Đề thi học kì 1 lớp 10 môn Văn năm học 2021 - 2022 Đề 1

Đề thi học kì 1 năm 2021 môn Văn 10 Đề 1 do VnDoc biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 10 trong quá trình ôn thi học kì 1 luyện thêm đề môn Ngữ văn có đáp án.

Đề thi học kì 1 lớp 10 môn Ngữ văn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:

  • Phần Đọc hiểu văn bản được chọn lọc bám sát chương trình học.
  • Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình.

Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 10.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.

Đề thi học kì 1 năm 2021 môn Văn 10

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Trên mạng xã hội, mỗi người là một ông bầu của chính mình trong cuộc xây dựng cho mình một hình ảnh cá nhân. Chúng ta đã trở nên kỳ quặc mà không hề biết. Hãy hình dung cách đây mười năm, trong một buổi họp lớp, một người bỗng nhiên liên tiếp quẳng ảnh con cái, ảnh dã ngoại công ty, ảnh con mèo, ảnh bữa nhậu, ảnh lái ô tô, ảnh hai bàn chân mình, ảnh mình trong buồng tắm lên bàn – chắc hẳn người đó sẽ nhận được những ánh mắt ái ngại (…)

Chiếc smartphone đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới của nó bao giờ cũng đầy hứa hẹn. Nhưng càng kết nối, càng online, thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn. Chỗ này một cái like, chỗ kia một cái mặt cười, khắp nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội vã. Càng bận rộn để giao tiếp nhiều thì chúng ta lại càng không có gì để nói trong mỗi giao tiếp. Ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn, trên mạng xã hội ta bị xáo trộn, bứt rứt, và ghen tị với cuộc sống của người khác như một người đói khát nhìn một bữa tiệc linh đình qua cửa sổ mà không thể bỏ đi. Đêm khuya, khi các chấm xanh trên danh sách friend dần dần tắt, người ta cuộn lên cuộn xuống cái news feed để hòng tìm một status bị bỏ sót, một cứu rỗi kéo dài vài giây, một cái nhìn qua lỗ khóa vào cuộc sống của một người xa lạ, để làm tê liệt cảm giác trống rỗng.

(Trích Bức xúc không làm ta vô can, Đặng Hoàng Giang)

Câu 1 (0,5đ): Đoạn trích trên bàn về ảnh hưởng của mạng xã hội đến đời sống tinh thần hay vật chất?

Câu 2 (0,5đ): Theo tác giả, chiếc smartphone đem đến cho con người những lợi ích và tồn tại gì?

Câu 3 (1đ): Tại sao tác giả cho rằng, những trải nghiệm trên mạng xã hội sẽ “ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay hay một tác phẩm nghệ thuật lớn”?

Câu 4 (1đ): Qua những cảnh báo trong đoạn trích, anh/chị rút ra bài học gì?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Nghị luận về câu nói: "Nghị lực và bền bỉ có thể chinh phục được mọi thứ".

Câu 2 (5đ): Cảm nghĩ của anh/chị về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân.

Hướng dẫn giải Đề thi học kì 1 lớp 11 môn Ngữ văn

Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5đ):

Đoạn trích trên bàn về ảnh hưởng của mạng xã hội đến đời sống tinh thần.

Câu 2 (0,5đ):

Lợi ích của chiếc smartphone: khiến người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới của nó bao giờ cũng đầy hứa hẹn.

Tồn tại: làm chúng ta cô đơn hơn.

Câu 3 (1đ):

Tác giả cho rằng, những trải nghiệm trên mạng xã hội sẽ “ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay hay một tác phẩm nghệ thuật lớn” vì: khắp nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội vã. Càng bận rộn để giao tiếp nhiều thì chúng ta lại càng không có gì để nói trong mỗi giao tiếp.

Câu 4 (1đ):

Bài học được rút ra từ những cảnh báo trong đoạn trích: không nên lạm dụng quá nhiều vao chiếc smartphone, biết cân bằng giữa cuộc sống thực tại và thế giới ảo; dành thời gian nhiều hơn cho bản thân và những người xung quanh.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ):

Dàn ý Nghị luận về câu nói Nghị lực và bền bỉ có thể chinh phục được mọi thứ

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu nói Nghị lực và bền bỉ có thể chinh phục được mọi thứ.

2. Thân bài

a. Giải thích

Nghị lực: là sự nhẫn nại, cố gắng, quyết tâm vươn lên, theo đuổi mục tiêu của mình cho dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại và vấp ngã.

