Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề đọc hiểu Ngữ văn 10 có đáp án

VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh Đề đọc hiểu Ngữ văn 10 có đáp án để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu học tập nhé.. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết.

Đề đọc hiểu văn bản số 1

Đọc đoạn trích:

Thiết nghĩ giáo hóa(1) là việc gấp của quốc gia, phong tục là việc lớn của thiên hạ. Phương pháp giáo dục của bản triều có hương học và quốc học, có giáo điều(2) và học quy(3), gần đây đã được tuyên bố ban hành và ghi lại ở kho sách lưu trữ. Việc trau dồi đức tốt và ngăn ngừa thói xấu như thế là đầy đủ và chu đáo. Song tình hình giáo hóa vẫn chậm chạp, phong tục thuần hậu vẫn chưa vãn hồi(4) được, mỗi ngày dân tình thêm kiêu bạc(5) dần và không tự biết. Sở dĩ như thế đều là tại sự dạy dỗ ở gia đình và sự học tập ở các trường hương học và quốc học, chỉ chăm dạy về văn mà không biết dạy về hạnh(6). Hiện nay những người văn hay chữ tốt, tài thức cao siêu không phải là hiếm. Những người ấy rất thông hiểu việc đời và hiểu biết lòng người. Song vì họ không được dạy dỗ về hạnh, cho nên có những người lấy việc ngạo với bề trên cho là giỏi, nhờn với người lớn cho là hay; không thích sửa mình mà thích bàn việc nước, không cầu thực học, chỉ cầu hư danh(7). Họ đem cái miệng lưỡi hung biện mà tô vẽ cho cái lòng dạ bí hiểm, đem cái đầu óc ngang tàng mà che đậy cho cái ruột gan quỷ quyệt. Hôm nay triều đình bổ một chức quan thì họ bàn tán với nhau rằng: người này vì đút lót, người kia vì thần thế. Chính họ thực chẳng có nết na gì, nhưng họ cũng khoác lác để làm mờ tai mắt của người thường. Hôm khác chính phủ ra một mệnh lệnh thì họ nhốn nháo lên rằng: việc ấy là không tốt, việc kia là khó thi hành. Chính họ chẳng có tài năng gì nhưng họ cũng nói bừa làm rối tâm trí của dân ngu. Sĩ phong đến như thế, khác nào như người đời Tống đã nói "mượn mũ nhà Nho để ăn cắp sách". Nếu gặp may mà được bổ dụng thì họ là một viên quan tham nhũng; nếu khéo xun xoe dựa người thì họ là một kẻ lại nhũng lạm. Khi không làm chức vụ gì thì họ là hạng người điêu toa. Lại viên nào học thói họ thì sẽ trở thành kẻ lại giảo hoạt, dân thường nào học thói họ thì sẽ trở thành dân bướng dân điêu. Pháp luật không uốn nắn nổi họ; hình phạt không cấm đoán nổi họ. Lí do chỉ tại đường lối giáo dục chưa đem họ trở lại với cái tính thiện sẵn có để ngăn chặn xu hướng của họ. Xưa đã có người cho rằng "Âm dương không hòa hợp chưa đáng sợ, nhưng nếu điều liêm sỉ không còn, khen chê không xác đáng, thì đó mới là điều thật đáng sợ". Như vậy việc giáo hóa có thể nào xao lãng được.

(Trích Bàn về giáo dục, Nguyễn Văn Tú dịch, Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, quyển I, NXB Khoa học xã hội, 1978, tr.162-165)

Chú thích:

(1) Giáo hóa: cảm hóa bằng giáo dục.

(2) Giáo điều: luận điểm được công nhận mà không cần chứng minh, được coi là chân lí.

(3) Học quy: quy định về việc học.

(4) Vãn hồi: làm cho trở lại bình thường như trước.

(5) Kiêu bạc: kiêu ngạo với vẻ khinh bạc.

(6) Hạnh: nết tốt hoặc đạo đức.

(7) Hư danh: danh tiếng không thực chất, hão huyền.

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. (1,0 điểm) Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là:

A. Tự sự

B. Miêu tả

C. Biểu cảm

D. Nghị luận

Câu 2. (1,0 điểm) Từ nào dưới đây không phải là từ Hán Việt?

A. Giáo điều

B. Mệnh lệnh

C. Pháp luật

D. Người đời

Câu 3. (1,0 điểm) Văn bản thể hiện quan điểm nào của tác giả:

A. Đề cao giáo dục đạo đức

B. Đề cao việc bồi dưỡng nhân tài

C. Đề cao ý thức thực hiện pháp luật của mỗi người

D. Việc giảng dạy về văn chương là cần thiết ở các trường hương học và quốc học

Câu 4. (1,0 điểm) Yếu tố nào dưới đây tạo nên tính thuyết phục của văn bản trên?

A. Sử dụng nhuần nhuyễn các biện pháp tu từ.

B. Sử dụng hệ thống các từ ngữ giàu giá trị biểu đạt.

C. Đưa yếu tố tự sự vào văn bản.

D. Hệ thống luận điểm, lí lẽ và bằng chứng được tổ chức chặt chẽ.

Trả lời các câu hỏi:

Câu 5. (1,0 điểm) Theo tác giả, đâu là nguyên nhân khiến tình hình giáo hóa vẫn chậm chạp, phong tục thuần hậu vẫn chưa vãn hồi?

Câu 6. (1,0 điểm) Việc sử dụng các đại từ "họ" trong đoạn văn trên là biểu hiện của hai phép liên kết nào?

Câu 7. (2,0 điểm) Nêu hiệu quả của phép liệt kê trong câu văn sau:

Song vì họ không được dạy dỗ về hạnh, cho nên có những người lấy việc ngạo với bề trên cho là giỏi, nhờn với người lớn cho là hay; không thích sửa mình mà thích bàn việc nước, không cầu thực học, chỉ cầu hư danh.

Câu 8. (2,0 điểm) Từ việc đọc văn bản trên, anh/chị hãy rút ra một bài học có ý nghĩa với bản thân mình? Lí giải ngắn gọn lựa chọn của anh/chị.

Gợi ý đáp án Đề Đọc - hiểu

Câu

Nội dung cần đạt

Điểm

1

D. Nghị luận

1,0

2

D. Người đời

1,0

3

A. Đề cao giáo dục đạo đức

1,0

4

D. Hệ thống luận điểm, lí lẽ và bằng chứng được tổ chức chặt chẽ.

1,0

5

Theo tác giả, nguyên nhân khiến tình hình giáo hóa vẫn chậm chạp, phong tục thuần hậu vẫn chưa vãn hồi là do: sự dạy dỗ ở gia đình và sự học tập ở các trường hương học và quốc học, chỉ chăm dạy về văn mà không biết dạy về hạnh.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời như Đáp án hoặc nêu được ý "việc dạy dỗ chỉ chăm dạy về văn mà không biết dạy về hạnh": 1,0 điểm

- Học sinh trả lời được ý "sự dạy dỗ ở gia đình và sự học tập ở các trường hương học và quốc học, chỉ chăm dạy về văn": 0,5 điểm

1,0

6

Việc sử dụng các đại từ "họ" trong đoạn văn trên là biểu hiện của hai phép liên kết: Phép thế, phép lặp

Hướng dẫn chấm:

Mỗi ý 0,5 điểm

1,0

7

- Phép liệt kê: Liệt kê các biểu hiện của những người không được dạy dỗ về hạnh: ngạo với bề trên, nhờn với người lớn; không thích sửa mình, không cầu thực học.

- Hiệu quả:

+ Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục về đạo đức, rèn luyện phẩm hạnh.

+ Thể hiện thái độ phê phán của tác giả với những người không rèn luyện phẩm hạnh.

+ Tăng tính nhịp nhàng, thuyết phục cho lời văn.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời như đáp án: 2,0 điểm

- Học sinh nêu được biểu hiện của phép liệt kê: 0,5 điểm.

- Học sinh trả lời được 03 ý về hiệu quả: 1,5 điểm

- Học sinh trả lời được 02 ý về hiệu quả: 1,0 điểm

- Học sinh trả lời được 01 ý về hiệu quả: 0,5 điểm

2,0

8

- Học sinh nêu bài học phù hợp, có thể theo hướng: Vừa phải học kiến thức, vừa phải rèn luyện đạo đức; Biết phê phán những điều sai trái...

- Lí giải hợp lí, thuyết phục.

Hướng dẫn chấm:

- HS nêu được bài học và lí giải thuyết phục: 2,0 điểm

- HS nêu được bài học, có lí giải nhưng chưa thật sự thuyết phục: 1,5 điểm.

- HS chỉ nêu được bài học, chưa lí giải: 1,0 điểm.

