Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ Văn tỉnh Thanh Hóa

Đề thi thử Quốc gia môn Văn tỉnh Thanh Hóa

VnDoc.com xin giới thiệu tới các bạn đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ Văn tỉnh Thanh Hóa. Tài liệu này bao gồm đề thi thử Quốc gia 2015 môn Văn có đáp án kèm theo, giúp các bạn tự ôn tập kiến thức môn Văn nhằm chuẩn bị tốt cho các kì thi quan trọng sắp tới.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2016 tỉnh Thanh Hóa

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Lịch Sử tỉnh Thanh Hóa

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Địa lý tỉnh Thanh Hóa

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

THANH HÓA

--------

ĐỀ THI THỬ KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2015

Môn thi: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 180 phút

---------------

Phần I. Đọc hiểu (3.0 điểm):

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

“… Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị. Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Bất cứ người An Nam nào vứt bỏ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khước từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi. […] Vì thế, đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với từ chối sự tự do của mình...”

(Nguyễn An Ninh, Tiếng mẹ đẻ - nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức
Theo SGK Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2014, tr. 90)

Câu 1. Hãy xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích? (0,25 điểm)

Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? (0,5 điểm)

Câu 3. Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích. (0,25 điểm)

Câu 4. Từ đoạn trích, anh/chị hãy nêu quan điểm của mình về vai trò của tiếng nói dân tộc trong bối cảnh hiện nay. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,5 điểm)

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con

(Tre Việt Nam – Nguyễn Duy)

Câu 5. Hãy xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ trên? (0,25 điểm)

Câu 6. Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên. (0,5 điểm)

Câu 7. Nêu 2 biện pháp tu từ tác giả sử dụng chủ yếu trong đoạn thơ trên. (0,5 điểm)

Câu 8. Hai dòng thơ: “Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con” biểu đạt vấn đề gì? (0,25 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Nhà văn Nguyễn Khải cho rằng: Để sống được hàng ngày tất nhiên phải nhờ vào những "giá trị tức thời". Nhưng sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào những "giá trị bền vững".

Viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

Câu 2. (4,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về những nét đặc sắc của từng tác giả trong việc thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ ở hai truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài) và “Vợ nhặt” (Kim Lân).

Đáp án đề thi thử Quốc gia môn Ngữ Văn

Đề cương ôn tập THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ Văn

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 tỉnh Vĩnh Phúc

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ của đoạn trích: Phong cách ngôn ngữ chính luận.

  • Điểm 0,25: Nêu đúng phong cách ngôn ngữ;
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận bình luận/ thao tác bình luận/ lập luận bình luận/ bình luận.

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng theo một trong các cách trên;
  • Điểm 0 : Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 3. Câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích: Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị.

  • Điểm 0,25: Ghi lại đúng câu văn trên;
  • Điểm 0: ghi câu khác hoặc không trả lời.

Câu 4. Thí sinh nêu được quan điểm của bản thân về vai trò của tiếng nói dân tộc trong bối cảnh hiện nay, không nhắc lại quan điểm của tác giả đã nêu trong đoạn trích. Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.

  • Điểm 0,5: Nêu được quan điểm của bản thân về vai trò của tiếng nói dân tộc trong bối cảnh hiện nay;
  • Điểm 0: Cho điểm 0 đối với một trong những trường hợp sau:
    • Không nêu được quan điểm của bản thân, hoặc nhắc lại quan điểm của tác giả trong đoạn trích;
    • Nêu quan điểm của bản thân nhưng không hợp lý;
    • Câu trả lời chung chung, không rõ ràng, không thuyết phục;
    • Không trả lời.

Câu 5. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: phương thức biểu cảm/ biểu cảm.

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng 1 trong 2 cách trên;
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 6. Nội dung chính của đoạn thơ: Qua chuyện cây tre, tác giả ngợi ca phẩm chất của con người Việt Nam: luôn vượt qua khó khăn, gian khổ bằng sức sống bền bỉ, bằng tình yêu thương, tinh thần đoàn kết gắn bó lẫn nhau.

Có thể diễn đạt theo cách khác nhau nhưng phải hợp lý, có sức thuyết phục.