Câu nói khuyên con người ta nên kiên trì, nhẫn nại và cố gắng với những gì mình đang làm, đang theo đuổi.

b. Phân tích

Tất cả mọi việc trên đời này không phải dễ dàng mà thành công được, để đạt được thành công, chúng ta phải cần có ý chí theo đuổi mục tiêu. Có thể nói, ý chí, nghị lực chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành công của con người.

Nếu trong xã hội con người ai khi gặp khó khăn cũng bỏ cuộc thì xã hội sẽ không phát triển được như hiện nay, con người sẽ rơi vào bế tắc.

Người có ý chí, nghị lực luôn là tấm gương sáng để chúng ta học tập và noi theo, giúp xã hội này tiến bộ hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng để minh họa cho bài làm văn của mình.

Gợi ý: nhà giáo Nguyễn Ngọc Kí, chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà bác học Thomas Edison,…

d. Phản đề

Trong xã hội vẫn còn có nhiều người nóng vội, muốn đạt được thành quả nhanh chóng, lại có người dễ nản chí, bỏ cuộc khi gặp khó khăn,… những người này đáng bị xã hội chỉ trích, phê phán.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: câu nói Nghị lực và bền bỉ có thể chinh phục được mọi thứ đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Câu 2 (5đ):

Dàn ý Cảm nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân

1. Mở bài

Giới thiệu hình ảnh người phụ nữ và những câu ca dao than thân.

2. Thân bài

a. Bài ca dao số 1

Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

So sánh: “thân em - tấm lụa đào”: sự mỏng manh, yếu đuối của người phụ nữ, cần được che chở, yêu thương, nâng niu, đùm bọc.

“Phất phơ giữa chợ”: hình ảnh bơ vơ, trơ trọi giữa nơi đông người qua lại → gợi cảm giác cô đơn, tội nghiệp.

“biết vào tay ai”: tự vấn với bản thân mình, không biết số phận mình sẽ ra sao, sẽ đi về đâu.

→ Bài ca dao là lời than trách, giãi bày nỗi lòng đau khổ của người phụ nữ với số phận của chính bản thân mình khi không được lựa chọn số phận, cuộc đời.

b. Bài ca dao số 2

"Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Không tin bóc vỏ mà xem
Ăn rồi mới biết rằng em ngọt bùi"

So sánh: “thân em - củ ấu gai” kết hợp với sự đối lập giữa “ngoài đen - trong trắng” làm nổi bật những tính cách, phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ, thể hiện tấm lòng sắt son của họ đồng thời khẳng định: Vẻ đẹp không chỉ là ngoại hình, đặc điểm bên ngoài mà còn là những tính cách, phẩm chất tốt đẹp bên trong, chỉ khi tiếp xúc và hiểu được tấm lòng ấy mới thấy nó đẹp đẽ, cao cả.

c. Những bài ca dao khác

“Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”

So sánh: “thân em - hạt mưa sa”: gợi cảm giác nhỏ bé, yếu ớt.

“Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”: số phận bấp bênh, không được lựa chọn cho mình một cuộc sống như mình mong muốn → Thể hiện sự bất lực, là tiếng than và cũng là tiếng kêu mong muốn xã hội có sự thay đổi để mình có được cuộc sống tốt hơn.

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”

“Chiều chiều”: hoạt động hằng ngày, thường xuyên, liên tục.

“ruột đau chín chiều”: nhấn mạnh, phóng đại nỗi nhớ da diết về quê mẹ.

Người phụ nữ “xuất giá tòng phu”, lấy chồng phải theo chồng, dù có tủi nhục, nhớ nhung cũng không được về với mẹ, về với nơi mình sinh ra dù trong lòng mong ngóng và luôn hướng về quê mẹ → Thể hiện sự bất công của xã hội với người phụ nữ.

3. Kết bài

Khái quát lại ý nghĩa của những bài ca dao than thân đồng thời rút ra kết luận.

-----------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi học kì 1 năm 2021 môn Văn 10 Đề 1. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Địa lý lớp 10, Trắc nghiệm Tiếng Anh 10, Chuyên đề Toán 10, Giải bài tập Vật lý 10 nâng cao mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em học tập thật tốt.

Đánh giá bài viết
1 633
Sắp xếp theo

    Đề thi học kì 1 lớp 10

    Xem thêm