Đóng vai Tấm kể lại chuyện Tấm Cám
Hóa thân thành Tấm kể lại truyện Tấm Cám
Để giúp các em học sinh nắm chắc nội dung truyện Tấm Cám lớp 10, VnDoc đã biên soạn tài liệu với nội dung Hóa thân thành Tấm kể lại truyện Tấm Cám để giúp các em học sinh có tài liệu Ngữ văn lớp 10 hay hơn. Hi vọng đây là tài liệu hữu ích giúp bạn đọc có thể học tập tốt hơn nhé. Mời các bạn học sinh và thầy cô tham khảo.
Ngoài ra, VnDoc.com đã thành lập group chia sẻ tài liệu học tập THPT miễn phí trên Facebook: Tài liệu học tập lớp 10. Mời các bạn học sinh tham gia nhóm, để có thể nhận được những tài liệu mới nhất.
Khái quát chung về truyện cổ tích Tấm Cám
1. Truyện cổ tích là gì?
Truyện cổ tích là những truyện truyền miệng dân gian kể lại những câu chuyện tưởng tượng xoay quanh một số nhân vật quen thuộc như nhân vật tài giỏi, nhân vật dũng sĩ, người mồ côi, người em út, người con riêng, người nghèo khổ, người có hình dạng xấu xí, người thông minh, người ngốc nghếch và cả những câu chuyện kể về các con vật nói năng và hoạt động như con người.
Truyện cổ tích được chia thành 3 loại: cổ tích về loài vật, cổ tích thần kì, cổ tích sinh hoạt.
Truyện cổ tích thể hiện ước mơ cháy bỏng của nhân dân lao động về hạnh phúc gia đình, về lẽ công bằng xã hội, về phẩm chất và năng lực tuyệt vời của con người.
2. Đặc trưng của truyện cổ tích thần kì trong truyện cổ tích Tấm Cám
Các yếu tố thần kì, hoang đường kì ảo: Ông Bụt xuất hiện cứu giúp Tấm; Tấm hóa thân sau khi chết (cây xoan đào, chim vàng anh, khung cửi, quả thị)
Phản ánh khát vọng về công bằng xã hội, cái thiện chiến thắng cái ác: Cuộc đấu tranh và chiến thắng của Tấm phản ánh ước mơ của nhân dân
Kiểu nhân vật chức năng: Các nhân vật trong truyện không có nội tâm, hay diễn biến tâm lý sâu sắc. Nhân vật không có tính cách riêng.
3. Hoàn cảnh ra đời Tấm Cám
Truyện Tấm Cám thuộc loại cổ tích thần kì. Kiểu truyện Tấm Cám phổ biến ở nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới.
4. Bố cục Tấm Cám
- Phần 1 (từ đầu đến “Tấm bước lên kiệu trước con mắt ngạc nhiên và hằn học của mẹ con Cám”): Thân phận và con đường đến với hạnh phúc của Tấm.
- Phần 2 (tiếp đó đến “truyền cho quân hầu đưa kiệu rước Tấm về cung”): Con đường đấu tranh và giữ hạnh phúc của Tấm.
- Phần 3 (còn lại): Hành động trả thù của Tấm.
5. Tóm tắt truyện Tấm Cám
Mẹ mất sớm, cha lấy vợ mới, sau khi cha mất, Tấm ở với dì ghẻ và Cám. Mẹ con Cám luôn bắt nạt, hành hạ Tấm. Khi Tấm và Cám cùng đi bắt cá, Cám đã lừa Tấm lấy hết cá, đến con cá bống cuối cùng Tấm nuôi mẹ con Cám cũng giết và ăn thịt. Trong một lần nhà vua mở hội, dì ghẻ đã lấy thóc gạo trộn lẫn với nhau và bắt Tấm ngồi nhặt xong thóc ra thóc, gạo ra gạo thì mới được đi. Nhưng nhờ Bụt giúp đỡ, thóc gạo đã nhặt xong và Tấm cũng có quần áo mới đi trẩy hội. Trên đường đi, Tấm làm rơi một chiếc giày, nhà vua nhặt được và thông báo ai đi vừa thì vua sẽ lấy làm vợ. Tấm trở thành vợ vua, sau đó bị mẹ con Cám giết hại nhiều lần, Tấm hóa thân thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, quả thị. Sau nhiều lần hồi sinh, Tấm cũng trở lại hình dáng ban đầu và sống với bà cụ bán nước. Cuối cùng, sau nhiều lần nhà vua đã tìm được Tấm và hai người sống hạnh phúc bên nhau, Cám và dì ghẻ bị phạt vì tội ác của mình.