2,0

Đề đọc hiểu văn bản số 2

Đọc đạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Người xưa có ví: “Con chiên ăn cỏ, đâu phải để nhả cỏ, mà là để biến thành những bộ lông mướt đẹp. Con tằm ăn dâu, đâu phải để nhả dâu, mà là để nhả tơ”. Học mà không “tiêu hóa”, có khác nào con chiên nhả cỏ, con tằm nhả dâu. Người ta rồi cũng chẳng khác nào cái máy thu thanh, chỉ lặp lại những gì kẻ khác đã nói. Học như thế, không có lợi ích gì cho mình mà còn hạ phẩm cánh của con người ngang với máy móc. Georges Duhamel có nói: “Đừng sợ máy móc bên ngoài, hãy sợ máy móc của cõi lòng”. Một xã hội mà con người chỉ còn là một bộ máy thì sứ mạng của văn hóa đã đến ngày cùng tận rồi, mà tinh thần loài người cũng đến lúc diệt vong, có xác mà không hồn. Học mà đưa con người đến tình trạng ấy, tôi tưởng thà đừng học có hơn không? Cái hiểm trạng của xã hội này nay phần lớn phải chăng một phần nào đều do những bộ óc học thức “nửa mùa” ấy gây nên?

(Trích Tôi tự học, Nguyễn Duy Cần, NXB Trẻ)

Câu 1 (0.5đ): Đoạn trích trên bàn luận về vấn đề nào?

Câu 2 (0.5đ): Tác giả so sánh việc học mà không “tiêu hóa” với những hình ảnh nào?

Câu 3 (1đ): Liệt kê những câu hỏi tu từ trong đoạn trích trên và nêu tác dụng.

Câu 4 (1đ): Anh/chị có đồng tình với quan điểm “Một xã hội mà con người chỉ còn là một bộ máy thì sứ mạng của văn hóa đã đến ngày cùng tận rồi, mà tinh thần loài người cũng đến lúc diệt vong” hay không? Vì sao?

Gợi ý đáp án Đề Đọc - hiểu Tôi tự học

Câu 1:

Đoạn trích trên bàn luận về hiện tượng học máy móc, nửa vời, không biết chuyển hóa kiến thức của một bộ phận người trong xã hội.

Câu 2:

Tác giả so sánh việc học mà không “tiêu hóa” với hình ảnh con chiên nhả cỏ và con tằm nhả dâu.

Câu 3:

- Những câu hỏi tu từ có trong đoạn trích:

+Học mà đưa con người đến tình trạng ấy, tôi tưởng thà đừng học có hơn không?

+ Cái hiểm trạng của xã hội này nay phần lớn phải chăng một phần nào đều do những bộ óc học thức “nửa mùa” ấy gây nên?

- Tác dụng của các câu hỏi tu từ:

+ Thể hiện thái độ bức xúc và sự phê phán của tác giả đối với hiện tượng học máy móc.

+ Khẳng định mạnh mẽ tác hại của cách học sai lầm đối với xã hội.

+ Tăng hiệu quả cho sự diễn đạt.

Câu 4:

- Khẳng định quan điểm “Một xã hội mà con người chỉ còn là một bộ máy thì sứ mạng của văn hóa đã đến ngày cùng tận rồi, mà tinh thần loài người cũng đến lúc diệt vong” của tác giả là một quan điểm đúng đắn.

- Nêu lí do đồng tình với quan điểm của tác giả:

+ Học máy móc sẽ khiến con người mất đi sự sáng tạo, đời sống tinh thần trở nên nghèo nàn và lạc hậu.

+ Khi con người chỉ là là một bộ máy, các sản phẩm của văn hóa hay văn nghệ không thể tác động đến con người.

+ Xã hội sẽ bị đình trệ, không thể phát triển vì những người không có chuyên môn sâu trong lĩnh vực của mình.

Đề đọc hiểu văn bản số 3

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?
Tóc em ngắn hay dài có trời mà biết được
Những bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh
Trông bốn phía chỉ âm u mây nước

Nào hát lên cho mây nước biết
Rằng chúng ta là những con người
Yêu em thủy chung hơn muối mặn
Dù thư tình chưa biết gửi cho ai

Nào hát lên cho đêm tối biết
Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây
Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió
Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này.”

(Trích Lính đảo hát tình ca trên đảo, Trần Đăng Khoa, Tuyển thơ, NXB Văn học, Hà Nội, 2016)

Câu 1: Bài thơ trên viết theo thể thơ nào?

  1. Thơ lục bát
  2. Thơ thất ngôn
  3. Thơ tự do
  4. Thơ thất ngôn bát cú

Câu 2: Nhân vật trữ tình trong đoạn trích là ai?

  1. Những người lính đảo
  2. Người yêu của những người lính
  3. Tổ quốc
  4. Tác giả

Câu 3: Câu thơ “Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?” thể hiện cảm xúc gì?

  1. Nhớ nhung da diết
  2. Luyến tiếc, ngậm ngùi
  3. Khát khao, mong đợi
  4. Rung động, xao xuyến.

Câu 4: Câu thơ “Trông bốn phía chỉ âm u mây nước” có cách ngắt nhip là:

  1. 2/2/4
  2. 3/5
  3. 4/4
  4. 5/3

Câu 5: Các câu thơ “Nào hát lên cho mây nước biết/ Rằng chúng ta là những con người”, “Nào hát lên cho đêm tối biết/ Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây” sử dụng biện pháp tu từ nào?

  1. Phép thế
  2. Phép điệp
  3. Phép ẩn dụ
  4. Phép nhân hóa

Câu 6: Hình ảnh muối trong ca dao sau đây tương đồng với hình ảnh muối trong câu thơ: “Yêu em thủy chung hơn muối mặn”?


  1. Ngày phơi muối trắng đầy trời

Đêm nằm nghe xót lòng người năm canh

B.

Trời xanh muối trắng cát vàng

Thứ gì cũng đẹp riêng nàng lầm than

C.

Mặn mà muối biển Sa Huỳnh

Ngọt đường Quảng Ngãi thắm tình quê ta

D.

Muối mặn ba năm còn mặn

Gừng cay chín tháng còn cay

Dù ai xuyên tạc lá lay

Sắt son nguyện giữ lòng này thủy chung.

Câu 7: Hai khổ thơ cuối thuộc phần nào trong bản tình ca của người lính?

  1. Phần mở đầu
  2. Phần kết thúc
  3. Phần cao trào
  4. Phần lời dẫn

Câu 8: Đáp án nào không chính xác khi nói về ngôn ngữ của bài thơ?

  1. Giản dị, trong sáng
  2. Đậm tính khẩu ngữ
  3. Thiết tha, tình cảm
  4. Nghiêm trang, bác học

Câu 9: Kể tên một số tác phẩm thơ ngoài chương trình SGK Ngữ văn 10 cùng viết về đề tài người lính.

Câu 10: Đoạn trích đã thể hiện những vẻ đẹp tâm hồn nào của người lính đảo?

Đáp án Đề Đọc - hiểu “Lính đảo hát tình ca trên đảo”

Câu 1: C (0,5đ)

Câu 2: A (0,5đ)

Câu 3: C (0,5đ)

Câu 4: B (0,5đ)

Câu 5: B (0,5đ)

Câu 6: D (0,5đ)

Câu 7: C (0,5đ)

Câu 8: D (0,5đ)

Câu 9 (1đ):

* Lưu ý: Học sinh có thể kể tên các tác phẩm tự chọn (có thể chọn các tác phẩm trong chương trình học THCS) miễn là hợp lí, thuyết phục, đúng đề tài.

Câu 10: (1đ)

Vẻ đẹp tâm hồn người lính được thể hiện qua đoạn trích: khao khát hạnh phúc, son sắt thủy chung, yêu đất nước, giàu tinh thần trách nhiệm, kiên cường, dũng cảm. Tâm hồn người lính hòa quyện giữa tình yêu riêng tư, hạnh phúc lứa đôi và tình yêu Tổ quốc cao cả.

Đề đọc hiểu văn bản số 4

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em
Nhưng làm được những điều phi thường lắm
Bởi hai tiếng nhân văn được cất vào sâu thẳm
Bởi vẫn giữ vẹn nguyên hai tiếng đồng bào.

Em thấy không? Trong nỗi nhọc nhằn, vất vả, gian lao
Khi dịch bệnh hiểm nguy đang ngày càng lan rộng
Cả đất nước mình cùng đồng hành ra trận
Trên dưới một lòng chống dịch thoát nguy.

(Trích "Đất nước ở trong tim" - Chu Ngọc Thanh)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định thể thơ của đoạn thơ trên?

Câu 2 (0,5 điểm): Đoạn thơ trên sử dụng phương thức biểu đạt chính nào?

Câu 3 (1,0 điểm): Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ cuối của khổ thơ thứ nhất. Hiệu quả của biện pháp tu từ đó?

Câu 4 (1,0 điểm): Nêu nội dung chính của đoạn thơ. Từ nội dung đó đã chạm vào miền cảm xúc nào trong em về đất nước?

Đáp án Đề đọc hiểu văn bản số 1

Câu 1 (0,5 điểm):

Thể thơ của đoạn thơ: tự do.

Câu 2 (0,5 điểm):

Đoạn thơ trên sử dụng phương thức biểu đạt chính là biểu cảm.

Câu 3 (1,0 điểm):

Biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ cuối của khổ thơ thứ nhất là biện pháp điệp từ.

Tác dụng: vừa nhấn mạnh, vừa gợi cho cảm xúc của người đọc vào lý do rằng trong con người Việt Nam vẫn luôn tồn tại "nhân văn", "đồng bào" nên dù nước ta có nhỏ bé thật đấy nhưng vẫn làm nên được những điều phi thường.

Câu 4 (1,0 điểm):

Nội dung chính của đoạn thơ: Ca ngợi, niềm tự hào, xúc động của tác giả trước sự đoàn kết của cả nước trước đại dịch.

