Viết bài làm văn số 6 lớp 11 đề 3: Hãy phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử. Làm thế nào để khắc phục được thái độ đó

Tài liệu Viết bài làm văn số 6 lớp 11 đề 3: Hãy phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử. Làm thế nào để khắc phục được thái độ đó đã được VnDoc tổng hợp và đăng tải để phục vụ các bạn học sinh có kết quả cao hơn trong học tập. Mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.

Học tốt Ngữ văn 11: Viết bài làm văn số 6 đề 3

1. Dàn ý Viết bài làm văn số 6 đề 3

a. Mở bài

Nêu ra vấn đề (thực trạng hiện nay là chất lượng dạy và đặc biệt nhấn mạnh là chất lượng học tập của học sinh có chiều hướng giảm sút đi rất nhiều, một trong số những nguyên nhân là thái độ thiếu trung thực trong thi cử, gian lận, quay cóp dẫn đến học giả thi giả...).

b. Thân bài

- Giải thích thái độ thiếu trung thực là gì?

+ Thiếu trung thực là làm không đúng, không tôn trọng ý kiến của mình, với những gì đã có, đã xảy ra.

+ Trong thi cử, thiếu trung thực là gian lận, coi trọng điểm chác mà bỏ qua kiến thức thực (đoạn này nêu luôn biểu hiện của thái độ thiếu trung thực).

- Nguyên nhân của việc thiếu trung thực trong thi cử xuất phát từ chính bản thân mỗi học sinh.

+ Học trò lười học, học không hết bài mà muốn được điểm cao thì phải gian lận thôi.

+ Có những người cũng có kiến thức xong cứ đến giờ kiểm tra là họ không thể tự chủ được bản thân, không tự tin và họ không dám tin rằng mình có thể làm được bài mà không cần đến sách, thế là quay bài.

- Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận nguyên nhân cũng một phần xuất phát từ bên ngoài.

+ Ba mẹ nào cũng muốn con mình học hành giỏi giang nên gây áp lực: nào học thêm, nào con nhất định phải đạt học sinh giỏi... khiến các con cũng phải oằn mình gánh lấy ước muốn lớn lao của cha mẹ cho dù không phải ai cũng "thông minh vốn sẵn tính trời."

+ Một số người ưa thành tích ép chỉ tiêu, ép số lượng khiến học giả, thi giả nên đánh phải thiếu trung thực mà vớt được số lượng như mong muốn.

- Tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử.

+ Không có kiến thức khi bước vào đời.

+ Gian lận được mộ lần mà có thể trót lọt thì lần sau họ sẽ tiếp tục gian lận để vươn tới vị trí cao hơn.

+ Người có chí dễ bi quan do nhiều người không bằng họ xong lại có vị trí cao hơn nhờ quay cóp, luồn cúi.

+ Bằng giả, bằng thật ai biết đâu mà lần. Nhưng rồi tấm bằng cũng quyết định một phần quan trọng trong việc tìm công ăn việc làm sau này nên nhiều người cứ vin vào đó để tiếp tục gian lận.

+ Xã hội sẽ mất niềm tin vào ngành giáo dục của đất nước, chất lượng giảm sút không thể nâng cao vị thế nền giáo dục trên trường quốc tế.

- Biện pháp khắc phục

+ Học bài, cố gắng học thật tốt vào và hãy tự tin vào bản thân, tin rằng thế hệ 8x, 9x chúng ta cóp thể làm được ngay cả những điều mà chúng ta nghĩ mình không làm được, hãy dũng cảm thoát li khỏi cuốn sách, quyển vở trong giờ kiểm tra, không vụ lợi, không vì điểm số, không thành tích giả.

+ Kiên quyết chống bệnh thành tích, đề cao nhân tài có thực tài thực chất.

+ Khen thưởng, động viên kịp thời những đối tượng đầu tàu, gương mẫu trong vấn đề gạt bỏ mặt tiêu cực trong ngành giáo dục hiện nay.

c. Kết bài

- Bày tỏ niềm tin rằng trong tương lai, thái độ thiếu trung thực này sẽ được khắc phục.

