Đề thi học kì 2 môn Văn 11 Kết nối tri thức - Đề 4
Đề kiểm tra học kì 2 môn Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - Đề 4
Đề thi học kì 2 môn Văn 11 Kết nối tri thức - Đề 4 được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết được tổng hợp gồm có 2 phần đọc hiểu và làm văn. Thí sinh làm bài trong thời gian 90 phút. Mời các bạn cùng theo dõi và tham khảo thêm đề các môn tại mục Thi học kì 2 lớp 11 nhé.
Đề thi học kì 2 Văn 11 Kết nối tri thức
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản:
Khám phá làng gốm truyền thống Biên Hòa - Đồng Nai
Gốm Biên Hòa - Đồng Nai là sự hòa quyện tài tình giữa đất, nước và lửa, tạo nên những sản phẩm đặc trưng bản sắc, điểm tô cho văn hóa Việt.
[...] (1) Nói đến gốm mỹ nghệ Biên Hòa là nói đến sự kết hợp khéo léo nghệ thuật giữa Tây và ta, giữa cũ và mới, là sự kết tinh giữa kinh nghiệm làm gốm thủ công cổ truyền điêu luyện với kỹ thuật hiện đại của công nghệ Pháp. Tuy nhiên, cái cốt lõi, cái hồn vẫn nằm ở nguyên liệu đất bản địa đặc trưng và men thực vật truyền thống do các nghệ nhân Biên Hòa tạo nên.
[..] (2) Hai yếu tố quan trọng tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của gốm Biên Hòa là nguồn nguyên liệu cao lanh và đất sét màu chất lượng cao cộng với trình độ của đội ngũ thợ gốm có tay nghề. Có thể nói, tài nghệ của thợ gốm Biên Hòa chính là ở chỗ họ đã tiếp thu, hòa nhập được những nét tinh hoa của các nền văn hóa trong các sản phẩm của mình. Quy trình sản xuất một sản phẩm gốm trước hết qua khâu tạo dáng trên bàn xoay hoặc trong khuôn, được trang trí vẽ chìm, đắp nổi hoặc trổ thủng sau đó phủ men màu lên những phần đã trang trí trước khi đưa vào lò nung. Độ lửa, chấm men và kỹ thuật khắc đã làm nên sự hấp dẫn kỳ lạ, độc đáo cho gốm Biên Hòa.
(3)Chỉ tiếc rằng, các kỹ thuật men truyền thống như trắng tàu, đỏ đá và đặc biệt là men xanh trổ đồng và loại gốm đất đen ở Biên Hòa xưa giờ đây đang có nguy cơ bị mai một, rất cần được tập hợp, nghiên cứu và lưu giữ. Làm cách nào để phục hồi, một khi những nghệ nhân am tường kỹ thuật chế tác cũng mất đi?
(Theo Anh Vũ, https://thoidai.com/kham-pha-lang-gom-truyen-thong-bien-hoa-dong-nai)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1 (0,5 điểm): Xác định thể loại của văn bản trên.
Câu 2 (0,5 điểm): Chỉ ra phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản.
Câu 3 (1,0 điểm): Nhan đề của văn bản có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện nội dung văn bản?
Câu 4 (1,0 điểm): Nội dung của đoạn văn: “Chỉ tiếc rằng, các kỹ thuật men truyền thống như trắng tàu, đỏ đá và đặc biệt là men xanh trổ đồng và loại gốm đất đen ở Biên Hòa xưa giờ đây đang có nguy cơ bị mai một, rất cần được tập hợp, nghiên cứu và lưu giữ. Làm cách nào để phục hồi, một khi những nghệ nhân am tường kỹ thuật chế tác cũng mất đi?” gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì?
Câu 5 (1,0 điểm): Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, hãy đề xuất một vài biện pháp để giữ gìn và phát huy nghề gốm truyền thống địa phương.
II. VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Khoảng 10h tối ngày 5/3/2024 (giờ Việt Nam), người dùng trong nước và nhiều nơi trên thế giới bất ngờ bị văng ra khỏi hệ sinh thái ứng dụng Meta, không thể đăng nhập lại và tạm thời bị “ngắt kết nối”. Tình huống trên tạo ra một làn sóng tâm lí đặc biệt cho người dùng mạng xã hội.
Anh (chị) hãy viết một đoạn văn nghị luận bàn về những lợi ích nếu con người tạm thời“ngắt kết nối” với thế giới ảo để “kết nối” với thế giới thực.
Câu 2 (4,0 điểm): Đọc văn bản:
Vườn quê
Tác giả: Gió Phương Nam
Thảo thơm hoa trái vườn quê
Tiếng chim gọi nắng mưa về líu lo
Con thuyền bến vắng nằm mơ
Gió lay thức cả bãi bờ phù sa
Ngọt ngào khúc hát dân ca
Võng trưa vườn mẹ ơi à ru con
Lá reo bóng nắng xoay tròn
Vườn quê nâng giấc tâm hồn tuổi thơ.
(Nguồn: http:// poem.tkaraoke.com)
Anh (chị) hãy viết bài văn phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật bài thơ “Vườn quê” của tác giả Gió Phương Nam.