Đề thi học kì 1 lớp 10 môn Văn năm học 2021 - 2022 Đề 6
Đề thi học kì 1 năm 2021 môn Văn 10 Đề 6 do VnDoc biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 10 trong quá trình ôn thi học kì 1 luyện thêm đề môn Ngữ văn có đáp án.
Ngữ văn 10 - Đề thi học kì 1
Đề thi học kì 1 lớp 10 môn Ngữ văn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:
- Phần Đọc hiểu văn bản được chọn lọc bám sát chương trình học.
- Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình.
Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 10.
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.
Đề thi học kì 1 năm 2021 môn Văn 10
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
(Tương tư - Nguyễn Bính)
Câu 1 (0,25đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?
Câu 2 (0,75đ): Biện pháp nghệ thuật nổi bật trong đoạn thơ là gì? Nêu tác dụng.
Câu 3 (1đ): Qua đoạn thơ, em nêu cảm nhận của mình về tình yêu đôi lứa ngày xưa?
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Nghị luận về câu nói: Sách là người bạn lớn của con người
Câu 2 (5đ): Cảm nhận về sự lạc quan, yêu đời của con người Việt Nam qua bài ca dao hài hước số 1.
Hướng dẫn giải Đề thi học kì 1 lớp 11 môn Ngữ văn
Đọc hiểu văn bản
Câu 1 (0,25đ):
Đoạn thơ được viết theo thể thơ lục bát.
Câu 2 (0,75đ):
Biện pháp nghệ thuật nổi bật: ẩn dụ (cau, giầu, thôn Đoài, thôn Đông để chỉ người con trai và con gái trong tình yêu) và câu hỏi tu từ (Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?).
Tác dụng: nhấn mạnh nỗi nhớ và tình cảm tha thiết dành cho người thương đồng thời làm cho những câu thơ giàu hình ảnh hơn, hấp dẫn người đọc.
Câu 3 (1đ):
- Cảm nhận về tình yêu đôi lứa ngày xưa:
Họ luôn hướng về người yêu, hướng về nhau.
Nỗi nhớ được thể hiện thầm kín vô cùng đáng yêu.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ):
Dàn ý nghị luận xã hội về ý kiến Sách là người bạn lớn của con người
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: ý kiến Sách là người bạn lớn của con người.
2. Thân bài
a. Giải thích
Sách: nơi lưu trữ những kiến thức từ lâu đời đến hiện tại ở nhiều lĩnh vực khác nhau giúp con người mở mang tầm hiểu biết và hoàn thiện bản thân. Đọc sách giúp con người tiếp thu nguồn tri thức, suy nghĩ đúng đắn hơn và đủ kiến thức để tìm kiếm công việc nuôi sống mình.
b. Phân tích
Mỗi con người không thể trưởng thành, mở rộng tầm hiểu biết nếu không tiếp thu, lĩnh hội kiến thức, kiến thức được ghi lại, tập trung chủ yếu dưới dạng sách vở.
Mỗi người cũng có thể chia sẻ bài học, lan tỏa thông điệp tốt đẹp thông qua sách vở.
Nếu các thế hệ đi trước không lưu lại kiến thức, bài học vào sách vở thì hiện nay chúng ta sẽ không có những bài học bổ ích và xã hội sẽ không phát triển như bây giờ.
Xã hội không có sách vở, kiến thức sẽ chìm trong u tối với sự lạc hậu, những thông điệp tốt đẹp, truyền thống văn hóa không được lưu truyền từ đời nọ sang đời kia tạo nên bản sắc văn hóa riêng.
Sách còn giúp con người giải trí, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng là tầm quan trọng của sách vở đối với đời sống con người.
d. Phản đề
Trong cuộc sống vẫn còn nhiều người chưa ý thức được tầm quan trọng của sách vở, chưa có ý thức đọc sách, trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân mà chỉ lười biếng, dựa dẫm vào người khác…
3. Kết bài
Khẳng định lại tầm quan trọng của sách và rút ra bài học cho bản thân.
Câu 2 (5đ):
Dàn ý Cảm nhận về sự lạc quan, yêu đời của con người Việt Nam qua bài ca dao hài hước số 1
1. Mở bài
Giới thiệu về ca dao và chùm ca dao hài hước. Dẫn dắt vào bài ca số 1.
