Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên
Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên
- I. Dàn ý Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên
- II. Văn mẫu Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên
- 1. Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên - Mẫu 1
- 2. Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên - Mẫu 2
- 3. Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên - Mẫu 3
- 4. Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên - Mẫu 4
- 5. Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên - Mẫu 5
- 6. Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên - Mẫu 6
- 7. Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên - Mẫu 7
- 8. Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên - Mẫu 8
Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên được VnDoc.com tổng hợp và đăng tải sau đây bao gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
I. Dàn ý Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên
1. Dàn ý Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên - Mẫu 1
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: đạo lí: Có chí thì nên.
2. Thân bài
a. Giải thích
Chí: người có kế hoạch, mục tiêu, lí tưởng cho bản thân mình và biết vươn lên, cố gắng thực hiện lí tưởng đó dù gặp phải những khó khăn, thử thách trên con đường mình đã chọn .
→ Ý chí vô cùng quan trọng và cần thiết đối với con người, đó là kim chỉ nam để cuộc sống con người tốt hơn.
b. Phân tích
- Biểu hiện của người sống có ý chí, nghị lực:
Biết được bản thân mình muốn gì, sống có ước mơ, biết đặt ra mục tiêu và cố gắng phấn đấu vì mục tiêu đó.
Có kế hoạch học tập, làm việc cụ thể, tích cực rèn luyện, trau dồi bản thân.
Kiên trì, nhận nại với công việc mình đang làm, thắng không kiêu, thua không nản.
- Ý nghĩa của việc sống có ý chí, nghị lực:
Ý chí, nghị lực chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành công của con người, người có ý chí sẽ có kế hoạch làm việc, người có kế hoạch làm việc sẽ sớm có được thành công.
Ý chí, nghị lực sống giúp con người suy nghĩ đúng đắn và tích cực hơn, từ đó giúp chúng ta sống đúng theo những chuẩn mực đạo đức của xã hội.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng để minh họa cho bài làm văn của mình.
Gợi ý: nhà giáo Nguyễn Ngọc Kí, chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà bác học Thomas Edison,…
d. Phản đề
Trong xã hội có nhiều người sống không có mục tiêu, ước mơ, hoài bão, không biết vươn lên, phó mặc cho số phận. Lại có những người lười biếng, dễ nản chí, bỏ cuộc khi gặp khó khăn,…
3. Kết bài
Khái quát và khẳng định lại tầm quan trọng của ý chí, nghị lực sống của con người đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.
2. Dàn ý Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên - Mẫu 2
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu tục ngữ “Có chí thì nên”.
Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.
2. Thân bài
a. Giải thích
Chí: ý chí, nghị lực vươn lên, nỗ lực, cố gắng để mong muốn có được cuộc sống tốt đẹp hơn hoặc đạt được mục tiêu mình đề ra.
Nên: ở đây mang nghĩa nên người, trở thành người có ích, hoặc đơn giản là đạt được mục tiêu mà bản thân mình đặt ra sau quá trình cố gắng, nỗ lực theo đuổi.
→ Câu tục ngữ khuyên nhủ con người ta cố gắng vươn lên trong cuộc sống, muốn có thành quả ngọt ngào thì phải đầu tư công sức, tâm huyết.
b. Phân tích
Mỗi con người không ai tự nhiên mà nên người, thành tài, tất cả những thứ đó chúng ta có được là do quá trình học tập rèn luyện, tích lũy kiến thức.
Người nào càng chăm chỉ, kiên nhẫn, chịu khó, tích cực trau dồi kiến thức thì càng thu về được những quả ngọt, mở mang tầm hiểu biết và có được thành công.
Xã hội có tiến bộ hay không, có phát triển hay không là do những công sức đóng góp của con người mà nên, con người phát triển được bao nhiêu thì xã hội tiến bộ bấy nhiêu.
Nếu mỗi chúng ta lười biếng, ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, chúng ta mãi mãi không phát huy được năng lực của bản thân mà dần dần sẽ bị lạc hậu, tụt lùi về phía sau.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng minh họa cho bài làm văn của mình về những con người kiên trì, nỗ lực vươn lên trong học tập, cuộc sống và đã đạt được thành tựu.
