Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Hà Huy Tập, Nghệ An năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Hà Huy Tập, Nghệ An năm học 2016 - 2017 được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải, giúp quý thầy cô và các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo nhằm luyện đề, ôn thi học sinh giỏi lớp 11 hiệu quả.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Phan Đình Phùng, Đắk Nông năm học 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Đô Lương 2, Nghệ An năm học 2014 - 2015

SỞ GD& ĐT NGHỆ AN

TRƯỜNG THPT HÀ HUY TẬP

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TRƯỜNG

NĂM HỌC 2016-2017

Môn thi: NGỮ VĂN - LỚP 11

Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian phát đề)

Câu 1 (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu ở dưới:

Narziss là một chàng trai rất xinh đẹp. Vẻ đẹp của chàng khiến các nữ thần phải say mê, đắm đuối. Nhưng chàng không hề để tâm hay đáp lại một ai. Ngày ngày, chàng soi mặt trên hồ nước để tự chiêm ngưỡng sắc đẹp của mình. Chàng say mê mình đến nỗi một ngày kia nghiêng quá đà, ngã xuống hồ và chết đuối. Từ nơi đó mọc lên một bông hoa đẹp mang tên Narziss, đó là hoa thuỷ tiên.

(Lược dẫn theo Nhà giả kim, Paolo Coelho, NXB Văn học, 2015, tr 11)

  1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. (0,5 điểm)
  2. Hãy đặt nhan đề cho đoạn trích. (0,5 điểm)
  3. Nêu nội dung đoạn trích. (1,0 điểm)
  4. Từ câu chuyện về chàng Narziss, nếu được phép giải thích ý nghĩa cho các loài hoa, anh/chị sẽ nói như thế nào về hoa thuỷ tiên? (2,0 điểm)

Câu 2. (6,0 điểm)

Suy nghĩ của anh /chị về nhan đề quyển sách trên.

Câu 3. (10,0 điểm)

Về văn học trào phúng, có ý kiến cho rằng: "Đó là một khái niệm bao trùm lĩnh vực văn học của tiếng cười"

(Từ điển thuật ngữ văn học, Nhiều tác giả, NXB Giáo dục, 2008, tr 303)

Cảm nhận của anh/chị về tiếng cười của Vũ Trọng Phụng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ)

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11

A. YÊU CẦU CHUNG:

  1. Có kiến thức văn học và xã hội đúng đắn, sâu rộng; kĩ năng làm văn tốt: bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và sức gợi cảm, ít mắc lỗi về chính tả, ngữ pháp...
  2. Đáp ứng yêu cầu đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Hướng dẫn chấm chỉ nêu một số nội dung cơ bản, định tính chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng hướng dẫn chấm, không chỉ đánh giá kiến thức và kĩ năng mà còn chú ý đến thái độ, cảm xúc, tình cảm của người viết. Cẩn trọng và tinh tế đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, cần khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo riêng trong nội dung và hình thức bài làm. Chấp nhận các kiến giải khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm, miễn là hợp lí, có sức thuyết phục.
  3. Tổng điểm của toàn bài là 20,0 điểm, cho lẻ đến 0,25 điểm. Hướng dẫn chấm cho từng câu, từng ý trên cơ sở đó giám khảo có thể thống nhất định ra các thang điểm cụ thể khác.

B. YÊU CẦU CỤ THỂ:

Câu I. (4,0 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng:

  • Thí sinh có kĩ năng đọc hiểu văn bản.
  • Diễn đạt rõ ý, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

Yêu cầu về kiến thức:

1. Phương thức biểu đạt của đoạn trích: tự sự

  • Điểm: 0,5: trả lời theo phương án trên
  • Điểm 0: phương án khác hoặc không có câu trả lời

2. Đặt nhan đề cho đoạn trích: HS có thể đặt các nhan đề khác nhau miễn là phù hợp nội dung văn bản và ngắn gọn: theo nhân vật chính, theo một chi tiết đặc sắc trong văn bản, theo nội dung/ý nghĩa văn bản (Narziss, chuyện chàng Narziss, hoa thuỷ tiên, sự tích hoa thuỷ tiên...)

