Khái niệm và bản chất của giao dịch kinh doanh
Chúng tôi xin giới thiệu bài Khái niệm và bản chất của giao dịch kinh doanh được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Khái niệm và bản chất của giao dịch kinh doanh
1. Khái niệm
Rất nhiều nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về giao dịch và nêu ra nhiều định nghĩa khác nhau. Mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng nhìn chung mọi người vẫn đồng ý cho rằng giao dịch là xây dựng một thông điệp chuyển nó đi với hy vọng người nhận sẽ hiểu được nội dung của bản thông điệp đó. Có thể quan niệm rằng “Giao dịch là sự tiếp xúc, quan hệ giữa các cá nhân để trao đổi thông tin hoặc thỏa mãn một nhu cầu nào đó”. Giao dịch kinh doanh là sự tiếp xúc, quan hệ giữa các chủ thể kinh doanh nhằm trao đổi các thông tin về thị trường, hàng hóa, giá cả, kinh nghiệm kinh doanh,… Giao dịch kinh doanh vừa mang bản chất của xã giao (giao tiếp xã hội) đồng thời mang những nét đặc thù. Mục đích của giao dịch kinh doanh cùng hướng vào mục đích hiệu quả, mục đích lợi nhuận. Giao dịch trước hết là xác lập quan hệ, thực hiện hành vi tiếp xúc với nhau. Giao dịch không phải là cuộc độc thoại một mình, một chiều, mà là cuộc đối thoại hai chiều làm thay đổi cả người gửi lẫn người nhận. Giao dịch không phải là một thời điểm mà là một quá trình. Ta không thể coi giao dịch như một sản phẩm cuối cùng hoàn thiện mà là dòng chảy luôn biến động
2. Bản chất
Bản chất của giao dịch kinh doanh được khái quát như sau:
Trước hết, Chủ thể là các nhà kinh doanh. Họ là những người đang tiến hành kinh doanh, có vốn đầu tư kinh doanh hoặc có ý định đầu tư kinh doanh. Trong quá trình giao dịch nhà kinh doanh chịu ảnh hưởng của các yếu tố thuộc về con người như tâm lý, nhu cầu và văn hóa. Mặt khác, nhà kinh doanh lại có những phẩm chất đặc biệt, trong giao dịch dường như họ mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn. Đồng thời phong cách của họ cũng đa dạng, linh hoạt và có chủ đích rõ ràng hơn so với xã giao.
Thứ hai, Giao dịch là một quá trình trao đổi thông tin, ý tưởng và các cảm xúc.
Quá trình này bao gồm nhiều yếu tố khác nhau như nguồn thông tin (người gửi) bản thông điệp, kênh (người nhận), phản hồi, các cản trở (nhiễu). Quá trình này được trình bày trong Hình 1.1.
Thông tin: Là đặc tính của tín hiệu hay của bản thông điệp giúp truyền đi một điều gì đó có ý nghĩa, mà người nhận chưa biết được. Nói một cách khác, thông tin là sự diễn dịch bên trong của một sự kiện xảy ra ở bên ngoài.
Thông tin có thể đo bằng đơn vị là “bít”. Trong quá trình giao dịch giữa người với người các “bít” chính là từ, ngữ, các ký hiệu, dấu hiệu hoặc các hành vi mà con người sử dụng trong giao tiếp.
Bản thông điệp là một kết hợp các “bít” thông tin có thể gửi đi được. Các bản thông điệp được xây dựng bằng một hoặc nhiều loại ngôn ngữ giao tiếp, do máy hoặc con người thực hiện.
Trong quá trình truyền tin diễn ra việc mã hóa và giải mã thông tin.
Quá trình mã hóa là quá trình lựa chọn, sắp xếp các “bit” thông tin thành một loại ngôn ngữ giao tiếp có thể gửi đi được. Quá trình này do bộ não (của người hoặc của máy, nguồn thông tin) thực hiện.
Quá trình giải mã là quá trình diễn dịch một bản thông điệp.
Quá trình mã hóa và giải mã do bộ não con người hoặc máy thực hiện. Khi nói người truyền tin sẽ mã hóa thông tin, còn khi nghe người nhận sẽ giải mã.
Phản hồi (Feedback) là việc gửi lại toàn bộ bản thông điệp hay một phần của nó từ người nhận tới người gửi, để họ điều chỉnh, sửa chữa lại rõ ràng, dễ hiểu. Khi một người đáp lại một bản thông điệp của người khác, thì sự đáp lại này được gọi là phản hồi: Phản hồi là sự phản ứng lại của người nhận về bản thông điệp của người gửi.
Dữ liệu nhập toàn bộ những thông tin được nhập vào bộ nhớ của não (người hoặc của máy) dùng để giao tiếp.
“Người gửi” và “Người nhận” (Sender và Receiver). Con người tiến hành giao dịch, bởi vì họ có thông tin và cảm xúc muốn trao đổi với nhau. Quá trình trao đổi thông tin là quá trình hai chiều, trong đó một người gửi thông tin, còn người kia nhận và sau đó “người nhận” đưa ra một thông tin phản hồi ngược lại cho “người gửi”. Trong phần lớn các tình huống giao tiếp, con người vừa là “người gửi” và “người nhận” cùng một lúc. Họ là “người gửi - người nhận”.
Hình 1.2. Quá trình giải mã thông điệp
Các kênh là các đường truyền tải thông tin từ người gửi đến người nhận. Trong tình huống giao dịch trực tiếp mặt đối mặt các kênh chủ yếu là nhìn và nghe. Chúng ta nhìn và nghe lẫn nhau. Ngoài ra, các kênh khác cũng có thể sử dụng trong tình huống giao dịch không phải mặt đối mặt, các kênh truyền tin có thể là viết thư, văn bản, gọi điện hoặc gửi các băng ghi âm v.v…
Các cản trở (nhiễu) trong quá trình giao dịch là những yếu tố cản trở việc trao đổi thông tin, làm hiểu không đúng về ý nghĩa của bản thông điệp – hình 1.3. Có các loại cản trở khác nhau gồm: Những cản trở mang tính chất vật lý như tiếng ồn xung quanh, hệ thống âm thanh không đạt yêu cầu…; Những cản trở mang tính chất xã hội có thể xuất hiện do sự không hiểu biết giống nhau về tình huống giao dịch, hoặc do những điểm khác nhau về xã hội, chính trị, tôn giáo, nghề nghiệp, trình độ văn hóa… Sự khác nhau này không những dẫn tới việc giải thích rất khác nhau về cùng một dấu hiệu (từ, câu, cử chỉ…) được sử dụng trong quá trình truyền tin, mà còn làm nảy sinh những cảm xúc khác nhau, những hiểu biết khác nhau về thế giới xung quanh. Một số cản trở khác có thể hoàn toàn mang tính chất tâm lý. Chúng là kết quả của những đặc tính tâm lý đặc biệt của cá nhân như tính nhút nhát quá mức của một người, tính cởi mở, kỹ năng giao tiếp của người khác…, hoặc các mối quan hệ tâm lý đặc biệt được hình thành giữa những người giao dịch với nhau, như ác cảm, sự thù ghét, không tin tưởng nhau.
Để minh họa cho quá trình giao dịch được trình bày trên, chúng ta xét ví dụ đơn giản về quá trình giao dịch giữa người với người. Chẳng hạn, khi gặp một người bạn nào đó chúng ta nói “Xin chào” và ngược lại nhận được câu, “Bạn có khỏe không?”. Nhìn vào sơ đồ trên chúng ta thấy, khi gặp một người bạn chúng ta có có ý định đưa ra một thông tin của chúng ta đã sắp xếp thành “bít” thông tin, lựa chọn câu “xin chào” và chuyển hai từ này thông qua các kênh người nhận (bạn của chúng ta). Người bạn vừa tiếp nhận thông tin, vừa giải mã nó cùng một lúc. Sự phản hồi diễn ra, khi người bạn nói “Bạn có khỏe không?”. Việc trao đổi thông tin trong quá trình giao dịch giữa người với người này sử dụng âm thanh như là một kênh giao dịch. Nhưng quá trình giao dịch giữa người với người này có hiệu quả hơn do sự hỗ trợ của thị giác quan sát sự biểu lộ của nét mặt, khi những người đối thoại nói chuyện với nhau.
Hình 1.3. Các cản trở gây nhiễu trong quá trình giải mã thông điệp
Trong quá trình giao dịch giữa người với người có thể gặp phải những cản trở khác nhau. Những cản trở này liên quan tới sự bất đồng về ngôn ngữ, học vấn, sự khác nhau về chuyên môn, tuổi tác, hình thức và hàng trăm yếu tố khác. Chính chúng là những cản trở gây khó khăn cho quá trình giao dịch giữa người với người. Mục tiêu của giao dịch giữa người với người là xây dựng một bản thông điệp (mã hóa) chuyển nó đi theo một kênh nào đó tới người nhận. Người nhận giải mã và phản hồi lại thông tin mới nhận. Giao dịch cũng có thể diễn ra trong trường hợp không đủ các yếu tố ở sơ đồ trên cho tới khi bản thông điệp được chuyển tới người nhận.
Thứ ba, Thông tin, thông điệp các nhà kinh doanh gửi đến nhau chủ yếu thuộc lĩnh vực kinh tế. Những người giao dịch có chung những ý tưởng hay lĩnh vực kinh doanh. Những thông tin về đầu tư, vốn, giá cả, lợi nhuận, tỉ lệ hoa hồng, thu nhập...là chủ đề chính của các giao dịch kinh doanh. Những thông điệp họ gửi đến nhau thường liên quan đến nhu cầu liên kết kinh doanh, đấu thầu, phương cách đầu tư, phân chia lợi ích. Những vấn đề về môi trường kinh doanh, các chính sách mới, cơ hội đầu tư…rất được các nhà giao dịch quan tâm. Trong thời đại thông tin, việc thu nhập và xử lý thông tin qua các kênh giao dịch đặc biệt có ý nghĩa. Những thông tin đó có thể đưa đến cho các nhà kinh doanh ý tưởng, dự kiến kế hoạch hoặc quyết định đầu tư kinh doanh. Chính vì thế các nhà kinh doanh rất chú ý đến nguồn thông tin trong giao tiếp, những thông tin này có được thậm chí không thể có trong các tư liệu, tài liệu chính thống.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Khái niệm và bản chất của giao dịch kinh doanh về giao dịch kinh doanh là sự tiếp xúc, quan hệ giữa các chủ thể kinh doanh nhằm trao đổi các thông tin về thị trường, hàng hóa, giá cả, kinh nghiệm kinh doanh..
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Khái niệm và bản chất của giao dịch kinh doanh. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.