Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2015

Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2015

Ngày 4/7/2015 là ngày thi cuối cùng trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015. Các thí sinh sẽ làm bài thi tự luận môn Lịch sử trong 180 phút vào buổi sáng. VnDoc.com giới thiệu tới các bạn Đề thi và đáp án chính thức THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Cập nhật Đáp án - Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2016

Đáp án - Đề thi THPT Quốc gia năm 2016 - Tất cả các môn

Cập nhật đáp án đề thi 8 môn thi THPT Quốc gia năm 2015

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử - Số 3

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
(Đề thi có 01 trang)
KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2015
Môn thi: LỊCH SỬ
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

Câu I (3,0 điểm)

Tóm tắt sự phát triển kinh tế Nhật Bản từ năm 1952 đến năm 1973 và nêu nguyên nhân của sự phát triển đó.

Câu II (3,0 điểm)

Dựa vào bảng dữ liệu sau:

Thời gianHoạt động của Nguyễn Ái Quốc
6-1919Gửi đến Hội nghị Vécxai bản Yêu sách của nhân dân An Nam.
7-1920Đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V. I. Lênin.
12-1920Dự Đại hội XVIII của Đảng Xã hội Pháp, bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp.
1921-1923Tham gia thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa, là chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Người cùng khổ; viết bài cho các báo Nhân đạo, Đời sống công nhân; viết tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (xuất bản ở Pari năm 1925).
1923-1924Dự Hội nghị Quốc tế Nông dân và Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô; viết bài cho tạp chí Thư tín Quốc tế và báo Sự thật.
1924-1927Tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông; thành lập nhóm Cộng sản đoàn, sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên; mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ. Tác phẩm Đường Kách mệnh được xuất bản.
1-1930Triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam; soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, được Hội nghị thông qua.

(Nguồn: Lịch sử 12, NXB Giáo dục Việt Nam, H., 2015)

  1. Nêu những công lao của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam.
  2. Kể tên những sự kiện chứng tỏ Nguyễn Ái Quốc bước đầu thiết lập mối quan hệ của cách mạng Việt Nam với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Câu III (2,0 điểm)

1. Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945) khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập".

Trình bày suy nghĩ của anh/chị về khẳng định trên.

2. Bằng những sự kiện chọn lọc thuộc một trong các thời kì lịch sử dân tộc (1945-1954, 1954-1975, hoặc hiện nay), hãy làm sáng tỏ quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giữ vững quyền tự do và độc lập.

Câu IV (2,0 điểm)

1. Có ý kiến cho rằng: Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương đã chia Việt Nam thành hai quốc gia với đường biên giới là vĩ tuyến 17.

Căn cứ vào nội dung Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, hãy nhận xét ý kiến trên.

2. Từ những nhân tố chủ quan đảm bảo thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Nam (1945-1954), hãy lựa chọn một nhân tố cần phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Theo anh/chị, thanh niên Việt Nam cần làm gì để góp phần củng cố và phát triển nhân tố đó?

Đáp án chính thức THPT Quốc gia môn Lịch sư năm 2015

Câu I (3,0 điểm) Tóm tắt sự phát triển kinh tế Nhật Bản từ năm 1952 đến năm 1973 và nêu nguyên nhân của sự phát triển đó.

a) Tóm tắt sự phát triển kinh tế Nhật Bản từ năm 1952 đến năm 1973:

  • Từ năm 1952, kinh tế Nhật Bản có bước phát triển nhanh, nhất là từ năm 1960 đến năm 1973, thường được gọi là giai đoạn phát triển "thần kì". (0,50)
  • Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ cao hơn nhiều so với các nước phát triển khác, vươn lên đứng thứ hai trong thế giới tư bản (sau Mĩ). (0,50)
  • Từ đầu những năm 70 của thế kỉ XX, Nhật Bản trở thành một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính lớn của thế giới. (0,50)

b) Nguyên nhân phát triển:

  • Con người được coi là vốn quý nhất, là nhân tố quyết định hàng đầu. (0,25)
  • Vai trò lãnh đạo, quản lí có hiệu quả của Nhà nước. (0,25)
  • Các công ti Nhật Bản năng động, có tầm nhìn xa, quản lí tốt nên có tiềm lực và sức cạnh tranh cao. (0,25)
  • Biết áp dụng các thành tựu khoa học - kĩ thuật hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. (0,25)
  • Chi phí cho quốc phòng thấp, nên có điều kiện tập trung vốn đầu tư cho kinh tế. (0,25)
  • Tận dụng tốt các yếu tố bên ngoài để phát triển: nguồn viện trợ của Mĩ, các cuộc chiến tranh ở Triều Tiên (1950 - 1953) và Việt Nam (1954 - 1975). (0,25)

Câu II (3,0 điểm)

1. Nêu những công lao của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam.

  • Khẳng định con đường giành độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam. (0,75)
  • Chuẩn bị những điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. (0,75)
  • Sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam với cương lĩnh chính trị đúng đắn và sáng tạo. (0,50)

2. Kể tên những sự kiện chứng tỏ Nguyễn Ái Quốc đã bước đầu thiết lập mối quan hệ của cách mạng Việt Nam với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

  • Tham gia thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa. (0,50)
  • Tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông. (0,50)

Câu III (2,0 điểm)

1. Trình bày suy nghĩ về khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập".

  • Trình bày được suy nghĩ về việc khẳng định nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. (0,50)
  • Trình bày được suy nghĩ về quyền tự do và độc lập của mỗi quốc gia dân tộc. (0,50)

2. Bằng những sự kiện chọn lọc thuộc một trong các thời kì lịch sử dân tộc (1945-1954, 1954-1975, hoặc hiện nay), làm sáng tỏ quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giữ vững quyền tự do và độc lập.

Chọn một thời kì lịch sử nhất định và ít nhất hai sự kiện trong thời kì đó để làm sáng tỏ ý chí/hành động quyết tâm giữ vững quyền tự do và độc lập của nhân dân Việt Nam. (1,00)

Câu IV (2,0 điểm)

1. Căn cứ vào nội dung Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, nhận xét ý kiến: Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương đã chia Việt Nam thành hai quốc gia với đường biên giới là vĩ tuyến 17.

  • Nhận xét những điểm khác nhau giữa nội dung Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương với ý kiến đã nêu. (0,50)
  • Trên cơ sở đó, có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, đánh giá, phê bình, thể hiện thái độ..., nhưng phải nhận xét được ý kiến đã nêu là không đúng/không phù hợp/trái với nội dung của Hiệp định Giơnevơ. (0,50)

2. Từ những nhân tố chủ quan đảm bảo thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Nam (1945-1954), lựa chọn một nhân tố cần phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Nêu ý kiến cá nhân về việc thanh niên Việt Nam cần làm để góp phần củng cố và phát triển nhân tố đó.

  • Lựa chọn một trong những nhân tố chủ quan như: sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần yêu nước của nhân dân, chính quyền dân chủ nhân dân, mặt trận dân tộc thống nhất, hậu phương vững mạnh, lực lượng vũ trang nhân dân...; giải thích thuyết phục lý do lựa chọn. (0,50)
  • Nêu ý kiến cá nhân có tính thuyết phục về một hoặc một số việc cụ thể, thiết thực mà thanh niên Việt Nam cần làm để góp phần củng cố và phát triển nhân tố đã lựa chọn, phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. (0,50)
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Lịch Sử khối C

    Xem thêm