Chất nhạc trong "Đàn ghi-ta của Lor-ca"

Chất nhạc trong “Đàn ghi-ta của Lor-ca”

VnDoc.com gửi tới bạn đọc bài viết Chất nhạc trong “Đàn ghi-ta của Lor-ca”. Bài viết cung cấp dàn ý và văn mẫu nhằm giúp các bạn học sinh nắm vững kiến thức về tác phẩm. Mời bạn đọc tham khảo.

I. Dàn ý Chất nhạc trong “Đàn ghi-ta của Lor-ca”

  1. Mở bài

Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề: Chất nhạc trong bài “Đàn ghi-ta của Lor-ca”

    b. Thân bài

Các yếu tố tạo nên chất nhạc cho tác phẩm được thể hiện ở rất nhiều phương diện:

- Thể thơ tự do.

- Kết cấu bốn phần có trình tự như sự phát triển của một ca khúc.

- Vần và nhịp linh hoạt, gợi liên tưởng đến giai điệu của những khúc hát dân gian Tây Ban Nha: “tiếng ghi-ta/lá xanh biết mấy”, “tiếng ghi-ta/tròn bọt nước vỡ tan”.

- Sử dụng nhiều từ láy: “lang thang”, “chếnh choáng”, “nghêu ngao”, “ròng ròng”, “long lanh”,...

- Sử dụng điệp từ: “tiếng ghi-ta nâu”, “tiếng ghi-ta lá xanh”, “tiếng ghi-ta” tròn bọt nước vỡ tan”, “tiếng đàn”,...

- Sử dụng những từ mô phỏng âm thanh: “li-la li-la li-la” được lặp lại ở đầu và cuối bài thơ.

 c. Kết bài

- Chốt lại vai trò của chất nhạc trong tác phẩm. 

- Khẳng định giá trị của tác phẩm.

II. Văn mẫu Chất nhạc trong “Đàn ghi-ta của Lor-ca”

“Thơ là sự dao động giữa âm thanh và ý nghĩa” (Paul Valéry). Từ xưa tới nay, thơ ca và âm nhạc vẫn luôn có mối quan hệ khăng khít bởi cả hai thể loại này đều cần đến những yếu tố như vần, nhịp để biểu đạt nội dung. Tuy nhiên, đến với trường phái thơ tượng trưng, siêu thực, sự hòa quyện giữa thơ và nhạc được đẩy lên cao hơn với những liên tưởng mới. Bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca” (Thanh Thảo) chính là một tác phẩm đầy chất nhạc như thế.

“Đàn ghi-ta của Lor-ca” nằm trong tập “Khối vuông Ru-bích” (1958). Ngay từ nhan đề tập thơ, Thanh Thảo đã gửi gắm mong muốn cách tân thơ ca, phá bỏ những khuôn mẫu sẵn có. Nhà thơ muốn phát huy đến cao độ cảm xúc và những liên tưởng, tưởng tượng. Với tinh thần đổi mới ấy, nhà thơ đã đưa âm nhạc vào địa hạt của thơ ca theo một cách mới mẻ. Ông từng lồng ghép cấu trúc của các bản giao hưởng như “Những người đi tới biển”, “Bùng nổ của mùa xuân”, “Đêm trên cát”. Với “Đàn ghi-ta của Lor-ca”, chất nhạc được thể hiện đầy đủ từ thể thơ, kết cấu tác phẩm đến ngôn từ.

Đúng như tên gọi của mình, thể thơ tự do bao giờ cũng được những nhà thơ ham cách tân tìm đến bởi sự linh hoạt của nó. Bắt cặp với chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực, thơ tự do nâng cao trí tưởng tượng của con người, đưa người đọc “trải nghiệm” thơ ca bằng nhiều giác quan. “Đàn ghi-ta của Lor-ca” có vần và nhịp rất phóng túng, gợi ta liên tưởng đến âm hưởng của những khúc hát dân ca Tây Ban Nha. Đi liền với nó là kết cấu bài được chia thành bốn phần mang những nội dung khác nhau. Phần đầu tiên là hình ảnh của Lor-ca, phần thứ hai là cái chết bất ngờ của Lor-ca, phần ba chứa đựng những suy nghĩ, tiếc thương trước sự ra đi của người nghệ sĩ và phần cuối cùng là lú Lor-ca lìa bỏ tất cả và giải thoát. Bài thơ như một câu chuyện được kể trên nền nhạc.

