Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Câu hỏi ôn thi môn Xã hội học đại cương - Chương 2

Bái tập môn Xã hội học đại cương - Chương 2 có đáp án

Câu hỏi ôn thi môn Xã hội học đại cương - Chương 2 có đáp án đi kèm. Hi vọng đây sẽ là nguồn kiến thức nền tảng giúp các bạn ôn tập và thi tốt trong các kì thi sắp tới. Chúc các bạn thành công!

Lưu ý: Nếu không tìm thấy nút Tải về bài viết này, bạn vui lòng kéo xuống cuối bài viết để tải về.

Câu 1: Cơ cấu xã hội học là gì? Liệt kê các phân hệ cơ cấu xã hội cơ bản?

Xã hội là một tổ chức phức tạp, thể hiện mối liên hệ của các cá nhân, các nhóm và các tổ chức xã hội. Người ta dùng khái niệm cơ cấu xã hội để chỉ cách thức tổ chức của một xã hội trong một giai đoạn nhất định của lịch sử.

Các phân hệ cơ cấu xã hội cơ bản:Xã hội có tính chất đa cơ cấu. Mỗi cơ cấu được xem như một bộ phận của cơ cấu xã hội nói chung. Trong đó, người ta thường nghiên cứu một số phân hệ của cơ cấu xã hội:

  • Cơ cấu giai cấp
  • Cơ cấu học vấn - nghề nghiệp
  • Cơ cấu dân số (nhân khẩu)
  • Cơ cấu lãnh thổ
  • Cơ cấu dân tộc

Câu 2: Ý nghĩa của việc nghiên cứu cơ cấu xã hội là gì?

Xã hội học quan tâm nghiên cứu cơ cấu xã hội vì nó có một ý nghĩa quan trọng. Cụ thể:

  • “Nghiên cứu cơ cấu xã hội giúp ta nhận thức được các đặc trưng của một xã hội trong từng giai đoạn phát triển lịch sử, qua đó, phân biệt, so sánh sự khác nhau của xã hội này với xã hội khác.
  • Giúp ta hiểu được các thành phần cơ cấu xã hội, vai trò - chức năng của mỗi thành phần đó trong cơ cấu để đảm bảo tính hệ thống của cơ cấu và nghiên cứu động lực phát triển xã hội.
  • Thấy được quan hệ tương tác giữa các thành phần của cơ cấu xã hội, hiểu rõ bản chất của các quan hệ đó dưới dạng các quy luật xã hội, từ đó giải thích được hành vi của các cá nhân, các nhóm và toàn bộ xã hội trong những thời gian và không gian cụ thể.
  • Giúp ta có cái nhìn tổng quát về xã hội, từ đó có thể hoạch định chiến lược, xây dựng mô hình cơ cấu xã hội tối ưu đảm bảo sự vận hành hiệu quả, thực hiện tốt các vai trò xã hội theo chiều hướng tiến bộ.
  • Nghiên cứu cơ cấu xã hội giúp ta có cơ sở khoa học để vạch ra một chính sách xã hội đúng đắn, nhằm phát huy những nhân tố tích cực, điều chỉnh và khắc phục những hiện tượng lệch chuẩn, những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động xã hội”.

Câu 3: Vị thế xã hội là gì? Phân loại vị thế xã hội?

Khái niệm:

Trong xã hội học, khái niệm vị thế thể hiện ở nhiều nghĩa.

1. Theo Linton, vị thế có nội dung là địa vị và được hiểu là vị trí tương đối của một cá nhân trong bối cảnh xã hội giới hạn nhất định, từ đó có những hy vọng nhất định về vai trò.

2. Thuật ngữ “đẳng cấp” của Max Weber trong tiếng Đức khi dịch sang tiếng Anh cũng có nghĩa là “vị thế”, dùng để chỉ toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ mà một cá nhân thực hiện.

3. Trong Xã hội học phân tầng, vị thế của một cá nhân có thể được xác định là một địa vị cao hay thấp trong một hệ thống được sắp xếp theo thứ bậc.

