Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bài Phân tích bài ca dao: Thân em như củ ấu gai... ngọt bùi Chọn lọc

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài văn mẫu Phân tích bài ca dao: Thân em như củ ấu gai... ngọt bùi, với những bài văn mẫu hay đã được VnDoc cập nhật chắc chắn sẽ giúp các bạn học sinh có nguồn thông tin hữu ích để học tốt hơn môn Ngữ văn 10. Mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo chi tiết bài viết dưới đây nhé.

Ngoài ra, VnDoc.com đã thành lập group chia sẻ tài liệu học tập THCS miễn phí trên Facebook: Tài liệu học tập lớp 10. Mời các bạn học sinh tham gia nhóm, để có thể nhận được những tài liệu mới nhất.

Học tốt Ngữ văn lớp 10: Phân tích bài ca dao: Thân em như củ ấu gai... ngọt bùi

Dàn ý Phân tích bài ca dao: Thân em như củ ấu gai... ngọt bùi

A. Mở bài

- Nói đôi nét về ca dao dân ca của nước ta có những đặc sắc chung gì: (Đó là tiếng hát của những người bình dân được gửi gắm vào đó để bày tỏ tâm trạng nỗi lòng).

- Ca dao - dân ca là những câu hát tâm tình phản ánh sinh động đời sống tình cảm phong phú của nhân dân lao động. Tác giả dân gian bình dân đã gửi gắm vào đó tiếng nói tâm tình chân thành tha thiết, với đủ mọi cung bậc buồn vui…

- Giới thiệu bài ca dao cần được phân tích.

Trong số những câu hát tâm tình trong kho tàng văn học dân gian thì không thể thiếu những lời thủ thỉ than thân trách phận, và cụm từ Thân em và nội dung cùng đề cập đến phẩm chất tốt đẹp, cao quý cùng số phận hẩm hiu, bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến ngày xưa. Và câu hát chất chứa như đã vọng lên:

Thân em như củ ấu gai,

Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen.

Ai ơi nếm thử mà xem!

Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.

B. Thân bài

- Việc sáng tác của nhiều câu ca dao bắt đầu từ “Thân em" có rất nhiều. Đây có thể coi là một motip chung của các bài ca dao than thân.

+ Câu đầu tiên tác giả dân gian đã ví von thật lạ lùng “Thân em” - người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa là củ ấu gai. Củ ấu gai được coi là một hình ảnh quen thuộc của người nông dân Việt Nam nói chung.

⇒ Tác giả dân gian như đã thẳng thắn so sánh là để thừa thận rằng phụ nữ xưa chưa được coi trọng.

+Nhưng vế sau của câu hát mới thực sự là điều quan trọng “Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen”. Cặp từ như đã đăng đối “đen” - “trắng” làm nổi bật câu ca dao về người phụ nữ.

⇒ Dẫu cho vẻ ngoài có đôi chút xấu xí đi chăng nữa nhưng vẫn mang trong mình tấm lòng son sắc, trái tim chung thủy và một tâm hồn đẹp. Cái lí đã được trình bày một cách rất tường tận.

- Tiếp sau đó chính là việc cái tình đòi thổ lộ và bộc bạch “Ai ơi, nếm thử mà xem!” đúng là một tiếng gọi, một lời mời – cứng cỏi, táo bạo mà không kém phần tha thiết.

⇒ Phải bộc bạch kĩ và mời mọc da diết đến nghẹn lời như vậy bởi vì phẩm chất tốt đẹp của họ ít ai biết đến. Sự khẳng định về phẩm giá, giá trị ấy chứa đựng một nỗi ngậm ngùi chua xót cho thân phận người con gái nghèo khổ trong xã hội cũ.

- Cái củ ấu gai góc đến nhọn hoắt lại đen đủi sống dưới bùn sâu, chẳng mấy ai để ý tới, dẫu rằng bên trong nó vừa trắng, vừa ngọt, vừa bùi chứ không phải vì bên ngoài nó gai góc xấu xí mà bên trong nó cũng vậy.