  • Điểm: 0,5 nhan đề phù hợp nội dung văn bản và ngắn gọn
  • Điểm 0,25: nhan đề phù hợp nội dung văn bản nhưng dài dòng
  • Điểm 0: nhan đề không phù hợp nội dung văn bản hoặc không có câu trả lời

3. Nội dung đoạn trích: kể về sự tích hoa thuỷ tiên

  • Điểm 1,0: trả lời theo phương án trên, có thể có cách diễn đạt khác
  • Điểm 0,5: nêu đúng nội dung nhưng diễn đạt còn dài dòng
  • Điểm 0: phương án khác hoặc không có câu trả lời

4. Từ câu chuyện về chàng Narziss, giải thích ý nghĩa cho hoa thuỷ tiên:

  • Chàng Narziss được yêu mến , say mê nhưng không hề để tâm hay đáp lại một ai đó là một người lạnh lùng, vô tình.
  • Chàng tự chiêm ngưỡng sắc đẹp của mình, say mê mình đó là một con người chỉ biết yêu bản thân

Như vậy, hoa thuỷ tiên có thể là là biểu tượng cho những kẻ lạnh lùng, ích kỉ

Giám khảo lưu ý: đây là ý nghĩa do hình tượng văn học gợi ra; đáp án không nêu ý nghĩa của hoa thuỷ tiên trong đời sống

  • Điểm 2,0: nêu được đầy đủ các ý trên, có thể có thêm một số ý nghia khác, miễn là hợp lí
  • Điểm 1,0: nêu được nửa số ý
  • Điểm 0: phương án khác (không căn cứ và nội dung đoạn trích)

Câu 2. (6,0 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng:

  • Thí sinh biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội.
  • Xây dựng bố cục rõ ràng, hệ thống lập luận chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

Yêu cầu về kiến thức:

Đây là dạng đề mở. Thí sinh có thể trình bày suy nghĩ của mình theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được những ý cơ bản sau:

1. Giải thích ý kiến

  • "hướng gió" là những điều kiện khách quan, là hoàn cảnh xã hội nhiều biến động thử thách
  • điều khiển cánh buồm: là hành động của bản thân, yếu tố chủ quan thuộc về con người

Con người không thay đổi được hoàn cảnh thì phải biết tính toán, hành động khắc phục hoàn cảnh hoặc lợi dụng hoàn cảnh để hoàn thành mục tiêu, để đạt được thành công.

Ý kiến trên đề cao vai trò chủ quan của con người trước các điều kiện khách quan của cuộc sống

2. Bàn luận

  • Đây là ý kiến đúng đắn: Sự thành công hay thất bại trong cuộc đời mỗi người là do chính bản thân người ấy quyết định.
    • Hoàn cảnh khách quan là yếu tố ngoài bản thân nên rất khó tác động, trừ các bậc vĩ nhân, không phải tất cả mọi người đều có thể thay đổi hoàn cảnh, cũng không phải hoàn cảnh luôn là điều kiện thuận lợi cho con người. Nếu trong hoàn cảnh khó khăn thử thách mà con người biết vượt lên, biết tự điều chỉnh tư duy, hành động để ứng phó với các yếu tố bất lợi thì sẽ đi đúng hướng và đến được cái đích cần đến.
    • Dù hoàn cảnh có thuận lợi nhưng nếu con người không biết nắm bắt cơ hội, không tận dụng được sự hỗ trợ của các yếu tố khách quan thì sẽ không vươn tới được ước mơ.
  • Mở rộng: Không thể phủ nhận vai trò của hoàn cảnh sống, của các điều kiện khách quan trong sự thành bại của con người.

Gặp điều kiện thuận lợi sẽ được "thuận buồm xuôi gió", gặp "cuồng phong" dễ bị cuốn đến chỗ thảm bại.

3. Bài học nhận thức và hành động

  • Để tự quyết định cuộc đời mình, cần phải tự nhận thức chính mình, tích lũy tri thức, rèn luyện bản lĩnh, giữ vững ý chí, kiên định lập trường.
  • Phát huy năng lực bản thân, tận dụng các yếu tố khách quan để đạt mục đích

Cách cho điểm:

  • Điểm 5 – 6: Đáp ứng tất cả các yêu cầu về nội dung; có thể mắc vài lỗi nhỏ về diễn đạt.
  • Điểm 3 – 4: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu về nội dung; có thể mắc vài lỗi chính tả diễn đạt.
  • Điểm 1 –2: Đáp ứng được một phần các yêu cầu về nội dung; mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.

Câu III. (10,0 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng:

  • Thí sinh biết cách làm một bài văn nghị luận văn học.
  • Xây dựng bố cục bài văn chặt chẽ, mạch lạc
  • Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu; khuyến khích bài viết sáng tạo.

