Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Cách mạng Công nghiệp 4.0 là gì?

Cách mạng Công nghiệp 4.0 là gì? được VnDoc sưu tầm và đăng tải. Industry 4.0 hay còn gọi là Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất hiện nay. Vẫn còn nhiều sự nhầm lẫn xung quanh Công nghiệp 4.0. Trong bài viết này, hãy cùng VnDoc khám phá các công nghệ chính đằng sau Cách mạng Công nghiệp 4.0, cũng như các ứng dụng của nó trong đời sống hiện tại..

Cách mạng Công nghiệp 4.0 là gì?

Trong những ngày qua, khái niệm "Cách mạng Công nghiệp 4.0" được nhắc đến nhiều trên truyền thông và mạng xã hội. Cùng với đó là những hứa hẹn về cuộc "đổi đời" của các doanh nghiệp tại Việt Nam nếu đón được làn sóng này. Vậy cuộc cách mạng này nên được hiểu như thế nào?

Định nghĩa về Cách mạng Công nghiệp 4.0

Theo Gartner, Cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư) xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013. "Industrie 4.0" kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp, Kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong.

Nếu định nghĩa từ Gartner còn khó hiểu, Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới mang đến cái nhìn đơn giản hơn về Cách mạng Công nghiệp 4.0 như sau:

"Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học".

Cách mạng Công nghiệp 4.0 là gì?

Theo ông Klaus Schwab, tốc độ đột phá của Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện "không có tiền lệ lịch sử". Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, 4.0 đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Hơn nữa, nó đang phá vỡ hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Và chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra như thế nào?

Nối tiếp từ định nghĩa của Klaus Schwab, Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý.

Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).

Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.

Cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.

Lợi ích của Công nghiệp 4.0?

Lợi ích chung chung

- Sản xuất nhanh hơn, tốn ít sức người hơn, dữ liệu thu thập đầy đủ hơn, quyết định được đưa ra nhanh chóng hơn.

- Con người sẽ được làm những việc vui vẻ hơn, hấp dẫn hơn, không bị nhàm chán. Những thứ này để máy làm.

- Trong những môi trường làm việc nguy hiểm, con người không phải xuất hiện nên giảm tỉ lệ tử vong, bệnh tật cho người lao động.

- Kiểm soát được món hàng từ nguyên vật liệu cho đến khi thành hình và chuyển đến tay người tiêu dùng

- Đảm bảo chất lượng đồng đều giữa các mẻ thành phẩm (vì máy làm tự động, không phải người làm)

- Khi có dữ liệu càng chi tiết và càng nhiều, các thuật toán machine learning lại càng chạy chính xác hơn để đưa ra những quyết định tốt hơn.

- Các công ty sẽ giảm chi phí, tăng thị phần, lợi nhuận.

Lợi ích với bản thân bạn

- Bạn phải làm ít việc tay chân hơn, có nhiều thời gian rảnh hơn để đi chơi với bạn bè, với con cái, gia đình

- Bạn sẽ được hưởng lương cao hơn nếu chất xám của bạn phát huy tác dụng để công ty dịch chuyển sang con đường Công nghiệp 4.0

- Sức khỏe của bạn trong môi trường làm việc được đảm bảo hơn, những cái nguy hiểm máy móc đã làm hết rồi, bạn chỉ giám sát thôi

- Bạn sẽ mua được những món đồ rẻ hơn (do doanh nghiệp giảm chi phí), chất lượng cao và đồng đều (do máy móc làm thì sẽ giống nhau, tỉ lệ sai sót, bảo hành thấp hơn là có con người can thiệp)

- Đồ ăn, đồ uống của bạn sẽ được kiểm soát chặt hơn, tốt hơn, sạch hơn

- Môi trường sống của bạn sẽ tốt hơn vì chất thải được kiểm soát tốt

Hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á. Bên cạnh những cơ hội mới, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt.

Cơ hội đi kèm thách thức và rủi ro toàn cầu

Mặt trái của Cách mạng Công nghiệp 4.0 là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng. Đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải.

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã đặt ra vấn đề này theo các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu tiên sẽ là thách thức với những lao động văn phòng, trí thức, lao động kỹ thuật. Giai đoạn tiếp theo sẽ là lao động giá rẻ, có thể sẽ chậm hơn. Với sự chuyển động của cuộc cách mạng này, trong khoảng 15 năm tới thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi các doanh nghiệp thay đổi.