2. Văn mẫu lớp 11: Viết bài làm văn số 6 đề 3 mẫu 1

Trung thực là một phẩm chất đạo đức cao quý của con người. Rèn luyện đức tính trung thực ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một yêu cầu hàng đầu, góp phần tạo nên nhân cách đẹp đẽ cho mỗi con người sau này. Tuy nhiên, hiện tượng thiếu trung thực trong học tập, gian lận trong thi cử ngày càng trở nên phổ biến trong nhà trường. Điều này gây ra những tác hại khôn lường. Chúng ta phải khắc phục ngay thái độ này.

Thế nào là trung thực? "Trung" ở đây nghĩa là một lòng một dạ, không thay đổi, còn "thực" là cách phát âm khác của từ "thật", có nghĩa là thật thà, thành thật. "Trung thực" nghĩa là tôn trọng sự thật, là dám đứng lên bảo vệ sự thật, là dám nhận lỗi, sửa lỗi, nhất là luôn thành thật với bản thân, với mọi người: thật lòng, nói thật, làm thật... Tóm lại, trung thực là luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lí, lẽ phải; sống ngay thẳng thật thà và dám dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm. Người có đức tính trung thực là người sống hết lòng với mọi người, thật thà, ngay thẳng, luôn nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật, chân thành trong cách đối xử với mọi người, luôn nhìn nhận khách quan về các sự việc trong cuộc sống, luôn tôn trọng và bảo vệ chân lí, bảo vệ lẽ phải.

Còn thế nào là thiếu trung thực? Thiếu trung thực là đi ngược lại sự trung thực, là làm sai lệch tính đúng đắn của sự việc. Thiếu trung thực trong thi cử là những cử chỉ, hành động vi phạm quy chế thi cử. Đây là những việc làm gian dối, lừa bịp để thi đậu, đạt được bằng cấp.

Những biểu hiện thiếu trung thực trong thi cử rất đa dạng, muôn hình muôn vẻ: có khi theo kiểu "cổ điển" như quay cóp, giở tài liệu (phao), thi hộ thi thay, đánh dấu bài, cả bộ đề thi được phô tô thu nhỏ giấu vào trong quần áo, giày tất để mang lọt vào phòng thi. "Hiện đại" hơn thì làm bài thi theo hướng dẫn từ bên ngoài qua điện thoại di động có lắp tai nghe, được ngụy trang tinh vi để qua mắt giám thị... Không chỉ thí sinh mà cả thầy cô giáo cũng có thái độ sai. Việc cố tình để lộ đề thi ở trường này, trường khác, hiện tượng giám thị gợi ý, thậm chí đọc bài giải cho thí sinh chép cũng có, dù biết rằng những hành động đó vi phạm nội quy thi cử. Một số phụ huynh nông nổi, cạn nghĩ cũng có những hành động tiêu cực như ném phao, nhờ người giải bài, thuê người thi hộ, đe doạ giám thị... để "hỗ trợ" con em thi "đỗ".

Vì sao học sinh lại có thái độ thiếu trung thực trong thi cử? Những học sinh có thái độ sai trái trong thi cử phần lớn là do lười biếng, không muốn mất nhiều công sức học tập nhưng lại muốn được điểm cao. Đã lười học thì không thể nào nắm vững các kiến thức cơ bản và phương pháp làm bài tập của từng môn học. Cho nên lúc làm bài, họ chỉ có một trong hai cách là quay cóp bài của bạn hoặc giở tài liệu đã chuẩn bị sẵn dưới nhiều hình thức khác nhau được gọi là "phao". Mặt khác, cơ chế thi cử ở nước ta cũng là mảnh đất màu mỡ cho hiện tượng thiếu trung thực phát triển.

Ngoài ra xét kĩ, chúng ta sẽ thấy thái độ thiếu trung thực trong thi cử có liên quan đến các hiện tượng tiêu cực khác như thói giả dối và bệnh thành tích... Sâu xa hơn, nó bắt nguồn từ nhận thức lệch lạc về mục đích và tầm quan trọng của việc học đối với sự hình thành nhân cách con người. Ngay từ ngày xưa, tổ tiên chúng ta đã có quan điểm hết sức đúng đắn là học để làm người. Tiên học lễ, hậu học văn, tức là trước hết phải học lễ giáo (những điều giáo dục về khuôn phép sống theo tư tưởng Nho giáo). Có thể hiểu đơn giản là học phép cư xử, học đạo lí nhân nghĩa trước, sau đó mới học chữ thánh hiền (chữ Nho) để có được những kiến thức cơ bản trong việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Lời khẳng định tầm quan trọng của sự học có giá trị như chân lí muôn đời:

"Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lí".

