Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng

Phân tích bài thơ Từ ấy để thấy được tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng được nhà thơ thể hiện qua bài thơ. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về bài viết dưới đây nhé.

Dàn ý Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng - Bài mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Tố Hữu, bài thơ Từ Ấy và lý tưởng sống được thể hiện qua bài thơ.

Lưu ý: học sinh lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.

2. Thân bài

a. Phân tích bài thơ Từ ấy

Khổ thơ đầu: sự giác ngộ lí tưởng cách mạng của tác giả khi được ánh sáng của Đảng và nhà nước soi sáng. Thể hiện niềm vui sướng tột cùng khi được đứng trong hàng ngũ danh dự của Đảng; chiến đấu vì mục tiêu và lí tưởng cao đẹp.

Khổ thơ thứ hai: tác giả thể hiện sự gắn bó keo sơn, bền chặt của bản thân với cuộc đời, với những kiếp người đau khổ ngoài kia để cùng nhau góp sức tạo nên một khối đại đoàn kết dân tộc vô cùng vững mạnh, bền chặt.

Khổ thơ cuối cùng: tự nhận mình có mối quan hệ thân mật, gắn bó với những con người trên khắp mọi miền đất nước, cù bất cù bơ không nơi nương tựa, đâu đâu cũng là nhà, cũng là anh em.

→ Tư tưởng của một con người giàu lòng yêu nước, hướng về đại chúng, về mọi người, luôn khao khát được sống, được chiến đấu vì mọi người và bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc.

b. Lí tưởng sống của thanh niên hiện nay

Ngày nay chúng ta - những người trẻ tuổi đang được sống trong một đất nước yên bình, một thế hệ không có chiến tranh.

Để tiếp nối lí tưởng, truyền thống của cha ông đi trước, chúng ta phải cố gắng học tập, rèn luyện bản thân để xứng đáng với thành quả đang được thừa hưởng.

Mỗi một người trẻ hãy sống có tư duy, có lí tưởng, chan hòa, yêu thương, đoàn kết với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn hoạn nạn.

3. Kết bài

Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm đồng thời liên hệ bản thân.

Dàn ý Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng - Bài mẫu 2

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Tố Hữu

Giới thiệu chung về tác phẩm Từ ấy

2. Thân bài

a. Khổ 1: Niềm vui sướng, xúc động của nhà thơ khi giác ngộ lí tưởng cách mạng

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lát
Rất đậm hương và rộn tiếng chim

Hai câu đầu được viết theo bút pháp tự sự, nhà thơ kể lại một kỉ niệm không quên của đời mình. Từ ấy là cái mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời cách mạng và đời thơ của Tố Hữu, khi đó nhà thơ mới 18 tuổi, đang hoạt động tích cực trong phong trào thanh niên, được giác ngộ lí tưởng cộng sản, được kết nạp vào Đảng.

Nghệ thuật ẩn dụ: “nắng hạ”, “mặt trời chân lí”, “chói qua tim”, Tố Hữu khẳng định lí tưởng cộng sản như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ. Nguồn sáng ấy không phải là ánh sáng nhẹ hay ánh xuân dịu dàng, mà là ánh sáng rực rỡ của một ngày nắng hạ.

“Mặt trời chân lí”: lí tưởng cách mạng như nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ, xua tan đi không khí lạnh lẽo, u ám đang bao trùm lên tâm trạng của người dân mất nước. Ánh sáng ấy không phải thứ ánh sáng dịu nhẹ, trong trẻo, tinh khôi mà là ánh sáng rực rỡ của một ngày nắng hạ.

Hồn tôi là một vườn hoa lát
Rất đậm hương và rộn tiếng chim

Nghệ thuật so sánh

→ Diễn tả niềm vui sướng tột cùng của người thanh niên yêu nước khi tìm thấy lẽ sống đúng đắn của cuộc đời mình. Tố Hữu sung sướng đón nhận lí tưởng như cỏ cây đón ánh sáng mặt trời, chính lí tưởng cộng sản đã làm cho tâm hồn con người tràn đầy sức sống và niềm yêu đời, làm cho cuộc sống con người có ý nghĩa hơn. Cách mạng cũng đã khơi dậy một sức sống mới, đem lại một cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ.

b. Khổ 2: Những nhận thức mới về lẽ sống của nhà thơ

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

Khi được giác ngộ lí tưởng cách mạng, Tố Hữu đã khẳng định quan niệm mới về lẽ sống là sự gắn bó hài hòa giữa “cái tôi cá nhân” và “cái ta chung” của mọi người.

“Buộc”, “trang trải”: thể hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của Tố Hữu muốn vượt qua giới hạn của “cái tôi” cá nhân để sống chan hòa với mọi người, đồng cảm sâu xa với hoàn cảnh của từng con người cụ thể.

Hình ảnh ẩn dụ “khối đời”: Khi “cái tôi” chan hòa trong “cái ta”, khi cá nhân hòa mình vào tập thể cùng lí tưởng thì sức mạnh sẽ được nhân lên gấp bội. Tố Hữu đã đặt minh giữa dòng đời và trong môi trường rộng lớn của quần chúng lao khổ, ở đấy Tố Hữu đã tìm thấy niềm vui và sức mạnh mới không chỉ bằng nhận thức mà còn bằng tình cảm yêu mến, bằng sự giao cảm của những trái tim.

c. Khổ 3: Chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của Tố Hữu

Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ

Trước khi gặp cách mạng, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản. Khi ánh sáng cách mạng như "Mặt trời chân lí chói qua tim", đã giúp nhà thơ vượt qua những tầm thường ích kỉ trong đời sống tâm hồn chật hẹp để vươn đến một tình yêu "vẹn tròn to lớn".

