Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đáp án tập huấn môn Khoa học tự nhiên lớp 6 sách Chân trời sáng tạo

Đáp án tập huấn môn Khoa học tự nhiên lớp 6 sách Chân trời sáng tạo là câu hỏi và đáp án phần Tự luận giúp thầy cô giáo tham khảo, hoàn thành tập huấn Chương trình bồi dưỡng giáo viên của mình và chuẩn bị hiệu quả cho các bài học bộ sách Chân trời sáng tạo năm 2021 - 2022.

Chuyên mục sách mới

Đáp án trắc nghiệm tập huấn KHTN 6 chân trời sáng tạo

Câu 1. Khi mở nắp một chai nước giải khát, ta thấy bong bóng xuất hiện ở khắp nơi trong nước. Hiện tượng trên được giải thích như thế nào?

A. Nước giải khát chứa chất phản ứng với không khí gây hiện tượng sủi bọt

B. Khí oxygen tan trong nước ngọt thoát ra ngoài do độ tan của nó giảm

C. Nắp chai chứa một ít hóa chất làm sủi bọt, và nó rớt xuống khi bị khui ra

D. Khí carbon dioxide tan trong nước ngọt thoát ra ngoài

Đáp án D

Câu 2. Có bao nhiêu loại nhiên liệu sau đây là nhiên liệu thân thiện với môi trường: biogas, dầu mỏ, than đá, xăng sinh học?

A. 2

B. 1

C. 3

D. 4

Đáp án A

Câu 3. Một ô tô đang chạy trên đường nằm ngang thì đột ngột tắt máy, xe chạy thêm một đoạn rồi mới dừng hẳn là do

A. thế năng xe luôn giảm dần.

B. động năng xe đã chuyển hóa thành nhiệt năng tiếp tục đốt cháy nhiên liệu cho xe chuyển động.

C. động năng xe đã chuyển hóa thành dạng năng lượng khác do ma sát.

D. động năng xe đã chuyển hóa thành thế năng.

Đáp án C

Câu 4. Với các hành tinh sau của hệ Mặt Trời: Hoả tinh, Kim tinh, Mộc tinh, Thổ tinh, Thuỷ tinh.

Chu kì chuyển động quanh Mặt Trời của các hành tinh theo thứ tự giảm dần là

A. Thuỷ tinh, Kim tinh, Hoả tinh, Mộc tinh, Thổ tinh

B. Kim tinh, Mộc tinh, Thuỷ tinh, Hoả tinh, Thổ tinh

C. Thổ tinh, Mộc tinh, Hoả tinh, Kim tinh, Thuỷ tinh

D. Thuỷ tinh, Hoả tinh, Thổ tinh, Kim tinh, Mộc tinh

Đáp án C

Câu 5. Trong những trường hợp dưới đây, có bao nhiêu trường hợp xuất hiện lực không tiếp xúc?

a) Tay của bạn Lan làm lò xo giãn ra.

b) Mặt Trăng chuyển động quanh Trái Đất.

c) Hai thanh nam châm đẩy nhau ra.

d) Học sinh ngồi lên nệm làm nệm bị lún xuống.

e) Hạt mưa đang rơi xuống đất.

A. 1

B. 2

C. 3

D. 4

Đáp án C

Câu 6. Biện pháp nào sau đây không phải là bảo vệ đa dạng sinh học?

A. Dừng hết mọi hoạt động khai thác động vật, thực vật của con người

B. Nghiêm cấm phá rừng để bảo vệ môi trường sống của các loại sinh vật

C. Cấm săn bắt, buôn bán, sử dụng trái phép các động vật hoang dã

D. Tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong nhân dân để mọi người tham gia bảo vệ rừng

Đáp án A

Câu 7. Giờ thực hành quan sát tế bào dưới kính hiển vi, một học sinh quan sát mẫu vật có thành tế bào, nhân và lục lạp. Mẫu vật đang được quan sát có thể thuộc trường hợp nào sau đây?