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng, đầy đủ các ý trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lý;
  • Điểm 0,25: Trả lời được một trong các ý trên; trả lời chung chung, chưa rõ ý;
  • Điểm 0: Trả lời không hợp lý, hoặc không có câu trả lời.

Câu 7. Trong đoạn thơ, tác giả sử dụng phép tu từ: ẩn dụ (cây tre ẩn dụ cho con người Việt Nam); nhân hóa (trong các câu: Bão bùng thân bọc lấy thân/ Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm/ Thương nhau tre không ở riêng/ Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con).

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng 2 biện pháp tu từ theo cách trên;
  • Điểm 0,25: Trả lời đúng 1 trong 2 biện pháp tu từ theo cách trên;
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 8. Hai dòng thơ: Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con biểu đạt tinh thần chịu thương chịu khó, hi sinh bản thân vì con của cây tre, cũng tức là của con người Việt Nam.
Có thể diễn đạt theo cách khác nhau nhưng phải hợp lý, có sức thuyết phục.

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng, đủ các ý trên, hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lý;
  • Điểm 0: Trả lời không hợp lý, hoặc không có câu trả lời.

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Yêu cầu chung: Thí sinh phải biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): Việc lựa chọn giá trị sống của bản thân sao cho phù hợp và ý nghĩa

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự đánh giá/thái độ/quan điểm đối với công việc của bản thân và những người xung quanh.
  • Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):

  • Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
    • Giải thích ý kiến để thấy được:
      • Giá trị tức thời: là những giá trị vật chất và tinh thần chưa trải qua thử thách, sàng lọc của thời gian, có ý nghĩa trong thời điểm hiện tại, thoả mãn những nhu cầu cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Đây là những giá trị rất cần thiết vì thiếu nó con người không thể tồn tại.
      • Giá trị bền vững: Chỉ những giá trị tinh thần đã trải qua thử thách, sàng lọc của thời gian, có ý nghĩa lâu bền, trở thành nền tảng văn hoá, đạo lí của dân tộc và nhân loại như: tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, tình cảm tri ân, sự ngay thẳng trong sạch, thẩm mỹ tinh tế… Đây là những giá trị quan trọng giúp con người sống có phẩm hạnh, cốt cách.
      • Mối quan hệ giữa hai giá trị: Vừa đối lập vừa thống nhất. Con người cần có những giá trị tức thời để duy trì cuộc sống, cũng rất cần những giá trị bền vững để sống có ý nghĩa.
    • Chứng minh tính đúng đắn (hoặc sai lầm; hoặc vừa đúng, vừa sai) của ý kiến bằng việc bày tỏ sự đồng tình (hoặc phản đối; hoặc vừa đồng tình, vừa phản đối) đối với ý kiến. Lập luận phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.
    • Bình luận:
      • Muốn tồn tại con người cần phải tạo ra và nhờ vào những giá trị tức thời. Tuy nhiên nếu quá coi trọng những giá trị đó, con người sẽ bị chi phối bởi lối sống thực dụng, coi trọng vật chất, chỉ nhìn thấy những lợi ích trước mắt.
      • Để cuộc sống thật sự có ý nghĩa, con người nhất định phải vươn tới những giá trị tinh thần tốt đẹp. Tuy nhiên, cốt cách, phẩm giá con người không thể có tức thời trong ngày một ngày hai, mà đó là kết quả của quá trình học tập, rèn luyện, bồi đắp lâu dài về tâm hồn, trí tuệ, hành động. Đó cũng là cách để con người có một cuộc sống bền vững, không chỉ giới hạn trong thời gian đời người mà còn trong sự ghi nhận lâu dài của cộng đồng.
      • Những giá trị tức thời, nếu có ý nghĩa tích cực, được xã hội đón nhận, gìn giữ, lưu truyền sẽ trở thành những giá trị bền vững. Trong khi đó, có những giá trị đã được hình thành từ lâu, qua thực tiễn không còn phù hợp, trở nên lạc hậu, lỗi thời sẽ bị đào thải.
    • Bài học: Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của mỗi giá trị. Hình thành kĩ năng sống, biết tiếp nhận hợp lí trước các giá trị của cuộc sống. Phải có bản lĩnh để sống có phẩm giá, cốt cách dựa theo nền tảng những giá trị bền vững về văn hóa, đạo lí của dân tộc và nhân loại.
  • Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
  • Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2. (4,0 điểm):

Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: đặc sắc của từng tác giả trong việc thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ ở hai truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài) và “Vợ nhặt” (Kim Lân).
  • Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,0 điểm):

  • Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
    • Giới thiệu về tác giả, tác phẩm;
    • Phân tích vấn đề:
      • Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần làm nổi bật:
      • Mị là một cô gái người dân tộc Mèo (H’Mông) đã kết tinh được những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ miền núi. Nhưng dưới mấy tầng áp bức khắc nghiệt tàn bạo của cường quyền, thần quyền, hủ tục phong kiến, Mị gần như tê liệt hết sức sống.
      • Tô Hoài đã khám phá ra lòng ham sống, khát khao tình yêu, hạnh phúc, tự do tiềm ẩn mãnh liệt trong tâm hồn Mị. Chính sức sống này là tiền đề quan trọng giúp Mị thoát khỏi nhà ngục thống lí tìm đến Phiềng Sa được cán bộ A Châu dìu dắt để trở thành người tự do, người làm chủ cuộc đời mình, chiến đấu, giải phóng quê hương mình như một tất yếu.
      • Qua nhân vật Mị, Tô Hoài đã đặt vấn đề khát vọng tự do, hạnh phúc chân chính của người phụ nữ miền núi và con đường giải phóng họ phải đi từ tự phát đến tự giác, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
      • Trong truyện ngắn “Vợ nhặt”: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần làm nổi bật:
      • Nét đặc sắc về nghệ thuật của Kim Lân ở truyện này là đã sáng tạo được một tình huống rất độc đáo: “Vợ nhặt”, nghĩa là nhặt được vợ giữa nạn đói khủng khiếp. Đặt nhân vật vào tình huống ấy, Kim Lân đã có điều kiện làm nổi rõ số phận cùng phẩm chất nhân vật.
      • Vợ Tràng: Đây là một người phụ nữ bị cái đói xô đẩy thành thân phận bơ vơ. Và cái đói cũng huỷ hoại cả thể xác tâm hồn chị.
      • Nhưng khi gặp người chồng thực sự yêu thương, gặp bà mẹ chồng đôn hậu, thị đã trở thành “một người phụ nữ hiền hậu đúng mực”.
      • Bà cụ Tứ: Sống nghèo khổ dưới đáy cùng của xóm ngụ cư với dáng đi “lọng khọng”, thân hình còm cõi, gương mặt u ám.
      • Cuộc sống bắt bà phải sống cuộc sống tối tăm nhưng không thể dập tắt được phần người, rất người trong tâm hồn bà cụ già nua và nghèo khổ nhưng cần cù, chịu thương chịu khó, giàu lòng yêu con, rất mực nhân hậu, vị tha và một lòng hướng về cái thiện, về tương lai tươi sáng.
    • Chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt của hai tác phẩm: Thí sinh có thể diễn đạt theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được:
      • Sự tương đồng: Cùng thể hiện vẻ đẹp tâm hồn con người. Những nhân vật phụ nữ của Tô Hoài, Kim Lân được các nhà văn quan sát, miêu tả trong xu thế hiện thực, vận động đi lên nên số phận các nhân vật này đã đi từ bóng tối đến ánh sáng, “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”.
      • Sự khác biệt: Do cái nhìn khám phá riêng biệt độc đáo của từng tác giả trước hiện thực cuộc sống nên mỗi nhân vật cũng có những biểu hiện khác nhau về số phận và vẻ đẹp tâm hồn thật đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Mị là nạn nhân của chế độ phong kiến miền núi hà khắc mà hiện thân của nó là cha con thống lí Pá Tra; bà cụ Tứ, vợ Tràng là những nhân vật bị cái đói, cái chết đe doạ cướp đi sự sống. Nhưng họ không mất đi hy vọng vào tương lai và luôn luôn tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt.
      • Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
  • Điểm 1,5 - 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, so sánh) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
  • Điểm 1,0 -1,25 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,5 - 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
9
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 12

    Xem thêm