Nghệ thuật: điệp từ, số từ ước lệ “vạn”

→ Nhấn mạnh, khẳng định một tình cảm gia đình thật đầm ấm, thân thiết, cho thấy nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc bản thân mình là một thành viên của đại gia đình quần chúng lao khổ.

Tấm lòng đồng cảm, thương xót những người nghèo khổ và căm hận trước bao bất công, ngang trái trong xã hội được nhà thơ thể hiện chân thành, xúc động. Chính vì những kiếp người nhỏ bé như vậy, người thanh niên Tố Hữu sẽ hang say hoạt động cách mạng.

3. Kết bài

Khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Văn mẫu Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng

Trong nền văn học Việt Nam, Tố Hữu được coi là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng. Từ một thanh niên trí thức tiểu tư sản, được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu đã trở thành một chiến sĩ cộng sản. Thơ Tố Hữu gắn với cuộc sống cách mạng và chính trị, thời sự đất nước. Từ ấy (1937 - 1946) là chặng đường đầu của thơ Tố Hữu. Từ ấy là bài thơ có ý nghĩa mở đầu và cũng có ý nghĩa như một tuyên ngôn về lẽ sống của một chiến sĩ cách mạng cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ. Bài thơ cũng là tâm nguyện của người thanh niên yêu nước: niềm vui sướng, say mê mãnh liệt, những nhận thức mới về lẽ sống, sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm.

Tâm trạng nhà thơ có sự vận động qua ba khổ thơ: Niềm vui sướng, say mê khi gặp lí tưởng (khổ 1); những nhận thức mới về lẽ sống (khổ 2); sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm.

Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được thể hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng, các biện pháp tu từ gợi cảm và ngôn ngữ giàu nhạc điệu.

Hai câu thơ mở đầu được viết theo bút pháp tự sự, nhà thơ kể lại một kỉ niệm không quên của đời mình:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim

Từ ấy là cái mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời cách mạng và đời thơ của Tố Hữu. Khi đó nhà thơ mới 18 tuổi, đang hoạt động tích cực trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Huế, được giác ngộ lí tưởng cộng sản, được kết nạp vào Đảng. Bằng những hình ảnh ẩn dụ: nắng hạ, mặt trời chân lí, chói qua tim, Tô Hữu khẳng định lí tưởng cách mạng như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ. Nguồn sáng ấy không phải là ánh thu vàng nhẹ hay ánh xuân dịu dàng mà là ánh sáng rực rỡ của một ngày nắng hạ. Hơn thế, nguồn sáng ấy còn là mặt trời, và là mặt trời khác thường, mặt trời chân lí - một sự liên kết sáng tạo giữ hình ảnh và ngữ nghĩa. Mặt trời của thiên nhiên đem lại cho nhân gian ánh sáng, hơi ấm, sự sống thì Đảng cũng là nguồn sáng kì diệu tỏa ra những tư tưởng đúng đắn, hợp lẽ phải, báo hiệu những điều tốt lành cho cuộc sống. Cách gọi lí tưởng như vậy thể hiện thái độ thành kính, ân tình. Thêm nữa, những động từ “bừng” (chỉ ánh sáng phát ra đột ngột), “chói” (ánh sáng có sức xuyên mạnh) càng nhấn mạnh ánh sáng của lí tưởng đã hoàn toàn xua tan màn sương mù của ý thức tiểu tư sản và mở ra trong tâm hồn nhà thơ một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng, tình cảm.

Ở hai câu sau, bút pháp trữ tình lãng mạn, cùng với hình ảnh so sánh đã diễn tả cụ thế niềm vui sướng vô hạn của nhà thơ trong buổi đầu đến với lí tưởng cộng sản. Đó là một thế giới tràn đầy sức sống với hương sắc của các loài hoa, vẻ tươi xanh của cây lá, âm thanh rộn rã của tiếng chim ca hát. Đối với khu vườn hoa lá ấy, còn gì đáng quý hơn ánh sáng mặt trời? Đối với tâm hồn người thanh niên đang băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời, còn gì quý giá hơn khi có một lí tưởng như cỏ cây hoa lá đón ánh sáng mặt trời, chính lí tưởng cộng sản đã làm tâm hồn con người tràn đầy sức sống và niềm yêu đời làm cho cuộc sống của con người có ý nghĩa hơn. Tố Hữu là một nhà thơ nên vẻ đẹp và sức sống mới ấy cũng là vẻ đẹp và sức sống mới của hồn thơ. Cách mạng không đối lập với nghệ thuật mà đã khơi dậy sức sống, đem lại một cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ.

Trong quan niệm về lẽ sống, giai cấp tư sản và tiểu tư sản có phần đề cao cái tôi cá nhân chủ nghĩa. Khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu khẳng định quan niệm mới về lẽ sống và sự gắn bó hài hòa cái tôi cá nhân và cái ta chung của mọi người. Với động từ “buộc”, câu 1 là một cách nói quá thế hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của Tố Hữu muốn vượt qua giới hạn của cái tôi cá nhân để sống chan hòa với mọi người (“trăm nơi” là một hoán dụ chỉ mọi người sống ở khắp nơi). Với từ “trang trải” ở câu 2, có thể liên tưởng tâm hồn nhà thơ trải rộng với cuộc đời, tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với hoàn cảnh của từng con người cụ thể.

