Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2019 trường THPT Nguyễn Trãi - Kon Tum lần 3
Đề thi thử môn Ngữ văn năm 2019
VnDoc xin giới thiệu tới bạn đọc Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2019 trường THPT Nguyễn Trãi - Kon Tum lần 3. Tài liệu gồm 6 câu hỏi bài tập, thời gian làm bài 120 phút. Mời các bạn tham khảo.
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
[...] Từ nhỏ, con đã không được thông minh. Con không thích những con số, không thích sách vở. Con chỉ thích vẽ, thích hoa, và những loài động vật bé nhỏ. Con có thể lang thang hái hoa nửa ngày, có thể thức suốt buổi trưa để vẽ vời và trò chuyện với chú mèo không biết chán. Con luôn nói với mẹ: “Lớn lên con làm họa sĩ có được không? Con chẳng giỏi gì, chỉ thích vẽ”. Tất nhiên rồi, chỉ cần con hạnh phúc, chỉ cần con có thể tìm một nghề nào đó phù hợp để nuôi sống bản thân, bất kể là làm gì cũng được. Từ khi con còn nhỏ, mỗi ngày đưa con đến trường, nghe con ngồi sau lưng hát véo von rồi háo hức kể chuyện trường chuyện lớp mẹ đã thấy trào dâng hạnh phúc.
[...] Để bố mẹ vui, con đã phải cố gắng thật nhiều, nhưng khả năng của con chỉ đến đó. Đã có lần mẹ đọc được dòng chữ con viết cuối trang vở “Mình là đồ bất tài, vô dụng”. Và mẹ đã khóc, vì nhận ra có những thời điểm con bất lực nhưng mẹ lại không biết để cùng con san sẻ những cảm xúc tiêu cực trong con.
Mẹ đã từng nghe rất nhiều trường hợp cha mẹ ép con cái học hành quá nhiều, đặt lên vai con quá nhiều áp lực vì kì vọng. Và cuối cùng, thứ họ nhận được không phải là một đứa con thiên tài mà là những đứa trẻ trầm cảm, những cái chết thương tâm. Bởi những đứa trẻ ấy không đủ sức để thực hiện mơ ước của bố mẹ mình. Và chúng tìm cách chạy trốn bằng cách đau thương như thế. Nhiều người cứ bắt con mình phải thực hiện những ước mơ mà bản thân mình chưa hoặc không làm được, không hay rằng đó là gánh nặng quá sức đối với con trẻ.
Con gái, mẹ không mong con sẽ là thiên tài, là một người xuất chúng. Chỉ cần con có đam mê, có nhiệt huyết và cố gắng trong mỗi việc con làm, con thích, thì dù đó là gì, mẹ cũng sẽ ủng hộ con. Con có thể vào Đại học, cũng có thể không. Con có thể làm một người nổi bật, cũng có thể chỉ là một người bình thường như rất rất nhiều người bình thường khác.
Không phải cứ giỏi thì sẽ sung sướng hạnh phúc đâu, cũng không phải nổi tiếng thì không biết buồn biết khổ. Một ngôi sao trong giới giải trí đã từng nói rằng: Thời điểm anh ta ở đỉnh cao chính là thời điểm anh ta cảm thấy cô đơn nhất. Sau ánh hào quang của sân khấu, sau những cuồng nhiệt của đám đông khán giả hò reo, khi trở về vẫn là mình đối diện với mình đầy cô đơn mệt mỏi. Vì cao quá không ai đến gần được, vì cao quá nên không thể cúi xuống với mọi người.
Trong cuộc đời này ai cũng có những lo toan và hạnh phúc của riêng mình. Đại bàng có niềm vui của đại bàng, chim sẻ có niềm vui của chim sẻ. Biển có niềm vui của biển, sông có niềm vui của sông. Thật khó có thể nói rằng ai hạnh phúc hơn ai vì chỉ bản thân mỗi người mới có thể tự mình cảm nhận.... Chỉ cần sống mạnh mẽ, nhiệt thành, chỉ cần không bao giờ tuyệt vọng hay gục ngã trước khó khăn, mẹ tin cuộc đời này đủ bao la cho con gái mẹ vẫy vùng.
(Mẹ hạnh phúc vì con là một đứa trẻ bình thường - Lê Giang, báo Dân trí ngày 1/6/2019)
Câu 1 (0,5 điểm): Nêu nội dung chính của văn bản trên.
Câu 2 (0,5 điểm): Đưa ra dẫn chứng về trường hợp cha mẹ ép con cái học hành và hậu quả của nó, tác giả bài viết muốn gửi đến người đọc thông điệp gì?
Câu 3 (1,0 điểm): Tại sao người mẹ nói “Chỉ cần sống mạnh mẽ, nhiệt thành, chỉ cần không bao giờ tuyệt vọng hay gục ngã trước khó khăn, mẹ tin cuộc đời này đi bao la cho con gái mẹ vẫy vùng”?
Câu 4 (1,0 điểm): Anh/chị có đồng tình với ý kiến “Thật khó có thể nói rằng ai hạnh phúc hơn ai vì chỉ bản thân mỗi người mới có thể tự mình cảm nhận...” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Từ văn bản đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề: chỉ cần sống hạnh phúc thì làm bất cứ nghề gì để nuôi sống bản thân đều được.
Câu 2 (5,0 điểm):
Trong bài bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhiều lần ví von vẻ đẹp sông Hương:
Lúc ở thượng nguồn: ''Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Digan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lý giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở.''
Khi về ngoại vi thành phố Huế: ''Phải nhiều thế kỷ qua, người tình mong đợi mới đến đánh thức người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại. Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó.''
Và khi tạm biệt kinh thành Huế: Sông Hương ''như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông - tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Đối với Huế, nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình.
Riêng với sông Hương, vốn đang xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó, khúc quanh này thực bất ngờ biết bao. Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống con người ở đây; và để nhân cách hóa nó lên, tôi gọi đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Và giống như nàng Kiều trong đêm tình tự, ở ngã rẽ sông này, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả...''
(Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr198-201)
Phân tích vẻ đẹp hình tượng sông Hương trong những lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật nét tài hoa trong phong cách kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:
- Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2019
- 15 đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2019 có đáp án
- Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2019 trường THPT Triệu Sơn 5 - Thanh Hoá lần 2
- Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2019 trường THPT Nguyễn Công Trứ - Hà Tĩnh
- Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2019 trường THPT Lương Ngọc Quyến - Thái Nguyên lần 2
Vẻ đẹp của sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường
Phân tích bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường
Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2019 trường THPT Nguyễn Trãi - Kon Tum lần 3. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Soạn bài lớp 12, Thi thpt Quốc gia môn Văn, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử, Thi thpt Quốc gia môn Địa lý mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.