Nghị luận xã hội về ý kiến Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống
VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội về ý kiến Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu học tập nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây.
Nghị luận về ý kiến Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống
Nghị luận xã hội về ý kiến Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống vừa được VnDoc.com sưu tập và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết gồm có dàn ý và bài văn mẫu. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết.
1. Dàn ý nghị luận xã hội về ý kiến Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống
I. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống.
Ví dụ: Đặng Thái Sơn, nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng của Việt Nam đã từng ví von: Lúa càng nặng hạt càng trĩu bông, giản dị cúi đầu, đó chính là thái độ sống, phong thái sống của những con người thực sự có văn hóa trong xã hội. Nghĩ về lối sống giản dị cúi đầu, ai đó cũng từng khẳng định: Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống.
II. Thân bài:
1. Giải thích, nêu ý nghĩa câu nói
- Cúi xuống không phải là hành vi mà là cách hành xử giữa người với người. Cúi xuống không đồng nghĩa với sự nhẫn nhục, luồn cúi thấp hèn. Cái cúi xuống ở đây là chính là cái cúi đầu giản dị, khiêm nhường của những người có đạo đức, văn hóa trong xã hội. Cúi xuống cũng chính là để hiểu rõ mình hơn, nhận ra giá trị, vị thế của mình.
- Lớn hơn là cách nói hình ảnh chỉ sự trưởng thành hơn. Lớn hơn cũng có nghĩa là vĩ đại hơn, giá trị hơn. Khi người ta biết cúi mình khiêm tốn cũng là khi giá trị của con người được nâng lên một bậc.
=> Câu nói là sự khẳng định giá trị của lòng khiêm tốn, lối sống khiêm nhường. Khi biết sống khiêm nhường giản dị, con người sẽ ngày càng nâng cao và khẳng định được giá trị của bản thân.
2. Bàn luận
- Tại sao trong cuộc sống, con người lại cần phải biết cúi đầu?
+ Cuộc sống là một cuộc chiến, nếu chúng ta dừng lại với thành công của mình ở hiện tại tức là chúng ta chấp nhận thất bại trong tương lai, ở lại quá khứ làm kẻ thua cuộc. Con người có tài cán bao nhiêu đi chăng nữa thì cái khôn ngoan hiện hữu ấy cũng không thể quả quyết là không ai hơn được. Người xưa có câu: “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, người giỏi sẽ có người giỏi hơn". Cúi đầu chính là biểu hiện của chấp nhận học tập, chấp nhận sự bình thường, yếu kém của bản thân để học hỏi những người xung quanh.
+ Khi biết cúi xuống cũng là lúc con người nhận ra vị trí của bản thân. Biết cúi xuống nhìn lại chính mình, con người cũng sẽ học được nhiều điều ý nghĩa, nhận ra và hiểu được chính bản thân mình, từ quá khứ.
+ Cúi xuống là để hiểu người hơn, là để nâng người khác lớn lên. Cúi xuống cũng là để hiểu mình hơn, để tự nâng mình lên. Những người biết cúi mình là những người biết hiểu mình, hiểu người. Sự hiểu mình hiểu người giữ một vai trò hết sức quan trọng giúp con người tiến xa hơn, đạt được nhiều thành công trong cuộc sống.
+ Thái độ khiêm tốn, giản dị luôn được coi là một biểu hiện của văn hóa và đạo đức ở mọi thời. Người sống khiêm tốn sẽ nhận được nhiều yêu mến, kính trọng của người khác. Những người càng có đạo đức văn hóa thì càng biết sống nhún nhường, giản dị, không thích khoe khoang hình thức. Sự giản dị khiêm tốn ấy không làm cho người đó mất đi giá trị mà càng làm cho người xung quanh kính nể.
- Dẫn chứng: Trong khiếm tốn người ta tự cho mình là kém và cần học nữa, họ coi thành công như sự an ủi. Các nhà bác học càng lớn càng thấy mình cần phải khiêm tốn là lẽ đương nhiên.
