Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Lịch Sử trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Lịch Sử trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai là đề thi thử Quốc gia, đề thi thử đại học môn Lịch sử có đáp án kèm theo, giúp các bạn học tốt môn Lịch sử, tự kiểm tra kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kì thi Quốc gia, luyện thi đại học môn Lịch sử.
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai
Đề thi thử Quốc gia môn Lịch Sử
SỞ GD & ĐT GIA LAI
| ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2015 |
Câu 1. (2,0 điểm)
Hãy cho biết ý kiến về nhận định: Phong trào cách mạng Việt Nam 1930 - 1931 là một bước phát triển mới so với các phong trào yêu nước trước đó.
Câu 2. (3,0 điểm)
Quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được ghi nhận như thế nào trong Hiệp định sơ bộ (6 – 3 – 1946), Hiệp định Giơnevơ (21 – 7 – 1954) và Hiệp định Pari (27 – 1 – 1973)? Khái quát quá trình đấu tranh của nhân dân ta để từng bước giành các quyền dân tộc cơ bản sau mỗi hiệp định trên.
Câu 3. (2,0 điểm)
Nêu những thành tựu cơ bản của miền Bắc trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (1961-1965). Những thành tựu đó có ý nghĩa như thế nào?
Câu 4. (3,0 điểm)
Quá trình hình thành và phát triển của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra như thế nào ? Mối quan hệ giữa Việt Namvới EU. Vì sao nói Liên minh châu Âu là tổ chức liên kết khu vực lớn nhất trên thế giới?
Đáp án đề thi thử Quốc gia môn Lịch Sử
Câu 1. (2,0 điểm)
- Phong trào cách mạng 1930-1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh là phong trào cách mạng đầu tiên do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Phong trào là một bước phát triển mới so với những phong trào yêu nước trước đó, thể hiện ở các mặt: (0,25đ)
- Trước hết, đó là một phong trào cách mạng triệt để, có đường lối chính trị đúng đắn, nhằm chống lại kẻ thù của dân tộc là đế quốc Pháp và bọn phong kiến tay sai. (0,5đ)
- Diễn ra trên quy mô cả nước, từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị; từ các nhà máy đến các hầm mỏ và đồn điền nhưng mang tính thống nhất cao vì đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo. (0,25đ)
- Phong trào đã lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia, từ công nhân, nông dân đến các tầng lớp nhân dân ở thành thị, từ Bắc chí Nam. Đặc biệt, phong trào đã diễn ra với sự liên kết công nhân với nông dân vô cùng chặt chẽ. (0,25đ)
- Hình thức đấu tranh phong phú và quyết liệt:
- Phong phú: bãi công của công nhân, biểu tình của nông dân, bãi khoá của học sinh, sinh viên, bãi thị của tiểu thương, những cuộc mít tinh của nhiều tầng lớp xã hội, treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn, căng khẩu hiệu… (0,25đ)
- Quyết liệt: phá đồn điền, nhà lao, nhà ga, bao vây huyện đường buộc bọn thống trị phải chấp nhận yêu sách, thành lập các đội tự về đỏ, làm tan rã bộ máy chính quyền của đế quốc và tay sai, thiết lập chính quyền cách mạng ở một số nơi, nhất là chính quyền Xô viết ở vùng nông thôn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. (0,5đ)
Câu 2. (3,0 điểm)
- Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là quyền dân tộc cơ bản của mỗi quốc gia. Trong tuyên ngôn độc lập ngày 2 – 9 – 1945, chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Việt Nam đã trở thành một quốc gia tự do, độc lập và toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. (0,25đ)
