Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là gì?

Bạn thường nghe thấy cụm từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhưng lại không rõ đây là tổ chức gì và có nhiệm vụ như thế nào. Sau đây là một số thông tin chi tiết về Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã được ban biên tập VnDoc tổng hợp lại, xin được chia sẻ với các bạn.

A. Sự ra đời của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc:

Theo Điều 24 của Hiến chương Liên hợp quốc, các nước thành viên Liên hợp quốc trao cho Hội đồng Bảo an trách nhiệm chính trong việc giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế. Theo đó, Hội đồng Bảo an có thể áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột và khi cần thiết, có thể sử dụng các biện pháp, kể cả cưỡng chế và vũ lực, nhằm loại trừ các mối đe dọa, phá hoại hòa bình, hoặc các hành động xâm lược.

Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Bảo an được triệu tập ngày 17 tháng 1 năm 1946 tại London (Vương quốc Anh).

1. Các nước thành viên:

Hội đồng Bảo an gồm 15 nước thành viên, trong đó có 5 nước ủy viên thường trực là: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và 10 thành viên không thường trực do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu ra với nhiệm kỳ hai năm trên cơ sở phân chia công bằng về mặt địa lý và có tính tới sự đóng góp của những nước này cho tôn chỉ và mục đích của Liên hợp quốc và không được bầu lại nhiệm kỳ kế ngay sau khi mãn nhiệm.

10 nước thành viên không thường trực được bầu theo sự phân bổ khu vực địa lý như sau: 5 nước thuộc châu Phi và châu Á; 1 nước thuộc Đông Âu; 2 nước thuộc vùng Mỹ Latinh và Caribê; 2 nước thuộc Tây Âu và các nước khác.

2. Chức năng, quyền hạn

Là một trong sáu cơ quan chính của Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an được thành lập nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Theo Điều 39 của Hiến chương Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an là cơ quan duy nhất của Liên hợp quốc có quyền quyết định đánh giá thực tại của các mối đe dọa đối với hoà bình, phá hoại hòa bình hoặc hành động xâm lược, và sẽ khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến hành phù hợp với các Điều 41 và 42, để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế. Trong khi thực thi chức năng này, Hội đồng Bảo an được coi là hành động với tư cách thay mặt cho tất cả các thành viên Liên hợp quốc. Những quyền hạn cụ thể giao cho Hội đồng Bảo an được quy định ở các chương VI, VII, XII của Hiến chương Liên hợp quốc.

Trong khi các cơ quan khác của Liên hợp quốc chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị đối với các chính phủ của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các quyết định và nghị quyết của Hội đồng Bảo an, theo chương VII Hiến chương, khi đã được thông qua đều mang tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của Liên hợp quốc đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành.

Theo Hiến chương, Hội đồng Bảo an có thể tiến hành điều tra bất cứ một tranh chấp nào hoặc bất cứ một tình thế nào có thể dẫn tới những xung đột quốc tế hoặc đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, và có thể đưa ra những khuyến nghị về các phương thức cũng như nội dung cụ thể để giải quyết những xung đột đó.

Theo Hiến chương, tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc phải cam kết cung ứng cho Hội đồng Bảo an, căn cứ theo những thỏa thuận đặc biệt thông qua thương lượng đối với những đề xuất của Hội đồng Bảo an, những lực lượng vũ trang, những trợ giúp và các phương tiện cần thiết khác để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

3. Cơ cấu tổ chức:

Hội đồng Bảo an có các ủy ban và cơ quan sau:

3.1. Các Ủy ban thường trực: gồm Ủy ban chuyên gia về các vấn đề thủ tục, Ủy ban về các cuộc họp của Hội đồng Bảo an không diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc và Ủy ban về việc kết nạp thành viên mới. Các Ủy ban này đều có đại diện của các nước thành viên Hội đồng Bảo an.

3.2. Ban Tham mưu quân sự: bao gồm các Tổng chỉ huy quân đội (Chiefs of staff) của tất cả các nước thành viên hoăc đại diện của họ. Chức năng nhiệm vụ của Ban là tư vấn cho Hội đồng về tất cả các vấn đề liên quan đến các yêu cầu quân sự để bảo vệ và duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, việc sử dụng và chỉ huy các lực lượng đặt dưới sự chỉ đạo của Ban, kể cả các qui định về vũ trang, và giải trừ quân bị nếu có thể.

3.3. Ủy ban chống khủng bố: Ủy ban này được thành lập theo Nghị quyết 1373 (2001) về một số biện pháp chống lại các mối đe doạ đối với hòa bình và an ninh quốc tế của các hành động khủng bố, nhằm giám sát việc thực hiện nghị quyết này. Các nước thành viên Liên hợp quốc phải trình bản báo cáo về các bước tiến hành để thực hiện Nghị quyết 1373 lên Ủy ban, lần đầu tiên trong vòng 90 ngày và các lần sau theo thời gian biểu của Ủy ban. Ủy ban gồm tất cả 15 thành viên của Hội đồng Bảo an. Ủy ban thành lập 3 tiểu ban, mỗi tiểu ban do một Phó Chủ tịch Ủy ban làm chủ tịch, để xem xét sơ bộ bản báo cáo của các nước thành viên.