+ Nhà vật lý học Newton đã so sánh mình như một đứa trẻ dạo chơi trên bãi biển may mắn nhặt được hòn sỏi đẹp và trước mắt là bể chân lý bao la. Ông còn nói: Sở dĩ tôi nhìn xa là vì tôi ngồi trên vai người khổng lồ.
+ Lênin có lời khuyên cho thanh niên về cách nghĩ và hành động khiêm tốn: Nếu tôi biết tôi biết ít tôi sẽ tìm cách để hiểu biết hơ, nhưng nếu anh tuyên bố anh là người cộng sản không cần biết điều cơ bản thì anh không có chút gì cộng sản hết. Điều ta nên nhớ là Lênin có tới 9000 sách của 15 thứ tiếng và 9 ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, … tính khiêm tốn không cho phép mình nghỉ ngơi trên những thành công đã đạt được và còn nhiều chứng minh minh chứng cho tính chất đó ví dụ như ở Einstein, Abraham Lincoln…
- Làm thế nào để sống khiêm tốn giản dị?
+ Chúng ta phải biết đánh giá không thiên vị thực tài, không được coi thường thế hệ nhỏ tuổi, nêu cao ý thức học tập, phát triển không ngừng tư duy sáng tạo, sống cho phù hợp với hoàn cảnh và các giá trị chân - thiện - mỹ.
- Phản đề:
+ Giản dị, khiêm nhường là những yếu tố giúp con người nâng cao giá trị bản thân. Nhưng thật buồn vì những giá trị này không được chú ý.
+ Có người tự mãn với số vốn kiến thức sẵn có, có người học đến một học vị nào đó rồi cho là "công thành danh toại” không cần nghiên cứu nữa. Có người giàu có và tự cho mình là đủ nên chỉ lo ăn chới tiêu xài, không lo phát triển đến khi trắng tay rồi mới hối hận. Bên cạnh đó thói đua đòi xa xỉ, chi sài của cải thời gian vào việc vô bổ cũng thật sai lầm. Người ta bỏ tiền bạc của cải vào cuộc chạy đua thời trang, chạy đua công nghệ… để chứng tỏ vị thế của bản thân. Thể hiện mình bằng những giá trị vật chất đó, con người càng hạ thấp bản thân mà không hề hay biết.
3. Liên hệ, tham gia bàn luận về thái độ sống
- Câu nói trên không nhằm khuyến khích người ta chỉ biết cúi xuống mà nhằm nhắc nhở người ta người ta biết cách ứng xử cần thiết để lớn hơn… Tuổi thanh niên luôn có ý thức khẳng định mình và cũng tràn đầy khát khao ý chí. Đó là một thuộc tính thông thường và rất đáng trân trọng. Nhưng tuổi trẻ cũng dễ mắc những nhược điểm: tự phụ, tự mãn, hiếu thắng, đôi khi thiếu nhường nhịn, không khiêm tốn. Vì quá tự tôn nên đôi khi không chấp nhận thành công của người khác, không chịu học tập người khác.
III. Kết bài
- Liên hệ bản thân: Người viết tự nhìn nhận đánh giá lại chính lối sống của bản thân mình, từ đó đề ra một lối sống, lối ứng xử phù hợp.
2. Nghị luận xã hội về ý kiến Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống mẫu 1
Trong xã hội từ xưa đến nay, phàm là những người có sự nghiệp thuận lợi nhất, thăng tiến nhanh nhất thông thường đều là những người hiểu được rằng làm người phải biết “cúi đầu”.
Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện như thế này: Một hôm có người hỏi ngài Socrates – triết gia Hy Lạp cổ đại: “Thưa ngài! Ngài là người có học vấn uyên thâm nhất thiên hạ, ngài có biết khoảng cách giữa Trời và Đất là bao nhiêu không?”. Socrates trả lời: “Ba pous” (pous là đơn vị đo lường của Hy Lạp cổ, 1 pous = 0,3 m).