Lưu ý: dẫn chứng phải xác thực, gần gũi, tiêu biểu và được nhiều người biết đến.
Gợi ý: chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần ham học hỏi nên đã biết được nhiều thứ tiếng và tìm ra con đường giải phóng cho đất nước; thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký dù bị liệt cả hai tay nhưng thầy đã kiên trì tập viết bằng chân và trở thành người thầy tài năng,…
d. Phản biện
Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người ỷ lại, lười biếng, hay dựa dẫm vào người khác mà không biết tự phấn đấu vươn lên, lại có những người chỉ biết nghe theo sự sắp đặt, định hướng của người khác mà không có chính kiến của mình,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, chỉ trích.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận: câu tục ngữ “Có chí thì nên”, đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.
II. Văn mẫu Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên
1. Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên - Mẫu 1
Để có thể chinh phục được hạnh phúc con người cần trang bị cho mình rất nhiều hành trang. Không phải tiền bạc hay điểm số mà chính ý chí mới là yếu tố quan trọng giúp chúng ta đạt được ước mơ như câu nói của ông cha ta: “Có chí thì nên”. Ở đây, “chí” nghĩa là ý chí, lý tưởng, nghị lực sống của mỗi người còn “nên” tức là thành công đạt được điều gì đó. Câu nói đã cho thấy vai trò của ý chí kiên cường đối với đời sống con người, nó là chìa khóa làm nên sự phát triển của cá nhân và xã hội. Người sống có ý chí, nghị lực là người có hoài bão, nhận thức được mong muốn của bản thân và sẵn sàng phấn đấu hết mình để chinh phục mục tiêu đã đề ra. Không chỉ vậy, họ còn luôn kiên trì khi thực hiện công việc, không nản lòng trước thất bại và biết rút kinh nghiệm từ những sai lầm để ngày một tiến bộ hơn. Có ý chí, con người sẽ biết hoạch định tương lai cho bản thân và luôn trong tâm thế chủ động thay vì trông chờ sự giúp đỡ từ người khác. Ý chí bao giờ cũng đi kèm với lòng dũng cảm, sự nhẫn nại vì thế nó giúp ta bồi đắp rất nhiều đức tính tốt đẹp khác. Nhờ có ý chí mà con người có được cái nhìn tích cực, đa chiều về cuộc sống. Ta biết cách phát huy năng lực của bản thân, vượt lên mọi định kiến xã hội. Anya Taylor-Joy là một diễn viên nổi tiếng Hollywood. Ít ai biết rằng cô từng bị bạn bè trêu chọc và xa lánh chỉ vì đôi mắt quá to. Với nghị lực kiên cường, Về sau, Anya đã vượt qua nỗi đau đó, tận dụng những lợi thế của mình vào các vai diễn và đạt được thành công. Ngược lại, trong xã hội vẫn có những kẻ nhu nhược, ỷ lại, sống thụ động và dễ dàng bỏ cuộc. Đó là cách sống tiêu cực và cần phải loại bỏ. Để trở thành con người có ý chí, ta cần rèn luyện tinh thần kỉ luật, sự chăm chỉ, kiên trì ngay trong sinh hoạt hằng ngày và trong học tập. “Có chí thì nên” chính là kim chỉ nam đúng đắn để ta noi theo trong chuyến hành trình cuộc đời.
2. Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên - Mẫu 2
Thành công luôn là mục đích của tất cả mọi người. Tuy nhiên con đường để đến với thành công không bao giờ là dễ dàng. Nó phải trải qua biết bao nhiêu chông gai và thử thách, đòi hỏi mỗi người phải có lòng kiên trì và ý chí quyết tâm cao. Chẳng thế mà ông cha ta từ xưa đã truyền lại bí quyết thành công cho thế hệ sau thông qua câu tục ngữ: “Có chí thì nên”.