(Các em tự nêu suy nghĩ và nêu cảm xúc của mình. Gợi ý: miền cảm xúc được chạm tới là sự tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, khí thế hừng hực trong việc phòng chống dịch bệnh).

Đề đọc hiểu văn bản số 5

Đọc đoạn văn sau và trả lời những câu hỏi:

Hành trang lên đường

Có một hòa thượng muốn đi học tập ở nơi xa. Sư thầy hỏi:

- Khi nào con đi?

- Tuần sau con sẽ đi. Đường xa, con đã nhờ người đan vài đôi giày cỏ, sau khi lấy giày con sẽ lên đường.

Sự thầy trầm ngâm một lát rồi nói:

- Nếu không thì thế này, ta sẽ nhờ các tín chúng quyên tặng giày cho con.

Không biết sư thầy đã nói với biết bao nhiêu người nhưng ngày hôm đó, có đến vài chục người đem giày đến tặng, chất đầy cả một góc căn phòng thiền. Sáng hôm sau, lại có người mang một chiếc ô đến tặng cho hòa thượng. Hòa thượng hỏi:

- Tại sao tín chủ lại tặng ô?

- Sư thầy nói rằng hòa thượng chuẩn bị đi xa, trên đường có thể sẽ gặp mưa lớn, sư thầy nói với tôi liệu tôi có thể tặng hòa thượng một chiếc ô?

Thế nhưng hôm đó, không chỉ có người đó mang ô đến tặng. Đến buổi tối, trong phòng thiền đã chất khoảng 50 chiếc ô các loại. Giờ học buổi tối kết thúc, sư thầy bước vào phòng thiền của hòa thượng:

- Giày cỏ và ô đã đủ chưa?

- Đủ rồi ạ! – Hòa thượng chỉ vào đống ô và giày cỏ chất cao như ngọn núi nhỏ trong góc phòng. - Nhiều quá rồi thầy ạ, con không thể mang tất cả đi được.

Sư thầy nói:

- Vậy sao được. Trời có lúc mưa lúc nắng, có ai tiên liệu được con sẽ phải đi bao xa, phải dầm bao nhiêu lần mưa gió. Nhỡ đâu giày cỏ đi rách hết cả, ô cũng mất, lúc đó con phải làm sao?

Ngừng một lát, ông lại tiếp tục:

- Trên đường đi, chắc chắn con sẽ gặp không ít sông suối, mai ta sẽ có lời nhờ tín chúng quyên thuyền, con hãy mang theo…

Đến lúc này, vị hòa thượng mới hiểu ra ý đồ của sư phụ. Hòa thượng quỳ rạp xuống đất, nói:

- Đệ tử sẽ xuất phát ngay bây giờ và sẽ không mang theo bất cứ thứ gì ạ.

Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt chính của câu chuyện.

Câu 2: Em thích nhất chi tiết nào trong câu chuyện? Vì sao?

Câu 3: Em hiểu thế nào về những hành động của sư thầy?

Câu 4: Câu chuyện giúp em nhận ra điều gì?

Gợi ý đáp án Đọc hiểu văn bản

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính của câu chuyện: tự sự

Câu 2:

Học sinh chọn ra những chi tiết tiêu biểu để cảm nhận: chi tiết chú tiểu được tặng giày, tặng ô; chi tiết sư thầy kêu gọi quyên góp đồ tặng chú tiểu; chi tiết chú tiểu vội vã lên đường. Giải thích tại sao lại chọn chi tiết đó.

Câu 3:

Hành động của sư thầy không chỉ giúp chú tiểu quyên góp được món đồ mình muốn mà đó còn là bài học sư thầy dạy cho chú tiểu: Khi làm bất cứ việc gì, điều quan trọng không phải là những vật ngoài thân đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hay chưa mà là ta đã đủ quyết tâm hay chưa.

Câu 4:

Câu chuyện mang đến cho chúng ta bài học: Những vật ngoài thân không quyết định đến thành công của chúng ta. Hãy mang trái tim của mình lên đường, mục tiêu dù ở xa bao nhiêu đi chăng nữa nhưng đường ở ngay dưới chân mình, hãy cứ đi rồi sẽ đến.

Đề đọc hiểu văn bản số 6

  1. Thể loại

Truyền kì là một thể văn xuôi tự sự thời trung đại mà khi viết tác giả thường đưa vào những yếu tố hoang đường, kì lạ. Qua câu chuyện về thánh thần, ma quỷ, truyện truyền kì thường phản ánh hiện thực, thể hiện tư tưởng và thái độ của người viết về cuộc sống và con người.

  1. Tác giả

Nguyễn Dữ (? -?), sống vào khoảng thế kỉ XVI, người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân, nay là huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ông xuất thân trong gia đình khoa bảng (cha đỗ Tiến sĩ đời Lê Thánh Tông), là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm và bạn học của Phùng Khắc Khoan, từng đi thi và đã ra làm quan nhưng không bao lâu thì từ quan về ở ẩn. Với Truyền kì mạn lục, ông đã đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam.

  1. Tác phẩm

Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là câu chuyện có pha nhiều yếu tố hoang đường. Đó là câu chuyện về một người tên là Ngô Tử Văn, tính tình ngay thẳng, ghét sự gian tà. Trước sự tác oai tác quái của linh hồn tên tướng phương Bắc bại trận, Tử Văn đã đốt đền. Tử Văn về gặp Diêm Vương được xử không có tội, đòi lại được ngôi đền cho Thổ thần. Tử Văn sống lại nhưng một tháng sau lại đột ngột qua đời và được trở thành quan phán sự.

( Trích Đọc hiểu văn bản ngữ văn 10, Nguyễn Trọng Hoàn)

1/ Nêu nội dung chính của văn bản trên?

2/ Xác định phương thức biểu đạt của văn bản?

3/ Truyện truyền kì khác thần thoại, truyện cổ tích và truyền thuyết ở điểm nào?

4/ Qua văn bản, viết đoạn văn ngắn (5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về lối sống ngay thẳng, ghét sự gian tà trong cuộc sống hôm nay.

Trả lời:

1/ Nội dung chính của văn bản trên:

- Giới thiệu đặc điểm thể loại truyền kì;

- Giới thiệu khái quát về cuộc đời nhà văn Nguyễn Dữ;

- Tóm tắt truyện Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

2/ Phương thức biểu đạt của văn bản: thuyết minh

3/ Truyện truyền kì khác thần thoại, truyện cổ tích và truyền thuyết ở chỗ:

- Truyện truyền kì cũng có thể bắt nguồn từ truyện thần kì của dân gian nhưng nó đã có tác giả, có sự đầu tư của cấu trúc, chọn lọc chi tiết và hơn hết, mỗi truyện truyền kì là một bài học làm người trọn vẹn.

- Truyện truyền kì có dung lượng lớn hơn những truyện dân gian, ngôn ngữ kể chuyện đã có màu sắc của phong cách, nhân vật của truyện có đời sống, có cá tính. Đặc biệt các tình huống của truyện đầy những bất ngờ, hấp dẫn bởi kịch tính cao.

- Truyện truyền kì thông thường là sáng tạo của người nghệ sĩ, mỗi truyện là một vấn đề của cuộc sống. Nó không mang tính chức năng trong nội dung phản ánh và tính mô tip về hình thức của truyện.

4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:

- Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành;

- Nội dung: Từ vẻ đẹp của nhân vật Ngô Tử Văn, thí sinh liên hệ đến lối sống ngay thẳng, ghét sự gian tà trong cuộc sống hôm nay. Cụ thể:

+ Giải thích: Sống ngay thẳng là sống đúng với con người thật của mình, biết đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu. Ghét sự gian tà là căm phẫn trước sự lộng hành của cái ác

+ Ý nghĩa của lối sống: thể hiện bản lĩnh của con người chính trực, góp phần đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi người, mọi nhà

+ Phê phán lối sống dối trá, đạo đức giả

+ bài học nhận thức và hành động cho bản thân: hiểu được ý nghĩa của lối sống thẳng thắn, biết đấu tranh phê bình và tự phê bình, tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.

Đề đọc hiểu văn bản số 7

Bình về hai câu thơ Ngư ca tam xướng vu hồ khoát / Mục địch nhất thanh thiên nguyệt cao của Nguyễn Trãi, nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh viết:

Ông chài hát lên ba lần thì mặt hồ phủ khói lại rộng thêm ra; chú chăn trâu thổi lên một tiếng sáo thì mặt trăng trong bầu trời được đẩy cao hơn. Hồ rộng thêm vì làn dân ca toả ra trên mặt nước, lan dần ra, man mác, vô biên. Trăng vọt lên cao hơn vì tiếng sáp vút thẳng trong bầu trời, không biết dừng lại ở đâu. Tả lời hát, tả tiếng sáo, đồng thời tả cảm giác của người ta khi nghe ca, nghe nhạc, ý tứ thật là hàm súc sâu xa. Không gian rộng thêm ra, cao thêm lên mà chính cũng là tâm hồn con người mở rộng ra, lớn thêm lên. Văn nghệ có thể và phải nâng con người lên một tầm vóc cao đẹp hơn là thế.

