Bài viết chuyên đề "Nét đẹp văn hóa học đường trong trang phục của học sinh"

Nét đẹp văn hóa học đường trong trang phục của học sinh

Bài viết chuyên đề "Nét đẹp văn hóa học đường trong trang phục của học sinh" được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải là những bài viết của học sinh trường THPT Dầu Tiếng, mời các bạn tham khảo.

Bản đăng ký trường học thân thiện học sinh tích cực

Mẫu quy chế thi đua nội bộ trong nhà trường

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động; định hướng, xây dựng văn hóa học đường; giáo dục hành vi văn hóa cho học sinh trong trường học đồng thời tạo điều kiện cho học sinh có một diễn đàn để có thể bày tỏ ý kiến của mình, dùng dư luận tập thể để tác động đến những học sinh có nhận thức sai lệch về các chuẩn mực của cái đẹp trong cách mặc quần áo, cách đi giày dép, cách đội nón mũ, cách tạo kiểu tóc … sao cho đẹp trong mắt mọi người, phù hợp với lứa tuổi học sinh, phù hợp với thuần phong mĩ tục và chuẩn mực văn hóa của xã hội giúp các em học sinh thay đổi thái độ và hành vi của mình trong cuộc sống theo chiều hướng tốt hơn, trường THPT tổ chức cho các lớp ở cả ba khối 10, 11, 12 thực hiện chuyên đề “Nét đẹp văn hóa học đường trong trang phục của học sinh” trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Đã có nhiều học sinh viết bài để tham gia chuyên đề, xin giới thiệu một số bài viết dưới đây, mời các thầy cô và các em học sinh tham khảo:

Phạm thị Thanh Lộc - Lớp 11A

Học sinh là lứa tuổi cắp sách đến trường để được cung cấp kiến thức và tôi rèn những phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Bàn về "nét đẹp văn hóa học đường trong trang phục của học sinh" là cách để chúng ta tìm hiểu và có những nhận thức đúng đắn về cách ăn mặc sao cho đẹp mà vẫn giữ được nét hồn nhiên, tinh nghịch của lứa tuổi thần tiên này.

Như bao trường THPT trên cả nước, đồng phục của trường chúng ta quy định đối với nữ là chiếc áo dài trắng và nam là áo sơ mi trắng, quần tây đen hoặc xanh đen. Màu áo trắng thuần khiết, tinh khôi giống như sự trong trắng, hồn nhiên của lứa tuổi học trò - một bầu trời quang đãng không gợn chút mây.

Nhưng trong những năm gần đây, nét đẹp ấy dường như đã có sự thay đổi: càng lúc chiếc áo dài trắng truyền thống càng có sự cách at6n, thay đổi cho "hợp với thời đại". Đó là hình ảnh quần áo dài bó sát, đáy ngắn, áo bên ngoài mỏng mà áo trong lại ngắn hoặc có màu tương phản nổi bật như đỏ, đen... Thật! Chẳng còn đâu nét dịu dàng, kín đáo của chiếc áo dài Việt. Một số bạn (cả nam lẫn nữ) có xu hướng nhuộm tóc màu, đơn giản vì nghĩ rằng nó đẹp, hợp thời trang. Một vài nữ sinh khi đi học lại thích trang điểm phấn son, sơn móng tay, móng chân. Có lẽ xét trên phương diện nào đó, các bạn sẽ trở nên đẹp hơn nếu có những việc làm chăm lo cho vẻ bề ngoài như vậy, nhưng với môi trường học đường, nơi rèn luyện nhân phẩm trao đổi kỹ năng cho học sinh thì liệu nó có phù hợp và mang lại hiệu quả như mong muốn?

Phần lớn khi các bạn đến trường đều mặc đồng phục đúng qui định, duy chỉ có số ít học sinh có cách ăn mặc "khác lạ" đó, vậy nguyên nhân do đâu? Có lẽ đó là do ý thích muốn thể hiện cái tôi cá nhân của mình, một cá tính ưa sự nổi bật và muốn được chú ý, các bạn không muốn bị lẫn trong đám đông, các bạn muốn có "điểm nhấn" riêng cho mình hay muốn khoe khoang về một vẻ đẹp nào đó trên cơ thể các bạn. "Tốt khoe xấu che", với quan niệm ấy một số bạn cho rằng ăn mặc như thế là đẹp, hợp thời, bất kể cái nhìn ái ngại của những người xung quanh. Vấn đề nhuộm tóc hay để những kiểu tóc khác lạ, thường được giải thích bằng việc bắt chước hoặc "học hỏi" theo các ca sĩ, diễn viên được cho là thần tượng, cách ăn mặc của họ ảnh hưởng rất lớn đến lứa tuổi học sinh, vốn non nớt và lạ lẫm với uộc đời rộng mở. Nguyên nhân khách quan dẫn đến hiện tượng này là do sự thiếu quan tâm đến việc ăn mặc của con cái đối với các bậc cha mẹ. Không được hướng dẫn về cách ăn mặc phù hợp lứa tuổi, không có những lời khuyên đúng lúc, các bạn càng thêm ý muốn tự quyết định "xì-tai ăn mặc" riêng cho mình.

