Từ ấy

Ngữ văn lớp 11: Từ ấy

Bài thơ Từ ấy của Tố Hữu thuộc chương trình học Ngữ văn lớp 11, các bạn học sinh đang cần tìm đọc hiểu bài thơ Từ ấy hãy tham khảo tài liệu của VnDoc.com, VnDoc đã tổng hợp toàn bộ bài thơ và những tài liệu tham khảo liên quan sẽ giúp các bạn học sinh soạn bài lớp 11 và nắm chắc bài thơ một cách dễ dàng. Mời các bạn học sinh tham khảo tài liệu lớp 11: Từ ấy.

Từ ấy

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim...

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ...

Tháng 7-1938

Bài thơ này được sử dụng trong chương trình SGK Ngữ văn 11 từ 2007.

Nguồn:

1. Thơ Tố Hữu, NXB Giáo dục, 2003.

2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004.

I. Đôi nét về tác giả Tố Hữu

- Tố Hữu (1920-2002) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành.

- Tố Hữu giác ngộ cách mạng từ rất sớm (mười sáu tuổi đã tham gia phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên, mười tám tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương). Cả cuộc đời ông gắn bó với cách mạng.

- Với Tố Hữu lí tưởng đấu tranh cách mạng là lẽ sống và cũng là nguồn cảm hướng vô tận của thi ca.

- Các tác phẩm chính:

+ thơ: Lượm (1949), Từ ấy (1946), Việt Bắc (1954), Gió lộng (1961), Ra trận (1962-1971), Máu và Hoa (1977), Từ Cuba, Một tiếng đờn (1992), Ta với ta (1999).

+ tiểu luận: Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, Thời đại ta, Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật.

- Đặc điểm sáng tác:

+ thơ Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh cách mạng nên các chặng đường thơ cũng song hành với các giai đoạn của cuộc đấu tranh ấy đồng thời thể hiện sự vận động trong tư tưởng nhà thơ.

+ thơ ông có sự hòa quyện giữa chất trữ tình chính trị ở nội dung và tính dân tộc đậm đà trong nghệ thuật.

II. Đôi nét về tác phẩm Từ ấy (Tố Hữu)

1. Hoàn cảnh sáng tác

- Tháng 7 năm 1938 Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Để ghi lại kỉ niệm đáng nhớ ấy, ông đã viết bài thơ Từ ấy.

- Bài thơ rút ra từ phần Máu lửa của tập thơ Từ ấy.

2. Bố cục

- Đoạn 1: niềm vui sướng, say mê khi bắt gặp lí tưởng cộng sản.

- Đoạn 2: nhận thức mới về lẽ sống.

- Đoạn 3: sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm.

3. Giá trị nội dung

- Bài thơ là lời tâm nguyện của người thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng cộng sản.

4. Giá trị nghệ thuật

- Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được thể hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng, các biện pháp tu từ và ngôn ngữ giàu nhạc điệu.

III. Dàn ý phân tích Từ ấy (Tố Hữu)

1. Niềm vui sướng, say mê khi bắt gặp lí tưởng cộng sản

a. Hai câu đầu

- Từ ấy là phút giây đầu tiên tác giả đón nhận ánh sáng của lí tưởng cộng sản. Đó là phút giây thiêng liêng trong cuộc đời nhà thơ.

- Lí tưởng cộng sản là ánh nắng hạ chói chang tỏa ra từ mặt trời chân lí ⇒ đó là thứ ánh sáng của sự sống, của lí tưởng đúng đắn, cao đẹp.

- Nhà thơ đã đón nhận bằng cả trái tim và khối óc, tâm hồn nhà thơ như bừng tỉnh. Hai động từ bừng, chói đã đặc tả sự thay đổi bất ngờ, mạnh mẽ ấy.

b. Hai câu cuối

- Tâm hồn nhà thơ diễn ra cuộc tái sinh màu nhiệm. lí tưởng cộng sản như chiếc đũa thần biến tâm hồn tàn lụi lâu nay của nhà thơ bỗng chốc thành vườn hoa lá rực rỡ sắc hương và rộn ràng tiếng chim.

- Nhịp thơ linh hoạt, biến hóa, lối thơ vắt dòng khiến đoạn thơ như tiếng reo vui hân hoan, như khúc ca sôi nổi chứa chan niềm thành kính, tri ân với Đảng.

2. Nhận thức mới về lẽ sống

- Trước khi bắt gặp lí tưởng cộng sản tâm hồn nhà thơ thu vào cái tôi cô đơn, sầu buồn, bế tắc như bao nhà thơ cùng thời

- Từ khi bắt gặp lí tưởng tâm hồn nhà thơ thay đổi diệu kì:

+ nhà thơ hòa vào khối đời chung vào cuộc sống của những người lao khổ để cùng phấn đấu vì lí tưởng cao cả.

+ ông tự nguyện gắn kết đời mình với mọi người, với trăm nơi, với bao hồn khổ.

+ mà sự gắn kết ấy mới máu thịt, thiết tha làm sao: gắn bó bằng cả tấm lòng, cả tâm hồn, cả trái tim.

+ gắn kết để sẻ chia, tạo nên sức mạnh lớn lao, tạo nên khối đại đoàn kết vì độc lập tự do của dân tộc.

- Hàng loạt điệp từ, điệp cấu trúc khiến lời thơ rắn rỏi như lời thề thiêng liêng.

3. Sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm

- Tự nhận mình là con, là anh, là em, là anh của vạn nhà, vạn kiếp phôi pha, vạn đầu em nhỏ, Tố Hữu đã trở thành thành viên của đại gia đình – quần chúng nhân dân lao động.

- Tình cảm giai cấp bỗng chốc đầm ấm, thân thương như tình cảm gia đình.

- Hàng loạt các điệp từ là, của kết hợp chặt chẽ với lặp cấu trúc ngữ pháp thể hiện sự sâu sắc, bền chặt trong tình cảm nhà thơ với quần chúng nhân dân lao động.

- Dấu ba chấm cuối bài thơ như sự kết đọng bao cảm xúc sâu lắng, tha thiết, mạnh mẽ.

4. Nghệ thuật

- Bài thơ giàu nhạc điệu (cách ngắt nhịp thay đổi liên tục theo cảm xúc, có sức ngân vang).

- Các biện pháp tư từ so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ được sử dụng linh hoạt, hiệu quả.

- Hình ảnh tươi sáng, rực rỡ.

Tài liệu liên quan đến bài thơ Từ ấy

Giáo án Ngữ văn 11 tuần 24 bài: Từ ấy

Bài giảng Từ ấy-Tố Hữu

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng

Văn mẫu lớp 11: Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

Đánh giá bài viết
1 2.988
Sắp xếp theo

    Ngữ văn lớp 11

    Xem thêm