Cảm nhận khổ đầu bài thơ Từ ấy
ảm nhận khổ đầu bài thơ Từ ấy dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 11 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 11. Mời các em học sinh cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Nêu cảm nhận của em về bài thơ Từ ấy
I. Dàn ý cảm nhận khổ đầu tác phẩm Từ ấy
Dàn ý Cảm nhận khổ đầu bài thơ Từ ấy - Bài mẫu 1
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Tố Hữu, bài thơ Từ ấy và và khổ thơ đầu bài.
Lưu ý: học sinh lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.
2. Thân bài
Từ ấy: mốc thời gian đánh dấu cột mốc quan trọng của người chiến sĩ cách mạng khi được chính thức đứng trong hàng ngũ của Đảng, giác ngộ ra giá trị tốt đẹp.
Nắng hạ: hình ảnh tượng trưng cho những giá trị tốt đẹp, nghĩa cử cao cả của Đảng.
→ Câu thơ như một lời khoe, một lời báo hiệu về sự thay đổi to lớn, ý nghĩa của người chiến sĩ.
Mặt trời chân lí chói qua tim: người chiến sĩ được thổi hồn một cuộc sống mới, tươi đẹp hơn, mang trong mình những trọng trách lớn lao hơn, thể hiện sự hưng phấn, tràn đầy động lực, niềm tin, hi vọng về con đường này.
Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim: nhờ có Đảng mà cuộc sống của người chiến sĩ bừng sáng hơn, tốt đẹp hơn. Thể hiện niềm vui sướng tột cùng khi được đứng trong hàng ngũ danh dự của Đảng; chiến đấu vì mục tiêu và lí tưởng cao đẹp.
→ Lí tưởng sống, mục tiêu chiến đấu đã làm cho người chiến sĩ thêm yêu đời hơn, có động lực sống và cống hiến cho cách mạng, cho nước nhà. Đồng thời, thể hiện ý chí, lòng trung thành của người chiến sĩ khi được ánh sáng của nghĩa cử cao đẹp soi sáng.
3. Kết bài
Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật đoạn thơ cũng như của tác phẩm đồng thời liên hệ bản thân.
Dàn ý Cảm nhận khổ đầu bài thơ Từ ấy - Bài mẫu 2
I. Mở bài:
Giới thiệu khổ đầu của bài thơ Từ ấy - Tố Hữu: Khổ 1 của bài thơ thể hiện niềm vui sướng của tác giả khi gặp lí tưởng của Đảng.
II. Thân bài: Phân tích khổ đầu của bài thơ Từ ấy
1. Hai câu thơ đầu: Kể lại kỉ niệm không bao giờ quên
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim”
“từ ấy”: mốc thời gian mà tác giả bắt gặp lí tưởng cộng sản, kết nạp đảng
Nắng hạ, chân lí, mặt trời, chói qua tim: các hình ảnh ẩn dụ thể hiện nên nguồn sáng mới bừng tâm hồn tác giả
→ Tình cảm chân thành và tha thiết của tác giả đối với cách mạng
2. Hai câu thơ sau: Niềm vui sướng của nhà thơ
“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.”
Hai câu thơ thể hiện tài năng bút pháp trữ tình của tác giả
Sử dụng các hình ảnh vườn hoa, tiếng chim, để làm nổi bật hơn sự vui sướng
→ Khẳng định lí tưởng làm con người thêm yêu đời
III. Kết bài: Nêu cảm nhận của em về khổ đầu bài thơ Từ ấy
Khẳng định sự đúng đắn của lí tưởng Đảng mà tác giả nói riêng hay thanh niên Việt ta thời bấy giờ lựa chọn.
II. Văn mẫu cảm nhận khổ đầu bài Từ ấy
Cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy - Bài làm 1
Câu thơ đầu tiên được bắt đầu bằng cụm từ "từ ấy" thể hiện sự đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời của nhà thơ. Đây là thời điểm tác giả giác ngộ lý tưởng cách mạng, bắt gặp lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, được giác ngộ vào năm 1938 ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi tròn 18 tuổi, Đảng là tập thể bao gồm những thanh niên ưu tú nhất của cả nước, nguyện hy sinh và phấn đấu vì sự nghiệp của đất nước và nhân dân.
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim"
Bài thơ "từ ấy" thuộc phần "máu lửa" của tập thơ cùng tên, phần thơ ra đời trong không khí đầy sục sôi, đấu tranh giành độc lập, tự do của các dân tộc, nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lúc này nhà thơ cũng không hoạt động phong trào học sinh, sinh viên ở Huế. Bài thơ ra đời vào tháng 7 năm 1938 ghi lại những tâm tư, tình cảm của nhà thơ khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng đây là việc vô cùng thiêng liêng, sự kiện trọng đại của nhà thơ, đã mang đến cho Tố Hữu niềm xúc động mạnh mẽ.
Khổ thơ mở ra là những cảm nhận vẻ đẹp sâu sắc lý tưởng của cách mạng và tác giả đón nhận nó bằng một tâm hồn tươi trẻ, "từ ấy" ở nhan đề và được nhắc lại ngay câu mở đầu để tô đậm giây phút thiêng liêng, sự kiện trang trọng trong đời của Tố Hữu, là bước ngoặt lớn lao cho thanh niên tiểu tư sản trở thành một chiến sĩ cộng sản thay đổi về nhận thức, về lẽ sống. Hoàn cảnh ra đời của bài thơ khi đất nước đang còn trong cảnh chiến tranh, nhân dân lầm than, bị đô hộ, trước tình hình ấy nhiều thanh niên muốn giải cứu đất nước nhưng hầu như đều rơi vào cảnh bế tắc, bơ vơ, một cái tôi mặc cảm, đầu thai nhầm thời đại, dù rất uất hận, đau xót nhưng chưa đủ dũng khí để cầm súng, cầm gươm và rồi khi may mắn tìm được lẽ sống cho mình, cho quê hương ta thấy được sự hào hứng và niềm vui sướng vô bờ bến của nhà thơ, hòa vào cuộc đấu tranh sinh tử, nhiều gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi vinh quang. "Từ ấy" đã cho nhà thơ thấy cuộc sống ý nghĩa và giây phút thiêng liêng sự nghiệp một hồn thơ.
Trong niềm xúc động lớn lao, nhà thơ đã có nhận thức sâu sắc về vẻ đẹp của lý tưởng Đảng, Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời chỉ cho dân tộc con đường sống, đã có bao lời ca tiếng hát ca ngợi Đảng vinh quang, nhưng cách ca ngợi Đảng của Tố Hữu thật đặc sắc.