Liệu cái tôi cá tính ấy có được xã hội chấp nhận hay không? Hãy cùng suy ngẫm để tự tìm cho mình câu trả lời, các bạn sẽ thấy nó đem lại hậu quả rất lớn mà ta không thể lường trước được, đặc biệt đối với các bạn nữ. Việc ăn mặc trang phục thiếu kín đáo và sự nghiêm túc như vậy khiến chúng ta dễ bị đánh gía là dễ dãi trong cách ăn mặc và nếu nói ác ý hơn họ sẽ nghĩ chúng ta thiếu đứng đắn, ảnh hưởng rất lớn đến phẩm giá của các bạn nữ. Đối với việc nhuộm tóc, mang dép trái quy định sẽ bị đánh giá là thiếu kỉ luật, vô tổ chức vì "ăn mặc không phải làm tốt cho mình mà để tôn trọng người khác". Tệ hại hơn nữa, những kẻ xấu lợi dụng cách ăn mặc hớ hênh của các bạn nữ, chụp hình và đăng tải trên những trang web đen, như là biểu tượng xấu, không lành mạnh. Nếu không cẩn thận trong cách ăn mặc thì hậu quả lớn nhất có lẽ bản thân người đó sẽ phải một mình gánh chịu. "Con sâu làm rầu nồi canh" cả gia đình và trường học sẽ bị đánh giá về nề nếp, kỉ cương, phạm vi rộng hơn nữa là toàn xã hội. Lối ăn mặc tây hóa không phù hợp thuần phong mỹ tục, mất bản sắc văn hóa của dân tộc Việt vốn dịu dàng kín đáo. Gốc rễ bị lung lay, đất nước khó có thể đứng vững với cách ăn mặc "hội nhập" mà "hòa tan" ấy.

Thế thì đâu mới là nét đẹp văn hóa học đường thật sự trong trang phục của học sinh? Nét đẹp không ở đâu xa mà ở ngay trong chính con người các bạn, đó là vẻ đẹp của tâm hồn, của tri thức. Nét đẹp tồn tại khi người học sinh đó hoàn thành tốt bổn phận học tập của mình, có chí cầu tiến, lễ phép với cha mẹ, thầy cô, người lớn tuổi, chan hòa giúp đỡ bạn bè, đó là nét đẹp thật sự của mỗi người học sinh khi cắp sách đến trường. Hãy rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp và bạn sẽ thấy mình ngày càng đẹp hơn trong mắt mọi người. Riêng đối với các bạn nữ nếu muốn đẹp hơn, các bạn chỉ cần ăn mặc đúng quy định, gọn gàng, sạch sẽ, có thể cài thêm một chiếc nơ xinh xắn là đã rất duyên rồi, hãy yên tâm vì mỗi người đều có nét duyên ngầm không lẫn vào đâu được, đó là nét đẹp dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay và khó có thể mai một theo năm tháng.

Nếu lỡ có cách ăn mặc không đúng thì phải làm sao đây? Cần trang bị ngay cho mình nhận thức đúng về nét đẹp thật sự trong học đường. Tăng cường trau dồi về kiến thức, kĩ năng sống, chỉnh sửa dần về cách ăn mặc cho phù hợp với hoàn cảnh để thể hiện sự tôn trọng của mình đối với người khác. Cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn đối với việc hướng dẫn cách ăn mặc cho con. Các bạn phải tiếp thu có chọn lọc phong cách ăn mặc của các ca sĩ, có thể họ trông thật lộng lẫy trong một sự kiện nào đó nhưng những "xì-tai" ăn mặc đó thật khó mà ứng dụng trong đời sống.

Giống như chũ viết, cách ăn mặc cũng phản ánh phần nào tính cách người mặc. Vì thế muốn ăn mặc đẹp không gì tốt bằng trang bị cho mình những đức tính đẹp. Có thể nói "nét đẹp văn hóa học đường trong trang phục của học sinh" là nét đẹp của tri thức, của tâm hồn trong trắng, đầy hoài bão và nhiệt huyết.

Đặng Quỳnh Mộng Ngọc – 12c3.

Ngày nay với làn sóng thời trang như vũ bão đã thực sự cuốn hút giới teen chiếm một tỉ lệ không nhỏ so với tổng số dân hiện nay tạo thành mốt và từ đó đã len lỏi dần vào nhà trường làm cho những sắc màu đồng phục áo trắng, quần xanh cùng chiếc áo dài trắng đã bị pha tạp và hòa dần vào các gam màu khác nhau. Muốn đánh giá tính cách của một con người nhiều khi chỉ cần nhìn cách ăn mặc, thái độ đi đứng, cách nói năng, giao tiếp; trong đó cách ăn mặc gây ấn tượng ban đầu có ý nghĩa không nhỏ đối với việc đánh giá tính cách của con người chúng ta. Như ông cha ta đã nói: “ người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”, ta sẽ đẹp hơn rất nhiều khi ta biết chọn cho mình trang phục đẹp, nhưng thế nào là trang phục đẹp ?

