Viết một bài thu hoạch về vấn đề tâm đắc nhất sau khi học xong phần Văn học dân gian Việt Nam

Viết một bài thu hoạch về những gì em tâm đắc nhất sau khi học xong phần Văn học dân gian Việt Nam là tài liệu tham khảo cung cấp những gợi ý và hướng dẫn các em làm bài tập môn Ngữ văn 10. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết bài viết dưới đây nhé.

Gợi ý hướng dẫn viết bài thu hoạch

Học sinh có thể tự chọn vấn đề tâm đắc nhất với mình, có thể là:

– Nội dung đúng đắn, tiến bộ; tình cảm trong sáng, lành mạnh; những ước mơ nhân đạo trong văn học dân gian.

– Những nét đẹp về nghệ thuật của văn học dân gian (kết cấu, ngôn ngữ, cách diễn đạt, hình ảnh, biểu tượng, các biện pháp tu từ,…).

– Một tác phẩm, một nhân vật cụ thể (Đăm Săn, Mị Châu, Tấm,…).

– Một số đặc điểm nổi bật: yếu tố kì ảo trong truyền thuyết, truyện cổ tích; các hình thức lặp lại trong ca dao; nghệ thuật gây cười trong truyện cười.

Bài mẫu thu hoạch về vấn đề tâm đắc nhất sau khi học xong phần Văn học dân gian Việt Nam - Mẫu 1

1. Khái niệm văn học dân gian

Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng, sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể thể hiện nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nhân dân lao động về tự nhiên, xã hội nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.

2. Đặc trưng cơ bản của văn học dân gian

- Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng: ngôn từ truyền miệng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên nội dung, ý nghĩa và thế giới nghệ thuật của tác phẩm văn học dân gian, phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống. Văn học dân gian tồn tại, lưu truyền theo phương thức truyền miệng. Quá trình truyền miệng vẫn tiếp tục kể cả khi tác phẩm văn học dân gian đã được ghi chép lại.

- Văn học dân gian là sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể (tính tập thể): quá trình sáng tác tập thể diễn ra như sau: người khởi xướng → tác phẩm được hình thành và được tập thể tiếp nhận → tiếp tục lưu truyền, bổ sung, sửa chữa. Tác phẩm văn học dân gian ngay sau khi ra đời đã trở thành tài sản chung của tập thể. Mọi người đều có quyền tiếp nhận, sử dụng, sửa chữa, bổ sung theo quan niệm và khả năng nghệ thuật của mình.

- Các thể loại văn học dân gian: truyền thuyết, truyện cổ tích, sử thi, thần thoại, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, ca dao, câu đố, vè, truyện thơ, chèo.

3. Những giá trị cơ bản của văn học dân gian Việt Nam

- Văn học dân gian là kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc: Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc có một kho tàng văn học dân gian riêng, vì thê,s vốn tri thức của toàn dân tộc vô cùng phong phú và đa dạng.

- Văn học dân gian có giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lí làm người: văn học dân gian góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp: lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần bất khuất, đức kiên trung và vị tha, tính cần kiệm, óc thực tiễn,…

- Văn học dân gian có giá trị thẩm mĩ to lớn, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc riêng cho nền văn học dân tộc: văn học dân gian được chắt lọc và mài giũa qua không gian và thời gian, phát triển song song với văn học viết lam cho nền văn học Việt Nam trở nên phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc.

Bài mẫu thu hoạch về vấn đề tâm đắc nhất sau khi học xong phần Văn học dân gian Việt Nam - Mẫu 2

Những nét đẹp về nghệ thuật của văn học dân gian

Văn học dân gian đa dạng về thể loại, mỗi thể loại lại có những nét đặc trưng về nghệ thuật khác nhau nhưng vô cùng tiêu biểu, nổi bật.

- Thể loại sử thi: sử thi là thể loại văn học nổi bật của các dân tộc thiểu số với một kho tàng đồ sộ bao gồm hai thể loại chính là sử thi thần thoại và sử thi anh hùng. Thể loại sử thi nổi bật với ngôn ngữ trang trọng, giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu với phép so sánh và phóng đại được sử dụng có hiệu quả cao. Những phép so sánh và phóng đại đó làm cho hình ảnh nhân vật trong sử thi trở nên mạnh mẽ, hùng vĩ, cao lớn tượng trưng cho sức mạnh con người, sức mạnh đoàn kết và niềm tin của nhân dân với cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

- Thể loại truyền thuyết: thể loại này không chú trọng tính chính xác như các văn bản lịch sử mà phản ánh lịch sử một cách độc đáo. Những câu chuyện trong lịch sử dựng nước, giữ nước của ông cha ta được khúc xạ qua lời kể của nhiều thế hệ để rồi kết tinh thành những hình tượng nghệ thuật đặc sắc, nhuốm màu thần kì mà vẫn thấm đẫm cảm xúc đời thường. Chúng ta chỉ có thể hiểu đúng và sâu sắc nội dung cùng nghệ thuật của truyền thuyết khi xem xét tác phẩm trong mối quan hệ ảnh hưởng qua lại với môi trường lịch sử - văn hóa mà nó sinh thành, lưu truyền và biến đổi.