Vậy câu nói có nghĩa là gì? “Chí” là hoài bão, lí tưởng tốt đẹp, ý chí, nghị lực, sự kiên trì. Chí là điều cần thiết để con người vượt qua trở ngại, là nguồn động lực để ta có thể thực hiện được ước mơ mục đích của bản thân. Chí ở đây cũng là sư kiên trì, quyết tâm theo đuổi đến cùng một vấn đề. Còn “nên” ở đây chính là thành quả mà mỗi người đạt được khi đã kiên trì và quyết tâm. Câu tục ngữ nhằm khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của ý chí trong cuộc sống. Khi ta làm bất cứ một việc gì, nếu chúng ta có ý chí, nghị lực và sự kiên trì thì nhất định chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại để đi đến thành công.
“Có chí thì nên” mang ý nghĩa rất sâu sắc. Câu nói ấy là một lời khuyên, một bài học mà ông cha ta đã đúc kết từ ngàn đời truyền lại cho con cháu chúng ta, khẳng định đức tính kiên nhẫn, bền bỉ chính là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Muốn thành công phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài. Đôi lúc sự thành công lại được rút từ những kinh nghiệm thất bại. Ý chí, nghị lực bền bi và sự kiên trì là sức mạnh quan trọng nhất giúp ta đi đến thành công. Càng gian nan, chịu đựng thử thách trong công việc thì thành công càng vinh quang, càng đáng tự hào. Thực tế đã cho chúng ta thấy có rất nhiều những trường hợp điển hình thể hiện rõ được sự đúng đắn của câu tục ngữ “Có chí thì nên”. Ví như trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, từ cuộc kháng chiến chống quân Minh của vua tôi nhà Lê đến cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ của nhân dân ta trong những năm vừa qua, tất cả đều thử thách ý chí kiên trì bền gan vững chí của cả dân tộc để rồi ta lại giành được độc lập như mong ước đánh tan lũ bán nước, cướp nước. Trong xã hội ngày nay cũng có rất nhiều tấm gương có ý chí nghị lực phi thường khác như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký dù bị liệt cả hai tay nhưng không phải vì vậy mà thầy đầu hàng số phận. Thầy đã tập viết bằng chân và với nỗ lực, nghị lực phi thường thầy đã tốt nghiệp trường đại học và đã trở thành một nhà giáo mẫu mực được mọi người kính trọng.
Tuy nhiên trong cuộc sống ngày nay, rất nhiều người thiếu đi ý chí phấn đấu thiếu sự quyết tâm. Dường như chính bản thân họ, đúng hơn là sự tự giác, tự thân vận động đã bị mất đi trong cái tiện nghi đầy đủ. Vì lẽ đó mà họ lại sống một cách an nhàn, thiếu sự nỗ lực, ý chí cầu tiến. Và sẽ tai hại hơn khi chính họ chưa được rèn luyện, được dạy cách thích ứng với mọi tình huống bất ngờ xảy đến. Mặt khác còn có những người lại bi quan, không có sự kiên trì, quyết tâm, thấy việc nặng nhọc trước mắt là đùn đẩy, có suy nghĩ là sẽ không làm được, từ bỏ tất cả mọi thứ. Họ chỉ sống cho qua ngày, sống một cách vô nghĩa vì cho rằng mình không đủ khả năng chạm đến thành công nên dễ dàng buông bỏ. Thử nghĩ. Trong xã hội đầy rẫy những kẻ như thế thì xã hội làm sao mà phát triển mà đi lên?
Vậy nên, ý chí, nghị lực là điều rất cần thiết. Nếu chỉ một lần thất bại mà đã vội nản lòng, nhụt chí thì sẽ không bao giờ ta đạt được mục đích, và ta sẽ chẳng bao giờ nếm được cái mùi vị tuyệt vời của sự thành công. Trong học tập ,đức kiên trì lại càng rất cần thiết. Vì học là một quá trình lâu dài rèn luyện bản thân. Nếu không có lòng kiên trì luyện tập ,cố gắng học hành thì sẽ không thể có được kết quả tốt. Là những người học sinh là tương lai của đất nước mỗi chúng ta phải xác định mục tiêu của mình và quyết tâm đạt được mục tiêu đó. Có như thế ta mới có thể đem tài sức góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng đất nước.
