lộ sự can đảm...

Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân, và khi đó cháu sẽ luôn có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.

Đây quả là một yêu cầu quá lớn, tôi biết, thưa thầy, nhưng xin thầy cố gắng hết sức mình...Con trai tôi quả thật là một cậu bé tuyệt vời.

Abraham Lincoln

4. Các chu kỳ của quá trình xã hội hóa

Quá trình xã hội hóa bắt đầu khi nào? Và kết thúc khi nào? Đây là vấn đề đã được nhiều nhà khoa học quan tâm. Vì vậy, không có gì quá ngạc nhiên khi có khá nhiều quan điểm trái ngược nhau xuất hiện. Cụ thể một vài quan điểm cho rằng quá trình xã hội hóa bắt đầu khi đứa trẻ chào đời và kết thúc ở tuổi trưởng thành, ý kiến khác thì khi con người bắt đầu nhận thức được cho đến lúc mất khả năng ấy hay nghiêng về mặt hoàn thiện sinh lý mà Sigmund Freud nhà phân tâm học người Áo lại cho rằng quá trình xã hội hóa kết thúc khi con người trưởng thành về mặt tình dục (kết thúc giai đoạn dậy thì). Tuy nhiên, hiện nay người ta nghiên cứu và chỉ ra ràng quá trình xã hội hóa không chỉ chờ cho trẻ sinh ra mà cần phải được thực hiện khi còn là thai nhi, bắt đầu lúc thai nhi khoảng tháng thứ 6.

Còn quá trình xã hội hóa kết thúc khi nào? Như đã trình bày ở trên, rõ ràng việc chấm dứt quá trình này cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, quan điểm được đại đa số các nhà khoa học đồng thuận nhất hiện nay là một quá trình mang tính liên tục và kéo dài suốt cuộc đời của mỗi cá nhân.

Như vậy, quá trình xã hội hóa sẽ được chia làm nhiều chiều cạnh. Điều đó được thể hiện trên hai phương diện sau:

  • Thứ nhất, những nét khác biệt cơ bản giữa trẻ em và người lớn trong quá trình xã hội hóa:
    • Người lớn thường chủ động khi tiếp cận các giá trị, chuẩn mực, nghĩa là họ có khả năng đánh giá, phán xét trong khi đó trẻ em lại thụ động.
    • Người lớn có khả năng thay đổi các giá trị, chuẩn mực của mình trong tiến trình xã hội hóa, còn trẻ em sẽ tạo lập và thu nhận những giá trị, chuẩn mực ấy.
    • Quá trình xã hội hóa ở người lớn nhằm tạo lập những kỹ năng như của luật sư, bác sĩ, nhà khoa học... còn trẻ em hướng đến các động cơ hành động, nghĩa là được dạy dỗ để trở thành người lịch sự, người biết tuân theo các nguyên tắc xã hội.
  • Thứ hai, các giai đoạn của quá trình xã hội hóa:
    • Xung quanh vấn đề phân đoạn của quá trình xã hội hóa vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Sau đây là một vài quan điểm tiêu biểu của các phân đoạn:
    • Phân đoạn của George Herbert Mead, nhà xã hội học người Mỹ, ông cho rằng quá trình xã hội hóa trải qua ba giai đoạn:
      • Giai đoạn đầu, giai đoạn bắt chước. Ở giai đoạn này đứa trẻ sẽ sao chụp những gì nó thấy, nó nghe được từ những người xung quanh và nó sẽ làm hoặc nói lại tương tự như vậy. Tuy nhiên, chúng chưa thể hiểu được ý nghĩa của những lời nói và việc làm đó.
      • Giai đoạn thứ hai, giai đoạn đóng vai. Giai đoạn này đứa trẻ đã hình dung và hiểu được phần nào những hành vi và sự tương ứng của nó với các vai trò xã hội nhất định, chủ yếu là những vai trò nam trong phạm vi quan sát của trẻ như ở gia đình, trường học, nhóm trẻ... Nếu quan sát lúc trẻ chơi với búp bê ta sẽ thấy có những giọng nói hoặc cử chỉ của cha mẹ hoặc người thân khác được bé diễn lại và đồng thời diễn ra quá trình đổi vai.
      • Giai đoạn thứ ba, giai đoạn trò chơi. Đây là giai đoạn mà tầm hiểu biết của trẻ đã rộng hơn và vì vậy trẻ cũng hình dung được sự đòi hỏi của xã hội Ở mình là khác trước, trẻ không chỉ biết cho riêng mình hoặc một cá nhân nào đó mà phải còn phải hướng tới phạm vi rộng lớn hơn hay nói cách khác là của cả xã hội.
    • Phân đoạn của G.Andreeva (nhà xã hội người Nga), ông cũng phân ra ba giai đoạn, song trong mỗi giai đoạn lại có những đặc trưng riêng.
      • Giai đoạn đầu là giai đoạn trước lao động. Giai đoạn này được chia làm hai giai đoạn nhỏ: Giai đoạn trẻ thơ và giai đoạn thanh - thiếu niên.
        Giai đoạn trẻ thơ, giai đoạn này chủ yếu của trẻ là vui chơi, tập trung trong phạm vi gia đình và vườn trẻ, mẫu giáo.
        Giai đoạn thanh - thiếu niên. Giai đoạn này chủ yếu nằm trong nhà trường, là nơi mà cá nhân thu nhận được tri thức nền và kỹ năng nghề nghiệp, cũng như thiết lập các mối quan hệ xã hội.
      • Giai đoạn lao động. Là giai đoạn cá nhân tham gia chính thức vào hoạt động lao động (lao động trí óc và lao động chân tay) cho đến kết thúc quá trình này là khi nghỉ hưu. Cần hiểu rằng, đây còn là quá trình cá nhân thu nhận kinh nghiệm xã hội và tham gia sáng tạo chúng.
      • Giai đoạn sau lao động. Là giai đoạn mà cá nhân kết thúc quá trình lao động chính thức, nghĩa là về hưu. Hiện nay có hai quan điểm trái ngược nhau về giai đoạn này. Ý kiến thứ nhất cho rằng, xã hội hóa hoàn toàn không có ở giai đoạn này, như vậy theo quan điểm này thì chỉ có hai giai đoạn đầu. Đây là một hướng nhìn tiêu cực, vì đã không công nhận vai trò của người già trong cuộc sống khi kinh nghiệm xã hội của họ là cực kỳ quan trọng mà chúng ta có thể tận dụng (nhiều ngành khoa học nghiên cứu về người già như lão khoa, người cao tuổi trong xã hội học).

Ý kiến thứ hai nhìn nhận vai trò quan trọng của xã hội hóa ở giai đoạn này. Người già có khả năng tái tạo các kinh nghiệm xã hội, họ vẫn tiếp tục học hỏi, trau dồi để thích ứng với xã hội ngày càng phát triển và kinh nghiệm sống của họ là thứ mà thế hệ trẻ không thể có được, vì vậy việc họ truyền đạt những giá trị, kinh nghiệm cho thế hệ con cháu là điều không cần bàn cãi.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Xã hội hóa cá nhân về khái niệm và bản chất con người, khái niệm xã hội hóa, diễn tiến và nguyên tắc của quá trình xã hội hóa, các nguyên tắc của quá trình xã hội hóa...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Xã hội hóa cá nhân. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Xã hội học đại cương

    Xem thêm