(Ngọc không mài không sáng. Người không học không biết đâu là đạo lí).

Thái độ thiếu trung thực trong thi cử chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người nghĩ một cách đơn giản và nông cạn là hiện tượng thiếu trung thực trong thi cử không hại đến ai, đến điều gì nên người nào gian lận được thì cứ việc gian lận. Thực ra, gian lận trong thi cử là một tệ nạn gây tác hại nghiêm trọng và lâu dài cho xã hội, quốc gia. Trước hết, hiện tượng thiếu trung thực sẽ phá vỡ sự nghiêm túc cần phải có ở chốn trường thi, biến thi cử thành một trò đùa may rủi. Không thể để sự lộn xộn, phản giáo dục như thế tồn tại mãi vì giáo dục không đơn thuần là vấn đề truyền thụ kiến thức mà trước hết là vấn đề dạy dỗ, rèn luyện tư cách, đạo lí làm người. Thiếu trung thực là biểu hiện của sự thoái hoá nhân cách, đánh mất lòng tự trọng và phụ lòng tin của mọi người đối với mình. Khởi đầu bằng sự dối trá, gian lận thì tất yếu không thể có được một kết quả tốt đẹp trong cuộc đời. Bên cạnh đó, hiện tượng thiếu trung thực trong thi cử sẽ tạo ra sự bất công giữa người chăm chỉ, thật thà và kẻ lười nhác, dối trá; làm đảo lộn mọi giá trị tài năng và đạo đức trong xã hội. Ngành giáo dục bị ảnh hưởng nhiều nhất về mặt chất lượng vì sai lầm trong giáo dục là sai lầm nguy hiểm nhất. Nó không chỉ ảnh hưởng xấu đến một cá nhân mà còn gieo rắc tai hoạ cho cả một thế hệ. Một cử nhân "dỏm", một thạc sĩ, tiến sĩ học giả mà bằng thật đã làm giảm sút uy tín của ngành giáo dục rất nhiều. Những người tài sơ đức thiểu như thế mà làm công việc đào tạo thì chất lượng sản phẩm con người mà họ đào tạo ra sẽ như thế nào? Hơn nữa, thiếu trung thực trong thi cử tất yếu sẽ sản sinh ra những con người yếu kém về nhân cách và tài năng. Những con người ấy nếu nhờ thân thế mà được sắp đặt vào các vị trí quan trọng trong xã hội thì họ sẽ gây ra những hậu quả khôn lường, gây thiệt hại to lớn cho nhân dân, đất nước.

"Gốc của học tập là học làm người".

(Ngạn ngữ Trung Quốc)

Để khắc phục thái độ thiếu trung thực trong thi cử, chúng ta phải làm gì? Chúng ta có suy nghĩ gì về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống? Trong khi thi, trung thực là phải làm bài bằng thực lực và chấp nhận đỗ đạt bằng thực chất của mình. Còn gian lận là làm mọi cách để đỗ bằng được, không cần thực chất. Người trung thực phải là người biết rõ: Trung thực trong khi thi dù bị rớt vẫn vinh dự hơn đỗ đạt nhờ gian lận. Cho nên trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin-côn (1809 - 1865) viết:

"Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi".