Trang phục đẹp là trang phục phù hợp với lứa tuổi, vóc dáng, làn da, môi trường và thời đại. Xu thế ăn mặc hiện nay là tiết kiệm vải gần như tối đa (nhất là ở phái nữ), áo thì hở ngực, hở bụng hở lưng, ngắn cũn cỡn, chất liệu vải thì càng mỏng càng tốt; quần thì đáy ngắn,lưng xệ nếu khi mặc mà không để ý lúc ngồi hay với tay cao thì thật đáng xấu hổ. “Nhìn trang phục biết tư cách”, pháp luật không can thiệp vào cách ăn mặc của mỗi người nhưng bản thân của mỗi người sẽ tự hạ thấp chính bản thân mình khi ăn mặc phản cảm như vậy, ăn mặc phản cảm như vậy không còn đâu là tính thẩm mĩ nữa. Cách ăn mặc như vậy sẽ làm cho người khác giới dù đứng đắn cũng có thể có những suy nghĩ không lành mạnh về mình và chẳng còn gì là hình ảnh của một người học sinh hồn nhiên trong sáng. Để có thể thực sự tự tin khi hoạt động, giao tiếp thì các bạn hoc sinh không nên mặc trang phục đó. Đồng phục trong học đường hiện nay rất đa dạng, các nam sinh thường là áo trắng, quần xanh; còn các bạn nữ sinh thì áo váy đủ kiểu nhưng chiếc áo dài trắng vẫn là trang phục đẹp nhất của các nữ sinh. Trong những trang phục truyền thống của phụ nữ thế giới, có thể nói trang phục truyền thống của người con gái Việt Nam “chiếc áo dài” là đẹp nhất vì nó vừa kín đáo, vừa duyên dáng, vừa tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ nhưng lại không thiếu vẻ gợi cảm cần có trong một cô gái, nó góp phần tôn lên vẻ đẹp quyến rũ của người phụ nữ Việt Nam trong chiếc áo dài. Điều này cho thấy học sinh nữ mặc chiếc áo dài trắng đến trường sẽ thấy mình kín đáo, hồn nhiên và đẹp hẳn lên. Giờ tan trường tà áo dài trắng bay phất phới như những cánh bướm lung linh dưới nắng thật tuyệt, và đã đi vào thơ ca nhu tác giả Đinh Vũ Ngọc đã viết:

Chiếc áo quê hương dáng thướt tha

Non sông gấm vóc mở đôi tà

Tà bên Đông Hải lung linh sóng

Tà phía Trường Sơn rực rỡ hoa

Vạt rộng Nam phần chao cánh gió

Vòng eo Trung bộ thắt lưng ngà

Nhịp tim Hà Nội nhô gò ngực

Hương lúa ba miền thơm thịt da.

Chúng ta đã và đang bước vào thập niên thứ II của thế kỉ XXI, thời điểm mà thế giới đang phát triển như cơn lốc ăn mặc vì thế mà cũng phóng khoáng, hiện đại và gọn gàng hơn, nhưng các bạn học sinh vẫn phải nhớ và xác định rằng mình đang là học sinh thì phải ăn mặc trang phục học đường cho lịch sự, kín đáo, đúng đắn và phù hợp với thuần phong mĩ tục của người Việt Nam, làm thế nào để trong mắt mọi người ta vẫn luôn đẹp, cái đẹp trong sáng giản dị của tuổi học trò không chỉ ở phái nữ mà các bạn phái nam cũng vậy nếu quá trau chuốt về hình thức thì vô tình đã đánh mất đi vẻ đẹp mạnh mẽ của giới tính mình. Các bạn nam cần chú ý cách ăn mặc của mình, không nên bắt chước các ca sĩ vì các bạn đang mặc trang phục học đường, mặc áo sơ mi thì gỡ bớt một hay hai nút ra khoe bộ ngực lép xẹp, các bạn đừng chạy theo, bắt chước người khác trong cách ăn mặc mà hãy tiếp thu cái mới và biết chọn lọc cái đẹp phù hợp với môi trường, hoàn cảnh của mình. Các bạn là học sinh nên ăn mặc gọn gang, sạch sẽ đúng nội quy của nhà trường không nên cách điệu quá mức để trở nên khác người. Việc mặc áo khoác trong lớp tạo cảm giác nóng nực cho không gian chung quanh, nó còn làm mất đi thẩm mĩ của lớp học bởi vì nó không đẹp, lộn xộn, đủ kiểu, đủ màu, nó còn che mất đi bộ áo dài trắng xinh đẹp. Các bạn học sinh nữ ngày nay rất chuộng những chiếc áo trắng đồng phục được cách điệu quá mức có thể nói càng độc càng tốt, quần thì đủ kiểu, hết ống loe, ống bó, ống đứng, lưng cao, lưng xệ, đáy ngắn. Khi các bạn chạy theo những kiểu thời trang như vậy thì vô tình làm cho mình xấu đi. Bất kì thời đại nào, giới tinh nào cũng phải làm đẹp cho mình bằng ăn mặt hợp thời trang nhưng cần có lịch sự, có như vậy thì cuộc sống mới thật sự văn minh, có văn hóa, có thẩm mĩ và đặc biệt trong nhà trường quy định học sinh mặc đồng phục như các bạn học sinh đang mặc là rất đẹp, có văn hóa và nhất là hợp với thời đại hiện nay.

Nguyễn Thị Thùy Trang – Lớp 10C8

Trong xã hội hiện nay, tình trạng ăn chơi đua đòi, chạy theo trào lưu của một số bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường đã và đang gây ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến nét đẹp cũng như chuẩn mực văn hóa học đường.