Dòng thơ thứ hai sử dụng nhiều âm điệu ở âm vực cao, phấn chấn như một tiếng reo, tiếp tục ca ngợi vẻ đẹp lý tưởng cách mạng, không chỉ là nguồn sáng chói mà là nguồn sống lớn lao, lý tưởng sống đúng đắn, cao cả. Khái niệm lý tưởng cách mạng một khái niệm chính trị trừu tượng đã được nhà thơ cụ thể hóa bằng hình ảnh ẩn dụ rất đỗi trữ tình. "Mặt trời chân lý", tiếp nối động từ "bừng" và từ "chói" ở câu hai để khẳng định lý tưởng cách mạng như nắng hạ chói lòa, như mặt trời vĩ đại, bất diệt đã tác động sâu sắc vào lý trí, tình cảm và thấm nhuần vào con tim, khối óc của nhà thơ và nhân dân những con người cần lao trong đêm trường nô lệ được ánh sáng cách mạng soi rọi, chỉ đường dẫn lối đến với hạnh phúc, ấm no, tương lai tươi sáng. Với cách diễn đạt vừa gợi hình vừa gợi cảm, tôn vinh lý tưởng cộng sản, giúp cho bao nhiêu người được sáng mắt, sáng lòng. Khẳng định bản chất cao đẹp của lý tưởng ấy là giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột, thống khổ, chỉ cho họ con đường sống ý nghĩa nhất.
Qua cách thể hiện sáng tạo, hai câu thơ còn mang hàm ý: với dân tộc Việt Nam, với tầng lớp trí thức, thanh niên trẻ những năm 30, 45. Lý tưởng cần thiết như mặt trời, tất yếu như chân lý. Hai câu thơ còn diễn tả sự phục sinh mạnh mẽ của một tâm hồn tươi trẻ khi được mặt trời lý tưởng soi rọi, chỉ lối, niềm vui tràn ngập trong lòng, người thanh niên yêu nước đã cất thành tiếng hát sôi nổi, náo nức, say mê:
"Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim"
Với phép so sánh độc đáo, đầy thi vị nhà thơ đã làm cho thế giới tinh thần, hồn thơ tươi trẻ tràn đầy nhiệt huyết, yêu đời, yêu cuộc sống "hồn tôi là một vườn hoa lá" từ hình tượng vô hình thành hữu hình. Ánh sáng chói lọi của lý tưởng, nguồn sống mãnh liệt của mặt trời cách mạng tác động vào tâm hồn nhà thơ, tạo ra sự biến đổi sâu sắc. Trước khi bắt gặp lý tưởng cách mạng, người thanh niên trí thức trẻ này sống một cách buồn bã, ảm đạm, lụi tàn như mảnh vườn trong mùa đông giá lạnh nhưng sau khi được gặp và giác ngộ được lý tưởng cách mạng cuộc sống lẫn tâm hồn của nhà thơ như một mảnh hồn thơ đầy hương sắc giữa mùa xuân, mang đến nguồn sinh lực dồi dào cho biết bao tâm hồn trẻ trung, nhiệt huyết. Cuộc sống của họ có lý tưởng thật âm sắc, đượm hương. Nhịp thơ sôi nổi cùng với hai tính từ "đậm", "rộn" được dùng thật thẩm mỹ, đặc biệt với lối vắt dòng đặc sắc, hai câu thơ của Tố Hữu diễn tả chân thực, tinh tế bao cảm xúc dâng trào, niềm vui, niềm hạnh phúc vô hạn trong buổi đầu gặp gỡ lý tưởng. Có thể nói mặt trời chân lý đã xua tan những bóng đêm u ám, mở ra một tương lai tươi sáng, vẫy gọi bao tâm hồn hăm hở bước vào đời với tất cả niềm tin yêu, hy vong. Với nhà thơ đâu phải chuyện của nhận thức, của lý trí mà còn là chuyện của tình cảm, trái tim nên có sức sống cuốn hút khiến cho những thanh niên trí thức trẻ như Tố Hữu khiến cho tất cả dân tộc Việt Nam nguyện suốt đời theo Đảng.
Khổ thơ vừa hay về nội dung và đẹp về hình thức, ngôn ngữ, hình ảnh thơ sáng tạo đẹp đẽ, cảm xúc thơ chân thành mãnh liệt là sự ngợi ca lý tưởng cách mạng, ngợi ca Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh. Qua đoạn thơ nhà thơ đã giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về lý tưởng cách mạng chính là lẽ sống, con đường sống đúng đắn của cả dân tộc tộc, khổ thơ như khúc hát của một trái tim mà cũng là khúc hát say mê của triệu triệu trái tim hướng về Đảng, hướng về cách mạng
Cảm nhận về khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy - Bài làm 2
Người con của xứ Huế mộng mơ, người chiến sĩ cách mạng, và cũng là cây bút thơ ca Cách Mạng tiêu biểu – Tố Hữu. Từ khi còn trẻ- 18 tuổi, ông đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong nhiệt huyết tuổi trẻ, hạnh phúc trào dâng, niềm tin mãnh liệt vào Đảng, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ "Từ ấy" để thể hiện cảm xúc của mình. Khổ thơ đầu bài "Từ ấy" là khúc dạo đầu của dòng mạch cảm xúc ấy.
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi như một vườn hoa lá
Rất đậm hương và đậm tiếng chim"
Trước hết cảm nhận về hai chữ "Từ ấy". "Từ ấy" ở đầu đoạn thơ được lặp lại từ tên bài thơ. "Từ ấy" mà tác giả nhắc tới là một mốc thời gian vô cùng quan trọng. Đó là những ngày của năm 1938, tháng ngày đất nước ta đang gồng mình chống giặc ngoại xâm, khi đó Đảng được thành lập. 18 tuổi-mốc thời gian đáng nhớ của tác giả, khi ấy tác giả được vinh dự đứng trong hàng ngũ Cách Mạng Đảng. "Từ ấy" của tác giả là cột mốc thời gian tự hào của chàng thanh niên trẻ tuổi hạnh phúc, vinh dự khi được gia nhập Đảng Cộng Sản.