Hai câu thơ sau cho thấy tình yêu thương con người của Tố Hữu không phải là thứ tình thương chung chung mà là tình cảm hữu ái giai cấp. Câu 3 khẳng định trong mối liên hệ với mọi người nói chung, nhà thơ đặc biệt quan tâm đến quần chúng lao khổ. ở câu 4, khối đời là một ẩn dụ chỉ một khối người đông đảo cùng chung cảnh ngộ trong cuộc đời, đoàn kết chặt chẽ với nhau cùng phấn đấu vì một mục tiêu chung. Có thể hiểu: khi cái tôi chan hòa trong cái ta, khi cá nhân hòa mình vào tập thể cùng lí tưởng thì sức mạnh của mỗi người sẽ được nhân lên gấp bội.

Tóm lại, Tố Hữu đặt mình giữa dòng đời và trong môi trường rộng lớn của quần chúng lao khổ, ở đấy Tố Hữu đã tìm thấy niềm vui và sức mạnh mới không chỉ bằng nhận thức mà còn bằng tình cảm mến yêu, bằng sự giao cảm của những trái tim. Qua đó, Tố Hữu cũng khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa văn học và cuộc sống, mà chủ yếu là cuộc sống của quần chúng nhân dân.

Trước khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản. Lí tưởng cộng sản không chỉ giúp nhà thơ có được lẽ sống mới mà còn giúp nhà thơ vượt qua tình cảm ích kỉ, hẹp hòi của giai cấp tiểu tư sản để có được tình hữu ái giai cấp với quần chúng lao khổ. Hơn thế, đó còn là tình thân yêu ruột thịt. Những điệp từ “là” cùng với từ “con, em, anh” và số từ ước lệ “vạn” (chỉ số lượng hết sức đông đảo) nhấn mạnh, khẳng định một tình cảm gia đình thật đầm ấm, thân thiết, cho thấy nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc bản thân mình là một thành viên của đại gia đình quần chúng lao khổ. Tấm lòng đồng cảm, xót thương của nhà thơ còn biểu hiện thật xúc động, chân thành khi nói tới những “kiếp phôi pha” (những người đau khổ bất hạnh, những người lao động vất vả, thường xuyên dãi dầu mưa nắng để kiếm sống), những em nhỏ không áo cơm “cù bất, cù bơ” (những em bé không nơi nương tựa phải lang thang vất vưởng, nay đây mai đó). Qua những lời thơ ấy, người đọc thấy được lòng căm hận của nhà thơ trước bao bất công, ngang trái của cuộc đời cũ. Chính vì những kiếp phôi pha, những em nhỏ cù bất cù bơ ấy mà người thanh niên Tố Hữu hăng say hoạt động cách mạng, và họ cũng trở thành đối tượng sáng tác chủ yếu của nhà thơ (cô gái giang hồ trong Tiếng hát sông Hương; chú bé đi ở trong Đi đi em; ông lão khốn khổ trong Lão đầy tớ; em bé bán bánh trong Một tiếng rao đêm,...).

Đến đây có thể thấy, về quan điểm nhận thức và sáng tác, bài thơ là tuyên ngôn cho tập Từ ấy nói riêng và cho toàn bộ tác phẩm của Tố Hữu nói chung. Cần nói rõ: đó là quan điểm của giai cấp vô sản với nội dung quan trọng là nhận thức sâu sắc về mối quan hệ giữa cá nhân với quần chúng lao khổ, với nhân loại cần lao.

Từ ấy là lời tâm nguyện của thanh niên yêu nước giác ngộ và say mê lí tưởng cách mạng. Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng, bằng các biện pháp tu từ và ngôn ngữ giàu nhạc điệu. Từ ấy đánh dấu một thời điểm quan trọng trong cuộc đời Tố Hữu và trong sự nghiệp thơ ca của ông. Bài thơ không ngừng hấp dẫn độc giả các thế hệ.

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng - Bài mẫu 2

Huế cái nôi của làng điệu dân ca một mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Khi nhắc đến Huế người ta sẽ nghĩ đến những người con gái dịu dàng thướt tha trong tà áo tím, nhớ đến dòng sông Hương thơ mộng. Đặc biệt hơn nữa người ta sẽ nhớ đến nhà thơ Tố Hữu – người con của đất Huế. Tố Hữu sinh ra đã thiệt thòi, thiếu thốn về tình cảm, cha thương hay đi xa, mẹ thì mất sớm. Vì vậy mà hồn thơ Tố Hữu luôn có khát khao cháy bỏng. Khát khao say mệ lí tưởng được thể hiện rõ nhất bài thơ Từ ấy. Trong nền văn học nước nhà, Tố Hữu được coi là lá cờ đầu trong nền thơ ca cách mạng. Thơ của ông gắn với cuộc sống cách mạng và chính trị thời sự, đất nước. Từ ấy là bài thơ thể hiện: niềm vui sướng, say mê mãnh liệt, những nhận thức mới về lẽ sống, sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của người thanh niên yêu nước.

Hai câu thơ mở đầu được viết theo bút pháp tự sự, nhà thơ kể lại một kỉ niệm không quên của đời mình: Niềm vui sướng, say mê khi gặp lí tưởng

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim

“Từ ấy” là câu nói để đánh dấu mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời cách mạng của Tố Hữu. Khi đó nhà thơ mới 18 tuổi, được giác ngộ lí tưởng cộng sản, được kết nạp vào Đảng. “Bừng nắng hạ, mặt trời chân lí, chói qua tim”, những hình ảnh ẩn dụ có ý nghĩa tượng trưng cho lí tưởng của đảng. Lí tưởng của đảng là chân chính, là ánh sáng nó sẽ quét sạch mây mù đen tối, đưa dân tộc đến ngày mai tươi sáng. Hình ảnh “nắng hạ” là hình ảnh của nắng hè rực rỡ, ấm áp hay là hình ảnh ẩn dụ chỉ lý tưởng Cộng Sản giống như nắng hạ rực rỡ, ấm áp, đột ngột, bất ngờ bừng sáng trong tâm hồn của nhà thơ. Mặt trời chân lý” chính là hình ảnh ẩn dụ chỉ lý tưởng Cộng Sản là một ánh sáng rực rỡ, vĩ đại, diệu kỳ, là chân lý của sự đúng đắn. “Chói qua tim” chỉ cái tính chất cũng đột ngột soi rõ, chói sáng tâm hồn nhà thơ và “tim” cũng là hình ảnh thể hiện tình cảm, tâm hồn.