Ở nghĩa chung nhất, người ta quan niệm: Vị thế xã hội là một vị trí trong cấu trúc xã hội. Mỗi vị thế quyết định chỗ đứng của một cá nhân hay một nhóm xã hội và phương pháp ứng xử của cá nhân, nhóm xã hội đó đối với xã hội xung quanh.

Phân loại: Vị thế thường được phân thành hai nhóm:

Vị thế tự nhiên (có sẵn, được gán cho): là những vị thế mà các cá nhân không cần phải cố gắng, nỗ lực để đạt được mà cá nhân đó được xã hội gán cho. Những vị thế này thường gắn với những thiên chức, những đặc điểm cơ bản mà cá nhân không thể tự kiểm soát được.

Ví dụ: Vị thế giới tính, vị thế nguồn gốc xuất thân, vị thế đẳng cấp, vị thế lứa tuổi, vị thế chủng tộc, vị thế thứ bậc trong gia đình và dòng họ....

Vị thế xã hội (đạt được): là những vị thế phụ thuộc vào những đặc điểm mà trong một chừng mực nhất định, cá nhân có thể tự kiểm soát được. Vị thế xã hội phụ thuộc vào nỗ lực phấn đấu và sự cố gắng vươn lên của bản thân.

Ví dụ: Vị thế nghề nghiệp, vị thế trình độ học vấn (học hàm, học vị), vị thế chức vụ xã hội, vị thế phụ thuộc vào mức độ cống hiến cho xã hội....

Trong đời sống, mỗi cá nhân có nhiều vị thế khác nhau, tạo thành một tập hợp các vị thế. Mỗi vị thế có một sự phù hợp với bối cảnh xã hội. Tuy nhiên, trong các vị thế đó, bao giờ cũng có một vị thế chủ chốt, giữ vai trò chủ đạo, chi phối các vị thế khác và trong quá trình tương tác, cá nhân thường hành động căn cứ theo vị thế chủ đạo của mình.

Câu 4: Vai trò Xã hội là gì? Thực hiện Vai trò của xã hội đó như thế nào?

Khái niệm:

  • Thuật ngữ vai trò (role) được các nhà xã hội học vay mượn từ nghệ thuật sân khấu (kịch học) để miêu tả các vai trò xã hội có ảnh hưởng như thế nào trong đời sống xã hội. Giống như các nghệ sĩ trên sân khấu, tất cả chúng ta đều đóng các vai trò trong cuộc sống hàng ngày. Gắn với mỗi vai trò là một kịch bản, nó giúp chúng ta ứng cử như thế nào với những người khác và họ sẽ tương tác trở lại với chúng ta ra sao?
  • Về mặt khái niệm xã hội học: Vai trò xã hội là một tập hợp những chuẩn mực, hành vi, nghĩa vụ và quyền lợi gắn với một vị thế nhất định.

Thực hiện vai trò:

  • Thực hiện vai trò là những hành vi thực tế của một cá nhân đang chiếm giữ một vị thế xã hội. Tức là, khi tiếp nhận một vị thế xã hội nào đó, cá nhân phải thực hiện những yêu cầu, đòi hỏi của xã hội (thể hiện vai trò), nhưng không phải bao giờ những điều mà cá nhân hiểu về vai trò và sự mong đợi của xã hội đối với các vai trò đó cũng phù hợp với nhau. Hơn nữa, cá nhân nhiều khi không thực hiện tất cả những hiểu biết của họ về các đòi hỏi với những vai trò trên thực tế. Vì vậy, tổng hợp tất cả các vai trò mà cá nhân thực hiện sẽ tạo nên nhân cách xã hội của anh ta.

Câu 5: Quan hệ giữa vị thế xã hội và vai trò xã hội như thế nào?