(Đinh Gia Khánh, Văn học Việt Nam thế kỉX đến nửa đầu thế kí XVIII, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1978, tr. 353)

  1. Trong đoạn văn trên có phần diễn xuôi các câu thơ, có phần bình về chúng. Anh (chị) hãy xác định ranh giới giữa hai phần đó.
  2. Ở đoạn văn trên, tác giả nhấn mạnh điểm đặc sắc gì của các câu thơ?
  3. Tác giả đã chọn hình thức lập luận nào khi triển khai đoạn văn này? Nêu những dấu hiệu giúp anh (chị) nhận ra điều đó.
  4. Anh (chị) hiểu thế nào về vấn đề: Văn nghệ có thể và phải nâng con người lên một tầm vóc cao đẹp hơn.

Hướng dẫn làm bài

  1. Phần diễn xuôi các câu thơ nằm gọn trong câu thứ nhất của đoạn văn. Phần bình bắt đầu từ câu: “Hồ rộng thêm...” đến hết.
  2. Điểm đặc sắc được tác giả đoạn văn nhấn mạnh: các câu thơ không chỉ tả khung cảnh, sự vật mà còn thể hiện được cảm giác, cái nhìn của con người khi đứng trước khung cảnh, sự vật đó.
  3. Khi triển khai đoạn văn này, hình thức lập luận được lựa chọn là hình thức quy nạp. Tất cả những lời bình đều nhằm đến một kết luận được phát biểu ở câu cuối cùng: “Văn nghệ có thể và phải nâng con người lên một tầm vóc cao đẹp hơn là thế”.
  4. “Văn nghệ có thể và phải nâng con người lên một tầm vóc cao đẹp hơn” - luận điểm này đề cập đến một số chức năng cơ bản của văn học: chức năng bồi đắp tâm hồn con người, giáo dục, định hướng về lối sống. Điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của văn nghệ, do văn nghệ phản ánh cuộc sống bằng hình tượng và là tiếng nói của tình cảm. Nhờ vậy, những điều muốn nói của văn nghệ dễ dàng lan thấm vào tâm hồn độc giả, gây nên những rung động thấm thía.

Đề đọc hiểu văn bản số 8

Nhà văn, nhà thơ thường có sở thích, sở trường riêng trong diễn đạt: có người thiên về miêu tả cặn kẽ, có người thiên về phác hoạ đôi nét làm dấu hiệu để gợi ra một cái gì đó; có người mạnh về dùng ngôn ngữ sinh hoạt ở nông thôn, cớ người sở trường về dùng ngôn ngữ sinh hoạt ở thành thị; có người ưa chuộng lối diễn đạt mang phong vị ca dao… Quả thực, sở thích và sở trường diễn đạt của nhà văn, nhà thơ rất khác nhau, rất đa dạng. Sở thích và sở trường ấy thể hiện đều đặn trong các tác phẩm của nhà văn nhà thơ đến một mức độ rõ ràng nào đấy thì tạo thành nét độc đáo của họ trong diễn đạt, làm nên dấu ấn riêng của tác giả. Chẳng hạn, thơ Hồ Xuân Hương không giống thơ Bà Huyện Thanh Quan, văn Nam Cao khác vãn Vũ Trọng Phụng… Nói như vậy là căn cứ vào dấu ấn riêng trong văn bản nghệ thuật do mỗi người sáng tạo ra.-

(Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, Ngữ văn 10 Nâng cao, tập hai,

NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 22)

  1. Theo anh (chị), những từ ngữ nào có thể được xem là “từ khoá” trong đoạn văn trên?
  2. Phân biệt sở thích và sở trường của nhà văn trong công việc sáng tạo.
  3. Thế nào là dấu ấn riêng của tác giả? Theo nội.dung đoạn văn trên, dấu ấn riêng của tác giả được biểu hiện như thế nào?
  4. Dấu ấn riêng của tác giả có vai trò như thế nào đối với một nền văn học?

Trả lời:

  1. “Từ khoá” là một khái niệm chỉ các từ ngữ có tần suất xuất hiện cao trong các văn bản. Khái niệm này được dùng quen thuộc trong việc tra cứu các bài viết trên mạng internet hiện nay. Trong một bài viết được công bố trên một trang mạng nào đó, có những từ ngữ chủ chốt, chỉ cần nhập chúng vào trang tìm kiếm (chẳng hạn trang Google), bài viết sẽ nhanh chóng được tìm ra. Câu hỏi này mượn khái niệm “từ khoá” để chỉ những từ ngữ quan trọng trong đoạn văn được dẫn. Hiểu như vậy, trong đoạn văn có các “từ khoá” như: sở thích, sở trường, diễn đạt, nét độc đáo, dấu ấn riêng của tác giả…
  2. Đoạn văn đề cập đến sở thích và sở trường của nhà thơ, nhà văn. Sở thích là những gì thu hút sự chú ý đặc biệt của nhà văn, nhà thơ, gây được hứng thú mạnh mẽ trong sáng tạo. Sở trường là những điểm mạnh của nhà văn, những chỗ mà nhà văn am hiểu sâu sắc, rất thuận lợi cho công việc sáng tạo. Đối lập với sở trường là sở đoản, tức là những điểm mà nhà văn không nắm vững, ít am hiểu.
  3. Dấu ấn riêng của tác giả là những nét khác biệt, độc đáo mà nhà văn, nhà thơ tạo nên qua ngôn ngữ tác phẩm. Những nét riêng biệt ấy trở đi trở lại nhiều lần, khiến chúng trở thành những dấu hiệu đặc thù rất dễ nhận ra. Theo nội dung của đoạn văn, dấu ấn riêng của tác giả được tạo nên từ cách diễn đạt độc đáo thể hiện ở nhiều tác phẩm. Nói đến diễn đạt là nói đến cách sử dụng ngôn ngữ ở các cấp độ: ngữ âm, từ vựng, cú pháp, các phương tiện và biện pháp tu từ, cách tổ chức văn bản… Như vậy, cái riêng của tác giả có thể biểu hiện với những mức độ đậm, nhạt khác nhau trong các bình diện nêu trên.
  4. Một nền văn học rất cần sự đa dạng, phong phú. Mỗi nhà văn xuất hiện trong bức tranh văn học phải là một cá thể sáng tạo riêng biệt, độc đáo. Muốn vậy, mỗi người phải có được dấu ấn riêng trong sáng tạo, biểu hiện ở nhiều mặt, trong đó có ngôn ngữ tác phẩm. Nói cách khác, dấu ấn riêng của tác giả là yếu tố quan trọng làm nên các phong cách khác nhau, và đó chính là sự đa sắc của một nền văn học.

Đề đọc hiểu văn bản số 9

Cũng giống như âm thanh trong âm nhạc, màu sắc và đường nét trong hội hoạ, ngôn ngữ trong văn bản nghệ thuật được xem là chất liệu xây dựng hình tượng. Bản thân loại chất liệu này là tổng hoà của những kí hiệu hai mặt ngữ âm và ngữ nghĩa. Với tài năng sáng tạo, nhà văn, nhà thơ hướng sự chú ý vào tổ chức văn bản, tìm mọi cách cho hai mặt ngữ âm và ngữ nghĩa của kí hiệu ngôn ngữ hoà phối với nhau, cùng phát huy tác dụng đối với cấu trúc từng câu, từng đoạn cũng như cấu trúc hoàn chỉnh của toàn bộ văn bản nghệ thuật. Chính vì vậy, văn chương được xem là tác phẩm nghệ thuật của ngôn ngữ, là sự thể hiện giá trị thẩm mĩ của ngôn ngữ.

(Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, Ngữ vãn 10 Nâng cao, tập hai,

NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 21)

  1. Muốn nắm được nội dung của đoạn văn trên, trước hết cần phải hiểu những khái niệm nào?
  2. Có sự khác biệt như thế nào giữa chất liệu của văn học và chất liệu của các loại hình nghệ thuật khác?
  3. Theo đoạn văn trên, giá trị thẩm mĩ của ngôn ngữ văn học thể hiện ở những yếu tố nào?

Trả lời

1/Đoạn văn dùng khá nhiều thuật ngữ khoa học (thuộc ngành nghiên cứu văn học). Muốn nắm được nội dung của đoạn văn, phải hiểu được các thuật ngữ: văn bản nghệ thuật, chất liệu, hình tượng, kí hiệu hai mặt, ngữ âm, ngữ nghĩa, tổ chức văn bản, cấu trúc, tác phẩm nghệ thuật., giá trị thẩm mĩ…

2/Mỗi loại hình nghệ thuật đều có chất liệu riêng. Chất liệu của âm nhạc là âm thanh; chất liệu cùa hội hoạ là màu sắc, đường nét; chất liệu của điêu khắc là hình khối; còn chất liệu của văn học là ngôn ngữ. Chất liệu của văn học khác với chất liệu của các loại hình nghệ thuật khác ở chỗ: ngôn ngữ có hai mặt, đó là ngữ âm và ngữ nghĩa. Hơn nữa, ngôn ngữ tồn tại trong xã hội trước hết với tư cách là công cụ của tư duy và là phương tiện giao tiếp của con người. Ngôn ngữ có nhiều chức năng, trong đó có chức năng làm chất liệu cho sáng tạo văn học.