"Bừng nắng hạ", ba chữ vang lên mà làm sáng bừng cả câu thơ. Với Tố Hữu được tham gia vào đội ngũ Đảng là một niềm hạnh phúc, một điều tự hào trân trọng. Tác giả nói "bừng nắng hạ", không phải nắng xuân nhàn nhạt, không phải nắng đông lạnh lẽo cũng chẳng phải nắng thu dịu dàng mà là cái nắng hè chói chang rực rỡ nhất. "Bừng nắng hạ" vì nắng mùa hè đẹp nhất, sáng nhất làm tỏ rực một trái tim nhiệt huyết.
Hình ảnh "mặt trời chân lí" tiêu biểu và đặc sắc. Đó là hình ảnh ẩn dụ về lí tưởng cách mạng. "Chân lý" là những đường hướng, lí tưởng của Đảng Cộng Sản vạch ra cho Cách Mạng, đứng đầu là Hồ Chủ tịch đáng kính hay nói một cách khái quát, chân lý là đường hướng của Mác – Lênin mà Bác Hồ học được, áp dụng cho Cách Mạng của ta. Ví "chân lý" với "mặt trời" bởi không có gì rực rỡ, không có gì sáng đẹp hơn mặt trời. Mặt trời biểu tượng cho chân trời mới, cho tương lai sáng ngời. Chữ "chói" nhấn mạnh ánh sáng của chân lý đã soi rọi, chiếu thẳng vào trái tim của chàng trai nhiệt huyết tình yêu Cách Mạng.
Hai câu thơ đầu với lối nói ẩn dụ, hình ảnh đã nhấn mạnh tình yêu cách mạng, niềm tin vào Đảng của chàng thanh niên. Chàng trai ấy nhận ra bóng tối của những đêm đen thực dân đàn áp nhờ ánh sáng Cách Mạng, nhờ ánh sáng của Đảng đã được xoá tan. Đọc hai câu thơ mà lòng ta cũng hừng hực một tinh thần, niềm tin vào Đảng Cộng sản với những đường lối Cách Mạng đúng đắn.
Hai câu thơ tiếp theo tiếp tục diễn tả cảm xúc dào dạt của người thanh niên khi được ánh sáng Đảng giác ngộ:
"Hồn tôi như một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim"
Câu thơ giàu hình ảnh và thật bay bổng lãng mạn. Tố Hữu ví hồn mình với "vườn hoa lá" Cách so sánh đậm lãng mạn, yêu đời. Ánh sáng của Đảng đã khiến tâm hồn người chiến sĩ ngập sắc hương thơm và rộn ràng tiếng chim hót líu lo. Đảng đã đem đến cho người thanh niên trẻ tuổi tình yêu với cuộc sống, yêu Cách Mạng và tin tưởng vào Cách Mạng. Không còn là những xúc buồn bã như thơ ca xưa, thơ ca Cách Mạng tiêu biểu là thơ của Tố Hữu mang cái tình vui vẻ, mang cái hồn nhiệt huyết sục sôi ý chí.
Khổ thơ đầu bài "Từ ấy" vang lên tiếng cảm xúc dạt dào, hạnh phúc tột cùng của chàng thanh niên trẻ khi lần đầu tiên được ánh sáng Đảng soi chiếu, chỉ đường vạch lối. Chỉ một khổ đầu mà tác động sâu sắc đến tâm trí người đọc về ý chí Cách Mạng, về tình yêu nước, về tinh thần chống giặc của thanh niên trẻ Việt Nam.
Cảm nhận về khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy - Bài làm 3
Đến với khổ thơ mở đầu, ta bắt gặp cảm xúc vui sướng, hạnh phúc, say mê của hồn thơ Tố Hữu khi lần đầu tiên bắt gặp ánh sáng lý tưởng cách mạng. Một nguồn cảm xúc thiêng liêng và chân thành xuất phát từ chính trái tim của nhà thơ. Đây cũng là xúc cảm tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu.
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.."
Ngay từ câu thơ mở đầu đã bắt gặp hình ảnh "Từ ấy" đã đem lại sự ấn tượng và khẳng định một lần nữa khoảng thời gian mà nhà thơ bắt gặp ánh sáng lý tưởng. Nói lên cảm xúc của mình trước những giây phút thiêng liêng như thế, nhà thơ sử dụng các thủ pháp nghệ thuật: so sánh, ẩn dụ và nhân ho hình ảnh "nắng hạ" cho ta thấy được một cái ánh nắng chói chang gay gắt của buổi trưa hè. Khác với nhiều nhà thơ khác luôn tìm đến ánh trăng, tới cái ánh nắng của buổi chiều sa thì Tố Hữu tìm đến cái nắng của mùa hạ. Đúng vậy, cũng chỉ có ánh nắng ấy mới toả được sự chói chang rực rỡ của lí tưởng cách mạng, mới diễn tả được hết sự sửng sốt và choáng váng của nhà thơ khi đứng trước cái lý tưởng rực rỡ như thế. Soi tỏ vào bài thơ này ta mới thấy hết được nguồn cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước ánh sáng huy hoàng của chân lý.
"Đời đen tối ta phải tìm ánh sáng
Ta đi tới chỉ một đường cách mạng"
Và dường như như thế chưa đủ để nói lên sự tỏa sáng của "lí tưởng cách mạng" nhà thơ lại tìm đến hình ảnh "Mặt trời chân lý", đó chính là biểu tượng cho lý tưởng mà nhà thơ theo đuổi. Hình ảnh mặt trời biểu hiện cho sự ấm nóng, rực rỡ và là nguồn sáng bất diệt. Đúng vậy, lí tưởng ấy đâu phải chỉ tỏa sáng trong phút chốc mà sẽ tỏa sáng bất diệt, là nguồn sáng vĩnh cửu, không gì có thể dập tắt nổi. Tố Hữu gọi lí tưởng cách mạng là mặt trời chân lí bởi đó chính là nguồn sáng dẫn đường cho cuộc đời đã từng tối tăm, mù mịt của nhà thơ khi "băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời"... Mặt trời chân lý ấy "chói" qua tim người nghệ sĩ. Hhình ảnh trái tim là nơi chứa đựng biết bao tình cảm, cảm xúc, là nơi kết hợp giữa tâm lí và ý thức trí tuệ "mặt trời chân lí chói qua tim giống như xuyên rọi qua tất cả những tình cảm, lý tưởng của nhà thơ và cũng chỉ khi được ánh sáng ấy chiếu rọi nhà thơ mới thực sự hành động đúng, mới cảm thấy được ý nghĩa của cuộc sống mình.