"Nói không với thái độ thiếu trung thực trong thi cử" đang là một vấn đề cần thiết phải làm ngay đối với ngành giáo dục. Bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục ý thức trung thực là những biện pháp kỉ luật nghiêm minh, đủ sức răn đe những thí sinh có ý định gian lận trong thi cử. Trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có sự đổi mới trong cách ra đề thi, đòi hỏi người thi phải có tư duy và phương pháp làm bài chứ không tạo cơ hội cho họ sao chép. Đổi mới cách ra đề thi là một cách hạn chế tiêu cực trong thi cử khá hiệu quả. Mặt khác, công tác coi thi cần được thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm. Nếu giám thị coi thi không nghiêm túc thì không thể đòi hỏi sự nghiêm túc ở thí sinh. Đối với các thí sinh có thái độ không trung thực trong thi cử cũng cần xử phạt nghiêm khắc tùy theo mức độ như trừ điểm hay huỷ bài thi, thậm chí cấm dự thi vĩnh viễn. Những điều sai trái trong thi cử phải bị xử lí trước pháp luật. Có như vậy mới lập lại được trật tự kỉ cương nơi trường thi và mới xoá bỏ được bất công: kẻ lười biếng, dốt nát, dối trá thì đỗ, còn người chăm chỉ, học khá, trung thực thì lại trượt. Hi vọng trong một thời gian không xa, các kì thi sẽ trở nên nghiêm túc và trường thi đúng là nơi đánh giá chính xác về mặt chất lượng học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên. Các kì thi sẽ là nơi đọ sức, so tài để phát hiện ra những hiền tài phục vụ cho sự nghiệp dựng xây đất nước giàu mạnh. Thật đáng buồn trước thái độ thiếu trung thực trong thi cử! Vì đằng sau chuyện gian lận thi cử là ngần ấy thí sinh bị kỉ luật, đình chỉ thi. Hiện tượng này báo hiệu sự xuống cấp đạo đức xã hội trong đó có đạo dức của học sinh, sinh viên. Mục đích thi cử rõ ràng là để lựa chọn những người đủ tâm, đủ tài cho đất nước. Cho nên ngay từ bây giờ mọi người hãy hưởng ứng tích cực cuộc vận động của ngành giáo dục: "Nói không với thái độ thiếu trung thực trong thi cử". Và bản thân học sinh phải nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của việc học để chú ý trau dồi, rèn luyện cả đức lẫn tài, vì:

"Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó".

3. Văn mẫu lớp 11: Viết bài làm văn số 6 đề 3 mẫu 2

Nếu được gọi tên xã hội hiện tại, tôi sẽ gọi đây là một xã hội giả dối. Vì sao ư? Vì mọi thứ đều có thể làm giả được. Từ đồ ăn, thực phẩm đến bằng cấp, thậm chí là con người. Đó là hệ quả tất yếu của thái độ thiếu trung thực, đặc biệt là thiếu trung thực trong thi cử của chúng ta trong suốt một thời gian dài khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Trung thực là thành thật, thẳng thắn, tôn trọng sự vật, sự việc, quá trình như đúng những gì ta chứng kiến, theo lẽ phải và sự công bằng. Thiếu trung thực chính là sự giả dối, lươn lẹo làm cho sự thật bị bóp méo, trái với lẽ phải và công bằng. Sự thật nếu đã bị bóp méo thì không còn là sự thật nữa. Và hẳn nhiên, nếu đã không còn là sự thật thì kết quả dù có thể nào thì cũng không còn giá trị. Thiếu trung thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều là điều không thể chấp nhận. Thiếu trung thực trong thi cử thì lại càng không. Thiếu trung thực trong thi cử là hành động gian dối trong các kỳ thi hay kiếm tra. Thực chất đây chính là hành động ăn cắp kiến thức một cách trắng trợn của một bộ phận không nhỏ những con người nhỏ nhen, ích kỷ với chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi.

Kết quả của các kỳ thi hay kiểm tra chỉ có giá trị trong một thời điểm nhất định chứ nó không thể là thước đo để định giá giá trị của một con người. Bởi vốn dĩ các cuộc thi hay kỳ kiểm tra được đề ra là để đánh giá năng lực của người học trong một giai đoạn nhất định, từ đó ta có thể thấy được mình đang ở đâu, đang thiếu gì cần bổ sung và khắc phục. Nhưng bản chất của các kỳ thi sẽ thay đổi nếu như nó không còn giữ đúng được mục đích đề ra ban đầu của mình. Hành động gian đối trong thi cử là một hành động sai trái, thiếu công bằng và cần phải loại bỏ ngay khỏi suy nghĩ, trong tiềm thức của tất cả chúng ta.