Yêu cầu về kiến thức:

- Đây là dạng đề mở. Thí sinh có thể trển khai bài làm của mình theo nhiều cách khác Tuy nhiên, bài làm cần đạt được một số yêu cầu cơ bản sau:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận

2. Giải thích

  • Trào phúng có nghĩa là dùng lời lẽ khôi hài để mỉa mai, cười nhạo kẻ khác. Tiếng cười thường được tạo ra khi người ta phát hiện ra mâu thuẫn trào phúng, đó chính là sự mâu thuẫn hay không tương xứng giữa bản chất và biểu hiện, giữa mục đích và phương tiện, đặc biệt là giữa nội dung (xấu xa) và hình thức (đẹp đẽ). Muốn tiếng cười xuất hiện, đối tượng phải mang tính hài, đối tượng được miêu tả bằng bút pháp phóng đại, biếm hoạ, giọng văn giễu nhại.
  • Văn học của tiếng cười là một khái niệm chỉ tất cả các thể loại, các tác phẩm văn học mang cảm hứng trào phúng, sử dụng bút pháp trào phúng, lấy tiếng cười làm mục đích hài hước, phương tiện bộc lộ thái độ chế giễu, mỉa mai, phê phán cái xấu, cái đáng cười. Đó là ca dao hài hước, trào phúng, truyện cười dân gian, thơ trào phúng (của Nguyễn Khuyến, Tú Xương...), truyện trào phúng (của Nguyễn Công Hoan...)
  • Tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là tác phẩm xuất sắc của văn học hiện thực trào phúng giai đoạn 1930-1945

3. Tiếng cười của Vũ Trọng Phụng trong đoạn trích

  • Đối tượng của tiếng cười
    • Cười xã hội thượng lưu thành thị đương thời. Xã hội thu nhỏ trong đoạn trích gồm đám động những nhân vật có tên và không tên
      • Nhân vật có tên: các thành viên trong gia đình cụ cố Hồng (Văn Minh, Cụ cố Hồng, Tuyết, Tú Tân..) các thành viên khác (Typn, cảnh sát...)
      • Nhân vật không tên: những người đưa đám
    • Tất cả đều chứa đựng sự mâu thuẫn giữa vẻ bề ngoài buồn rầu, đau khổ, văn minh, chí hiếu và bản chất bên trong vui vẻ, sung sướng, bất hiếu, vô văn hoá...
  • Mục đích tiếng cười
    • Tác giả phê phán mãnh liệt bản chất lố lăng, đồi bại của xã hội thượng lưu thành thị, muốn tống tiễn nó vào cõi chết
  • Nghệ thuật tạo tiếng cười
    • Xây dựng tình huống trào phúng cơ bản: hạnh phúc của gia đình có tang
    • Xây dựng hình tượng đám đông bằng nghệ thuật biếm hoạ: cường điệu, nói ngược, tạo chi tiết nghệ thuật đặc sắc
    • Sử dụng lời văn:
      • Đặt câu chứa đựng mâu thuẫn, nghịch lí (giữa hai vế trong một câu, giữa hai câu gần nhau)
      • Tạo giọng văn hài hước

4. Đánh giá

  • Hạnh phúc của một tang gia là chương truyện đặc sắc của tiểu thuyết: chương truyện đã hội đủ các nhân vật của toàn tiểu thuyết và đã thu nhỏ bộ mặt xã hội tư sản thành thị với tất cả bản chất xấu xa của nó: háo danh, hám lợi, giả tạo, rởm đời, vô văn hoá và bao trùm là thói đạo đức giả
  • Chương truyện cũng tiêu biểu cho bút pháp trào phúng của Vũ Trọng Phụng nói riêng, của văn học trào phúng nói chung

Cách cho điểm:

  • Điểm 9-10: Khai thác ý phong phú, sâu sắc, đúng hướng. Trình bày mạch lạc, dẫn chứng hợp lí, rõ ràng, thuyết phục, có sức sáng tạo; hành văn trong sáng, có cảm xúc, hình ảnh.
  • Điểm 7-8: Đáp ứng được phần lớn các yêu cầu trên Văn trôi chảy, mạch tư duy rõ ràng; không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp và dùng từ.
  • Điểm 5-6: Hiểu vấn đề, đã giải quyết được ý chính yếu ... Văn khá trôi chảy, mắc vài ba lỗi chính tả, ngữ pháp cơ bản.
  • Điểm 3-4: Hiểu vấn đề nhưng giải thích lúng túng, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
  • Điểm dưới 3: Còn non kém về nhiều mặt.
Đánh giá bài viết
3 9.425
Sắp xếp theo

    Thi học sinh giỏi lớp 11

    Xem thêm