Khái niệm vị thế và vai trò không tách rời nhau trong thực tế. Sự phân biệt hai khái niệm này chỉ ở trong nhận thức khoa học. Như Ralph Linton (1936) nói, chúng ta chiếm giữ các vị thế, nhưng chúng ta đóng các vai trò. Trong đó, vị thế là chỗ đứng của cá nhân trong xã hội. Còn vai trò là khái niệm dùng để chỉ toàn bộ quyền hạn và nghĩa vụ gắn liền với mỗi vị thế. Không thể có vai trò mà không có vị thế và ngược lại.

“Vai trò là động lực đưa vị thế vào cuộc sống” (Linton). Vì vậy, cá nhân muốn khẳng định vị thế thì phải thông qua vai trò xã hội tương ứng.

Câu 6: Bình đẳng xã hội là gì? Bình đẳng giữa người với người được biểu hiện dưới khía cạnh nào?

Bình đẳng xã hội là sự ngang bằng nhau giữa người với người về một hay nhiều phương diện, xét dưới góc độ xã hội. Nói một cách khác, bình đẳng xã hội là sự thừa nhận và sự thiết lập các điều kiện, các cơ hội và các quyền lợi ngang nhau cho sự tồn tại và phát triển của các cá nhân, các nhóm xã hội.

Bình đẳng giữa người với người được biểu hiện dưới hai khía cạnh:

  • Về mặt tự nhiên: Bình đẳng là thuộc tính tự nhiên của con người, với tư cách là con người. Tức là, giữa con người với con người, mặc dù có những năng lực thể chất và tinh thần không hoàn toàn giống nhau, nhưng đều là con người có sự ngang bằng nhau, đều là bậc cao của sự phát triển sinh giới. Bình đẳng trên bình diện tự nhiên được thể hiện qua lý luận và được hiện thực hoá trong các Hiến pháp của nhiều cộng đồng quốc gia.
  • Về mặt xã hội: Bình đẳng bao hàm sự ngang bằng nhau giữa người với người về một hay nhiều phương diện: kinh tế, chính trị, văn hoá, giai cấp, dân tộc....

Câu 7: Bất bình đẳng là gì? cơ sở tạo nên bất bình đẳng?

Bất bình đẳng xã hội là sự không ngang bằng nhau về các cơ hội hoặc lợi ích đối với các cá nhân khác nhau trong một nhóm hoặc nhiều nhóm trong xã hội.

Cơ sở tạo nên bất bình đẳng xã hội:

  • Bất bình đẳng được hình thành trong đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực sản xuất vật chất. Nó gắn liền với sự phân công lao động xã hội. Nền sản xuất xã hội càng phát triển, sự phân công lao động càng đa dạng phức tạp, bất bình đẳng xã hội càng trở nên gay gắt.
  • Nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng xã hội là sự đa dạng và khác nhau giữa các xã hội và nền văn hoá, gắn liền với những đặc điểm của giai cấp xã hội, giới tính, chủng tộc, tôn giáo, lãnh thổ…

Câu 8: Phân tầng xã hội là gì? Các kiểu của phân tầng xã hội?

Phân tầng xã hội là trạng thái phân chia xã hội ra thành các tầng xã hội khác nhau về địa vị kinh tế, địa vị chính trị, uy tín xã hội, cũng như một số khác biệt về trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú, phong cách sinh hoạt, cách ứng xử trong giao tiếp và thị hiếu….

Có 5 kiểu thường gặp:

  • Tháp hình nón: phản ánh mức độ bất bình đẳng cao của các xã hội. Ở đó, nhóm người giàu, có quyền lực (đỉnh tháp) chiếm tỷ lệ rất thấp, trong khi đa số nghèo khổ (Đáy tháp) lại chiếm tỷ lệ cao.
  • Tháp hình nón cụt: tầng lớp giàu có tăng lên nhưng tầng lớp nghèo vẫn chiếm đa số.
  • Tháp hình thoi (quả trám): cả hai nhóm giàu và nghèo chiếm tỷ lệ nhỏ, nhóm trung lưu chiếm đa số nằm ở phần thân tháp. Tuy nhiên, khoảng cách giữa hai nhóm đỉnh và đáy tháp còn khá xa. Việt Nam thuộc loại tháp này.
  • Tháp hình trụ: tỷ lệ các nhóm giàu có, trung lưu và nghèo tương đối đồng đều. Tuỳ vào chiều cao của tháp để nói về mức độ bình đẳng xã hội.
  • Tháp hình đĩa bay, thấp dẹt: có thể có hai trạng thái: bình quân nghèo khổ hoặc xã hội lý tưởng, thịnh vượng toàn dân với tuyệt đại bộ phận các thành viên trong xã hội có mức sống trung lưu và khá giả.