A. Tế bào má ở người

B. Tế bào lá cây bạch đàn

C. Tế bào vi khuẩn

D. Tế bào lông mèo

Đáp án B

Câu 8. Ba công cụ nào trong số các công cụ đánh giá sau đây thường được ưu tiên sử dụng để đánh giá năng lực thực hành thí nghiệm của học sinh trong dạy học môn Khoa học tự nhiên?

1. Thang đo

2. Bảng chấm điểm theo tiêu chí

3. Bảng kiểm (checklist)

4. Câu hỏi

A. 1, 2, 3

B. 2, 3, 4

C. 1, 3, 4

D. 1, 2, 4

Đáp án A

Câu 9. Trong dạy học môn Khoa học tự nhiên, để đánh giá năng lực giao tiếp và hợp tác, giáo viên nên sử dụng các công cụ nào?

A. Bài tập và rubric.

B. Hồ sơ học tập và câu hỏi.

C. Bảng hỏi ngắn và checklist.

D. Thang đo và thẻ kiểm tra.

Đáp án A

Câu 10. Một giáo viên muốn đánh giá năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học của HS khi học tập môn Khoa học tự nhiên, giáo viên nên sử dụng những công cụ đánh giá nào sau đây?

A. Bảng hỏi ngắn và checklist.

B. Bài tập thực nghiệm và bảng kiểm

C. Câu hỏi và hồ sơ học tập

D. Thẻ kiểm tra và bài tập thực nghiệm.

Đáp án B

Hỏi - đáp môn Khoa học tự nhiên lớp 6

Câu 1. Môn Khoa học tự nhiên được hiểu như thế nào?

Trả lời:

Môn Khoa học tự nhiên (KHTN) được xây dựng và phát triển trên nền tảng các khoa học Vật lí, Hoá học, Sinh học và Khoa học Trái Đất; có đối tượng nghiên cứu là các sự vật, hiện tượng, quá trình, thuộc tính cơ bản về sự tồn tại và vận động của thế giới tự nhiên. Môn KHTN ở cấp Trung học cơ sở (THCS) được xây dựng trên cơ sở tích hợp các nguyên lí và khái niệm chung nhất của các lĩnh vực khoa học Vật lí, Hoá học, Sinh học thông qua bốn chủ đề lớn: Chất và sự biến đổi của chất; Vật sống; Năng lượng và sự biến đổi; Trái Đất và bầu trời, đồng thời bảo đảm tính logic bên trong các mạch nội dung của từng lĩnh vực khoa học riêng biệt.

Câu 2. Môn Khoa học tự nhiên ở cấp Trung học cơ sở được tiếp nối với các môn học ở cấp Tiểu học như thế nào?

Trả lời:

Ở cấp Tiểu học, lớp 1 đến lớp 3 có Tự nhiên trong môn Tự nhiên và Xã hội; lớp 4 và lớp 5 có môn Khoa học. Khi đến cấp THCS phát triển thành môn KHTN. Như vậy, mạch kiến thức có sự liên thông và logic từ cấp Tiểu học đến cấp THCS, kế thừa, tiếp nối các kiến thức đã học ở cấp Tiểu học để hình thành phương pháp học tập, hoàn chỉnh kiến thức và kĩ năng nền tảng để tiếp tục học lên bậc học cao hơn, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Câu 3. Thời lượng môn Khoa học tự nhiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với ba môn Vật lí, Sinh học, Hoá học theo chương trình hiện hành như thế nào?

Trả lời:

Về thời lượng, không tăng thời lượng dạy học. Môn KHTN theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được xây dựng cả cấp học là 560 tiết, chiếm 12% tổng số giờ của tất cả các môn học cấp THCS. So với chương trình của một số nước, môn KHTN chiếm từ 11 đến 14%, như vậy môn KHTN theo chương trình GDPT 2018 ở mức trung bình. So với chương trình hiện hành (tổng số 3 môn Vật lí, Hoá học và Sinh học là 595 tiết), số tiết của môn KHTN giảm 35 tiết.

Câu 4. Về nội dung môn Khoa học tự nhiên có sự điều chỉnh như thế nào?

