Câu hỏi ôn thi môn Xã hội học đại cương - Chương 8
Bái tập môn Xã hội học đại cương - Chương 8 có đáp án
Câu hỏi ôn thi môn Xã hội học đại cương - Chương 8 có đáp án đi kèm. Hi vọng đây sẽ là nguồn kiến thức nền tảng giúp các bạn ôn tập và thi tốt trong các kì thi sắp tới. Chúc các bạn thành công!
Lưu ý: Nếu không tìm thấy nút Tải về bài viết này, bạn vui lòng kéo xuống cuối bài viết để tải về.
Câu 1: Nông thôn được hiểu như thế nào? Đặc trưng của nông thôn?
Nông thôn là một khu vực lãnh thổ cư trú chủ yếu của những người sản xuất nông nghiệp và những người làm nghề khác có liên quan đến sản xuất nông nghiệp.
Đặc trưng của nông thôn :
- Thứ nhất, nông thôn gắn với nghề lao động sản xuất xã hội truyền thống là lao động sản xuất nông nghiệp: Phương tiện sản xuất chủ yếu ở nông thôn là đất đai, số đông dân cư nông thôn sản xuất trên tài nguyên ấy chính là những người nông dân, những người đóng vai trò chủ thể trong nền sản xuất truyền thống của loài người - sản xuất nông nghiệp.
- Thứ hai, mật độ dân cư thấp và không đều: Tính chất đó thể hiện trong số liệu thống kê cuối năm 2007 thì Thái Bình được coi là tỉnh có mật độ dân cư nông thôn cao nhất là 1208 người/km2. Trong khi đó, mật độ dân số đô thị như của TP. Hà nội cùng thời điểm là 3568 người /km2; TP.Hồ Chí Minh là 3024 người/km2.
- Thứ ba là, kết cấu hạ tầng thấp kém. Nhìn chung cơ sở vật chất nông thôn đã đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của dân cư. Hệ thống điện đường trường trạm tại vùng sâu vùng xa vẫn còn thấp kém, ý thức bảo quản của người dân còn thấp....
- Thứ tư là nông nghiệp là cơ sở kinh tế chính của nông thôn, sản xuất nhỏ mang tính tự cung tự cấp và các hình thức như hợp tác xã, nông trại. Hiện nay, kinh tế phát triển, các tổ hợp, các xưởng công nghiệp nhỏ và tiểu chủ, tiểu thương đã hình thành và đang phát triển nhanh. Kinh tế nông thôn đang có xu hướng phát triển mạnh kinh tế hộ gia đình.
- Thứ năm, hệ thống chính trị nông thôn là hệ thống tự quản, chủ yếu là xóm làng, lệ làng với sự tham gia của các thành viên ở bộ máy lãnh đạo xã, ngoài ra còn các hoạt động khác như bầu cử hội họp.
- Thứ sáu, văn hóa nông thôn: Cơ sở chủ yếu là văn hoa dân gian, có tình truyền miệng. Đơn vị của văn hóa nông thôn là văn hóa làng xã. Đặc trưng của văn hóa nông thôn là các phong tục tập quán và các lễ hội riêng của mỗi làng, mỗi vùng.
- Lối sống nông thôn và con người nông thôn mang tính đặc trưng: Con người nông thôn chất phát, thật thà và tình cảm, quan hệ xóm làng sâu nặng, trên cơ sở huyết thống, dòng họ. Gia đình nông thôn là gia đình nhiều thế hệ, vai trò người đàn ông được đề cao.
Câu 2: Phân tích nội dung: Nghiên cứu của xã hội học nông thôn
Xã hội học nghiên cứu cơ cấu xã hội nông thôn
Cơ cấu xã hội là tổng thể các mối quan hệ xã hội tương đối bền vững, là cách thức tổ chức của xã hội và cho thấy tính tổ chức của nó trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Cơ cấu XH còn là toàn thể các mối liên hệ tương đối ổn định giữa các yếu tố trong hệ thống xã hội.
Nói đến cơ cấu XH nông thôn là đề cập đến cách thức tổ chức hệ thống xã hội nông thôn và hệ thống các địa vị, vai trò xã hội của các chủ thể hành động trong xã hội nông thôn là cư dân nông thôn.