3.4. Các Ủy ban cấm vận: Hiện nay có 7 Ủy ban cấm vận là: Ủy ban Nghị quyết 661 của Hội đồng Bảo an về Iraq, Ủy ban Nghị quyết 748 về Lybia, Ủy ban Nghị quyết 751 về Somali, Ủy ban Nghị quyết 918 về Ruwanda, Ủy ban Nghị quyết 985 về Liberia, Ủy ban Nghị quyết 1132 về Sierra Leone, Ủy ban Nghị quyết 1267 về Afganistan.

3.5. Các hoạt động và lực lượng gìn giữ hòa bình: gồm Tổ chức giám sát ngừng bắn ở Trung Đông (UNTSO) (1948), Nhóm quan sát viên quân sự ở Ấn Độ và Pakistan (UNMOGIP) (1949), Lực lượng ở Cyprus (UNFICYP) (1964), Lực lượng quan sát viên không can dự (UNDOF) (1974), Lực lượng lâm thời ở Lebanon (UNIFIL) (1978), Phái đoàn quan sát Iraq - Koweit (UNIKOM) (1991)…

3.6. Các lực lượng chính trị và kiến tạo hòa bình: gồm Văn phòng chính trị ở Bougainville (UNPOB) (1998), Văn phòng kiến tạo hòa bình ở Cộng hòa Trung Phi (BONUCA) (1999), Lực lượng trợ giúp ở Afganistan (UNAMA) (2002), Văn phòng đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về vấn đề Iraq (2003)…

3.7. Các Ủy ban khác: gồm Ủy ban đền bù Liên hợp quốc (UNCC) (1991), Ủy ban giám sát, kiểm tra và thanh tra (UNMOVIC) (1999).

3.8. Các tòa án quốc tế:

* Tòa án tội phạm quốc tế Ruwanda được thành lập năm 1994 theo Nghị quyết 955 của Hội đồng Bảo an.

* Tòa án tội phạm quốc tế về Nam Tư cũ thành lập năm 1993 theo Nghị quyết 808 của Hội đồng Bảo an.

3.9. Các tổ chức khác như Cơ quan chỉ huy của Liên hợp quốc tại bán đảo Triều Tiên (UNC) (1950) được thành lập theo Nghị quyết 85 (1950) của Hội đồng Bảo an.

B. Cách thức hoạt động của Hội đồng Bảo an:

Hoạt động của Hội đồng Bảo an được tiến hành dựa trên Các qui tắc thủ tục tạm thời (gồm 61 qui tắc) được Hội đồng Bảo an thông qua và liên tục cập nhật tại các phiên họp.

1. Các phiên họp: Các hình thức họp của Hội đồng Bảo an bao gồm họp chính thức, họp kín và trao đổi không chính thức. Hội đồng Bảo an có thể triệu tập phiên họp bất thường theo yêu cầu của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc hoặc của Tổng thư ký Liên hợp quốc khi có những xung đột hoặc những tình huống có khả năng đe doạ hoà bình và an ninh quốc tế. Một nước không phải thành viên Liên hợp quốc cũng có thể đưa cuộc tranh chấp, trong đó bản thân nước đó là một bên tham gia tranh chấp, ra trước Hội đồng Bảo an để cơ quan này xem xét giải quyết với điều kiện là nước đó phải thừa nhận trước là sẽ tuân thủ trách nhiệm giải quyết hòa bình cuộc tranh chấp theo qui định của Hiến chương Liên hợp quốc. Sau khi nhận được yêu cầu như vậy của các đối tượng trên, Chủ tịch Hội đồng Bảo an sẽ lập tức thông báo cho các nước ủy viên tình hình trên và tiến hành các thủ tục khác để tổ chức cuộc họp của Hội đồng Bảo an để xem xét vấn đề. Ngoài những cuộc họp thuộc dạng trên, Hội đồng Bảo an còn tiến hành các cuộc họp trên cơ sở thường xuyên nhằm có thể ứng phó được một cách nhanh chóng những biến chuyển của tình hình và để kiểm phối các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trên cơ sở các báo cáo của Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Các cuộc họp của Hội đồng Bảo an có thể được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc hoặc ở bất cứ nơi nào ngoài trụ sở mà Hội đồng xét thấy thuận tiện.

Mỗi ủy viên Hội đồng Bảo an phải luôn có một đại diện tại Trụ sở Liên hợp quốc. Chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an được luân phiên hàng tháng giữa các nước uỷ viên theo thứ tự vần chữ cái của tiếng Anh.