Ở hai câu sau, bút pháp trữ tình lãng mạn, cùng với hình ảnh so sánh đã diễn tả niềm vui sướng vô hạn của nhà thơ trong bưởi đầu đến với lí tưởng cộng sản. Đó không chỉ là một thế giới mới với những hình ảnh đầy sức sống như hương sắc của các loài hoa, âm thanh rộn rã của tiếng chim. Mà ở đó còn có ánh sáng mặt trời, ánh sáng của Đảng, lí tưởng của Đảng đã soi sáng cho tâm hồn cho con người ấy. Chính lý tưởng của Đảng đã làm cho tâm hồn con người tràn đầy sức sống và thêm yêu đời hơn. Cách mạng không đối lập với nghệ thuật mà đã khơi dậy sức sông, đem lại một cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ.

Trong quan niệm về lẽ sống, giai cấp tư sản và tiểu tư sản có phần đề cao cái tôi cá nhân chủ nghĩa. Khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu khẳng định quan niệm mới về lẽ sống và sự gắn bó hài hòa cái tôi cá nhân và cái ta chung của mọi người. Với động từ buộc, câu một là một cách nói quá thế hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của Tố Hữu muốn vượt qua giới hạn của cái tôi cá nhân để sống chan hòa với mọi người. Với từ trang trải ở câu 2, có thể liên tưởng tâm hồn nhà thơ trải rộng với cuộc đời, tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với hoàn cảnh của từng con người cụ thể.

Ở những câu thơ tiếp theo sau khi tiếp nhận lý tưởng Đảng và hồi sinh tâm hồn, người thanh niên cộng sản Tố Hữu đã có một sự thay đổi về nhận thức, đó là phải gắn bó yêu thương những người lao khổ để siết chặt đội ngũ chiến đấu, tác giả viết:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”.

Nhà thơ nguyện buộc lòng của mình với lòng của nhân dân để tình yêu con người, tình yêu đất nước được lan tỏa muôn nơi. Hai chữ “buộc” và “trang trải” tình cảm với mọi người với trăm nơi đã thể hiện cái nhận thức khá toàn diện về một quan niệm sống mới, tức là một nhân sinh quan mới. Như vậy quan niệm về gắn bó và chia sẻ tình cảm của Tố Hữu có địa chỉ cụ thể và có mục đích cụ thể. Khổ thơ thứ hai nhà thơ đã phản ánh kết quả của lý tưởng Đảng được soi chiếu vào tâm hồn nhà thơ ở khổ thơ thứ nhất. Đó là sự hình thành một nhân sinh quan mới, đó là quan niệm sống vì mọi người vì cách mạng.

Sau khi diễn tả quá trình tiếp nhận ánh sáng Đảng, sự thay đổi nhận thức cuộc sống, nhà thơ đi đến nêu lên trách nhiệm của mình đối với cuộc đời đối với cách mạng ở khổ thơ cuối cùng. Ông đã là con của vạn nhà, là em của vạn kiếp phôi pha, là anh của vạn đầu em nhỏ không áo cơm cù bất của bơ. Ông đã tự nhận mình mình là người thân của tất cả mọi người trong đất nước, là người thân cùng sẻ chia của hàng vạn số phận. Nhà thơ nêu lên trách nhiệm của mình nhưng không phải chung chung mà rất cụ thể, rất đúng với vai trò của người thanh niên trong thời điểm thời bấy giờ.

Bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu là một bài thơ vừa có tính triết lý sâu sắc, vừa rất gần gũi, bình dị, thân thuộc. Sau mấy chục năm đọc lại, những vần thơ đó vẫn là một câu hỏi thấm thía mà những người cộng sản hôm nay không thể không suy ngẫm một cách nghiêm túc để tự mình tìm ra lời giải đáp thấu đáo. Giữa cái chung và cái riêng, giữa cộng đồng – tập thể và cá nhân, giữa vật chất tầm thường và tinh thần – tư tưởng của người cộng sản.

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng - Bài mẫu 3

Tuổi trẻ là những gì đẹp đẽ nhất mà cuộc đời chúng ta có được và trải qua. Nhắc đến tuổi trẻ là nhắc đến thanh xuân, là những năm tháng được sống hết mình để không phải hối hận khi nghĩ về nó, để không phải sống phí một cuộc đời thanh xuân chán nản, buồn thương. Và Tố Hữu cũng có một tuổi trẻ như thế, rạo rực, mê say, tuổi trẻ với ông thật rạng rỡ biết bao khi bắt gặp được lý tưởng soi rọi - lý tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam, giúp ông viết nên những vần thơ đẹp qua bài "Từ ấy". Bài thơ đã thể hiện được tâm trạng vui sướng và hào hứng của một thanh niên say mê lý tưởng, say mê cách mạng.

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim..."