Người này tỏ vẻ nghi hoặc nói: “Thưa ngài, ngoài trẻ con ra thì con người chúng ta ai cũng cao 5, 6 pous, nếu khoảng cách giữa trời và đất chỉ có 3 pous, thì chẳng phải chúng ta đã đâm thủng bầu trời rồi hay sao?”. Socrates tiếp tục nói: “Đúng vậy, phàm là ai cao hơn ba thước, nếu muốn đứng được ở giữa trời và đất, thì phải biết cúi đầu xuống”.
Câu chuyện cổ xưa này nói cho chúng ta biết một đạo lý, “cúi đầu” chính là một cách ứng xử đúng mực, một cách nhìn xa trông rộng trong cuộc sống. Trong cuộc sống, ở vào một số tình huống chúng ta nhất định phải học được cách “cúi đầu”, khi ấy chúng ta sẽ phát hiện ra rằng tình thế đã được chuyển biến tốt đẹp ngoài tưởng tượng của bản thân mình.
Học cách “cúi đầu” trước những sai lầm của mình
Con người không phải thánh nhân, nên ai mà không từng phạm sai lầm? Nhưng đã mắc lỗi thì nên cải sửa. Tuy nhiên, có nhiều người khi mắc lỗi lại khuyết thiếu can đảm “cúi đầu” thừa nhận sai lầm của bản thân mình.
Sai lầm do bản thân mình gây ra rất có thể sẽ làm thương tổn đến người khác. Chỉ có “cúi đầu” mới có thể bù đắp lại được. “Cúi đầu” không phải là khuất nhục, “cúi đầu” cũng không phải là thể hiện người thấp hèn, mà thể hiện rằng bản thân biết sai nên phải sửa. Đó cũng là cái giá phải trả cho tội lỗi của bản thân mình.
Can đảm “cúi đầu” trước sai lầm mình gây ra chính là thể hiện của sự thông minh và quyết đoán, là một loại cảnh giới và phẩm cách cao quý, cũng là một loại rộng lượng và thong dong. Có thể gập vào thì mới có thể duỗi ra, có thể lui mới có thể tiến, có thể nhu mới có thể cương.
Học cách “cúi đầu” khi đối mặt với hiện thực trước mắt
Giữa thực tại và mơ ước thường có một khoảng cách và sự chênh lệch rất lớn. Một số người khi bước vào trường học, vào cuộc sống hay nơi làm việc mới thường mang theo những nguyện vọng, mơ ước tốt đẹp, nhưng họ lại khó thích ứng được với những nội quy, quy định nghiêm khắc của nơi đó và dễ dàng đánh mất đi lý tưởng, khó có thể dung nhập được với môi trường này.
Lúc này, nếu chỉ một mực ngẩng cao đầu trông ngóng mà không hạ bỏ được cái “tư thế” của bản thân thì rất khó tìm cho mình một chỗ phù hợp, chuẩn xác. Trái lại, khi ấy, có thể cúi đầu xuống, tĩnh tâm lại, hạ thấp tư thế xuống, nhiệt tình làm việc thì sẽ rất nhanh có thể tìm được vinh quang cho mình.
Học cách “cúi đầu” trước những dục vọng của bản thân
Ham muốn, dục vọng và lòng tham của con người là vô hạn, không có chừng mực. Trong lòng người, không có cái gì là tốt nhất mà chỉ có cái tốt hơn và hơn nữa.
Có những người luôn thích kiễng chân lên, vươn cổ cao lên để vượt hơn người khác, nổi danh hơn người khác. Chứng kiến địa vị của bạn bè, đồng nghiệp đều thăng lên như “thang máy”, người này làm cục trưởng, người kia làm trưởng phòng… trong khi bản thân mình lại không là gì cả liền cảm thấy oán trách trời đất, xã hội bất công. Nhưng, chỉ cần cúi đầu xuống, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng những thứ mà bản thân mình có được là rất nhiều, chính là mải “ngẩng đầu” nên không nhận ra và trân trọng nó mà thôi!