Một số bạn gái khi tới trường mặc áo dài nhưng lại kết hợp với loại quần được may theo kiểu quần tây, hai bên là hai túi phồng làm cho bộ trang phục truyền thống của dân tộc mất đi sự tinh khôi và vẻ đẹp tự nhiên của nó. Bên cạnh đó, thay vì mang một đôi giày xinh xắn đến trường thì các bạn đó lại mang những đôi dép lê trông rất kì cục và làm giảm đi nét văn hóa trong mỗi người. Cùng với đó là những mái tóc để dài, với đủ màu và tấng, lớp làm mất đi vẻ đẹp vốn có của người con gái, làm cho cô gái mất đi sự dịu dàng và nữ tính. Còn bàn tay thì để móng rất dài và trên đó là nhiều màu sắc như xanh, đỏ, tím, vàng, đen,… Làm cho mọi người có cảm giác khó chịu đối với các bạn. Đồng thời nó cũng không phù hợp với lứa tuổi cũng như nội quy của nhà trường. Đặc biệt là trong giao tiếp hằng ngày, một số bạn luôn sử dụng những ngôn từ xấu, thô tục để đưa vào giao tiếp ứng xử với mọi người xung quanh, làm mất lòng tin và gây ra sự chia rẽ, phân biệt đối xử. Vì thế, chạy theo trào lưu sẽ giúp các bạn nổi bật hơn các bạn cùng trang lứa, nhưng nó đồng thời nó cũng gây ấn tượng xấu về các bạn trong mắt thầy cô và bạn bè. Do đó, các bạn cần phải chỉnh đốn lại hành vi chạy theo trào lưu của chính bản thân mình, không nên vì một phút non dại mà đánh mất lòng tin cũng như gây mất cảm tình của bạn trong mắt mọi người. Theo tôi, nếu các bạn đến trường bằng bộ đồng phục áo dài bình thường, mái tóc dài nhưng không nhiều tầng, không còn những đôi dép lê mà thay vào đó là những đôi giày xinh xắn, bàn tay không còn tô màu sắc nữa , không bôi son đánh phấn mỗi ngày đến trường thì các bạn sẽ xinh đẹp và trong sáng biết bao.

Nguyễn Thị Thu Thủy - Lớp 11c4

Ngày nay, giới trẻ bị lôi vào làn sóng thời trang. Những trang phục kì lạ cũng đang len lỏi vào học đường, việc ăn mặc như thế đã trở thành vấn đề nan giải cho các thầy cô giáo.

Khi nhắc đến đồng phục học sinh, ta sẽ nghĩ ngay đến đồng phục áo trắng, quần xanh. Màu trắng thể hiện sự tinh khiết, trong trắng của lứa tuổi học trò, màu của sự hoàn hảo, khởi đầu của thành công, hi vọng. Màu xanh là tính chính trực, sự hiểu biết bao la, rộng lớn của trời và biển, đồng thời cũng thể hiện sự nghiêm trang. Hai gam màu đi đôi với nhau là sự hòa quyện đặc biệt, tạo nên phong cách. Sự lịch lãm cho những nam thanh, nữ tú.

Cùng với áo sơ mi trắng, quần tây xanh là chiếc áo dài trắng dùng cho những nữ sinh trung học phổ thông, vừa tạo vẻ đẹp thuần túy cho những bạn nữ, vừa tôn lên vẻ đẹp, vóc dáng của người phụ nữ mà còn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc - nét đẹp của người phụ nữ đó là sự kín đáo. Trong những trang phục truyền thống của phụ nữ thế giới như Nhật Bản có Ki-mô-nô, Trung Quốc có Xườn Xám, thì có lẽ trang phục áo dài của phụ nữ Việt Nam chúng ta là đẹp nhất. Hãy tự hào về đất nước Việt Nam có một trang phục vừa kín đáo, vừa duyên dáng, lại đơn giản, mà tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ như thế !

Đối với một người học sinh, phù hợp nhất là bộ đồ đồng phục, vừa giản dị, tạo sự thoải mái trong học tập và xóa đi cái ranh giới giàu nghèo mỗi lần đến trường. Nhưng điều này đã đã bị cơn bão thời trang của tuổi teen tàn phá dần, nhất là trong những trường học của các thành phố. Khi đến bất kì một ngôi trường nào, chúng ta cũng sẽ dễ dàng bắt gặp được những nam thanh, nữ tú ăn mặc những đồ mát mẻ mà ta khó tưởng tượng được.

Nói đến phụ nữ là nói đến phái đẹp nên cần phải trang điểm, trau chuốt cho mình còn con trai là phái mạnh, nếu bạn hay trau chuốt cho vẻ đẹp bên ngoài của mình thì hãy xét lại giới tính của mình đi, sự chăm sóc vẻ đẹp bên ngoài đó có cần thiết lắm không? Tuy nhiên, không phải vì thế mà các bạn nam ăn mặc xốc xếch đến trường. Nếu áo quần phẳng phiu, bỏ áo vào quần, mang thêm đôi giày ba ta thì các bạn nam sẽ trông lịch sự hơn, nếu không tự may phù hiệu vào áo mình được hãy nhờ mẹ của mình hoặc ai đó đính phù hiệu lên áo để mọi người biết rõ mình học trường nào, lớp nào, tên gì, và khẳng định lòng tự hào của mình đối với trường.

Một số nữ sinh ở trường ta có cách ăn mặc rất phản cảm, đó là những chiếc áo dài bị cách tân quá nhiều, các loại vải thì quá mỏng mà mặc vào cứ tưởng như không, ngoài ra các nữ sinh còn không mặc áo lá, hay muốn tạo cá tính nên mặc áo lót nhiều màu sắc làm cho ta thấy rất ngượng. Sự tạo cá tính đó là điều không thể chấp nhận được. Các bạn nữ còn có xu hướng thích mặc quần lưng xệ, đáy ngắn, vì cho là đẹp, có cá tính, thể hiện sự giàu có.Mỗi khi các bạn đi, đứng, viết bảng thì những hình ảnh thô thiển ấy cứ đập vào trong mắt, nhất là những bạn nam, các bạn ấy sẽ nghĩ gì, cho dù có trong sáng đến đâu thì cũng có thể tạo ra những suy nghĩ không lành mạnh. Nếu có ai phản bác trang phục đó thì dám chắc rằng sẽ bị những lời nói thô tục từ những nữ sinh đó, vì người ta nói “y phục xứng kì đức” , “nhìn trang phục, biết tư cách”.