Trả lời:

Về nội dung, môn KHTN có sự điều chỉnh theo hướng nhẹ hơn và hấp dẫn hơn đối với người học do không đi sâu mô tả các đối tượng mà đi thẳng vào chức năng và ý nghĩa ứng dụng thực tiễn của chúng, làm cho nội dung có ý nghĩa thực tiễn và gần gũi với cuộc sống hơn.

Ví dụ: khi học về thực vật học, chương trình không tập trung vào mô tả cấu trúc của các cơ quan thực vật mà tập trung vào chức năng hoạt động và ý nghĩa thực tiễn của các cơ quan, hệ cơ quan. Khi học về Hoá học, Vật lí và Sinh học, các khái niệm, định luật,... được tiếp cận theo phương pháp làm nổi bật bản chất, ý nghĩa khoa học, tránh làm cho chương trình nặng hơn.

Câu 5. Môn Khoa học tự nhiên được điều chỉnh nội dung trùng lặp giữa các môn học Vật lí, Hoá học và Sinh học như thế nào?

Trả lời:

Môn KHTN theo chương trình GDPT 2018 được điều chỉnh giảm nội dung trùng lặp giữa các phân môn Vật lí, Hoá học và Sinh học. Ví dụ: nội dung protein, lipid, carbohydrate đã dạy trong kiến thức hoá học thì sẽ không dạy trong kiến thức sinh học; khái niệm vật chất đã dạy trong nội dung hoá học sẽ không cần dạy trong nội dung vật lí; chủ đề về năng lượng trước đây được dạy riêng trong từng môn học sẽ được tích hợp chung trong một chủ đề Năng lượng và sự biến đổi.

Câu 6. Đối với chương trình hiện hành, môn Hoá học được giảng dạy từ lớp 8, tuy nhiên môn Khoa học tự nhiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, kiến thức phần hoá được giảng dạy từ lớp 6. Như vậy thời lượng kiến thức phần hoá có nặng hơn so với chương trình hiện hành hay không. Học sinh lớp 6 có gặp khó khăn khi tiếp cận kiến thức phần hoá học?

Trả lời:

Về thời lượng: Môn KHTN theo Chương trình GDPT 2018 được xây dựng cả cấp học là 560 tiết, trong đó phân môn Hoá học được phân bố như sau: lớp 6 chiếm 15%, lớp 7 chiếm 20%, lớp 8 chiếm 29% và lớp 9 chiếm 31%. Trong cả cấp học, phần Hoá học được phân bố 133 tiết, giảm so với chương trình hiện hành (tổng số tiết của môn Hoá lớp 8, lớp 9 được phân bố 140 tiết). Mặc dù kiến thức hoá học được đưa vào từ lớp 6 nhưng với dung lượng ở lớp 6 chiếm tỉ lệ ít (15%) và được tăng dần ở các lớp tiếp theo.

Về nội dung: Phần kiến thức hoá học trong SGK KHTN 6 nằm trọn trong chủ đề “Chất và sự biến đổi chất”. Các nội dung của chủ đề “Chất và sự biến đổi của chất” trong môn KHTN không phải là nội dung hoàn toàn mới mà được phát triển ở mức độ cao hơn trên cơ sở các kiến thức nền tảng, mang tính chất cụ thể, trực quan đã được học ở môn Khoa học lớp 4, 5. Vì vậy, học sinh (HS) lớp 6 hoàn toàn có thể thích ứng tốt khi học chủ đề này.

Câu 7. Việc sắp xếp, phân công, đào tạo đội ngũ giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên như thế nào để triển khai dạy học một cách hiệu quả?

Môn KHTN được thiết kế vẫn giữ các mạch nội dung gần với mạch kiến thức của Hoá học, Vật lí hay Sinh học sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phân công giáo viên (GV) dạy học. Trường hợp đơn giản nhất, GV hiện đang dạy môn học nào vẫn tiếp tục dạy được mạch nội dung liên quan đến môn đó.