Cuộc đời nhắc nhở chúng ta rằng: Rất nhiều người cả đời ngẩng đầu phấn đấu, cuối cùng nhìn lại mới nhận ra, thứ mà mình giành được rốt cuộc cũng chỉ là phù du, mây khói, là vật ngoài thân mà thôi.
Biết “cúi đầu” là một loại trưởng thành
Cách đây rất lâu, có một chàng thanh niên người Nauy đã vượt biển đến nước Pháp để ghi danh thi vào học viện âm nhạc Paris nổi tiếng. Trong giờ thi, mặc dù anh ta đã cố gắng hết sức để thể hiện khả năng của mình với một trạng thái tốt nhất nhưng vẫn không được ban giám khảo tuyển chọn.
Chàng thanh niên không một đồng xu trong người, đi đến con phố phồn hoa cách học viện đó không xa, đứng dưới một thân cây, và tiếng vĩ cầm vang lên theo nhịp kéo của anh. Anh ta chơi hết bản nhạc này đến bản nhạc khác, thu hút rất đông người dừng chân lắng nghe. Chàng thanh niên đói khát cuối cùng nâng hộp đàn của mình lên, những người xem xung quanh xúm lại lấy tiền ra và bỏ vào hộp đàn.
Có một kẻ ngạo mạn khinh thường người thanh niên ấy và ném những đồng tiền xuống dưới chân của anh, không một ánh mắt thiện cảm. Người thanh niên nhìn kẻ ngạo mạn rồi cúi người xuống nhặt những đồng tiền trên mặt đất lên, đưa cho người đó và nói: “Thưa ông, tiền của ông rơi xuống đất này!”
Người ngạo mạn cầm tiền rồi lại một lần nữa ném xuống dưới chân của người thanh niên và nói: “Tiền này đã là của cậu rồi, cậu phải nhận lấy chúng”. Người thanh niên lại một lần nữa nhìn kẻ ngạo mạn rồi cúi người thật sâu xuống cám ơn kẻ ngạo mạn và nói: “Thưa ông, xin cảm ơn sự giúp đỡ của ông. Vừa rồi tiền của ông rơi xuống mặt đất, tôi đã cúi người xuống nhặt lên, bây giờ tiền của tôi rơi xuống mặt đất, xin phiền ông cũng nhặt lên giúp tôi!”.
Kẻ ngạo mạn kinh ngạc trước hành vi của người thanh niên, nhưng cuối cùng trước mặt đông người cũng nhặt những đồng tiền trên mặt đất bỏ vào hộp đàn của người thanh niên, rồi bước đi với bộ mặt xám xịt, xấu hổ. Những người vây xung quanh đều yên lặng dùng ánh mắt chăm chú mà theo dõi người thanh niên này. Kẻ ngạo mạn đó chính là vị giám khảo ban nãy. Cuối cùng vị giám khảo đó lại đưa chàng thanh niên về học tại học viện. Chàng thanh niên này tên là Bill Sardinia.
Trong cuộc sống có thời điểm mà chúng ta lâm vào ngưỡng thấp nhất của cuộc đời, có thể sẽ gặp phải một số sự khinh thường vô duyên vô cớ. Khi chúng ta ở vào giây phút khó khăn cùng cực nhất của cuộc sống, có thể gặp phải sự chà đạp nhân phẩm của người đời. Phản kháng lại một cách gay gắt là bản năng của của chúng ta, nhưng thông thường sẽ khiến cho hành động của những người thiếu hiểu biết, thiếu đạo đức đó càng thêm tệ hại hơn. Lúc ấy, chúng ta không dùng lý trí để phản kháng, mà dùng một loại tâm thái khoan dung độ lượng để đối đãi cũng có thể bảo vệ được danh dự của mình.