Ta biết rằng, nhà trường không ép buộc học sinh phải mặc quần lưng gần tới ngực hay chiếc áo quê kệch như người nông dân. Nhưng mỗi người học sinh cần lựa chọn cho mình những trang phục phù hợp với quy định của trường và hãy ăn mặc thật đơn giản vì bản thân của mình vẫn đang là học sinh hãy nhớ kĩ lấy điều ấy.

Tóm lại, dù xã hội có phát triển đến đâu đi nữa thì ta hãy cố gắng gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc bởi đó là niềm tự hào của dân tộc. Hơn ai hết học sinh chúng ta phải thực hiện tốt tâm nguyện này.

Vũ Hải Ngọc Hà - Lớp 11C6

Hiện nay xu hướng thời trang hiện đại đang dần len lỏi vào giới học đường. Giới trẻ, đặc biệt là học sinh đang có sự thay đổi về cách ăn mặc trong đời sống hằng ngày cũng như ở trường học. Cách ăn mặc của con người cực kì quan trọng bởi qua đó mọi người có thể đánh giá được phẩm chất cũng như khiếu thẩm mĩ của người mặc nó. Khi lựa chọn một bộ trang phục phù hợp với lứa tuổi, vóc dáng nó sẽ gây ấn tượng đẹp trong mắt mọi người, có thể thể hiện được mình là người có lịch sự, có văn hóa.

Đồng phục học đường là một vấn đề không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ, nhất là với hiện nay khi nhu cầu thẩm mĩ về thời trang học đường trong môi trường giáo dục ngày càng cao. Gần đây nó lại được hâm nóng hơn khi ý thức của học sinh về việc mặc đồng phục có phần thả lỏng. Từ đó dẫn đến hiện trạng cần được giải quyết đó chính là việc mặc như thế nào để đến trường đúng tác phong và nghiêm túc. Đối với học sinh chúng ta, bộ đồng phục được thiết kế rất đẹp, trang nhã cả về hình dáng lẫn màu sắc sẽ có tác dụng làm tôn thêm nét đẹp tuổi học trò, đảm bảo tính nghiêm túc. Đồng phục rất đa dạng, nó đem lại cho chúng ta sự thoải mái, gọn gàng và tiện lợi. Quần tây áo sơ mi góp phần tăng sự giản dị nơi các bạn nam, áo dài thì lại giúp các bạn nữ thể hiện sự dịu dàng và làm nổi bật sự duyên dáng. Bên cạnh đó bộ đồng phục còn giúp học sinh xây dựng ý thức giữ gìn truyền thống, lòng tự hào và danh dự của nhà trường, giúp chúng ta tránh được những hành động và việc làm không phù hợp. Thực tế cho thấy khi mang trên mình bộ đồng phục một số học sinh cá biệt sẽ hạn chế bỏ học, bỏ tiết, la cà quán xá do tâm lí sợ bị phát hiện. Ngoài ra bộ đồng phục học sinh góp phần xóa bỏ ngăn cách và mặc cảm giàu nghèo giữa các học sinh trong cùng trường, cùng lớp. Hầu hết tất cả mọi người đều hiểu việc mặc như thế nào là đẹp là có văn hóa, nhất là trong thời đại ngày nay sự giáo dục của gia đình và nhà trường trong vấn đề ăn mặc được quan tâm và có điều kiện hơn trước. Nhưng gần đây cách ăn mặc của một số bạn có nhiều thay đổi, không còn giản dị, lành mạnh như trước nữa mà ngày càng tự do, phóng túng đến mức lố lăng. Suy thoái trong giới trẻ là sự đua đòi, bắt chước nhau trong cách ăn mặc diễn ra ngày càng phổ biến. Chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều bạn gái ăn mặc hở hang, áo quần vừa mỏng lại vừa ngắn mất hết thẩm mĩ. Một số bạn đến trường với những kiểu trang điểm, trang sức quá đắt tiền như thể các bạn ấy đang biến ngôi trường thành một sân khấu cho riêng mình. Dường như trang phục nào cũng được các bạn ấy mặc đến lớp để thể hiện phong cách của mình mà không quan tâm đến người khác nghĩ gì. Mặc như thế nào khi đến trường cũng chính là thái độ của học sinh đối với thầy cô giáo của mình. Đôi khi cách ăn mặc ấy cũng làm cho thầy cô không thoải mái mỗi khi lên lớp giảng dạy. Đành rằng các bạn nữ trang điểm làm đẹp bởi làm đẹp là tô điểm cho đời là góp phần tăng thêm sự đáng yêu, nữ tính của phái nữ nhưng điều đó cần thực hiện đúng lúc, đúng nơi, đúng môi trường. Còn các bạn nam, quần tây áo sơ mi đã được biến đổi với nhiều phong cách. Một số bạn với mái tóc nhuộm vàng, nhuộm đỏ vuốt keo tạo đủ dáng hình. Quần áo thì kiểu này kiểu nọ mất hết nét đẹp của người học sinh. Các bạn cần ăn mặc lịch sự, không nên cầu kì quá sẽ gây ấn tượng không tốt trong mắt mọi người.