Một thanh niên trẻ tuổi, sống hết mình, được giác ngộ lý tưởng của Đảng và là một thành viên của Đảng. Chàng trai trẻ kể từ ấy trở nên rạo rực hơn, phấn chấn hơn trong cả ý chí và tâm hồn, trở thành một chiến sĩ cộng sản chân chính thân yêu. Đó là kỉ niệm, mốc son chói lọi không thể nào quên trong cuộc đời tác giả. Lý tưởng cách mạng là nguồn sáng rực rỡ là ánh mặt trời soi rọi tâm hồn người chiến sĩ, sưởi ấm những lạnh giá bấy lâu lạc lối cùng đường. Một thứ ánh sáng của tự do, của chân lý vĩnh hằng không bao giờ có thể chối bỏ đã soi rọi tâm hồn, bừng sáng trái tim của nhà thơ trẻ. Đảng - ánh sáng diệu kì, mang lại niềm hy vọng sự sống cho nhân dân, tương lai tươi đẹp cho dân tộc. Người thanh niên trẻ giàu nhiệt huyết ấy dường như đang mong đợi, đón chào những chân trời phía trước - một sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tình cảm. Tâm hồn giờ đây đang rạo rực thiết tha và sinh động như tất thảy hương sắc của loài hoa, nhịp nhàng tiếng chim ca trong vườn thắng lợi. Ánh sáng cách mạng đã tiếp thêm sức mạnh cho người thanh niên trẻ yêu nước hướng tới những điều tốt đẹp, thương yêu.

"Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời"

Không phải là chủ nghĩa cá nhân, không phải đề cao cái tôi nữa mà từ khi có ánh sáng của tư tưởng cách mạng cái tôi ấy được hòa chung vào cái ta cộng đồng, vì cộng đồng. Để được sống chan hoà, vui vẻ với nhân dân với mọi người. Để cùng nhau chung sức đoàn kết gắn bó thành "khối đời", mạnh mẽ và cùng nhau tranh đấu. Đó là mong muốn thiết tha, tình cảm yêu thương, sẻ chia sâu sắc dành cho nhau giữa con người với con người, gần gũi, thân thương. Và vượt lên thế nữa, đó là tình cảm của một người thanh niên nhập cuộc, tự nguyện gắn bó mình với nhân dân, như người thân ruột thịt, chung dòng máu dân tộc. Bản thân như một thành viên trong đại gia đình nhân dân đói khổ, vươn tới những chân trời yêu thương, chân trời của sự sẻ chia, của sự tranh đấu. Và đó còn là tiếng nấc nghẹn lòng của thanh niên trẻ khi thấy những mảnh đời bất hạnh xót xa, là tiếng nói căm hờn lũ giặc tàn ác, gian manh. Tố Hữu đã nói lên tiếng nói của hàng vạn thành niên yêu nước " quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" lúc bấy giờ, là tiếng nói của những sức sống trẻ, sống và hành động, tình nguyện hết mình vì lý tưởng của Đảng, lý tưởng giải phóng dân tộc.

Bài thơ như một lời thúc giục thế hệ trẻ chúng em sống và hành động, xứng đáng với niềm tin yêu sự hi sinh của bao thế hệ cha anh. Hãy sống có lí tưởng, có mục đích học tập và phấn đấu, tình nguyện và gắn bó với mọi người, sống hết mình với tuổi trẻ, với nhân dân.

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng - Bài mẫu 4

Tố Hữu là gương mặt nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, đồng thời cũng là nhà cách mạng sôi nổi nhiệt huyết, do đó ta có thể dễ dàng bắt gặp chất trữ tình chính trị trong mỗi áng thơ văn của Tố Hữu. Hầu hết những sáng tác thơ văn của Tố Hữu đều được khơi dậy từ những sự kiện chính trị, lịch sử nên có thể nói tập hợp những sáng tác thơ văn của Tố Hữu là cuốn biên niên sử bằng thơ của cách mạng Việt Nam. Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Tố Hữu chính là Từ ấy – bài thơ thể hiện tâm trạng hân hoan vui sướng của một thanh niên say mê lí tưởng cách mạng.

Trong nền văn học cách mạng Việt Nam, Tố Hữu đóng vai trò như lá cờ đầu trong nền thơ ca ấy, với lí tưởng cách mạng sâu đậm, Tố Hữu đã gắn cuộc sống và cả sự nghiệp sáng tác của mình với cách mạng chính trị của đất nước. Bài thơ Từ ấy được sáng tác trong thời điểm vô cùng đặc biệt, đó là thời điểm năm 1938 khi Tố Hữu chính thức được giác ngộ cách mạng và đứng trong hàng ngũ của những người cộng sản. Sự biến chuyển sâu sắc, rõ nét trong tâm hồn người thanh niên trẻ được thể hiện ngay trong chính khổ thơ đầu tiên:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”

Từ ấy là mốc thời gian năm 1938 khi Tố Hữu vừa tròn 18 tuổi và chính thức trở thành người chiến sĩ cộng sản. Để thể hiện tác động mạnh mẽ của lí tưởng cộng sản đối với tâm hồn của chàng thanh niên trẻ tuổi, Tố Hữu đã sử dụng hàng loạt những hình ảnh giàu chất gợi hình “nắng hạ”, “mặt trời chân lí”, “vườn hoa lá”.

Trong cảm nhận của Tố Hữu, lí tưởng của Đảng chính là mặt trời chân lí, là ánh sáng có thể xua đi bóng tối nô lệ, mang đến ánh sáng của tự do, hạnh phúc cho cả dân tộc.”Nắng hạ” lại là ánh nắng ấm áp bất chợt bừng sáng trong tâm hồn nhà thơ. “Chói qua tim” chỉ cái đột ngột, mạnh mẽ của sự tác động của Đảng đối với cuộc sống, thế giới tâm hồn của nhà thơ.

Khi được giác ngộ cách mạng, Tố Hữu đã khẳng định lẽ sống, lí tưởng sống cao đẹp của mình, tác giả tự nguyện gắn bó hài hòa với tất cả những con người lao động cùng khổ trong xã hội để làm thành “khối đời” vững chắc:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”

Tác giả đã gắn cái tôi cái nhân với cái ta chung của cộng động để gắn kết, tạo ra mối quan hệ gần gũi, gắn bó với bao người cùng khổ để cùng sống, cùng chiến đấu với nhân dân để cùng thực hiện trách nhiệm với đất nước, quê hương.