+ Trong cuộc sống cũng vậy, để có thể giúp đời hiểu mình hơn, người ta có khi phải đứng ra tự quảng cáo. Thật là một điều bất đắc dĩ, nhất là đối với một cô gái. Nhưng biết làm sao được, ý thức về phẩm giá và sự tự trọng có khi bắt người ta phải làm vậy.

C. Kết bài

Bài ca dao còn như nói lên quyền sống của người phụ nữ xưa kia, mà trước hết là quyền tự do hoàn toàn bị phủ nhận. Đó còn chính là nguồn gốc của mọi đau khổ, ngang trái mà họ, những người phụ nữ phải chịu đựng trong suốt cuộc đời.

Phân tích thân em như củ ấu gai

Phân tích bài ca dao Thân em như củ ấu gai ... ngọt bùi mẫu 1

Ca dao dân ca từ xưa đến nay tựa như dòng sữa mẹ ngọt mát, nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ lớn lên, những câu ca dao không chỉ tha thiết, thấm đượm cảm xúc mà còn chứa đựng bao triết lý nhân sinh sâu sắc. Bên cạnh ca dao về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa thì ca dao than thân trách phận của người phụ nữ luôn để lại những suy tư và xúc cảm trong lòng độc giả. Nổi bật trong số đó là bài:

"Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.

Ai ơi, nếm thử mà xem!

Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi"

Bài ca dao nằm trong mô típ ca dao than thân, nói lên số phận mong manh yếu đuối của người phụ nữ từ xưa đến nay. Dòng cảm xúc bao trùm của nó là cảm xúc xót xa, buồn thương của người phụ nữ cho chính thân phận của mình. Từ đó muốn cất lên tiếng nói, tìm kiếm sự yêu thương và khát khao đồng cảm. Câu ca dao với ngôn ngữ uyển chuyển, ý tứ khéo léo đã gieo vào lòng người đọc những khắc khoải khôn nguôi.

Mở đầu bài ca dao là cụm từ "Thân em" - mô típ được lặp lại nói về thân phận người phụ nữ. Một số câu ca dao khác cũng sử dụng mô típ này như: "Thân em như hạt mưa sa", "Thân em như dải lụa đào", "Thân em như giếng giữa đàng",... Việc lấy thân mình ra để so sánh với một sự vật hiện tượng trong cuộc sống đã cho thấy sự tự ý thức của người phụ nữ. Họ cảm nhận được rằng số phận mình rất mong manh tựa như cánh hoa trước gió bị bão giông của cuộc đời dồn dập, như dải lụa đào phó mặc cho số phận nổi trôi. Thậm chí còn nhuốm vị chua chát, nhỏ nhoi, bé mọn. Bởi vậy mà mô típ này được sử dụng nhiều trong ca dao than thân trách phận.

Ở câu ca dao này, dân gian ví người phụ nữ như "củ ấu gai" là một so sánh khéo léo. Bởi lẽ củ ấu gai là một loại củ gần gũi với đời sống người việt. Không chỉ vậy, nó còn thể hiện được vẻ đẹp của người phụ nữ xưa, không kiêu sa đài các mà giản dị, chân chất. Và hơn hết, củ ấu gai có những đặc tính giống với bản chất của người phụ nữ: Ruột trong thì trắng - vỏ ngoài thì đen. Nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài vừa đen, vừa xấu xí của củ ấu thì không ai biết được bên trong nó như thế nào. Muốn thưởng thức củ ấu, phải tách nó ra, nhìn thấy phần ruột trắng thơm trong trẻo thì mới biết được giá trị của nó. Và người phụ nữ cũng vậy. Vẻ đẹp của họ nhiều khi bị khuất lấp bởi bao nhiêu lo toan mệt nhọc của cuộc sống, bao nhiêu những tủi hờn, xót xa không ai thấu hiểu. Thế nhưng ẩn đằng sau hình thức ấy lại là một tâm hồn cao đẹp, biết vị tha, khoan dung. Lẽ đời, nhiều khi hình thức lại không đi kèm với nội dung. Bởi vậy, muốn khám phá ra vẻ đẹp tiềm ẩn của người phụ nữ, đòi hỏi ai kia phải là kẻ tinh tế và đầy thấu hiểu. Vẻ đẹp bên ngoài là vẻ đẹp phù phiếm, vô cùng cuốn hút và hấp dẫn nhưng nó sẽ lụi tàn đi theo thời gian năm tháng. Chỉ có vẻ đẹp bên trong là giá trị trường tồn vĩnh cửu, đi cùng với cuộc sống và hạnh phúc sau này của con người. Đó cũng chính là triết lý nhân sinh sâu sắc mà dân gian muốn gửi gắm đến độc giả.