2. Thân bài
a. Lời dẫn cưới của chàng trai:
Sử dụng biện pháp liệt kê, chàng trai đưa ra một loạt vật dẫn cưới: voi, trâu bò, chuột béo.
Lối nói khoa trương, cường điệu, phóng đại: Chàng trai định dẫn cưới bằng những lễ vật rất có giá trị.
→ Chàng trai đang tưởng tượng về một lễ cưới linh đình, sang trọng. Đó là ước mơ của những chàng trai thôn quê về một ngày vu quy sung túc.
Cách nói giảm dần từ voi – trâu – bò và cuối cùng dừng lại ở con chuột béo: Tái hiện lại hành trình từ tưởng tượng đến trở về với hiện thực của chàng trai.
Thủ pháp tương phản đối lập được sử dụng tài tình, khéo léo để nói về hiện thực: Dẫn voi – quốc cấm, dẫn trâu – máu hàn, dẫn bò – co gân.
→ Lời giải thích hợp tình hợp lí, chính đáng vì lí do chấp hành pháp luật, lo cho sức khỏe họ hàng hai bên chứ không phải vì chàng trai không có.
Chi tiết hài hước: “Miễn là có thú bốn chân/dẫn con chuột béo mời dân mời làng”:
+ Thú bốn chân gợi ra hình ảnh những con vật to lớn, có giá trị.
+ Con chuột béo: Loài vật nhỏ bé, có hại và bị người nông dân ghét bỏ.
+ Sự bất thường của chi tiết: Xưa nay chưa từng thấy ai mang chuột đi hỏi vợ và cũng không thể có một con chuột nào to lớn để có thể mời dân mời làng.
→ Chi tiết hài hước vừa đem lại tiếng cười sảng khoái, vừa thể hiện sự vui tươi, hóm hỉnh của chàng trai, một tâm hồn lạc quan, phóng khoáng, yêu đời.
b. Lời thách cưới của cô gái
- Thái độ của cô gái:
Trước lời dẫn cưới của chàng trai cô gái “lấy làm sang” → Đây là cô gái dí dỏm, vui tươi không kém bạn đời.
Lời nói “Nỡ nào em lại phá ngang” → Ý nhị, khiêm tốn, thông cảm với hoàn cảnh của chàng trai.
Thủ pháp tương phản đối lập: người ta – nhà em, lợn gà – nhà khoai lang → Sự độc đáo, bất thường trong lời thách cưới bởi những lễ vật ấy bình dị đến mức tầm thường. Chính điều này đã tạo nên tiếng cười đùa vui, hóm hỉnh.
- Lời giải thích của cô gái về yêu cầu của mình:
Cách nói giảm dần: To – nhỏ - mê – rím – hà → Cô gái sẵn sàng đón nhận những lễ vật tầm thường, không cần lựa chọn, sắp xếp gì.
Lễ vật được cô chia phần, sắp xếp hợp lí: Mời làng, mời họ, con trẻ, lợn gà → Cô gái là người phụ nữ đảm đang, tháo vát, khéo léo, sống có trước có sau, coi trọng tình nghĩa.
→ Thông qua lời thách cưới và dẫn cưới bất bình thường của chàng trai và cô gái đã cho thấy tâm hồn lạc quan, yêu đời, hài hước của những chàng trai, cô gái thôn quê trong cảnh nghèo khó. Chàng trai tự ý thức được cái nghèo của mình mà tự trào, tự cười cợt, cô gái thấu hiểu cảnh ngộ của hai gia đình mà vui vẻ đón nhận vì cô là người coi trọng tình nghĩa hơn của cải.
3. Kết bài
Khái quát lại đặc điểm chung của ca dao hài hước và trình bày ấn tượng của mình về bài ca dao.
-----------------------
Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi học kì 1 năm 2021 môn Văn 10 Đề 6. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Địa lý lớp 10, Trắc nghiệm Tiếng Anh 10, Chuyên đề Toán 10, Giải bài tập Vật lý 10 nâng cao mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.
Chúc các em học tập thật tốt.