Nếu đã là sự giả dối thì nó sẽ kéo theo hàng loạt những hệ lụy giống như khi ta bắt đầu một lời nói dối thì ta sẽ phải nói dối thêm hàng nghìn lần để có thể khớp với lời nói dối ban đầu. Đã sai sẽ lại càng sai.

Thiếu trung thực hay gian dối trong thi cử trước hết sẽ làm thay đổi kết quả của cuộc thi khiến cho việc đánh giá năng lực của người thi không còn đúng nữa. Những người học thực sự sẽ bị đánh đồng với những kẻ lười biếng, ỷ lại. Công bằng ở đâu khi người thì học ngày học đêm, kẻ thì nhởn nhơ bay nhảy để cuối cùng hai người được đánh giá như nhau? Vẫn biết cuộc đời vốn dĩ không công bằng nhưng nếu không có sự công bằng ngay trên ghế nhà trường thì khi ra ngoài xã hội kia, nhân cách và thế giới quan của chúng ta sẽ bị lệch lạc và méo mó đến nhường nào?

Gian dối trong thi cử đồng nghĩa với việc không học tập, không làm việc nghiêm túc trong suốt cả cuộc hành trình. Và điều đương nhiên, những con người ấy sẽ chẳng có gì trong đầu, dù là những thứ đơn giản nhất. Chúng ta gian lận trong mọi kỳ thi để có được thành quả một cách dễ dàng. Điều đó có nghĩa thành công đến với chúng ta như một điều đương nhiên, dù không cần bỏ ra chút công sức hay thật sự cố gắng một giây phút nào. Nếu kẻ gian dối may mắn qua được tất cả các kỳ thi, ta sẽ nhận vào xã hội một cái đầu rỗng tuếch, không làm được việc, không có tính kỷ luận, không cố gắng. Cả một xã hội nếu chỉ toàn những cái đầu rỗng thì chúng ta sẽ phát triển thế nào?

Người xưa nói “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt” để nhắc nhở chúng ta về việc hình thành một thói quen xấu. Việc gian lận trong thi cử suốt một thời gian dài sẽ tạo ra cho ta một thói quen. Đó là sự lười biếng, ỷ lại. Lâu dần thói quen sẽ ăn vào máu trở thành một phần của tính cách, sự lươn lẹo, giả dối. Sẽ chẳng ai có thể đặt niềm tin vào một con người thiếu trung thực. Đã gian dối được một lần, hà cớ gì họ lại không gian dối lần thứ hai nữa? Làm việc hay chơi cùng với những người gian dối ta sẽ luôn trong tâm thế đề phòng, cảnh giác vì họ có thể phản bội và bán đứng ta bất cứ lúc nào. Lòng tin là thứ ta phải dùng cả đời để xây dựng nhưng ta lại có thể đánh mất nó một cách dễ dàng trong vài phút. Chắc hẳn chúng ta vẫn còn ngỡ ngàng trước thông tin Tập đoàn Khải Silk buôn bán lụa giả nhập từ Trung Quốc số lượng lớn với giá rẻ và bán ra thị trường với giá cao ngất ngưởng sau khi được phù phép với mác lụa Việt Nam. Danh tiếng 15 năm gây dựng lòng tin nơi người tiêu dùng bốc chốc sụp đổ như làn khói mỏng. Cả một “đế chế” bỗng chốc trở thành kẻ lừa lọc, gian dối. Cho dù có cố gắng giải thích, phân trần hay chối bỏ trách nhiệm thì vết nhơ của sự gian dối sẽ không bao giờ có thể trắng lại được. Người tiêu dùng sẽ không ai dám tin tưởng dùng sản phẩm của Khải Silk nữa.