Ở đây không nói đến toàn bộ học sinh đang làm văn hóa trang phục học đường đi xuống, đó chỉ là một bộ phận nhỏ học sinh đang làm mất đi nét đẹp của học sinh, thiếu đi sự trong sáng cần có của học đường. Thừa nhận rằng những người trẻ là những người đón đầu trào lưu mới trước nhất và văn hóa ăn mặc du nhập từ nước ngoài cũng được họ tiếp nhận nhanh chóng là điều không thể tránh khỏi. Mặt khác, tuổi học sinh mới lớn đang muốn chứng tỏ cá tính, sự nổi trội của mình bằng mọi hình thức. Tự do ăn mặc là điều tất yếu song các bạn phải mặc sao cho kín đáo, tế nhị mà vẫn thời trang, vẫn đẹp. Đừng sai lầm nghĩ rằng cứ ngắn, cứ xẻ, cứ hở là đẹp, là mốt bởi nếu vậy chính bộ trang phục ấy sẽ hạ thấp bạn trước mắt mọi người. Biết chọn cách ăn mặc phù hợp cũng là nét đặc trưng của người có học thức mà học sinh chúng ta nên quan tâm thực hiện cho đúng. Đó cũng là nếp sống có văn hóa trong mỗi chúng ta.

Lê Kim Quyên – 11C2

Hiện nay xã hội khá đau đầu với những tệ nạn xảy ra ngày càng nghiêm trọng trong cộng đồng. Đặc biệt là trong giới học đường lại xuất hiện một vấn nạn ảnh hưởng đến văn hóa dân tộc nói chung và tuổi học trò nói riêng. Hình ảnh những thiếu nữ, thiếu nam cắp sách đến trường trong những chiếc áo trắng, cũng như tâm hồn trong sáng, hồn nhiên của tuổi học trò, đã đang dần mất đi. Thay vào đó là những trang phục đến trường với đủ kiểu dáng gây phản cảm đến nỗi dư luận phải xôn xao.

Từ xưa đến nay con người luôn luôn yêu cái đẹp. Thời trang là một trong những xu hướng được nhiều người quan tâm đến. Với xã hội ngày càng phát triển và hiện đại thì trang phục cũng ngày một đổi mới liên tục để kịp chạy đua với mốt của thời đại. Chính vì lí do đó mà đã xuất hiện trào lưu về cái đẹp trong học đường. Các nam sinh, nữ sinh chạy theo mốt của xã hội và đã cách tân trang phục đến trường một cách thái quá. Họ không biết rằng những trang phục đó hoàn toàn đi ngược với tuổi học trò của họ. Không chỉ có trang phục mà cả đầu tóc, kiểu dáng khi đến trường cũng ngày càng kì lạ. Không biết quan niệm về cái đẹp của họ là gì? Họ càng làm quá thì trong thật khác lạ và oái oăm. Điều đó có thể do phần lớn ảnh hưởng từ phim ảnh hoặc thần tượng ca sĩ nổi tiếng mà họ biến mình thành như vậy. Nhưng những kiểu dáng và trang phục đó hoàn toàn không phù hợp với họ.

Để nói rõ hơn về điều đó. Chúng ta chỉ cần đến những trường THPT sẽ thấy nữ sinh đi học không còn mặc những chiếc áo dài truyền thống nữa. Thay thế cho quần ống rộng là quần tây đáy ngắn một mốt đang được ưu chuộng. Áo dài có cổ được cách tân đủ mọi hình dáng và xẻ cổ như: cổ tim, cổ rộng, cổ tròn,… ngoài ra còn xẻ ngực. Chiếc áo lá là một trang phục phụ của nữ sinh để tạo thêm phần kín đáo dần dần ít được thấy ở nữ sinh. Cũng có một số bạn mặc nhưng những chiếc áo lá đó không đúng qui định vì nó quá mỏng, quá ngắn không thể hiện được công dụng. Cũng như mặc mà không mặc, hoặc là mặc để đối phó. Đầu tóc cũng vậy, người Việt Nam chúng ta “da vàng tóc đen”. Nhưng ngày nay tóc lại đủ màu, đủ kiểu như: đánh rối màu nâu, móc lai nhiều màu, tóc để nhiều tầng,… Ngay cả giày dép cũng không ngoại lệ. Để tăng thêm chiều cao khiêm tốn cho mình, họ chọn cho mình những đôi giày cao gót ba phân, bốn phân, năm phân,…. Quần áo lót cũng như muốn gây sự chú ý với màu sắc sặc sỡ đủ màu có thể thấy được qua lớp vải mỏng của áo dài. Cái đẹp của nữ sinh THPT ngày càng làm cho họ già đi so với số tuổi của mình.

Không chỉ có ở nữ sinh mà ngay cả nam sinh cũng muốn thể hiện cái đẹp ở mình. Nam sinh mà cũng muốn làm đẹp nghe hình như có vẻ khó tin nhưng hoàn toàn là có thật. Thật kinh ngạc khi thấy một nam sinh bước vào trường với quần tây may theo kiểu quần thụng, áo xếp li nhiều nếp bằng chỉ màu hay may hai cổ đi giày bata theo đúng phong cách của một ca sĩ. Đầu tóc vuốt keo bóng mượt với đủ mọi hình thù, tai bấm lỗ đeo khuyên. Không biết các bạn nghĩ gì khi thấy một nam sinh như vậy đi học? Đó cũng chỉ là một ví dụ điển hình. Ngoài ra còn nhiều nam sinh với những trang phục, đầu tóc và kiểu dáng lạ hơn nữa. Không biết họ đi học hay đi diễn và cũng không biết đó là cái đẹp lạ lùng gì nữa?