- Thể loại truyện cổ tích: truyện cổ tích bao gồm 3 thể loại nhưng nổi bật nhất chính là cổ tích thần kì. Đặc trưng về nghệ thuật cũng là đặc trưng của truyện cổ tích thần kì chính là sự tham gia của các yếu tố thần kì vào tiến trình phát triển của câu chuyện. Các biện pháp nghệ thuật góp phần đẩy câu chuyện và nhân vật từ yếu đuối, thụ động, bất hạnh đến mạnh mẽ đấu tranh để có cuộc sống hạnh phúc.

- Thể loại truyện cười: bao gồm truyện khôi hài và truyện trào phúng. Nghệ thuật của truyện cười được thể hiện ở những mâu thuẫn tự nhiên của nhân vật, lối chơi chữ độc đáo,…

- Thể loại ca dao: ca dao có những đặc điểm nghệ thuật riêng, khác với thơ của văn học viết. Lời ca dao thường ngắn, phần lớn đặt theo thể thơ lục bát, ngôn ngữ gần gũi với lời nói hằng ngày, giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ và đặc biệt là lối diễn đạt bằng một số công thức mang đậm sắc thái dân gian.

Mỗi thể loại văn học dân gian có một đặc trưng về nghệ khác nhau nhưng tất cả đều góp phần làm nên thành công cho thể loại này và giúp nó trở thành một phần quan trọng của nền văn hóa Việt Nam nói chung.

Bài mẫu thu hoạch về vấn đề tâm đắc nhất sau khi học xong phần Văn học dân gian Việt Nam - Mẫu 3

Hai đặc trưng cơ bản của văn học dân gian

Văn học dân gian biểu hiện ở sự hòa lẫn những hình thức khác nhau của ý thức xã hội trong các thể loại của nó. Có thể nói rằng, văn học dân gian là bộ bách khoa toàn thư của nhân dân. Tính nguyên hợp về nội dung của văn học dân gian phản ánh tình trạng nguyên hợp về ý thức xã hội thời nguyên thuỷ, khi mà các lĩnh vực sản xuất tinh thần chưa được chuyên môn hoá. Trong các xã hội thời kỳ sau, mặc dù các lĩnh vực sản xuất tinh thần đã có sự chuyên môn hoá nhưng văn học dân gian vẫn còn mang tính nguyên hợp về nội dung. Bởi vì đại bộ phận nhân dân, tác giả văn học dân gian, không có điều kiện tham gia vào các lĩnh vực sản xuất tinh thần khác nên họ thể hiện những kinh nghiệm, tri thức, tư tưởng tình cảm của mình trong văn học dân gian, một loại nghệ thuật không chuyên.

- Về loại hình nghệ thuật

Tính nguyên hợp của văn học dân gian biểu hiện ở chỗ: Văn học dân gian không chỉ là nghệ thuật ngôn từ thuần túy mà là sự kết hợp của nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau. Sự kết hợp này là tự nhiên, vốn có ngay từ khi tác phẩm mới hình thành. Một bài dân ca trong đời sống thực của nó, không chỉ có lời mà còn có nhạc, điệu bộ, lề lối hát...

- Biểu hiện cụ thể của tính nguyên hợp là tính biểu diễn.

Văn học dân gian có ba dạng tồn tại: tồn tại ẩn (tồn tại trong trí nhớ của tác giả dân gian), tồn tại cố định (tồn tại bằng văn tự), tồn tại hiện (tồn tại thông qua diễn xướng). Tồn tại bằng diễn xướng là dạng tồn tại đích thực của văn học dân gian. Tuy nhiên, không thể phủ nhận hai dạng tồn tại kia; bởi vì như vậy sẽ dẫn tới phủ nhận khoa học về văn học dân gian và công việc giảng dạy văn học dân gian trong nhà trường. Trở lại vấn đề chính trong biểu diễn, các phương tiện nghệ thuật của tác phẩm văn học dân gian mới có điều kiện kết hợp với nhau tạo nên hiệu quả thẩm mỹ tổng hợp. Sự kết hợp này một mặt là biểu hiện của tính nguyên hợp, một mặt là lẽ tồn tại của tính nguyên hợp.

