Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học kì 2 môn Văn 11 Kết nối tri thức - Đề 3

Đề kiểm tra học kì 2 môn Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - Đề 3

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Đề thi học kì 2 môn Văn 11 Kết nối tri thức - Đề 3 để bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết được tổng hợp gồm có 2 phần đọc hiểu và làm văn, thí sinh làm bài trong thời gian 90 phút. Mời các bạn cùng theo dõi và tham khảo thêm đề thi các môn tại mục Thi học kì 2 lớp 11.

Đề thi học kì 2 Văn 11 Kết nối tri thức

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Sương mù là một nét phong vận riêng của sông Hương, xuất hiện khoảng cuối năm đến đầu hạ, vào tinh mơ, cuối chiều và những đêm trăng lạnh; cũng nhiều khi ghé lại bất ngờ như một gã lãng du. Nhiều tháng dài thành phố xưa hư ảo trong sương, dòng sông mịt mù trôi trong cơn mê dài, chỉ còn những ánh lửa thuyền chài lay động ý thức giữa cõi thực và cõi mộng. Người ta ngồi nói chuyện với nhau trong khoang thuyền, chỉ lờ mờ nhìn thấy mặt nhau qua màn sương, trong khi bên ngoài những nét cong mềm của cầu Trường Tiền, những mái đầu đội nón của hoàng thành và những cây bàng, cây bồ đề trụi hết lá hai bên sông đều nhạt nhòa đi thành những nét xuất thần trên những bức tranh lụa cổ. Mùa này, những thiếu nữ Huế thường đi ra ngoài với áo trắng dài, nhìn cứ như những dáng người từ sương mù sinh ra. Dù đi xa hoặc phải thay đổi lối sống, họ vẫn giữ mãi màu áo ấy như kỷ niệm của tình yêu trinh bạch, và những tháng năm âm ỷ mộng đầy trời. Những tháng sương mù đã đưa Huế quay lại với linh hồn một cố đô sâu thẳm trong thời gian; và dù qua bao nhiêu thành phố trên thế giới, người ta vẫn giữ về Huế một ấn tượng riêng của tâm hồn mình, như trong một câu phương ngôn Nhật Bản: “đừng quấy động những gì đã yên tĩnh”.

Phan Bội Châu đã dành hết quãng đời “Ông già Bến Ngự” của mình để viết sách, và cả một khối lượng đồ sộ văn chương triết học của ông đã ra đời trong một lòng thuyền bềnh bồng trên sông Hương. Suốt một đời chọc trời khuấy nước, trở về làm Tô Đông Pha đánh bạn với dòng sông sương mù, Phan Bội Châu tìm thấy ở sông Hương một tâm hồn bè bạn vừa sáng suốt, vừa tinh nghịch để chia sẻ với ông những kinh nghiệm lịch sử làm cho triết nhân nheo mắt cười: “Hương ơi, e phải mày không - sông nọ hóa ra mình có”… Hơn bốn mươi năm sau ngày cụ Phan qua đời, tôi được gặp bà Trần Thị Nữ, người chèo đò cho cụ Phan suốt mười lăm năm ở Huế. Được biết trong bấy nhiêu năm, bà như đã quên hết chuỵên đời, chỉ giữ lại một tấm lòng cô trung với nhà yêu nước vĩ đại. Bà kể lại với mọi người đến thăm vô vàn những kỷ nịêm về cụ Phan, và nhiều đêm như người mộng du bà quanh quẩn giữa cây lá trong vườn, ngâm vang Hải Ngoại Huyết Thư trong tiếng đại bác dội vào thành phố. Một đêm trăng thời đệ nhị thế chiến, cụ Phan neo thuyền giữa sông Hương, chỗ gần cầu Gia Hội để hóng mát. Từ một con thuyền đâu đó chợt cất lên một câu hò lạ:“Biển Thái Bình Dương đang cơn sóng nổi - Chiếc thuyền em trôi nổi tựa cánh bèo. Sao không ra tay giúp chống đỡ chèo - Anh hùng sao lại nằm queo trong thuyền hò ơ, hò ơ…” Cụ Phan giật mình, bảo bà Nữ đi tìm người vừa hò câu mái nhì đến gặp: một cô gái mặc áo vá vai dịu dàng đứng vòng tay cúi đầu trước ông già Bến Ngự, Cụ móc hầu bao thưởng cô lái mấy giác bạc, rồi chắp tay vái tạ; suốt đêm ấy cụ Phan trằn trọc không ngủ.

(Trích Sử thi buồn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, NXB.Văn học, 1986)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Sương mù xuất hiện trên Sông Hương vào thời điểm nào?

Câu 2. Nhân vật nào được nhắc đến trong đoạn văn?

Câu 3. Sau khi đọc xong đoạn trích, anh/chị nhận diện được văn bản trên viết theo thể loại nào?

Câu 4. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong câu văn sau: “Mùa này, những thiếu nữ Huế thường đi ra ngoài với áo trắng dài, nhìn cứ như những dáng người từ sương mù sinh ra.”

Câu 5. Trình bày ngắn gọn cảm nhận về vẻ đẹp của sông Hương và xứ Huế qua câu văn: “Người ta ngồi nói chuyện với nhau trong khoang thuyền, chỉ lờ mờ nhìn thấy mặt nhau qua màn sương, trong khi bên ngoài những nét cong mềm của cầu Trường Tiền, những mái đầu đội nón của hoàng thành và những cây bàng, cây bồ đề trụi hết lá hai bên sông đều nhạt nhòa đi thành những nét xuất thần trên những bức tranh lụa cổ.”

Câu 6. Tác giả muốn nói điều gì khi trích dẫn câu phương ngôn Nhật Bản vào trong văn bản: “đừng quấy động những gì đã yên tĩnh” ?

Câu 7. Nhận xét về cái tôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đoạn văn trên.

Câu 8. Thông điệp có ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra từ đoạn trích là gì? Vì sao?

PHẦN II. VIẾT (4,0 điểm)

Đọc bài thơ sau:

Bài học đầu cho con

Quê hương là gì hở mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về nón lá nghiêng che

Là hương hoa đồng cỏ nội

Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là vàng hoa bí

Là hồng tím giậu mồng tơi

Là đỏ đôi bờ dâm bụt

Màu hoa sen trắng tinh khôi

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ...

Đỗ Trung Quân

*Bài thơ Bài học đầu cho con đăng lần đầu năm 1986 trên báo Khăn quàng đỏ, được nhà thơ làm đề tặng bé Quỳnh Anh, con của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, khi đó mới một tuổi. Khi đăng bài này thì người biên tập có bỏ một vài đoạn và thêm một câu “Sẽ không lớn nổi thành người” ở cuối cùng. Trong tập thơ Cỏ hoa cần gặp (1991), tác giả đã đăng lại nguyên bản như văn bản trên.

* Đỗ Trung Quân sinh năm 1945, quê quán Thành Phố Hồ Chí Minh, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Tác phẩm đã in: Cỏ hoa cần gặp (dẫn theo Thơ Việt Nam thế kỉ XX, NXB GD, tr 947); Thơ của ông mộc mạc, giản dị, giọng thơ chân thành, đằm thắm, da diết.

Thực hiện yêu cầu:

Anh/Chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của bài thơ trên.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Văn

    Xem thêm