Qua những hình ảnh trên, mặc dù chỉ là một phần của xã hội nhưng nó lại đi ngược với tuổi học trò. Học sinh khi đi học để mở mang thêm tri thức cống hiến cho xã hội. Thời gian họ dành để làm đẹp đó đã lấy đi thời gian học của họ. Ví dụ như một nam sinh trước khi đến trường dành hàng giờ để vuốt keo chải tóc hay một nữ sinh lo chải chuốt và trang điểm. Thời gian đó họ có thể xem trước bài mới hay dò lại bài cũ. Cái quan trọng nhất là đối với nữ sinh, những áo đi học nghèo vải của họ ảnh hưởng đến văn hóa và vẻ đẹp của tuổi học trò. Làm mất đi sự hồn nhiên vốn có. Mà lại gây phản cảm với mọi người. Nhất là chiếc áo dài, chiếc áo truyền thống của dân tộc khi bị các bạn cách tân để khoe ra những vùng cơ thể mà đáng lí ra là được công dụng của áo dài che đậy. Các bạn có thể mặc những gì các bạn muốn và để đầu tóc các bạn thích đi những đôi giày các bạn cho là phù hợp khi các bạn đến những buổi tiệc hay đi chơi. Nhưng là học sinh các bạn hãy làm sao cho đúng với học sinh và đừng làm mất đi vẻ đẹp của mình.

Để tình trạng này mất đi, về phía xã hội sẽ lên tiếng để họ nhận thức về chính mình. Còn nhà trường sẽ đưa ra những qui định khắt khe về trang phục, đầu tóc, giày dép khi đến trường. Cần có những biện pháp mạnh đối với những ai vi phạm. Tuyên truyền lành mạnh về cái đẹp và nhận thức đúng đắn về cái đẹp ở tuổi thanh thiếu niên.

Chúng ta cần làm những điều đó để vẻ đẹp chiếc áo dài truyền thống của dân tộc tượng trưng cho những đức tính cao đẹp của người phụ nữ không bị mất đi trên chiếc áo dài đến trường của các nữ sinh. Cũng như vẻ đẹp của tuổi học trò ngày được giữ mãi.

Lớp 11C7

Ông bà ta có câu “người đẹp vì lụa” thật vậy, trang phục không những nói lên trình độ, tính cách, tôn thêm vẻ đẹp cho chúng ta mà còn là căn cứ để người khác nhận xét đánh giá về mình. Vậy thế nào là trang phục đẹp? đẹp ở đây có phải là chạy theo “mốt” thời thượng hay không? Hay đẹp mang ý nghĩa phải phù hợp với môi trường mình đang sống và làm việc? Trong nhà trường cũng vậy việc mặc trang phục đúng quy định là cách tốt nhất và cũng thể hiện mình là người văn minh lịch sự.

Thế nhưng hiện nay một số học sinh đã làm đẹp theo cách phản cảm: chiếc áo dài truyền thống d0a4 dần dần bị làm mất đi vẻ đẹp vốn có của nó bởi các nữ sinh chọn chất liệu vải thật mỏng thậm chí không mặc trang phục cần thiết bên trong, xẻ tà cao để phô ra những phần không đáng phô trên cơ thể; quần thì may hết đáy ngắn lại đáy xệ…Vậy thì còn đâu nét đẹp dịu dàng, thướt tha, kín đáo của người nữ sinh nữa. Các bạn ăn mặc như vậy để mọi người trầm trồ khen ngợi hay là tạo phong cách riêng cho mỉnh? Mọi người sẽ nhìn vào bằng ánh mắt phản cảm. Cũng giống như những cô gái đi ngoài đường khi họ mặc quần áo ngắn củn cỡn mọi người sẽ dõi đôi mắt nhìn theo thế nhưng họ sẽ nghĩ gì về cô gái ấy huống chi đây là môi trường để học tập, vui chơi lành mạnh chứ không phải chốn đường phố.

Còn các học sinh nam không hiểu sao lại thích cởi một, hai nút áo ra. Để khoe bộ ngực lực lưỡng hay cũng là tạo phong cách? Bỏ áo vào quần làm cho các bạn nam lịch sự, gọn gàng hơn đằng này các bạn ấy lại không thích như thế mà nửa áo bỏ vào trong nửa lại để ra ngoài nhìn vào chỉ thấy lôi thôi, lếch thếch chứ chẳng đẹp đẽ gì!

Một số bạn còn để những kiểu tóc thật khác lạ: xịt keo lên rồi kéo dựng đứng nhìn không khác gì con nhím, một số nữa thì đầu tóc lòa xòa, ngồi học hết vén bên này lại vuốt vào bên kia thử hỏi làm sao có thể tập trung vào học được, không những thế còn hết nhuộm vàng lại chuyển sang màu đỏ. Nên nhớ rằng các bạn đang là học sinh chứ không phải là những minh tinh màn bạc mà phải làm hết kiểu này sang kiểu kia. Có thể những kiểu tóc ấy ở ngoài rất đẹp, hợp thời trang nhưng đây là môi trường giáo dục đòi hỏi có kiến thức, sự hiểu biết chứ không phải vẻ bề ngoài.

Chúng ta cần biết rằng: làm đẹp đúng nơi, đúng lúc là biểu hiện của một người văn minh lịch sự đấy!

Lớp 10c5

“Trang phục học sinh” là vấn đề “nóng” đang được mọi người quan tâm đến, đặc biệt nghành giáo dục rất chú trọng đến vấn đề này.Học sinh hiện nay rất chú trọng đến cách ăn mặc nhưng cách ăn mặc của họ rất phản cảm làm ảnh hưởng đến việc giáo dục học sinh hiện nay.