Ví dụ: GV đang dạy môn Vật lí sẽ thuận lợi khi dạy về mạch nội dung Năng lượng và sự biến đổi, GV đang môn Hoá học sẽ rất thuận lợi khi dạy về mạch nội dung Chất và sự biến đổi của chất, GV đang dạy môn Sinh học sẽ thuận lợi khi dạy về mạch nội dung Vật sống. GV đang dạy môn học nào cũng có thể dạy được Phần mở đầu về KHTN.

Tuỳ theo năng lực của mỗi GV, có những GV chỉ dạy được một mạch nội dung nhưng cũng có nhiều GV dạy được hai hoặc cả ba mạch nội dung. Do vậy, căn cứ vào đội ngũ và năng lực GV hiện có mà nhà trường có kế hoạch phân công hợp lí. Đồng thời, cũng cần xây dựng kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng để GV có thể đảm nhận được việc giảng dạy nhiều mạch nội dung hơn.

Câu 8. Vai trò của môn Khoa học tự nhiên trong việc thúc đẩy giáo dục STEM như thế nào?

Trả lời:

KHTN là môn học có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của HS, có vai trò nền tảng trong việc hình thành và phát triển thế giới quan khoa học của HS cấp THCS. Cùng với các môn Toán học, Công nghệ và Tin học, môn KHTN góp phần thúc đẩy giáo dục STEM, một trong những hướng giáo dục đang được quan tâm phát triển trên thế giới cũng như ở Việt Nam, góp phần đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trẻ cho giai đoạn công nghiệp hoá và hiện đại hoá của đất nước.

Câu 9. Về nội dung, sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 6 – Bộ sách Chân trời sáng tạo của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có những điểm mới nổi bật gì?

Trả lời:

Sách được biên soạn trên quan điểm lí thuyết dạy học kiến tạo, dựa vào chuỗi các hoạt động hình thành kiến thức/kĩ năng từ đó phát triển năng lực và phẩm chất cho HS. Cụ thể mỗi đơn vị kiến thức được hình thành bằng các hoạt động quan sát bối cảnh, tình huống trong thực tế thông qua kênh hình hoặc yêu cầu làm thực hành thí nghiệm. Hoạt động này được thực hiện qua việc thảo luận các câu hỏi hoặc nhiệm vụ gợi ý trong SGK, giúp HS rút ra kiến thức trọng tâm và hình thành, phát triển năng lực của bài học. Qua đó, tác động đến thái độ và hành vi của HS, góp phần phát triển các giá trị phẩm chất.

Câu 10. Về hình thức và cách trình bày, sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 6 – Bộ sách Chân trời sáng tạo của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có những điểm gì mới?

Trả lời:

Sách được trình bày bởi hai khối bao gồm: Khối nguyên liệu hình thành kiến thức và khối hệ thống câu hỏi/nhiệm vụ giúp HS thảo luận/thực hành để tự rút ra kiến thức, kĩ năng và qua đó phát triển năng lực và phẩm chất. Sách được thiết kế với sự kết hợp hài hoà, cân đối giữa kênh chữ và kênh hình, đảm bảo tính khoa học và tính giáo dục cao, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của HS lớp 6. Cụ thể là:

+ Kênh chữ: thể hiện câu văn ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu. Các kiến thức của bài được trình bày gọn gàng và súc tích, đảm bảo tính khoa học. Các câu hỏi, yêu cầu trong mỗi bài học gợi ý cho HS về cách thức tiếp cận kiến thức khoa học từ trải nghiệm thực tiễn. Đồng thời gợi ý, tạo điều kiện cho GV vận dụng kết hợp nhiều phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo hướng tích cực hoá hoạt động của HS.

+ Kênh hình: Hình ảnh minh hoạ thực tế với mục đích cung cấp cho HS các dữ liệu có thực trong đời sống cũng như trong nghiên cứu khoa học, làm cơ sở để HS thảo luận theo hướng dẫn trong SGK. Qua đó tạo hứng thú cho HS trong học tập và giúp HS có cơ hội tiếp nhận thông tin một cách trực quan, chính xác.

