Đề thi thử Quốc gia lần 1 năm 2015 môn Lịch Sử trường THPT Gia Viễn A, Ninh Bình

Nhằm giúp các bạn ôn tập kiến thức môn Sử, thử sức trước kì thi THPT Quốc gia 2015, VnDoc.com xin giới thiệu đề thi thử Quốc gia lần 1 năm 2015 môn Lịch Sử trường THPT Gia Viễn A, Ninh Bình, có đáp án kèm theo. Mời các bạn cùng tham khảo.

Đề thi thử Quốc gia lần 1 năm 2015 môn Địa lý trường THPT Gia Viễn A, Ninh Bình

Đề thi thử Quốc gia lần 1 năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Gia Viễn A, Ninh Bình

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch Sử

TRƯỜNG THPT GIA VIỄN A

ĐỀ THI THỬ KỲ THI THPT QUỐC GIA
KHỐI C NĂM 2014 - 2015
Môn thi: LỊCH SỬ
Thời gian làm bài 90 phút (không kể thời gian giao đề̀)
(Đề này gồm 03 câu trong 1 trang)

Câu I (4,5 điểm)

Trình bày sự ra đời và hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tổ chức trên có vai trò như thế nào đối với sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?

Câu II (3,0 điểm)

Vào nửa cuối những năm 30 của thế kỉ XX, tình hình thế giới và trong nước có những biến chuyển gì? Trước tình hình đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (7 – 1936) định ra đường lối và phương pháp đấu tranh như thế nào?

Câu III (2,5 điểm)

Căn cứ vào các dữ liệu trong bảng dưới đây, hãy xác định vai trò của Mặt trận Việt Minh đối với Cách mạng tháng Tám năm 1945. Từ đó, trình bày suy nghĩ về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.

Năm

Nội dung

1941

- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5/1941) quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, với các tổ chức quần chúng lấy tên là “cứu quốc”, để tập hợp rộng rãi mọi lực lượng yêu nước. Vận động quần chúng tham gia Việt Minh là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhằm xây dựng lực lượng vũ trang cho khởi nghĩa giành chính quyền.

- Chương trình cứu nước của Việt Minh được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng.

1942

- Khắp các châu ở Cao Bằng đều có hội Cứu quốc, trong đó có ba châu “hoàn toàn” (ở đó mọi người đều gia nhập Việt Minh).

- UB Việt Minh Cao Bằng và Ủy ban Việt Minh lâm thời liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng được thành lập.

1943

- Các hội Cứu quốc được xây dựng và củng cố ở hầu khắp các vùng nông thôn và thành thị

1944

- Đảng Dân chủ Việt Nam và Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam được thành lập, đứng trong Mặt trận Việt Minh.

- Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị cho các cấp “Sửa soạn khởi nghĩa”.

1945

- Từ tháng 3 năm 1945, Việt Minh lãnh đạo quần chúng nổi dậy ở nhiểu nơi.

- Tháng 4 năm 1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam và Ủy ban dân tộc giải phóng các cấp.

- Tháng 8 năm 1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, phát động và lãnh đạo nhân dân tổng khởi nghĩa thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

(Nguồn: Lịch sử 12, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch Sử

TRƯỜNG THPT GIA VIỄN A

HDC THI THỬ ĐẠI HỌC KHỐI C
NĂM HỌC 2014 - 2015
Môn: Lịch Sử

Chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm.

Câu I (4,5 điểm)

a. Sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên

Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) mở lớp đào tạo cán bộ, giác ngộ một số thanh niên tích cực trong Tâm tâm xã, lập ra Cộng sản đoàn (2 – 1925). Tháng 6 – 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1,5đ)

b. Hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên

  • Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tiếp tục huấn luyện, đào tạo cán bộ của Hội. (0,5đ)
  • Ra báo Thanh niên (6 – 1925); đầu năm 1927, tác phẩm Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc được xuất bản. (1,0đ)
  • Cuối năm 1928, thực hiện chủ trương “vô sản hoá”, nhiều cán bộ của Hội đi vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, để tuyên truyền vận động cách mạng. (0,5đ)

c. Vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên

  • Chuẩn bị về tư tưởng, chính trị: tuyên truyền lí luận cách mạng giải phóng dân tộc trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. (0,5đ)
  • Chuẩn bị về tổ chức: xây dựng đội ngũ cán bộ và hệ thống tổ chức, đưa đến sự ra đời các tổ chức cộng sản, từđó hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. (0,5đ)

Câu II (3,0 điểm)

a) Biến chuyển của tình hình thế giới và trong nước

  • Thế giới: Phát xít Đức, Italia, Nhật Bản ráo riết chuẩn bị chiến tranh thế giới; Quốc tế Cộng sản họp Đại hội lần thứ VII, xác định kẻ thù là chủ nghĩa phát xít và nhiệm vụ trước mắt là giành dân chủ, bảo vệ hoà bình, chủ trương thành lập mặt trận nhân dân rộng rãi; Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp lên cầm quyền cho thi hành một số chính sách tiến bộ ở thuộc địa. (0,75đ)
  • Trong nước: Nhiều đảng phái chính trị hoạt động, trong đó mạnh nhất là Đảng Cộng sản Đông Dương; kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển, nhưng vẫn lạc hậu và lệ thuộc vào kinh tế Pháp;đời sống của đa số nhân dân khó khăn, cực khổ nên họ hăng hái tham gia phong trào đòi tự do, cơm áo do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. (0,75đ)

b) Hội nghị định ra đường lối và phương pháp đấu tranh

  • Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng tư sản dân quyền Đông Dương là chống đế quốc và phong kiến; nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo và hoà bình. (0,75đ)
  • Phương pháp đấu tranh là kết hợp các hình thức công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp. Chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương. (0,75đ)

Câu III (2,5 điểm)

a. Xác định vai trò của Mặt trận Việt Minh...

  • Thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, bao gồm các giai cấp, tầng lớp, các cá nhân yêu nước trong các hội Cứu quốc; phân hoá và cô lập cao độ kẻ thù để tiến lên đánh đổ chúng. (0,75đ)
  • Xây dựng lực lượng chính trị to lớn để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. (0,5đ)
  • Huy động toàn dân đi từ khởi nghĩa từng phần, tiến lên chớp thời cơ tổng khởi nghĩa thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. (0,75đ)

b. Trình bày suy nghĩ về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... (0,5đ)

Thí sinh cần dựa vào vai trò của mặt trận Việt Minh trước đây và tình hình thực tế của đất nước hiện nay để trình bày suy nghĩ của bản thân về một trong những vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc nói riêng. Thí sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau, nhưng phải lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc.

Đánh giá bài viết
1 629
Sắp xếp theo

    Môn Lịch Sử khối C

    Xem thêm