Từ “buộc” và “trang trải” đã thể hiện tình cảm thống nhất cùng nhận thức sâu sắc về mối quan hệ gắn bó, đồng cảm, sẻ chia của tác giả và những con người trong xã hội. Sau khi đã khẳng định lẽ sống của bản thân, nhà thơ đã đi đến khẳng định trách nhiệm, vị trí của bản thân trong khối đời vững mạnh đó:

“Tôi đã là con của vạn là
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ”

Bài thơ Từ ấy tiếng lòng đầy say mê, hào hứng của chàng trai khi bắt gặp ánh sáng của cách mạng. Tâm trạng của nhà thơ được thể hiện bằng hàng loạt những hình ảnh tươi sáng, đa nhạc điệu. Tiếng thơ hào hứng, tiếng lòng say mê ấy của Tố Hữu sẽ không ngừng hấp dẫn độc giả các thế hệ sau nữa.

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng - Bài mẫu 5

Tố Hữu là nhà thơ lớn trong thời đại chúng ta. Với ông, con đường cách mạng cũng là con đường thơ. Năm 1938, mới 18 tuổi, nhà thơ được vinh dự trở thành người chiến sĩ cộng sản của Đảng. Bài thơ "Từ ấy" vang lên như một tiếng reo vui thể hiện niềm vui sướng tự hào của một thanh niên học sinh yêu nước bắt gặp ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin.

Bài thơ đước viết theo thể thơ thất ngôn ca ngợi lí tưởng cách mạng và mang tên tình yêu giai cấp của người chiến sĩ trẻ.

Khổ thơ mở đầu cất lên như một lời hát say mê, nồng nàn, vần thơ tràn ngập ánh sáng:

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim".

"Từ ấy”, là từ thuở ấy (9-1938), nhà thơ vui sướng, hân hoan chào đón "Mặt trời chân lí chói qua tim". Giữa những năm tháng nô lệ, lầm than, tủi nhục, người chiến sĩ trẻ cảm thấy được hồi sinh "bừng nắng hạ". "Mặt trời chân lí" là hình ảnh ẩn dụ rất sáng tạo nói về ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lenin. Lí tưởng cách mạng, lí tưởng cộng sản chủ nghĩa soi sáng nhận thức, mở mang tâm hồn trí tuệ, làm cho cuộc đời đầy sắc màu ý nghĩa. Lòng "tôi" và con đường cách mạng "bừng nắng hạ" chói chang, ấm áp. Trái tim "tôi" có "Mặt trời chân lí chói qua...". Ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin soi rọi vào tâm hồn. Dưới ánh sáng lí tưởng, tâm hồn “ đẹp biết bao, dào dạt sức sống như một vườn xuân rực rỡ trong muôn sắc màu "hoa lá", ngào ngạt "đậm hương” và "rộn tiếng chim" hót ca. Ngoài nghệ thuật sáng tạo hình ảnh ẩn dụ, so sánh, Tố Hữu đã chọn lọc một số từ có giá trị gợi tả và biểu cảm đặc sắc (bừng, chói, đậm, rộn) để ca ngợi lí tưởng và tình yêu lí tưởng. Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, nhà thơ xứ Huế có nhiều vần thơ độc đáo, đậm đà:

"Khi ta đã say mùi hương chân lí

Đời đắng cay không một chút ngọt bùi

Đời đau buồn không một tiếng cười vui

Đời đen tối phải đi tìm ánh sáng”

("Như những con tàu" - 1938)

Có thể nói, Tố Hữu là nhà thơ viết hay nhất về lí tưởng cách mạng bằng bút pháp lãng mạn tuyệt đẹp. Ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin thật vô cùng kì diệu. "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” ( Aragông - Pháp). Yêu nước mà bắt gặp chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản đã giác ngộ tinh yêu giai cấp. Khổ thơ thứ hai nói lên sự gắn bó với mọi người", "với trăm nơi "với bao hồn khổ" với giai cấp” và nhân dân lao động nghèo khổ đang bị đế quốc, phong kiến bóc lột, áp bức dã man. Các từ ngữ: "buộc", "trang trải", "gần gũi" - biểu lộ sự gắn bó thiết tha với thế giới cần lao, với "khối đời" - khối công nông liên minh:

"Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồn tôi vời bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời".

Người chiến sĩ trẻ, người thanh niên cộng sản trên con đường cách mạng quyết tâm chiến đấu và hi sinh để thực hiện lí tưởng cao cả, đã nhận thức một cách sâu sắc về tình yêu giai cấp: "Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời".

Hơn bao giờ hết, cái tôi đã chan hòa trong cái ta rộng lớn. Thân thiết và yêu thương, tự giác và tự nguyện, đông đảo và rộng lớn: "là con của vạn nhà", "là em của vạn kiếp phôi pha", "là anh của vạn đầu em nhỏ... Các từ: "là", các số từ "vạn" được điệp lại ba lần làm cho lời ước nguyện thiết tha chân thành, thấm thía xúc động:

"Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm cù bất cù bơ".

Nhà thơ đã có một cách nói rất truyền cảm về tình yêu giai cấp, tình yêu nhân dân. Trái tim nhân ái cộng sản chủ nghĩa sáng bừng lên dưới "mặt trời chân lí", dưới ánh sáng của niềm tin, ánh sáng của Cách mạng.