3/Khi tồn tại trong văn bản nghệ thuật, ngôn ngữ có giá trị thẩm mĩ, biểu hiện ở sự hoà phối giữa ngữ âm và ngữ nghĩa, ở cách, cấu trúc của câu, của đoạn, của chỉnh thể văn bản. Nói cách khác, cái đẹp của ngôn ngữ trong văn bản nghệ thuật có thể biểu hiện ở mọi bình diện ngôn ngữ.

Đề đọc hiểu văn bản số 10

Ông chài hát lên ba lần thì mặt hồ phủ khói lại rộng thêm ra; chú chăn trâu thổi lên một tiếng sáo thì mặt trăng trong bầu trời được đẩy cao hơn. Hồ rộng thêm vì làn dân ca toả ra trên mặt nước, lan dần ra, man mác, vô biên. Trăng vọt lên cao hơn vì tiếng sáp vút thẳng trong bầu trời, không biết dừng lại ở đâu. Tả lời hát, tả tiếng sáo, đồng thời tả cảm giác của người ta khi nghe ca, nghe nhạc, ý tứ thật là hàm súc sâu xa. Không gian rộng thêm ra, cao thêm lên mà chính cũng là tâm hồn con người mở rộng ra, lớn thêm lên. Văn nghệ có thể và phải nâng con người lên một tầm vóc cao đẹp hơn là thế.

(Đinh Gia Khánh, Văn học Việt Nam thế kỉX đến nửa đầu thế kí XVIII, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1978, tr. 353)

Trong đoạn văn trên có phần diễn xuôi các câu thơ, có phần bình về chúng. Anh (chị) hãy xác định ranh giới giữa hai phần đó.

Ở đoạn văn trên, tác giả nhấn mạnh điểm đặc sắc gì của các câu thơ?

Tác giả đã chọn hình thức lập luận nào khi triển khai đoạn văn này? Nêu những dấu hiệu giúp anh (chị) nhận ra điều đó.

Anh (chị) hiểu thế nào về vấn đề: Văn nghệ có thể và phải nâng con người lên một tầm vóc cao đẹp hơn.

Hướng dẫn làm bài

Phần diễn xuôi các câu thơ nằm gọn trong câu thứ nhất của đoạn văn. Phần bình bắt đầu từ câu: “Hồ rộng thêm…” đến hết.

Điểm đặc sắc được tác giả đoạn văn nhấn mạnh: các câu thơ không chỉ tả khung cảnh, sự vật mà còn thể hiện được cảm giác, cái nhìn của con người khi đứng trước khung cảnh, sự vật đó.

Khi triển khai đoạn văn này, hình thức lập luận được lựa chọn là hình thức quy nạp. Tất cả những lời bình đều nhằm đến một kết luận được phát biểu ở câu cuối cùng: “Văn nghệ có thể và phải nâng con người lên một tầm vóc cao đẹp hơn là thế”.

“Văn nghệ có thể và phải nâng con người lên một tầm vóc cao đẹp hơn” – luận điểm này đề cập đến một số chức năng cơ bản của văn học: chức năng bồi đắp tâm hồn con người, giáo dục, định hướng về lối sống. Điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của văn nghệ, do văn nghệ phản ánh cuộc sống bằng hình tượng và là tiếng nói của tình cảm. Nhờ vậy, những điều muốn nói của văn nghệ dễ dàng lan thấm vào tâm hồn độc giả, gây nên những rung động thấm thía.

Đề đọc hiểu văn bản số 11

Ngôn ngữ là tài sản chung của một dân tộc, một cộng đồng xã hội (có thể bao gồm những người cùng một dân tộc, hoặc thuộc các dân tộc khác nhau). Muốn giao tiếp với nhau, xã hội phải có phương tiện chung, trong đó phương tiện quan trọng nhất là ngôn ngữ. Phương tiện đó vừa giúp cho mỗi cá nhân trình bày những nội dung mà mình muốn biểu hiện, vừa giúp họ lĩnh hội được lời nói của người khác. Cho nên, mỗi cá nhân đều phải tích lũy và biết sử dụng ngôn ngữ chung của cộng đồng xã hội.

Thử tìm từ ngữ thay thế cho các từ in đậm trong đoạn văn trên và so sánh giá trị biểu đạt của từ ngữ đó với từ ngữ được thay thế với từ trong văn bản.

Bộ phận được đặt trong ngoặc đơn (có thể bao gồm những người cùng một dân tộc, hoặc thuộc các dân tộc khác nhau) có vai trò gì trong câu? Hãy chỉ ra những phương tiện liên kết các câu trong đoạn văn.

Tại sao “mỗi cá nhân đều phải tích luỹ và biết sử dụng ngôn ngữ chung của cộng đồng xã hội”?

Nêu chủ đề và phong cách ngôn ngữ của đoạn văn.

Hướng dẫn làm bài

Từ tài sản có thể thay bằng từ của cải; giao tiếp có thể thay bằng cụm từ trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm; trình bày có thể thay bằng nói lên; lĩnh hội có thể thay bằng tiếp nhận. Những từ ngữ đưa ra để thay thế như vừa nêu vẫn có thể giúp ta hiểu được ý của đoạn văn, song giá trị biểu đạt không thể bằng những từ vốn có trong văn bản.

– Bộ phận được đặt trong ngoặc đơn (có thể bao gồm những người cùng một dân tộc, hoặc thuộc các dân tộc khác nhau) nhằm giải thích cho cụm từ một cộng đồng xã hội ngay trước đó.

– Các câu trong đoạn văn được liên kết với nhau bởi những phương tiện như lặp từ (Phương tiện đó vừa giúp mỗi người…), liên kết nội dung (Muốn giao tiếp với nhau…), (Cho nên, mỗi cá nhân…).

Mỗi cá nhân phải tích luỹ và biết sử dụng ngôn ngữ chung của cộng đồng xã hội nhằm trau dồi phương tiện giao tiếp, để có thể trình bày được những điều mình muốn nói và hiểu được những gì mà người khác muốn trao đổi.

Chủ đề của đoạn văn: Ngôn ngữ- phương tiện giao tiếp của con người trong cộng đồng xã hội. Đoạn văn thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học.

Đề đọc hiểu văn bản số 12

Văn nghệ thuật là sản phẩm của trí tưởng tượng nghệ thuật của nhà văn, thấm nhuần tình cảm, cảm xúc thẩm mĩ. Loại văn này thuyết phục người đọc chủ yếu bằng hình tượng nghệ thuật. Còn văn nghị luận là sản phẩm của tư duy logic của lí trí tỉnh táo. Nó thuyết phục người đọc chủ yếu bằng lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực.

Đoạn văn trên nói về vấn đề gì? Thuộc loại văn bản gì?

Giải thích các khái niệm: văn nghệ thuật, văn nghị luận, cảm xúc thẩm mĩ, hình tượng nghệ thuật.

Tại sao trong học tập môn Ngữ văn ở Trung học phổ thông, cần phân biệt văn nghệ thuật với văn nghị luận?

Hướng dẫn làm bài

Đoạn văn nói về sự khác nhau giữa văn nghệ thuật và văn nghị luận. Nó thuộc loại văn bản khoa học.

– Văn nghệ thuật (còn được gọi là mĩ văn) là khái niệm quy ước, chỉ loại hình sáng tác, loại hình văn bản ngôn từ được viết ra nhằm mục đích thẩm mĩ, tác động trước hết vào tình cảm, cảm xúc, liên tưởng, tưởng tượng của độc giả.

– Văn nghị luận là khái niệm chỉ loại hình sáng tác, loại hình văn bản ngôn từ được xây dựng bằng lí lẽ, lập luận nhằm thuyết phục người đọc về một vấn đề nào đó của văn học hoặc của thực tiễn đời sống.

– Cảm xúc thẩm mĩ là cảm xúc được dấy lên trước đối tượng thẩm mĩ, trước cái đẹp có trong văn học, trong thiên nhiên và trong đời sống. Cảm xúc thẩm mĩ khác cảm xúc thông thường ở sự quyện hoà giữa khả năng nhận biết cái đẹp, phản xạ trước cái đẹp và trí tưởng tượng phong phú về cái đẹp.

– Hình tượng nghệ thuật là “bức tranh” cụ thể, sống động được tạo nên trong tác phẩm nghệ thuật, vừa phản ánh thực tế đời sống, tâm hồn con người, vừa phản ánh cảm xúc, cảm nhận, suy tư, đánh giá của tác giả về tất cả những điều đó. Hình tượng nghệ thuật luôn đa nghĩa mà việc giải thích nó đòi hỏi sự am hiểu thực sự về những quy ước của nghệ thuật, về cái “mã” của nghệ thuật.

Trong học tập môn Ngữ văn ở Trung học phổ thông, rất cần phân biệt các loại văn bản, trong đó có văn nghệ thuật và văn nghị luận. Sở dĩ như vậy là bởi, thứ nhất, ở phần đọc – hiểu, học sinh được tiếp nhận cả văn nghệ thuật (thơ, truyện, tiểu thuyết, kịch…) và văn nghị luận (nghị luận xã hội và nghị luận văn học). Muốn đọc – hiểu có hiệu quả thì phải nắm vững đặc trưng của từng kiểu, loại văn bản. Thứ hai, trong tạo lập văn bản, các em phải thường xuyên viết các loại văn bản nghị luận (qua các đề kiểm tra, đề thi) đồng thời cũng có thể viết văn nghệ thuật (sáng tác thơ, truyện…). Nếu không hiểu rõ sự khác biệt giữa các loại văn bản thì bài viết khó có thể đạt yêu cầu.

