Đề cương ôn tập thi học kì 2 môn Ngữ văn 11 Cánh diều

Đề cương ôn tập thi học kì 2 lớp 11 môn Ngữ văn Cánh diều

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Đề cương ôn tập thi học kì 2 môn Ngữ văn 11 Cánh diều để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu ôn thi học kì 2 lớp 11 nhé. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

A. Kiến thức trọng tâm

Bài 7: Tuỳ bút, tản văn,

truyện

Bài 8: Bi kịch

ĐỌC

Đọc hiểu văn bản chú ý đặc trưng của thể loại tuỳ bút, tản văn, truyện kí:

+ Nhận biết và phân tích được sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình trong tuỳ bút, tản văn, giữa hư cấu và phi hư cấu trong truyện kí.

+ Đánh giá được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết qua văn bản; phát hiện được giá trị văn hoá hoặc triết lí nhân sinh từ

văn bản.

Đọc hiểu văn bản chú ý đặc trưng của thể loại bi kịch:

+ Nhận diện, phân tích được các yếu tố lời thoại, hành động, xung đột, nhân vật, cốt truyện, hiệu ứng thanh lọc… trong văn bản bi kịch.

+ Chỉ ra và phân tích được chủ đề, tư tưởng, thông điệp chính của văn bản bi kịch.

THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT

Cách giải thích nghĩa của từ và cách

trình bày tài liệu tham khảo.

Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.

VIẾT

Viết báo cáo nghiên cứu một vấn đề

tự nhiên hoặc xã hội.

Viết bài nghị luận về một tác phẩm kịch.

NÓI NGHE

Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã

hội.

Giới thiệu một tác phẩm kịch.

B. Cấu trúc đề thi (100% tự luận)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Hình thức: trả lời 05 câu hỏi tự luận ngắn Nội dung:

+ Văn bản thuộc thể loại tuỳ bút, tản văn, truyện kí hoặc bi kịch (ngữ liệu ngoài SGK).

+ Kiến thức về đặc trưng của thể loại tuỳ bút, tản văn, truyện kí, bi kịch.

+ Kiến thức đọc hiểu văn bản: phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ, ý nghĩa hình ảnh, chi tiết đặc sắc…

II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Viết đoạn văn nghị luận văn học phân tích và đánh giá một khía cạnh của văn bản hoặc phân tích làm rõ một đặc điểm của thể loại qua văn bản (khoảng 200 chữ).

Câu 2. (4,0 điểm) Viết bài văn nghị luận xã hội.

C. Đề minh họa

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

HÃY NGHE NÓ THÚC BÁO OAN TRẢ CỪU

Có tiếng kèn đồng vang lên. Các đào kép ra diễn một màn tuồng câm.

Một ông vua và một bà hoàng hậu ra, vẻ âu yếm. Hậu ôm lấy vua, vua ôm lấy hậu. Hậu quỳ xuống làm bộ điệu thề thốt. Vua đỡ hậu dậy, ngả đầu vào cổ hậu, rồi nằm xuống trên một luống hoa. Thấy vua ngủ say, hậu lén ra ngoài. Lập tức có một gã đàn ông bước vào, lột lấy vương miện mà hôn hít; đổ thuốc độc vào tai vua rồi đi ra. Hậu quay vào, thấy vua đã chết, làm bộ điệu than khóc thảm thiết. Tên sát nhân cùng với hai ba người nữa vào làm ra vẻ cũng khóc than với hậu và khuân xác chết ra ngoài. Tên sát nhân đưa những tặng phẩm ra và tán tỉnh hậu. Thoạt đầu hậu tỏ vẻ kháng cự từ chối, nhưng sau thì cũng ưng thuận.

Cả bọn vào.

Ô-PHÊ-LI-A: Thưa điện hạ, lớp tuồng câm kia ý nghĩa thế nào? HĂM-LÉT: Chà, chắc là âm mưu ám muội, chuyện chẳng lành đâu. Ô-PHÊ-LI-A: Chắc họ định giới thiệu nội dung của vở tuồng.

Một người giáo đầu ra.

HĂM-LÉT: Nghe anh chàng này nói, ta sẽ rõ. Các đào kép không giữ được gì bí mật đầu. Họ sẽ tiết lộ hết cả.

Ô-PHÊ-LI-A: Điện hạ kì quá, thật kì quá. Để thiếp xem vở tuồng ra sao. [...] HĂM-LÉT: Tâu Lệnh bà, Lệnh bà thấy vở tuồng thế nào?

HẬU: Mẹ nghĩ rằng vai nữ thề thốt quá nhiều. HĂM-LÉT: Ồ, nhưng bà ấy giữ được lời nguyền.

VUA: Con có hiểu được ý nghĩa của vở không? Có điều gì ác ý bên trong không?

HĂM-LÉT: Không, không, tâu Bệ hạ, họ đùa cợt đấy thôi, bỏ thuốc độc đùa đấy thôi, làm chi có điều gì ác ý trên đời này.

VUA: Tên vở tuồng là gì nhỉ?

