Bình giảng bài thơ "Điểu minh giản" của tác giả Vương Duy
Những bài văn mẫu hay lớp 10
Văn mẫu lớp 10: Bình giảng bài thơ "Điểu minh giản" của tác giả Vương Duy gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Bình giảng bài thơ "Điểu minh giản" của tác giả Vương Duy
Vương Duy (701-761) tự là Ma Cật quê ở Sơn Tây, Trung Quốc. Năm 21 tuổi đỗ tiến sĩ, làm quan thời Thịnh Đường. Ông là một nghệ sĩ nổi tiếng tài hoa: thơ hay, vẽ đẹp, thư pháp như rồng bay phượng múa. Ông để lại trên 400 bài thơ và hơn một nghìn bức hoạ, thư pháp. Tô Thức thời Tống đã ca ngợi: "Thưởng thức thơ Ma Cật thấy trong thơ có họa; xem họa Ma Cật, thấy trong họa có thơ".
"Điểu minh giản" (Khe chim kêu) là bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của Vương Duy "trong thơ có hoạ":
"Nhân nhàn quế hoa lạc,
Dạ tĩnh xuân sơn không.
Nguyệt xuất kinh sơn điểu,
Thời minh tại giản trung".
Người đọc nghe thấy gì, nhìn thấy gì trong bút tranh thuỷ mặc "Điểu minh giản" này?
Hai câu thơ vừa có cánh, vừa có tình. Đêm yên tĩnh (dạ tĩnh) là thời gian nghệ thụật. Ngọn núi xuân xa mờ hiện lên trong vắng lặng. Một đóa hoa quế rụng. Hoa nguyệt quế trắng phau, thơm nồng nàn, mỗi tháng nở hoa một lần; thi sĩ không tả màu sắc, hương thơm hoa nguyệt quế, mà chỉ gợi tả "quế hoa lạc". Chữ "rụng" lạc là nhãn tự. Tác giả lấy động, tiếng hoa quế rụng để làm nổi bật cái vắng không của núi xuân, cái yên tĩnh của đêm xuân về khuya. Đó là không gian nghệ thuật. Chữ "nhàn" qua hình ảnh "nhân nhàn" là tâm trạng nghệ thuật: nhà thơ sống thư nhân, tâm hồn thư thái, mơ màng, lắng nghe tiếng rụng của hoa quế rơi. Mơ hồ và thì thầm. Đó là tiếng đâm xuân êm đềm. Phải chăng đó là tiếng thở nhẹ của giai nhân?
Đóa hoa quế chỉ bằng chiếc cúc bạch ngọc mỏng manh, rụng xuống se sẽ thế mà thi nhân nghe được, cảm được, không chỉ tâm nhàn mà còn hồn mộng. Người và Cảnh giao hoà. Ngô Tất Tố dùng thơ lục bát đế dịch thơ ngũ ngôn của Vương Duy đã tạo nên nhạc điệu êm đềm thơ mộng:
"Người nhàn hoa quế nhẹ rơi,
Đêm xuân lặng ngắt trái đồi vắng tanh".
Hai câu cuối là nét vẽ vừa có ánh sáng vừa có âm thanh. Trăng đột hiện, trăng xuân. Vì ở núi cao nên thấy trăng mọc rất rõ. Bóng tối của màn đêm nơi núi xuân như bị xua tan. Ánh trăng đã làm cho con chim núi giật mình (kinh sơn điểu) cất tiếng kêu nơi khe sâu bên vách núi. Nghệ thuật chấm phá của ngòi bút nghệ thuật của Vương Duy thật thần tình: lấy động (tiếng chim kêu trong khe) để đặc tả cái vắng lặng, êm đềm của núi xuân, đêm xuân; lấy sáng đế tả tối, lấy ánh trăng để tả màn đêm, tả cái sâu hút, thâm u của khe suối.
Thi nhân chỉ chấm phá, điểm nhấn bằng một vài đường nét mà rung động, ấn tượng. Tiếng chim kêu trong khe, ánh tráng vừa mọc như làm cho nhà thơ chợt tỉnh giấc mộng đêm xuân. Ngô Tất Tổ đã dịch khá hay và sáng lạo:
"Trăng lên, chim núi giật mình,
Tiếng kêu thủng thẳng đưa quanh khe đồi".
"Điểu minh giản" là bài thơ tuyệt tác của Vương Duy. "Thi trung hữu hoạ, thi trung hữu cầm". Một bông hoa quế rụng. Một ngọn núi xuân vắng không. Một đêm xuân tĩnh lặng, êm đềm. Trăng mọc. Chim núi giật mình kêu lên trong khe núi. Giữa khung cảnh êm đẹp ấy, nhà thơ chợt tỉnh giấc mộng đêm xuân. Tâm nhàn, mộng đẹp, cảnh hữu tình nên thơ. "Điểu minh giản" mang vẻ đẹp của một bức họa sơn thủy của Vương Duy lấp lánh trong sắc màu thời gian.
Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 10: Bình giảng bài thơ "Điểu minh giản" của tác giả Vương Duy. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 10 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 10.
Bài tiếp theo: Cảm nghĩ bài thơ Cảm xúc mùa thu của Đỗ Phủ