Đề đọc hiểu văn bản số 13

Những kết quả nghiên cứu gần đây của nhiều nhà Việt ngữ học đã chứng minh tiếng Việt cố nguồn gốc bản địa. Nguồn gốc và tiến trình phát triển của tiếng Việt gắn bó với nguồn gốc và tiến trình phát triển của dân tộc Việt – cộng đồng người đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc kiến tạo nền văn minh lúa nước trên địa bàn Đông Nam Á tiền sử, đặc biệt là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hiện nay. Tiếng Việt được xác định thuộc họ ngôn ngữ Nam Á.

Đoạn văn trên được tổ chức theo hình thức quy nạp, diễn dịch hay tổng phân hợp? Căn cứ vào đâu để nhận biết điều đó?

Anh (chị) hiểu thế nào về các cụm từ ngữ nhà Việt ngữ học, tiếng Việt có nguồn gốc bản địa?

Bắc Trung Bộ gồm những tỉnh nào?

Đoạn văn trên nói về vấn đề gì?

Hướng dẫn trả lời

Đoạn văn được tổ chức theo hình thức diễn dịch. Dấu hiệu nhận biết điều đó: câu mở đầu là câu có tính chất khái quát, được gọi là câu chủ đề. Các câu còn lại của đoạn triển khai cụ thể ý được nêu ở câu mở đầu.

Nhà Việt ngữ học là nhà khoa học nghiên cứu về tiếng Việt. Tiếng Việt có nguồn gốc bản địa có nghĩa: Tiếng Việt được hình thành ngay trên đất nước của người Việt chứ không phải là thứ tiếng được du nhập từ một quốc gia khác.

Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Đoạn văn nói về nguồn gốc của tiếng Việt.

Đề đọc hiểu văn bản số 14

Phở cũng có những quy luật của nó. Như tên các hàng phở, hiệu phở. Tên người bán phở thường chỉ dùng một tiếng, lấy ngay cái tên cúng cơm người chủ hoặc tên con mà đặt làm tên gánh, tên hiệu, ví dụ phở Phúc, phở Lộc, phở Thọ, phở Trưởng ca, phở Tư… […] Quần chúng nhân dân, nhất là nhân dân Hà-nội có nhiều sáng kiến đế đặt tên cho những người họ yên tin. Anh hàng phở ấy hãy đứng ở đâu bán hàng, họ lấy luôn cải địa điểm ấy mà gọi thành tên ngườị Bác phở Nhà thương, ông phở Đầu ghi, anh phở Bến tầu điện, anh phở Gầm cầu… Có khi lấy một vài nét đặc thù trong cách phục sức mà gọi. Cải mũ tàu bay trên đầu ông bản phở thời Tây xưa, đã thành cái tên một người bán phở trứ danh của thủ đô sau này. […] Trong nghề phở, nó cũng có những cái nền nếp của nó.

Nhưng khoa phở đã có những việc nó đòi phá cả những khuôn phép của nó. Theo tôi nghĩ, cái nguyên tắc cơ bản của phở là làm bằng thịt bò. […] Có phải là vì muốn chống công thức mà người ta đã làm phở vịt, phở xá xíu, phở chuột? Cứ cải đà tìm tòi ấy, y thì rồi sẽ có những hàng phở ốc, phở ếch, phở dê, chó, khỉ, ngựa, tôm, cá chép, bồ câu, cắc kè… nghĩa là loạn, phở nối loạn. Có nhẽ ngày ấy thiên hạ sẽ gọi là đi ăn một thứ phở Mỹ miếc gì đó.

(Nguyễn Tuân – Phở)

Câu 1: Món ăn mà Nguyễn Tuân đề cập đến trong đoạn trích trên đem lại cho anh (chị) ấn tượng gì?

Câu 2: Đoạn trích trên được triển khai thành hai ý cụ thể. Đó là những ý nào?

Câu 3: Đoạn trích sử dụng nhiều từ ngữ đặc biệt như: cứ cái đà tìm tòi ấy, thứ phở Mỹ miếc, đó lại là chuyện khác. Anh (chị) hãy phân tích tác dụng của những từ ngữ đó.

Câu 4: Chỉ ra thao tác lập luận của đoạn trích (2).

Hướng dẫn làm bài

Câu 1: Ấn tượng của người đọc đối với món ăn mà Nguyễn Tuân miêu tả: Bình thường một món ăn người ta chỉ quan tâm đến những công thức, nguyên liệu, cách thưởng thức, cách bảo quản… Còn nhà văn Nguyễn Tuân lại nhìn nhận món ăn ở khía cạnh khác: Món ăn cũng có những quy tắc, luật lệ và có sự phá vỡ luật lệ. Cùng một vấn đề nhưng Nguyễn Tuân triển khai ở một góc nhìn khác, một khía cạnh khác, làm nên sự thú vị cho người đọc.

Câu 2: Hai ý được triển khai trong đoạn trích trên:

Y 1: Phở có những quy định riêng của nó. Phần này miêu tả cách gọi tên các quán phở cũng dựa vào một quy định nào đó, một hình thức nào đó, Chẳng hạn đặt tên theo tên cúng cơm, theo một cái tật nguyền trên thân thể, theo một người mà họ yêu tin…

Ý 2: Phở cũng có sự phá luật lệ. Phở không chỉ được làm bằng bò như “nguyên tắc cơ bản” mà còn có thể làm bằng nhiều nguyên liệu khác như gà, vịt, ốc, ếch….

Câu 3: Các từ ngữ đặc biệt như: cứ cái đà tìm tòi ấy, thứ phở Mỹ miếc, đó lại là chuyện khác là những từ mang tính khẩu ngữ có đặc điểm bình dị, tự nhiên, gần gũi.

Tác dụng: Phù hợp để thể hiện giọng điệu cá nhân, cung cấp nhũng hiểu biết cá nhân về vấn đề được nói tới. Cách nói không khoa trương hình thức đem lại cảm giác nhẹ nhàng, gần gũi với người đọc.

Câu 4: Đoạn trích (2) sử dụng thao tác lập luận chính là thao tác chứng minh (chứng minh phở cũng phá vỡ những quy luật của nó bằng việc tạo ra nhiều loại phở phong phú đa dạng).

Đề đọc hiểu văn bản số 15

Tiếng Việt của chúng ta rất giàu; tiếng ta giàu bởi đời sống muôn màu, đời sống tư tưởng và tình cảm dồi dào của dân tộc ta; bởi kinh nghiệm đấu tranh lâu đời và phong phú, kinh nghiệm đấu tranh giai cấp, đấu tranh xã hội, đấu tranh với thiên nhiên và đấu tranh với giặc ngoại xâm; bởi những kinh nghiệm sống của bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Tiếng Việt của chúng ta phản ánh sự hình thành và trưởng thành của xã hội Việt Nam và của dân tộc Việt Nam, của tập thể nhỏ là gia đình họ hàng, làng xóm và của tập thế lớn là dân tộc, quốc gia.

Tiếng Việt của chủng ta rất đẹp; đẹp như thế nào, đó là điểu rất khó nói. Chúng ta không thể nói tiếng ta đẹp như thế nào cũng như ta không thể nào phân tích cái đẹp của ánh sáng, của thiên nhiên. Nhưng đối với chúng ta là người Việt Nam, chủng ta cảm thấy và thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta, tiếng nói của quần chúng nhân dân trong ca dao và dân ca, lời văn của các nhà văn lớn. Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quỷ, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp.

(Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, trong cuốn sách cùng tên, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1980)

Câu 1: Tìm các vấn đề chính được đề cập trong đoạn trích trên.

Câu 2: Chỉ ra các phép liên kết trong đoạn trích trên.

Câu 3: Tiếng Việt giàu và đẹp được Phạm Văn Đồng chỉ ra trên những ví dụ cụ thể nào? Anh (chị) hãy chỉ ra tác dụng của những ví dụ cụ thể đó.

Câu 4: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về câu: Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp.

Hướng dẫn làm bài

Câu 1: Đoạn trích trên được triển khai thành 3 vấn đề chính sau: tiếng Việt của chúng ta giàu, tiếng Việt của chúng ta đẹp và biểu hiện của tiếng Việt giàu đẹp ở các phương diện cụ thể.

Câu 2: Các phép liên kết được sử dụng trong đoạn trích là:

Phép liên tưởng: nhà văn sử dụng trường từ vựng về về đời sống xã hội, quần chúng, ngôn ngữ: tiếng Việt, kinh nghiệm đấu tranh, xã hội, dân tộc, quốc ..

Phép điệp: Điệp từ “tiếng Việt”, “xã hội”, “đẹp”, “giàu”, “chúng ta”… và điệp cấu trúc “Tiếng Việt chúng ta rất…”

Phép nối: sử dụng các từ nối ở đầu câu, ví dụ từ “nhưng” .

Câu 3:

Phạm Văn Đồng đã chỉ ra vẻ đẹp của tiếng Việt trên các biểu hiện cụ thể là tiếng nói của quần chúng nhân dân, ngôn ngữ của văn học với những tác giả như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,….Tác dụng: Tạo ra vẻ đẹp lập luận cho đoạn trích khi đưa được những dẫn chứng sắc bén, đầy đủ và thuyết phục.