HĂM-LÉT: Cái bẫy chuột. Lạy chúa, sao lại gọi thế? Đây là theo nghĩa bóng. Vở tuồng diễn lại một cảnh ám sát ở kinh thành Viên. Gông-da-gô là tên quận công, quận chúa là Bap-ti-xta. Lát nữa Bệ hạ sẽ rõ. Câu chuyện khốn nạn quá. Nhưng mà có sao đâu? Bệ hạ, cũng như chúng ta ở đây, lương tâm trong trắng, có chi mà phải động lòng. Kệ cho những kẻ lòng lang dạ thú run sợ, còn chúng ta thì cứ thản nhiên.

Vai Lu-xi-a-nút ra. Đây là vai Lu-xi-a-nút, cháu vua đây.

HĂM-LÉT: [...] Bắt đầu đi, hỡi kẻ sát nhân, đồ khốn khiếp, hãy trút bỏ bộ mặt quỷ mà bắt đầu đi. Nào, quạ đen đang đứng kêu than, hãy nghe nó thúc báo oan trả cừu.
LU-XI-A-NÚT: Ý nghĩ hắc ám, bàn tay rắn chắc, độc dược hiệu nghiệm và thời cơ thuận lợi, thì giờ đồng loã, vì không một ai hay ai biết! Mi, một chất hỗn hợp kì lạ lấy từ tinh cỏ dại, trong đêm khuya thanh vắng, ba lần nhiễm độc, ba lần nữa thần Hi-cát phù phép, hãy đem ma lực tự nhiên, sức mạnh tàn bạo của mi ra mà kết liễu tức thì cuộc đời cường tráng.

Đổ thuốc độc vào tai vua đang ngủ.

HĂM-LÉT: Nó giết vua ở trong vườn để đoạt ngôi báu đấy! Vua này tên là Gông- da-gô. Chuyện hoàn toàn có thật và đã được viết lại bằng ngôn ngữ Ý rất tinh vi. Lát nữa cô sẽ thấy tên sát nhân làm thế nào mà chiếm đoạt được tình yêu của vợ Gông-da-gô.

Ô-PHÊ-LI-A: Chúa thượng đứng dậy kìa. HĂM-LÉT: Sao! Mới bắn đạn giả mà đã sợ à? HẬU: Kìa, Bệ hạ làm sao vậy?

PÔ-LÔ-NI-ÚT: Thôi! Ngừng diễn! VUA: Đuốc đâu, đem đây ngay, đi thôi!

TẤT CẢ: Đuốc đâu! Đuốc đâu! Đuốc đâu!

Tất cả vào trừ Hăm-lét và Hô-ra-xi-ô. HĂM-LÉT (hát): Hừ, cứ để hươu con tử nạn Tiếng đau thương phải rống kêu lên;

Để cho cái chú nai vàng

Ngây thơ đồng cỏ thênh thang giỡn đùa. Kẻ đang thức, kẻ thì mê ngủ,

Ấy sự đời cứ thế mà trôi.

Này bạn ơi, hát như thế mà lại thêm cái mũ lông sù sụ trên đầu, giày hài có đính thêm hai bông hồng xứ Prô-văng-xơ thì, nếu chẳng may số mệnh trớ trêu, ta lâm vận bĩ, liệu có thể theo nghề đào kép được không nhỉ […] Ồ, Hô-ra-xi-ô thân mến. Lời nói của hồn ma thật đáng ngàn vàng nhé. Bạn có thấy không?

HÔ-RA-XI-Ô: Thật rõ quá, thưa Điện hạ. HĂM-LÉT: Đúng vào lúc bỏ thuốc độc.

HÔ-RA-XI-Ô: Tôi nhận thấy rõ ràng lúc đó mặt y biến sắc.

HĂM-LÉT: A ha! Nào, cử nhạc nào! Nào! Các ban nhạc công! Vì nếu đức vua ngài không thích tuồng hài thì chỉ vì tuồng hài không làm ngài thích đấy thôi. Nào! Cử nhạc nào!

[...] Pô-lô-ni-út ra.

PÔ-LÔ-NI-ÚT: Thưa Điện hạ, Hoàng hậu muốn nói chuyện với người ngay bây giờ.

[…]

HĂM-LÉT: “Ngay bây giờ”, nói thì dễ quá. Các bạn ơi, xin lui ra đi cho.

Tất cả vào trừ Hăm-lét.

Giờ đây đúng là lúc đêm khuya thanh vắng, giờ của ma thiêng, quỷ dữ, những nấm mồ hé mở và địa ngục toả tà khí ra khắp thế gian này. Giờ đây ta có thể uống máu nóng và làm những việc khủng khiếp, những việc mà ánh sáng ban ngày phải run lên, kinh sợ khi nhìn thấy. Hãy bình tĩnh lại! Bây giờ ta phải đến gặp mẹ ta. Ôi tim ta hỡi! Đừng để bản chất nhân ái của mi, đừng để linh hồn của Nê-rông thâm nhập vào lồng ngực cứng rắn này. Ác thì được, nhưng quyết không được bất nghĩa bất nhân. Ta sẽ nói với mẹ ta những lời như kim châm dao cắt, nhưng dao thật ta nhất định không dùng. Trong cuộc gặp gỡ này, miệng lưỡi và tâm hồn ta phải hư nguỵ. Những lời nói của ta sẽ làm cho mẹ ta phải tủi hổ, đau đớn, nhưng ra tay hành động thì nhất định tâm hồn ta không bao giờ cho phép.