Chính ánh sáng chói chang rực rỡ ấy đã làm thay đổi cuộc đời, thay đổi cả tình cảm của nhà thơ:
"Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.."
Khác hẳn với hồn thơ khi nhà thơ còn chưa bắt gặp ánh sáng lý tưởng, hồn thơ của Tố Hữu bây giờ rạo rực, vui sướng đến nỗi được so sánh với hình ảnh "vườn hoa" -vườn hoa đầy đủ sắc màu, tràn ngập những âm thanh của tiếng chim, mùi hương của hoa lá... Đúng vậy, tâm trạng của nhà thơ đang tràn ngập rất nhiều cảm xúc; có cái ngất ngây, say mê trước "hương thơm" của lí tưởng cách mạng, có cái rộn ràng, rạo rực vui sướng như tiếng chim kia.... Nhà thơ sử dụng các động từ mạnh, cũng các thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ so sánh và đặc biệt là lối vắt dòng từ câu thứ ba xuống câu thứ tư đã góp phần lớn trong việc biểu hiện cảm xúc của mình.
"Từ ấy" đã nói một cách thật tự nhiên nhuần nhụy về lí tưởng, về chính trị và thật sự là tiếng hát của một thanh niên, một người cộng sản chân chính luôn tuôn trào trong mình mạch nguồn của lí tưởng cách mạng.
Cảm nhận về khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy - Bài làm 4
Đọc những vần thơ, những bài thơ của Tố Hữu, chúng ta như cảm nhận được một tâm hồn thơ dạt dào cảm xúc, một trái tim nhân hậu, một tấm lòng trung trinh với Đảng, với Tổ Quốc, với nhân dân và tình cảm gắn bó thân thiết keo sơn với đồng bào, đồng chí.
“Dù ai thay ngựa giữa dòng
Đời ta vẫn ngọn cờ hồng cứ đi
Vẫn là ta đó những khi
Đầu voi ra trận cứu nguy giống nòi”
Bao trùm lên toàn bộ sáng tác thơ của Tố Hữu là vì lý tưởng cách mạng, vì cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân, vì lương tâm, chính nghĩa, công lý và lẽ phải trên đời.. Và một trong những giá trị tiêu biểu của thơ Tố Hữu là tính hướng thiện được biểu lộ vừa thầm kín, tinh tế, vừa sâu sắc, đậm đà qua các tập thơ nổi tiếng: Từ ấy, Việt Bắc, Ra trận, Gió lộng,…
Bài thơ “Từ ấy” được Tố Hữu sáng tác vào tháng 7/1938; nhan đề bài thơ trở thành tên tập thơ đầu của ông. Có thể nói “ Từ ấy” là tiếng hát của người thanh niên yêu nước Việt Nam giác ngộ lí tưởng Mác Lê Nin trong ngày hội lớn của cách mạng:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim
“Từ ấy” là một thời điểm lịch sử đã trực tiếp tác động đến cuộc đời nhà thơ khi được giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lênin, một kỷ niệm sâu sắc của người thanh niên yêu nước bắt gặp lí tưởng cách mạng. Trong buổi ban đầu ấy, những người thanh niên như Tố Hữu dù có nhiệt huyết nhưng vấn chưa tìm được đường đi trong kiếp sống nô lệ, họ bị ngột thở dưới ách thống trị của thực dân phong kiến “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”. Chính trong hoàn cảnh đó lí tưởng cộng sản như nắng hạ, như mặt trời xua tan đi những u ám, buồn đau, quét sạch mây mù và đen tối hướng đến cho thanh niên một lẽ sống cao đẹp vì một tương lai tươi sáng của dân tộc.
Người thanh niên học sinh Tố Hữu đã đón nhận lí tưởng ấy không chỉ bằng khối óc mà bằng cả con tim, không chỉ bằng nhận thức lí trí mà xuất phát từ tình cảm:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim”
Từ ấy đã làm cho tâm hồn Tố Hữu“ bừng nắng hạ” đó là một luồng ánh sáng mạnh mẽ, rực rỡ của nắng vàng chứa chan hạnh phúc ấm no. Soi tỏ vào những bài thơ sau này ta mới thấy hết được niềm vui sướng của Tố Hữu trước ánh sáng huy hoàng của chân lí.
“Đời đen tối ta phải tìm ánh sáng
Ta đi tới chỉ một đường cách mạng”
Và đó mới là bản chất của lí tưởng cộng sản đã làm người thanh niên 18 tuổi ấy say mê, ngây ngất trước một điều kì diệu:
“Mặt trời chân lí chói qua tim”
Mặt trời chân lí là một hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho lí tưởng của Đảng, của cách mạng, mặt trời của chủ nghĩa xã hội. Tố Hữu với tấm lòng nhiệt thành của mình đã tự hào đón lấy ánh sáng của mặt trời, sẵn sàng hành động cho lí tưởng cách mạng cao đẹp. Bởi lí tưởng đã “chói” vào tim- chính là nơi kết tụ của tình cảm, là nơi kết hợp hài hòa giữa tâm lí và ý thức trí tuệ chỉ thực sự hành động đúng khi có lí tưởng cách mạng, khi có ánh sáng rực rỡ của mặt trời chân lí chiếu vào.
Lý tưởng Cách mạng đã làm thay đổi hẳn một con người, một cuộc đời. So sánh để khẳng định một sự biến đổi kì diệu mà lí tưởng Cách mạng đem lại:
Hồn tôi là một vườn hoa lá,
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.
Cái giọng điệu rất tỉnh và rất say rạo rực và ngọt lịm hồn ta chủ yếu là cái say người và lịm ngọt của lí tưởng, của niềm hạnh phúc mà lí tưởng đem lại :“hồn” người đã trở thành “vườn hoa”, một vườn xuân đẹp ngào ngạt hương sắc, rộn ràng tiếng chim hót. Ở đây hiện thực và lãng mạn đã hòa quyện vào nhau tạo nên cái gợi cảm, cái sức sống cho câu thơ.