- Thứ nhất là nghiên cứu cơ cấu giai cấp và phân tầng xã hội ở nông thôn
- Thứ hai là cơ cấu lao động nghề nghiệp ở nông thôn
Xã hội học nghiên cứu thiết chế xã hội ở nông thôn
- Thiết chế làng xã ở nông thôn
- Thiết chế pháp luật ở nông thôn
Xã hội học nghiên cứu về văn hóa nông thôn
Xã hội học nghiên cứu lối sống ở nông thôn
Câu 3: Anh (chị) hãy trình bày những đặc trưng cơ bản của nông thôn dưới góc độ xã hội học? Theo anh (chị), trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước hiện nay, những đặc trưng đó của nông thôn đang biến đổi như thế nào?
- Văn hoá là sản phẩm của con người hình thành trong một quá trình lịch sử và được tích luỹ qua nhiều thế hệ, mang tính lịch sử và tạo ra văn hoá một bề dày, một chiều sâu. Văn hoá nông thôn là toàn bộ di sản văn hoá mà con người tích luỹ và tạo dựng thành nền văn hoá chung trong cộng đồng nông thôn.
- Văn hoá nông thôn là tập hợp những chân lý, giá trị, chuẩn mực, mục tiêu mà mọi người trong xã hội nông thôn cùng nhau chia sẻ trong hoạt động hang ngày của họ.Cộng đồng nông thôn trong quá trình lao động sản xuất nông nghiệp và sinh sống đã hợp nhất với nhau tạo nên một bản sắc văn hoá mang tính thuần nhất mang đậm nét dân gian. Ngoài nền văn hoá Việt nam, tồn tại những nét văn hoá nhóm đặc sắc theo vùng miền như: Văn hoá Tây bắc, văn hoá Tây Nguyên, Văn hoá dân tộc Thái, Văn hoá dân tộc Tày vv...
- Trong đó, văn hóa vật thể (Văn hoá vật chất ) là những sản phẩm lao động người nông thôn tạo ra nhằm thoả mãn nhu cầu văn hoá của họ. Thể hiện là Đình, đền, chùa, miếu, quy hoạch nhà cửa, điện đường trường trạm, thuỷ lợi, kênh mương, cống làng, điếm canh…. Đình- nơi hội họp của làng
- Văn hóa phi vật thể (Văn hoá tinh thần) đáp ứng nhu cầu văn hoá, hình thành khuôn mẫu để củng cố hành vi ứng xử, lối sống của các thành viên. Thể hiện là các phong tục tập quán, các loại hình nghệ thuật lễ hội của từng địa phương… Phong tục tập quán nông thôn Việt nam vô cùng đa dạng và phong phú thể hiện ở nhiều lĩnh vực như ma chay, cưới hỏi
Câu 4: Văn hóa ở Nhông thôn chia thành mấy vùng? Liệt kê những vùng đó?
- Vùng VH Tây Bắc.
- Vùng VH Việt Bắc.
- Vùng VH châu thổ ĐB Bắc Bộ.
- Vùng VH Trung bộ.
- Vùng VH Tây Nguyên.
- Vùng VH ĐB Nam Bộ.
Câu 5: Phân tích khái niệm và đặc trưng cơ bản của đô thị để so sánh đô thị và nông thôn?
Đô thị là nơi quần cư của đa số dân cư hoạt động thương nghiệp, công nghiệp hoặc hành chính hay đô thị là vùng lãnh thổ mà cuộc sống của dân cư được tổ chức xung quanh hoạt động phi nông nghiệp.
Đặc trưng của đô thị :
- Thứ nhất: có số dân tương đối đông, mật độ dân số cao và không thuần nhất
- Thứ hai: Đa số dân cư hoạt động phi nông nghiệp
- Thứ ba: Cơ sở hạ tầng phát triển (hệ thống cấp thoát nước, bệnh viện trường học, đường giao thông)
- Thứ tư: Là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của một nước, giữ vai trò chủ đạo đối với các vùng nông thôn xung quanh và toàn xã hội nói chung.
- Thứ năm: là môi trường trực tiếp tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển xã hội và cá nhân.
Câu 6: Phân tích lịch sử hình thành và phát triển của đô thị?
Cuộc cách mạng đô thị lần thứ nhất
- Cách mạng đô thị lần thứ nhất diễn ra vào thời kỳ cuối của công xã nguyên thuỷ. Đô thị hình thành gắn với cuộc phân công lao động xã hội lớn lần thứ hai, khi thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp. Thủ công nghiệp trở thành một ngành sản xuất chính tồn tại bên cạnh ngành nông nghiệp. Trong xã hội nông nghiệp truyền thống xuất hiện những nơi tập trung thợ thủ công và các hoạt động sản xuất thủ công nghiệp, trao đổi, buôn bán trên những phạm vi không gian nhất định. Đó là những đô thị đầu tiên được hình thành và phát triển cho tới ngày nay.
