Soạn bài “Trong lời mẹ hát” đầy đủ

Soạn bài “Trong lời mẹ hát” đầy đủ là tài liệu học tập mới nhất giúp các em học tập tốt môn Ngữ văn lớp 8 sách Chân trời sáng tạo. Mời các bạn tham khảo!

I. Chuẩn bị đọc

Chia sẻ với các bạn một bài thơ hoặc câu ca dao mà em yêu thích về người mẹ.

1. Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

(Ca dao)

2. Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

(Ca dao)

3. Ru cho sóng lặng bãi bồi

Mưa không chỗ dột ngoại ngồi vá khâu

Ru cho đời nín cái đau

À ơi... Mẹ chẳng một câu ru mình.

(Bình Nguyên)

4. Bầm ra ruộng cấy bầm run

Chân lội xuống bùn, tay cấy mạ non.

(Tố Hữu)

II. Trải nghiệm cùng văn bản

1. Liên hệ 1 trang 13 SGK Ngữ văn 8 tập 1

Khổ thơ này gợi cho em nhớ đến những câu hát ru nào?

Khổ thơ này gợi cho em nhớ đến những câu hát ru:

Cái cò đi đón cơn mưa

Tối tăm mù mịt ai đưa cò về

Cò về thăm quán cùng quê

Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh.

2. Suy luận 2 trang 14 SGK Ngữ văn 8 tập 1

Điều mà con “nghe” được trong lời mẹ hát ở khổ thơ này có gì khác biệt so với bảy khổ thơ trước đó?

- Bảy khổ thơ đầu: lời ru của mẹ gắn liền với vẻ đẹp của thiên nhiên, tình yêu con người và quê hương đất nước.

- Khổ thơ cuối: lời ru hóa thành động lực để người con thực hiện ước mơ, tiếp thêm sức mạnh cho con trong cuộc sống.

III. Suy ngẫm và phản hồi

Câu 1 (trang 14, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Xác định thể thơ của bài Trong lời mẹ hát.

Thể thơ lục ngôn (sáu chữ).

Câu 2 (trang 14, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Vần trong bài thơ là vần cách hay vần liền? Dựa vào đâu để xác định như vậy?

- Vần trong bài thơ là vần cách, được thể hiện qua cách gieo vần không liên tiếp mà thường cách ra một dòng thơ.

VD: “ngào” – “dao”; “xanh” – “chanh”, “trầu” – “cau”, “con” – “hơn”.

Câu 3 (trang 14, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Vẽ sơ đồ bố cục của bài thơ. Nét độc đáo của cách bố cục ấy là gì?

a. Bố cục của bài thơ:

- Khổ 1, 2: lời mẹ hát ru gắn với hình ảnh quê hương, đất nước.

- Khổ 3 – 7: hình ảnh mẹ từ lúc trẻ đến khi già được cảm nhận qua tình cảm của người con.

- Khổ 8: lời ru chắp cánh ước mơ, nâng bước con trưởng thành.

b. Nét độc đáo: gợi tả sự lớn dần của nhân vật con song hành với sự già đi của mẹ, cho thấy ý nghĩa của lời ru đối với cuộc đời của con.

Câu 4 (trang 14, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Chỉ ra nét đặc sắc trong các hình ảnh “Chòng chành nhịp võng ca dao và “Vầng trăng mẹ thời con gái/Vẫn còn thơm ngát hương cau”.

- “Chòng chành nhịp võng ca dao”: tả hình ảnh mẹ đưa võng ru con, gợi lên âm điệu thiết tha của những câu ca dao mẹ hát ru con ngủ.

- “Vầng trăng mẹ thời con gái/ Vẫn còn thơm ngát hương cau”: gợi tả vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng mà rạng rỡ của mẹ thời son trẻ.

Câu 5 (trang 14 sgk Ngữ văn lớp 8 Tập 1)

Em hình dung như thế nào về hình ảnh người mẹ được miêu tả từ khổ thơ thứ ba đến khổ thơ thứ bảy? Cách khắc họa hình ảnh người mẹ có gì độc đáo?

- Từ khổ thơ thứ ba đến khổ thơ thứ bảy, hình ảnh người mẹ hiện lên với vẻ đẹp thời con gái tựa như vầng trăng tròn lung linh, tươi sáng và sự tảo tần, chịu thương chịu khó, giã gạo nuôi con.

- Nét độc đáo trong khắc họa người mẹ: hình ảnh mẹ hòa lẫn với lời ru và song hành với tình cảm của con dành cho mẹ.

Câu 6 (trang 15 sgk Ngữ văn lớp 8 Tập 1)

Nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ và cho biết tác dụng của vần, nhịp, cách sử dụng hình ảnh trong việc thể hiện cảm hứng đó.

- Cảm hứng chủ đạo của bài thơ: những hi sinh của mẹ và những giá trị tốt đẹp mà mẹ mang đến cho con qua lời ru.

- Tác dụng của vần, nhịp, cách sử dụng hình ảnh:

+ Vần cách, ngắt nhịp 2/4: đều đặn, tạo âm điệu nhẹ nhàng cho bài thơ, gợi liên tưởng đến nhịp võng ru con.

+ Sử dụng hình ảnh giàu tính tạo hình, các từ tượng thanh, từ tượng hình và những từ ngữ thể hiện tình cảm trực tiếp.

⇒ Các yếu tố trên góp phần thể hiện chân thực, xúc động cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

Câu 7 (trang 15 sgk Ngữ văn lớp 8 Tập 1)

Theo em, nhan đề Trong lời mẹ hát có vai trò như thế nào trong việc thể hiện chủ đề của bài thơ?

- Chủ đề của bài thơ: những giá trị tốt đẹp mà mẹ truyền dạy cho con qua lời ru và tình cảm yêu thương, lòng biết ơn của con dành cho mẹ.

- Nhan đề: hàm súc, ấn tượng, nhấn mạnh vào hình ảnh trung tâm là “lời mẹ hát”. Từ đó, nhan đề góp phần thể hiện rõ chủ đề tác phẩm.

Câu 8 (trang 14 sgk Ngữ văn lớp 8 Tập 1)

Cách thể hiện hình ảnh người mẹ trong bài thơ này có gì khác với cách thể hiện hình ảnh người mẹ trong bài thơ khác mà em biết?

- Bài thơ này thể hiện tình yêu thương của con dành cho mẹ thông qua hình ảnh lời ru. Tất cả những kí ức về cuộc đời mẹ, sự gắn bó giữa con và mẹ đều được gửi gắm qua lời ru.

- Ta có thể so sánh bài thơ với bài "Mẹ" của Đỗ Trung Lai. Nếu bài "Mẹ" lấy hình ảnh cây cau- một vật hữu hình để ví với mẹ, thể hiện sự lớn khôn của con và già đi của mẹ thì bài thơ trên lại lấy lời ru - thứ vô hình, giá trị tinh thần để thể hiện tình cảm.

--------------------------------------------

Ngoài bài viết trên, mời bạn đọc truy cập vào Soạn Văn 8 Chân trời sáng tạoVăn mẫu lớp 8 trên VnDoc để đón đọc những tài liệu học tập mới nhất nhé. Chúc các bạn học tập thật tốt!

Đánh giá bài viết
11 2.736
Sắp xếp theo

    Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo

    Xem thêm