Ngôn từ chính là chất liệu chính để tạo nên chất nhạc cho thơ. Thanh Thảo đã sử dụng nhiều từ láy, điệp từ để tạo nên “khúc thơ” này. Những từ láy “lang thang”, “chếnh choáng”, “nghêu ngao”, “ròng ròng”, “long lanh” rất dễ gợi liên tưởng cho người đọc. Thơ tượng trưng không chủ trương mang đến những hình ảnh cụ thể, phô bày sẵn trước mặt người mà luôn khơi, gợi. Những bọt nước văng lên không trung, chàng nghệ sĩ Lor-ca khoác tấm áo choàng đỏ lang thang cô độc trên đồng cỏ hay bờ sông. Ánh trăng vàng lóe lên, phản chiếu xuống yên ngựa. Lor-ca say trong hơi men chếnh choáng. Đặc biệt, điệp từ “tiếng ghi-ta” và “tiếng đàn” được lặp lại rất nhiều. Tiếng đàn ấy mang sắc màu, lúc nâu, lúc xanh, lúc lại có hình dáng “tròn bọt nước vỡ tan”. Tiếng đàn như một kẻ mồ côi, bị quên lãng vì “không ai chôn cất”. Tất cả tạo nên hợp âm của một bản ghi-ta. Những câu thơ này còn gợi ta liên tưởng đến “màu” dương cầm trong thơ Dương Tường:

“Chờ em đường dương cầm xanh

dạy thì nõn dương cầm phố

Chờ em đường dương cầm sương

chúm chím nụ dương cầm biếc”

Thơ tượng trưng, siêu thực vốn khó hiểu, khó hình dung nhưng không phải à kết quả của một sự lắp ghép, chơi chữ tùy hứng và không có dụng ý. Với bài thơ này, Thanh Thảo đã bố trí cụm từ “li-la li-la li-la” ở đầu và cuối bài. Ở những dòng thơ đầu tiên, đó là thanh âm của khúc dạo đầu, người nghệ sĩ đưa tay gảy những phím đàn để bắt đầu kể câu chuyện. Đến cuối, “li-la li-la li-la” lại trở thành những nốt trầm vang vọng khép lại màn trình diễn.

Như vậy, chất nhạc trong “Đàn ghi-ta của Lorca” không chỉ đổi mới thơ về mặt hình thức mà còn góp phần vào việc xây dựng trường liên tưởng, thể hiện nội dung sâu sắc của tác phẩm. Có thể thấy việc đem chất nhạc vào thơ ca là một xu thế tất yếu của văn học Việt Nam thời hiện đại, cho thấy tinh thần cách tân của những nhà thơ đúng như Thanh Thảo đã quan niệm: : "Hơn ai hết, người làm thơ phải là người bình tĩnh khi buông dây câu về vô định mong giật được con- cá - bặt - tăm...Nghĩa là khi làm thơ, nhà thơ biết mình sống trong lòng sự sáng tạo. Đó là niềm tự hào và điều an ủi lớn nhất đối với một nhà thơ".

-------------------------------------------------------

VnDoc hi vọng rằng qua bài viết này bạn đọc đã có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn Ngữ văn lớp 12. Bạn đọc có thể tham khảo thêm các tài liệu khác trong chuyên mục Văn mẫu lớp 12, Tác giả - Tác phẩm lớp 12. Chúc các bạn đạt được kết quả cao!

 

Đánh giá bài viết
1 42
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 12

Xem thêm