Câu 4: Học sinh trình bày theo suy nghĩ của mình, có thể tham khảo những ý sau đây:

– Câu văn thể hiện niềm tự hào của tác giả khi nói về tâm hồn người Việt Nam, ông cho rằng chính điều đó làm nên vẻ đẹp của tiếng Việt;

– Câu văn thế hiện mong muốn người Việt Nam thế hệ sau phải biết phát huy, bảo tồn những giá trị văn hóa thời kì trước, làm tiếng Việt trở nên đẹp hơn, hay hơn.

Đề đọc hiểu văn bản số 16

(1)Thái Tổ nhà Lê tên là Lợi, người làng Lam Sơn, xứ Thanh Hóa, có chí khí từ thuở nhỏ.

Tục truyền ông tổ tam đại nhà ngài nguyên là người làng như áng, một bữa đi qua lam sơn thấy có đàn quạ xúm xít bay, liệng trên một cái gò. Ông cụ ấy nói rằng chỗ này là chỗ đất hay đây mới đem nhà làm ở dưới cái gò, từ bấy giờ con cái làm hào trưởng ở xứ ấy. Được ba đời thì sinh ra ngài.

(2)Cuối đời nhà Trần, Hồ Quý Ly cướp ngôi, nhà Minh sai bọn Trương Phụ, Mộc Thạnh sang đánh bắt được cả hai bố con Hô Quỷ Ly đem về Tàu rồi chiếm giữ lấy nước Nam, làm ra lắm sự tàn ác: Nào là bắt dân khai mỏ vàng, săn voi trắng; nào là bắt dân mò hạt trân châu. Lại cấm dân không cho nấu muối riêng. Bắt phải nộp cống hươu trắng, rùa rùa chín đuôi, vượn bạch, trăn to. Lại lắm chính sự tàn ác, thuế má nặng nề, hơn 20 năm, dân sự lấy làm khổ ải, bởi thế trộm giặc chỗ nào cũng nổi lên như ong, dân gian lại càng khốn đốn lắm.

Thái Tổ trông thấy tình hình làm vậy, có chí muốn ra dẹp loạn để yên dân.

(Phan Kế Bính, Lê Thái Tổ, in trong Nam Hải dị nhân, NXB Trẻ)

Câu 1: Sửa những lỗi chính tả có trong đoạn (1).

Câu 2: Xét vê câu tạo ngữ pháp, các câu Lại cấm dân không cho nấu muối riêng. Bắt phải nộp cống hươu trắng, rùa rùa chín đuôi, vượn bạch, trăn to. Lại lắm chính sự tàn ác thuế má nặng nề, hơn 20 năm, dân sự lấy làm khổ ải, bởi thế trộm giặc chỗ nào cũng nổi lên như ong, dân gian lại càng khốn đốn lắm có gì đặc biệt? Anh (chị) hãy phân tích tác dụng của việc sử dụng những câu có cấu tạo ngữ pháp như vậy.

Câu 3: Đoạn (2) sử dụng những phép liên kết nào?

Hướng dẫn làm bài

Câu 1: Đoạn trích sai những lỗi về dấu câu và viết hoa.

Đoạn sai: Tục truyền ông tổ tam đại nhà ngài nguyên là người làng như áng, một bữa đi qua lam sơn thấy có đàn quạ xúm xít bay, liệng trên một cái gò. Ông cụ ấy nói rằng chỗ này là chỗ đất hay đây mới đem nhà làm ở dưới cái gò, từ bấy giờ con cải làm hào trưởng ở xứ ấy.

Sửa lại:

Tục truyền ông tổ tam đại nhà ngài nguyên là người làng Như Áng, một bữa đi qua Lam Sơn thấy có đàn quạ xúm xít bay, liệng trên một cái gò. Ông cụ ẩy nói rằng: “Chỗ này là chỗ đất hay đây!” mới đem nhà làm ở dưới cái gò, từ bấy giờ con cái làm hào trưởng ở xứ ấy.

Đã sửa những chỗ in hoa, đổi câu nói của ông cụ thành lời dẫn trực tiếp (được trích trực tiếp trong câu văn) và thêm dấu câu.

Yêu cầu: học sinh chỉ cần chép đúng được đoạn văn, chỉ ra đã sửa chỗ nào, không cần chép lại nội dung đoạn sai.

Câu 2: Các câu được trích dẫn xét theo cấu tạo ngữ pháp được xếp vào câu rút gọn (rút gọn thành phần chủ ngữ).

Tác dụng:

Thể hiện được đặc điểm của văn bản thuyết minh, chỉ chú trọng cung cấp được nhiều thông tin nên có những câu ngắn gọn như vậy.

Sử dụng những câu rút gọn có cùng cấu trúc là cách tác giả liệt kê những chính sách bóc lột của chính quyền làm cho nhân dân khốn đốn.

Câu 3: Các phương thức liên kết sử dụng trong đoạn trích (2) là:

Phép liên tưởng: nhà văn sử dụng trường từ vựng về bóc lột: chiếm giữ, tàn ác, khai mỏ vàng, cấm, nộp cống, chính sự tàn ác, thuế má nặng nề, khốn đốn…

Phép điệp: Lại, nào là,…

Tác dụng: Liên kết nội dung của đoạn văn hướng về chủ đề chính là phê phán chính sách bóc lột vô lí khiến nhân dân khốn đốn. Đặc biệt là việc liệt kê đã khiến cho tội ác được nhấn mạnh rõ ràng.

Đề đọc hiểu văn bản số 17

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Tôi luôn ngưỡng mộ những học sinh không chỉ học xuất sắc mà còn dành được nhiều thời gian tham gia vào các hoạt động ngoại khóa. Họ thường nắm giữ những vị trí quan trọng ở các câu lạc bộ trong trường và ngoài xã hội. Họ đạt điểm cao trong học tập, đi thi đấu thể thao cho trường, giữ chức chủ nhiệm trong các câu lạc bộ, và trên hết, họ là những thành viên tích cực trong Đoàn, Đội. Tôi luôn tự hỏi “làm thế nào mà họ có nhiều thời gian đến thế?”. Mặt khác, những học sinh kém đưa ra lí do họ nhận kết quả thi không tốt là do họ không có thời gian để ôn bài. Tuy nhiên, thực tế, những học sinh này lại thường không tích cực trong các hoạt động tập thể và ngoại khóa như những học sinh giỏi. Tại sao lại như vậy? Tất cả mọi người đều có 24 giờ một ngày. Thời gian là thứ tài sản mà ai cũng được chia đều. Cho dù bạn là một học sinh giỏi, một học sinh kém, tổng thống hay một người gác cổng, bạn cũng chỉ có cùng một lượng thời gian như nhau. Thời gian là thứ duy nhất mà chúng ta không thể mua được. Tuy nhiên, tại sao một người như tổng thống Mỹ lại có thời gian quản lí cả một quốc gia rộng lớn trong khi đó người gác cổng lại than phiền rằng ông ta không có thời gian để học? Sự khác biệt là do những người thành công trong cuộc sống biết cách quản lí thời gian. Chúng ta không thể thay đổi được thời gian nhưng có thể kiểm soát được cách chúng ta sử dụng nó. Nếu bạn làm chủ được thời gian, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống.

(Tôi tài giỏi, bạn cũng thế, Adam Khoo, NXB Phụ nữ, 2013)

Câu 1: Nội dung chính của văn bản là gì?

Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.

Câu 3: Vì sao tác giả cho rằng: Thời gian là thứ duy nhất không thể mua được?

Câu 4: Viết đoạn văn (từ 12 đến 15 dòng) với câu chủ đề: Lãng phí thời gian là lãng phí cuộc đời.

Hướng dẫn làm bài

Câu 1: Khi bạn làm chủ được thời gian, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống.

Câu 2: Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 3: - Thời gian là thứ tài sản mà tạo hóa đã chia đều cho mỗi người.

- Không có thứ gì có thể khiến thời gian thay đổi. Một ngày không thể dài hơn 24 tiếng, một năm không thể nhiều hơn 365 ngày…

Câu 4:

- Giải thích: Câu nói nêu lên hậu quả của việc lãng phí thời gian.

- Bàn luận:

+ Nếu biết tận dụng thời gian, con người sẽ tạo ra nhiều giá trị quan trọng, từ vật chất đến tinh thần, phục vụ cho cuộc sống của mình và cho xã hội.

+ Nếu lãng phí thời gian, nghĩa là ta đang lãng phí tất cả các giá trị vật chất lẫn tinh thần: tiền bạc, sức khỏe, thành công, hạnh phúc…

+ Hơn nữa, cuộc đời hữu hạn nên mỗi giây phút trôi qua là ta đang mất đi một phần đời của chính mình.

- Bài học: Cần biết quý trọng thời gian và sử dụng thời gian một cách hiệu quả.