Khi đó, bạn sẽ phát hiện ra rằng, bất luận là người có dã tâm nào đi nữa, khi đứng trước chính nghĩa thì đều không cách nào trụ vững nổi. Đôi khi “cúi đầu” lại thể hiện được phẩm chất vô giá của một người! Biết “cúi đầu” mới là trưởng thành, biết “hạ mình” mới là cao thủ.
3. Nghị luận xã hội về ý kiến Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống mẫu 2
Đặng Thái Sơn, nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng của Việt Nam đã từng ví von rằng, cây lúa luôn giản dị cúi mình xuống bởi luôn trĩu bông. Quả đúng như thế, mỗi người cần biết khiêm tốn và tôn trọng người khác. Có ý kiến cho rằng: “Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống”.
Câu nói đã nêu bật một nội dung tư tưởng khiến chúng ta đáng phải suy ngẫm cho mình. Cúi xuống không phải là một thái độ cúi đầu thấp hèn, nhẫn nhục, cái cúi đầu không biết mình, nhu nhược và hèn nhát. Cái cúi đầu được hiểu ở đây là một thái độ vô cùng đáng quý của con người. Đó chính là sự khiêm nhường của con người, luôn biết tôn trọng những điểm mạnh khác nhau của người khác. Cái cúi đầu này cũng là minh chứng cho đức tính luôn biết rõ những giá trị của mình, vị thế của mình.
Câu nói có hai vế, ta cúi đầu xuống cũng có nghĩa là ta biết lớn hơn. Vì lớn hơn là cách nói thể hiện sự trưởng thành của chính mình. Lớn hơn cũng có nghĩa là ta trở nên vĩ đại hơn, có giá trị hơn. Cuộc sống là vậy, khi ta biết khiêm tốn cũng có nghĩa là ta đã tìm được chính mình. Giá trị của ta đã được nâng lên một bậc.
Câu nói đã nêu bật một nội dung tư tưởng, giá trị đáng quan tâm. Khi người ta biết cúi đầu khiêm tốn cũng là khi giá trị của con người được nâng lên một bậc. Câu nói đã khẳng định sự quan trọng và giá trị của sự khiêm tốn. Lối sống khiêm nhường đáng ngợi ca. Và con người khi biết sống khiêm nhường sẽ ngày càng giản dị và thanh cao. Càng khẳng định giá trị bản thân của họ.
Cuộc sống này là một cuộc chiến dài vô tận, nếu chúng ta dừng lại tự cao tự đại với thành công của mình cũng là tự giết chết tài năng của mình. Và người khác bằng sự học hỏi sẽ không ngừng vươn cao lên vượt qua ta. Sự cúi đầu là sự chấp nhận bình thường, chấp nhận học hỏi. Người giỏi sẽ có người giỏi hơn, vì thế ta hãy luôn chấp nhận và vươn lên mỗi ngày.
Khi con người ta cúi xuống, sẽ nhận ra những giá trị của bản thân mình. Con người ta sẽ học hỏi được nhiều điều ý nghĩa hơn nữa, là một yếu tố rất quan trọng giúp ta tiến xa hơn nữa. Trong cuộc sống chúng ta không ít lần biết tới những người nổi tiếng, vĩ nhân nhưng họ vẫn luôn giản dị và khiêm tốn không hề khoe khoang và vẫn luôn nhận được sự ngợi ca của nhiều người. Như nhà vật lí học Newton luôn so sánh mình với đứa trẻ dạo chơi trên bãi biển. Hay như Lê nin, Abraham…
Hãy luôn học cách giản dị khiêm tốn, để mình luôn cố gắng và thành công hơn nữa. Tránh sự tự mãn, cao ngạo, điều đó càng khiến ta mất đi giá trị chính mình. Qua đó tự đưa ra cho mình lối sống ứng xử phù hợp.
Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội về ý kiến Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống, mong rằng đây là tài liệu hữu ích giúp bạn đọc ôn tập tốt hơn môn Ngữ văn 12. Ngoài ra bạn đọc có thể tham khảo thêm kiến thức các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...
Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 12 để có thêm tài liệu học tập nhé