Cảm nhận về khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy - Bài làm 5
Viết về lí tưởng cách mạng, bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu đã trở thành câu ca, tiếng hát của hàng triệu con người hơn nửa thế kỉ nay. Giọng thơ sôi nổi, say mê, trẻ trung và yêu đời tiêu biểu cho hồn thơ Tố Hữu. “Từ ấy" là tiếng hát của người thanh niên cộng sản thể hiện một tình yêu lớn: yêu lí tưởng cách mạng và yêu giai cấp cần lao. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn, gồm có 3 khổ thơ mỗi khổ 4 câu. Dưới đây là cảm nghĩ về khổ đầu ca ngợi lí tưởng và nói lên tình yêu lí tưởng cách mạng:
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
Nhà thơ là đứa con của "Huế đẹp và thơ". Ông sinh ra và lớn lên trong đêm trường nô lệ "Nước mất nhà tan, đời khổ thế!". Trưởng thành trong phong trào yêu nước của thanh niên học sinh, nhà thơ nhiệt thành đi tìm đường cứu nước: "Con lớn lên con tìm Cách mạng". Và trong đêm dày nô lệ, nhà thơ cảm thấy tâm hồn "bừng nắng hạ" kể từ ấy:
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim".
"Từ ấy" là thời điểm (1938) nhà thơ được giác ngộ cách mạng, bắt gặp lí tưởng cộng sản chủ nghĩa. "Mặt trời chân lí" là hình ảnh ẩn dụ về lí tưởng cách mạng, về chủ nghĩa Mác – Lênin. Chữ "chói" (chói qua tim) nghĩa là chói lọi, soi vào, chiếu vào. Ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin vô cùng chói lọi đã chiếu vào, soi vào trái tim – tâm hồn yêu nước của nhà thơ trẻ.
Bóng tối đêm dày nô lệ như bị xua tan, người chiến sĩ cách mạng cảm thấy cuộc đời mình, con đường mình hướng tới “bừng nắng hạ". Đây là hai câu thơ đẹp nhất của Tố Hữu viết về lí tưởng cách mạng. Ngôn từ (bừng, chói), hình ảnh (mặt trời chân lí) rất hay, rất sáng tạo. Lúc nào đọc, ta vẫn cảm thấy mới mẻ, vần thơ tràn ngập ánh sáng và niềm tin.
Hai câu thơ 3, 4 tiếp theo nói về "hồn tôi" từ thuở ấy, từ khi "bừng nắng hạ":
"Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim".
Nhà thơ sử dụng một so sánh đặc biệt: "Hồn tôi là một vườn hoa lá"… Ngôi vườn ấy xanh màu xanh của lá, rực rỡ của sắc hoa, "rất đậm hương" ngào ngạt. Ngôi vườn đẹp tươi ấy "rộn tiếng chim" hót nghe rất vui. Các từ gợi tả: "đậm", "rộn" thể hiện sức sống và vẻ đẹp của vườn hoa lá, của "hồn tôi" từ khi có chủ nghĩa Mác – Lênin, có "Mặt trời chân lí chói qua tim". Hai câu thơ nói lên tác dụng kì diệu của lí tưởng cách mạng qua một không gian nghệ thuật kì diệu nên thơ.
Tố Hữu yêu nước, yêu chủ nghĩa Mác – Lênin mới có cách nói hay, rất hình tượng về lí tưởng cách mạng. "Mặt trời chân lí" và "vườn hoa lá…" là hai hình tượng rất đẹp, rất thơ. Các từ ngữ: "từ ấy", "bừng". "chói", "đậm", "rộn" – được.
Cảm nhận về khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy - Bài làm 6
Mỗi con người luôn có một niềm tin, chân lý định hướng họ trong cuộc sống và Tố Hữu cũng vậy, niềm tin của ông là cách mạng, chân lý của ông là Đảng Cộng Sản Việt Nam, tư tưởng của ông là chủ nghĩa Mác- chủ nghĩa giải phóng con người, những niềm tin và lý tưởng đã thắm sâu vào máu thịt của nhà thơ và thể hiện rõ nhất là trong phong cách thơ, văn của ông.
Tiêu biểu là bài thơ " Từ ấy" đã thể hiện phần nào lý tưởng, niềm tin, chân lý của một con người giàu chất thơ như ông, và cảm nhận khổ một bài Từ ấy chính là tâm hồn của một con người vừa xác định chân lý, niềm tin của cuộc đời khi cảnh nước nhà đang chìm vào bóng tối của sự xâm lược tàn ác: " Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chói qua tim".
"Từ ấy" là từ khi tác giả đứng vào hàng ngũ đảng viên- hàng ngũ những người chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp, và cũng từ khi đó nhà thơ cảm thấy " trong tôi bừng nắng hạ" ánh sáng dịu ấm áp, dịu nhẹ, tươi sáng đang tỏa sáng trong con người của ông, làm cho ông bừng tỉnh khỏi bóng tối dày đặc của đất nước buổi bấy giờ.
Và cũng từ ấy ông cảm thấy như " Mặt trời chân lý chói qua tim", mặt trời tượng trưng cho ánh sáng, sự sống, " chân lý" hướng người ta đến sự đúng đắn, cao đẹp, đó là thứ ánh sáng chính nghĩa cao đẹp đã chiếu vào tâm hồn đang chìm ngập trong bóng tối và nỗi đau xót, bất lực trước cảnh nước nhà đã làm ông bừng lên sức sống, tin vào tương lai rồi sẽ tươi đẹp, và cũng từ ấy tâm hồn ông cảm thấy yêu đời và thiên nhiên hơn "hồn tôi là một vườn hoa lá, rất đậm hương và rộn tiếng chim".
Yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên đã làm ông tinh tế hơn, ông cảm thấy tâm hồn mình như được gội rửa bởi cảnh đẹp của thiên nhiên, màu sắc của hoa, màu xanh của lá, mùi hương dịu nhẹ của thiên nhiên, tiếng chim ríu rít đang hát ca, tất cả những thứ đó nói lên tâm hồn đang rạo rực niềm vui của nhà thơ, một tâm hồn rộng mở đón chào sự kì diệu của tương lai, một con người tràn ngập lý tưởng và tin tưởng vào cách mạng sẽ thành công. Ý chí cách mạng đầy tự tin của ông xứng đáng cho thanh niên tuổi trẻ hiện nay noi theo chỉ qua những cảm nhận khổ đầu bài thơ Từ ấy.