Tố Hữu đã sáng tạo nên những vần thơ giàu hình tượng và nhạc điệu để ca ngợi lí tưởng cách mạng và tình yêu giai cấp, tình yêu nhân dân. Tình cảm cao đẹp ấy được thể hiện một cách chân thành và say mê. "Từ ấy" là tiếng lòng của một hồn thơ đẹp, trẻ trung đã trở thành tiếng hát của hàng triệu con người hướng về Đảng và Cách mạng. Đọc "Từ ấy" ta càng cảm thấy một cách sâu sắc lời tâm sự của Tố Hữu: "Lòng tôi vui sướng vô cùng khi cảm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin soi rọi vào tâm hồn tươi trẻ của mình".

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng - Bài mẫu 6

Tố Hữu — một tiếng thơ trữ tình chính trị xuất sắc nhất của dòng Văn học cách mạng kháng chiến Việt Nam. Người đã thổi vào thơ ca cách mạng một luồng sinh khí nồng nàn - rạo rực hăm hở tâm huyết của người lính trẻ, với chất giọng đằm thắm chân thành ngọt ngào của người dân xứ Huế mộng mơ, thơ Tố Hữu dường như đã thấm đẫm chân lí của thời đại, chân lí giác ngộ cách mạng, khi bắt gặp lí tưởng Đảng:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim.

Từ ấy là tập thơ đầu tiên của Tố Hữu (1937 - 1947). Đây là chặng đầu mười năm thơ Tố Hữu cũng là năm hoạt động sôi nổi, say mê từ giác ngộ qua thử thách đến trưởng thành của người thanh niên cách mạng trong một giai đoạn lịch sử sôi động đã diễn ra nhiều biến cố to lớn làm rung chuyến và thay đổi sâu sắc của xã hội Việt Nam.Có thể nói với Từ ấy đã đánh dấu sự trưởng thành của hồn thơ Tố Hữu, đây là sứ khẳng định lí tưởng của một chiến sĩ trẻ khi đã có Đảng dẫn lối soi đường.

Bài thơ này Tố Hữu đã bày tò cảm xúc mãnh liệt đột ngột, cảm xúc thực của một trái tim đang khao khát được giác ngộ, để đi theo chân lí của cách mạng, dể tìm ra một hướng đi cho tương lai. Mở đầu bài thơ, tác giả đã dùng từ Từ ấy rất độc đáo - không hiểu là từ khi nào, thói quen không được xác định rõ ràng, cũng không phải là dạo ấy, dạo đó, hay là từ ngày đó... mà người chỉ dùng một cụm từ từ ấy, đế diễn tả tâm trạng của mình khi bắt gặp lí tưởng cho cuộc đời. Từ ấy trong tôi bùng nắng hạ - là câu thơ như chợt tỉnh giấc sau một đêm dài mộng mị, qua từ bừng câu thơ như trở nên có hồn hơn, tâm trạng khi xao xuyến, khi thì rạo rực băn khoăn hớn hở. Tố Hữu đã rất tinh tế khi dùng câu thơ này đế diễn tả một cái tôi bản ngã của một chàng thanh niên 19 tuổi đang băn khoăn đứng giữa cuộc đời: Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước - Chọn một dòng hay dể nước trôi đi. Thì cùng lúc đó người đã giác ngộ lí tướng cách mạng. Ánh sáng lí tưởng đã chiếu rọi vào tâm hồn trẻ làm bùng nổ một thế giới đầy hương sắc, tràn trề sức sống và niềm vui. Sự gặp gở lí tướng đã dẫn đến sự đổi thay cơ bản mối quan hệ con người với toàn bộ thế giới, đem lại sự gắn bó ruột thịt với muôn người lao khổ để tạo thành sức mạnh to lớn của cách mạng. Sự gặp gỡ lí tưởng cũng đã tạo nên một cái tôi trữ tình kiểu mới trong thơ: Cái tôi tự ý thức sâu sắc về mình đồng thời là cái tôi gắn bó với muôn người, ở giữa mọi người. Cái tôi ấy đã hòa chung vào với cộng đồng khi đã thấy:

Mặt trời chân lí chói qua tim.

Mặt trời - là một biện pháp tu từ ẩn dụ, để chiếu ánh sáng lí tướng cách mạng, mặt trời ấy có đủ sức mạnh và ánh sáng chân lí để soi rọi bao con người, bao chiến sĩ trẻ, bao thanh niên trí thức chưa được giác ngộ. Chi có mặt trời ấy mới đủ chân lí vĩnh cửu để soi rọi bao nẻo đường, chiếu sáng mọi ngõ ngách trong sâu thẳm của trái tim.

Niềm vui tràn trề của một tâm hồn hòa vào niềm hân hoan của cả một thế hệ thanh niên cách mạng cũng đã tạo nên một cảm xúc ngây ngất say mê, trong bài Hi vọng, Tố Hữu đã viết:

Ô vui quá! Rộn ràng trên vạn nẻo

Bốn phương trời vào theo dấu muôn chân

Củng như tôi, tất cả tuổi đương xuân

Chen bước nhẹ trong giỏ đầy ánh sáng.

Tố Hữu đã bộc lộ một cảm xúc, một niềm tin vào tương lai: Người thanh niên cách mạng tự cảm thấy:

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim

Tâm hồn của cái tôi trữ tình lúc này đã được mở rộng, để đón nhận những chân lí tuyệt vời mà Đảng đã đem lại, những hương vị tuyệt vời của cuộc sống đang nô nức reo vui vào một niềm vui mới, niềm vui khi đã có Đảng dẫn đường. Tố Hữu đã dùng biện pháp so sánh vì hồn tôi lúc này như là một vườn hoa lá - lại có cả hương thơm và rộn rã tiếng chim. Hương vị ngọt ngào của cuộc đời thực đã phai màu trong suy nghĩ của người thanh niên cách mạng, niềm tin của người thanh niên cách mạng mặc dầu mang màu sắc lí tưởng hóa, nhưng lại rất chân thành và trong trẻo là tâm huyết mãnh liệt của người chiến sĩ trẻ.