Hai câu thơ cuối bài là lời mời gọi "nếm thử" của cô gái đối với các chàng trai. Hay nói cách khác đó là sự thể hiện khát khao được thấu hiểu và đồng cảm của họ. Thân là phụ nữ, sinh ra đã phải chịu bao nhiêu đắng cay khổ cực. Bởi vậy họ chỉ có mong muốn duy nhất là được làm chính mình và được người khác công nhận với tất cả vẻ đẹp nhân bản và "ngọt bùi" của mình. Qua đó, câu thơ cũng đọng lại ý vị xót xa, chua xót của người phụ nữ cho chính bản thân mình.

Bài ca dao với hình ảnh sinh động, ngôn ngữ giàu cảm xúc đã giúp những nghệ sĩ dân gian chuyển tải được hết nội dung và ý nghĩa. Qua đó, để lại trong lòng độc giả những ấn tượng khó quên.

Phân tích bài ca dao Thân em như củ ấu gai ... ngọt bùi mẫu 2

Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.

Ai ơi, nếm thử mà xem!

Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi.

Trong cuộc sống, để giúp đời hiểu mình hơn, người ta có khi phải đứng ra tự quảng cáo. Thật là một điều bất đắc dĩ, nhất là đối với một cô gái. Nhưng biết làm sao được, ý thức về phẩm giá và sự tự trọng có khi bắt người ta phải làm vậy! Có thể tưởng tượng ra một hoàn cảnh diễn xướng gần với các dữ kiện được thông báo trong bài ca dao như sau (tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể hình dung ra những hoàn cảnh diễn xướng khác): cô gái - nhật vật trữ tình - tác giả đã không gặp nhiều may mắn trong việc thu hút sự chú ý của "đối tác" trong tình yêu, bởi vậy, cô phải cất lời để tự bảo vệ và để mời.

Bài ca dao mở đầu với việc nhân vật trữ tình thừa nhận trước người nghe (trong đó có người cô muốn gắn bó) cái thua thiệt hiển nhiên, có tính định mệnh của mình: "Thân em như củ ấu gai". Thật là thẳng thắn, bộc trực! Tương tự thế là sự thẳng thắn, bộc trực trong việc khẳng định cái "chất" của mình ở câu tiếp đó: "Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen". Giọng ngậm ngùi vừa thoáng hiện ở dòng thơ thứ nhất đã nhanh chóng được thay thế bằng giọng tự tin và thậm chí là thách thức, vỏ ngoài đen - đó là một thực tế và tôi đã ý thức được hoàn toàn. Nhưng ruột trong thì trắng lại cũng là một sự thật không thể chối cãi. Anh, hay tất cả mọi người đều đã biết củ ấu gai rồi đấy! Đọc bài ca dao đến đây, hẳn ta đã nhận ra tính chính xác của sự ví von - chính xác theo mục tiêu tác phẩm nhắm đến, đó là thuyết phục người đời hãy biết nhìn vào thực chất, đừng để bị vẻ ngoài hào nhoáng hay xấu xí đánh lừa. Nếu nhân vật trữ tình ví mình với một đối tượng nào khác, chưa chắc sức thuyết phục đã đạt được mức cao như vậy. Củ ấu gai quá gần gũi với đời sống của người bình dân. Sự kiểm chứng nếu cần thực hiện sẽ chẳng có gì là khó, thậm chí là quá dễ dàng. Đó là chưa kể có sử dụng hình ảnh củ ấu gai thì tác giả mới có thể gieo tiếp được một chữ “nếm” đầy ý vị, thấm đượm trong đó rất nhiều sự đợi chờ - đợi chờ một thái độ, một cử chỉ ân nghĩa, ân tình từ phía những ai kia trong cuộc đời.