2. Tham gia các phiên họp: Ngoài các thành viên Hội đồng Bảo an, bất cứ thành viên nào của Liên hợp quốc, hay một quốc gia nào không phải thành viên Liên hợp quốc, nếu là đương sự trong vụ tranh chấp mà Hội đồng Bảo an đang xem xét, cũng được mời đến tham dự nhưng không có quyền biểu quyết trong những cuộc thảo luận liên quan đến vụ tranh chấp ấy. Hội đồng Bảo an ấn định những điều kiện mà Hội đồng xét thấy để cho một nước không phải thành viên Liên hợp quốc được tham gia các cuộc thảo luận ấy là hợp lý. Trong các phiên họp kín, chỉ có các nước ủy viên và các nước mà Hội đồng Bảo an thấy trực tiếp có liên quan hoặc cần thiết phải tham dự mới được tham dự theo thỏa thuận chung của thành viên Hội đồng Bảo an.

3. Kết quả phiên họp: Trong tất cả các phiên họp như vậy, Hội đồng Bảo an có thể thông qua những nghị quyết, khuyến nghị, hoặc đơn thuần chỉ là tuyên bố của chủ tịch. Hàng năm, Hội đồng Bảo an còn phải đệ trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc một bản báo cáo về công việc của mình để thành viên Hội đồng xem xét, thảo luận và đưa ra những khuyến nghị.

Hiện nay Hội đồng Bảo an đang có những thay đổi trong phương thức hoạt động so với cách làm việc cũ. Hội đồng Bảo an nỗ lực giảm các cuộc họp kín và trao đổi không chính thức, thông báo chi tiết chương trình nghị sự các cuộc họp của mình trong các nhật trình của Liên hợp quốc. Ngoài ra, thay vì tiến hành các cuộc họp chính thức, Hội đồng Bảo an hiện nay thường thiết lập các nhóm làm việc toàn thể ở mức chuyên viên ở các cấp nhằm soạn thảo các dự thảo nghị quyết và tuyên bố của chủ tịch.

4. Bỏ phiếu: Mỗi thành viên Hội đồng Bảo an có một phiếu. Các quyết định liên quan đến thủ tục được thông qua với số phiếu thuận của ít nhất là 9 trong số 15 thành viên bất kể là thường trực hay không thường trực. Các quyết định về các vấn đề thực chất chỉ được thông qua khi có ít nhất 9 phiếu thuận, trong đó theo Hiến chương phải gồm các phiếu tán thành của tất cả các nước thành viên thường trực.

Bất cứ quốc gia nào, dù là thành viên thường trực hay không thường trực, cũng không được phép tham gia bỏ phiếu về các quyết định có liên quan tới các biện pháp giải quyết tranh chấp mà quốc gia đó là một thành viên tham gia.

5. Quyền phủ quyết (veto): Là việc một nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có khả năng ngăn cản việc thông qua một nghị quyết không liên quan đến thủ tục bằng một phiếu chống của mình kể cả khi tất cả các nước thành viên khác, thường trực và không thường trực, bỏ phiếu tán thành. Nói cách khác, đây là việc thực hiện nguyên tắc nhất trí giữa năm nước ủy viên thường trực. Trong suốt quá trình hoạt động của mình với tư cách ủy viên thường trực, tất cả năm nước này đều đã áp dụng quyền phủ quyết của mình trong đó hai nước Mỹ và Liên Xô (cũ) là những nước sử dụng nhiều nhất.

Trên thực tế, không nhất thiết nghị quyết có mang tính thực chất (có liên quan đến thủ tục) nào được thông qua cũng cần phải có đủ năm phiếu thuận của năm ủy viên thường trực. Nếu như một nước ủy viên thường trực không ủng hộ hoặc không muốn biểu thị sự ủng hộ của mình đối với một nghị quyết, đồng thời cũng không muốn ngăn cản việc thông qua nghị quyết, nước đó có thể bỏ phiếu trắng hoặc không tham gia bỏ phiếu, hành động này không bị coi là phủ quyết và nghị quyết vẫn được thông qua. Thông thường, các nước ủy viên Hội đồng Bảo an cố tìm cách dàn xếp trước để nghị quyết có thể được thông qua. Tuy nhiên, nhiều nước, cho dù biết trước dự thảo nghị quyết của mình sẽ bị phủ quyết nhưng vẫn đưa ra bỏ phiếu nhằm gây sức ép chính trị.

C. Dự định cải tổ Hội đồng Bảo an:

Cùng với sự đổi thay của thế giới, Hội đồng Bảo an đang đứng trước yêu cầu phải "làm mới bản thân", trong đó quy mô của số thành viên thường trực là một vấn đề gây tranh cãi. Theo một kế hoạch cải tổ được đề xuất gần đây, số thành viên thường trực có thể sẽ tăng thêm 5 quốc gia nữa, trong đó các ứng cử viên được đề cập nhiều nhất là Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Brazil và một quốc gia châu Phi là Nam Phi hoặc Nigeria.

Gần đây, đại diện của một số quốc gia gợi ý rằng có thể 5 thành viên thường trực mới sẽ không được trao quyền phủ quyết. Những đề xuất trên vẫn còn nằm trong vòng tranh cãi.

Đánh giá bài viết
1 325
Sắp xếp theo

    Tài liệu Văn hóa và Giải trí

    Xem thêm