Giáo án Tiếng Việt 5 tuần 8: Tập làm văn - Luyện tập tả cảnh
Giáo án Tiếng việt lớp 5
Giáo án Tiếng Việt lớp 5 tuần 8: Tập làm văn - Luyện tập tả cảnh được biên soạn chi tiết,rõ ràng cho các thầy cô tham khảo hướng dẫn các em học sinh hiểu được kiến thức bài văn tả cảnh đẹp ở địa phương. Đồng thời, biết chuyển một phần trong dàn ý đã lập thành đoạn văn hoàn chỉnh. Mời các thầy cô tham khảo chi tiết.
Tập làm văn
Luyện tập tả cảnh
I. Mục tiêu
1. Biết lập dàn ý với các ý riêng của mình cho bài văn miêu tả một cảnh đẹp ở địa phương.
2. Biết chuyển một phần dàn ý thành một đoạn văn hoàn chỉnh (thể hiện rõ đối tượng miêu tả, trình tự miêu tả; nét đặc sắc của cảnh; cảm xúc của người tả đối với cảnh).
II. Đồ dùng dạy - học
- Bút dạ và 4,5 tờ giấy khổ to cho HS làm bài.
- Bảng phụ ghi dàn ý sơ lược gợi ý giúp HS lập dàn ý bài văn.
Ví dụ:
- Mở bài: Giới thiệu cảnh đẹp được chọn tả là cảnh nào? Ở vị trí nào trên quê hương? Điểm quan sát, thời điểm quan sát?
- Thân bài:
+ Chọn tả những đặc điểm nổi bật, gây ấn tượng của cảnh; chọn những chi tiết nói rõ nhất đặc điểm của cảnh (những chi tiết em đã quan sát được bằng các giác quan).
+ Các chi tiết cần được sắp xết theo trình tự hợp lí (theo bố cục của cảnh; đặc điểm của cảnh; thời gian của một ngày, của từng mùa; theo điểm quan sát từ xa đến gần, từ cao xuống thấp...)
- Kết luận: Nêu cảm xúc của em với cảnh đẹp quê hương.
III. Các hoạt động dạy - học
Hoạt động dạy | Hoạt động học |
A. Kiểm tra bài cũ | |
- Yêu cầu hai HS đọc lại đoạn văn tả cảnh sông nước mà các em đã được học ở tiết trước và hoàn chỉnh ở nhà. Dưới lớp mở vở để GV kiểm tra. | - Hai HS đứng tại chỗ thực hiện theo yêu cầu của GV. HS dưới lớp theo dõi, nhận xét. |
- GV nhận xét việc làm bài của HS ở nhà và cho điểm. | |
B. Bài mới | |
1. Giới thiệu bài | |
- Các em đã biết cách lập dàn ý và viết đoạn văn tả cảnh thiên nhiên, ngôi trường, sông nước. Tiết học hôm nay chúng ta sẽ học cách lập một dàn ý chi tiết về tả cảnh ở địa phương. Sau đó, chuyển một phần trong dàn ý thành một đoạn văn hoàn chỉnh. | - HS lắng nghe. |
- GV ghi tên bài lên bảng. | - HS nhắc lại tên đầu bài và ghi vào vở. |
2. Hướng dẫn HS luyện tập | |
Bài tập 1 | |
- GV gọi HS đọc thầm toàn bộ nội dung bài tập và hỏi: Bài tập này yêu cầu chúng ta làm gì? | - HS đọc thầm Bài tập 1 và trả lời: Lập dàn ý miêu tả một cảnh đẹp ở địa phương em. |
- GV yêu cầu HS suy nghĩ và nêu trước lớp em định tả cảnh đẹp gì ở địa phương (nhắc HS không nên tả cảnh dòng sông quê em vì đã tả trong các tiết trước). | - HS suy nghĩ và lần lượt đứng dậy trả lời. Chẳng hạn: + Phong cảnh làng quê vào các thời điểm xuân, hạ thu đông; hoặc từ sáng đến chiều tối; hoặc một thời điểm trong ngày... + Cảnh cánh đồng lúa chín, cánh đồng lúa đang thì con gái... + Tả cảnh con đường + Tả cảnh vườn hoa hoặc công viên. |
- GV treo bảng phụ có ghi những gợi ý về lập dàn ý gọi một HS đọc. GV nhắc HS dựa vào gợi ý để làm bài. | - Một HS đọc to, cả lớp đọc thầm theo dõi. |
- Yêu cầu HS làm việc cá nhân. GV phát bút dạ, giấy khổ to, cho một vài HS khá giỏi làm bài. | - HS làm việc cá nhân làm bài vào vở nháp, một vài HS làm bài lên giấy khổ to. |
- Gọi HS trình bày kết quả. GV và cả lớp nhận xét, đánh giá cao những HS có khả năng quan sát tinh tế, phát hiện được nét độc đáo của cảnh vật; biết trình bày theo một dàn ý hợp lí những gì mình đã quan sát được một cách rõ ràng ấn tượng. | - HS lần lượt đứng dậy trình bày bài làm của mình. Những HS làm bài trên giấy khổ to dán kết quả bài làm trên bảng lớp. Cả lớp theo dõi nhận xét. |
- GV chốt lại bằng cách lựa một bài HS làm bài tốt nhất trên giấy khổ to đang dán trên bảng lớp, hướng dẫn HS nhận xét, bổ sung, xem như là một mẫu để cả lớp tham khảo. | - HS thực hiện theo yêu cầu của GV. Sau khi nghe các bạn trình bày và đóng góp ý kiến, mỗi HS tự sửa lại dàn ý của mình |
Bài tập 2 | |
- Gọi HS đọc bài tập. | - Một HS đọc bài tập, cả lớp theo dõi trong SGK. |
- Hỏi một vài HS về đoạn văn mà các em định viết. | - HS lần lượt đứng lên trình bày đối tượng đoạn văn mà các em định viết. |
- GV yêu cầu HS nêu lại các gợi ý và chốt lại: + Nên chọn một đoạn trong phần thân bài để chuyển thành đoạn văn. + Mỗi đoạn có một câu mở đầu nêu ý bao trùm của đoạn. Các câu trong đoạn cùng làm nổi bật ý đó. + Đoạn văn phải có hình ảnh. Chú ý áp dụng các biện pháp so sánh, nhân hóa cho hình ảnh thêm sinh động. + Đoạn văn cần thể hiện được cảm xúc của người viết. | - HS nêu vắn tắt các gợi ý và lắng nghe lưu ý của GV. |
- Yêu cầu HS viết bài. | - HS viết bài vào vở nháp. |
- Gọi HS dưới lớp nối tiếp đọc đoạn văn của mình. GV chú ý sửa lỗi ngữ pháp hoặc cách dùng từ cho từng HS (nếu có). | - HS lần lượt đọc bài làm của mình. Cả lớp theo dõi nhận xét. |
- Gọi HS nhận xét lựa chọn ra bạn viết đoạn văn hay, tuyên dương trước lớp. | - HS nhận xét và tuyên dương những bạn có những câu văn hay. |
3. Củng cố, dặn dò | |
- GV nhận xét giờ học. | - HS lắng nghe. |
- Dặn HS về nhà xem lại các bài văn tả cảnh đã học để chuẩn bị cho tiết kiểm tra viết. | - HS lắng nghe và về nhà thực hiện theo yêu cầu của GV. |