Câu 11. Phần Mở đầu mỗi bài học có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Phần Mở đầu bài học thường là một tình huống hoặc câu hỏi gây sự tò mò, tạo hứng thú, và kích thích, lôi cuốn HS học tập. GV không yêu cầu HS trả lời ngay câu hỏi trong phần mở đầu mà có thể học xong bài học, HS mới có đủ dữ liệu để trả lời những câu hỏi này. Để hoạt động mở đầu sinh động và hấp dẫn, GV có thể sử dụng thêm hình ảnh minh hoạ.

Câu 12. Làm thế nào để tổ chức cho học sinh thảo luận một cách hiệu quả các câu hỏi trong sách giáo khoa?

Trả lời:

Sách giáo viên sẽ hướng dẫn chi tiết GV cách tổ chức cho HS thảo luận các câu hỏi hoặc nhiệm vụ trong SGK.

Câu 13. Hệ thống câu hỏi/nhiệm vụ thảo luận trong sách giáo khoa nhằm mục đích gì?

Trả lời:

Hệ thống câu hỏi/nhiệm vụ thảo luận trong SGK nhằm mục đích giúp HS tự hình thành những kiến thức, kĩ năng trọng tâm của bài học. Với hệ thống câu hỏi/nhiệm vụ thảo luận này, giúp HS dễ dàng phát triển năng lực tự học.

Câu 14. Có bắt buộc phải thảo luận hết các câu hỏi/nhiệm vụ trong sách giáo khoa không?

Không. Tuỳ vào trình độ, khả năng học tập của HS mà GV có thể khai thác những câu thảo luận phù hợp hoặc bổ sung thêm những câu hỏi khác.

Câu 15. Câu hỏi luyện tập và vận dụng trong sách giáo khoa khác nhau điểm gì? Tham khảo ở đâu để trả lời chính xác các câu hỏi này?

Trả lời:
Câu hỏi luyện tập thường là nội dung ôn tập lại kiến thức vừa được học. Câu hỏi vận dụng thường gắn với tình huống thực tế, đòi hỏi HS phải hiểu vấn đề của bài học để phân tích, giải thích, tìm phương án giải quyết.

Sách giáo viên sẽ có gợi ý để trả lời các nội dung này.

Câu 16. Làm thế nào để hướng dẫn học sinh giải các bài tập cuối mỗi bài học trong sách giáo khoa?

Trả lời:

Sách giáo viên sẽ hướng dẫn chi tiết giải các bài tập trong SGK.

Câu 17. Ôn tập, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học sinh theo sách giáo khoa này như thế nào?

Trả lời:

Sau mỗi chủ đề sẽ có một tiết ôn tập và được hướng dẫn chi tiết trong sách giáo viên. Việc kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của HS được tiến hành theo hai hình thức: đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì với thời lượng 10% (tương đương 14 tiết).

Câu 18. Việc phân bố số tiết cho mỗi bài học trong sách giáo khoa căn cứ vào cơ sở nào?

Trả lời:

Tuỳ vào mục tiêu (yêu cầu cần đạt) và nội dung của từng bài học mà số tiết được phân bố khác nhau. Số tiết cụ thể cho từng bài có thể tham khảo trong phân phối chương trình môn KHTN 6 có trong sách giáo viên.

Ngoài ra các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm đề thi học kì 1 lớp 6 đề thi học kì 2 lớp 6 các môn Toán, Văn, Sử, Địa, Vật Lý, Sinh, Tiếng Anh,..... và các dạng bài ôn tập môn Ngữ Văn 6, và môn Toán 6. Những đề thi này được VnDoc.com sưu tầm và chọn lọc từ các trường THCS trên cả nước nhằm mang lại cho học sinh lớp 6 những đề ôn thi học kì 2 chất lượng nhất. Mời các em cùng quý phụ huynh tải miễn phí đề thi về và ôn luyện.

Đánh giá bài viết
21 11.046
Sắp xếp theo

    Mẹo dạy học hay

    Xem thêm