Từ ấy đã thể hiện được bầu nhiệt huyết mãnh liệt của người chiến sĩ trẻ, của một cái tôi trữ tình buổi đầu nặng trĩu những ưu tư, ưu phiền của cuộc đời. Song đã bắt gặp được lí tưởng cách mạng. Bài thơ là tiếng reo vui của con người đối với cuộc đời, của niềm tin vào một tương lai sáng huy hoàng, vào chân lí của cách mạng.

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng - Bài mẫu 7

Tố Hữu là một trong số những cây bút tiêu biểu của nền văn học Việt Nam nói chung và thơ ca cách mạng nói riêng. Suốt cả cuộc đời gắn bó với cách mạng, những trang viết của Tố Hữu luôn ánh lên những tư tưởng lớn, tình cảm và lẽ sống lớn. Bài thơ "Từ ấy" ra đời năm 1938 là một trong số những sáng tác xuất sắc nhất của ông. Bài thơ đã thể hiện rõ lý tưởng của người thanh niên ngày nay.

Như chúng ta đã biết, lý tưởng là những mục đích sống tốt đẹp, là lẽ sống, mục đích phấn đấu của mỗi người và từng ngày, từng giờ họ đang không ngừng cố gắng, nỗ lực để đạt được nó. Lí tưởng luôn có vai trò, ý nghĩa to lớn đối với tất cả mọi người, trong mọi thời đại.

Từ cách hiểu, cách lý giải đó có thể dễ dàng nhận thấy bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu đã thể hiện một cách rõ nét, chân thực và sâu sắc lí tưởng sống tốt đẹp của thanh niên ngày nay.

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Từ ấy chính là mốc thời gian, là giây phút hạnh phúc khi tác giả đón nhận được ánh sáng lý tưởng của Đảng, được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hình ảnh "mặt trời chân lý" là một hình ảnh ẩn dụ độc đáo và giàu ý nghĩa. Nếu mặt trời của thiên nhiên chiếu ánh sáng tới muôn loài, muôn vật thì Đảng chính là mặt trời, là ánh sáng tuyệt diệu soi sáng, dẫn đường, chỉ lối cho giai cấp vô sản, cho nhân dân đến những ngày tháng tươi đẹp. Giây phút ấy, với người thanh niên, Đảng chính là lí tưởng, là ánh sáng và trong nỗi niềm rạo rực lên niềm sung sướng, hạnh phúc đến khôn nguôi.

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim.

Với hình ảnh so sánh độc đáo, dường như hai câu thơ đã làm bật nỗi niềm sung sướng, niềm vui như đã hóa thành âm thanh, màu sắc của tác giả khi bắt gặp lí tưởng của đời mình. Không chỉ xác định được lí tưởng của mình, người thanh niên trong "Từ ấy" của Tố Hữu còn nỗ lực biến lý tưởng ấy thành hiện thực, thành nhận thức của bản thân. Lí tưởng ấy đầu tiên được thể hiện ở lẽ sống tốt đẹp, sống chan hòa, đoàn kết với mọi người, hòa cái tôi cá nhân vào trong cái ta chung của cả cộng đồng, dân tộc.

Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với muôn nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.

Tố Hữu đã thể hiện lẽ sống gắn với cộng đồng, với mọi người bằng hàng loạt các từ ngữ, hình ảnh giàu giá trị và sức gợi. Động từ "buộc" đã thể hiện sự tự nguyện gắn bó, thắt chặt với những người xung quanh. Cùng với đó, tác giả còn sử dụng các từ láy "trang trải", "gần gũi" đã thể hiện sự mở lòng, mở rộng trái tim, vòng tay của mình để thấu hiểu, để cảm thông, để gắn bó với mọi người. Như vậy, trong lí tưởng sống của mình, người thanh niên đã hòa vào cái chung của cộng đồng, để đoàn kết, để yêu thương.

Thêm vào đó, lí tưởng của người thanh niên qua bài thơ "Từ ấy" còn được thể hiện ở lối sống yêu thương đồng bào, không phân biệt giai cấp, dân tộc.

Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm, cù bất cù bơ

Từ tình yêu thương, muốn gắn bó với nhân dân lao động, tác giả đã biến mình thành một người con trong đại gia đình lao động ấy. Với việc sử dụng cấu trúc khẳng định "đã là" đã thể hiện ý thức tự giác và sự chắc chắn trong tác giả. Không dừng lại ở đó, nhà thơ còn cụ thể hóa mối quan hệ của mình với các thành viên trong gia đình thông qua việc sử dụng phép liệt kê "con của vạn nhà', "em của vạn kiếp phôi pha", "anh của vạn đầu em nhỏ" kết hợp với điệp từ là và các từ ngữ xưng hô "con", "em", "anh".

Như vậy, có thể thấy, bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu đã thể hiện một cách chân thực và rõ nét những lí tưởng của thanh niên trong mọi thời đại. Đồng thời, qua đó cũng gợi lên trong chúng ta nhiều bài học đáng suy ngẫm về lí tưởng sống, về mục đích sống và sự nỗ lực, cố gắng của bản thân.

----------------------

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng. Mong rằng qua đây các bạn có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 11.

Để học tốt môn Ngữ văn 11, mời các bạn cùng tham khảo thêm một số tài liệu tại các chuyên mục:

Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm:

Đánh giá bài viết
9 48.496
Sắp xếp theo

    Ngữ văn lớp 11

    Xem thêm