Câu 9: Các hệ thống của phân tầng Xã hội là gì?

Phân tầng xã hội là một hiện tượng gắn liền với bất bình đẳng xã hội nên nó cũng xuất hiện rất sớm trong lịch sử và thể hiện đa dạng trong các xã hội khác nhau, các nền văn hoá khác nhau và ở các giai đoạn lịch sử khác nhau. Dựa vào tính cơ động xã hội và kiểu xã hội, các nhà xã hội học chia thành hai hệ thống phân tầng xã hội điển hình:

Hệ thống phân tầng trong xã hội đẳng cấp (hệ thống phân tầng đóng):

  • Trong hệ thống này, ranh giới giữa các tầng xã hội hết sức rõ rệt và được duy trì một cách nghiêm ngặt. Địa vị của mỗi người được quy định ngay lúc mới sinh ra bởi nguồn gốc, dòng dõi của cha mẹ mình. Đồng thời, hệ thống này duy trì việc nội giao và cấm các thành viên thuộc các đẳng cấp khác nhau xây dựng hôn nhân với nhau.
  • Như vậy, những thành viên trong cùng đẳng cấp đều có chung một địa vị được gán cho sẵn, chứ không phải địa vị đạt được. Do đó, tính cơ động xã hội thấp. Xã hội điển hình cho hệ thống đóng là xã hội Ấn Độ thời phong kiến, chia các cá nhân trong xã hội thành 4 đẳng cấp: tăng lữ, quý tộc, bình dân và nô lệ.

Hệ thống phân tầng trong xã hội có giai cấp (hệ thống phân tầng mở):

  • Trong hệ thống mở, ranh giới giữa các tầng xã hội không quá cứng nhắc và cách biệt như trong xã hội đẳng cấp mà mềm dẻo hơn. Địa vị của cá nhân thường phụ thuộc vào nghề nghiệp và thu nhập của họ. Đồng thời, pháp luật đã chính thức huỷ bỏ sự cấm kỵ hôn nhân giữa các tầng xã hội.
  • Trong hệ thống này, tính cơ động xã hội cao, cá nhân thường chiếm giữ những địa vị đạt được (xã hội càng phát triển thì địa vị đạt được càng nổi trội, địa vị gán cho sẽ mờ dần). Cá nhân thay đổi địa vị của mình phụ thuộc vào nỗ lực của bản thân họ.

Câu 10: Cơ động xã hội là gì? Phân loại cơ động xã hội?

Cơ động xã hội là sự chuyển đổi vị trí của các cá nhân hay nhóm sang một vị trí xã hội khác nằm trên cùng một tầng hay khác tầng với họ; là sự thể hiện tính linh hoạt của các cá nhân và nhóm xã hội trong kết cấu các tầng xã hội.

Phân loại cơ động xã hội:

  • Cơ động xã hội theo chiều ngang
  • Cơ động xã hội theo chiều dọc

Câu 11: Những nhân tố ảnh hưởng đến cơ động xã hội?

  • Điều kiện kinh tế - xã hội
  • Trình độ học vấn
  • Nguồn gốc gia đình
  • Lứa tuổi và giới tính
  • Nơi cư trú

------------------------

Ngoài Câu hỏi ôn thi môn Xã hội học đại cương - Chương 2, mời các bạn cùng tham khảo thêm các tài liệu Cao đăng - Đại học khác nhằm phục vụ tốt cho quá trình học tập và công tác.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Xã hội học đại cương

    Xem thêm