- Trước những khó khăn của Việt Nam sau cách mạng tháng Tám, nhất là âm mưu thôn tính trở lại của Pháp. Để đẩy nhanh quân đội Trung Hoa Dân quốc về nước, ngăn chặn một cuộc chiến tranh quá sớm và tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí với đại diện Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ (6 - 3 - 1946). Theo đó, Chính phủ Pháp công nhân Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng, là thành viên của Liên bang Đông Dương, nằm trong khối Liên hiệp Pháp. (0,25đ)
- Như vậy, Hiệp định này chỉ công nhân tính thống nhất (là một quốc gia), nhưng chưa công nhận nền độc lập. Việt Nam còn bị ràng buộc vào Pháp. (0,25đ)
- Hiệp định trên không được thực dân Pháp tôn trọng. Chúng lập ra chính phủ Nam kì tự trị, âm mưu tách Nam kì khỏi Việt Nam. Mặt khác, chúng tiếp tục bám giữ lập trường thực dân, nuôi hy vọng giành thắng lợi bằng quân sự, xóa bỏ nền độc lập mà dân ta mới giành được. (0,25đ)
- Nhân dân Việt Nam phải tiến hành kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì và tự lực cánh sinh, giành thắng lợi trong các chiến dịch Việt Bắc 1947, Biên giới 1950… kết thúc bằng cuộc Tiến công chiến lược Đông – Xuân 1953 – 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch ĐBP, đưa đến việc kí kết Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương. (0,25đ)
- Với Hiệp định Giơnevơ 1954, thực dân Pháp buộc phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của ba nước Đông Dương là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. (0,25đ)
Tuy nhiên, sau Hiệp định Giơnevơ 1954, Việt Nam đã không được thống nhất bằng cuộc tổng tuyển cử dự định tổ chức vào tháng 7/1956 như đã cam kết trong hiệp định mà bị chia cắt thành hai miền. Miền Bắc được giải phóng tiến lên CNXH. Miền Nam Mĩ thay chân Pháp, âm mưu chia cắt lâu dài nước ta. (0,25đ)
- Nhân dân Việt Nam phải tiến hành một cuộc chiến tranh cách mạng, từ phong trào “Đồng khởi” tiến lên làm thất bại các chiến lược chiến tranh xâm lược của Mĩ ở miền Nam từ “đặc biệt” đến “cục bộ” cho đến “Việt Nam hóa” và chiến tranh phá hoại miền Bắc. buộc Mĩ phải kí Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. (0,25đ)
- Hiệp định Pari (1973) ghi rõ: Hoa kì và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; Hoa kì rút hết quân viễn chinh khỏi miền Nam Việt Nam. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta. Ta đã “đánh cho Mĩ cút”, “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam. (0,25đ)
- Mặc dù cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam và rút quân viễn chinh về nước, nhưng Mĩ vẫn chưa từ bỏ chính sách thực dân mới ở miền Nam, cùng chính quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định Pari, tiếp tục chia cắt đất nước. (0,25đ)
- Nhân dân Việt Nam phải tiếp tục đấu tranh chống kẻ thù phá hoại Hiệp định Pari, tạo thế và lực mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. (0,25đ)
Qua 30 năm chiến tranh chống thực dân cũ và mới (1945 – 1975), giành thắng lợi từng bước tiến lên thắng lợi hoàn toàn, nhân dân ta đã giành được độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Quyền dân tộc của Việt Nam được thực hiện trọn vẹn. (0,25đ)
Câu 3. (2,0 điểm)
Những thành tựu cơ bản của miền Bắc trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (1961-1965).