Đề đọc hiểu văn bản số 18

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

“Suốt bao nhiêu năm, cha đã làm người đưa thư trong cái thị trấn này. Cha đã đạp xe dọc theo theo những đại lộ hay những phố nhỏ chật hẹp, gõ cửa và đem đến tin tức của một họ hàng, đem những lời chào nồng nhiệt từ một nơi xa xôi nào đó […]. . Chiếc phong bì nào cũng đều chưa đựng những tin tức được mong chờ từ lâu. Con muốn cha biết được rằng con vô cùng kính yêu cha cũng như khâm phục biết bao nhiêu cái công việc cha đã làm cho hàng vạn con người […] . Khi con nghĩ về hàng ngàn cây số cha đã đạp xe qua, đem theo một túi nặng đầy thư, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, dù trời nắng hay mưa, lòng con tràn ngập niềm tự hào khi tưởng tượng ra niềm vui mà cha đem lại cho những ai đợi chờ tin tức từ những người yêu dấu. Cha đã gắn kết những trái tim lại với nhau như một nhịp cầu vồng.”

(Trích Cha thân yêu nhất của con, theo Những bức thư đoạt giải UPU, Ngữ văn 10 , tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012 tr28 )

Câu 1: Văn bản trên thuộc phong cách ngô ngữ nào?

Câu 2: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản?

Câu 3: Người con đã bộc lộ tình cảm, thái độ như thế nào đối với người cha và công việc đưa thư của ông?

Câu 4: Từ văn bản trên, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 1/2 trang giấy thi) về tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống hôm nay

Đáp án

Câu 1: Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

Câu 2: Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

Câu 3: Tình cảm, thái độ của người con đối với người cha: kính yêu “con vô cùng kính yêu cha…”; với công việc đưa thư của ông: khâm phục, tự hào…“khâm phục biết bao nhiêu cái ông việc cha đã làm cho hàng vạn con người, lòng con tràn ngập niềm tự hào ..” Kính trọng, tự hào.

Câu 4:

- Ở câu này, giam khảo chấm điểm linh hoạt. Chỉ cho điểm tối đa khi học sinh viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Học sinh trình bày suy nghĩ của mình với thái độ chân thành, nghiêm túc, hợp lí, thuyết phục. Có thể theo định hướng sau:

+ Hiểu và chỉ sau được những biểu hiện của người có tinh thần trách nhiệm (Tinh thần trách nhiệm là ý thức và nỗ lực hoàn thành tốt chức trách và phận sự của mình với gia đình và xã hội..)

+ Khẳng định tầm quan trọng của tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống : là tiêu chí để đánh giá con người, quyết định đến sự thành – bại của cá nhân và sự phát triển bền vững của xã hội...; có thể chỉ ra những hậu quả nghiêm trọng của cuộc sống do một số người làm việc vô trách nhiệm gây ra.

+ Rút ra bài học nhận thức và hành động: nêu cao tinh thần trách nhiệm trong mọi hoàn cảnh, ở mọi nghành nghề, mọi cương vị...

Đề đọc hiểu văn bản số 19

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

"Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. Muốn có bản lĩnh bạn cũng phải kiên trì luyện tập. Chúng ta thường yêu thích những người có bản lĩnh sống. Bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi bạn biết đặt ra mục tiêu và phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Nếu không có phương pháp thì cũng giống như bạn đang nhắm mắt chạy trên con đường có nhiều ổ gà.

Cách thức ở đây cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm... Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn. Đó là những kỹ năng đã được trau dồi cùng với vốn tri thức, trải nghiệm. Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào yếu tố này.

Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà còn được nhiều người thừa nhận và yêu mến hơn."

(Tuoitre.vn - Xây dựng bản lĩnh cá nhân)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2: Theo tác giả, thế nào là người bản lĩnh?

Câu 3: Tại sao tác giả cho rằng "Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh"?

Câu 4: Theo anh/chị, một người có bản lĩnh sống phải là người như thế nào?

Đáp án:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2: Theo tác giả, người có bản lĩnh là người dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt.

Câu 3: Tại sao tác giả cho rằng "Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh"?

Bởi vì: khi một cá nhân có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm nhưng chỉ nhằm mục đích phục vụ cá nhân mình, không quan tâm đến những người xung quanh, thậm chí làm phương hại đến xã hội thì không ai thừa nhận anh ta là người có bản lĩnh...

Câu 4: Theo anh/chị, cần làm thế nào để rèn luyện bản lĩnh sống?

- Phải trau dồi tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng

- Phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

- Phải có ý chí, quyết tâm, nghị lực

- Phải có chính kiến riêng trong mọi vấn đề. Người bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn.

Đề đọc hiểu văn bản số 20

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu ở dưới:

Sáng nay tôi nhìn thấy em ở ngã tư. Đèn đỏ còn sáng và đồng hồ đang đếm ngược. Ba mươi chín giây. Em đang vội, chiếc xe đạp điện màu đỏ cứ nhích dần lên. Không chỉ mình em, nhiều người khác cũng vội. những chiếc xe máy cứ nhích dần, nhích dần lên

Sống là không chờ đợi. Dù chỉ mấy mươi giây.

Tôi nhớ có hôm nào đó, em đã nói với tôi rằng đấy là một triết lý hay, ta phải tranh thủ sống đến từng giây của cuộc đời.

Nhưng em biết không, đừng vì bất cứ một triết lý nào mà gạt bỏ ý nghĩa của sự chờ đợi. Chờ đợi ở đây không phải là há miệng chờ sung, mà chờ đợi là một phần của bài học cuộc đời. Em sẽ bằng lòng đợi chứ, nếu em biết về điều sẽ xảy ra?

Đôi khi xếp hàng ở siêu thị, vì biết rồi sẽ đến lượt mình và rằng đó là sự công bằng. Đợi tín hiệu đèn xanh trước khi nhấn bàn đạp, vì biết đó là luật pháp và sự an toàn cho chính bản thân. Đợi một người trễ hẹn thêm dăm phút nữa, vì biết có bao nhiêu điều có thể bất ngờ xảy ra trên đường. Đợi một cơn mưa vì biết rằng dù dai dẳng mấy, nó cũng phải tạnh. Đợi một tình yêu đích thực vì biết rằng những thứ tình yêu “theo trào lưu” chỉ có thể đem đến những tổn thương cho tâm hồn nhạy cảm của em…

(Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân, NXB Hội nhà văn, 2012, tr 25)

Câu 1: Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2: Nội dung chính của đoạn trích trên là gì?

Câu 3: Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của thành ngữ được gạch chân trong câu văn: Chờ đợi ở đây không phải là há miệng chờ sung, mà chờ đợi là một phần của bài học cuộc đời.

Câu 4: Anh/chị lựa chọn triết lí nào cho cuộc sống của bản thân: Sống là không chờ đợi hay là đừng vì bất cứ một triết lý nào mà gạt bỏ ý nghĩa của sự chờ đợi? Vì sao?

Bài làm

Câu 1: Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích trên: phương thức tự sự, phương thức nghị luận.

Câu 2: Về nội dung: tác giả bác bỏ triết lí sống: sống là không chờ đợi, từ đó chứng minh rằng: trong cuộc sống, sự chờ đợi là cần thiết và có ý nghĩa.

Câu 3: Há miệng chờ sung trong câu văn này có nghĩa: chỉ sự thụ động, thiếu tinh thần chủ động trong công việc.

Câu 4: HS trình bày triết lí sống của bản thân, câu trả lời cần hợp lí, có sức thuyết phục có thể HS sẽ trình bày một trong các quan điểm sau:

- Sống là không chờ đợi: sống tích cực, biết chớp thời cơ, nắm bắt cơ hội - nhưng không đồng nghĩa với sống vội, sống gấp.

- Đừng vì bất cứ một triết lý nào mà gạt bỏ ý nghĩa của sự chờ đợi: Biết chờ đợi bởi đó là biểu hiện của sự kiên trì, chín chắn, nắm được quy luật của cuộc sống, không nóng vội hay đốt cháy giai đoạn – nhưng không đồng nghĩa với sự thụ động, chậm chạp.

Đề đọc hiểu văn bản số 21

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

Thời gian như chuyến tốc hành

Mang theo lá đỏ và anh trở về

Tóc xanh vừa lỗi lời thề

Thoắt thành mây trắng cuối hè bay ngang

Ngu ngơ chạm phải ao làng

Sen chưa kịp hái đã tàn trên tay

Trái đất ơi, ngược vòng quay

Cho ta nhặt lại cái ngày đầu tiên.

(Bài Thơ Thời Gian, PGS.TS Lê Quốc Hán, Tuyển tập Thơ lục bát Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, 1994)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn thơ trên?

Câu 2: Những từ ngữ chỉ màu sắc trong bài thơ có tác dụng gì?

Câu 3: Cảm nhận của anh/chị về những câu thơ sau:

Ngu ngơ chạm phải ao làng

Sen chưa kịp hái đã tàn trên tay

Trái đất ơi, ngược vòng quay

Cho ta nhặt lại cái ngày đầu tiên

Bài làm

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ: Nghệ thuật.

Câu 2:

- Những từ chỉ màu sắc: lá đỏ, tóc xanh, mây trắng.

- Tác dụng: Gợi sự mong manh, héo tàn trước thời gian của tuổi trẻ, tình yêu, cái đẹp.

Câu 3: HS có thể cảm nhận theo một trong những ý sau:

- Khi nhận ra quy luật khắc nghiệt, tất yếu của thời gian, trong một thái độ chấp nhận và tự chủ, con người bỗng nhiên có cảm giác thư thái, nhẹ nhõm.

- Biết trân quý từng phút giây của sự sống để có thái độ sống tích cực trong cuộc đời.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
28
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 10

    Xem thêm