Cách mạng Công nghiệp 4.0 là gì?

Sau đó, những bất ổn về kinh tế nảy sinh từ Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ dẫn đến những bất ổn về đời sống. Hệ lụy của nó sẽ là những bất ổn về chính trị. Nếu chính phủ các nước không hiểu rõ và chuẩn bị đầy đủ cho làn sóng công nghiệp 4.0, nguy cơ xảy ra bất ổn trên toàn cầu là hoàn toàn có thể.

Bên cạnh đó, những thay đổi về cách thức giao tiếp trên Internet cũng đặt con người vào nhiều nguy hiểm về tài chính, sức khoẻ. Thông tin cá nhân nếu không được bảo vệ một cách an toàn sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Cách mạng công nghiệp lần 4 mang đến cơ hội, và cũng đầy thách thức với nhân loại.

Việt Nam đang đón nhận xu hướng công nghiệp 4.0 như thế nào?

Ở Việt Nam, lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn thường xuyên có thông điệp yêu cầu thúc đẩy Cách mạng công nghiệp 4.0 trong các hội nghị, hội thảo, diễn đàn… Và đến tháng 5/2017 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Chỉ thị cụ thể số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho sự tăng tốc phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.

Nền công nghiệp 4.0 là xu thế công nghệ tất yếu mà Việt Nam phải hướng đến để theo kịp các nước phát triển trên thế giới với các công nghệ thông minh như: trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, tự động hoá, công nghệ in 3D và người máy,... “Không nằm ngoài guồng quay, các doanh nghiệp Việt Nam cần có một lộ trình cụ thể để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới trong cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Trong chương trình đào tạo “Giám đốc điều hành (CEO) - Quản trị điều hành cao cấp kỷ nguyên 4.0” cho 250 CEO doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội hồi tháng 10/2017 vừa qua, ông Trương Gia Bình cũng đã chia sẻ về thực tiễn tham gia cuộc cách mạng số của FPT trong những năm qua, đồng thời hé lộ và phân tích những kinh nghiệm thực tế đã giúp FPT trở thành đối tác của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất máy bay, năng lượng, ô tô…

Những doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT - VinaPhone hay MobiFone bên cạnh hứa hẹn về phát triển mạng 4G, 5G hay mạng cáp quang để làm nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì cũng đã có những cam kết phát triển đô thị thông minh ở các thành phố lớn của nước ta.

Trong khi đó trong Hội thảo Năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF tổ chức ngày 17/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu rõ ràng rằng do điều kiện lịch sử, Việt Nam đã “lỡ nhịp” cả ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây nhưng khẳng định “cơ hội của Việt Nam sẽ ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này là rất lớn”, phải chuẩn bị nghiêm túc, toàn diện, có trọng điểm để nắm bắt được cơ hội phát triển đất nước.

Tuy nhiên cũng sẽ có những vấn đề đặt ra với Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0 cần được các chuyên gia giúp Chính phủ làm rõ như: giảm bớt các xáo trộn, chuyển dịch lao động ở quy mô lớn khi các mô hình kinh doanh mới ra đời, xu hướng tự động hóa phát triển; đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, có khả năng thích ứng và năng lực đổi mới - sáng tạo; kiến tạo môi trường phát triển toàn diện, mang tính phổ cập giữa các vùng miền, để mọi người dân được hưởng lợi, không ai bị bỏ lại phía sau; nghĩa vụ tài chính, cạnh tranh công bằng giữa các loại hình kinh doanh cần phải kiểm soát tốt.

Như vậy qua bài Cách mạng Công nghiệp 4.0 là gì? được VnDoc chia sẻ trên đây giúp bạn đọc phần nào hiểu cách mạng công nghiệp 4.0 nó làm thay đổi cuộc sống con người như thế nào. Bài viết cho chúng ta thấy được khái niệm cách mạng công nghiệp, nguyên nhân ra đời của cách mạng công nghiệp, những thành tựu cũng như những hạn chế của cuộc cách mạng công nghiệp, những cuộc cách mạng trong lịch sử của nhân loại... VnDoc.com mời bạn đọc cùng tham khảo thêm mục hỏi đáp học tập để có thêm nhiều thông tin bổ ích hơn nhé.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Học tập

    Xem thêm