Con người là tế bào của xã hội. Nếu xã hội toàn những con người thiếu trung thực, gian dối, lừa lọc thì bản chất của xã hội ấy chính là sự giả dối. Sự giả dối đã trở thành bản chất thì đạo đức bị xuống cấp cũng đâu có gì lạ? Khi mọi phạm trù đạo đức bị đạp đổ bởi lợi ích cá nhân: ăn cắp kiến thức, ăn trộm thành quả lao động của người khác, lừa dối niềm tin của người tiêu dùng...thì sớm muộn gì không gian xã hội cũng bị thu hẹp lại chỉ còn một màu đen xám xịt. Cuộc sống còn ý nghĩa gì khi xung quanh ta toàn những chiếc mặt nạ của sự giả dối? Có mệt mỏi không khi cứ phải gồng mình cười nói với những thứ ta ghê tởm? Có thấy lạc lõng không khi cứ phải luồn cúi để trượt dài theo những giá trị phù phiếm, của cái tôi vị kỷ hẹp hòi. Cả một xã hội chạy theo thành tích, chạy theo sự hào nhoáng bề ngoài thì tụt hậu rồi chết là điều có thể lường trước được.

Vậy thì, phải làm thế nào để có thể khắc phục được thái độ thiếu trung thực trong thi cử? Mọi sai lầm đều xuất phát từ cá nhân mỗi người, đừng bao giờ tìm cách đổ lỗi cho bất kỳ ai, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Mỗi cá nhân đều là một tế bào của xã hội, tế bào ấy khỏe mạnh thì cả cơ thể sẽ hồng hào, đầy sức sống. Vì thế, mỗi chúng ta đều cần tự ý thức được về tác hại của việc thiếu trung thực, trong bất cứ việc gì, đặc biệt là trong thi cử. Hãy nghiêm khắc với chính bản thân mình để hình thành thói quen trung thực, thẳng thắn và biến nó thành tính cách của mình. Người ta thường nói, thật thà thẳng thắn thường thua thiệt. Nhưng cái thua thiệt ấy chỉ là cái lợi trước mắt, chỉ cả cái nhỏ nhặt, không có giá trị. Thua thiệt một chút nhưng cái mà ta nhận được là lòng tin, là tình yêu và sự kính trọng của mọi người đối với mình. Đó chẳng phải là giá trị lớn nhất của một con người sao?

Thế giới đều khâm phục tinh thần tự chủ, tự cường và phong cách sống của người Nhật. Đi bất cứ đâu ta cũng nghe thấy người ta ca ngợi hoặc nhắc tới đất nước ấy với một thái độ trân trọng. Chúng ta cũng cần phải học hỏi người Nhật, thay đổi tư duy ích kỷ, nhỏ nhen, tủn mủn lúc nào cũng đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, mà thay vào đó hãy là lợi ích chung của cộng đồng. Điều đó không có nghĩa là ta sẽ bỏ qua nhu cầu của cá nhân mà chỉ đơn giản là ta bớt ích kỷ và chia sẻ nhiều hơn thôi. Chúng ta cũng cần thay đổi nhận thức và quan niệm giáo dục. Nền giáo dục của ta đang bị chi phối bởi bệnh thành tích, bệnh sĩ. Đó là hai căn bệnh cố hữu, đã ăn sâu bén rễ trong tâm hồn người Việt từ bao đời nay. Dù rất khó để thay đổi nhưng hãy cố gắng thay đổi: nói không với thành tích, nói không với gian lận. Ta chỉ tìm được người tài khi ta đánh giá họ theo đúng thực lực của bản thân họ và những gì họ cống hiến được cho đất nước, cho sự phát triển của loài người.

Từ trước đến giờ, tôi vẫn luôn sống với quan niệm, những thứ có được bằng việc gian dối sẽ giống như cầu vồng sau mưa. Đẹp đấy. Lung linh đấy. Nhưng nó chỉ tồn tại được trong chốc lát. Cái còn lại sau cùng là ta có được gì sau những lần gian dối ấy. Thiếu trung thực trong bất kỳ điều gì cũng không thể chấp nhận. Thiếu trung thực trong thi cử thì lại càng không.

------------------------------------

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Viết bài làm văn số 6 lớp 11 đề 3: Hãy phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử. Làm thế nào để khắc phục được thái độ đó. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Hóa học lớp 10, Giải bài tập Hóa học lớp 11, Hóa học lớp 12, Thi thpt Quốc gia môn Văn, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử, Thi thpt Quốc gia môn Địa lý, Thi thpt Quốc gia môn Toán, đề thi học kì 1 lớp 11, đề thi học kì 2 lớp 11 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Đánh giá bài viết
1 1.609
Sắp xếp theo

    Ngữ văn lớp 11

    Xem thêm