- Trong quá trình thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (1961-1965), miền Bắc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Công nghiệp được ưu tiên đầu tư xây dựng, giá trị sản lượng công nghiệp nặng năm 1965 tăng ba lần so với năm 1960. (0,25đ)
- Áp dụng khoa học – kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng nhiều công trình thủy nông. Nhiều hợp tác xã đạt và vượt năng suất 5 tấn thóc trên một hécta đất gieo trồng. (0,25đ)
- Thương nghiệp quốc doanh được Nhà nước ưu tiên phát triển đã chiếm lĩnh thị trường, góp phần ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. (0,25đ)
- Phát triển hệ thống giao thông, việc đi lại trong nước và ngoài nước được thuận lợi hơn trước. (0,25đ)
- Giáo dục từ phổ thông đến đại học phát triển nhanh. Y tế được đầu tư phát triển, khoảng 6000 cơ sở y tế được xây dựng. Những thành tựu đạt được trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm đã làm thay đổi bộ mặt xã hội miền Bắc. (0,5đ)
Ý nghĩa:
- Miền Bắc trở thành căn cứ địa vững chắc cho miền Nam trực tiếp đánh Mĩ. (0,25đ)
- Khẳng định sức mạnh và tính ưu việt của chế độ mới – XHCN. (0,25đ)
Câu 4. (3,0 điểm)
Quá trình hình thành và phát triển:
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với xu thế toàn cầu hóa, khuynh hướng liên kết khu vực cũng diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tiêu biểu là quá trình hình thành và phát triển của Liên minh châu Âu (EU). (0,25đ)
- 18 - 4 - 1951, Hiệp ước Pari được kí kết giữa 6 nước Pháp , Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan, Lúcxămbua để thành lập “Cộng đồng than - thép châu Âu” (ECSC), nhằm thống nhất việc sản xuất và phối hợp than, thép của các nước thành viên. Hiệp ước này đã chứa đựng ý đồ của các nhà sáng lập ECSC là gây dựng nền tảng cho việc nhất thể hóa kinh tế châu Âu. (0,25đ)
- 25 - 3 - 1957, sáu nước này kí Hiệp ước Rôma thành lập “Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu” (EURATOM) và “Cộng đồng kinh tế châu Âu” (EEC). Ngày 1 - 7 - 1967, ba tổ chức trên hợp nhất thành “Cộng đồng châu Âu” (EC). (0,25đ)
- Đến tháng 12 - 1991 các nước thành viên EC đã kí tại Hà Lan bản Hiệp ước Maxtrích (Hà Lan), có hiệu lực từ ngày 1 - 1 - 1993, đổi tên thành Liên minh châu Âu (EU) với 15 nước thành viên (1995). (0,25đ)
- Năm 2004, kết nạp thêm 10 nước, năm 2007 thêm 2 nước, nâng tổng số thành viên lên 27 nước. (0,25đ)
- EU ra đời không chỉ nhằm tập hợp giữa các nước thành viên trong lĩnh vực kinh tế, tiền tệ mà còn liên minh trong lĩnh vực chính trị (như xác định luật công dân châu Âu, chính sách đối ngoại và an ninh chung, Hiến Pháp chung…).
Mối quan hệ giữa Việt Nam với EU: (0,75đ)
- 10 - 1990, EU thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
- Tháng 7 - 1995, Việt Nam và EU kí “Hiệp định Khung Hợp tác Việt Nam - EC”.
- Năm 2004, Hội nghị Cấp cao Việt Nam - EU lần thứ I tại Hà Nội.
- Ngày 27 - 6 - 2012, Việt Nam và EU, đã ký chính thức “Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện” (PCA).
- Hiện EU là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Vì sao nói Liên minh châu Âu là tổ chức liên kết khu vực lớn nhất trên thế giới:
- Sau chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với xu thế toàn cầu hóa, khuynh hướng liên kết khu vực cũng diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tiêu biểu là quá trình hình thành và phát triển của Liên minh châu Âu (EU). (0,25đ)
- Từ lúc mới thành lập, Liên minh châu Âu chỉ có 6 nước, đến năm 1995 EU đã phát triển thành 15 nước thành viên, đến năm 2004 EU kết nạp thêm 10 nước, năm 2007, thêm 2 nước, nâng tổng số lên 27 nước. Tính đến ngày 1 - 7 - 2013, Liên minh châu Âu đã có tất cả 28 nước, với khoảng 500 triệu người và diện tích 4.456.304 km2. (0,25đ)
- EU ra đời không chỉ nhằm tập hợp giữa các nước thành viên trong lĩnh vực kinh tế, tiền tệ mà còn liên minh trong lĩnh vực chính trị (như xác định luật công dân châu Âu, chính sách đối ngoại và an ninh chung, Hiến Pháp chung…). (0,25đ)
Chính vì sự ra đời và ngày càng phát triển mạnh mẽ như vậy nên Liên minh châu Âu là tổ chức liên kết khu vực lớn nhất thế giới hiện nay.