Ôn thi đại học môn Văn: Bình giảng bài thơ Tràng giang của Huy Cận
Ôn thi đại học môn Văn: Bình giảng bài thơ Tràng Giang của Huy Cận là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các bạn, đặc biệt các bạn đang luyện thi tốt nghiệp THPT môn Văn, luyện thi Đại học môn Văn. Hy vọng các bạn sẽ có thêm cảm nhận cũng như ý tưởng mới về tác phẩm sau khi tham khảo tài liệu.
BÌNH GIẢNG BÀI THƠ TRÀNG GIANG
BÌNH GIẢNG BÀI THƠ TRÀNG GIANG CỦA HUY CẬN
Đời người không khỏi có những lúc bước chân lang thang đưa ta đến những sông hồ, bờ bãi, biển cồn, núi cao, đèo dốc…những không gian trời nước mênh mông. Nghĩa là ta sẽ phải đối diện với cái vô cùng vô tận của không gian, cái vô thủy vô chung của thời gian. Khi ấy, ngay cả những người vô tâm nhất cũng không tránh khỏi cảm giác cô đơn. Bởi người ta thấy rõ hơn bao giờ hết rằng con người thật là nhỏ nhoi, kiếp người chỉ là thoáng chốc. Đời người sao quá phù du! Ta bỗng thấy mình như đang bơ vơ lưu lạc giữa cái mênh mông của đất trời, trôi nổi trong cái xa vắng, rợn ngợp của thời gian. Ta bỗng thấy cái chơi vơi giữa thế gian này! … Ấy là lúc có thể đọc thơ Huy Cận. Bởi đó là thế giới của Lửa thiêng, thế giới của Tràng giang. Thi sĩ đã cất lên giùm ta cái cảm xúc, cái nỗi niềm nhân thế đó.
Ngày trước, để bênh vực cho bài Tràng giang (cũng là bênh vực cho Thơ Mới), người ta đã phải viện ra cái kỉ niệm của một chiến sĩ nào đó mà rằng: một người cách mạng như thế cũng rất yêu hai câu đầu của bài Tràng giang, vậy bài thơ này là lành mạnh, nỗi buồn ở đấy là trong sáng, chứ không có hại gì! Rồi ngay cả Xuân Diệu cũng phải lập cả một hàng rào che quanh để bênh vực cho lòng yêu thiên nhiên của bài thơ. Không, lòng yêu thiên nhiên tạo vật tự nó là một giá trị, ngang hàng với những tình yêu khác. Lòng yêu thiên nhiên là một cảm xúc thuộc về nhân tính. Tự nó không cần bảo vệ!
Tràng giang không nhất thiết phải là sông Hồng, sông Cửu Long, đó cũng có thể là Hoàng Hà, Hằng Hà,Vonga, Dương Tử, … cũng được chứ sao. Tràng giang là một tạo vật thiên nhiên. Nó có thể được gợi Ý, gợi tứ từ sông Hồng, từ một chỗ đứng xác định là bến Chèm. Nhưng khi đã thành hình tượng “tràng giang” thì nó đã khước từ mọi địa danh, địa chỉ cụ thể để trở thành một tạo vật thiên nhiên phổ quát rồi. Lòng yêu của thi sĩ trong đó là một lòng yêu dành cho thiên nhiên, tạo vật, một lòng yêu có ở hết thảy con người! Và đó chính là tầm vóc đáng phải có của bài thơ này!
Cảm hứng của bài thơ quả là cảm hứng không gian. Không gian được trải ra từ mặt sông lên tận chót vót đỉnh trời, không gian được mở ra từ thẳm sâu vũ trụ vào tận thăm thẳm tâm linh con người. Ấy là một thế giới vừa được nhìn bằng sự chiêm nghiệm cổ điển vừa được cảm nhận bằng tâm thế cô đơn của một cái tôi hiện đại, rất đặc trưng cho thơ Mới. Có lẽ vì thế chăng mà Tràng giang hiện ra như một bức tranh tạo vật trường cửu, lớn lao, vừa hoang sơ, vừa cổ kính, trong đó thi sĩ hiện lên như một lữ thứ đơn độc, lạc loài?