Cách ăn mặc phản cảm của họ làm ảnh hưởng rất lớn đến nhà trường: Người khác phải nhìn nhận và đánh giá ra sao về vấn đề này? Họ sẽ cho rằng: học sinh nữ mặc áo dài đi học là truyền thống văn hóa của dân tộc ta, nó sẽ làm cho hình ảnh nữ sinh thêm đẹp và duyên dáng với tà áo dài phấp phới trong gió nhưng họ lại lợi dụng chiếc áo dài để “trưng bày” phần eo của mình. Mặt khác, nữ sinh hiện nay còn nổi trội hơn với phong trào “cắt tóc tầng”. Tại sao họ lại làm như vậy? Tại vì họ có quan niệm rằng: Tóc tầng là “mốt” hiện đại, nó thể hiện đó là một con người sành điệu, mặc dù nó không có gì đẹp. Nhưng đa số những bạn nữ cắt tóc tầng đều là những người không quan tâm đến việc người khác nhìn nhận, đánh giá mình ra sao mà chỉ chú ý đến việc làm đẹp cho mình. Chúng ta nên thay đổi quan niệm của các bạn ấy, phải làm cho các bạn ấy hiểu rằng: việc làm đẹp ấy chỉ làm các bạn phải tốn tiền và làm cho người khác nhận xét, đánh giá không hay về mình.

Đó là cách ăn mặc, đi kèm với những bộ đồng phục thì giày dép cũng góp phần không nhỏ làm nên nét văn hóa của nhà trường. Nhà trường yêu cầu nam mang giày bata, nữ mang dép có quai hậu chỉ có vậy thôi mà hàng ngày trên sân trường vẫn xuất hiện một vài đôi dép lê. Tại sao họ lại không thực hiện nổi một yêu cầu nhỏ như vậy của nhà trường?

Để khắc phục việc ăn mặc như vừa nói ở trên, học sinh chúng ta nên tìm hiểu rõ hơn về cái đẹp trong trang phục, nên thay đổi thói quen làm đẹp một cách phản cảm của mình. Nên nhớ rằng, học sinh đẹp trong mắt người khác khi thực hiện đúng theo yêu cầu của nhà trường bởi trước khi đưa ra những têu cầu đó, nhà trường đã chọn lọc rất kĩ từ những hình ảnh đẹp nhất của trang phục Việt Nam !

Lớp 10C6

Trường học là nơi học sinh đến để trau dồi nhân cách, ý thức và trí tuệ con người mai nay làm chủ xã hội và góp phần quản lí đất nước. Tri thức bây giờ của đa số học sinh có thể bị “mốt” đẩy lùi và có thể đã thống trị con người họ. Việc làm “nổi” chẳng có gì hay khi nó không thể giúp ta làm ra của cải vật chất được. Mà ngược lại, nó lấy đi của cải vật chất mà ta đã và đang có . Tại sao học sinh “ăn chơi” và “trau chuốt” vô tư mà họ không hiểu rằng những thứ phụ kiện như keo vuốt tóc, phấn,… là những hóa chất độc hại, sẽ gây ra hậu quả xấu nếu sử dụng quá nhiều và sử dụng theo kiểu học sinh - chưa hiểu biết nhiều về sản phẩm. Tuổi học sinh làm gì có chi phí nhiều để chăm sóc vẻ đẹp như ca sĩ. Tất cả mà các bạn đang có chỉ là tiền do mồ hôi nước mắt của cha mẹ làm ra, “nước chảy đá mòn”, ăn chơi lâu ngày thì tới núi cũng phải mòn, huống gì tiền bạc.

Quan niệm sai lệch về “cái đẹp” của các bạn học sinh đã khiến họ nghĩ rằng được nhiều người để ý, có nghĩa là họ đẹp, họ dễ thương. Vì muốn nghe được những lời khen nên họ đã cố gắng làm cho mình đẹp hơn. Họ muốn nổi trội hơn so với những người khác hoặc gây sự chú giữa đám đông chẳng vì lí do nào khác là mình đẹp. Điều đó thật vô lí bởi “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Vẻ đẹp bên ngoài của bạn có thể là cho người khác chú ý đến bạn, quí mến bạn. Nhưng sau một thời gian tiếp xúc, nhận ra bản chất của bạn, họ sẽ rời xa bạn. Việc “chuộng mốt” đã xuất hiện rất nhiều và đã tràn vào trường học trong những năm gần đây. Học sinh ngày nay không giống như học sinh ngày trước: e thẹn, rụt rè, ham học,… nữa. Mà việc học gần như bị sao lãng. Các bạn học sinh đã vô tình “phủ định” bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ăn mặc màu mè, chói lóa đối với học sinh thì bình thường? Không thể nói như vậy được. Khi bạn đã xác định mình là học sinh thì nên giữ trọn bổn phận của một học sinh. Còn nếu là học sinh, đi đến trường học rồi mà không giữ đúng tác phong thì tôi nghĩ bạn nên ở nhà, đi học nghề còn hơn.

Vi phạm tác phong trong trường học là chuyện quá phổ biến cho dù trường đã cố gắng ngăn chặn. Nữ sinh thì cắt tóc, nhuộm tóc nhiều tầng, mỗi lần trường kiểm tra đột xuất thì dấu đi. Có một số bạn tưởng chừng như là nghiêm chỉnh chấp hành nội quy nhà trường lắm. Nhưng nếu nhìn kĩ thì thấy quần tây được các bạn cải tiến thành quần đáy ngắn, ống bó,…đầu tóc thì vuốt keo hoặc bóng loáng hoặc dựng đứng lên. Đi học thì mang dép lê trông không đẹp, không lịch sự chút nào.

Chúng ta nên suy nghĩ xem: làm đẹp như thế nào mới được công nhận là đẹp? nhất là làm đẹp đối với lứa tuổi học sinh trong một môi trường thân thiện và tích cực!

Đánh giá bài viết
2 3.183
Sắp xếp theo

    Mẹo dạy học hay

    Xem thêm