(Trích Hăm-lét, William Shakespeare tuyển tập tác phẩm, trang 224 – 234)

1. cừu: mối thù.

2. Nê-rông: vua La Mã, nổi tiếng là độc ác, tàn bạo đã giết mẹ là Agrippina.

3. Hư nguỵ: giả tạo.

* Hăm-lét là vở bi kịch năm hồi của Sếch-xpia, được viết vào khoảng năm 1601, cốt truyện phỏng theo một truyện dân gian Đan Mạch. Nội dung vở kịch như sau:

Được tin vua cha đột ngột băng hà, thái tử Hăm-lét đang học ở Đức vội về Đan Mạch chịu tang. Chú ruột của chàng là Clô-đi-út đã lên ngôi vua và lấy mẹ chàng. Hồn ma của vua cha hiện về báo cho chàng biết tội ác của Clô-đi-út và hoàng hậu. Chàng giả điên để tìm kiếm sự thật và đánh lạc hướng kẻ thù. Chàng cũng trả lại kỉ vật cho người yêu là Ô-phê-li-a. Nhân việc gánh hát được vời vào cung điện biểu diễn cho Hăm-lét nguôi ngoai, chàng đã yêu cầu họ diễn một vở kịch có cảnh mưu sát giống như tình tiết Clô-đi-út và hoàng hậu đã làm với cha mình, nhờ đó, Hăm-lét đã phát hiện được sự thật. Chàng định hạ sát Clô-đi-út nhưng lúc đó hắn đang cầu nguyện. Hăm-lét vào phòng hoàng hậu để nói cho “những lời như kim châm dao cắt”, thấy có người nấp sau rèm, tưởng là Clô-đi- út, chàng rút gươm đâm. Không ngờ đó là Pô-lô-ni-út, cha của Ô-phê-li-a. Hăm- lét bị Clô-đi-út cho sang nước Anh với mật thư nhờ vua Anh giết chàng. Giữa đường, chàng phát hiện ra nội dung bức thư và lén thay bằng nội dung nhờ nhà vua trừng phạt hai kẻ đưa thư, còn mình thì trở về Đan Mạch. Ô-phê-li-a đau khổ đến phát điên và bị chết đuối. Clô-đi-út lợi dụng kích động hận thù của La-ớc-tơ, con trai Pô-lô-ni-út, khiến La-ớc-tơ thách Hăm-lét đấu kiếm. Trong cuộc đấu, La- ớc-tơ đâm Hăm-lét bị thương, liền sau đó, họ hăng máu xông lên, cướp đổi lưỡi gươm của nhau, Hăm-lét cũng đâm La-ớc-tơ bị thương bằng mũi gươm của La- ớc-tơ vốn được tẩm thuốc độc từ trước, còn hoàng hậu thì uống nhầm li rượu độc mà Clô-đi-út định dành cho Hăm-lét. Trước khi chết, La-ớc-tơ đã vạch tội Clô- đi-út. Mọi âm mưu tội ác bị phơi bày. Clô-đi-út đã phải nhận lưỡi gươm từ Hăm- lét cho tội ác của y.

Đoạn trích trên là một phần của cảnh II, hồi 3 của vở kịch.

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:

Câu 1. Xác định sự việc trong văn bản.

Câu 2. Văn bản thể hiện xung đột giữa ai với ai?

Câu 3. Chỉ ra diễn biến tâm trạng, hành động của Clô-đi-út trong văn bản.

Câu 4. Anh/ chị hiểu thế nào về lời thoại: “Bắt đầu đi, hỡi kẻ sát nhân, đồ khốn khiếp, hãy trút bỏ bộ mặt quỷ mà bắt đầu đi. Nào, quạ đen đang đứng kêu than, hãy nghe nó thúc báo oan trả cừu”?

Câu 5. Lời thoại “Giờ đây ta có thể uống máu nóng và làm những việc khủng khiếp, những việc mà ánh sáng ban ngày phải run lên, kinh sợ khi nhìn thấy” thể hiện nội tâm của nhân vật Hăm-lét như thế nào?

II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Dựa vào văn bản và phần tóm tắt vở kịch, hãy cho biết trong các nhân vật Hăm-lét, Clô-đi-út, ai là nhân vật bi kịch? Vì sao? (trình bày bằng đoạn văn khoảng 200 chữ).

Câu 2. (4,0 điểm) Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến sau: “Lòng tốt của con người có thể chữa lành các vết thương nhưng lòng tốt cũng cần đôi phần sắc sảo, nếu không chẳng khác nào con số không tròn trĩnh.”

Đánh giá bài viết
1 87
Sắp xếp theo

    Ngữ văn lớp 11

    Xem thêm