6. Giá trị nội dung và nghệ thuật truyện Tấm Cám
Nội dung: Sự biến hóa của Tấm thể hiện sức sống, sức trỗi dậy mãnh liệt của con người trước sự vùi dập của kẻ ác. Đây là sức mạnh của cái thiện chiến thắng cái ác qua cuộc đấu tranh không khoan nhượng đến cùng. Chiến thắng ấy thể hiện niềm tin của nhân dân về sự chiến thắng của cái thiện với cái ác, tinh thần lạc quan và ước mơ về một xã hội công bằng.
Nghệ thuật: Cốt truyện li kì, hấp dẫn với những mâu thuẫn, xung đột ngày càng quyết liệt; xây dựng nhân vật theo hai tuyến đối lập; sử dụng các yếu tố, chi tiết tưởng tượng kì ảo.
Dàn ý Đóng vai Tấm kể lại chuyện Tấm Cám
1. Mở bài
Giới thiệu câu chuyện bằng lời của nhân vật Tấm: tôi sinh ra trong một gia đình bình thường nhưng cuộc đời tôi đã phải trải qua nhiều câu chuyện đau buồn.
2. Thân bài
a. Cảnh ngộ
Mẹ mất sớm, cha lấy vợ hai đẻ được một người em tên là Cám rồi cũng mất sau đó. Tôi sống cùng dì và em.
Hằng ngày tôi phải làm việc vất vả từ sáng đến tối và bị mẹ con họ bắt nạt, ức hiếp nhưng đành cam chịu.
b. Câu chuyện con cá bống
Một hôm dì treo thưởng ai bắt được nhiều cá bống hơn sẽ được yếm đào, tôi làm việc quần quật nhưng cuối cùng bị Cám lừa lấy hết cá của mình, chỉ để sót lại 1 con cá bống.
Tôi đem cá về thả xuống giếng và nuôi nấng nó nhưng cuối cùng bị dì và Cám ở nhà giết thịt lúc tôi đi làm.
Tôi đau buồn thì được Bụt hiện ra và mách tôi đi tìm xương cá rồi mang đi chôn, tôi nghe lời làm theo.
c. Khi nhà vua mở hội
Mẹ co Cám không cho tôi đi xem hội, bắt tôi ở nhà nhặt gạo với thóc ra. Tôi buồn bã, Bụt hiện lên, giúp tôi nhặt và nói tôi đào xương cá bống lên để lấy quần áo đẹp đi dự hội.
Trên đường đi do vội vã nên tôi đã đánh rơi chiếc giày, nào ngờ nhà vua nhặt được và lệnh ai đi vừa chiếc giày đó sẽ lấy về làm vợ. Mọi người nô nức thử giày trong đó có cả Cám nhưng chiếc giày ấy chỉ vừa chân tôi và tôi được làm Hoàng hậu.
d. Sau khi làm hoàng hậu
Tôi có cuộc sống hạnh phúc, sung túc hơn.
Một hôm tôi về giỗ cha thì bị Cám lừa trèo cây hái cau sau đó chặt gốc để tôi chết và vào cung thay tôi làm hoàng hậu.
May mắn thay, tôi luôn được Bụt giúp đỡ, năm lần bảy lượt bị Cám giết hại, tôi biến thành chim vàng anh, cây xoan, khung cửi và cuối cùng là cây thị rồi ở cùng với bà lão nghèo hằng ngày giúp bà làm việc nhà.
Một hôm nhà vua đi qua nhìn thấy miếng trầu nhận ra tôi là người têm nên đã đón tôi về cung. Tại đây tôi đã trừng trị mẹ con Cám thích đáng và trở về cuộc sống hạnh phúc của mình.
3. Kết bài
Khái quát lại giá trị của câu chuyện.
Văn mẫu Đóng vai Tấm kể lại chuyện Tấm Cám
Trong cuộc đời, ai cũng sẽ trải qua những chuyện khiến bản thân mình trưởng thành hơn và không thể nào quên được. Tôi đã trải qua nhiều lần “chết đi sống lại” mới có được một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc như hiện tại. Tôi xin phép kể cho các bạn nghe về câu chuyện của cuộc đời tôi.
Tôi sinh ra trong một gia đình nhà nông bình thường. Mẹ tôi chẳng may qua đời sớm, tôi sống cùng với cha. Chẳng bao lâu cha tôi lấy một người phụ nữ khác về làm vợ và sinh được một người em gái tên là Cám. Chẳng bao lâu sau, cha tôi qua đời để lại tôi sống cùng dì và em. Tuy nhiên, họ không coi tôi là người trong gia đình mà đối xử với tôi vô cùng quá đáng. Hằng ngày tôi phải làm việc lam lũ từ sáng đến tối mịt mà không có ngày nghỉ.