"Có chí thì nên", câu châm ngôn "như đinh đóng cột" ấy đặt chúng ta trước một phương châm, một kim chỉ nam định hướng cho cuộc đời mình. Đó là một chân lí chắc chắn. Nó khẳng định giá trị, ý nghĩ của ý chí và cả sự kiên trì sẵn bên trong. Câu nói giản dị này như một lời khuyên, lời nhắn nhủ quý báu hơn thế nữa, như một chân lí hiển nhiên của cuộc đời, khiến cho ai đó mỗi đọc lên phải tự ngẫm lại mình.
3. Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên - Mẫu 3
Chúng ta không thể thành công nếu không có sự nỗ lực, cống hiến hết mình cho cuộc sống. Mọi thành công đều được đánh đổi bằng mồ hôi, công sức. Chính vì vậy, để khuyên con cháu mình luôn nỗ lực nhiều hơn trong cuộc sống, ông cha ta đã có câu tục ngữ: “Có chí thì nên”. Chí ở đây được hiểu là ý chí, nghị lực sống của con người. Là tinh thần cầu tiến, là khát vọng chinh phục thành công mà mỗi người hướng đến. Nên ở đây là nên người, là thành công, là tạo được thành tựu, giá trị tốt đẹp cho cuộc sống, cho bản thân. Có chí thì nên thể hiện mối quan hệ nhân quả: có cố gắng, có nỗ lực ắt sẽ có thành công. Thành công không tự tìm đến với chúng ta, không ai chỉ ngồi im, không làm gì mà có được thành công. Cuộc sống là một hành trình nỗ lực, hoàn thiện bản thân của mỗi người. Chúng ta cần không ngừng học hỏi, trau dồi bản thân để mình tốt hơn từng ngày, khám phá những điều mới mẻ, tốt đẹp của cuộc sống để tìm ra lí tưởng sống cũng như chân lí của cuộc đời. Trong cuộc sống, sẽ có những lúc ta cảm thấy thật yếu lòng, thật mệt mỏi, sẽ có lúc ta vấp ngã tưởng chừng như không thể đứng dậy nổi. Khi bóng tối bủa vây, niềm tin chính, ý chí, nghị lực sống chính là nguồn ánh sáng mạnh mẽ soi đường chỉ lối cho chúng ta, tạo cho con người nguồn năng lượng dồi dào để đứng dậy và bước tiếp. Chúng ta - những người trẻ còn nhiều cơ hội để khẳng định bản thân cũng như chứng minh năng lực của mình. Để làm được điều đó, chúng ta có thể tạo dựng và bồi đắp hằng ngày bằng những hành động hết sức đơn giản, chẳng hạn, bạn có thể bắt đầu ngày mới của mình bằng cách mỉm cười thật tươi trước gương, dũng cảm đảm nhận những công việc mà bạn cho là có thể,… Mỗi ngày cố gắng một chút, mỗi ngày một hành động nhỏ sẽ giúp cho chúng ta tiến bộ, phát triển tốt đẹp hơn cũng như sẽ sớm có được thành công hơn.
4. Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên - Mẫu 4
Cuộc sống vô nghĩa hay có nghĩa là do chúng ta lựa chọn. Nếu muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa, trước hết chúng ta cần sống có ý chí, bởi lẽ: “Có chí thì nên”. Người có ý chí là những người sống có kế hoạch, mục tiêu, lí tưởng cho bản thân mình và biết vươn lên, cố gắng thực hiện lí tưởng đó. Khi con người có ý chí thì dù gặp phải những khó khăn, thử thách nào trên con đường mình đã chọn thì chúng ta vẫn mạnh mẽ đứng lên, vượt qua và đi tiếp. Ý chí chính là tinh thần vượt khó. Trong cuộc sống, chúng ta sẽ không tránh khỏi những lúc khó khăn, vấp ngã, người có ý chí là người kiên cường, đứng lên và vượt qua được thử thách. Người có ý chí biết được bản thân mình muốn gì, sống có ước mơ, biết đặt ra mục tiêu và cố gắng phấn đấu vì mục tiêu đó, kiên trì, nhẫn nại với công việc mình đang làm, thắng không kiêu, thua không nản. Ý chí chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành công của con người, người có ý chí sẽ có kế hoạch làm việc, người có kế hoạch làm việc sẽ sớm có được thành công. Bên cạnh đó, ý chí sẽ giúp con người suy nghĩ đúng đắn và tích cực hơn, từ đó giúp chúng ta sống đúng theo những chuẩn mực đạo đức của xã hội. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn còn có nhiều người sống không có mục tiêu, ước mơ, hoài bão, không biết vươn lên, phó mặc cho số phận. Lại có những người lười biếng, dễ nản chí, bỏ cuộc khi gặp khó khăn,… những người này cần xem xét lại tư tưởng, hành động của mình nếu muốn có được thành công trong cuộc sống. Mỗi chúng ta chỉ được sống một lần, hãy sống và trở thành người có ý chí kiên cường nhất.
5. Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên - Mẫu 5
Những khó khăn đó như một định luật tự nhiên để ta có thể phát triển và thăng tiến. Nhưng để có thể vượt qua được những khó khăn đó đòi hỏi chúng ta phải có sự kiên trì, bền bỉ và có một ý chí hơn người như ông cha ta đã dạy: “Có chí thì nên”. Ý chí là sự nhẫn nại, cố gắng, quyết tâm vươn lên, theo đuổi mục tiêu của mình cho dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại và vấp ngã. Câu nói khuyên nhủ mỗi chúng ta hãy luôn cố gắng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của mình, sự nỗ lực, kiên trì sẽ giúp chúng ta tìm được định hướng, con đường đúng đắn để đi đến thành công. Khó khăn như là một câu thách đố đòi hỏi chúng ta phải biết vượt qua chính mình bằng cách chỉnh đốn lại nội tâm và làm chủ bản thân. Chỉ có lòng kiên định và ý chí kiên trì bền bỉ mới có thể giúp ta vượt qua được những trở ngại của cuộc sống. Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều người không biết dùng sức mình để vượt qua khó khăn, họ chỉ biết dựa dẫm vào người khác. Những người đó là những người không biết vượt qua nhiệm vụ mà cuộc sống đã thử thách chúng ta, thật đáng bị xã hội phê phán. Chúng ta không thể biết con đường này sẽ dẫn ta đến đâu nếu ta chưa thực sự đi qua nó. Có rất nhiều khả năng mà ta Không thể kiểm soát được. Điều duy nhất có thể làm là ta phải biết làm chủ mình, đưa ra quyết định thật đúng đắn và quyết tâm kiên trì theo đuổi đến cùng. Cuộc sống luôn là một bức tranh muôn màu muôn vẻ, còn biết bao nhiêu điều đang chờ đợi ta phía trước. Vì thế hãy dám nghĩ, dám quyết định và lựa chọn con đường đi cho chính bản thân mình, đừng nên chần chừ và do dự. Kiến thức, niềm tin, lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm kiên trì vượt khó sẽ là những người bạn đồng hành không thể thiếu của mỗi người chúng ta trên con đường đời ấy.
6. Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên - Mẫu 6
Con người để hoàn thiện bản thân thì phải không ngừng trau dồi nhiều đức tính quý báu. Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công mà mỗi con người cần phải rèn luyện chính là ý chí, bởi lẽ: “Có chí thì nên”. Vậy thế nào là ý chí? Ý chí là kiên trì, sự nhẫn nại, cố gắng, quyết tâm vươn lên, theo đuổi mục tiêu của mình cho dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại và vấp ngã. Câu tục ngữ của ông cha ta khuyên nhủ con người sống có ý chí, có khát vọng và vươn lên phía trước để đạt được những điều tốt đẹp. Tất cả mọi việc trên đời này không phải dễ dàng mà thành công được, để đạt được thành công, chúng ta phải cần có ý chí theo đuổi mục tiêu. Có thể nói, ý chí, nghị lực chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành công của con người. Nếu trong xã hội con người ai khi gặp khó khăn cũng bỏ cuộc thì xã hội sẽ không phát triển được như hiện nay, con người sẽ rơi vào bế tắc. Bên cạnh đó, người có ý chí, nghị lực sẽ luôn là tấm gương sáng để chúng ta học tập và noi theo, giúp xã hội này tiến bộ hơn. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có nhiều người nóng vội, muốn đạt được thành quả nhanh chóng, lại có người dễ nản chí, bỏ cuộc khi gặp khó khăn,… những người này khó có được thành công trong cuộc sống và sớm bị xã hội đào thải. Mỗi chúng ta ai cũng hiểu được vai trò, tầm quan trọng của ý chí đối với cuộc sống, chính vì thế, chúng ta cần rèn luyện cho bản thân mình một ý chí bền bỉ, sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, thử thách.
7. Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên - Mẫu 7
Cuộc sống của mỗi người là do chính bản thân chúng ta định đoạt. Chính vì thế, chúng ta không thể ỷ lại, dựa dẫm vào người khác mãi được mà phải có ý chí vươn lên, tự mình làm chủ cuộc sống bởi lẽ: “Có chí thì nên”.
“Chí” là sự nhẫn nại, cố gắng, quyết tâm vươn lên, theo đuổi mục tiêu của mình cho dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại và vấp ngã. “Nên” ở đây mang nghĩa nên người, trở thành người có ích, hoặc đơn giản là đạt được mục tiêu mà bản thân mình đặt ra sau quá trình cố gắng, nỗ lực theo đuổi. Câu tục ngữ khuyên nhủ con người ta cố gắng vươn lên trong cuộc sống, muốn có thành quả ngọt ngào thì phải đầu tư công sức, tâm huyết.
Mỗi con người không ai tự nhiên mà nên người, thành tài, tất cả những thứ đó chúng ta có được là do quá trình học tập rèn luyện, tích lũy kiến thức. Người nào càng chăm chỉ, kiên nhẫn, chịu khó, tích cực trau dồi kiến thức thì càng thu về được những quả ngọt, mở mang tầm hiểu biết và có được thành công. Xã hội có tiến bộ hay không, có phát triển hay không là do những công sức đóng góp của con người mà nên, con người phát triển được bao nhiêu thì xã hội tiến bộ bấy nhiêu. Nếu mỗi chúng ta lười biếng, ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, chúng ta mãi mãi không phát huy được năng lực của bản thân mà dần dần sẽ bị lạc hậu, tụt lùi về phía sau.
Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có nhiều người nóng vội, muốn đạt được thành quả nhanh chóng mà hành động không có sự chỉn chu, tính toán kĩ lưỡng dẫn đến thất bại. Lại có người dễ nản chí, bỏ cuộc khi gặp khó khăn,… những người này khó có được thành công trong cuộc sống và sẽ sớm bị xã hội đào thải.
Sống có ý chí là một đức tính tốt đẹp mà chúng ta cần rèn luyện trong quá trình hoàn thiện và phát triển bản thân. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân và vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.
8. Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên - Mẫu 8
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam có vô vàn những kinh nghiệm, những lời dạy bổ ích mà ông cha ta để lại. Trong đó những câu tục ngữ nói về ý chí, nghị lực, niềm tin của mỗi con người được nhắc đến rất nhiều, và điển hình là câu tục ngữ: “Có chí thì nên”
Câu tục ngữ “có chí thì nên” có kết cấu ngắn gọn mà hàm súc. Ở đây “chí” có nghĩa là chí hướng, là mục tiêu. Nó còn có nghĩa là nghị lực, niềm tin, ý chí để đạt được mục tiêu mà mình để ra. Còn “nên” có nghĩa là kết quả, là thành công, là điều mình mong ước trở thành hiện thực. Cả câu tục ngữ có ý nghĩa: có chí, có nghị lực, niềm tin thì cho dù công việc có khó khăn, gian khổ đến đâu cũng sẽ vượt qua.