- Tính tập thể của văn học dân gian mang đặc trưng truyền thống dân tộc

Văn học dân gian là sáng tác của nhân dân, nhưng không phải tất cả nhân dân đều là tác giả của văn học dân gian. Cần chú ý vai trò của cá nhân và quan hệ giữa cá nhân với tập thể trong quá trình sáng tác, biểu diễn, thưởng thức tác phẩm văn học dân gian.

Tính tập thể thể hiện chủ yếu trong quá trình sử dụng tác phẩm. Vấn đề quan trọng ở chỗ nó được mọi người biểu diễn, thưởng thức hay không, nó đã đạt mức thành tựu hay không. Trong quá trình đó, tập thể nhân dân tham gia vào công việc đồng sáng tạo tác phẩm.

Quan hệ giữa truyền thống và ứng tác là hệ quả của mối quan hệ giữa các nhân và tập thể. Truyền thống văn học dân gian một mặt là cái vốn giúp nghệ nhân dân gian ứng tác (sáng tác một cách chớp nhoáng mà không có sự chuẩn bị trước) dễ dàng, một mặt quy định khuôn khổ cho việc sáng tác. Ứng tác đến lượt nó sẽ cung cấp những đơn vị làm giàu cho truyền thống.

- Hai đặc trưng cơ bản vừa nêu trên có liên quan chặt chẽ với các đặc trưng khác của văn học dân gian như: tính khả biến (gắn với việc tồn tại các dị bản của tác phẩm), tính truyền miệng, tính vô danh.

- Văn học dân gian - một loại nghệ thuật gắn liền với sinh hoạt của nhân dân:

Văn học dân gian nảy sinh và tồn tại như một bộ phận hợp thành của sinh hoạt nhân dân. Sinh hoạt nhân dân là môi trường sống của tác phẩm văn học dân gian. Tác phẩm văn học dân gian có tính ích dụng. Bài hát ru gắn với việc ru con ngủ - một hình thức sinh hoạt gia đình; Ngược lại, việc đưa con ngủ thường không thể thiếu lời ru. Tương tự, những bài dân ca nghi lễ, các truyền thuyết gắn với tín ngưỡng, lễ hội... Từ đặc trưng này mà văn học dân gian có tính đa chức năng, trong đó, đặc biệt là chức năng thực hành sinh hoạt.

Bài mẫu thu hoạch về vấn đề tâm đắc nhất sau khi học xong phần Văn học dân gian Việt Nam - Mẫu 4

Văn học dân gian là tiếng nói của người bình dân nên nó rất đặc biệt. Nếu nói về vấn đề tâm đắc nhất sau khi học văn học dân gian Việt Nam, mỗi người sẽ có cho mình một lựa chọn. Còn với bản thân em, vấn đề tâm đắc nhất sau khi học xong văn học dân gian Việt Nam đó là hiểu được đặc trưng thể loại của văn học dân gian mà đặc biệt là tính truyền miệng.

Có thể nói, không như văn học viết hay bất kì một loại hình văn học nào, văn học dân gian không cso tác giả cụ thể. Điều này làm nên sự đặc biệt của văn học dân gian. Tính truyền miệng ở đây gắn liền với hoàn cảnh sáng tác của người bình dân vì nó luôn được người dân sáng tác trong quá trình lao động. Quá trình lao động ấy gắn liền với sự tham gia vào các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt. Nên văn học dân dân gian không nói đến vấn đề tác giả mà sẽ từng chút chú ý đến không gian diễn xướng. Diễn xướng mới thật sự là môi trường sống của văn học dân gian.

Đồng thời, chính đặc trưng tính truyền miệng mà kéo theo tính dị bản. DỊ bản văn học dân gian gây nên không ít tranh cãi. Nhưng cái cốt yếu cuối cùng của vấn đề không phải là tìm câu trả lời đúng sai. Mà ở đó, chủ yếu chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề câu chuyện về mong muốn của người bình dân. DỊ bản phản ánh vấn đề gì trong cuộc sống, thể hiện khát khao và ước mơ gì.

Văn học dân gian luôn là thành tựu văn học của cha ông. Giá trị của nó chưa bao giờ ngừng lại nên mỗi con người của hiện tại đều cần học cách trân trọng, gìn giữ và lưu giữ giá trị văn học dân gian nghìn đời.

-----------------------

VnDoc xin giới thiệu tới các em tài liệu Viết một bài thu hoạch về những gì em tâm đắc nhất sau khi học xong phần Văn học dân gian Việt Nam. Hi vọng tài liệu sẽ phục vụ các em thật hiệu quả trong quá trình làm bài tập. Mời các em tham khảo thêm các tài liệu hay khác tại mục Tài liệu học tập lớp 10 do VnDoc tổng hợp và đăng tải như: Toán 10, Tiếng Anh 10, Hóa học 10...

Đánh giá bài viết
29 60.341
Sắp xếp theo

Học tốt Ngữ Văn lớp 10

Xem thêm