- Đặc điểm của các đô thị thời kỳ này là số lượng đô thị còn ít; dân cư ở đô thị còn thưa thớt; đô thị chỉ thực hiện chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, buôn bán. Chưa phải là những trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội.
- Đô thị phát triển rất chừng mực trong các xã hội chiếm hữu nô lệ và phong kiến. Thành thị trong các xã hội này chủ yếu là những nơi tập trung thợ thủ công, và các đền đài,
Cuộc cách mạng đô thị lần thứ hai
- Cách mạng đô thị lần thứ hai bắt đầu từ giữa thế kỷ 18, là hệ quả tất yếu của quá trình công nghiệp hoá tư bản chủ nghĩa xuất phát từ Tây Âu (Anh, Pháp) lan dần khắp Châu Âu, sau đó là Bắc Mỹ. Từ thời kỳ này, quá trình đô thị hoá trở thành một hiện tượng xã hội nổi bật trong lịch sử phát triển của nhân loại. Sự phát triển đô thị gắn liền với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, với sự phát triển của nền sản xuất đại cơ khí. Nền công nghiệp quy mô lớn này đã đẩy nhanh quá trình đô thị hoá cùng với sự tích tụ dân cư, phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng.
- Đô thị do cuộc cách mạng này đem lại phát triển theo hai chiều: Chiều rộng và chiều sâu. Cuộc cách mạng đô thị lần hai bắt đầu bằng việc phát triển theo chiều rộng, từ giữa thế kỷ 18 cho đến những năm 50 của thế kỷ 20. Sự phát triển đô thị theo chiều rộng có dấu hiệu nổi bật là: số lượng đô thị mới ngày càng nhiều, tồn tại dưới nhiều hình thức như thành phố, thị xã, thị trấn, đồng thời số lượng dân cư cũng ngày càng tập trung đông đúc vào các đô thị. Sự phát triển đô thị theo chiều rộng đạt đến một mức độ nhất định thì sẽ chuyển sự phát triển đô thị sang chiều sâu.
- Sự phát triển đô thị theo chiều sâu bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ 20 cho đến nay. Đô thị phát triển theo chiều sâu, gắn liền với việc nâng cao vai trò của đô thị, cải thiện điều kiện sống của người dân đô thị và sự mở rộng ảnh hưởng của lối sống đô thị. Sự phát triển đô thị theo chiều sâu được tiến hành khi sự phát triển theo chiều rộng đã làm nảy sinh những vấn đề xã hội cần phải giải quyết như nạn ô nhiễm môi trường, sự khan hiếm nhà ở, thất nghiệp, tệ nạn xã hội... Phát triển đô thị theo chiều sâu nhằm tìm lối ra cho những vấn đề trên và cải thiện điều kiện sống của dân cư đô thị, quy hoạch phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Cuộc cách mạng đô thị lần thứ ba
- Cách mạng đô thị lần thứ ba diễn ra ở các nước thuộc thế giới thứ ba, trong các nước này hiện nay tỷ lệ dân đô thị chiếm khoảng 30% trong toàn bộ dân cư.
- Đặc điểm cơ bản của cuộc cách mạng đô thị lần thứ ba này là quá trình đô thị hoá diễn ra với tốc độ nhanh, phạm vi rộng (trên 100 nước); sự tích tụ và gia tăng dân số quá nhanh, trong khi sự phát triển của không gian vật chất hình thể (cơ sở hạ tầng) không tương xứng với sự gia tăng dân số đô thị làm nảy sinh hiện tượng đô thị hoá quá tải. Đây chính là nguyên nhân của một loạt các hiện tượng xã hội như nạn khan hiếm nhà ở, sự phân hoá giàu nghèo, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường.
- Hiện nay, nhiều thành phố lớn trên thế giới (thành phố trên 10 triệu dân) đều thuộc về các nước thứ ba như Thượng Hải, Bombay, Cancuta, Rio de Janneiro...Năm 1960 có 19 thành phố trên 4 triệu dân trong đó có 9 thành phố ở các nước thế giới thứ ba, Năm 2000 có 50 thành phố như vậy và cũng có 35 thành phố ở các nước thế giới thứ ba. Dự báo đến năm 2025 sẽ có 114 trên tổng số 135 thành phố trên 4 triệu dân nằm tại các nước thế giới thứ ba.