Cảm nhận về khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy - Bài làm 7
Tố Hữu (1920 – 2002) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê ở làm Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tháng 7 năm 1938, chàng trai Nguyễn Kim Thành đã chính thức trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản khi mới 18 tuổi. Đồng thời sự nghiệp thơ ca cách mạng của Tố Hữu cũng bắt đầu từ đó. Mốc lịch sử quan trọng này cùng niềm vui sướng, hào hứng buổi đầu được đứng trong hàng ngũ của Đảng, Tố Hữu đã viết “Từ ấy”. Bài thơ là lời tâm nguyện của người thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng cộng sản. Ánh sáng chân lí đã soi rọi, người thanh niên đã giác ngộ rõ con đường cách mạng cùng sự nghiệp giải phóng dân tộc vĩ đại. Niềm vui sướng và say mê mãnh liệt được thể hiện rõ ràng trong khổ đầu bài thơ:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”
Trước khi biết đến với lí tưởng vĩ đại của Đảng cộng sản, cuộc sống của đa số thanh niên Việt yêu nước đều chìm đắm trong tăm tối như một đêm đông kéo dài vô tận. Có người nói rằng, “con người ta sẽ không khổ nếu người ta không biết mình đang khổ”, với những người an phận thủ thường, cam chịu kiếp nô lệ thì việc đấu tranh giải phóng mình họ còn không màng tới huống hồ là sự nghiệp cứu nước. Ngược lại, với những người ý thức được hoàn cảnh thực tại và khao khát được thay đổi số phận mình lại cảm thấy ngột ngạt và bí bách; Tố Hữu là một trong những thanh niên như vậy. Sự bất lực khi bản thân mình có tài sức mà không có cơ hội được đem nhiệt huyết hừng hực ấy sống mãi với giặc. Nếu như không có lí tưởng của Đảng dẫn đường, có lẽ là một người có cá tính rất mạnh mẽ như Tố Hữu sẽ phản kháng với số phận bằng con đường cực đoan, chìm đắm trong men rượu lậu và khói thuốc phiện mà bỏ quên sự đời. Chắc hẳn hơn một lần chàng trai trẻ phải ngao ngán than thở bởi con đường phía trước mịt mờ, vô định quá: “Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước. - Chọn một dòng hay để nước cuốn trôi?” Thật may là lí tưởng của Đảng đã đem đến ánh sáng cho cuộc đời Tố Hữu.
Ngay trong câu đầu tiên, độc giả bắt gặp hình ảnh ẩn dụ độc đáo và đầy ý nghĩa: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”. Đó chính là khoảnh khắc người thanh niên giác ngộ lí tưởng cách mạng và tình nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng. “Nắng hạ” kết hợp với động từ “bừng” làm cho câu thơ tràn ngập ánh sáng và gợi mở ra nhiều tầng ý nghĩa. Tác giả chọn “nắng hạ”, thứ ánh sáng xuất hiện mãnh liệt nhất trong năm để thể hiện niềm hân hoan mạnh mẽ và lòng nhiệt huyết căng tràn. Nắng hạ bừng sáng là chân lí sáng soi sau một thời gian đông dài u tối, bế tắc không lối thoát rồi đến tiết xuân là khi những cơ sở tiền đề, định hướng tương lai được nảy nở, ấp ủ. Những dự định tiềm tàng bấy lâu như trăm nụ hoa ngủ dài, bắt gặp ánh sáng mãnh liệt kia bừng tỉnh giấc, tỏa ngát hương sắc cho đời.
Tố Hữu so sánh lí tưởng cách mạng với hình tượng tuyệt đẹp: “mặt trời chân lí”. Hình tượng này rất logic với tứ thơ câu trên. Thật vậy, ánh sáng mạnh mẽ, mãnh liệt nhất có lẽ chỉ có mặt trời mới tạo ra được, cũng ánh sáng như mặt trời, chân lí cách mạng đã dẫn dắt con người bế tắc đến tương lai tươi sáng. Từ hình ảnh so sánh này, ta càng thêm ý thức được sự quyết định sống còn của lí tưởng cách mạng với con người làm cách mạng. Sự quan trọng của lí tưởng cách mạng cũng giống như mặt trời với muôn loài trên hành tinh vậy. Nhưng cái hay của câu thơ thứ hai không chỉ có bấy nhiêu, ảnh hưởng của “mặt trời chân lí” còn trực tiếp tác động đến tình cảm của nhà thơ: “chói qua tim”. Như vậy, Đảng Cộng sản đã tác động con người từ lí trí đến tình cảm, mà như người Việt ta có câu: “Thấu tình đạt lí”.
Hai câu thơ tiếp theo đem lại cảm giác thỏa mãn giác quan cho người đọc:
“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”
Câu thơ thật bay bổng và lãng mạn, diễn đạt trọn vẹn niềm vui sướng tột độ của một thanh niên tràn đầy nhiệt huyết khi bắt gặp chân lí, tìm ra con đường lí tưởng của cuộc đời. Đó là gắn trọn cuộc đời với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng đất nước vĩ đại của dân tộc: “Ta sẵn sàng xé trái tim ta - Cho Tổ quốc, và cho Tất cả”. Những từ ngữ được tác giả sử dụng rất đắt ý và có hiệu quả cao trong việc khơi gợi cảm xúc. Tố Hữu so sánh cái vô hình là “hồn tôi” với cái hữu hình “vườn hoa lá” làm cho câu chữ bay bổng hơn, lãng mạn hơn. Cái “vườn hoa lá” của Tố Hữu khi được “mặt trời chân lí” làm cho “bừng” sáng đã ngập tràn sắc hương và âm thanh tươi mới của cuộc đời. Quả thật trong lòng có nắng, con mắt nhìn đâu cũng thấy sáng bừng… Chàng thanh niên Tố Hữu lúc này đối lập hoàn toàn với chính Tố Hữu trước khi đến với chân lí:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ…”
(“Truyện Kiều”, Nguyễn Du).
Khổ đầu bài thơ là tiếng hát dạo đầu thể hiện niềm vui sướng tột độ của người con đất Việt gặp được chân lí, tìm được con đường lí tưởng của đời mình. Đặt trong bối cảnh nước nhà bấy giờ, có một bộ phận thanh niên chán ngán xã hội đương thời, tù túng với cuộc sống thực tại mà không tìm được con đường đi đúng đắn, họ chìm đắm trong thuốc phiện và rượu cồn, từng bước từng bước hủy hoại bản thân cả về thể lực lẫn lí trí thì “Từ ấy” như một lời tuyên ngôn của bản thân Tố Hữu. Nó tác động sâu sắc đến tư tưởng và tình cảm của độc giả. Chiến tranh đã lùi vào quá khứ song mỗi khi “Từ ấy” vang lên, mỗi người trẻ hôm nay đều có những cảm xúc tích cực và quyết tâm tu thân, rèn luyện, bảo vệ Tổ quốc.