Cái lí đã được trình bày. Tiếp sau là việc cái tình đòi thổ lộ. "Ai ơi, nếm thử mà xem!" đúng là một tiếng gọi, một lời mời - cứng cỏi, táo bạo mà không kém phần tha thiết. Hậu thuẫn cho nó là niềm tin vào bản thân và cả nỗi khao khát được giao cảm, được yêu thương, được dâng hiến. Câu cuối được thốt ra trung hậu, tình cảm và thấm thìa lạ thường. Ai nỡ quay lưng, ai nỡ "lầm" mãi trước một tiếng nói như thế! Từ chỗ tồn tại như một đối tượng so sánh thuần túy, củ ấu gai bỗng chốc được đồng nhất với chính nhân vật trữ tình, khiến nhân vật trữ tình không ngần ngại dùng tiếng em lần thứ hai ở dòng thơ cuối, bất chấp trước đó "cô" đã dùng từ nếm có vẻ chỉ thích hợp với củ ấu gai thật sự mà thôi. Em đã thành một củ ấu gai nhỏ bé, gần gũi trong tay anh, sao anh không thể có một cử chỉ phải chăng, dịu dàng hơn đối với nó?

Một lời than, một tiếng nói khẳng định mình, một bài học về cách thẩm định các giá trị, một nhu cầu và khát vọng yêu đương đã được thể hiện súc tích trong bài ca dao gồm bốn câu ngắn ngủi ấy!.

Phân tích bài ca dao Thân em như củ ấu gai ... ngọt bùi mẫu 3

Người phụ nữ – biểu tượng đặc trưng cho hình ảnh những số phận cơ cực, bi đát, khốn khổ trong xã hội thời kì phong kiến. Họ là những con người có đầy đủ tài sắc đức hạnh nhưng lại luôn bị cuộc đời đẩy vào hoàn cảnh khốn cùng, hẩm hiu. Những nỗi đau đớn, đắng cay cùng cực ấy đã được họ gửi gắm qua những câu ca dao như lời tự than cho thân phận mình hay cũng chính là lời kêu cứu của con người giữa vũng lầy xã hội. Một trong số đó chính là bài ca dao “Thân em như củ ấu gai”:

“Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen

Ai ơi nếm thử mà xem

Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi”

Người phụ nữ trong bài ca dao này đã tự ví von mình với “củ ấu gai”. Củ ấu gai là một loại củ thường có nhiều ở đồng sâu, đồng trũng, ao dưới đìa trên, có hai, ba sừng. Vỏ bên ngoài thì đen đủi, sần sùi thô kệch, nhưng ruột bên trong thì lại trắng nõn nà. Bằng nghệ thuật so sánh độc đáo này hình ảnh những người phụ nữ đã được tôn lên. Những người phụ nữ phải cơ cực, dầm mưa dãi nắng ngoài đồng ruộng để mưu sinh cho\ cuộc sống, để kiếm miếng cơm manh áo cho gia đình nên vẻ ngoài của họ mới lam lũ như vậy. Cái đen ở đây là đen do nắng mưa, do cực nhọc, vất vả nhưng bên trong của họ ấy là một vẻ đẹp thanh cao, một tâm hồn trong sáng thuần khiết, cái đẹp giản dị mà không bao giờ bị mất đi hay phai nhòa theo năm tháng như những thứ hào nhoáng, bóng bẩy ngoài kia. Hai tính từ tương phản “trắng – đen” dường như càng làm nổi bật lên nét đẹp nội tâm của người phụ nữ và khẳng định giá trị cao quý của họ.

Hai câu tiếp theo người phụ nữ lại tiếp tục khẳng định phẩm giá bên trong của mình không phải là đánh giá bằng hình thức bên ngoài, nhìn bằng mắt mà phải bằng tấm lòng và trái tim chân thành mới có thể cảm nhận được:

“Ai ơi nếm thử mà xem

Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi”

Lời của người phụ nữ đến đây vừa như lời bộc bạch, tâm sự lại như chứa đựng nỗi chua xót, nghẹn ngào cho thân phận của chính mình. Nghĩa đen là lời mời gọi để nếm thử thì mới biết củ ấu gai tuy đen đủi nhưng ăn vào mới biết vị lại rất ngon, rất ngọt. Cũng giống như người phụ nữ, tâm hồn và nhân cách vô cùng thanh cao, thủy chung, son sắt nhưng chế độ xã hội cũ với nhiều hủ tục và bất công đã đẩy họ vào cuộc sống ba chìm bảy nổi, đắng cay trăm bề, như củ ấu kia nằm dưới lớp bùn sâu. Từ “nếm” có nghĩa là tìm hiểu, còn “ngọt bùi” chính là vẻ đẹp nội tâm, nhân cách tốt đẹp của người phụ nữ xưa. Câu ca dao như một lời mời, một tiếng gọi cứng cỏi mà không kém phần thiết tha ẩn chứa trong đó là nỗi khao khát được yêu thương, trân trọng, được mọi người biết đến vẻ đẹp phẩm giá của mình.

Nghệ thuật đối lập giữa “trắng” và “đen”, xù xì với “ngọt bùi” thể hiện tâm hồn người phụ nữ trong sáng, lương thiện xứng đáng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc. Ấy vậy mà xã hội xưa đã đẩy họ vào số phận không tự lựa chọn được cuộc sống của mình, khốn khổ cơ cực. Lời tự than và nỗi xót xa của người phụ nữ trong bài ca dao này cũng giống như tâm trạng của bà Hồ Xuân Hương trong bài thơ “Bánh trôi nước”:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Họ đều là những người phụ nữ bất hạnh dù bị cuộc đời xô đẩy, không thể có được cuộc sống hạnh phúc riêng của mình nhưng dù trong hoàn cảnh nào họ vẫn luôn giữ được tâm hồn thanh cao, tấm lòng thủy chung, sắt son, đức hạnh.

Bằng biện pháp nghệ thuật so sánh bài ca dao ngắn gọn chỉ vẻn vẹn 4 câu đã giúp chúng ta thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với số phận hẩm hiu và cuộc đời của những người phụ nữ trong xã hội cũ. Tiếng lòng của những người phụ nữ về nỗi xót xa, cay đắng ấy đã chạm đến trái tim chúng ta, từ đó ta càng thêm yêu mến và cảm phục nhân cách và phẩm giá ngời sáng.

Phân tích bài ca dao Thân em như củ ấu gai ... ngọt bùi mẫu 4

Số phận và vẻ đẹp người phụ nữ luôn là vấn đề được phản ánh trong văn học mọi thời kỳ. Từ văn học dân gian đến văn học viết, từ chữ Hán đến chữ Nôm và chữ quốc ngữ đều có số lượng lớn tác phẩm xoay quanh chủ đề này. Trong đó, nhiều bài ca dao dân ca bắt đầu bằng cụm từ “Thân em” phản ánh hình ảnh người phụ nữ rất phổ biến. Bài ca dao sau đây là một ví dụ:

“Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”

Trong văn học dân gian, đặc biệt là ca dao thường xuyên có hình ảnh người phụ nữ.

“Thân em như ớt chín cây

Càng tươi ngoài vỏ càng cay trong lòng.”

“Thân em như hạt mưa sa,

Hạt rơi đài các, hạt ra ngoài đồng.”

“Thân em như giếng giữa đàng

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.”

Những bài ca dao này cũng có ý nghĩa tương tự như bài ca dao trên, tập trung phản ánh số phận và vẻ đẹp của người phụ nữ trong xã hội. Trước

hết, câu ca dao phản ánh hiện thực về số phận người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé, chuân chuyên, bất hạnh.

“Thân em như củ ấu gai”

Nhân vật chính là “em” ở đây không tên, không tuổi, không gốc gác. Như vậy, câu ca dao lấy hình ảnh “em” làm điển hình cho người phụ nữ Việt Nam nói chung. Mặt khác, chữ “thân” được đẩy lên đầu câu và trước chủ ngữ để nhấn mạnh vào thân phận, số phận, cuộc đời của họ. Cuộc đời của người phụ nữ được ví như “củ ấu gai”. Củ ấu gai là một loại củ hình tam giác khối, do rễ của cây ấu phình to tạo thành. Cây ấu được người ta trồng trên mặt ao, hồ, trôi nổi. Củ ấu gai hình thành từ bộ rễ chìm dưới nước. Củ ấu gai nhìn đen đúa, vỏ xám xịt, không mấy hấp dẫn. Loại củ này luộc hoặc rang lên ăn rất thơm, ngọt và bùi. Vì sao “thân em” lại được so sánh như vậy? Ta tìm câu trả lời trong câu thơ thứ hai.

Trong câu thứ hai, tác giả đã làm rõ hơn về hình ảnh củ ấu gai:

“Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”

Câu thơ làm rõ đặc trưng của củ ấu, vỏ đen và thô kệch còn ruột trắng, ngọt bùi. Khi so sánh “thân em” với “củ ấu gai”, có lẽ nhân dân ta cũng đang tế nhị ca ngợi về người phụ nữ Việt Nam: người phụ nữ dường như nhỏ bé, phụ thuộc, bị coi thường, vô giá trị nhưng thực chất họ luôn có tấm lòng đáng quý. Người phụ nữ Việt Nam dù xinh đẹp hay xấu xí, thanh cao hay mộc mạc, kiêu sa hay cơ cực thì đều có chung một điểm đó là tấm lòng cao đẹp. Giống như câu thơ của Hồ Xuân Hương trong bài “Bánh trôi nước”:

“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Người phụ nữ Việt Nam, họ luôn đằm thắm, khéo léo, tần tảo, thủy chung, giàu đức hi sinh. Thời chiến, họ là hậu phương vững chắc, là người xung phong cầm súng diệt giặc, là hình ảnh “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Họ hóa thân trong những Võ Thị Sáu, Trần Thị Lý, chị Út Tịch…

Thời bình, người phụ nữ vừa làm tròn thiên chức người vợ, người mẹ đồng thời cũng tham gia vào xây dựng đất nước. Họ ở trong những Hồ Xuân Hương, Xuân Quỳnh… Ngày nay, có biết bao người phụ nữ tham gia chính trị, là trụ cột quốc gia. Do vậy, bài ca dao trên đây đã đồng thời phản ánh thân phận và ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Việt Nam. Mỗi bài ca dao là sự kết tinh tâm hồn, tư tưởng, tình cảm và lối nghĩ của cha ông ta. Khi sáng tạo nên bài ca dao “Thân em như củ ấu gai / Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen” ông cha ta cũng đang dành tình cảm lớn cho người phụ nữ Việt Nam. Với tinh thần cao cả đó, những bài ca dao sẽ sống mãi trong lòng người Việt.

Phân tích bài ca dao Thân em như củ ấu gai ... ngọt bùi mẫu 5

Người phụ nữ trong xã hội xưa thường mang một thân phận vô cùng cay đắng, cùng cực. Họ không có quyền được mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình, không có quyền tự quyết định hạnh phúc lứa đôi.

Số phận cả đời của người phụ nữ luôn phụ thuộc vào cha mẹ, hoặc người chồng của mình. Bởi người phụ nữ xưa phải khoác lên mình rất nhiều trách nhiệm, nhiều thứ giá trị đạo đức, lễ giáo phong kiến.