- Sự gia tăng dân số trong các thành phố ở các nước thế giới thứ ba cũng nhanh hơn ở các nước phát triển. Từ 1950 đến 1980, các thành phố ở các nước đang phát triển có dân số tăng gấp 4 lần: từ 285 triệu (1950) lên 1, 13 tỉ ( 1985). Trong khi đó các thành phố ở các nước phát triển có dân số tăng gấp 2 lần: từ 450 triệu (1950) lên 840 triệu (1985). Tính trung bình từ 1920 đến 1980 dân cư đô thị ở các nước đang phát triển tăng 10 lần (từ 100 triệu lên 1 tỉ) (Báo cáo thường niên của FORD, 2005)
Câu 7: Đô thị hóa là gì? Đặc trưng của đô thị hóa?
Khái niệm đô thị hoá
- Hiểu theo nghĩa chung nhất: đô thị hoá là quá trình tập trung dân cư ngày càng đông vào đô thị và nâng cao vai trò của thành thị đối với sự phát triển xã hội.
- Đô thị hoá hiểu theo chiều rộng là sự phát triển của các thành phố với những dấu hiệu đặc trưng là sự tăng số lượng các thành phố và tăng dân cư thành thị.
- Đô thị hoá hiểu theo chiều sâu là một quá trình KT –XH gồm nhiều mặt mà dấu hiệu đặc trưng là tập trung, tăng cường và phân hoá các hoạt động của thành thị, các cơ cấu không gian mới của thành thị và sự nâng cao vai trò của đô thị, cải thiện đời sống của người dân đô thị cũng như phổ cập rộng rãi lối sống thành thị.
Đặc trưng của quá trình đô thị hoá
- Về kinh tế: bao gồm quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại hóa, trong đó có những thay đổi trong cơ cấu lao động và những thay đổi về tỉ lệ phát triển kinh tế theo ngành (tăng tỉ trọng của các ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm tỉ trọng của các ngành nông nghiệp trong cơ cấu và khối lượng GDP).
- Về xã hội: quá trình đô thị hóa bao gồm trong đó những biến đổi trong phương thức hay hình thức cư trú của nhân loại; những thay đổi lớn trong các quan hệ xã hội, các mô hình hành vi và ứng xử tương ứng với điều kiện sống công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa. Quá trình đô thị hóa làm tăng thêm sự đa dạng về xã hội và về văn hóa. Con người trong quá trình đô thị hóa ngày càng cơ động (dễ chuyển dịch theo vùng địa lý theo cơ cấu xã hội, theo địa điểm và tính chất lao động, và những điều kiện văn hoá sinh thái).
- Về dân số: Đô thị hoá có liên quan chặt chẽ với sự phân bố dân cư ngày càng tập trung trong các khu đô thị. Cơ cấu lứa tuổi, giới thay đổi nhiều, tỉ lệ sinh đẻ giảm thấp, số nhân khẩu bình quân trong gia đình giảm đi.
- Về sinh thái: trong quá trình đô thị hoá, môi trường có nhiều thay đổi trong phạm vi các thành phố và các vùng lân cận khiến cho cảnh quan thiên nhiên biến đổi nhanh chóng.
Xã hội học đô thị nghiên cứu quá trình đô thị hoá nêu rõ những ảnh hưởng tác động qua lại của các quá trình này tới các tổ chức, các cá nhân và các cộng đồng dân cư. Đồng thời chỉ ra xu hướng của quá trình đô thị hoá hiện nay: vai trò của khu vực dịch vụ và hoạt động nghiên cứu khoa học tăng lên.
Câu 8: Khái niệm về Gia đình? Chức năng của gia đình?
Gia đình là một nhóm xã hội được hình thành trên cơ sở quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống nảy sinh từ quan hệ hôn nhân đó, đồng thời, có thể có một số người được gia đình nuôi dưỡng tuy không có quan hệ máu mủ (quan hệ nhận nuôi con nuôi), cùng chung sống và các thành viên gắn bó với nhau về trách nhiệm và quyền lợi, giữa họ có những ràng buộc có tính pháp lý được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ
Chức năng của gia đình:
- Chức năng của gia đình là phương thức biểu hiện hoạt động sống của gia đình và các thành viên. Gia đình được sinh ra, tồn tại và phát triển với sứ mệnh đảm đương những chức năng đặc biệt mà tự nhiên và xã hội đã trao cho. Gia đình có những chức năng cơ bản sau:
- Chức năng tái sản xuất ra con người (tái sinh sản): nhằm thoả mãn nhu cầu tái sản xuất ra con người cho xã hội và thoả mãn nhu cầu có con, tạo niềm vui, hạnh phúc vợ chồng.