Cảm nhận về khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy - Bài làm 8
Tố Hữu là cây bút tiêu biểu của văn học Cách mạng Việt Nam. Thơ của ông là tiếng lòng của một tâm hồn nhạy cảm, dạt dào cảm xúc, một trái tim nhân hậu, trung thành với Đảng, với Tổ Quốc, với nhân dân và lý tưởng sống, chiến đấu cao đẹp. Điều này được thể hiện vô cùng sâu sắc qua bài thơ "Từ ấy". Trong bài thơ, Tố Hữu đã gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả bởi niềm hân hoan, vui sướng được bước chân vào hàng ngũ của Đảng với lòng yêu nước, yêu cách mạng tha thiết, bộc lộ qua khổ thơ mở đầu:
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim"
Ra đời trong hoàn cảnh lịch sử quan trọng với bầu không khí máu lửa sục sôi của phong trào đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc, "Từ ấy" là tác phẩm tiêu biểu trích trong phần "máu lửa" của tập thơ cùng tên. Nó giống như trang nhật ký ghi lại toàn bộ tâm tư, cảm xúc của người thanh niên 18 tuổi được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Mở đầu khổ thơ, nhà thơ nhấn mạnh một dấu mốc vô cùng quan trọng trong cuộc đời cách mạng bản thân với tâm thế hân hoan, đầy phấn khởi:
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim"
Khổ thơ bắt đầu bằng trạng ngữ chỉ thời gian "từ ấy". Nó không chỉ đánh dấu sự kiện quan trọng, thiêng liêng trong cuộc đời Tố Hữu mà còn được chọn làm nhan đề cho tác phẩm và cả tập thơ đầu tay của ông. Từ đó, chúng ta có thể cảm nhận được dấu mốc ấy có ý nghĩa lớn lao như thế nào với nhà thơ. "Từ ấy" chính là mốc son đầu tiên, mốc son chói lọi mở ra bước ngoặt huy hoàng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tố Hữu - bước ngoặt lớn lao thay đổi nhận thức, lẽ sống và khiến cho thanh niên tiểu tư sản trở thành một chiến sĩ cộng sản.
Thoát khỏi những quẩn quanh trong đớn đau mất nước, trong bất lực trước thời cuộc, nhà thơ đã may mắn tìm được lẽ sống cho mình, hào hứng và vui sướng vô hòa mình vào cuộc đấu tranh nhiều gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi vinh quang của lịch sử. Trong niềm xúc động mạnh mẽ, Tố Hữu đã nhận ra vẻ đẹp lý tưởng thiêng liêng của Đảng. Tình cảm này được diễn tả bằng các hình ảnh ẩn dụ đặc sắc.
Trước tiên là hình ảnh "bừng nắng hạ". Nắng hạ trong tự nhiên là ánh nắng mùa hè, không dịu dàng như mùa xuân, không yên ả như nắng mùa thu, càng không yếu ớt như nắng mùa đông. Nó rực rỡ và tràn đầy sức sống, mang đến cảm giác tràn trề sinh lực, vô cùng mạnh mẽ. Nó giống như niềm hạnh phúc, sung sướng mãnh liệt đang dâng trào trong huyết quản người thanh niên 18 tuổi khi được kết nạp Đảng.
Niềm vui sướng ấy đặc biệt được thể hiện sâu sắc hơn qua hình ảnh mới lạ đầy sáng tạo "Mặt trời chân lý". Mặt trời của thiên nhiên tạo hóa tỏa ánh sáng duy trì sự sống, còn "mặt trời chân lý" ở đây là hình ảnh ẩn dụ, là nguồn lan tỏa ánh sáng rực rỡ, chói lọi của Đảng, của Cách mạng. Nó chính là chân lý đúng đắn, sánh ngang cùng với mặt trời, đang xuyên thấu mọi ngóc ngách trong tâm hồn của nhà thơ.
Cặp hình ảnh ẩn dụ "nắng hạ" và "mặt trời chân lý" liên kết hài hòa với nhau, gợi mở một nguồn sáng tốt lành, giúp tác giả khẳng định lý tưởng cách mạng với sức mạnh thức tỉnh lý trí. Đồng thời, kết hợp cùng các động từ mạnh như "bừng", "chói" vừa thể hiện nguồn sáng mạnh vừa thể hiện sức lan tỏa mãnh liệt chạm đến cả trái tim con người. Tìm thấy lý tưởng sống, chiến đấu, niềm vui sướng trong nhà thơ trào dâng vô cùng mãnh liệt:
"Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim"
Hai câu thơ với bút pháp trữ tình đã trực tiếp diễn tả niềm hạnh phúc vô bờ đang chan chứa trong tâm hồn của thi sĩ. Hình ảnh so sánh "Hồn tôi là một vườn hoa lá" như mở rộng không gian để ý thơ lan tràn, làm cho hồn thơ trở nên tươi trẻ tràn đầy nhiệt huyết. Ánh sáng chói lọi của lý tưởng cách mạng đã tác động vào nhận thức và suy nghĩ của nhà thơ, tạo ra sự biến đổi sâu sắc.
Trước đó, người thanh niên trí thức luôn sống trong u buồn, ảm đạm giữa thời cuộc như khu vườn dần lụi tàn sức sống. Sau khi giác ngộ lý tưởng cách mạng, cả cuộc sống bên ngoài lẫn tâm hồn nhà thơ đều biến thành mảnh vườn ngập tràn hương sắc, thanh âm, dạt dào sức sống. Nhịp thơ sôi nổi kết hợp với việc sử dụng hai tính từ "đậm", "rộn" và lối vắt dòng đặc sắc đã giúp nhà thơ diễn tả chân thực dòng cảm xúc dâng trào, niềm vui và niềm hạnh phúc trong buổi đầu gặp gỡ lý tưởng.
Có thể nói, khổ thơ mở đầu bài "Từ ấy" chỉ là 4 câu thơ ngắn gọn song tác giả đã cực kỳ thành công trong sử dụng nghệ thuật. Ngôn ngữ thơ tươi sáng, vui vẻ. Hình ảnh thơ sáng tạo, đẹp đẽ cùng những biện pháp tu từ đặc sắc, nghệ thuật bắc dòng khéo léo. Tố Hữu đã tái hiện một cách chân thực và mới mẻ niềm hạnh phúc, vui sướng khi được giác ngộ lý tưởng Cách mạng đồng thời ngợi ca lý tưởng cách mạng, ngợi ca Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh. Khổ thơ đã góp phần không nhỏ làm nên thành công của bài thơ và tên tuổi của Tố Hữu, đóng góp cho văn học cách mạng một thi phẩm giá trị.