Câu tục ngữ mang ý nghĩa hoàn toàn đúng đắn. Thật vậy, thử hỏi trong cuộc sống có mấy ai không có chí hướng, mục tiêu mà dễ dàng đạt được thành công. Nếu không có chí hướng, con người sẽ làm được gì, sẽ đi đến đâu? Cũng giống như khi đi đường vậy, nếu như không biết được nơi bạn cần đến, mục đích đến thì liệu bạn có đi được không. Ai cũng có một ước mơ. Mọi người ước mơ từ khi còn bé đến lúc sắp từ giã cõi đời. Thời bé, ta hay mơ được trở thành siêu nhân hay cô tiên để giải cứu thế giới. Lớn lên một chút, mục tiêu xác định rõ hơn, ước được học trường chuyên, lớp chọn, được vênh mặt lên với bạn bè. Đến khi trưởng thành lại ước có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc. Khi về già, ta ước con cháu hòa thuận, gia đình sum vầy. Ước mơ thì có rất nhiều nhưng nếu thiếu ý chí, nghị lực và niềm tin thì ước mơ vẫn chỉ là mơ ước. Nếu không có ý thức học, không có niềm tin vào chính mình, khi gặp nghịch cảnh rất dễ nản chí, thất bại thì liệu có được vào những ngôi trường mà mình mơ ước. Nếu không cố gắng làm việc, xây đắp hạnh phúc gia đình thì liệu có được cuộc sống đầy đủ, viên mãn, tròn đầy. Đó chỉ là một vài trong vô vàn ước mơ trong cuộc sống nhưng đã đủ thấy tầm quan trọng của mục tiêu, chí hướng, nghị lực, niềm tin.
Câu tục ngữ có tầm ảnh hưởng lớn đối với xã hội của chúng ta. Đã có biết bao nhiêu người tự đặt mục tiêu cho mình và cố gắng, phấn đấu để đạt được mục tiêu ấy. Câu tục ngữ “Có chí thì nên” còn khẳng định một suy nghĩ, quan niệm đúng đắn: không được ngã lòng, nản chí, luôn sống có ý chí, nghị lực và biết kiên trì, nhẫn nại. Có rất nhiều những tấm gương có ý chí, nghị lực đã làm nên thành công. Như thầy giáo nổi tiếng Nguyễn Ngọc Ký, mặc dù đã liệt cả hai tay, bằng ý chí và nghị lực, thầy đã tập viết và làm mọi việc bằng hai chân của mình. Hay như Nick Vujicic bị liệt cả tứ chi nhưng luôn lạc quan vui sống, anh là một diễn giả nổi tiếng luôn truyền động lực sống cho mọi người. Câu nói mà anh phát biểu có ý nghĩa vô cùng to lớn: “Tôi là một điều kì diệu. Bạn cũng là một điều kì diệu”.
Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn không thiếu những kẻ thiếu ý chí, nghị lực, niềm tin, làm việc gì cũng hời hợt, không có trách nhiệm, tinh thần trong công việc của mình. Rồi còn có những người mặc dù có ý chí nhưng lại đem điều đó vào những công việc xấu xa, bỉ ổi chỉ để phục vụ cho nhu cầu vật chất tầm thường, những dục vọng xấu xa của bản thân. Những con người quyết tâm giàu có cho dù việc làm tốt hay xấu, quyết tâm phá hỏng công việc của người khác vì trả thù hoặc đem lợi cho mình.
Ý chí đưa ta đến thành công vì thế ngay từ bây giờ chúng ta cần phải rèn luyện bản thân mình có ý chí và nghị lực. Chúng ta cần phải học tập thật tốt, rèn luyện bản thân mình. Đồng thời chúng ta cần phải đề ra các mục đích cao đẹp và quyết tâm thực hiện. Đồng thời không được nản chí trước khó khăn, tìm ra các phương pháp để thực hiện và giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Câu tục ngữ “có chí thì nên” bao hàm ý nghĩa sâu xa. Qua đó, ông cha ta đã khuyên nhủ chúng ta phải kiên trì, nhẫn nại để đạt được thành công.
---------------------------
Ngoài bài văn mẫu Nghị luận về tư tưởng đạo lí: Có chí thì nên, mời các bạn xem thêm chuyên mục Soạn Văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 hơn.