Tôi nhớ có lần dì treo thưởng cho tôi và Cám xem ai bắt được nhiều cá tôm hơn sẽ thưởng cho một chiếc yếm đào. Tôi hì hục làm việc từ sáng đến tối, Cám chỉ ham chơi nhưng cuối cùng đã lừa tôi, trút hết cá tôm vào giỏ của nó để mang về lấy thưởng chỉ để sót lại một chú cá bống. Tôi buồn bã nhưng quyết định mang cá bống về thả vào giếng để nuôi, ngày ngày cho nó ăn, chăm sóc nó và coi nó như một người bạn thân thiết. Một hôm, tôi đi làm về gọi mãi không thấy cá bống lên ăn cơm, tôi đau buồn. Bụt hiện lên và cho tôi biết rằng họ đã giết hại cá của tôi, Bụt bảo tôi đi tìm xương cá và đem chôn dưới chân giường, tôi vâng lời nghe theo.
Một thời gian sau, nhà vua mở hội, mẹ con Cám không cho tôi đi chơi, bắt tôi ở nhà nhặt gạo và thóc bị trộn lẫn lại riêng ra. Tôi bất lực thì Bụt hiện lên và giúp tôi nhặt chúng. Bụt bảo tôi đào xương cá bống lên, tôi sững sờ khi xương cá biến thành bộ trang phục đẹp đẽ. Tôi cám ơn Bụt và đi đến lễ hội. Trên đường đi không may tôi làm rơi chiếc giày, nhưng thật bất ngờ, vua nhặt được và ra lệnh ai đi vừa chiếc giày đó sẽ lấy về làm vợ. Vì đó là chiếc giày của tôi nên không ai đi vừa dù có cả mẹ con Cám. Sau khi thử vừa chiếc giày, vua lấy tôi về làm vợ, tôi trở thành hoàng hậu và có cuộc sống hạnh phúc bên cạnh nhà vua.
Một lần tôi về giỗ cha, Cám có bảo tôi trèo cây hái cau, tôi liền trèo vì từ nhỏ tôi đã quen với những việc này, nhưng điều tôi không ngờ chính là mẹ con họ đã chặt gốc cây lúc tôi đang hái cau khiến tôi ngã xuống ao và chết rồi đưa Cám vào cung thay tôi làm hoàng hậu. Cuộc đời tôi không chấm hết ở đó, nhà được Bụt giúp đỡ, tôi biến thành chim vàng anh ở cạnh vua, Cám lại giết hại chim. Tôi hóa thân thành cây xoan, ả ta chặt cây hòng tiêu diệt. Tôi hóa thân thành khung cửi, cô ta đốt khung cửi và ném tro ra xa hoàng cung. Ở nơi xa áy tôi hóa thành cây thị và được một bà lão hái quả về nhà. Hằng ngày tôi giúp bà dọn dẹp nhà cửa, sau đó trở thành con của bà. Một hôm, nhà vua đi qua đó nhận ra miếng trầu tôi têm nên đã đón tôi trở lại hoàng cung. Mẹ con Cám nhìn thấy tôi xinh đẹp hơn xưa vừa sợ hãi vừa tò mò. Tôi đã trừng trị hai mẹ con ả một cách thích đáng sau những tội ác họ đã làm và sống hạnh phúc với nhà vua đến bây giờ.
Câu chuyện tuy đã trôi xa nhưng nó mãi là những kí ức tôi không bao giờ quên. Nó là bài học để đời của tôi trong cuộc sống. Chúng ta không nên độc ác với người khác nếu không sẽ nhận lại hậu quả khôn lường. Hãy giữ cho bản thân mình một tâm hồn và trái tim lương thiện.
-----------------------
Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:
- Đề đọc hiểu Ngữ văn 10 có đáp án
- Soạn bài Tổng quan văn học Việt Nam
- Cách làm văn nghị luận xã hội lớp 10
- 20 đề và bài văn mẫu nghị luận xã hội 200 chữ
Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đóng vai Tấm kể lại chuyện Tấm Cám. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cần có trong bài học rồi đúng không ạ? Bài học cho chúng ta thấy được cái thiện sẽ luôn chiến thắng cái ác, cái ác sẽ phải trả giá. Cô Tấm hiền lành lương thiện đến cuối cùng vẫn được trở về sống hạnh phúc bên nhà vua, còn mẹ con nhà dì ghẻ phải trả giá cho những gì mà họ gây ra. Để giúp các bạn có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh một số tài liệu Địa lý lớp 10, Trắc nghiệm Tiếng Anh 10, Chuyên đề Toán 10, Giải bài tập Vật lý 10 nâng cao mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.
Chúc các bạn học tập tốt.