Trước đây, với quan niệm trời sinh voi sinh cỏ, sinh đẻ là việc riêng của từng gia đình và phó mặc cho khả năng sinh sản tự nhiên, vì thế, chất lượng cuộc sống không được đảm bảo. Hiện nay, cần phải thực hiện kế hoạch hoá gia đình nhằm hạn chế việc sinh đẻ ở mức vừa phải, cho phép (mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai con để nuôi dạy con cho tốt). Vì tái sản xuất ra con người không chỉ quan tâm tới số lượng mà còn chú ý tới chất lượng của thế hệ mai sau và thế hệ hiện tại (sức khoẻ của bà mẹ). - Chức năng giáo dục: là một chức năng quan trọng của gia đình mà xã hội (nhà trường, các tổ chức quần chúng…) không thể thay thế được. Gia đình giáo dục cho con cái những tri thức về cuộc sống, mong muốn con cái mình có những phẩm chất phù hợp với định hướng giá trị của xã hội ở từng giai đoạn phát triển nhất định.
- Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên nhằm hoàn thiện và củng cố nhân cách con người. Gia đình giúp trẻ nắm vững những vai trò xã hội, những chuẩn mực, giá trị theo sự đòi hỏi của xã hội để các cá nhân có thể phát triển một cách toàn diện. Tuy nhiên, việc giáo dục còn tuỳ thuộc vào từng gia đình, vào các vấn đề như hoàn cảnh kinh tế gia đình, trình độ học vấn của bố mẹ, địa bàn cư trú của gia đình, sự định hướng giá trị - nghề nghiệp của gia đình…
- Chức năng kinh tế: nhằm duy trì sự ổn định về đời sống vật chất cho các thành viên trong gia đình (sinh sống, ăn ở…). Tuỳ theo trình độ phát triển của xã hội, gia đình có thể trở thành đơn vị kinh tế cơ sở, nó hoạt động chủ động và tự chủ (như ở Việt Nam hiện nay) hoặc gia đình vẫn làm kinh tế, nhưng không hoạt động như một đơn vị độc lập, tự chủ. Dù trong điều kiện nào, gia đình cũng phải đảm bảo các nhu cầu sinh hoạt vật chất và tinh thần của các thành viên được thoả mãn, thong qua đó, gia đình đóng góp vào việc tái sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Đồng thời, gia đình trở thành một đơn vị tiêu dùng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của sản xuất và phân phối, giao lưu hàng hoá cho xã hội.
- Chức năng thoả mãn nhu cầu tình cảm, tâm lý của các thành viên trong gia đình: đây là chức năng góp phần củng cố độ bền vững của hôn nhân và gia đình. Bởi gia đình cần thoả mãn các nhu cầu tình cảm (kể cả sự hoà hợp về tình dục) giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái.
- Sau một ngày làm việc mệt nhọc, gia đình là nơi nghỉ ngơi. Tất cả mọi căng thẳng trong quan hệ ở nơi làm việc, va chạm ở ngoài đường, chính gia đình là nơi để họ bình tâm lại, giảm nhẹ sự căng thẳng đó. Nếu không được thoả mãn các nhu cầu tình cảm, các thành viên dễ xích mích, căng thẳng với nhau, nhiều khi dẫn tới xung đột.
- Chức năng chăm sóc người già và trẻ em: mặc dù các dịch vụ xã hội về y tế có phát triển thì chức năng này vẫn rất cần thiết cho cuộc sống của các thành viên trong gia đình. Bởi vì, đây không phải chỉ là vấn đề chữa bệnh mà còn là việc chăm sóc, an ủi kịp thời về mặt tâm lý, tình cảm đối với người ốm đau bệnh tật.
------------------------
Ngoài Câu hỏi ôn thi môn Xã hội học đại cương - Chương 8, mời các bạn cùng tham khảo thêm các tài liệu Cao đăng - Đại học khác nhằm phục vụ tốt cho quá trình học tập và công tác.