Chính vì vậy, người con gái xưa thường gửi gắm những tâm tư nỗi niềm của mình vào trong những bài ca dao, dân ca như những lời oán than, than thân trách phận, trách số phận nghiệt ngã tạo ra nhiều sự éo le trắc trở đối với người phụ nữ.

“Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen

Ai ơi,nếm thử mà xem

Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi”

Trong bài ca dao này hình ảnh trữ tình chính là một cô gái tuổi mới trăng tròn, vừa chớm biết nhớ nhung, khi tuổi xuân đang phơi phới chờ trước mặt. Cô gái mong ước rất nhiều, mơ về hạnh phúc lứa đôi, về mong muốn sẽ tìm được một người con trai hiểu được tâm tư tình cảm của mình, thấu hiểu nỗi lòng và yêu thương mình chân thành.

Nhưng đó chỉ là ước nguyện xa xôi mà thôi, bởi trong xã hội cũ việc trai gái tự do yêu đương rồi tiến tới hôn nhân là điều gần như không thể. Mà cuộc hôn nhân của trai gái, đặc biệt của người con gái là do mai mối, cha mẹ sắp đặt.

Theo lễ giáo "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" kể cả phải ngồi vào cọc trâu, cọc bò cũng phải cam chịu số phận. Chính vì thế người con gái xưa mới kêu lên ai oán rằng

"Thân em như củ ấu ấu

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen"

Trong hai câu ca dao này nhân vật trữ tình đã ví von mình giống như một của ấu gai xấu xí, xù xì góc cạnh, không hề dễ thương, đẹp đẽ chút nào. Nhưng đó chỉ là vẻ bên ngoài, là những gì cô gái muốn ẩn đi mà thôi, còn nội tâm người con gái lại vô cùng trong sáng, thủy chung, son sắc.

Tâm hồn cô gái là một người phụ nữ hiền lành đôn hậu, có trái tim nhân ái. Như bà Hồ Xuân Hương xưa đã phải kêu lên trong bài thơ "Bánh trôi nước" rằng:

"Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi, ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son"

Trong bài ca dao này người phụ nữ cũng có cùng tâm trạng với bà Hồ Xuân Hương xưa. Họ đều là những người phụ nữ bị cuộc đời nghiệt ngã xô đẩy tới bước đường cùng không thể tự mình lựa chọn số phận, hạnh phúc cho riêng mình, dù bên trong tâm hồn của họ đều là những con người thánh thiện, thủy chung son sắc.

"Ai ơi,nếm thử mà xem

Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi”

Trong hai câu thơ này người con gái muốn oán trách số phận nhiều xót xa của mình, muốn lên án tội ác của chế độ xưa khi đẩy những người con gái thủy chung, son sắc phải chịu cảnh ba chìm bảy nổi, cay đắng trăm bề

Nghệ thuật đối lập giữa trắng và đen, xù xì với ngọt bùi thể hiện tâm hồn người con gái ngây thơ, lương thiện xứng đáng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc.

Tác giả xưa đã vô cùng tinh tế khi tạo ra sự đối lập giữa hình thức bên ngoài và nội dung bên trong để nói lên nỗi lòng của người con gái đang yêu, khao khát được yêu thương, được hạnh phúc.

-------------------------------------------------------

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu: Phân tích bài ca dao: Thân em như củ ấu gai... ngọt bùi, để giúp bạn đọc có thêm nhiều tài liệu học tập hơn nữa, VnDoc.com mời các bạn học sinh tham khảo đề thi học kì 1 lớp 10, mà VnDoc tổng hợp và đăng tải. Qua bộ tài liệu các bạn học sinh sẽ học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10. Mời các bạn học sinh tham khảo.

Để giúp bạn đọc có thể giải đáp được những thắc mắc trong quá trình học tập, VnDoc.com mời bạn đọc cùng đặt câu hỏi tại mục hỏi đáp học tập của VnDoc.com, chúng tôi sẽ hỗ trợ trả lời các bạn một cách nhanh và chính xác nhất.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 10

    Xem thêm