Đoạn thơ khép lại nhưng mở ra những suy tư trăn trở của nhiều người đọc. Đoạn thơ đã giúp chúng ta nhận thức sâu sắc thấm thía hơn về lý tưởng cách mạng dân tộc. Nó gợi nhắc một thời khó khăn gian khổ đã qua, đồng thời nhắc nhở ta nên trân trọng, nâng niu những giá trị tốt đẹp, tin tưởng vào Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm.
Cảm nhận về khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy - Bài làm 9
Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị có nghĩa là những sự kiện chính trị có ý nghĩa lớn với Đất Nước, với cá nhân, làm thay đổi cả một đời người đều trở thành nguồn cảm hứng trong thơ Tố Hữu. Cái chất trữ tình cùng cảm xúc chân thành của nhà thơ quyện vào nhau, làm nên những vần thơ ca ngợi Đảng, ca ngợi Cách mạng.
Bài thơ "Từ Ấy" là bài thơ đánh dấu mốc son quan trọng, có ý nghĩa nhất đối với cuộc đời của nhà thơ, chính giây phút nhà thơ bắt gặp ánh sáng lí tưởng cách mạng ấy đã làm nên sự thay đổi kì diệu về nhận thức, lí tưởng của một hồn thơ thuộc về cách mạng, thuộc về nhân dân..
Và nó được Tố Hữu thể hiện rõ nét trong khổ thơ mở đầu, ta bắt gặp ngay được cái cảm xúc vui sướng, hạnh phúc, say mê của hồn thơ Tố Hữu khi lần đầu tiên bắt gặp ánh sáng lí tưởng cách mạng. Một nguồn cảm xúc thiêng liêng và chân thành xuất phát từ chính trái tim của nhà thơ. Đây cũng là xúc cảm tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu.
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim..."
Ngay từ câu thơ mở đầu đã bắt gặp hình ảnh "Từ ấy" đã đem lại sự ấn tượng và khẳng định một lần nữa khoảng thời gian mà nhà thơ bắt gặp ánh sáng lí tưởng. Nói lên cảm xúc của mình trước những giây phút thiêng liêng như thế, nhà thơ sử dụng các thủ pháp nghệ thuật: so sánh, ẩn dụ và nhân hoá hình ảnh "nắng hạ" cho ta thấy được một cái ánh nắng chói chang gay gắt của buổi trưa hè.
Khác với nhiều nhà thơ khác luôn tìm đến ánh trăng, tới cái ánh nắng của buổi chiều hạ thì Tố Hữu tìm đến cái nắng của mùa hạ. Đúng vậy, cũng chỉ có ánh nắng ấy mới toả được sự chói chang rực rỡ của lí tưởng cách mạng, mới diễn tả được hết sự sửng sốt và choáng váng của nhà thơ khi đứng trước cái lí tưởng rực rỡ như thế. Soi tỏ vào bài thơ này ta mới thấy hết được nguồn cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước ánh sáng huy hoàng của chân lý.
"Đời đen tối ta phải tìm ánh sáng
Ta đi tới chỉ một đường cách mạng"
Và dường như như thế chưa đủ để nói lên sự tỏa sáng của "lí tưởng cách mạng" nhà thơ lại tìm đến hình ảnh "Mặt trời chân lí", đó chính là biểu tượng cho lí tưởng mà nhà thơ theo đuổi. Hình ảnh mặt trời biểu hiện cho sự ấm nóng, rực rỡ và là nguồn sáng bất diệt. Đúng vậy, lí tưởng ấy đâu phải chỉ toả sáng trong phút chốc mà sẽ tỏa sáng bất diệt, là nguồn sáng vĩnh cửu, không gì có thể dập tắt nổi.
Tố Hữu gọi lí tưởng cách mạng là mặt trời chân lí bởi đó chính là nguồn sáng dẫn đường cho cuộc đời đã từng tối tăm, mù mịt của nhà thơ khi "băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời". Mặt trời chân lý ấy "chói" qua tim người nghệ sĩ. Hình ảnh trái tim là nơi chứa đựng biết bao tình cảm, cảm xúc, là nơi kết hợp giữa tâm lí và ý thức trí tuệ "mặt trời chân lí chói qua tim giống như xuyên rọi qua tất cả những tình cảm, lí tưởng của nhà thơ và cũng chỉ khi được ánh sáng ấy chiếu rọi nhà thơ mới thực sự hành động đúng, mới cảm thấy được ý nghĩa của cuộc sống mình.
Chính ánh sáng chói chang rực rỡ ấy đã làm thay đổi cuộc đời, thay đổi cả tình cảm của nhà thơ:
"Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim..."
Khác hẳn với hồn thơ khi nhà thơ còn chưa bắt gặp ánh sáng lí tưởng, hồn thơ của Tố Hữu bây giờ rạo rực, vui sướng đến nỗi được so sánh với hình ảnh "vườn hoa" đầy đủ sắc màu, tràn ngập những âm thanh của tiếng chim, mùi hương của hoa lá. Đúng vậy, tâm trạng của nhà thơ đang tràn ngập rất nhiều cảm xúc; có cái ngất ngây, say mê trước "hương thơm" của lí tưởng cách mạng, có cái rộn ràng, rạo rực vui sướng như tiếng chim kia. Nhà thơ sử dụng các động từ mạnh, cùng các thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ so sánh và đặc biệt là lối vắt dòng từ câu thứ ba xuống câu thứ tư đã góp phần lớn trong việc biểu hiện cảm xúc của mình.
“Từ ấy” đã nói một cách thật tự nhiên nhuần nhụy về lí tưởng, về chính trị và thật sự là tiếng hát của một thanh niên, một người cộng sản chân chính luôn tuôn trào trong mình mạch nguồn của lí tưởng cách mạng.
----------------------
Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Cảm nhận khổ đầu bài thơ Từ ấy cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Bài viết được tổng hợp gồm có dàn ý và các bài văn mẫu cảm nhận về khổ đầu bài thơ Từ ấy. Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm mục Soạn văn 11, soạn bài lớp 11 các bài Tác giả - Tác phẩm Ngữ Văn 11 trong sách Văn tập 1 và tập 2.
Các bài liên quan đến tác phẩm: